Chỉ mục bài viết

 

Phần 1. Giai đoạn 1890 - 1939

* Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911

Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại một căn nhà có tên gọi là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông.

Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế á ca, bài Ca hớt tóc, v.v.. Thầy phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng, như động Thiềng Đức, bãi biển Thương Chánh.

* Khoảng cuối năm 1912

Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh. Toàn văn bức thư như sau: “Hy Mã Nghi Bá đại nhân, Cách lâu không tiếp được tôn tín, không hay bác hành chỉ thế nào và sự thể bên ta thế nào? Và cháu muốn biết như cháu có thể gặp bác trước lúc bác đi hay không, vì cháu rất cần một ít tôn hội, xin bác trả lời liền cho cháu biết vì chừng nào trong tuần lễ cháu sẽ xuống tàu"đi chưa biết đi đâu". Kính chúc bác, M. Trường, em Dật và các đồng bào yên hảo”.

* Khoảng cuối năm 1917: Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp.

* Tháng 11- 1919

- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc gặp ông Pie Pátxkiê (Pierre Pasquier), một quan chức Bộ Thuộc địa Pháp theo giấy mời đề ngày 14-11-1919 của Chánh Văn phòng Bộ Thuộc địa.

Cuộc gặp mặt này nói về tổ chức nghi lễ tại Đền Nôgiăng (Nogent), nơi nhà cầm quyền Pháp lập nên để tưởng niệm binh lính Đông Dương đã chết trong chiến tranh 1914 - 1918.

Khi ông Pátxkiê hỏi: “Việc lập đền thờ các tử sĩ Đông Dương ở Nôgiăng sẽ tác động đến dân Nam như thế nào?”, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Về tình cảm thì chưa rõ nhưng giá như quan tâm nhiều hơn về vật chất cho vợ con họ thì tốt hơn”.

Nguyễn Ái Quốc nói thêm: “Mỹ sau 10 năm đã cho Philíppin tự trị, Nhật vừa cho Triều Tiên tự trị sau 14 năm. Sao Pháp chưa làm gì cho Đông Dương?”.

Nguyễn Ái Quốc hứa với ông Pátxkiê là sẽ đến dự lễ, nhưng các bạn của anh thì không chắc vì họ còn phải làm việc...

* Tháng 11-1920

- Ngày 3: Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam dự cuộc họp do nhóm Uỷ ban Quốc tế III Quận 13 tổ chức tại 167 phố Soadi.

- Ngày 4: Bài viết Ở Đông Dương, đăng trên báo L'Humanité. Người nhắc lại những cuộc đình công của lính thuỷ Việt Nam ở Hải Phòng ngày 15-8-1920 khi hai chiếc tàu chuẩn bị đưa một số lớn lính pháo Việt Nam sang Xiri (Syrie), bài báo nêu rõ: "Chúng tôi cực lực phản đối việc đưa lính An Nam sang Xiri... Nước Pháp đang để cho hàng triệu anh em chúng ta chết đói, trong khi đó hàng nghìn người khác bị đưa sang Tiểu Á làm bia đỡ đạn".

- Ngày 9: Lúc 9 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc dự mít tinh tại phòng Vagram, đại lộ Vagram (Wagram) do Đảng Xã hội tổ chức để kỷ niệm lần thứ 3 Ngày thành lập nước Nga Xôviết.

- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội tại 163 đại lộ Ôpitan.

- Ngày 19: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội tại 167 phố Soadi.

- Ngày 27: Nguyễn Ái Quốc viết thư cho một người Việt Nam quen biết ở Mácxây, khuyến khích người đó gửi cho những tin tức từ trong nước để làm tài liệu viết báo. Lá thư này đã bị Sở Kiểm duyệt giữ lại, dịch sang tiếng Pháp và gửi về Bộ Thuộc địa.

* Tháng 11-1921

- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Hội liên minh nhân quyền Pháp. Bức thư nêu bảy yêu cầu cấp thiết đối với nhân dân Việt Nam là: Ân xá chính trị phạm, cải cách pháp luật, tự do báo chí và tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do xuất dương và du lịch ở nước ngoài, v.v..

Người đề nghị hội hãy tích cực can thiệp, đòi Chính phủ Pháp phải thực hiện những yêu sách tối thiểu và cấp thiết nói trên đối với nhân dân Việt Nam.

- Ngày 18: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của một người bạn Pháp tên là Uylixơ Lơrisơ (Ulisse Leriche), hẹn gặp vào thứ bảy 19-11-1921 tại phố Môngmáctơrơ (Monmartre). Lơrisơ cho biết sẽ đến họp Ban Nghiên cứu thuộc địa vào thứ tư tuần sau.

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc còn nhận được thư của một người Nhật tên là Kômátsư báo tin bị ốm, nên đã không đến dự cuộc họp tối ngày 17-11 và chưa gửi được bản thảo về Đảng Lao động ở Nhật cho Nguyễn Ái Quốc.

- Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp Chi bộ Quận 17 Đảng Cộng sản Pháp tại số nhà 100 phố Cácđinê. Ở cuộc họp này, chi bộ công nhận Nguyễn Ái Quốc từ Chi bộ Quận 13 chuyển sang, là đảng viên của Chi bộ Quận 17.

- Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc tham gia dự thảo bản báo cáo của Tiểu ban Đông Dương thuộc Pháp trong Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp.

Bản báo cáo chủ yếu đề cập đến công tác tuyên truyền cần được tiến hành dưới sự lãnh đạo và đôn đốc của Đảng, trong tất cả các thuộc địa của Pháp và cả xứ được gọi là bảo hộ.

"Công tác tuyên truyền này thực hiện:

a. Bằng các báo chí xuất bản ở Pháp.

b. Bằng diễn đàn của các đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của Nghị viện.

c. Bằng các hội nghị.

d. Bằng mọi phương thức thích hợp với đối tượng, với trình độ giáo dục và văn minh của quần chúng bản xứ ở các thuộc địa".

* Tháng 11-1922

- Ngày 1: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Vụ hành hạ Amđuni và Ben Benkhia, đăng trên báo Le Paria, số 8.

Kể về tội ác của một tên chủ người Pháp đã đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với hai người công nhân bản xứ giúp việc chỉ vì "hai anh này hình như đã có lấy trộm vài chùm nho", tác giả tố cáo ách thống trị dã man tàn bạo, sự lật lọng tráo trở của bọn thực dân Pháp đối với nhân dân Tuynidi mà một thời đã được chúng vuốt ve, trìu mến và ca ngợi là "mối tình ruột thịt đã đời đời gắn chặt vào trong xương máu và quang vinh".

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là thành viên của Ban Nghiên cứu thuộc địa Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tham gia dự thảo Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Pháp gửi những người bản xứ ở các thuộc địa. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp đã nhất trí thông qua lời kêu gọi này, chính thức công bố trên báo Le Paria, ngày 1-11-1922.

Mở đầu, lời kêu gọi tố cáo những tội ác mà quân xâm lược đã gây ra ở các thuộc địa, làm cho người dân thuộc địa "mất hết tự do", "phải lao động mà không được thu gặt thành quả", "khủng bố", "áp dụng những luật lệ tàn khốc", "lập ra toà án cho các bạn", "khắt khe và đẫm máu", bắt lính để thoả mãn lòng tham của chúng...

Lời kêu gọi chỉ rõ những người vô sản ở chính quốc cũng là "nạn nhân của những bạo ngược của họ" và "chúng tôi chống lại họ".

Kết thúc, lời kêu gọi viết: "Vì hoà bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức!".

- Ngày 2: Bài viết Sự chăm sóc ân cần, đăng trên báo L'Humanité. Với giọng văn châm biếm, Người đã vạch trần sự giả dối trong những lời hứa hão, trong những câu nói tỏ lòng "tri ân" của tên Toàn quyền Đông Dương đối với những người lính Đông Dương đã "tình nguyện" chết "vì mẫu quốc" mà thực tế người ta "xích tay họ lùa đến các địa điểm tập trung", thậm chí "dìm trong biển máu" những cuộc biểu tình, các cuộc khởi nghĩa của họ chứ đâu có được hưởng sự chăm sóc ân cần như chúng nói.

* Tháng 11-1923

- Ngày 29: Ba bài viết của Nguyễn Ái Quốc dưới các nhan đề Chính sách thực dân Anh; Phong trào công nhân; Nhật Bản, đăng trên báo La Vie Ouvrière.

Theo tác giả bài Chính sách thực dân Anh thì ngày nay chủ nghĩa tư bản Anh đã không thoả mãn với những đặc quyền đặc lợi mà họ giành được trước đây ở Trung Quốc “Họ muốn làm hơn thế nữa kia: họ muốn chiếm cả Trung Quốc làm thuộc địa”. Bài báo đồng thời nêu rõ nhân dân Trung Quốc, không phân biệt chính kiến, đều chống lại cái chính sách thực dân trá hình này và mong rằng “Trước sự đe doạ của chủ nghĩa tư bản Anh, những người con của Trung Quốc sẽ biết đoàn kết với nhau để phản kháng thắng lợi”.

Bài Phong trào công nhân, nêu chín điểm chính trong các yêu sách của giai cấp vô sản có tổ chức của Trung Quốc và nhận định về phong trào công nhân Trung Quốc như sau: “Chỉ sau khi Chiến tranh thế giới kết thúc, giai cấp vô sản Trung Quốc mới bắt đầu được tổ chức một cách chặt chẽ, song họ đã thu được một số thắng lợi to lớn trong các cuộc đình công. Mặc dù bị bọn quân phiệt đàn áp và bọn thống trị ngoại lai cản trở, các tổ chức của họ vẫn phát triển bình thường và có thể nói là nhanh nữa. Hiện nay những người thuỷ thủ, công nhân luyện kim, công nhân đường sắt là những lực lượng thật sự mà bọn tư bản buộc phải coi trọng”.

Bài Nhật Bản, viết về sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức công nhân công nghiệp và công nhân nông nghiệp ở Nhật Bản, đồng thời cho biết bên cạnh phong trào vô sản đó, các phong trào có tính chất cách mạng cũng lan rộng, tiêu biểu đó là phong trào Eta - một phong trào của những người trong đẳng cấp thấp hèn nhất ở đế quốc Mặt trời mọc, do ảnh hưởng của những người vô sản đã giác ngộ, họ đã thức tỉnh và biết tổ chức nhau lại để đấu tranh, từ một “phong trào lúc đầu với tư cách là cuộc đấu tranh của lớp người riêng lẻ thì hiện nay đã trở thành cuộc đấu tranh giai cấp”.

* Tháng 11-1924

- Ngày 11: Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc).

- Ngày 12: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc gửi ba bức thư về Mátxcơva:

+ Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản.

+ Thư gửi đồng chí Đômban (Dombal), Tổng thư ký Quốc tế Nông dân.

+ Thư gửi Ban biên tập Tạp chí Rabốtnhitxa.

Các bức thư đều ghi địa chỉ mới của Người: "Ô. Lu, Hãng thông tấn Rôxta, Quảng Châu, Trung Quốc".

Toàn văn ba bức thư trên như sau:

1- Thư gửi một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản:

"Quảng Châu, ngày 12-11-1924

Đồng chí thân mến,

Chỉ có một dòng chữ để báo cho đồng chí biết rằng tôi đã đến đây hôm qua, và đang ở nhà đồng chí Bôrôđin với 2 hoặc 3 đồng chí Trung Quốc. Tôi chưa gặp ai cả.

Mọi người ở đây đều bận về việc bác sĩ Tôn lên phương Bắc.

Tôi sẽ viết thư cho đồng chí sớm.

Xin gửi lời chào anh em của tôi đến đồng chí và tất cả các đồng chí chúng ta ở Quốc tế Cộng sản.

Nguyễn Ái Quốc".

2- Thư gửi đồng chí Đômban:

“ Quảng Châu, ngày 12-11-1924

Gửi đồng chí Đômban, Tổng thư ký Quốc tế Nông dân,

Đồng chí thân mến,

Chuyến đi của tôi từ Mátxcơva được quyết định hơi đột ngột, và tôi không thể báo trước cho đồng chí điều đó. Tôi xin đồng chí thứ lỗi và chuyển sự tạ lỗi của tôi đến các đồng chí chúng ta ở Hội đồng.

Ở đây, chúng ta có một phong trào nông dân rất đáng chú ý: dưới sự bảo trợ của Quốc dân Đảng và sự lãnh đạo của những người cộng sản, những nông dân nghèo đã tự tổ chức lại. Về phía các địa chủ, họ cũng có tổ chức nhưng tất nhiên với mục đích khác. Đây là một cơ hội tuyệt diệu cho việc tuyên truyền của chúng ta. Vậy tôi đề nghị đồng chí vui lòng gửi cho tôi tất cả mọi tài liệu mà đồng chí có thể có như các báo, các tuyên ngôn, v.v.. Tôi sẽ đảm nhiệm thu xếp với các đồng chí chúng ta ở đây để phổ biến chúng.

Về việc liên quan tới vị trí của tôi là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân thì đồng chí cứ làm nếu như đồng chí xét là tốt hoặc là đề nghị thay thế tôi, ở trường hợp này đồng chí nói là tôi ốm, chứ đừng nói là tôi vắng mặt, bởi vì tôi sống bất hợp pháp ở đây. Hoặc là nếu đồng chí thấy có ích thì cứ giữ lại cái danh nghĩa dân thuộc địa Nguyễn Ái Quốc trang trí cho những tuyên ngôn và những lời kêu gọi của Hội đồng.

Xin gửi đồng chí và tất cả các đồng chí của chúng ta lời chào cộng sản"

3- Thư gửi Ban biên tập Tạp chí Rabốtnhitxa:

"Quảng Châu, ngày 12-11-1924

Các nữ đồng chí thân mến,

Khi tôi còn ở Quốc tế Cộng sản, tôi phấn khởi được đôi lần cộng tác với tờ báo của các đồng chí. Nay tôi muốn tiếp tục sự cộng tác ấy. Nhưng vì ở đây tôi hoạt động bất hợp pháp, cho nên tôi gửi bài cho các đồng chí dưới hình thức "Những bức thư từ Trung Quốc" và ký tên một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng làm như vậy những bài viết có tính chất độc đáo hơn và phong phú hơn đối với độc giả, đồng thời cũng bảo đảm giấu được tên thật của tôi.

Xin các đồng chí gửi đều đặn cho tôi không chỉ riêng báo của các đồng chí, mà cả những sách báo Nga mà phụ nữ và thiếu nhi có thể ưa thích, bởi vì ở đây còn phải làm nhiều việc vận động phụ nữ và thiếu nhi, nhưng các đồng chí của chúng ta ở đây lại chưa có đủ tài liệu huấn luyện và tuyên truyền. Về phần tôi, tôi hứa sẽ cung cấp cho các đồng chí tin tức về phong trào phụ nữ ở phương Đông nói chung và ở Trung Quốc nói riêng.

Nếu cần phải trả tiền đặt mua các thứ báo mà các đồng chí sẽ gửi cho tôi, xin các đồng chí cứ giữ lại tiền thù lao các bài báo tôi viết để trả.

Xin các đồng chí nhận lời chào cộng sản của tôi"

Kèm theo bức thư này, Nguyễn Ái Quốc gửi Tạp chí Rabốtnhitxa một bài báo nhan đề Thư từ Trung Quốc, số 1 ký tên Loo Shing Yan - nữ đảng viên Quốc dân Đảng, viết về thân phận của phụ nữ Trung Quốc dưới ách áp bức của đế quốc và bọn quân phiệt Trung Quốc, những dấu hiệu ban đầu của phong trào đấu tranh của phụ nữ Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.

Người nêu lên tình cảnh nước Trung Hoa đang bị kìm kẹp tàn nhẫn trong hai gọng kìm: Đế quốc nước ngoài và bọn quân phiệt Trung Quốc. “Sự áp bức đè nặng lên chúng tôi, nhưng chúng tôi bị áp bức nặng nề hơn gấp nghìn lần đàn ông…”.

Tiếp đó, Người viết: “Tiếng vang của cách mạng Nga làm cho chúng tôi dường như thoát khỏi cơn ác mộng đau đớn”. Cách mạng Nga đã làm cho những người phụ nữ Trung Quốc hiểu rằng phụ nữ cũng phải có quyền sống và làm việc và để giành được quyền đó “chúng tôi cũng phải đấu tranh như những đàn ông và cùng với đàn ông chống lại những kẻ bóc lột chúng tôi".

Người nhắc đến nữ đồng chí Bôrôđin đã góp phần giúp đỡ hướng dẫn phụ nữ Trung Quốc hiểu thêm cách mạng Nga.

Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Người ta chưa bao giờ thấy phấn khởi nhiều như thế trong phụ nữ chúng tôi. Đó thật sự đã là cuộc cách mạng nhỏ!".

* Tháng 11-1925

- Ngày 5: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân nêu những nhận xét về tình cảm, nguyện vọng, trình độ văn hoá, tâm lý, thái độ chính trị của nông dân Trung Quốc qua những báo cáo và nghị quyết của Đảng bộ Quốc dân Đảng Quảng Đông.

Thư cũng cho biết Nguyễn Ái Quốc chưa chính thức liên lạc được với Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng như chỉ thị của Đoàn Chủ tịch.

Cuối thư ký tên: Nilốpxki (NAQ.)

* Tháng 11-1926

- Ngày 13: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc với tư cách "đặc phái viên" của báo, viết bài đầu tiên trong loạt bài Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi gửi về cho báo L'Annam, một tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp ở Nam Kỳ do ông Phan Văn Trường làm chủ nhiệm.

Bài viết thông báo về những thắng lợi đầu tiên của Quân cách mạng Quốc dân trong cuộc Bắc phạt do Tôn Trung Sơn phát động nhằm mở rộng thành quả cách mạng trong phạm vi cả nước, về những lục đục phe phái trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh, về thái độ của các cường quốc nước ngoài với Quảng Châu.

Nói về nhiệt tình của dân chúng đối với Chính phủ Quốc dân, Nguyễn Ái Quốc nhận xét: "Sự nồng nhiệt của nhân dân chứng tỏ người Trung Quốc biết ơn dường nào vị lãnh tụ vĩ đại quá cố đã khơi dậy nơi họ ý chí tự giải phóng khỏi ách áp bức về ngoại giao mà bây giờ không gì có thể biện hộ được".

Về quan hệ giữa các cường quốc với Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc nhận định: Họ "không phải là chính thức thừa nhận Chính phủ Quốc dân ở Quảng Châu mà là thực hiện một kế hoạch nhằm làm suy yếu Trung Quốc và đặt nước này dưới sự thống trị hoàn toàn của ngoại bang (...). Mưu mô này nhất định đã được Chính phủ Quốc dân nhận thấy, và những biện pháp thoả đáng đã được áp dụng để ngăn chặn việc thực thi này.

- Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc viết bài thứ hai về Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi. Ngoài việc thông báo phía Chính phủ Quốc dân "sự kiện nổi bật trong tuần qua là việc cải tổ cuối cùng hệ thống cai trị ở cấp tỉnh tại tỉnh Quảng Đông", bài viết tập trung nói về những khó khăn bế tắc của chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt là tình hình tài chính đã không đủ để chi tiêu cho quân sự, về những chia rẽ sâu sắc và phân hoá giữa các tướng lĩnh quân phiệt.

Nhận xét về diễn biến của chiến tranh, Nguyễn Ái Quốc viết: "Thái độ của dân chúng các tỉnh rõ ràng là thuận lợi cho Chính phủ Quốc dân... Thái độ đúng đắn của dân chúng quốc gia, lòng yêu nước và sự trong sạch của các thủ lĩnh dân sự và quân sự, sự đoàn kết giữa họ, lòng mong muốn thành thật và rõ ràng của họ là vì lợi ích chung, tất cả những cái đó làm cho dư luận dân chúng ủng hộ Chính phủ Quốc dân... Họ không bỏ lỡ cơ hội nào để chứng tỏ cảm tình của mình đối với Quân giải phóng" .

- Ngày 28: Bài viết Người An Nam ở Xiêm của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Thanh niên, số 71.

Tác giả đã điều tra và cho biết về số lượng, về tín ngưỡng, về nghề nghiệp, về thân phận của 3 vạn dân Việt đã "lưu ly thất sở, tan cửa tan nhà, phải bỏ quê cha đất tổ, dạt ra đất khách quê người" kể từ ngày thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.

Nhận xét chung về người An Nam ở Xiêm khi đó, Nguyễn Ái Quốc phải thốt lên: "Tình cảnh người mình như vậy đều là lưu lạc quê người, cứ kể bình thường thì người An Nam ở Xiêm trông thấy nhau nên thương yêu nhau, giúp nhau là phải, nào ngờ vẫn giữ lấy thói dã man nào lương giáo giết nhau, lợi hại tranh nhau, lừa đảo nhau, chém giết nhau đến nỗi đem nhau đi kiện cáo cho Xiêm, Lào sỉ nhục. Vì một tính không biết đoàn thể, đã đến nỗi bỏ nước mà đi, lại còn vẫn không giác ngộ thế thì sao còn trách người Xiêm nó khinh, nó chửi. Nói ra thật đau lòng".

* Tháng 11-1929

Trong thời gian hoạt động ở Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đã làm rất nhiều cho công tác giáo dục, tuyên truyền và tổ chức, tạo nên một sự thay đổi lớn trong phong trào Việt kiều ở đây. Nếu trước kia, khi ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc từ phương bắc tuyên truyền về nước, thì giờ đây, ở Xiêm, Người đã tuyên truyền về nước từ phía tây.

Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, dù đã hết sức cẩn thận vẫn không thể hoàn toàn giữ kín được. Thực dân Pháp sinh nghi, tung mật thám dò tìm. Người bị theo dõi ráo riết. Gặp khi nguy hiểm quá, Người thậm chí đã phải lánh vào chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động.

Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đi Trung Quốc. Nói về việc rời Xiêm lần này, Trần Dân Tiên trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đã viết: “Ông biết rõ tình hình trong nước. Hai việc quan trọng làm cho ông từ giã nhà chùa và nước Xiêm. Việc thứ nhất là cuộc bạo động của Quốc dân Đảng đang chuẩn bị. Nhận xét cuộc bạo động đấy quá sớm và khó thành công, ông muốn bàn lại kế hoạch với anh em Quốc dân Đảng… Việc thứ hai: vừa mới đây “Tân Việt” và “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” lại chia ra hai nhóm. Mỗi nhóm tổ chức thành một Đảng Cộng sản. Như thế, lúc bấy giờ ở Việt Nam có ba Đảng Cộng sản. Mặc dầu sự khủng bố của Pháp, “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” phát triển rất nhanh chóng. Nhưng sự chia rẽ đã làm cho những người yêu nước lo lắng. Vì chia rẽ thì suy yếu”.

* Tháng 11-1930

Ngày 5, Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Quốc tế Nông dân (bằng tiếng Pháp) báo cáo về phong trào nông dân từ tháng 5 đến tháng 10-1930 ở bảy tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh: “Mặc dầu bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển”, "ở một số làng đỏ, Xôviết nông dân đã được thành lập”.

Cuối thư, Người yêu cầu “Quốc tế Nông dân có thể giúp đỡ gấp cho các nạn nhân bị khủng bố...”.

* Tháng 11-1931: Nguyễn Ái Quốc bị bệnh lao phổi ở dạng tái phát. Nhờ sự can thiệp của luật sư Lôdơbi, Người được chuyển từ ngục Víchtôria sang bệnh xá của nhà tù.

Những ngày nằm ở bệnh viện, Nguyễn Ái Quốc được mọi người kính trọng. Một lần, cô y tá Trung Quốc thường ngày chăm sóc Người, hỏi: "Cộng sản là thế nào? Chú làm cộng sản làm gì để bị bắt bớ khổ thân?". Nguyễn Ái Quốc đã giải thích tóm tắt cho cô hiểu và khêu gợi ở cô tinh thần dân tộc chống đế quốc.

* Khoảng mùa Thu đến cuối năm 1933:

Ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng chí của mình. Nhờ đọc báo, Người được biết một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đang có mặt ở đây, trong đoàn có Pôn Vayăng Cutuyariê. Người liền viết thư gửi cho Pôn, thuê một chiếc xe du lịch đến tự tay bỏ vào thùng thư trước nhà bà Tống Khánh Linh để nhờ bà chuyển giúp tới Pôn Vayăng Cutuyariê.

Vài hôm sau, Nguyễn Ái Quốc gặp Pôn Vayăng Cutuyariê. Người kể cho Pôn Vayăng Cutuyariê biết hoàn cảnh khó khăn của mình. Còn Vayăng Cutuyariê nói cho Nguyễn Ái Quốc rõ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương và phong trào cách mạng thế giới thời gian qua. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ái Quốc đã chắp được liên lạc với đoàn thể. Sau này, Người có dịp kể lại nỗi vui mừng của Người lúc ấy:

“Ba năm lưu lạc linh đinh,

Nay đà trở lại trong đại gia đình công nông”.

* Tháng 10 đến tháng 12-1934: Ở Trường Quốc tế Lê-nin, lúc đầu Nguyễn Ái Quốc sinh hoạt trong nhóm tiếng Trung Quốc. Vài ngày sau, thấy không thích hợp, Người được chuyển sang sinh hoạt ở những nhóm tiếng Pháp.

Người thường gặp gỡ nhóm học sinh Việt Nam học ở Trường đại học Cộng sản Phương Đông để giúp đỡ họ trong học tập lý luận cũng như trong sinh hoạt.

* Khoảng cuối năm 1936: Sau khi nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc (Lin) chuyển chỗ ở về phố Bansaia Brônnaia, nhà số 6a, phòng 417.

* Khoảng cuối năm 1937: Được sự giúp đỡ của các giáo sư, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tư liệu để bắt tay vào viết bản luận án với đề tài do Người tự chọn: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á.

* Mùa Đông 1938: Nhờ mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đến Văn phòng Lan Châu của Giải phóng quân Trung Quốc để từ đó đi Tây An.

Tại Lan Châu, Người được Ngũ Tu Quyền - Chủ nhiệm Văn phòng tiếp đãi chu đáo. Theo sự sắp xếp của tổ chức, Người nhận quân phục và phù hiệu Bát lộ quân, quân hàm thiếu tá với bí danh Hồ Quang.

- Sau vài ngày ở Tây An, Người cùng mấy đồng chí Trung Quốc “hộ tống” mấy xe bò, xe ngựa, xe trâu chở vải rách (mua về để bện dép) đi Diên An.

Ở Diên An hai tuần, Nguyễn Ái Quốc trở lại Tây An. Lần này, Người đi cùng 5 chiếc xe hơi chở học sinh và cán bộ trung, cao cấp. Trên đường qua vùng “trắng”, bọn đặc vụ Quốc dân Đảng lục soát xe, dọa giữ xe, giữ người. Trước thái độ cứng rắn của quân cách mạng, quân “trắng” phải lùi.

Rời Tây An, Nguyễn Ái Quốc tìm đường đi Quảng Tây. Cùng đi có đồng chí L. là cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để được an toàn trên đường đi, Nguyễn Ái Quốc sắm vai lính hầu của quan trưởng L.

* Tháng 11-1939

- Ngày 7: Nguyễn Ái Quốc rời Quý Dương.

- Ngày 18: Nguyễn Ái Quốc trở lại Quý Dương nhưng vẫn không gặp được những người đi đón, nên lại tìm đường đi Côn Minh.

- Khoảng tháng 11: Nguyễn Ái Quốc từ Quý Dương đến Trùng Khánh. Tại đây, Người thường hay lui tới Văn phòng của Bát lộ quân đóng tại thôn Hồng Nham. Lần nào “Người cũng ở một gian buồng nhỏ tầng trên của Văn phòng, kề sát với buồng của đồng chí Tiền Chi Quang”.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: