Chỉ mục bài viết

 

Phần 6. Giai đoạn 1959 - 1963

* Tháng 11- 1959

- Ngày 1: Chào mừng Đại hội những người sản xuất trẻ của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi Đại hội:

“Bác thân ái chúc các cháu:

Mạnh khỏe, vui vẻ,

Đoàn kết chặt chẽ,

Luôn luôn thi đua.

Đưa cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ.

Vươn lên hàng đầu

Trong mọi công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

- Trước ngày 3: Được tin Quốc vương Lào Xixavang Vông từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn đến Thái tử nhiếp chính Xixavang Vátthana.

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 42 Cách mạng Tháng Mười thắng lợi.

- Ngày 7: Bài Vui vẻ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo Pravđa (Liên Xô), đăng báo Nhân Dân, số 2061. Bài viết nêu rõ ý nghĩa vĩ đại và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười đối với sự phát triển lịch sử của Liên Xô và tiến trình của thế giới.

Kết luận, tác giả viết: “Để chúc mừng một cách xứng đáng Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, nhân dân Việt Nam một lần nữa tỏ lòng thắm thiết biết ơn sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô và cố gắng học tập tinh thần thi đua bền bỉ của công nhân, nông dân và trí thức Liên Xô để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm nay và chuẩn bị đầy đủ để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm sau, để đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững mạnh cho cuộc đấu tranh thắng lợi thống nhất nước nhà”.

- Trước ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Campuchia Nôrôđôm Xuramarít và Hoàng hậu, nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập của Campuchia.

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp lần thứ 26 của Ban Sửa đổi Hiến pháp để nghiên cứu, thảo luận những ý kiến đóng góp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi và duyệt lại Bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

- Ngày 12: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương (mở rộng) bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong thảo luận ở tổ, Người nêu ý nghĩa phải xem xét kỹ vấn đề cơ giới hóa, công nghiệp hóa, thủy lợi hóa, điện khí hóa, trong tính toán phải nhìn xa và thấy gần, nếu chỉ nhìn xa thì sẽ vấp, phải tiến từ gốc lên. Người nói: “Nông nghiệp là chính, chẳng những ở ta mà các nước khác cũng thế. Ta tiến lên phải từ gốc mà tiến lên. Nông nghiệp cơ giới hóa nhưng phải chú ý cải tiến kỹ thuật, không được quên. Công nghiệp nhẹ, nặng phải phục vụ nông nghiệp, không nên tách rời ba cái đó ra...”. Về vấn đề cải thiện dân sinh, Người nói: “Phải nêu rõ cải thiện dân sinh trên cơ sở nào. Nói cho rõ việc tăng năng suất lao động và cải thiện dân sinh”.

- Trước ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương mới của Lào Xixavang Vátthana nhân dịp Quốc vương làm lễ đăng quang.

- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương (mở rộng). Trong phiên họp, Người phát biểu một số ý kiến về nội dung kinh tế của Kế hoạch năm năm. Theo Người, việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp trong năm năm cần xác định mức độ, nếu nói quá là không tưởng, nên chú ý dùng nông cụ cải tiến. Phải mở trường học để đào tạo cán bộ kỹ thuật...

- Ngày 15: Bài viết Cần kiệm, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 2069, nêu lên sự cần thiết phải thực hành Cần, Kiệm trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Cần để nâng cao không ngừng năng suất lao động. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất” và nhấn mạnh mối quan hệ giữa “Cần” và “Kiệm”. “Kiệm mà không Cần thì cũng vô ích, Cần mà không Kiệm thì tay không lại hoàn tay không”.

Bài báo còn phê phán tư tưởng lười biếng, lên án những hành vi lãng phí trong sinh hoạt và sản xuất, tệ nạn ăn uống gây lãng phí tiền của và lao động của nhân dân.

- Ngày 16: Dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội. Phát biểu với Hội nghị, Người căn dặn trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Người cũng lưu ý việc phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong công việc trên.

- Ngày 19: Bài viết Đế quốc Mỹ tiến gần miệng hố, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2073. Trích dẫn những tư liệu của báo chí Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Người tố cáo tội ác của quân đội Mỹ và tay sai ở nước ngoài, vạch trần bộ mặt thật của chính quyền Mỹ trong vấn đề viện trợ cho các nước và cho rằng chính những hành động của Mỹ và tay sai làm cho nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam đoàn kết đấu tranh chống lại, đưa đế quốc Mỹ đến miệng hố thất bại.

- Ngày 23: Phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình Khu V và Nam Bộ, Người nhấn mạnh nhiệm vụ và hình thức đấu tranh của cách mạng miền Nam lúc này. Đối với Khu V, Người nêu rõ phải xây dựng Khu V, đặc biệt là Tây Nguyên, thành căn cứ cách mạng cho miền Nam. Còn miền Tây Nam Bộ phải phát triển hình thức đấu tranh hợp pháp, nhất là ở các thành thị.

- Ngày 26: Dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng) bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau khi nghe thảo luận, Người phát biểu một số vấn đề về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, và lưu ý trong báo cáo phải nói rõ hơn nữa vấn đề cải thiện đời sống nhân dân, phải trình bày thành một mục riêng vì “có cải thiện đời sống nhân dân thì đấu tranh thống nhất nước nhà mới thắng lợi”.

- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương triệu tập. Nói chuyện với Hội nghị, Người điểm lại lịch sử phấn đấu anh dũng và những thắng lợi vẻ vang của Đảng trong suốt 30 năm lãnh đạo cách mạng. Sau khi khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay là “tiếp tục phấn đấu để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”, Người phân tích những thuận lợi, khó khăn, nhất là những đòi hỏi về sự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ của đảng viên trong thời kỳ lịch sử mới và nhấn mạnh: “Nếu mỗi cán bộ và đảng viên ta biết làm tròn nhiệm vụ của mình, bồi dưỡng và phát triển chủ nghĩa tập thể, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, ra sức học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ một cách vẻ vang”.

Cùng ngày, trong bài Tết trồng cây, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 2082, Người đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” để thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng.

Bài báo nêu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc trồng cây đối với đất nước, từng gia đình, từng người dân và kết luận: “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.

- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Népdabátxắc (Hunggari). Trả lời câu hỏi về cách giải quyết vấn đề Lào hiện nay, Chủ tịch tuyên bố: “Biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề Lào và duy trì hòa bình ở vùng Đông Nam Á là phải thi hành nghiêm chỉnh các Hiệp định Giơnevơ và Viêng Chăn và phải để ủy ban Quốc tế hoạt động trở lại. Chúng tôi tán thành và triệt để ủng hộ đề nghị của Liên Xô triệu tập lại một cuộc hội nghị các nước đã ký Hiệp định Giơnevơ để giải quyết vấn đề Lào. Tôi tin chắc rằng việc làm dịu tình hình thế giới cũng sẽ mang lại cho nước Lào hòa bình, dân chủ và độc lập”.

* Tháng 11- 1960

- Ngày 2 : Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đáp máy bay lên đường sang Mátxcơva dự kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga và dự Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới họp ở Mátxcơva.

16 giờ 15, Người cùng các vị cùng đi tới Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai và các đồng chí Đặng Tiểu Bình, Trần Nghị, Chu Đức... cùng đông đảo nhân dân Bắc Kinh đón tiếp nồng nhiệt tại sân bay. Sau khi duyệt đội danh dự quân đội Trung Quốc, Người về nghỉ tại Điếu Ngư Đài.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng ngày sinh lần thứ 38 của Thái tử Nôrôđôm Xihanúc, Quốc trưởng Vương quốc Campuchia.

- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn ra sân bay đi Mátxcơva. Ra tiễn Đoàn tại sân bay Bắc Kinh có Thủ tướng Chu Ân Lai cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Do thời tiết xấu, phải chờ tại sân bay.

11 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta rời Bắc Kinh đi Mátxcơva.

- Ngày 6: Trưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta đến ga Mátxcơva. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp và Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô L. Bơrêgiơnép cùng nhiều cán bộ cao cấp Liên Xô ra ga xe lửa đón Người.

Sau khi duyệt đội danh dự Quân đội và Hải quân Liên Xô, Người về nghỉ tại Khu nghỉ Alếchxây Tônxtôi.

- Ngày 9: Chủ tịch gửi điện chúc mừng tới Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, nhân Ngày Quốc khánh Vương quốc Campuchia.

- Ngày 19: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào Nga L.N. Tônxtôi, đăng báo Văn học Xô - viết, ngày 19-11-1960, kể chuyện Chủ tịch đã “trở thành người học trò của nhà văn Nga vĩ đại như thế nào” và về việc Tônxtôi đã hướng cho Người bước vào con đường tranh đấu bằng vũ khí văn học trên diễn đàn báo chí.

* Tháng 11- 1961

- Ngày 3: Gặp gỡ và nói chuyện thân mật với các cháu đại biểu học sinh Trường trung học 405 Mátxcơva, Người dặn dò các cháu: "Trong Nghị quyết của Đại hội có nói: Các cháu sẽ sống dưới chế độ cộng sản. Người cộng sản phải có đạo đức cộng sản. Đạo đức cộng sản đối với các cháu không giống như đối với người lớn... Đạo đức cộng sản đối với các cháu là chăm học, giúp người lớn, đoàn kết, có kỷ luật tốt".

- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện chúc mừng tới Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N.X. Khơrútsốp và Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô - viết tối cao Liên Xô L. Brêgiơnép nhân kỷ niệm lần thứ 44 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.

Bức điện khẳng định ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu to lớn của nhân dân Liên Xô trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật và coi đó là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn âm mưu gây chiến của bọn đế quốc. Bức điện cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước.

- Trước ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh Mátxcơva về cảm tưởng của Người đối với Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô. Người khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Đảng Cộng sản Liên Xô qua 22 kỳ Đại hội, nêu rõ ý nghĩa lịch sử của Cương lĩnh mới của Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời thông báo vắn tắt tình hình của cách mạng Việt Nam.

Cuối cùng, Người nhấn mạnh: "Trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ trước kia, cũng như xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà ngày nay, chúng tôi luôn luôn được sự giúp đỡ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Toàn Đảng và toàn dân chúng tôi mãi mãi ghi nhớ sự giúp đỡ đó. Được những thắng lợi to lớn của Liên Xô cổ vũ, được sự ủng hộ của các nước anh em khác trong phe xã hội chủ nghĩa và sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, chúng tôi nhất định sẽ thắng lợi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng tôi là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoà bình thống nhất nước nhà."

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam dự Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N.X. Khơrútsốp.

- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Mátxcơva lên đường về nước.

- Ngày 12: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh. Ra sân bay Bắc Kinh đón Người có Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Ân Lai, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Ngày 19: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới Hà Nội.

- Ngày 20: Bài Các nước xã hội chủ nghĩa Châu Á và các vấn đề của Châu Á của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo Thời Mới (Liên Xô) đăng báo Nhân Dân, số 2799. Sau khi nêu rõ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đối với những biến đổi sâu sắc của Châu Á, tố cáo âm mưu của các nước đế quốc, đặc biệt là đế quốc Mỹ đối với khu vực này, tác giả đề cập đến những vấn đề cơ bản cấp thiết của Châu Á là tiếp tục kiên quyết chống đế quốc thực dân để giải phóng dân tộc, xây dựng nền kinh tế dân tộc, bảo vệ và hoàn thành độc lập, thủ tiêu các tàn tích phong kiến và giải quyết các vấn đề xã hội khác để đưa xã hội tiến lên.

Trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu đó, các nước xã hội chủ nghĩa châu á đang nêu gương tốt và do đó đã trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa đế quốc.

Trước tình hình đó, các nước xã hội chủ nghĩa châu á có nhiệm vụ một mặt kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ, để bảo vệ những thành quả cách mạng, một mặt hết lòng ủng hộ các dân tộc đang đấu tranh tự do giải phóng, giương cao 5 nguyên tắc chung sống hoà bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau.

Liên hệ với tình hình Việt Nam, tác giả tố cáo đế quốc Mỹ đang có những bước leo thang cực kỳ nghiêm trọng, nhưng nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kiên quyết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và tin tưởng sắt đá rằng với sự ủng hộ của các nước anh em, của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hoà bình trên thế giới, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thành công.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hợp tác xã số 2, thôn Tháp Thượng, xã Thượng Thuỵ (nay thuộc xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Gặp gỡ và nói chuyện thân mật với bà con xã viên đang gặt lúa mùa, Người căn dặn mọi người cần tranh thủ thu hoạch nhanh gọn, khẩn trương chuẩn bị làm vụ chiêm, trồng nhiều rau và hoa màu, đặc biệt là phải tiết kiệm lương thực.

- Ngày 26: Thư không dán gửi Lord Heath trong Chính phủ Anh là nhan đề bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2805.

Tác giả đưa ra những sự việc cụ thể để chứng minh Chính phủ Anh - một trong hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954 - đã không làm tròn phận sự giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ mà còn gây ra nhiều tội ác cho nhân dân Việt Nam, để phê phán luận điệu bịa đặt "miền Bắc xâm phạm miền Nam" mà Lord Heath đã báo cáo trước Quốc hội Anh.

Bài báo kết luận: "Nhân dân Việt Nam vốn kính trọng nhân dân nước Anh và sẵn sàng đặt quan hệ văn hoá và kinh tế với nước Anh, trên nguyên tắc bình đẳng và đôi bên đều có lợi. Song nhân dân Việt Nam không thể để cho bọn chính khách phản động như ngài (tức Lord Heath) nói láo và vu khống, không thể cho phép ngài lừa dối Quốc hội Anh, lừa dối nhân dân Anh và nhân dân thế giới".

* Tháng 11- 1962

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Xuphanuvông, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào trên đường đi thăm hữu nghị các nước Đông Nam Á dừng chân tại Hà Nội.

- Ngày 6: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị tiếp tục cho ý kiến về nội dung Đại hội văn nghệ.

Khi bàn về chủ trương tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi một đợt thực tế dài hạn ở nông thôn, Người tán thành và nhấn mạnh: "Đi, nhưng phải tự nguyện, không ép buộc. Đi, nhưng phải sống như người nông dân chứ đi theo kiểu làm khách là không được. Không để lao động quá sức, nhưng cũng nên thử để thấy người nông dân khổ như thế nào, khoẻ như thế nào".

Nhận xét về tình hình văn nghệ hiện nay, Người khẳng định: "Văn nghệ có cái tốt, có cái xấu, nhưng so với trước cách mạng đã tiến bộ nhiều. Không có cách mạng, không có kháng chiến thì không có văn nghệ như bây giờ. Cố nhiên là do toàn dân, nhưng phải có sự lãnh đạo của Đảng".

Trong việc chỉ đạo văn nghệ, Người cho rằng cần phải có sự bàn bạc thống nhất. "Hướng dẫn khen, phê bình phải cho đúng đắn, có cái phải nghiêm khắc. Khen, chê phải đúng mức. Khen, nhưng khen quá lời, "suy tôn" người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục... Văn chương phải hùng hồn, tình cảm phải sâu sắc, lý lẽ cho đích xác...".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N.X. Khơrútsốp và Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô L. Brêgiơnép nhân dịp kỷ niệm lần thứ 45 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.

- Ngày 7:  Bài 45 năm đấu tranh anh dũng, 45 năm thắng lợi vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo Pravđa (Liên Xô) đăng trên báo Nhân Dân số 3148. Bài báo nêu bật những thay đổi to lớn trên thế giới, sự lớn mạnh của phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế kể từ sau Cách mạng Tháng Mười thắng lợi; khẳng định những hy sinh lớn lao, cao cả của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vĩ đại đánh bại bọn phát xít xâm lược cứu loài người khỏi hoạ diệt vong, những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản "bốn biển một nhà" của nhân dân Liên Xô trong 45 năm qua.

Nói về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, tác giả viết: Cuộc cách mạng đó "đã mở một thời đại mới của lịch sử loài người, thời đại công nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mạng của mình; thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập; thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc; thời đại suy sụp và tan rã của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; thời đại mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã thành lý trí và lương tâm của mọi người tiến bộ trên thế giới".

- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng đến Thái tử Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, nhân dịp kỷ niệm Ngày độc lập của Vương quốc Campuchia.

Cùng ngày, bài viết Một thắng lợi mới của Người, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3149, biểu dương thành tích về mặt văn hoá của đồng bào Mèo ở tỉnh Lao Cai: Từ chỗ không có chữ viết và 99% người Mèo đều mù chữ, nay đã có chữ viết của dân tộc mình với hơn 300 cán bộ và thầy giáo dạy chữ Mèo, hơn 5.900 người Mèo học các lớp. Theo tác giả, đó là một thắng lợi mới về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta: Các dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt.

- Trước ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Ngày sinh lần thứ 41 của Thái tử Nôrôđôm Xihanúc, Quốc trưởng Vương quốc Campuchia.

- Ngày 9: Dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn công tác cải tiến quản lý nông nghiệp. Về phương châm tiến hành cuộc vận động, Người Chỉ thị: "Phải làm trong ba năm. Mỗi tỉnh phải có kế hoạch, nơi nào làm trước, nơi nào làm sau. Không làm tràn lan, phải tập trung cán bộ làm cho tốt. Làm cái nào cho chắc cái đó. Phải khẩn trương nhưng không vội, không ẩu. Khu vực nào làm xong, vẫn phải thường xuyên củng cố, không phải vì làm rồi mà bỏ rơi. Vấn đề quản lý phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải chỉ riêng trong một số việc của hợp tác xã. Hợp tác xã quản lý tốt phải bao gồm cả vấn đề kỹ thuật. Phải cố gắng giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất trong nông nghiệp như lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp... Phải làm sao trên dưới đều phấn khởi làm cuộc vận động này. Phải khẩn trương, lạc quan nhất định làm được".

- Ngày 12: Phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về tình hình miền Bắc và Khu V, Người biểu dương cán bộ và đồng bào miền Nam trong những năm qua đã chịu đựng nhiều gian khổ và chiến đấu rất anh dũng. Trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh "vừa phải trường kỳ vừa phải phát triển", Đảng phải lo tìm cách cho cán bộ và nhân dân không quá căng thẳng, mệt nhọc. Trong sinh hoạt, phải nghĩ đến thuốc men, thuốc tây, nhất là thuốc nam. Phải làm sao giảm sự đóng góp của nhân dân, càng thấp càng tốt, do đó bộ đội và cán bộ cũng phải tranh thủ tăng gia sản xuất.

Phân tích thế và lực giữa ta và địch, Người chỉ rõ: Ta lấy yếu đánh mạnh. Mỹ mạnh hơn ta về vật chất, mạnh hơn cả Pháp về tiền của, vũ khí, phương tiện. Nó đang ráo riết lập ấp chiến lược, ta phải tìm cách phá, "mình phá được mình thắng". Nó làm chiến tranh gián điệp, ta phải tăng cường công tác phòng gian, trừ gian, bảo mật, tổ chức cơ quan tránh cồng kềnh hình thức, họp hành phải nhanh gọn. Phải khôn khéo, mềm dẻo, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. "Chưa nên đặt vấn đề đánh công kiên, đánh trận địa chiến. Phải phát triển du kích thật rộng rãi, đâu đâu cũng có, làm cho địch không tập trung được chỗ nào".

Về vấn đề căn cứ địa, Người đặc biệt nhấn mạnh: "Bây giờ không như hồi kháng chiến. Bây giờ không có khu nào an toàn. Căn cứ phải hết sức linh động, gọn gàng, bí mật". Người còn lưu ý hội nghị về công tác mặt trận, binh vận, thanh vận, vấn đề phát triển Đảng.

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ hải quân tại đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh). Người căn dặn các chiến sĩ: "Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước".

Cùng ngày, trong bài Đời sống nông thôn ngày càng tiến bộ, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3154, Người nêu một số ví dụ cụ thể về tình hình đời sống của đồng bào các dân tộc, đồng bào nông dân công giáo, đồng bào những vùng nông thôn quá nghèo khổ trước đây để chứng tỏ đời sống vật chất và đời sống văn hoá ở nông thôn miền Bắc ngày nay đang tiến bộ không ngừng. Người viết: "Có những kết quả tốt như vậy là do: chi bộ lãnh đạo tốt, đảng viên và đoàn viên thanh niên gương mẫu, ban quản trị các hợp tác xã dân chủ và công bằng, xã viên thấm nhuấn tinh thần làm chủ".

- Ngày 21: Bài viết Nhân đạo kiểu Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3162. Tác giả tố cáo cái gọi là "nhân đạo kiểu Mỹ" khi so sánh sự phân biệt đối xử của bọn tư bản Mỹ đối với các súc vật của chúng như chó và bò với những công nhân Mỹ thất nghiệp mà hàng năm có tới hơn 5 triệu người cả da trắng và da đen. Với chó, chúng cho ở nhà lầu, có lính phục vụ, khẩu phần ăn gấp 8 lần tiền ăn của một lính Diệm; với bò, chúng xây hầm tránh bom nguyên tử; còn với công nhân thất nghiệp, chúng cho họ một thứ phụ cấp "đói không chết, nhưng ăn không no"!.

- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ và Tổng thống ấn Độ S. Rađacrítxnan, Thủ tướng ấn Độ J. Nêru hoan nghênh các biện pháp hai nước đang áp dụng nhằm làm giảm tình hình căng thẳng trên biên giới Trung - Ấn.

- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn phương hướng thu chi tài chính năm 1963. Tại Hội nghị, Người phát biểu: "Mấy năm nay ta vừa làm vừa học. Điều rất tốt là ta đã thấy được khuyết điểm, thấy được các mặt không cân đối, thấy được sự lãng phí sức người sức của. Nhưng thấy được bệnh rồi, mấy người thầy thuốc phải ngồi lại tìm đơn thuốc mà chữa, chứ cứ nói mãi mà chắp chắp vá vá thì không được. Cần có một số đồng chí cương quyết tìm ra bài thuốc cho bệnh, tìm ra được rồi thì phải cắt thuốc, không thì năm nào cũng nói đi nói lại mãi. Kết quả lớn là thấy được khuyết điểm, nhưng kết quả lớn hơn nữa là phải chữa cho được. Đề nghị Bộ Chính trị cử một số đồng chí ngồi lại, cần thì sáu tháng, hàng tuần dành hẳn mấy ngày làm việc để nghiên cứu tìm ra thuốc đó, phải định những chính sách gì, những kỷ luật gì, đều phải xem xét chu đáo"...

* Tháng 11- 1963

- Ngày 2: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 46 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện tới Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N.X. Khơrútsốp và Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô L.I. Brêgiơnép, chúc mừng những thắng lợi của nhân dân Liên Xô đã giành được trong 46 năm qua. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người cám ơn sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Cùng ngày, bài viết Nhiệt liệt chúc mừng và ra sức ủng hộ Angiêri anh em của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Chiến sĩ, đăng báo Nhân Dân số 3505. Tác giả nồng nhiệt chúc mừng thắng lợi vẻ vang của nhân dân Angiêri đã giành lại được tự do độc lập sau 7 năm kháng chiến gian khổ, anh dũng và những thành tựu trong công cuộc xây dựng xã hội mới.

Bài báo khẳng định: "Nhân dân Việt Nam và nhân dân Angiêri đã là anh em trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, ngày nay là anh em trong cuộc đấu tranh xây dựng đất nước. Với tình sâu nghĩa nặng đó, nhân dân Việt Nam ta nhiệt liệt chúc mừng Ngày Quốc khánh vẻ vang của nhân dân Angiêri anh em và hứa sẽ hết lòng ủng hộ mọi cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ".

- Ngày 8: Bài viết nhan đề: Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại của Người, ký bút danh Chiến sĩ, đăng báo Nhân Dân số 3511. Bài báo kể lại những mẩu chuyện dưới thời Pháp thuộc, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nguy hiểm, những người cộng sản Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười như thế nào và nêu rõ: "Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình". "Nhân dịp mừng ngày kỷ niệm này, chúng ta càng biết ơn Lênin và Đảng của Lênin, càng tưởng nhớ những đồng chí đã oanh liệt hy sinh vì chủ nghĩa cộng sản và chúng ta càng tin chắc rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ thắng lợi trên khắp quả địa cầu".

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thái tử Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 10 của Vương quốc Campuchia. "Chúc tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Khơme ngày càng củng cố và phát triển, góp phần tăng cường sự đoàn kết của nhân dân châu á và bảo vệ hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới".

- Trước ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị bàn về cải tiến công cụ và cơ giới hoá nông nghiệp do Ban Nông nghiệp của Trung ương Đảng tổ chức. Người hoan nghênh việc mở những hội nghị như thế này, và yêu cầu ngành nông nghiệp cần có những hội nghị toàn diện về các mặt khoa học - kỹ thuật nông nghiệp để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tốt hơn. Người căn dặn các đại biểu: muốn làm tốt việc cải tiến công cụ trước hết phải tuyên truyền, giáo dục cán bộ và quần chúng cho thật tốt phải học hỏi quần chúng và đi đúng đường lối quần chúng.

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Ngày sinh lần thứ 56 của Vua Lào Xri Xavang Vátthana.

- Ngày 20: Bài viết Chi bộ tốt của Người, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3523, nêu gương Chi bộ Ngân Hà (Nam Định) đã lãnh đạo tốt hợp tác xã, chấp hành tốt chính sách lương thực, và làm tốt các công tác khác như thuỷ lợi, văn hoá, củng cố và phát triển đảng, v.v.. Có kết quả đó, như bài báo đã phân tích, là do nội bộ đoàn kết chặt chẽ, nắm vững và luôn luôn cố gắng thực hiện những nghị quyết của Trung ương và địa phương, đảng viên đều gương mẫu xung phong trong mọi việc, thực hiện khẩu hiệu "đảng viên đi trước, làng nước đi sau".

Phần hai của bài báo, dưới tiêu đề Chi bộ kém, tác giả phê bình đích danh ông Bí thư Đảng uỷ xã Nam Lợi (Nam Định) đã tham ô, lãng phí, gây ảnh hưởng xấu cho các cán bộ đảng viên khác.

- Trước ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phóng viên báo Akahata (Cờ Đỏ) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản - về một số câu hỏi liên quan đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự nghiệp đấu tranh của đồng bào miền Nam, sự đoàn kết quốc tế, quan hệ giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam, v.v..

Trả lời câu hỏi về đặc điểm và triển vọng của tình hình Việt Nam hiện nay, Người nêu rõ: Chỉ mới hơn chín năm kể từ sau khi hoà bình lập lại (1954), nhân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh và chia ruộng đất cho dân cày, đã căn bản hoàn thành thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ chế độ người bóc lột người và hiện nay đang bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Với quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân Việt Nam đang ra sức tiến mạnh trên con đường công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa... Mặc dù còn nhiều khó khăn, miền Bắc nhất định sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà.

Về tình hình miền Nam, Người khẳng định: Dù phải chịu muôn ngàn đau khổ dưới chế độ tàn khốc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng bào miền Nam không bao giờ chịu khuất phục, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng để tự giải phóng mình, và nhất định sẽ thắng lợi. Cuộc chiến tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, dù có khó khăn gian khổ, nhưng với sự ủng hộ của đồng bào cả nước, của nhân dân tiến bộ toàn thế giới (kể cả nhân dân Mỹ yêu chuộng hoà bình và công lý), đồng bào miền Nam cuối cùng sẽ là người chiến thắng, miền Nam Việt Nam sẽ được giải phóng hoàn toàn.

Người tuyên bố: "Vấn đề miền Nam chỉ có một cách giải quyết là: đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình, theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ".

- Ngày 21: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Liên minh Phật giáo Lào do ông Mahả Khămtăm, Chủ tịch Hội Liên minh Phật giáo Lào dẫn đầu đang ở thăm nước ta. Tiếp Đoàn đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm thủ đô và một số tỉnh ở miền xuôi. Người thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời thăm hỏi tới toàn thể đồng bào tỉnh Hà Giang và căn dặn đồng bào phải đoàn kết, thương yêu nhau như anh chị em trong nhà, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, đồng thời phải ra sức tiết kiệm và cố gắng học tập văn hoá.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá III) bàn về tình hình thế giới, nhiệm vụ của Đảng ta và cách mạng miền Nam. Trong lời khai mạc, nói về ý nghĩa của Hội nghị, Người đặc biệt nhấn mạnh: "Hội nghị này là Hội nghị đoàn kết quốc tế".

- Ngày 26: Bài viết Cần phải tổ chức ngay đội thủy lợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3529, yêu cầu các cấp uỷ Đảng phải thành lập ngay ở các hợp tác xã các đội chuyên trách làm công tác thuỷ lợi, vì "có đội chuyên trách, thì thuỷ lợi làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Rõ ràng là vừa lợi cho Nhà nước, vừa lợi cho hợp tác xã, lợi cho các xã viên và lợi cho các đội viên".

"Đêm trăng đưa nước tưới đồng,

Một tấc nước bạc là trăm bông lúa vàng.

Đội thuỷ lợi phải sẵn sàng,

Thuỷ lợi càng tốt, dân càng ấm no".

- Ngày 29: Bài viết Văn minh kiểu Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân số 3532. Bằng những dẫn chứng và số liệu cụ thể về những vụ bê bối, những hiện tượng bất công trong xã hội Mỹ, tác giả vạch trần cái gọi là "văn minh kiểu Mỹ", thứ "văn minh" mà bọn thống trị Mỹ muốn dùng "khai hoá" các dân tộc khác.

Phần cuối bài báo, tác giả khẳng định: "Nhưng chúng ta không vơ đũa cả nắm. Cũng như nhân dân các nước khác, nhân dân Mỹ nói chung là những người cần cù, yêu chính nghĩa, chuộng hoà bình, chống chiến tranh... cho nên, chúng ta kiên quyết chống đế quốc Mỹ nhưng chúng ta sẵn sàng lập quan hệ hữu nghị với nhân dân Mỹ để cùng nhau chống mọi tội ác, giữ gìn chính nghĩa và hoà bình cho loài người".

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: