Chỉ mục bài viết

 

Phần 2. Giai đoạn 1940 - 1945

* Tháng 11-1940

Một buổi tối tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc đến nơi ở của Hạ Diễn, lúc đó là Tổng Biên tập tờ Cứu vong nhật báo  trên đường Thái Bình, mang theo một bản thảo.

Hạ Diễn đề nghị Người sao một bản bỏ vào phong bì gửi bằng đường bưu điện đến cho toà báo, đề phòng khi bị bọn Quốc dân Đảng lục soát thì Hạ Diễn sẽ mang chiếc phong bì có dấu bưu cục ra đối phó.

- Ngày 15: Bài “Ôông-Trôi-Co-mat”, đăng trên Cứu vong nhật báo, với bút danh Bình Sơn, có nghĩa là “Ông trời có mắt”. Người vạch rõ bọn thực dân Pháp đã xâm lược, bóc lột nước ta bây giờ lại để cho Đức đánh chiếm và cướp bóc nhân dân Pháp. Chúng còn coi khinh Trung Quốc, nhưng nhân dân Trung Quốc lại anh dũng đấu tranh chống Nhật. Hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam “có thể sát cánh chặt chẽ với nhau, đá cho đế quốc đang áp bức chúng ta cút đi, thế thì ông trời chẳng những có mắt mà còn có cả chân nữa!”.

- Ngày 24: Bài Chú ếch và con bò của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Mượn câu chuyện ngụ ngôn của La Phôngten  kể về một chú ếch vì không biết tự lượng sức mình cố phùng bụng lên cho to bằng con bò mà phải tan xác, bài báo viết: “Những người như kiểu chú ếch kia trên thế giới này quả không ít. Mútxôlini đánh Hy Lạp, giẫm phải đinh, là một ví dụ”.

Bình luận về việc Mútxôlini toan bắt chước kiểu “chiến tranh chớp nhoáng” của Hítle hòng nuốt chửng nước Hy Lạp, kết quả đã nhiều phen bại trận, bài báo kết thúc bằng một hình tượng chế giễu: “ảo tưởng thắng lợi của họ Mút cũng vỡ toang như chú ếch kia. Ông anh Hítle của y chắc hẳn cũng chửi thầm: "Cái thằng vô tích sự! Mày chỉ làm tăng nhuệ khí của kẻ thù, mất cả oai phong phe trục! Poucos Madona!" .

- Ngày 27: Bài Trò đùa dai của Rudơven tiên sinh, đăng trên Cứu vong nhật báo, với bút danh Bình Sơn. Nội dung bài viết nhắc chuyện quân đội Pháp do La Phayét chỉ huy “giúp người Mỹ đánh người Anh”. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chính phủ Mỹ cử tướng Pơsinh đem quân sang châu Âu giúp Anh, Pháp đánh Đức. Năm 1940, Tổng thống Rudơven lại cử tướng Pơsinh “là tử thù của người Đức, là đồng sự trong thắng lợi của tướng Pêtanh" sang làm đại sứ ở Pháp, “chắc không ngoài dụng ý chọc tức người Đức và làm bẽ mặt Pêtanh”.

- Cuối tháng 11, đầu tháng 12:

+ Sau khi đọc tin về Khởi nghĩa Nam Kỳ trên báo Quế Lâm, trong một buổi họp, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Tình hình chung thế giới và Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay đã nổ ra rồi, thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào”.

Người viết ngay một bức điện gửi Đảng bộ Nam Kỳ (bức điện này sau không có cách nào chuyển được về nước). Người chủ trương nên chuyển hoạt động về sát biên giới, và tìm cách về nước.

+ Tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư báo cáo của nhóm công tác ở Tĩnh Tây (gồm Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh) và báo cáo của Phạm Văn Đồng về bức điện của Trương Bội Công gửi Văn phòng Đệ tứ chiến khu nhờ mời ông Hồ Học Lãm và ông Lâm Bá Kiệt, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Biện sự xứ Việt Minh tại Quế Lâm đưa hội viên về Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tổ chức Đại hội hợp nhất “Việt Nam độc lập đồng minh hội” với “Việt Nam dân tộc giải phóng uỷ viên hội”.

Cũng tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc chủ trương biến bức điện mời của Trương Bội Công thành “giấy đi đường” của một đoàn cán bộ về Tĩnh Tây.

Đoàn cán bộ gồm Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng... mua vé ôtô rời Quế Lâm đi Nam Ninh.

* Tháng 11- 1941

- Ngày 1: Bài Ca binh lính của Nguyễn Ái Quốc gồm 22 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bài ca mở đầu bằng lời tự vãn của người cầm súng giặc:

“Hai tay cầm khẩu súng dài,

Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?”...

Và chỉ nhớ là nhằm thẳng vào kẻ thù mà bắn, để cứu nước, cứu nhà, chứ không nên vì danh lợi chống lại cách mạng, chống lại nhân dân. Kết thúc là lời kêu gọi:

“Trong tay đã sẵn súng này,

Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành.

Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh:

“Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!”.

- Khoảng đầu tháng: Nguyễn Ái Quốc đến dự lễ thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng. Nói chuyện với đội, Người nhắc nhở phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt; đối với dân phải như cá với nước.

- Sau khi quyết định thành lập đội vũ trang đầu tiên của Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc biên soạn Mười điều kỷ luật và Chiến thuật cơ bản của du kích cho các đội viên học tập và trực tiếp huấn luyện cho họ.

* Tháng 11-1942

- Ngày 2: Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Đồng Chính. Sau đó, bị giải đi Nam Ninh.

- Ngày 18: Hồ Chí Minh bị giải từ Nam Ninh đi Vũ Minh.

* Tháng 11-1943

- Khoảng giữa tháng: Theo yêu cầu của Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh nhận chức Phó chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Chủ tịch là Nguyễn Hải Thần).

- Ngày 23: Hồ Chí Minh rời khỏi Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu đến ở trong nhà Tổng bộ Việt Nam cách mạng đồng minh hội đặt tại đường Ngư Phong trong thành phố Liễu Châu.

- Khoảng tháng 11: Từ Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết thư cho Từ Vĩ Tam, Vương Tích Cơ... (những người Trung Quốc kết nghĩa anh em với Người ở Ba Mông, Tĩnh Tây) báo tin Dương Đào đã chết. Người viết: “Dương Đào là người em thân thiết của chúng ta, chúng ta sẽ mãi mãi không quên chú ấy”.

- Sáng sớm một ngày chủ nhật, Hồ Chí Minh ra sông tắm.

Một lát sau, Trương Phát Khuê mặc áo lông đắt tiền, cưỡi con ngựa hồng cao lớn đi ngang qua, nhận ra người tắm dưới sông liền dừng ngựa lại chào.

Tướng Trương Phát Khuê nói: "Hồ tiên sinh là người An Nam. An Nam ở về nhiệt đới, sang đất Liễu Châu chúng tôi chịu đựng được cái rét mùa đông đã là không đơn giản. Thế mà nay Hồ tiên sinh còn bơi được dưới dòng nước lạnh giá này, thật là kỳ tài! Thật là kỳ tài!"

Người đáp lại rất tự nhiên: "Đâu dám! Đâu dám!".

* Tháng 11- 1945

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giêm Biếcnơ. Trong thư, Người đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân, mở đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, trước hết trong lĩnh vực văn hoá, mặc dù giữa hai nước chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Người đề nghị “được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”.

- Trước ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo về lời tuyên bố ngày 26-10-1945 của Tổng thống Mỹ Tơruman. Mở đầu, Người nói: "Cứ xét 12 điểm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ này, thì đều có ý nghĩa công minh chính trực cả, nhưng riêng năm điểm có quan hệ mật thiết với các dân tộc nhược tiểu trên thế giới"… thì nhân dân Việt Nam "rất hoan nghênh và chắc rằng nước Mỹ sẽ làm cho những lời tuyên bố ấy thực hiện ngay, nó đặt nền móng cho hoà bình và hạnh phúc của nhân loại và trước hết là cho các dân tộc nhỏ yếu". Đó là:

" Hoa Kỳ không nghĩ tới một sự mở mang bờ cõi nào vì những mục đích ích kỷ...

Hoa Kỳ tin tưởng vào sự trở lại chủ quyền của hết thảy các dân tộc đã mất chủ quyền ấy bởi cường lực...

Hoa Kỳ không ưng thuận một sự thay đổi lãnh thổ nào mà không được chính các dân tộc đương sự thoả thuận...

Tất cả các dân tộc đương chuẩn bị tự trị được tự chọn lấy chính thể của họ...

Không một chính phủ nào thành lập bằng sự áp bức, bằng vũ lực trên một dân tộc khác, lại sẽ được Hoa Kỳ thừa nhận cả".

- Ngày 3: Lúc 16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề gạo cứu đói. Người được Hội đồng Chính phủ phân công thảo một kế hoạch để giúp ý kiến cho Hội Cứu đói.

- Ngày 5: Lúc 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội tổ chức tại Nhà hát thành phố để hưởng ứng "Ngày kháng chiến". Đọc diễn văn trong buổi lễ, Người tố cáo âm mưu của thực dân Pháp muốn xâm chiếm nước ta một lần nữa, đồng thời khẳng định lập trường và ý chí quyết chiến để giữ vững nền độc lập của dân tộc. "Bọn thực dân Pháp phải biết rằng: dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho kiều bào Việt Nam ở Pháp. Trong thư, Người biểu dương tinh thần đấu tranh, yêu nước của kiều bào, tố cáo những tội ác dã man của bọn thực dân Pháp xâm lược, vạch trần sự đồng lõa của nhà cầm quyền Anh ở Nam Bộ và khẳng định ý chí mạnh mẽ của một dân tộc thà chết tự do hơn sống nô lệ. Người mong rằng kiều bào hãy xứng đáng với anh em đang chiến đấu ở Nam Bộ để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà.

Cũng cùng ngày, bài Toàn dân kháng chiến (ký bút danh Q.T) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 83. Bài viết nêu rõ ý nghĩa, nội dung cụ thể của toàn dân kháng chiến và kết luận "Thực hiện được toàn dân kháng chiến, phần thắng thế nào cũng về ta".

17 giờ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về tình hình thu các thứ thuế buôn bán, thuế trước bạ, thuế trực thu và nghe báo cáo về dự án ngân sách năm 1946.

- Ngày 6: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Hiến pháp, kiểm tra việc phân phối gạo và tăng gia sản xuất.

- Ngày 7: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề hiến pháp, vấn đề nghỉ phép của viên chức, vấn đề người Pháp đang vận động người Trung Hoa để lập Sở Liên lạc Pháp - Hoa.

Trong ngày, Người tiếp đoàn đại biểu Công giáo Cứu quốc. Đoàn đã báo cáo với Người công việc của Đại hội đại biểu Công giáo Cứu quốc toàn quốc tổ chức tại Phát Diệm (Ninh Bình).

- Ngày 8: Bài viết Hô hào nhân dân chống nạn đói, đăng trên báo Cứu quốc, số 86. Người lên án chính sách độc ác của bọn thực dân Pháp đã làm cho hơn hai triệu đồng bào Bắc Bộ chết đói và hô hào tất cả các tổ chức, các lực lượng trong nước phải ra sức chống nạn đói như chống giặc ngoại xâm. Kết luận, Người viết: "Cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm, ta nhất định thành công, vì đồng bào ta ai cũng sẵn lòng hăng hái. Nhưng các bạn phụ trách các  địa phương phải biết cách tuyên truyền, biết cách giải thích cho ai nấy đều hiểu rõ, đều thực hành. Các bạn phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân. Nhất là đối với chữ cần, chữ kiệm, chữ hy sinh, chữ công bằng thì các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về đối sách của ta trong tình hình mới. Khi bàn đến thái độ người Pháp, Hội đồng nhận định họ đã có những cử chỉ khiêu khích. Có người nêu ý kiến: Ta “thử hành động” xem thái độ của Pháp và quân đội Tưởng Giới Thạch thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ý kiến: “Cần giữ trật tự, không nên hành động gì, vì nếu chúng ta không giữ trật tự, người Tàu sẽ thiết quân luật”.

Về vấn đề người Pháp sẽ kéo cờ ở trong thành nhân ngày 11 tháng 11 - ngày kỷ niệm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Người trả lời sẽ bàn với phía Trung Hoa, không để cho người Pháp làm việc này.

Trong cuộc họp, Người đã đề nghị cử ông Đinh Chương Dương làm Cố vấn Uỷ ban hành chính Trung Kỳ.

Về vấn đề Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch yêu cầu duyệt báo chí của ta, Người thông báo đã thương lượng với người Trung Hoa, nhưng chưa có kết quả.

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp ông J. Xanhtơny.

- Ngày 10: Tại buổi lễ “Ngày Phụ nữ ủng hộ Nam Bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vàng cho bà Vương Thị Lai (tức Lợi Quyền, là người đi đầu trong việc quyên góp ủng hộ Chính phủ trong “Tuần lễ vàng”), và nói: “Bà Vương Thị Lai là đại biểu của lòng hăng hái và hy sinh cho tất cả phụ nữ Việt Nam”.

Người còn gửi Ban Tổ chức “Tuần lễ vàng” một tấm ảnh để chuyển tặng cho ông Nguyễn Sơn Hà (ở Hải Phòng), là người quyên góp nhiều thứ hai, sau bà Lai cho Quỹ Quốc phòng.

17 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về cuộc gặp của Người với ông J.Xanhtơny hôm trước và thái độ của ông ta. Người cũng cho biết những đảng viên Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp đã gặp anh em Việt Minh để trao đổi ý kiến. Người còn thông báo: Người Trung Hoa trước kia đỡ đầu cho Nguyễn Hải Thần nhưng đã chán nản về những hành động của ông ấy và báo tin Lư Hán có thể không trở lại Việt Nam nữa, mà có lẽ ông Trương Phát Khuê sẽ sang.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cử ông Lê Tùng Sơn làm Thứ trưởng Bộ Quân huấn.

- Ngày 12: Nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh của Tôn Trung Sơn (12-11-1866), báo Cứu quốc, số 69, đã đăng bài Hoa - Việt thân thiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người tỏ rõ ý nguyện của nhân dân Việt Nam cũng như chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đối với anh em Hoa kiều là đoàn kết, thân ái. Đồng thời, Người kêu gọi Hoa kiều, trên cơ sở truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc, hãy ra sức giúp đỡ và ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Cùng ngày, Người dự Lễ kỷ niệm ngày sinh của Tôn Trung Sơn do Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Việt Nam.

- Trước ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn chúc mừng các ông: Gioócgiơ Biđôn - lãnh tụ Đảng Cộng hoà Bình dân, Lêông Blum - lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp, Môrít Tôrê - lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp đã giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Nhân dịp này, một lần nữa Người khẳng định "nếu nước Pháp chịu thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, dân chúng Việt Nam sẽ hết sức hoà hảo với nước Pháp. Trái lại thế, dân chúng Việt Nam quyết rỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho sự tự do".

- Ngày 13: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về tình hình Nam Bộ, các vấn đề về Tổng tuyển cử, kiểm duyệt báo chí, đất trồng trọt và tổ chức thanh tra. Về vấn đề thanh tra, Người phát biểu: “Các Bộ trưởng có thể chia nhau mỗi người đi thanh tra một khu gần Hà Nội, Bộ Nội vụ sẽ khảo cứu và lập một chương trình về việc này. Có nhiều việc thụt két ở một vài công sở. Mỗi Bộ có trách nhiệm điều tra và đề nghị với Chính phủ nghiêm trị những người làm bậy”.

- Ngày 14: Bài viết Nhân tài và kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 91. Người khẳng định công việc kiến quốc muốn thành công thì cần phải có nhân tài, và nhân tài nước ta dù chưa có nhiều nhưng nếu biết khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo sử dụng thì ngày càng có nhiều thêm. Người kêu gọi đồng bào những ai có tài năng và sáng kiến về Kiến thiết ngoại giao, Kiến thiết kinh tế, Kiến thiết quân sự, Kiến thiết giáo dục - những công việc "chúng ta cần nhất bây giờ", lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà, hãy "gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay".

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người đề nghị lập Bộ Canh nông và cử ông Cù Huy Cận làm Bộ trưởng. Khi bàn về vấn đề tập hợp nhân tài, Người đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban Cố vấn cho Chủ tịch gồm 10 người: Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, giám mục Lê Hữu Từ, các ông Bùi Bằng Đoàn, Ngô Tử Hạ, Lê Tạ, Bùi Kỷ và 4 người nữa sẽ cử sau.

- Ngày 15: Lúc 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ tốt nghiệp khoá V Trường Huấn luyện Cán bộ Việt Nam. Trước buổi lễ, Người đã thăm trường, lớp, nhà bếp, chỗ tăng gia của trường. Nói chuyện tại buổi lễ, Người nhấn mạnh những công việc quan trọng trước mặt phải làm là: Kháng chiến và cứu đói. Người căn dặn anh em phải hết sức nghe mệnh lệnh của Chính phủ, trong công việc phải làm cho dân yêu mến và siêng năng hăng hái, làm gương cho đồng bào.

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai giảng khoá đầu tiên Trường Đại học Việt Nam (nay là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 19 phố Lê Thánh Tông).

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người thông báo việc một số địa chủ đã đến yết kiến và nói lại với Chính phủ các yêu cầu của họ. Người cũng cho biết Bộ Canh nông đã được thành lập và ông Cù Huy Cận đã thảo một thông cáo về việc này.

- Ngày 16: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề bầu cử và ứng cử, việc Việt Nam Quốc dân Đảng đã phát hành một tờ báo; vấn đề khuyến nông và tư pháp... Người đề nghị Chính phủ ra Thông cáo nói rõ ai cũng có quyền ứng cử, dù ở đảng phái nào hay không đảng phái.

- Ngày 17: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình và bàn về các vấn đề kế hoạch của Bộ Canh nông, việc dịch Dự thảo Hiến pháp ra tiếng Pháp để đăng báo La République; vấn đề tổ chức và quyền hạn của Uỷ ban nhân dân.

20 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội Hướng đạo Việt Nam tại khu Việt Nam học xá (Hà Nội).

- Ngày 19: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh để thoả thuận về vấn đề đoàn kết chống thực dân Pháp và giúp đỡ đồng bào Nam Bộ.

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để thảo luận về Sắc lệnh tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban hành chính, và các vấn đề đê điều, tài chính, giấy bạc 500đ, bảo vệ di tích và lăng tẩm, khen thưởng những người hy sinh vì Tổ quốc. Người còn thông báo về việc 10 thương gia Việt Nam và Trung Hoa đã đi Việt Trì để lo việc tiếp tế cho quân đội Trung Hoa, về cuộc gặp của Người với các ông Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh ban sáng.

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Hội Hướng đạo Nghệ Tĩnh.

10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ hy sinh tại Cái Răng, lập Uỷ ban canh nông tại phủ, huyện, châu, xã; tuyên truyền thể lệ và quyền ứng cử, bầu cử; việc cung cấp gạo cho quân đội Trung Hoa và vấn đề Tổng hội viên chức đề nghị vay 500.000đ để mua gạo tiếp tế cho công chức. Người đề nghị ra một Sắc lệnh truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ nói trên.

- Ngày 21: Lúc 9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, bàn về vấn đề tổ chức Ban Thanh tra và nghe các Bộ báo cáo.

13 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nghe đại diện các Bộ báo cáo tình hình. Sau khi nghe đại diện Bộ Giáo dục báo cáo, Người nói: “Ta đã làm được nhiều việc về giáo dục, làm hơn hẳn người Pháp”, và đề nghị ông Vũ Đình Hoè nên viết một bài nói về công việc đã làm đưa cho Bộ Tuyên truyền.

Khi Hội đồng thảo luận về báo cáo của Bộ Tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Cần phải có kế hoạch tuyên truyền đối với Pháp, đối với Trung Hoa, đối với các nước khác, đối với dân trong nước, và cho rằng ở các lớp tuyên truyền mỗi ngày chỉ học có hai giờ là quá ít. Khi Bộ Thanh niên báo cáo, Người nhận xét có quá nhiều tổ chức thanh niên, Bộ Thanh niên cần tập hợp tất cả lại thành một tổ chức và chỉ xuất bản một tờ báo thanh niên.

20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự dạ hội của Hội Nhi đồng Cứu quốc tại Nhà hát thành phố, cùng đến dự còn có Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền.

Trong ngày, nhân dịp khai mạc Hội nghị Oasinhtơn về Viễn Đông mà không có mặt của đại biểu Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một lần nữa tuyên bố "bác bỏ mọi quyền của người Pháp phát biểu nhân danh nhân dân Việt Nam" và lên án cuộc xâm lược của Pháp đối với Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô. Người kêu gọi các dân tộc tự do trên thế giới sẽ công nhận nền độc lập của nước Cộng hoà Việt Nam và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột giết chóc ở Nam Việt Nam.

- Ngày 22: Lúc 14 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Khi bàn về vấn đề tiếp tế gạo cho các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, Người nêu ý kiến cần chú ý  không để cho quân đội Trung Hoa dân quốc đổ lỗi cho ta làm khó dễ cho sự tiếp tế của họ.

- Ngày 23: Tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp 18 đại biểu của 5 dân tộc thiểu số Tuyên Quang. Người thân mật bắt tay từng người, hỏi thăm tình hình Việt Bắc và khen ngợi tinh thần yêu nước, ý chí đánh giặc, tinh thần sản xuất của đồng bào các dân tộc ít người. Người căn dặn đồng bào cần phấn đấu nhiều hơn, đoàn kết giữ gìn độc lập, chống xâm lăng và "nhờ anh chị em về nói lại với đồng bào trên ấy biết rằng đồng bào Kinh và Chính phủ rất thương mến đồng bào Mán, Thổ, coi như anh chị em trong một nhà, và khuyên anh chị em gắng sức để đi tới thái bình để cùng hưởng chung". Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với các đại biểu.

16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Khi bàn về chương trình kinh tế, Người nói: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình”...

Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo những công việc Bộ Ngoại giao đã làm:

Từ trước đến nay Chính phủ ta giao thiệp với người ngoại quốc đã gây được cảm tình của nhiều cá nhân.

Người Mỹ không ưa chính sách thuộc địa của Pháp, nhưng vì ngoại giao, người Mỹ không muốn làm mất lòng người Pháp. Việc ngoại giao với Pháp chưa có kết quả gì. Ta vẫn phải chuẩn bị.

Về ngoại giao với Trung Hoa, hàng ngày ta vẫn giao thiệp với họ ở đây. Họ tán thành việc ta gửi một phái bộ văn hoá sang Trung Hoa. Phái bộ chưa có tiền. Người Trung Hoa nói vì nội trị của ta chưa rõ nên họ chưa tỏ thái độ đối với ta.

Người thông báo với Hội đồng Chính phủ về cuộc gặp Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh ngày 19 tháng 11: Hai bên đã thoả thuận đoàn kết để chống Pháp nhưng báo Việt Nam ( Tờ báo của Việt Nam Quốc dân Đảng) vẫn công kích Chính phủ lâm thời. Ngày mai sẽ có cuộc hội kiến nữa và mong có kết quả. Nếu họ muốn tham gia Chính phủ, ta sẽ vui lòng để họ tham gia Chính phủ. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Tơruman và Tổng chỉ huy UNRRA (Cơ quan cứu trợ và khôi phục của Liên hợp quốc). Người yêu cầu “các cường quốc trên thế giới và các tổ chức cứu trợ quốc tế” giúp đỡ ngay lập tức cho Việt Nam để qua được nạn đói.

- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đại diện Việt Nam Quốc dân Đảng ký bản cam kết Tinh thành đoàn kết (Tinh thành: có lòng thành hết mực). Trong đó, hai bên đảm bảo không công kích lẫn nhau bằng lời nói và bằng hành động, cùng kêu gọi đoàn kết, cùng kêu gọi ủng hộ Nam Bộ kháng chiến.

19 giờ 30, Người dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Đê điều, tổ chức Bộ Nội vụ và Tổng tuyển cử.

- Ngày 25: Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Cứu quốc toàn xứ Bắc Bộ. Nói chuyện với Đại hội, Người thông báo cho Đại hội về tình hình quốc tế, tình hình trong nước và đề ra một số nhiệm vụ cho thanh niên:

+ Chuẩn bị luôn luôn: Một mặt ủng hộ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, một mặt chuẩn bị chiến đấu ở Trung và Bắc Bộ.

+ Cứu đói: Mang gạo từ chỗ có đến chỗ không có. Quyên gạo, khuyến nông, không để thừa một tấc đất hoang nào.

+ Chuẩn bị Tổng tuyển cử: Tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ bổn phận của mình trong cuộc Tổng tuyển cử.

Người phê bình các tổ chức thanh niên còn hẹp hòi, không thu hút nhiều giai tầng, chưa lôi kéo được đại đa số thanh niên, chưa giúp đỡ nữ thanh niên, chưa có kế hoạch, phương hướng... và đề nghị thanh niên hãy thực hiện khẩu hiệu: "Làm, phải cho thắng, nhất định không cho bại!".

- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thanh niên toàn quốc tích cực thực hiện chính sách đối với Hoa kiều. Sau khi nhắc lại truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa người Việt và Hoa kiều đã có từ trước đây, Người kêu gọi thanh niên phải đi đầu trong việc thực hiện chính sách “Hoa – Việt thân thiện”; đồng thời, phải ngăn ngừa những âm mưu ly gián hòng gây xích mích giữa người Việt Nam với Hoa kiều, phá hoại tình cảm giữa hai dân tộc.

17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: tiếp tế gạo, lập Ban Thanh tra đặc biệt và công tác ngoại giao. Người nói: “Ta cầm quyền trong lúc khó khăn: Có người Tàu, người Tây, người Nhật, lại thêm nạn đói, các Bộ thiếu liên lạc, Chính phủ thiếu kế hoạch chung. Vấn đề dùng người khó, tuy rằng ta rất rộng”. Người thông báo Việt Nam Quốc dân Đảng muốn giữ các Bộ: Nội vụ, Kinh tế, Tài chính, Giáo dục, Quốc phòng, Thanh niên, Kiều vụ và muốn người của đảng này giữ chức Đổng lý Nội các.

- Ngày 28: Lúc 16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về chính sách ngoại giao. Hội đồng đã khẳng định:

1. Ngoại giao đối với Pháp: Nguyên tắc của Chính phủ là:

a- Nhất quyết đòi quyền độc lập.

b- Chỉ có thể nhượng bộ ít nhiều về kinh tế, văn hoá.

2. Ngoại giao đối với Trung Hoa: Cùng một nguyên tắc là không nhượng bộ về vấn đề độc lập của Việt Nam.

- Ngày 29: Lúc 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Tổng tuyển cử, giải quyết việc quân đội Trung Hoa dân quốc canh gác Đài phát thanh và giữ tại Ga Hà Nội chiếc máy bay của ông Vĩnh Thuỵ mới gửi ra; việc cử một phái viên của Chính phủ Việt Nam vào Nam Bộ.

- Ngày 30: Lúc 16 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc kỷ niệm ba tháng độc lập (2/9 - 2/12) và việc ứng cử vào Quốc hội. Người được phân công ứng cử tại Hà Nội.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: