Phần 1. Giai đoạn 1890 - 1939
* Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911
Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại một căn nhà có tên gọi là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông.
Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế á ca, bài Ca hớt tóc, v.v.. Thầy phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng, như động Thiềng Đức, bãi biển Thương Chánh.
* Khoảng cuối năm 1912
Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh. Toàn văn bức thư như sau: “Hy Mã Nghi Bá đại nhân, Cách lâu không tiếp được tôn tín, không hay bác hành chỉ thế nào và sự thể bên ta thế nào? Và cháu muốn biết như cháu có thể gặp bác trước lúc bác đi hay không, vì cháu rất cần một ít tôn hội, xin bác trả lời liền cho cháu biết vì chừng nào trong tuần lễ cháu sẽ xuống tàu"đi chưa biết đi đâu". Kính chúc bác, M. Trường, em Dật và các đồng bào yên hảo”.
* Khoảng cuối năm 1917: Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp.
* Tháng 11- 1919
- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc gặp ông Pie Pátxkiê (Pierre Pasquier), một quan chức Bộ Thuộc địa Pháp theo giấy mời đề ngày 14-11-1919 của Chánh Văn phòng Bộ Thuộc địa.
Cuộc gặp mặt này nói về tổ chức nghi lễ tại Đền Nôgiăng (Nogent), nơi nhà cầm quyền Pháp lập nên để tưởng niệm binh lính Đông Dương đã chết trong chiến tranh 1914 - 1918.
Khi ông Pátxkiê hỏi: “Việc lập đền thờ các tử sĩ Đông Dương ở Nôgiăng sẽ tác động đến dân Nam như thế nào?”, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Về tình cảm thì chưa rõ nhưng giá như quan tâm nhiều hơn về vật chất cho vợ con họ thì tốt hơn”.
Nguyễn Ái Quốc nói thêm: “Mỹ sau 10 năm đã cho Philíppin tự trị, Nhật vừa cho Triều Tiên tự trị sau 14 năm. Sao Pháp chưa làm gì cho Đông Dương?”.
Nguyễn Ái Quốc hứa với ông Pátxkiê là sẽ đến dự lễ, nhưng các bạn của anh thì không chắc vì họ còn phải làm việc...
* Tháng 11-1920
- Ngày 3: Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam dự cuộc họp do nhóm Uỷ ban Quốc tế III Quận 13 tổ chức tại 167 phố Soadi.
- Ngày 4: Bài viết Ở Đông Dương, đăng trên báo L'Humanité. Người nhắc lại những cuộc đình công của lính thuỷ Việt Nam ở Hải Phòng ngày 15-8-1920 khi hai chiếc tàu chuẩn bị đưa một số lớn lính pháo Việt Nam sang Xiri (Syrie), bài báo nêu rõ: "Chúng tôi cực lực phản đối việc đưa lính An Nam sang Xiri... Nước Pháp đang để cho hàng triệu anh em chúng ta chết đói, trong khi đó hàng nghìn người khác bị đưa sang Tiểu Á làm bia đỡ đạn".
- Ngày 9: Lúc 9 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc dự mít tinh tại phòng Vagram, đại lộ Vagram (Wagram) do Đảng Xã hội tổ chức để kỷ niệm lần thứ 3 Ngày thành lập nước Nga Xôviết.
- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc và một số người Việt Nam dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội tại 163 đại lộ Ôpitan.
- Ngày 19: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội tại 167 phố Soadi.
- Ngày 27: Nguyễn Ái Quốc viết thư cho một người Việt Nam quen biết ở Mácxây, khuyến khích người đó gửi cho những tin tức từ trong nước để làm tài liệu viết báo. Lá thư này đã bị Sở Kiểm duyệt giữ lại, dịch sang tiếng Pháp và gửi về Bộ Thuộc địa.
* Tháng 11-1921
- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Hội liên minh nhân quyền Pháp. Bức thư nêu bảy yêu cầu cấp thiết đối với nhân dân Việt Nam là: Ân xá chính trị phạm, cải cách pháp luật, tự do báo chí và tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do xuất dương và du lịch ở nước ngoài, v.v..
Người đề nghị hội hãy tích cực can thiệp, đòi Chính phủ Pháp phải thực hiện những yêu sách tối thiểu và cấp thiết nói trên đối với nhân dân Việt Nam.
- Ngày 18: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của một người bạn Pháp tên là Uylixơ Lơrisơ (Ulisse Leriche), hẹn gặp vào thứ bảy 19-11-1921 tại phố Môngmáctơrơ (Monmartre). Lơrisơ cho biết sẽ đến họp Ban Nghiên cứu thuộc địa vào thứ tư tuần sau.
Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc còn nhận được thư của một người Nhật tên là Kômátsư báo tin bị ốm, nên đã không đến dự cuộc họp tối ngày 17-11 và chưa gửi được bản thảo về Đảng Lao động ở Nhật cho Nguyễn Ái Quốc.
- Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp Chi bộ Quận 17 Đảng Cộng sản Pháp tại số nhà 100 phố Cácđinê. Ở cuộc họp này, chi bộ công nhận Nguyễn Ái Quốc từ Chi bộ Quận 13 chuyển sang, là đảng viên của Chi bộ Quận 17.
- Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc tham gia dự thảo bản báo cáo của Tiểu ban Đông Dương thuộc Pháp trong Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp.
Bản báo cáo chủ yếu đề cập đến công tác tuyên truyền cần được tiến hành dưới sự lãnh đạo và đôn đốc của Đảng, trong tất cả các thuộc địa của Pháp và cả xứ được gọi là bảo hộ.
"Công tác tuyên truyền này thực hiện:
a. Bằng các báo chí xuất bản ở Pháp.
b. Bằng diễn đàn của các đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của Nghị viện.
c. Bằng các hội nghị.
d. Bằng mọi phương thức thích hợp với đối tượng, với trình độ giáo dục và văn minh của quần chúng bản xứ ở các thuộc địa".
* Tháng 11-1922
- Ngày 1: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Vụ hành hạ Amđuni và Ben Benkhia, đăng trên báo Le Paria, số 8.
Kể về tội ác của một tên chủ người Pháp đã đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với hai người công nhân bản xứ giúp việc chỉ vì "hai anh này hình như đã có lấy trộm vài chùm nho", tác giả tố cáo ách thống trị dã man tàn bạo, sự lật lọng tráo trở của bọn thực dân Pháp đối với nhân dân Tuynidi mà một thời đã được chúng vuốt ve, trìu mến và ca ngợi là "mối tình ruột thịt đã đời đời gắn chặt vào trong xương máu và quang vinh".
Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là thành viên của Ban Nghiên cứu thuộc địa Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tham gia dự thảo Lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Pháp gửi những người bản xứ ở các thuộc địa. Theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp đã nhất trí thông qua lời kêu gọi này, chính thức công bố trên báo Le Paria, ngày 1-11-1922.
Mở đầu, lời kêu gọi tố cáo những tội ác mà quân xâm lược đã gây ra ở các thuộc địa, làm cho người dân thuộc địa "mất hết tự do", "phải lao động mà không được thu gặt thành quả", "khủng bố", "áp dụng những luật lệ tàn khốc", "lập ra toà án cho các bạn", "khắt khe và đẫm máu", bắt lính để thoả mãn lòng tham của chúng...
Lời kêu gọi chỉ rõ những người vô sản ở chính quốc cũng là "nạn nhân của những bạo ngược của họ" và "chúng tôi chống lại họ".
Kết thúc, lời kêu gọi viết: "Vì hoà bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức!".
- Ngày 2: Bài viết Sự chăm sóc ân cần, đăng trên báo L'Humanité. Với giọng văn châm biếm, Người đã vạch trần sự giả dối trong những lời hứa hão, trong những câu nói tỏ lòng "tri ân" của tên Toàn quyền Đông Dương đối với những người lính Đông Dương đã "tình nguyện" chết "vì mẫu quốc" mà thực tế người ta "xích tay họ lùa đến các địa điểm tập trung", thậm chí "dìm trong biển máu" những cuộc biểu tình, các cuộc khởi nghĩa của họ chứ đâu có được hưởng sự chăm sóc ân cần như chúng nói.
* Tháng 11-1923
- Ngày 29: Ba bài viết của Nguyễn Ái Quốc dưới các nhan đề Chính sách thực dân Anh; Phong trào công nhân; Nhật Bản, đăng trên báo La Vie Ouvrière.
Theo tác giả bài Chính sách thực dân Anh thì ngày nay chủ nghĩa tư bản Anh đã không thoả mãn với những đặc quyền đặc lợi mà họ giành được trước đây ở Trung Quốc “Họ muốn làm hơn thế nữa kia: họ muốn chiếm cả Trung Quốc làm thuộc địa”. Bài báo đồng thời nêu rõ nhân dân Trung Quốc, không phân biệt chính kiến, đều chống lại cái chính sách thực dân trá hình này và mong rằng “Trước sự đe doạ của chủ nghĩa tư bản Anh, những người con của Trung Quốc sẽ biết đoàn kết với nhau để phản kháng thắng lợi”.
Bài Phong trào công nhân, nêu chín điểm chính trong các yêu sách của giai cấp vô sản có tổ chức của Trung Quốc và nhận định về phong trào công nhân Trung Quốc như sau: “Chỉ sau khi Chiến tranh thế giới kết thúc, giai cấp vô sản Trung Quốc mới bắt đầu được tổ chức một cách chặt chẽ, song họ đã thu được một số thắng lợi to lớn trong các cuộc đình công. Mặc dù bị bọn quân phiệt đàn áp và bọn thống trị ngoại lai cản trở, các tổ chức của họ vẫn phát triển bình thường và có thể nói là nhanh nữa. Hiện nay những người thuỷ thủ, công nhân luyện kim, công nhân đường sắt là những lực lượng thật sự mà bọn tư bản buộc phải coi trọng”.
Bài Nhật Bản, viết về sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức công nhân công nghiệp và công nhân nông nghiệp ở Nhật Bản, đồng thời cho biết bên cạnh phong trào vô sản đó, các phong trào có tính chất cách mạng cũng lan rộng, tiêu biểu đó là phong trào Eta - một phong trào của những người trong đẳng cấp thấp hèn nhất ở đế quốc Mặt trời mọc, do ảnh hưởng của những người vô sản đã giác ngộ, họ đã thức tỉnh và biết tổ chức nhau lại để đấu tranh, từ một “phong trào lúc đầu với tư cách là cuộc đấu tranh của lớp người riêng lẻ thì hiện nay đã trở thành cuộc đấu tranh giai cấp”.
* Tháng 11-1924
- Ngày 11: Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc).
- Ngày 12: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc gửi ba bức thư về Mátxcơva:
+ Thư gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản.
+ Thư gửi đồng chí Đômban (Dombal), Tổng thư ký Quốc tế Nông dân.
+ Thư gửi Ban biên tập Tạp chí Rabốtnhitxa.
Các bức thư đều ghi địa chỉ mới của Người: "Ô. Lu, Hãng thông tấn Rôxta, Quảng Châu, Trung Quốc".
Toàn văn ba bức thư trên như sau:
1- Thư gửi một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản:
"Quảng Châu, ngày 12-11-1924
Đồng chí thân mến,
Chỉ có một dòng chữ để báo cho đồng chí biết rằng tôi đã đến đây hôm qua, và đang ở nhà đồng chí Bôrôđin với 2 hoặc 3 đồng chí Trung Quốc. Tôi chưa gặp ai cả.
Mọi người ở đây đều bận về việc bác sĩ Tôn lên phương Bắc.
Tôi sẽ viết thư cho đồng chí sớm.
Xin gửi lời chào anh em của tôi đến đồng chí và tất cả các đồng chí chúng ta ở Quốc tế Cộng sản.
Nguyễn Ái Quốc".
2- Thư gửi đồng chí Đômban:
“ Quảng Châu, ngày 12-11-1924
Gửi đồng chí Đômban, Tổng thư ký Quốc tế Nông dân,
Đồng chí thân mến,
Chuyến đi của tôi từ Mátxcơva được quyết định hơi đột ngột, và tôi không thể báo trước cho đồng chí điều đó. Tôi xin đồng chí thứ lỗi và chuyển sự tạ lỗi của tôi đến các đồng chí chúng ta ở Hội đồng.
Ở đây, chúng ta có một phong trào nông dân rất đáng chú ý: dưới sự bảo trợ của Quốc dân Đảng và sự lãnh đạo của những người cộng sản, những nông dân nghèo đã tự tổ chức lại. Về phía các địa chủ, họ cũng có tổ chức nhưng tất nhiên với mục đích khác. Đây là một cơ hội tuyệt diệu cho việc tuyên truyền của chúng ta. Vậy tôi đề nghị đồng chí vui lòng gửi cho tôi tất cả mọi tài liệu mà đồng chí có thể có như các báo, các tuyên ngôn, v.v.. Tôi sẽ đảm nhiệm thu xếp với các đồng chí chúng ta ở đây để phổ biến chúng.
Về việc liên quan tới vị trí của tôi là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân thì đồng chí cứ làm nếu như đồng chí xét là tốt hoặc là đề nghị thay thế tôi, ở trường hợp này đồng chí nói là tôi ốm, chứ đừng nói là tôi vắng mặt, bởi vì tôi sống bất hợp pháp ở đây. Hoặc là nếu đồng chí thấy có ích thì cứ giữ lại cái danh nghĩa dân thuộc địa Nguyễn Ái Quốc trang trí cho những tuyên ngôn và những lời kêu gọi của Hội đồng.
Xin gửi đồng chí và tất cả các đồng chí của chúng ta lời chào cộng sản"
3- Thư gửi Ban biên tập Tạp chí Rabốtnhitxa:
"Quảng Châu, ngày 12-11-1924
Các nữ đồng chí thân mến,
Khi tôi còn ở Quốc tế Cộng sản, tôi phấn khởi được đôi lần cộng tác với tờ báo của các đồng chí. Nay tôi muốn tiếp tục sự cộng tác ấy. Nhưng vì ở đây tôi hoạt động bất hợp pháp, cho nên tôi gửi bài cho các đồng chí dưới hình thức "Những bức thư từ Trung Quốc" và ký tên một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng làm như vậy những bài viết có tính chất độc đáo hơn và phong phú hơn đối với độc giả, đồng thời cũng bảo đảm giấu được tên thật của tôi.
Xin các đồng chí gửi đều đặn cho tôi không chỉ riêng báo của các đồng chí, mà cả những sách báo Nga mà phụ nữ và thiếu nhi có thể ưa thích, bởi vì ở đây còn phải làm nhiều việc vận động phụ nữ và thiếu nhi, nhưng các đồng chí của chúng ta ở đây lại chưa có đủ tài liệu huấn luyện và tuyên truyền. Về phần tôi, tôi hứa sẽ cung cấp cho các đồng chí tin tức về phong trào phụ nữ ở phương Đông nói chung và ở Trung Quốc nói riêng.
Nếu cần phải trả tiền đặt mua các thứ báo mà các đồng chí sẽ gửi cho tôi, xin các đồng chí cứ giữ lại tiền thù lao các bài báo tôi viết để trả.
Xin các đồng chí nhận lời chào cộng sản của tôi"
Kèm theo bức thư này, Nguyễn Ái Quốc gửi Tạp chí Rabốtnhitxa một bài báo nhan đề Thư từ Trung Quốc, số 1 ký tên Loo Shing Yan - nữ đảng viên Quốc dân Đảng, viết về thân phận của phụ nữ Trung Quốc dưới ách áp bức của đế quốc và bọn quân phiệt Trung Quốc, những dấu hiệu ban đầu của phong trào đấu tranh của phụ nữ Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.
Người nêu lên tình cảnh nước Trung Hoa đang bị kìm kẹp tàn nhẫn trong hai gọng kìm: Đế quốc nước ngoài và bọn quân phiệt Trung Quốc. “Sự áp bức đè nặng lên chúng tôi, nhưng chúng tôi bị áp bức nặng nề hơn gấp nghìn lần đàn ông…”.
Tiếp đó, Người viết: “Tiếng vang của cách mạng Nga làm cho chúng tôi dường như thoát khỏi cơn ác mộng đau đớn”. Cách mạng Nga đã làm cho những người phụ nữ Trung Quốc hiểu rằng phụ nữ cũng phải có quyền sống và làm việc và để giành được quyền đó “chúng tôi cũng phải đấu tranh như những đàn ông và cùng với đàn ông chống lại những kẻ bóc lột chúng tôi".
Người nhắc đến nữ đồng chí Bôrôđin đã góp phần giúp đỡ hướng dẫn phụ nữ Trung Quốc hiểu thêm cách mạng Nga.
Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Người ta chưa bao giờ thấy phấn khởi nhiều như thế trong phụ nữ chúng tôi. Đó thật sự đã là cuộc cách mạng nhỏ!".
* Tháng 11-1925
- Ngày 5: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân nêu những nhận xét về tình cảm, nguyện vọng, trình độ văn hoá, tâm lý, thái độ chính trị của nông dân Trung Quốc qua những báo cáo và nghị quyết của Đảng bộ Quốc dân Đảng Quảng Đông.
Thư cũng cho biết Nguyễn Ái Quốc chưa chính thức liên lạc được với Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng như chỉ thị của Đoàn Chủ tịch.
Cuối thư ký tên: Nilốpxki (NAQ.)
* Tháng 11-1926
- Ngày 13: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc với tư cách "đặc phái viên" của báo, viết bài đầu tiên trong loạt bài Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi gửi về cho báo L'Annam, một tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp ở Nam Kỳ do ông Phan Văn Trường làm chủ nhiệm.
Bài viết thông báo về những thắng lợi đầu tiên của Quân cách mạng Quốc dân trong cuộc Bắc phạt do Tôn Trung Sơn phát động nhằm mở rộng thành quả cách mạng trong phạm vi cả nước, về những lục đục phe phái trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh, về thái độ của các cường quốc nước ngoài với Quảng Châu.
Nói về nhiệt tình của dân chúng đối với Chính phủ Quốc dân, Nguyễn Ái Quốc nhận xét: "Sự nồng nhiệt của nhân dân chứng tỏ người Trung Quốc biết ơn dường nào vị lãnh tụ vĩ đại quá cố đã khơi dậy nơi họ ý chí tự giải phóng khỏi ách áp bức về ngoại giao mà bây giờ không gì có thể biện hộ được".
Về quan hệ giữa các cường quốc với Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc nhận định: Họ "không phải là chính thức thừa nhận Chính phủ Quốc dân ở Quảng Châu mà là thực hiện một kế hoạch nhằm làm suy yếu Trung Quốc và đặt nước này dưới sự thống trị hoàn toàn của ngoại bang (...). Mưu mô này nhất định đã được Chính phủ Quốc dân nhận thấy, và những biện pháp thoả đáng đã được áp dụng để ngăn chặn việc thực thi này.
- Ngày 20: Nguyễn Ái Quốc viết bài thứ hai về Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi. Ngoài việc thông báo phía Chính phủ Quốc dân "sự kiện nổi bật trong tuần qua là việc cải tổ cuối cùng hệ thống cai trị ở cấp tỉnh tại tỉnh Quảng Đông", bài viết tập trung nói về những khó khăn bế tắc của chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt là tình hình tài chính đã không đủ để chi tiêu cho quân sự, về những chia rẽ sâu sắc và phân hoá giữa các tướng lĩnh quân phiệt.
Nhận xét về diễn biến của chiến tranh, Nguyễn Ái Quốc viết: "Thái độ của dân chúng các tỉnh rõ ràng là thuận lợi cho Chính phủ Quốc dân... Thái độ đúng đắn của dân chúng quốc gia, lòng yêu nước và sự trong sạch của các thủ lĩnh dân sự và quân sự, sự đoàn kết giữa họ, lòng mong muốn thành thật và rõ ràng của họ là vì lợi ích chung, tất cả những cái đó làm cho dư luận dân chúng ủng hộ Chính phủ Quốc dân... Họ không bỏ lỡ cơ hội nào để chứng tỏ cảm tình của mình đối với Quân giải phóng" .
- Ngày 28: Bài viết Người An Nam ở Xiêm của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Thanh niên, số 71.
Tác giả đã điều tra và cho biết về số lượng, về tín ngưỡng, về nghề nghiệp, về thân phận của 3 vạn dân Việt đã "lưu ly thất sở, tan cửa tan nhà, phải bỏ quê cha đất tổ, dạt ra đất khách quê người" kể từ ngày thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.
Nhận xét chung về người An Nam ở Xiêm khi đó, Nguyễn Ái Quốc phải thốt lên: "Tình cảnh người mình như vậy đều là lưu lạc quê người, cứ kể bình thường thì người An Nam ở Xiêm trông thấy nhau nên thương yêu nhau, giúp nhau là phải, nào ngờ vẫn giữ lấy thói dã man nào lương giáo giết nhau, lợi hại tranh nhau, lừa đảo nhau, chém giết nhau đến nỗi đem nhau đi kiện cáo cho Xiêm, Lào sỉ nhục. Vì một tính không biết đoàn thể, đã đến nỗi bỏ nước mà đi, lại còn vẫn không giác ngộ thế thì sao còn trách người Xiêm nó khinh, nó chửi. Nói ra thật đau lòng".
* Tháng 11-1929
Trong thời gian hoạt động ở Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đã làm rất nhiều cho công tác giáo dục, tuyên truyền và tổ chức, tạo nên một sự thay đổi lớn trong phong trào Việt kiều ở đây. Nếu trước kia, khi ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc từ phương bắc tuyên truyền về nước, thì giờ đây, ở Xiêm, Người đã tuyên truyền về nước từ phía tây.
Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, dù đã hết sức cẩn thận vẫn không thể hoàn toàn giữ kín được. Thực dân Pháp sinh nghi, tung mật thám dò tìm. Người bị theo dõi ráo riết. Gặp khi nguy hiểm quá, Người thậm chí đã phải lánh vào chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động.
Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đi Trung Quốc. Nói về việc rời Xiêm lần này, Trần Dân Tiên trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” đã viết: “Ông biết rõ tình hình trong nước. Hai việc quan trọng làm cho ông từ giã nhà chùa và nước Xiêm. Việc thứ nhất là cuộc bạo động của Quốc dân Đảng đang chuẩn bị. Nhận xét cuộc bạo động đấy quá sớm và khó thành công, ông muốn bàn lại kế hoạch với anh em Quốc dân Đảng… Việc thứ hai: vừa mới đây “Tân Việt” và “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” lại chia ra hai nhóm. Mỗi nhóm tổ chức thành một Đảng Cộng sản. Như thế, lúc bấy giờ ở Việt Nam có ba Đảng Cộng sản. Mặc dầu sự khủng bố của Pháp, “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” phát triển rất nhanh chóng. Nhưng sự chia rẽ đã làm cho những người yêu nước lo lắng. Vì chia rẽ thì suy yếu”.
* Tháng 11-1930
Ngày 5, Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Quốc tế Nông dân (bằng tiếng Pháp) báo cáo về phong trào nông dân từ tháng 5 đến tháng 10-1930 ở bảy tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh: “Mặc dầu bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển”, "ở một số làng đỏ, Xôviết nông dân đã được thành lập”.
Cuối thư, Người yêu cầu “Quốc tế Nông dân có thể giúp đỡ gấp cho các nạn nhân bị khủng bố...”.
* Tháng 11-1931: Nguyễn Ái Quốc bị bệnh lao phổi ở dạng tái phát. Nhờ sự can thiệp của luật sư Lôdơbi, Người được chuyển từ ngục Víchtôria sang bệnh xá của nhà tù.
Những ngày nằm ở bệnh viện, Nguyễn Ái Quốc được mọi người kính trọng. Một lần, cô y tá Trung Quốc thường ngày chăm sóc Người, hỏi: "Cộng sản là thế nào? Chú làm cộng sản làm gì để bị bắt bớ khổ thân?". Nguyễn Ái Quốc đã giải thích tóm tắt cho cô hiểu và khêu gợi ở cô tinh thần dân tộc chống đế quốc.
* Khoảng mùa Thu đến cuối năm 1933:
Ở Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng và đồng chí của mình. Nhờ đọc báo, Người được biết một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đang có mặt ở đây, trong đoàn có Pôn Vayăng Cutuyariê. Người liền viết thư gửi cho Pôn, thuê một chiếc xe du lịch đến tự tay bỏ vào thùng thư trước nhà bà Tống Khánh Linh để nhờ bà chuyển giúp tới Pôn Vayăng Cutuyariê.
Vài hôm sau, Nguyễn Ái Quốc gặp Pôn Vayăng Cutuyariê. Người kể cho Pôn Vayăng Cutuyariê biết hoàn cảnh khó khăn của mình. Còn Vayăng Cutuyariê nói cho Nguyễn Ái Quốc rõ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương và phong trào cách mạng thế giới thời gian qua. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ này, Nguyễn Ái Quốc đã chắp được liên lạc với đoàn thể. Sau này, Người có dịp kể lại nỗi vui mừng của Người lúc ấy:
“Ba năm lưu lạc linh đinh,
Nay đà trở lại trong đại gia đình công nông”.
* Tháng 10 đến tháng 12-1934: Ở Trường Quốc tế Lê-nin, lúc đầu Nguyễn Ái Quốc sinh hoạt trong nhóm tiếng Trung Quốc. Vài ngày sau, thấy không thích hợp, Người được chuyển sang sinh hoạt ở những nhóm tiếng Pháp.
Người thường gặp gỡ nhóm học sinh Việt Nam học ở Trường đại học Cộng sản Phương Đông để giúp đỡ họ trong học tập lý luận cũng như trong sinh hoạt.
* Khoảng cuối năm 1936: Sau khi nhận công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc (Lin) chuyển chỗ ở về phố Bansaia Brônnaia, nhà số 6a, phòng 417.
* Khoảng cuối năm 1937: Được sự giúp đỡ của các giáo sư, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tư liệu để bắt tay vào viết bản luận án với đề tài do Người tự chọn: Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á.
* Mùa Đông 1938: Nhờ mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đến Văn phòng Lan Châu của Giải phóng quân Trung Quốc để từ đó đi Tây An.
Tại Lan Châu, Người được Ngũ Tu Quyền - Chủ nhiệm Văn phòng tiếp đãi chu đáo. Theo sự sắp xếp của tổ chức, Người nhận quân phục và phù hiệu Bát lộ quân, quân hàm thiếu tá với bí danh Hồ Quang.
- Sau vài ngày ở Tây An, Người cùng mấy đồng chí Trung Quốc “hộ tống” mấy xe bò, xe ngựa, xe trâu chở vải rách (mua về để bện dép) đi Diên An.
Ở Diên An hai tuần, Nguyễn Ái Quốc trở lại Tây An. Lần này, Người đi cùng 5 chiếc xe hơi chở học sinh và cán bộ trung, cao cấp. Trên đường qua vùng “trắng”, bọn đặc vụ Quốc dân Đảng lục soát xe, dọa giữ xe, giữ người. Trước thái độ cứng rắn của quân cách mạng, quân “trắng” phải lùi.
Rời Tây An, Nguyễn Ái Quốc tìm đường đi Quảng Tây. Cùng đi có đồng chí L. là cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để được an toàn trên đường đi, Nguyễn Ái Quốc sắm vai lính hầu của quan trưởng L.
* Tháng 11-1939
- Ngày 7: Nguyễn Ái Quốc rời Quý Dương.
- Ngày 18: Nguyễn Ái Quốc trở lại Quý Dương nhưng vẫn không gặp được những người đi đón, nên lại tìm đường đi Côn Minh.
- Khoảng tháng 11: Nguyễn Ái Quốc từ Quý Dương đến Trùng Khánh. Tại đây, Người thường hay lui tới Văn phòng của Bát lộ quân đóng tại thôn Hồng Nham. Lần nào “Người cũng ở một gian buồng nhỏ tầng trên của Văn phòng, kề sát với buồng của đồng chí Tiền Chi Quang”.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 2. Giai đoạn 1940 - 1945
* Tháng 11-1940
Một buổi tối tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc đến nơi ở của Hạ Diễn, lúc đó là Tổng Biên tập tờ Cứu vong nhật báo trên đường Thái Bình, mang theo một bản thảo.
Hạ Diễn đề nghị Người sao một bản bỏ vào phong bì gửi bằng đường bưu điện đến cho toà báo, đề phòng khi bị bọn Quốc dân Đảng lục soát thì Hạ Diễn sẽ mang chiếc phong bì có dấu bưu cục ra đối phó.
- Ngày 15: Bài “Ôông-Trôi-Co-mat”, đăng trên Cứu vong nhật báo, với bút danh Bình Sơn, có nghĩa là “Ông trời có mắt”. Người vạch rõ bọn thực dân Pháp đã xâm lược, bóc lột nước ta bây giờ lại để cho Đức đánh chiếm và cướp bóc nhân dân Pháp. Chúng còn coi khinh Trung Quốc, nhưng nhân dân Trung Quốc lại anh dũng đấu tranh chống Nhật. Hai dân tộc Trung Quốc và Việt Nam “có thể sát cánh chặt chẽ với nhau, đá cho đế quốc đang áp bức chúng ta cút đi, thế thì ông trời chẳng những có mắt mà còn có cả chân nữa!”.
- Ngày 24: Bài Chú ếch và con bò của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Bình Sơn, đăng trên Cứu vong nhật báo. Mượn câu chuyện ngụ ngôn của La Phôngten kể về một chú ếch vì không biết tự lượng sức mình cố phùng bụng lên cho to bằng con bò mà phải tan xác, bài báo viết: “Những người như kiểu chú ếch kia trên thế giới này quả không ít. Mútxôlini đánh Hy Lạp, giẫm phải đinh, là một ví dụ”.
Bình luận về việc Mútxôlini toan bắt chước kiểu “chiến tranh chớp nhoáng” của Hítle hòng nuốt chửng nước Hy Lạp, kết quả đã nhiều phen bại trận, bài báo kết thúc bằng một hình tượng chế giễu: “ảo tưởng thắng lợi của họ Mút cũng vỡ toang như chú ếch kia. Ông anh Hítle của y chắc hẳn cũng chửi thầm: "Cái thằng vô tích sự! Mày chỉ làm tăng nhuệ khí của kẻ thù, mất cả oai phong phe trục! Poucos Madona!" .
- Ngày 27: Bài Trò đùa dai của Rudơven tiên sinh, đăng trên Cứu vong nhật báo, với bút danh Bình Sơn. Nội dung bài viết nhắc chuyện quân đội Pháp do La Phayét chỉ huy “giúp người Mỹ đánh người Anh”. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chính phủ Mỹ cử tướng Pơsinh đem quân sang châu Âu giúp Anh, Pháp đánh Đức. Năm 1940, Tổng thống Rudơven lại cử tướng Pơsinh “là tử thù của người Đức, là đồng sự trong thắng lợi của tướng Pêtanh" sang làm đại sứ ở Pháp, “chắc không ngoài dụng ý chọc tức người Đức và làm bẽ mặt Pêtanh”.
- Cuối tháng 11, đầu tháng 12:
+ Sau khi đọc tin về Khởi nghĩa Nam Kỳ trên báo Quế Lâm, trong một buổi họp, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Tình hình chung thế giới và Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay đã nổ ra rồi, thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào”.
Người viết ngay một bức điện gửi Đảng bộ Nam Kỳ (bức điện này sau không có cách nào chuyển được về nước). Người chủ trương nên chuyển hoạt động về sát biên giới, và tìm cách về nước.
+ Tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư báo cáo của nhóm công tác ở Tĩnh Tây (gồm Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh) và báo cáo của Phạm Văn Đồng về bức điện của Trương Bội Công gửi Văn phòng Đệ tứ chiến khu nhờ mời ông Hồ Học Lãm và ông Lâm Bá Kiệt, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Biện sự xứ Việt Minh tại Quế Lâm đưa hội viên về Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tổ chức Đại hội hợp nhất “Việt Nam độc lập đồng minh hội” với “Việt Nam dân tộc giải phóng uỷ viên hội”.
Cũng tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc chủ trương biến bức điện mời của Trương Bội Công thành “giấy đi đường” của một đoàn cán bộ về Tĩnh Tây.
Đoàn cán bộ gồm Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng... mua vé ôtô rời Quế Lâm đi Nam Ninh.
* Tháng 11- 1941
- Ngày 1: Bài Ca binh lính của Nguyễn Ái Quốc gồm 22 câu, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Bài ca mở đầu bằng lời tự vãn của người cầm súng giặc:
“Hai tay cầm khẩu súng dài,
Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?”...
Và chỉ nhớ là nhằm thẳng vào kẻ thù mà bắn, để cứu nước, cứu nhà, chứ không nên vì danh lợi chống lại cách mạng, chống lại nhân dân. Kết thúc là lời kêu gọi:
“Trong tay đã sẵn súng này,
Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành.
Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh:
“Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!”.
- Khoảng đầu tháng: Nguyễn Ái Quốc đến dự lễ thành lập đội vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng. Nói chuyện với đội, Người nhắc nhở phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt; đối với dân phải như cá với nước.
- Sau khi quyết định thành lập đội vũ trang đầu tiên của Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc biên soạn Mười điều kỷ luật và Chiến thuật cơ bản của du kích cho các đội viên học tập và trực tiếp huấn luyện cho họ.
* Tháng 11-1942
- Ngày 2: Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Đồng Chính. Sau đó, bị giải đi Nam Ninh.
- Ngày 18: Hồ Chí Minh bị giải từ Nam Ninh đi Vũ Minh.
* Tháng 11-1943
- Khoảng giữa tháng: Theo yêu cầu của Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh nhận chức Phó chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Chủ tịch là Nguyễn Hải Thần).
- Ngày 23: Hồ Chí Minh rời khỏi Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu đến ở trong nhà Tổng bộ Việt Nam cách mạng đồng minh hội đặt tại đường Ngư Phong trong thành phố Liễu Châu.
- Khoảng tháng 11: Từ Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết thư cho Từ Vĩ Tam, Vương Tích Cơ... (những người Trung Quốc kết nghĩa anh em với Người ở Ba Mông, Tĩnh Tây) báo tin Dương Đào đã chết. Người viết: “Dương Đào là người em thân thiết của chúng ta, chúng ta sẽ mãi mãi không quên chú ấy”.
- Sáng sớm một ngày chủ nhật, Hồ Chí Minh ra sông tắm.
Một lát sau, Trương Phát Khuê mặc áo lông đắt tiền, cưỡi con ngựa hồng cao lớn đi ngang qua, nhận ra người tắm dưới sông liền dừng ngựa lại chào.
Tướng Trương Phát Khuê nói: "Hồ tiên sinh là người An Nam. An Nam ở về nhiệt đới, sang đất Liễu Châu chúng tôi chịu đựng được cái rét mùa đông đã là không đơn giản. Thế mà nay Hồ tiên sinh còn bơi được dưới dòng nước lạnh giá này, thật là kỳ tài! Thật là kỳ tài!"
Người đáp lại rất tự nhiên: "Đâu dám! Đâu dám!".
* Tháng 11- 1945
- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giêm Biếcnơ. Trong thư, Người đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân, mở đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, trước hết trong lĩnh vực văn hoá, mặc dù giữa hai nước chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Người đề nghị “được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”.
- Trước ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo về lời tuyên bố ngày 26-10-1945 của Tổng thống Mỹ Tơruman. Mở đầu, Người nói: "Cứ xét 12 điểm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ này, thì đều có ý nghĩa công minh chính trực cả, nhưng riêng năm điểm có quan hệ mật thiết với các dân tộc nhược tiểu trên thế giới"… thì nhân dân Việt Nam "rất hoan nghênh và chắc rằng nước Mỹ sẽ làm cho những lời tuyên bố ấy thực hiện ngay, nó đặt nền móng cho hoà bình và hạnh phúc của nhân loại và trước hết là cho các dân tộc nhỏ yếu". Đó là:
" Hoa Kỳ không nghĩ tới một sự mở mang bờ cõi nào vì những mục đích ích kỷ...
Hoa Kỳ tin tưởng vào sự trở lại chủ quyền của hết thảy các dân tộc đã mất chủ quyền ấy bởi cường lực...
Hoa Kỳ không ưng thuận một sự thay đổi lãnh thổ nào mà không được chính các dân tộc đương sự thoả thuận...
Tất cả các dân tộc đương chuẩn bị tự trị được tự chọn lấy chính thể của họ...
Không một chính phủ nào thành lập bằng sự áp bức, bằng vũ lực trên một dân tộc khác, lại sẽ được Hoa Kỳ thừa nhận cả".
- Ngày 3: Lúc 16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề gạo cứu đói. Người được Hội đồng Chính phủ phân công thảo một kế hoạch để giúp ý kiến cho Hội Cứu đói.
- Ngày 5: Lúc 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội tổ chức tại Nhà hát thành phố để hưởng ứng "Ngày kháng chiến". Đọc diễn văn trong buổi lễ, Người tố cáo âm mưu của thực dân Pháp muốn xâm chiếm nước ta một lần nữa, đồng thời khẳng định lập trường và ý chí quyết chiến để giữ vững nền độc lập của dân tộc. "Bọn thực dân Pháp phải biết rằng: dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến".
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho kiều bào Việt Nam ở Pháp. Trong thư, Người biểu dương tinh thần đấu tranh, yêu nước của kiều bào, tố cáo những tội ác dã man của bọn thực dân Pháp xâm lược, vạch trần sự đồng lõa của nhà cầm quyền Anh ở Nam Bộ và khẳng định ý chí mạnh mẽ của một dân tộc thà chết tự do hơn sống nô lệ. Người mong rằng kiều bào hãy xứng đáng với anh em đang chiến đấu ở Nam Bộ để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà.
Cũng cùng ngày, bài Toàn dân kháng chiến (ký bút danh Q.T) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 83. Bài viết nêu rõ ý nghĩa, nội dung cụ thể của toàn dân kháng chiến và kết luận "Thực hiện được toàn dân kháng chiến, phần thắng thế nào cũng về ta".
17 giờ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về tình hình thu các thứ thuế buôn bán, thuế trước bạ, thuế trực thu và nghe báo cáo về dự án ngân sách năm 1946.
- Ngày 6: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Hiến pháp, kiểm tra việc phân phối gạo và tăng gia sản xuất.
- Ngày 7: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề hiến pháp, vấn đề nghỉ phép của viên chức, vấn đề người Pháp đang vận động người Trung Hoa để lập Sở Liên lạc Pháp - Hoa.
Trong ngày, Người tiếp đoàn đại biểu Công giáo Cứu quốc. Đoàn đã báo cáo với Người công việc của Đại hội đại biểu Công giáo Cứu quốc toàn quốc tổ chức tại Phát Diệm (Ninh Bình).
- Ngày 8: Bài viết Hô hào nhân dân chống nạn đói, đăng trên báo Cứu quốc, số 86. Người lên án chính sách độc ác của bọn thực dân Pháp đã làm cho hơn hai triệu đồng bào Bắc Bộ chết đói và hô hào tất cả các tổ chức, các lực lượng trong nước phải ra sức chống nạn đói như chống giặc ngoại xâm. Kết luận, Người viết: "Cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm, ta nhất định thành công, vì đồng bào ta ai cũng sẵn lòng hăng hái. Nhưng các bạn phụ trách các địa phương phải biết cách tuyên truyền, biết cách giải thích cho ai nấy đều hiểu rõ, đều thực hành. Các bạn phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân. Nhất là đối với chữ cần, chữ kiệm, chữ hy sinh, chữ công bằng thì các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”.
17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về đối sách của ta trong tình hình mới. Khi bàn đến thái độ người Pháp, Hội đồng nhận định họ đã có những cử chỉ khiêu khích. Có người nêu ý kiến: Ta “thử hành động” xem thái độ của Pháp và quân đội Tưởng Giới Thạch thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ý kiến: “Cần giữ trật tự, không nên hành động gì, vì nếu chúng ta không giữ trật tự, người Tàu sẽ thiết quân luật”.
Về vấn đề người Pháp sẽ kéo cờ ở trong thành nhân ngày 11 tháng 11 - ngày kỷ niệm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Người trả lời sẽ bàn với phía Trung Hoa, không để cho người Pháp làm việc này.
Trong cuộc họp, Người đã đề nghị cử ông Đinh Chương Dương làm Cố vấn Uỷ ban hành chính Trung Kỳ.
Về vấn đề Bộ Tư lệnh quân đội Tưởng Giới Thạch yêu cầu duyệt báo chí của ta, Người thông báo đã thương lượng với người Trung Hoa, nhưng chưa có kết quả.
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp ông J. Xanhtơny.
- Ngày 10: Tại buổi lễ “Ngày Phụ nữ ủng hộ Nam Bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vàng cho bà Vương Thị Lai (tức Lợi Quyền, là người đi đầu trong việc quyên góp ủng hộ Chính phủ trong “Tuần lễ vàng”), và nói: “Bà Vương Thị Lai là đại biểu của lòng hăng hái và hy sinh cho tất cả phụ nữ Việt Nam”.
Người còn gửi Ban Tổ chức “Tuần lễ vàng” một tấm ảnh để chuyển tặng cho ông Nguyễn Sơn Hà (ở Hải Phòng), là người quyên góp nhiều thứ hai, sau bà Lai cho Quỹ Quốc phòng.
17 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về cuộc gặp của Người với ông J.Xanhtơny hôm trước và thái độ của ông ta. Người cũng cho biết những đảng viên Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp đã gặp anh em Việt Minh để trao đổi ý kiến. Người còn thông báo: Người Trung Hoa trước kia đỡ đầu cho Nguyễn Hải Thần nhưng đã chán nản về những hành động của ông ấy và báo tin Lư Hán có thể không trở lại Việt Nam nữa, mà có lẽ ông Trương Phát Khuê sẽ sang.
Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị cử ông Lê Tùng Sơn làm Thứ trưởng Bộ Quân huấn.
- Ngày 12: Nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh của Tôn Trung Sơn (12-11-1866), báo Cứu quốc, số 69, đã đăng bài Hoa - Việt thân thiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người tỏ rõ ý nguyện của nhân dân Việt Nam cũng như chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đối với anh em Hoa kiều là đoàn kết, thân ái. Đồng thời, Người kêu gọi Hoa kiều, trên cơ sở truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc, hãy ra sức giúp đỡ và ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Cùng ngày, Người dự Lễ kỷ niệm ngày sinh của Tôn Trung Sơn do Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam tổ chức tại Trường Đại học Việt Nam.
- Trước ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn chúc mừng các ông: Gioócgiơ Biđôn - lãnh tụ Đảng Cộng hoà Bình dân, Lêông Blum - lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp, Môrít Tôrê - lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp đã giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Nhân dịp này, một lần nữa Người khẳng định "nếu nước Pháp chịu thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, dân chúng Việt Nam sẽ hết sức hoà hảo với nước Pháp. Trái lại thế, dân chúng Việt Nam quyết rỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho sự tự do".
- Ngày 13: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về tình hình Nam Bộ, các vấn đề về Tổng tuyển cử, kiểm duyệt báo chí, đất trồng trọt và tổ chức thanh tra. Về vấn đề thanh tra, Người phát biểu: “Các Bộ trưởng có thể chia nhau mỗi người đi thanh tra một khu gần Hà Nội, Bộ Nội vụ sẽ khảo cứu và lập một chương trình về việc này. Có nhiều việc thụt két ở một vài công sở. Mỗi Bộ có trách nhiệm điều tra và đề nghị với Chính phủ nghiêm trị những người làm bậy”.
- Ngày 14: Bài viết Nhân tài và kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 91. Người khẳng định công việc kiến quốc muốn thành công thì cần phải có nhân tài, và nhân tài nước ta dù chưa có nhiều nhưng nếu biết khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo sử dụng thì ngày càng có nhiều thêm. Người kêu gọi đồng bào những ai có tài năng và sáng kiến về Kiến thiết ngoại giao, Kiến thiết kinh tế, Kiến thiết quân sự, Kiến thiết giáo dục - những công việc "chúng ta cần nhất bây giờ", lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà, hãy "gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay".
17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người đề nghị lập Bộ Canh nông và cử ông Cù Huy Cận làm Bộ trưởng. Khi bàn về vấn đề tập hợp nhân tài, Người đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một Ban Cố vấn cho Chủ tịch gồm 10 người: Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, giám mục Lê Hữu Từ, các ông Bùi Bằng Đoàn, Ngô Tử Hạ, Lê Tạ, Bùi Kỷ và 4 người nữa sẽ cử sau.
- Ngày 15: Lúc 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ tốt nghiệp khoá V Trường Huấn luyện Cán bộ Việt Nam. Trước buổi lễ, Người đã thăm trường, lớp, nhà bếp, chỗ tăng gia của trường. Nói chuyện tại buổi lễ, Người nhấn mạnh những công việc quan trọng trước mặt phải làm là: Kháng chiến và cứu đói. Người căn dặn anh em phải hết sức nghe mệnh lệnh của Chính phủ, trong công việc phải làm cho dân yêu mến và siêng năng hăng hái, làm gương cho đồng bào.
9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai giảng khoá đầu tiên Trường Đại học Việt Nam (nay là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 19 phố Lê Thánh Tông).
17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Người thông báo việc một số địa chủ đã đến yết kiến và nói lại với Chính phủ các yêu cầu của họ. Người cũng cho biết Bộ Canh nông đã được thành lập và ông Cù Huy Cận đã thảo một thông cáo về việc này.
- Ngày 16: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề bầu cử và ứng cử, việc Việt Nam Quốc dân Đảng đã phát hành một tờ báo; vấn đề khuyến nông và tư pháp... Người đề nghị Chính phủ ra Thông cáo nói rõ ai cũng có quyền ứng cử, dù ở đảng phái nào hay không đảng phái.
- Ngày 17: Lúc 17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình và bàn về các vấn đề kế hoạch của Bộ Canh nông, việc dịch Dự thảo Hiến pháp ra tiếng Pháp để đăng báo La République; vấn đề tổ chức và quyền hạn của Uỷ ban nhân dân.
20 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội Hướng đạo Việt Nam tại khu Việt Nam học xá (Hà Nội).
- Ngày 19: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh để thoả thuận về vấn đề đoàn kết chống thực dân Pháp và giúp đỡ đồng bào Nam Bộ.
16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để thảo luận về Sắc lệnh tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban hành chính, và các vấn đề đê điều, tài chính, giấy bạc 500đ, bảo vệ di tích và lăng tẩm, khen thưởng những người hy sinh vì Tổ quốc. Người còn thông báo về việc 10 thương gia Việt Nam và Trung Hoa đã đi Việt Trì để lo việc tiếp tế cho quân đội Trung Hoa, về cuộc gặp của Người với các ông Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh ban sáng.
- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn đại biểu Hội Hướng đạo Nghệ Tĩnh.
10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ hy sinh tại Cái Răng, lập Uỷ ban canh nông tại phủ, huyện, châu, xã; tuyên truyền thể lệ và quyền ứng cử, bầu cử; việc cung cấp gạo cho quân đội Trung Hoa và vấn đề Tổng hội viên chức đề nghị vay 500.000đ để mua gạo tiếp tế cho công chức. Người đề nghị ra một Sắc lệnh truy tặng danh hiệu cho 5 liệt sĩ nói trên.
- Ngày 21: Lúc 9 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ, bàn về vấn đề tổ chức Ban Thanh tra và nghe các Bộ báo cáo.
13 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nghe đại diện các Bộ báo cáo tình hình. Sau khi nghe đại diện Bộ Giáo dục báo cáo, Người nói: “Ta đã làm được nhiều việc về giáo dục, làm hơn hẳn người Pháp”, và đề nghị ông Vũ Đình Hoè nên viết một bài nói về công việc đã làm đưa cho Bộ Tuyên truyền.
Khi Hội đồng thảo luận về báo cáo của Bộ Tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Cần phải có kế hoạch tuyên truyền đối với Pháp, đối với Trung Hoa, đối với các nước khác, đối với dân trong nước, và cho rằng ở các lớp tuyên truyền mỗi ngày chỉ học có hai giờ là quá ít. Khi Bộ Thanh niên báo cáo, Người nhận xét có quá nhiều tổ chức thanh niên, Bộ Thanh niên cần tập hợp tất cả lại thành một tổ chức và chỉ xuất bản một tờ báo thanh niên.
20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự dạ hội của Hội Nhi đồng Cứu quốc tại Nhà hát thành phố, cùng đến dự còn có Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu và Bộ trưởng Bộ Thanh niên Dương Đức Hiền.
Trong ngày, nhân dịp khai mạc Hội nghị Oasinhtơn về Viễn Đông mà không có mặt của đại biểu Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một lần nữa tuyên bố "bác bỏ mọi quyền của người Pháp phát biểu nhân danh nhân dân Việt Nam" và lên án cuộc xâm lược của Pháp đối với Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô. Người kêu gọi các dân tộc tự do trên thế giới sẽ công nhận nền độc lập của nước Cộng hoà Việt Nam và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột giết chóc ở Nam Việt Nam.
- Ngày 22: Lúc 14 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Khi bàn về vấn đề tiếp tế gạo cho các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, Người nêu ý kiến cần chú ý không để cho quân đội Trung Hoa dân quốc đổ lỗi cho ta làm khó dễ cho sự tiếp tế của họ.
- Ngày 23: Tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp 18 đại biểu của 5 dân tộc thiểu số Tuyên Quang. Người thân mật bắt tay từng người, hỏi thăm tình hình Việt Bắc và khen ngợi tinh thần yêu nước, ý chí đánh giặc, tinh thần sản xuất của đồng bào các dân tộc ít người. Người căn dặn đồng bào cần phấn đấu nhiều hơn, đoàn kết giữ gìn độc lập, chống xâm lăng và "nhờ anh chị em về nói lại với đồng bào trên ấy biết rằng đồng bào Kinh và Chính phủ rất thương mến đồng bào Mán, Thổ, coi như anh chị em trong một nhà, và khuyên anh chị em gắng sức để đi tới thái bình để cùng hưởng chung". Trước khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với các đại biểu.
16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Khi bàn về chương trình kinh tế, Người nói: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình”...
Tại cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo những công việc Bộ Ngoại giao đã làm:
Từ trước đến nay Chính phủ ta giao thiệp với người ngoại quốc đã gây được cảm tình của nhiều cá nhân.
Người Mỹ không ưa chính sách thuộc địa của Pháp, nhưng vì ngoại giao, người Mỹ không muốn làm mất lòng người Pháp. Việc ngoại giao với Pháp chưa có kết quả gì. Ta vẫn phải chuẩn bị.
Về ngoại giao với Trung Hoa, hàng ngày ta vẫn giao thiệp với họ ở đây. Họ tán thành việc ta gửi một phái bộ văn hoá sang Trung Hoa. Phái bộ chưa có tiền. Người Trung Hoa nói vì nội trị của ta chưa rõ nên họ chưa tỏ thái độ đối với ta.
Người thông báo với Hội đồng Chính phủ về cuộc gặp Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh ngày 19 tháng 11: Hai bên đã thoả thuận đoàn kết để chống Pháp nhưng báo Việt Nam ( Tờ báo của Việt Nam Quốc dân Đảng) vẫn công kích Chính phủ lâm thời. Ngày mai sẽ có cuộc hội kiến nữa và mong có kết quả. Nếu họ muốn tham gia Chính phủ, ta sẽ vui lòng để họ tham gia Chính phủ. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Tơruman và Tổng chỉ huy UNRRA (Cơ quan cứu trợ và khôi phục của Liên hợp quốc). Người yêu cầu “các cường quốc trên thế giới và các tổ chức cứu trợ quốc tế” giúp đỡ ngay lập tức cho Việt Nam để qua được nạn đói.
- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với đại diện Việt Nam Quốc dân Đảng ký bản cam kết Tinh thành đoàn kết (Tinh thành: có lòng thành hết mực). Trong đó, hai bên đảm bảo không công kích lẫn nhau bằng lời nói và bằng hành động, cùng kêu gọi đoàn kết, cùng kêu gọi ủng hộ Nam Bộ kháng chiến.
19 giờ 30, Người dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Đê điều, tổ chức Bộ Nội vụ và Tổng tuyển cử.
- Ngày 25: Tại Nhà hát thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Đại hội Thanh niên Cứu quốc toàn xứ Bắc Bộ. Nói chuyện với Đại hội, Người thông báo cho Đại hội về tình hình quốc tế, tình hình trong nước và đề ra một số nhiệm vụ cho thanh niên:
+ Chuẩn bị luôn luôn: Một mặt ủng hộ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, một mặt chuẩn bị chiến đấu ở Trung và Bắc Bộ.
+ Cứu đói: Mang gạo từ chỗ có đến chỗ không có. Quyên gạo, khuyến nông, không để thừa một tấc đất hoang nào.
+ Chuẩn bị Tổng tuyển cử: Tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ bổn phận của mình trong cuộc Tổng tuyển cử.
Người phê bình các tổ chức thanh niên còn hẹp hòi, không thu hút nhiều giai tầng, chưa lôi kéo được đại đa số thanh niên, chưa giúp đỡ nữ thanh niên, chưa có kế hoạch, phương hướng... và đề nghị thanh niên hãy thực hiện khẩu hiệu: "Làm, phải cho thắng, nhất định không cho bại!".
- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thanh niên toàn quốc tích cực thực hiện chính sách đối với Hoa kiều. Sau khi nhắc lại truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa người Việt và Hoa kiều đã có từ trước đây, Người kêu gọi thanh niên phải đi đầu trong việc thực hiện chính sách “Hoa – Việt thân thiện”; đồng thời, phải ngăn ngừa những âm mưu ly gián hòng gây xích mích giữa người Việt Nam với Hoa kiều, phá hoại tình cảm giữa hai dân tộc.
17 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: tiếp tế gạo, lập Ban Thanh tra đặc biệt và công tác ngoại giao. Người nói: “Ta cầm quyền trong lúc khó khăn: Có người Tàu, người Tây, người Nhật, lại thêm nạn đói, các Bộ thiếu liên lạc, Chính phủ thiếu kế hoạch chung. Vấn đề dùng người khó, tuy rằng ta rất rộng”. Người thông báo Việt Nam Quốc dân Đảng muốn giữ các Bộ: Nội vụ, Kinh tế, Tài chính, Giáo dục, Quốc phòng, Thanh niên, Kiều vụ và muốn người của đảng này giữ chức Đổng lý Nội các.
- Ngày 28: Lúc 16 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về chính sách ngoại giao. Hội đồng đã khẳng định:
1. Ngoại giao đối với Pháp: Nguyên tắc của Chính phủ là:
a- Nhất quyết đòi quyền độc lập.
b- Chỉ có thể nhượng bộ ít nhiều về kinh tế, văn hoá.
2. Ngoại giao đối với Trung Hoa: Cùng một nguyên tắc là không nhượng bộ về vấn đề độc lập của Việt Nam.
- Ngày 29: Lúc 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về các vấn đề: Tổng tuyển cử, giải quyết việc quân đội Trung Hoa dân quốc canh gác Đài phát thanh và giữ tại Ga Hà Nội chiếc máy bay của ông Vĩnh Thuỵ mới gửi ra; việc cử một phái viên của Chính phủ Việt Nam vào Nam Bộ.
- Ngày 30: Lúc 16 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn việc kỷ niệm ba tháng độc lập (2/9 - 2/12) và việc ứng cử vào Quốc hội. Người được phân công ứng cử tại Hà Nội.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 3. Giai đoạn 1946 - 1950
* Tháng 11-1946
- Ngày 3: Sáng, sau khi Chính phủ mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời tuyên bố, khẳng định: “Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.
Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Đặc biệt là đồng bào Nam Bộ không những ở tiền tuyến xung phong giữ gìn đất nước, mà lại còn hăng hái dự vào việc kiến thiết quốc gia.
Trong công việc của Chính phủ sẽ còn nhiều bước khó khăn, nhưng nhờ sức ủng hộ của Quốc hội và toàn thể quốc dân, Chính phủ sẽ cương quyết đi đến mục đích".
11 giờ 30, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh ruột của Người từ quê Nghệ An ra thăm. Cùng đi với ông Khiêm có Nguyễn Sinh Thọ và Hồ Quang Chính ( Hai người này trước đây đã được bà Nguyễn Thị Thanh cùng cho vào Bắc Bộ Phủ thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Hai anh em ôm nhau mừng tủi, xúc động, hỏi nhau về sức khoẻ, về cuộc gặp gỡ của Người với bà Thanh tuần trước. Rồi Người vừa cười vừa đọc câu thơ:
"Chốc đã mấy chục năm trời,
Còn non, còn nước, con người hôm nay".
Ông Khiêm ứng đọc:
"Thoả lòng mong ước bấy nay
Non nước rợp bóng cờ bay đón Người".
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông Khiêm về quê hương, về một số người thân, bầu bạn thời nhỏ. Còn ông Khiêm hỏi Người về: "Gia đình riêng của chú ra sao? Chú có ý định khi nào về thăm quê?...". Người trả lời ông Khiêm: "Cảm ơn anh, em chưa bao giờ nghĩ đến việc này... Mình không phải là người tu hành, nhưng vì việc nước phải quên việc nhà...
Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu".
Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Khiêm ở lại ăn cơm trưa với Người và Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu dự Đại hội đồng Uỷ ban Mùa đông binh sĩ vừa khai mạc. Người vui mừng và khuyến khích mọi người nỗ lực trong việc ủng hộ áo rét cho bộ đội trong mùa đông tới.
- Ngày 4: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai giảng Trường Thương mại thực hành ở phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học). Người căn dặn học sinh gắng thực hiện đời sống mới, siêng năng học tập để trở thành những cán bộ kinh tế giỏi của tương lai.
17 giờ, Người tiếp các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam, tiếp tướng Moóclie và Nyô, Trưởng Phái bộ quân sự Pháp.
- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ. Người nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là Kháng chiến và kiến quốc, vừa “Phá hoại để ngăn địch”, vừa “Kiến thiết để đánh địch” trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị, giao thông.
Người giải thích vắn tắt khái niệm “Trường kỳ kháng chiến”, và yêu cầu "Ta phải hiểu và phải làm cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ (...). Vì vậy, ta phải có và phải làm cho dân ta có Tín tâm và Quyết tâm".
19 giờ 30, Người thăm các lớp Bình dân học vụ ở Trường Hàng Than và phố Hàng Bún. Tại Trường Hàng Than, Người ân cần hỏi thăm học viên và ghi vào Sổ Vàng của Trường dòng chữ:
Thày siêng năng
Trò siêng học
Thế là tốt lắm.
- Ngày 6: Lúc 6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trụ sở Đảng Dân chủ và Tự vệ thành Hoàng Diệu. Sau đó, Người cùng Cụ Tôn Đức Thắng đi thăm Phòng Nam Bộ (Cơ quan trực thuộc Chính phủ được thành lập tháng 1 năm 1946, có nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi phong trào kháng chiến, tổ chức chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ).
14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo, Người tỏ ra hài lòng về tiến triển của kỳ họp Quốc hội và về bức thư của Đô đốc Đácgiăngliơ gửi cho Người báo tin đã trả lại tự do cho 85 chính trị phạm Việt Nam.
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi. Bản Thông báo có đoạn: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến,
Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.
Cùng ngày, tại Nhà hát Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ Mùa đông binh sĩ do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức.
- Ngày 8: Bài viết Địa thế, ký tên Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 399, Người giới thiệu vắn tắt chín loại địa thế trong Binh pháp Tôn Tử và chiến thuật cần áp dụng cho từng tình thế. Tác giả rút ra kết luận: "Ở vào mỗi địa thế, phương pháp dụng binh mỗi khác. Nếu không tuỳ từng địa thế để thay đổi phương pháp, đánh trận không thể thắng được. Có khi hãm vào chỗ đất chết mà được sống, có khi vào chỗ đất sống hẳn hoi mà bị chết. Cho nên ra trận, phải biết phân biệt địa thế. Có phân biệt được địa thế mới biết áp dụng phương pháp đánh trận một cách có hiệu quả".
14 giờ đến 17 giờ, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt tiếp đại biểu của Liên đoàn giáo giới Việt Nam, Trung - Việt văn hoá hiệp hội, Uỷ ban Vận động Đời sống mới, Tổng hội sinh viên và Lê Khanh, Giám mục địa phận Hưng Hoá. Tại buổi tiếp các đại biểu giáo giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không riêng gì ở nước ta, mà ở các nước khác cũng vậy, hình như sự không đủ ăn là số phận chung của các giáo viên. Khi nào nền tài chính dồi dào, Chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ tầng dưới đến tầng trên, lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho Tổ quốc. Trong lúc này, về quyền lợi, Chính phủ chưa làm thoả mãn giáo viên, nhưng về nhiệm vụ, đòi anh chị em “cùng sống trong một nhà, chúng ta chẳng còn lạ gì nhau, chúng ta phải chịu khổ gánh vác với nhau công việc chung”.
- Ngày 9: Dự phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khoá I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phát biểu trước Quốc hội, khi đánh giá về bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua, Người nhấn mạnh đây là "bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. (....) Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Thống chế Xtalin nhân dịp kỷ niệm lần thứ 29 Cách mạng Tháng Mười và viết thư trả lời thư phản kháng của Thượng sứ Pháp Đácgiăngliơ. Thay mặt Chính phủ, Người khẳng định sự hợp hiến của Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ (thành lập từ tháng 8-1945) và sự có mặt của quân đội Việt Nam ở đó là hoàn toàn phù hợp với Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9. Người nhấn mạnh: “Hoạt động của Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ cũng như các cơ quan quân sự Việt Nam, chỉ là để đi đến sự thi hành triệt để các điều khoản về chính trị và quân sự của Khoản 9 trong bản Tạm ước nói về Nam Bộ và chỉ có thể giúp cho chính sách hợp tác thân thiện mà cả hai Chính phủ đều mong muốn có thể thực hiện dễ dàng”.
- Ngày 10: Về thăm Chùa Thầy - một thắng cảnh của xã Quốc Oai, tỉnh Hà Đông, nơi sớm có phong trào cách mạng. Hỏi chuyện và được biết năm nay nông dân được mùa, Người nhắc nhở: “Lúa tốt thì dân được no. Nhưng phải biết tiết kiệm. Trước đây dân ta mất nước nên bị mù chữ, bây giờ nước nhà độc lập, dân phải lo học hành và phải nhớ đoàn kết, đại đoàn kết, sản xuất tốt, công tác tốt và bảo vệ thắng cảnh”.
15 giờ 15, Hồ Chí Minh đến dự ngày "Thanh niên quốc tế" tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Thành phố (Hà Nội). Người nói đại ý: Trong thanh niên còn có rất nhiều người yếu ớt, cán bộ học sinh của Trường thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khoẻ, phải phổ thông hoá, đại chúng hoá, dân chủ hoá thể dục.
- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào cả nước. Người vui mừng thay mặt Chính phủ và Quân đội cảm ơn các tôn giáo, các báo chí, các đoàn thể, các thân hào và quốc dân đồng bào đã nhiệt thành ủng hộ và tích cực tham gia phong trào Mùa đông binh sĩ. Người khẳng định: “Chiếc áo trấn thủ mà đồng bào sẽ gửi cho anh em binh sĩ, trong mùa rét này, chẳng những sẽ giúp anh em giữ được sức mạnh để bảo vệ đất nước, mà lại còn khiến anh em luôn luôn nhớ đến tình thân ái nồng nàn của đồng bào ở hậu phương”.
Cùng ngày, bài viết nhan đề Phương pháp chiến đấu và hành quân trên các địa hình, ký bút danh Q.T., đăng báo Cứu quốc, số 406, Người giới thiệu về phương pháp chiến đấu và hành quân ở vùng có nhiều núi non hiểm trở, vùng có nhiều sông ngòi, vùng đầm lầy hay đầm ao, vùng đồng bằng và nêu những địa điểm nguy hiểm cần phải tránh trong lúc tiến quân.
- Ngày 16: Lúc 14 giờ tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và chụp ảnh kỷ niệm với các vị xung phong trong phong trào Mùa Đông binh sĩ. Sau đó, Người đến dự Lễ khai mạc Xung phong Mùa Đông binh sĩ tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Phát biểu trong buổi lễ, Người nói đại ý: Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến. Trong lúc ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, thì ở tiền phương, các binh sĩ đang phải chịu rét mướt. Vậy nên toàn quốc đồng bào ai cũng có bổn phận góp phần vào cuộc vận động Mùa Đông binh sĩ. Một nước mà toàn thể đồng bào đoàn kết như thế, không một sức mạnh nào có thể thắng được và nhất định chúng ta phải được độc lập và thống nhất. Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay và một chiếc của Uỷ ban vận động Mùa Đông binh sĩ vừa may biếu tôi. Tôi xin gửi tặng cả hai chiếc tới các binh sĩ ngoài mặt trận.
Cùng buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc họp báo để trả lời những câu hỏi gửi trước của các phóng viên trong và ngoài nước về Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp, tình hình và kết quả việc thi hành bản Tạm ước 14-9, quan hệ Việt - Hoa, quan hệ Việt - Ấn...
Kết thúc buổi họp báo, Người một lần nữa nhấn mạnh: "Tôi mong rằng những hiểu lầm giữa hai bên Việt - Pháp sẽ được tiêu tán đi, để cho cả hai bên sau đây sẽ cùng bước mau đến một sự hợp tác mà ai cũng muốn. Tôi yêu cầu các bạn Pháp tin ở chúng tôi; chúng tôi nhất quyết giữ lời hứa. Có người hỏi: Tại sao những giao tiếp cá nhân giữa người Pháp và người Việt bây giờ rất hiếm? Chúng tôi không bao giờ làm gì ngăn trở, gây khó khăn cho những cuộc gặp gỡ ấy. Trái lại, chúng tôi còn muốn khuyến khích những sự tiếp xúc đó nữa. Vì những cuộc đó dễ làm tan những mối hiểu lầm và làm nảy nở tình thân thiện. Tôi mong rằng sau đây những cuộc giao thiệp gặp gỡ nhau ấy sẽ có luôn. Cái đó chỉ do các bạn người Pháp thật tâm muốn là được".
- Ngày 17: Lúc 6 giờ, đi thăm Bắc Ninh. Sau khi trò chuyện với bà con có mặt tại nơi đón tiếp, Người vào nhà thờ thăm linh mục Áctôra (Artoraz), địa phận Bắc Ninh, thăm Trại thanh niên Công giáo, Quân y Viện và Trung đoàn bộ Bắc Ninh.
11 giờ, Người tới Bắc Giang thăm Bệnh viện tỉnh, Trường Cán bộ Chu Văn Tấn, Trường trung học Hoàng Hoa Thám và ăn cơm trưa tại Uỷ ban hành chính Bắc Giang.
12 giờ, Người nói chuyện với linh mục Mayo (Mayor) và hai vị linh mục khác. Người tỏ ý rất vui vì linh mục Mayo và Áctôra đã gây được hoà khí đoàn kết lương - giáo. Sau đó, Người tiếp các đại biểu Hoa kiều, hỏi han về tình hình buôn bán và khuyên bà con nên hiểu biết lẫn nhau để duy trì hoà khí, tinh thần đoàn kết vốn có giữa hai dân tộc Hoa - Việt.
14 giờ 30, Người rời Bắc Giang về Uỷ ban hành chính Bắc Ninh tiếp đại biểu Hoa kiều, Pháp kiều... Trên đường về, Người ghé thăm hai làng Phù Lưu và Đình Bảng, gặp và hỏi thăm các cụ già cao tuổi, trò chuyện cùng các cháu nhi đồng và nghe các cháu hát.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thông điệp cho Cao uỷ Pháp ở Sài Gòn, một lần nữa khẳng định: Nam Bộ là đất của Việt Nam. Hoạt động của Uỷ ban hành chính Nam Bộ là phù hợp với quy định của Tạm ước 14-9; phía Việt Nam mong muốn thực hiện một nền hoà bình, tránh dùng vũ lực...
- Ngày 18: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Nam Trung Bộ (gồm các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết, Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột), đến bày tỏ sự ủng hộ của đồng bào Nam Trung Bộ đối với Chính phủ và Cụ Hồ.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhi đồng Xã Ba, Lao Cai, cảm ơn các cháu đã gửi thư và quà cho Người. Trong thư, Người khuyên nhi đồng Xã Ba giữ gìn kỷ luật, ra sức giúp nhau học hành, “Làm sao cho đồng bào ở Xã Ba ai cũng biết chữ quốc ngữ, thì Bác sẽ vui lòng và khen các cháu ngoan”.
- Ngày 20: Bài Tìm người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 411, Người viết:
"Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.
... Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ".
- Ngày 21: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên dự Lễ khai giảng Trường Quân y khoá I tại phố Yécxanh (Hà Nội). Người phát biểu ý kiến và căn dặn học sinh "Phải chăm lo học hành và gắng thực hành 5 điều: Hăng Hái, Hy Sinh, Bác ái, Đoàn Kết, Kỷ Luật”.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các cán bộ và công nhân đường sắt đã phục vụ chuyến tầu ngày 21-10-1946, đưa Người và đoàn công tác từ Hải Phòng về Hà Nội an toàn, nhanh chóng.
- Ngày 23: Bức thư ngỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới, đăng trên báo Cứu quốc, số 414. Sau khi phân tích trách nhiệm của người Pháp trong những cuộc xung đột Pháp - Việt ở Nam Bộ, Hải Phòng, Lạng Sơn sau Tạm ước 14-9, Người kêu gọi đồng bào cả nước sẵn sàng làm theo lệnh của Chính phủ, kêu gọi người Pháp chấm dứt những hành động khiêu khích, thành thật, bình đẳng cộng tác với Việt Nam. "Máu Việt Nam và máu Pháp đổ đã nhiều rồi. Không nên đổ nữa. Vì lý lẽ gì, vì lợi của ai, mà đem máu quý báu của thanh niên Pháp (một thanh niên đầy những tương lai vẻ vang) đổ trên non nước Việt Nam. Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức:
Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập.
Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc.
Đó là ý nguyện rõ rệt của Việt Nam, mong người Pháp và toàn thế giới biết cho".
12 giờ, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng. Người kêu gọi các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam "phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt", kêu gọi "toàn thể đồng bào phải trấn tĩnh, các bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều" và tuyên bố "Chính phủ luôn luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước".
- Ngày 24: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: Nền văn hoá mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hoá nước ngoài, tạo ra nền văn hoá Việt Nam, sao cho văn hoá mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập.
Người còn chỉ rõ: "Nhi đồng Việt Nam đang tiến bộ nhiều về văn hoá... Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà hoạt động văn hoá hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng", lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng Phú Gia (xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Người đến trụ sở Uỷ ban hành chính hỏi về tình hình Bình dân học vụ, đời sống mới và hài lòng với những cố gắng của Phú Gia. Sau đó, Người trò chuyện với các cụ phụ lão và toàn thể nhân dân địa phương.
Cùng ngày, Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu Quốc, số 416, kêu gọi Đại tướng Valuy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm Thượng sứ và các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam phải lập tức đình chỉ những hành động gây đổ máu giữa người Pháp và người Việt.
Đồng thời, Người cũng kêu gọi toàn thể đồng bào ta phải bình tĩnh, bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của ngoại kiều.
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại làng Hậu ái (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào nông dân thành lập nghĩa thương. Người nêu lên bốn điều lợi của nghĩa thương là:
“1. Để dành thì mình khỏi lo đói;
2. Để dành không mất đi đâu mà lại có lãi;
3. Để dành đã ích riêng cho mình, lại ích chung cho đồng bào;
4. Chỉ để dành một năm mà cả đời khỏi lo đói”.
Chiều, Người tiếp 17 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số: Bình Lương, Châu Lạc Thuỷ, Chi Nê (Hoà Bình). Sau khi thăm hỏi tình hình đời sống của nhân dân địa phương, Người căn dặn đồng bào phải “sống cho đúng đặng là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
- Khoảng cuối tháng:
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được Thư quyết tâm viết bằng máu của các chiến sĩ Kiến An, Hải Phòng với nội dung: “Quyết hy sinh tới giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất Cảng”.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi gửi Liên hiệp quốc. Trong Lời kêu gọi, sau khi trình bày những việc làm cụ thể chứng tỏ thiện chí mong muốn hoà bình của nhân dân Việt Nam, tố cáo những ý đồ xấu xa và những hành động gây chiến của những người đại diện nước Pháp ở Đông Dương nhằm áp đặt lại chế độ bóc lột thực dân cũ, Người trịnh trọng tuyên bố với Liên hiệp quốc: "Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước". Nhân dịp này, Người cũng tuyên bố những nguyên tắc chính trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam: Tôn trọng nền độc lập của các nước láng giềng và mong muốn hợp tác với các nước có chủ quyền trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối; sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực với các nước dân chủ.
Cuối cùng, Người kêu gọi Liên hiệp quốc hãy góp phần vãn hồi hoà bình ở Việt Nam, "để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng và để khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ."
* Tháng 11- 1947
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về tình hình thế giới, tình hình nước Pháp, tình hình sau cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và bàn về kế hoạch công tác quân sự, tài chính...
Theo đề nghị của Người, Chính phủ đã cử ông Phan Kế Toại giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ.
Trong ngày, Người viết Thư gửi ông giám đốc và toàn thể nam nữ giáo viên bình dân học vụ Khu III, khen ngợi thành tích xoá nạn mù chữ trong toàn khu. Người mong "ông giám đốc, các giáo viên và các cơ quan đoàn thể cố gắng làm thế nào để chừng tháng 6 năm sau toàn thể nhân dân Khu III từ 8 tuổi trở lên đều biết chữ".
- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào xã Duyên Trang, huyện Tiên Hưng, Thái Bình, khen ngợi về thành tích toàn dân trong xã từ 8 tuổi trở lên đều thoát nạn mù chữ. Người căn dặn: "Học hành là vô cùng. Học càng nhiều biết càng nhiều càng tốt,... đồng bào trong xã gắng học thêm thường thức như làm tính, lịch sử, địa dư, chính trị, vệ sinh. Đồng thời cố gắng tăng gia sản xuất ủng hộ kháng chiến".
- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại xã Phú Bình, huyện Định Hoá (Thái Nguyên).
- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại Khuôn Đào, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
* Tháng 11- 1948
- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cụ Hoàng Hữu Kiệt và các cụ trong Tỉnh hội cứu quốc Quảng Trị.
Bức thư viết: "Kính gửi cụ Hoàng Hữu Kiệt,
Các cụ đã tuổi cao tóc bạc, mà vẫn hăng hái tham gia kháng chiến. Thật là xứng đáng với bô lão đời nhà Trần. Thật là lão đương ích tráng. Một dân tộc mà già trẻ một lòng, kiên quyết như dân ta thì kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất và độc lập nhất định thành công. Chúc các cụ mạnh khoẻ và sống lâu".
- Ngày 15: Viết Thư gửi đồng bào huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Người khen ngợi đồng bào toàn huyện đã thanh toán xong nạn mù chữ và kêu gọi mọi người tiếp tục cố gắng hơn nữa để Cẩm Xuyên trở thành kiểu mẫu trên cả ba mặt trận: diệt giặc dốt, diệt giặc đói và diệt giặc ngoại xâm.
Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Bệnh tự kiêu, tự ái, ký bút danh X.Y.Z., đăng trên báo Sự thật, số 102. Bài báo có đoạn:
"Mỗi một người và tất cả mọi người chúng ta phải tẩy cho sạch bệnh tự kiêu, "tự ái". Đó là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc.
Thang thuốc thánh để chữa bệnh này gồm có bốn vị là:
a) Thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình.
b) Cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm.
c) Luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ.
d) Thực hành đoàn kết".
- Ngày 16: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng tối cao để thảo luận về kế hoạch đối phó các cuộc tiến công quân sự của Pháp.
- Ngày 17: Chủ toạ phiên họp của Hội đồng Chính phủ kiểm điểm công tác năm 1948 và bàn chương trình công tác năm 1949. Kết thúc phiên họp, Người nhắc nhở phải chú ý vấn đề giữ bí mật các văn kiện của Nhà nước và hết sức đề cao cảnh giác. Họp xong, Người ra về ngay mặc dầu đêm đã khuya và rét mướt.
- Ngày 20: Viết thư gửi đồng bào Ninh Bình, khen ngợi về thành tích hộ đê, Người mong đồng bào "tiếp tục và phát triển chí khí xung phong ấy trong phong trào Thi đua ái quốc để: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm".
- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cụ Lê Thước, Chủ tịch Uỷ ban tăng gia sản xuất Thanh Hoá, giải thích về lý do của việc phải giảm tô và ý nghĩa của Nghị định giảm địa tô 25% của Liên bộ Nội vụ và Canh nông ngày 28-11-1946. Bức thư có đoạn:
"Giảm địa tô 25% đã công bình và lợi cho cả điền chủ lẫn nông dân, thì không có lẽ gì mà sinh mối chia rẽ; càng không có lẽ gì mà các điền chủ lại chán nản, hoặc bỏ ruộng không cày.
Lực lượng kháng chiến chống ngoại xâm, một phần là nhờ giới "hữu sản nông dân", nhưng một phần lớn cũng nhờ giới trung nông và bần nông. Người có tiền giúp tiền, người có sức giúp sức - Thế là đại đoàn kết".
Cuối thư, Người nhờ cụ Lê Thước giải thích cho những vị điền chủ nào chưa hiểu thấu đáo.
Cùng ngày, gửi thư cho Trung đội du kích Kim Thành (Hải Dương), khen ngợi anh em "đánh giao thông vận tải của địch rất hay, và đã thắng được nhiều trận". Người khuyên anh em cố gắng hơn nữa, và hứa sẽ có một phần thưởng đặc biệt tặng cho đơn vị "mỗi lần phá được một đầu tàu xe lửa".
- Ngày 30: Bài Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay (ký bút danh X.Y.Z.), đăng trên báo Sự thật, số 103, đề cập đến công tác kiểm tra. Bài báo chỉ rõ: Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi, nhưng khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, việc lựa chọn cán bộ và do công tác kiểm tra. Nếu ba điều ấy làm không tốt, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Để công việc kiểm tra đạt kết quả, phải có cách kiểm tra và cán bộ kiểm tra. "Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra". Và "Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm".
- Trong tháng 11
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư và tặng áo lụa cho Cục trưởng Cục quân chính Phan Tử Lăng. Thư Người viết: "Áo lụa này do đồng bào biếu Bác, nay Bác tặng lại chú. Chúc chú đánh giặc giỏi và tiến bộ nữa".
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Tôn Đức Thắng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương, trao đổi về công tác huấn luyện cán bộ, về cách huấn luyện, về việc khen thưởng và các danh hiệu thi đua.
Kèm theo thư, Người vẽ sơ đồ một huyện với 64 làng làm ví dụ để minh họa cụ thể các bước huấn luyện theo gợi ý của Người trong thư.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Đội Du kích Thủ đô và những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp sức vào cuộc tấn công đêm 4-11-1948 vào Hà Nội, thực hiện lời thách thức thi đua ái quốc với các Đội Du kích Sài Gòn, Chợ Lớn, Huế, Hải Phòng... Bức thư có đoạn: "Hà Nội là quả tim quân sự, chính trị và kinh tế của địch. Du kích Thủ đô và Vệ quốc quân cần phải thường khuấy rối quả tim của địch cho đến ngày tổng phản công.
Du kích Thủ đô đã oanh liệt lập công lần đầu. Tôi chắc rằng từ nay du kích Thủ đô sẽ lập công nhiều hơn nữa, to hơn nữa".
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi đồng bào và nam nữ giáo viên bình dân học vụ xã Thanh Nông, huyện Lương Sơn (nay thuộc huyện Kim Bôi), tỉnh Hoà Bình đã thanh toán xong nạn mù chữ sớm nhất trong huyện. Bức thư có đoạn: "Tôi khuyên đồng bào cố gắng học thêm và hăng hái xung phong Thi đua ái quốc để diệt giặc đói và giặc ngoại xâm, cũng như đồng bào đã hăng hái diệt giặc dốt vậy.
Tôi lại mong đồng bào các xã khác trong tỉnh Hoà Bình cố gắng thi đua với xã Thanh Nông làm cho tỉnh ta tiến bộ vẻ vang và mau chóng".
* Tháng 11- 1949
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giáo viên và học viên lớp "Chuẩn bị tổng phản công" của Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng. Người căn dặn các học viên:
"Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ,
Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo.
Trau dồi tinh thần cho vững chắc.
Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng."
Và "phải ra sức thi đua làm cho trọn nhiệm vụ để xứng đáng cái tên lớp vẻ vang của các cháu, để xứng đáng với lòng tin cậy mà Chính phủ và đồng bào đặt nơi các cháu".
- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho Đại diện Thông tấn xã Việt Nam ở Băng Cốc khi được báo cáo Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã về đến Thái Lan ngày 10-11. Nội dung bức điện như sau: "Hồ Chủ tịch gửi lời chúc mừng bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã trở về Tổ quốc".
- Trước ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh điện gửi Nguyên soái Xtalin chúc mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Bức điện viết: "Nhân dịp Quốc khánh Liên Xô, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và nhân danh cá nhân tôi, tôi gửi Ngài và Chính phủ và nhân dân Liên Xô lời chúc mừng hạnh phúc và thịnh vượng".
- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương mở rộng, thảo luận báo cáo của đồng chí Trường Chinh về tình hình mới và nhiệm vụ mới.
- Trước ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc, căn dặn các cán bộ làm công tác vận động nông dân phải:
+ Tổ chức nông dân thật chặt chẽ.
+ Đoàn kết nông dân thật khăng khít.
+ Huấn luyện nông dân thật giác ngộ.
+ Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc.
- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương mở rộng, nghe báo cáo của đồng chí Võ Nguyên Giáp về quân sự, đánh giá tình hình chiến sự, định kế hoạch mới trong giai đoạn sắp tới.
* Tháng 11- 1950
- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Đại nguyên soái Xtalin nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho họ Nguyễn Sinh khi nhận được tin ông Nguyễn Sinh Khiêm mất. Toàn văn bức điện như sau:
"Gửi họ Nguyễn Sinh
Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.
Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước...”.
- Đầu tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Gửi cán bộ tỉnh Bắc Cạn, căn dặn những việc phải làm như: thu mua thóc kịp thời, đắp đường sửa đường, tranh thủ gặt hái, thực hiện "chén gạo tiết kiệm", tổ chức "quán nghỉ cán bộ", chấn chỉnh lề lối làm việc, "giản chính, tinh cán". Người yêu cầu phải thường xuyên báo cáo với Người kết quả những việc trên - cả khuyết điểm và ưu điểm.
- Ngày 11: Viết Thư gửi các bạn nam nữ Pháp đấu tranh cho hoà bình. Người nêu rõ: "Cuộc chiến tranh trên đất nước chúng tôi là để sửa soạn cho một cuộc chiến tranh đế quốc khác. Vì vậy trong khi chiến đấu để bảo vệ hoà bình thế giới, các bạn đồng thời làm một việc rất đúng là mở một chiến dịch mạnh mẽ đòi đình chỉ ngay tức khắc cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Không phân biệt nam nữ, trẻ già, thợ thuyền, nông dân hay trí thức, các bạn đã đoàn kết để cùng góp phần cố gắng và quyết tâm của mình, chúng tôi kính phục và theo dõi cuộc đấu tranh của các bạn.
Về phần chúng tôi, trong khi chiến đấu để giải phóng Tổ quốc, chúng tôi đồng thời cũng đang làm suy yếu đế quốc Pháp, một trong những kẻ gây chiến tranh thế giới.
Tất cả chúng ta đều gắng sức theo đuổi một mục đích, nhất định những cố gắng của chúng ta chẳng bao lâu sẽ đưa bọn đế quốc đến chỗ thất bại hoàn toàn".
- Trước ngày 14: Nhân dịp nhà báo Lêô Phighe, đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, sang thăm Việt Nam trở về Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các bà mẹ và vợ Pháp có con và chồng chết trận ở Việt Nam.
Thư cho biết, những binh lính sĩ quan Pháp bỏ mình trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, chỉ có một số rất ít thi hài được chở về cho gia đình họ, còn phần lớn đã bị bọn chỉ huy cho san phẳng mồ mả để che giấu những thất bại to lớn của chúng. Tất nhiên vẫn còn những nấm mồ thoát khỏi hành vi tàn bạo ấy. Đối với những nấm mồ này, "chúng tôi tự coi có bổn phận thiêng liêng phải giữ gìn nguyên vẹn để sau này, khi chiến tranh chấm dứt, các bà có thể mang hài cốt của chồng con mình về quê cha đất tổ". Việc làm đó, "mong rằng có thể làm dịu nhiều những nỗi đau khổ của các bà".
Thư cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những bà mẹ và bà vợ đã hăng hái đấu tranh đòi hồi hương đạo quân viễn chinh và chấm dứt cuộc chiến tranh đầy tội ác này.
- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công điện số 508/D cho đồng bào Sơn Hà (Quảng Ngãi)¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬ khi nhận được tin do sai lầm của một số cán bộ nên một bộ phận đồng bào ở đây đã bị địch lợi dụng, gây rối loạn trị an, làm hại đến đoàn kết.
Người khuyên đồng bào "mau mau tỉnh ngộ, trở về yên phận làm ăn, chớ nghe lời giặc lừa phỉnh" và "rất mong đồng bào nghe theo lời thân ái đoàn kết của tôi, mau mau quay về với Chính phủ".
Người đề nghị: "Nếu cán bộ địa phương có điều gì sai lầm, nếu đồng bào có việc gì oan ức, thì đồng bào phái đại biểu đến trình bày với tôi và Chính phủ", "Tôi và Chính phủ sẽ trừng trị những cán bộ có lỗi, và sẽ làm cho đồng bào khỏi oan ức".
Cùng ngày, Người gửi Mật điện số 509/D cho cán bộ chính quyền và đoàn thể miền Nam Trung Bộ, nêu những "khuyết điểm nặng" trong vụ Sơn Hà và trong việc động viên tài lực của dân. Người yêu cầu các cán bộ "phải dùng phê bình và tự phê bình, từ trên xuống, từ dưới lên, kiên quyết sửa chữa cho kỳ sạch" những khuyết điểm đó.
- Trước ngày 15: Được tin một số đông binh sĩ Pháp ở Đông Dương về nước đã thành lập một tổ chức để bảo vệ quyền lợi của mình, đòi hồi hương các bạn đồng ngũ đang buộc phải tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới những người bạn Pháp đó. Bức thư có đoạn:
"Nhân dân Việt Nam rất biết ơn sự cố gắng của các bạn cũng như đã biết ơn sự cố gắng của các bà mẹ và những người lao động Pháp. Nhìn vào hành động của các bạn, nhân dân Việt Nam thấy rằng mình đang có hàng triệu người bạn trung thành ở ngay nước Pháp. Họ đã không bao giờ nhầm lẫn bọn đế quốc Pháp với nhân dân Pháp mà họ muốn thắt chặt mãi thêm mối dây thân hữu".
- Từ ngày 15 đến ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo tình hình thế giới và trong nước từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, tình hình quân sự trong mùa thu, đặc biệt là về Chiến dịch Biên giới, và bàn một số vấn đề quan trọng khác.
Kiểm điểm về vụ Trần Dụ Châu ( nguyên Đại tá, Giám đốc Nha Quân nhu đã phạm tội tham ô, biển thủ công quỹ hàng trăm triệu đồng (tiền kháng chiến) để sống xa hoa truỵ lạc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và quân đội. Toà án binh đã truy tố và kết án tử hình Trần Dụ Châu), sau khi nghe Bộ Quốc phòng trình bày vụ án và nghe Hội đồng Chính phủ nhận xét, cho ý kiến khắc phục, sửa chữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận và rút ra một số bài học. Người nói đại ý: Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người... Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đó là khuyết điểm. Chính sách cán bộ thế nào? Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời, phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ.
Người yêu cầu phải đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình: "Chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm "thanh cao tự thủ" là không đủ. Tất cả chúng ta phụ trách trước nhân dân, trong anh em phải có tự phê bình và phê bình... Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo tự phê bình và phê bình".
- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi Hội nghị hoà bình ở Việt Nam. Người khẳng định: "Muốn giữ hoà bình một cách thiết thực thì phải ra sức chống đế quốc chủ nghĩa", và cuộc kháng chiến Việt Nam chính là "đang chặt cái gốc chiến tranh đế quốc, đang giúp sức bảo vệ hoà bình". Vì vậy, nhiệm vụ của mọi người là "đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ toàn dân Việt Nam, để kháng chiến lâu dài, để đánh tan bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ".
- Trước ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo trong nước và nước ngoài.
Trả lời những câu hỏi về Chiến dịch Biên giới, Người nêu rõ kết quả, nguyên nhân, ý nghĩa quan trọng của thắng lợi đó và chỉ rõ: "Sau thắng lợi này, một điều mà quân và dân ta phải giữ là tuyệt đối không được vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Trái lại, chúng ta phải cố gắng hơn nữa, cẩn thận hơn nữa, kiên quyết hơn nữa".
Về kết quả thi đua trong năm, Người nói: "Thành tích rất khá vì dân chúng rất hăng hái". Tuy vậy, phong trào thi đua vẫn còn nhiều khuyết điểm, như: đặt kế hoạch chưa sát; việc đôn đốc theo dõi, giúp đỡ còn kém; việc tổng kết kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm làm chưa tốt. Chủ tịch nhấn mạnh: "Chúng ta cố gắng sửa chữa những khuyết điểm đó - mà việc này thì các báo chí phải gánh một phần trách nhiệm - thì thi đua ái quốc chắc sẽ có những thành tích tốt đẹp gấp bội".
- Ngày 27: Bốn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thư gửi chiến sĩ và cán bộ Hoà Bình, Thư gửi chiến sĩ và cán bộ Lào Cai, Thư gửi đồng bào Hoà Bình và Thư gửi đồng bào Lào Cai, đăng trên báo Sự thật, số 151.
Trong các bức thư, Người thay mặt Chính phủ khen ngợi chiến công của các chiến sĩ, cán bộ hai tỉnh Hoà Bình, Lào Cai; thân ái an ủi toàn thể đồng bào hai tỉnh "đã mấy năm, đồng bào sống cực khổ dưới gót sắt giặc Pháp dã man, chịu đủ sự áp bức tàn nhẫn"; và căn dặn những công việc mà các chiến sĩ, cán bộ và đồng bào hai tỉnh cần làm ngay.
- Trong tháng 11:
+ Sau chiến thắng Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi luật sư Phan Anh mấy vần thơ:
Đất chuyển, trời xoay, bể mịt mù.
Thu này, kháng chiến đã ba thu.
Hoàn toàn thắng lợi, vài thu chắc.
Một túi thơ tiên, rượu một bù...( một bầu).
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới toàn thể phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Người thăm hỏi và căn dặn đồng bào, quân đội, chính quyền và đoàn thể trong tỉnh phải: Đoàn kết chặt chẽ; Thi đua ủng hộ kháng chiến; Thi đua tăng gia sản xuất; Thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính và chớ chủ quan khinh địch, phải cẩn thận đề phòng. Người mong "mọi người cố gắng làm tròn nhiệm vụ để góp một phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công"./.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 4. Giai đoạn 1951 - 1954
* Tháng 11- 1951
- Ngày 3: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ là xấu, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1941. Bằng những dẫn chứng về đối ngoại của Mỹ là gây chiến tranh, giúp bọn tay sai bù nhìn phản dân; về đối nội là đàn áp những người cộng sản và duy trì trên thực tế nạn phân biệt chủng tộc, tác giả giải thích tại sao “Mỹ là xấu”.
- Ngày 5: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 31:
+ Bài Xã hội văn hóa Mỹ, thông qua tin tức trên báo Mỹ, tác giả chỉ rõ tình trạng xã hội thối nát đầy rẫy tội ác và tệ phân biệt chủng tộc... với một nền văn hóa suy đồi “của bọn đại tư bản, bọn gây chiến tranh, bọn giết người”. Song tác giả cũng cho thấy “mầm mống văn hóa tương lai của Mỹ, văn hóa mới và chân chính, đang chớm nở trong giai cấp công nhân và trong dân tộc da đen, và những bạn đồng minh của họ”.
+ Bài Vài con số, thông qua những số liệu thống kê, bài báo vạch rõ Mỹ và Pháp là kẻ luôn chuẩn bị chiến tranh; Liên Xô là lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới.
- Ngày 6: Bài viết Mỹ soi gương Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1943. Bằng những trích dẫn từ hai tờ báo “to nhất và phản động nhất ở Mỹ”, tác giả cho biết “một bộ phận Mỹ đã tự nhìn thấy sự phá sản về chính trị và uy tín của mình trên thế giới” và kết luận: “Đó là vì lực lượng của phe hòa bình và dân chủ ngày càng sáng sủa, càng to thêm”.
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Nguyên soái Xtalin, chúc mừng kỷ niệm lần thứ 34 Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7-11-1917 - 7-11-1951).
- Ngày 9: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thanh niên Mỹ chống chiến tranh, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1945. Tác giả trích dẫn bài báo của một trí thức Mỹ viết về tình trạng lo sợ đi lính và thất vọng của thanh niên Mỹ, và cho rằng bài báo ấy “chỉ nói đúng một nửa” vì “một phần thanh niên khác thì hăng hái chống chủ nghĩa đế quốc, chống chiến tranh” mà tác giả bài báo đó không biết.
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và bộ đội (vệ quốc quân và dân quân du kích) Tả ngạn Liên khu 3. Sau khi khen ngợi thành tích của quân và dân Tả ngạn Liên khu 3, Người nhắc nhở phải đoàn kết quân dân, không được chủ quan coi thường địch, phải phát triển chiến tranh du kích, ra sức dân vận, ngụy vận, địch vận vì “Đó là những điều kiện đưa chúng ta đến thắng lợi vẻ vang”.
- Ngày 12: Bài viết Nhân đạo của Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu quốc, số 1947. Bằng những số liệu thực tế do chính Tổng thống Mỹ đã nói về tình trạng yếu kém của nền y tế Mỹ và thú nhận nguyên nhân của nó là do nước Mỹ chỉ chi tiền chuẩn bị chiến tranh, mà không chi tiền cho y tế, tác giả chỉ rõ một sự thật về “nhân đạo của Mỹ”.
- Ngày 14: Bài viết Ku-Kluk-Klan, ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu quốc, số 1949. Qua tin tức của các cơ quan và báo chí Mỹ, tác giả vạch trần sự thật của cái gọi là sinh hoạt Mỹ là phân biệt chủng tộc, hãm hại những người dân chủ, tệ nạn xã hội tràn lan, quan chức tham nhũng, pháp luật bị xem khinh... và mỉa mai rằng: “Thế là Mỹ muốn dùng chiến tranh để bán văn minh ấy cho Việt Nam và thế giới”.
- Ngày 15: Báo Nhân Dân, số 32, đăng Lời kêu gọi ngụy binh quay về với Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nêu rõ các ngụy binh “đều là con dân nước Việt, song vì bị Pháp bắt buộc, hoặc bị chúng lừa gạt, cho nên đi lính cho chúng. Chứ thật không ai muốn “cõng rắn bắt gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”, chống lại Tổ quốc, để mang tiếng Việt gian”, Người nêu lên chính sách khoan hồng của Chính phủ đối với họ và kêu gọi: “Tôi thiết tha kêu gọi các người mau mau quay về với Tổ quốc, các người sẽ được đối đãi tử tế”.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”.
- Ngày 14, 15, 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo của Bộ Tài chính về vay thóc vụ chiêm và các vấn đề về thuế, trong đó có việc miễn thuế nông nghiệp cho những vùng đặc biệt, việc chuẩn bị mở Hội nghị chiến sĩ thi đua và tổng động viên nhân lực, chế độ doanh nghiệp quốc gia; các vấn đề thuộc về lương bổng và một số vấn đề kinh tế - tài chính khác.
Tổng kết phiên họp, Người nói: Chúng ta đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng mới như quân sự, chính trị, đã đề ra được kế hoạch cụ thể chống chính sách của địch “dùng người Việt hại người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; đã thông qua được Sắc lệnh về giữ bí mật quốc gia; đã định ra kế hoạch sản xuất cho năm 1952. Người nhắc nhở cần chuẩn bị tốt mọi mặt để chống lại âm mưu phá hoại của địch, đẩy mạnh tăng gia sản xuất.
- Ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn y chủ trương của Bộ Tổng Tư lệnh đánh quân Pháp khi chúng tiến công ra Hòa Bình và chỉ thị: Việc địch đánh ra Hòa Bình có làm khó cho ta, nhưng cũng gây cơ hội cho ta đánh địch, thắng địch... Phải coi địch đánh Hòa Bình là ta dự đoán trước, điều đó chứng tỏ địch gặp khó khăn, lúng túng, ta quyết nhằm chỗ hở của nó mà đánh chúng cho kịp thời. Chuẩn bị chu đáo và bí mật thì ta sẽ thắng.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ là tốt, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1954. Tác giả viết: “Lần trước tôi viết: Mỹ là xấu, đó là Mỹ của bọn đế quốc. Lần này tôi viết Mỹ là tốt, tức là Mỹ của nhân dân”. Dẫn những bằng chứng cụ thể về nhân dân Mỹ đã vượt qua khủng bố, ngăn trở và khổ đau về vật chất, vẫn hăng hái ký tên vào Lời kêu gọi của Hội đồng thế giới, tác giả kết luận: “Vì vậy, phải nói Mỹ là tốt mới đúng”.
- Ngày 23: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 11 Khởi nghĩa Nam Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ. Người nhắc nhở: “Noi gương oanh liệt của khởi nghĩa Nam Bộ, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ và kháng chiến mạnh mẽ lên mãi để phá âm mưu của giặc: Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước giành độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc”.
- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ chủ lực và dân quân du kích tham gia chiến dịch Hòa Bình, trong thư có đoạn: “Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta. Muốn thắng thì ta phải tích cực, chủ động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai, chắc thắng mới đánh, nhưng tuyệt đối chớ có chủ quan khinh địch...”.
Bài viết Nam nữ bình quyền, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1956. Bài báo chỉ rõ các nước dân chủ mới đang tiến tới thực hiện nam nữ bình quyền thể hiện ở các số liệu về vị trí của người phụ nữ Liên Xô trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước và kết luận rằng: “Phụ nữ Liên Xô được như thế vì trong mọi công việc họ đều xung phong”.
- Ngày 27: Bài viết Một cách giải thích khéo, ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu quốc, số 1958. Tác giả nêu lên tấm gương của một nữ cán bộ tuyên truyền, do có cách giải thích khéo nên ai nghe cũng hiểu, cũng vui, và khuyên cán bộ tuyên truyền nên học tập.
- Trước ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu, các cụ phụ lão, các chiến sĩ nông nghiệp, thanh niên, phụ nữ và nhi đồng của huyện X.
Nói chuyện với các đại biểu, Người phân tích sự khác nhau giữa thuế đóng cho thực dân Pháp trước đây và thuế đóng cho Chính phủ ta ngày nay. Thực dân Pháp bắt nhân dân ta đóng thuế để phục vụ cho sự xâm lược của Pháp, còn nhân dân đóng thuế cho Chính phủ ta nhằm phục vụ cho cuộc kháng chiến và kiến quốc.
- Ngày 29: Hai bài viết của Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 34.
+ Bài Cả nhà kháng chiến, nêu gương cụ bà Nguyễn Thị Vĩnh, ở Nam Định, là người mẹ hiền của năm người con trai và một người con gái đều là bộ đội, đồng thời cụ cũng là người mẹ chung của tất cả các chiến sĩ Việt Nam và kết luận: Cụ "xứng đáng là gương mẫu cho các bà mẹ Việt Nam”.
+ Bài Tinh thần kháng chiến của đồng bào Trại (Mán) biểu dương tinh thần hăng hái yêu nước của đồng bào dân tộc Trại ở Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang... mặc dù đã được Chính phủ cho miễn thuế nông nghiệp, song vì yêu nước đã tự động xung phong đóng góp và kết luận: “Đó là một đặc điểm trong cuộc kháng chiến của ta. Đó cũng là một điểm chứng tỏ kháng chiến Việt Nam nhất định thắng lợi”.
- Ngày 30: Bài viết của Hồ Chí Minh: Vì sao, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 1960, trích lời các chính khách Mỹ nói về mục đích của Mỹ trên các phương diện quân sự, kinh tế, chính trị và phá hoại cuộc đàm phán ở Triều Tiên để cuối cùng “làm cho thay đổi chế độ của Liên Xô”.
* Tháng 11- 1952
- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Nguyên soái Xtalin chúc mừng kỷ niệm 35 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ lại bị thêm mấy vố, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 81. Bài báo dẫn hai vụ: “Tại Hội nghị kinh tế Mátxcơva, các nhà công thương Mỹ phớt lờ lệnh cấm của chính phủ, đã ký hợp đồng buôn bán lớn với Liên Xô và Trung Quốc” và “Đại hội công đoàn nước Anh họp hồi đầu tháng 9 đã thông qua nghị quyết cần phát triển buôn bán với Liên Xô, Trung Quốc”, để chứng tỏ chính sách cấm vận của Mỹ đã thất bại và phong trào chống Mỹ đang lan tràn khắp các nước Tây Âu, Mỹ ngày càng bị cô lập.
- Ngày 13: Bài viết Chết mà chưa hết nhục, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 82, Người vạch trần sự dã man của chế độ phân biệt chủng tộc ở Mỹ, qua cái chết của Giônlát, hạ sĩ quan Mỹ gốc Ấn Độ chết ở Triều Tiên; xác của Giônlát được đưa về Ôhaiô, nhưng người ta lại mang quan tài trả cho bà mẹ vì anh ta không phải là người da trắng. Nhưng khi cần có bia đỡ đạn trong chiến tranh, thì đế quốc Mỹ rất “bình đẳng” không phân biệt nòi giống nào... “Dân chủ” là như thế đó.
* Tháng 11- 1953
- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Malencốp và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô Kơlimentơ Ephơrêmôvích Vôrôsilốp, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 36 Cách mạng Tháng Mười thành công. Bức điện có đoạn: "Chúng tôi nhiệt thành chúc nhân dân Liên Xô vĩ đại thu được nhiều thắng lợi mới trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa cộng sản và bảo vệ hòa bình thế giới".
Trong ngày, bài viết 36 năm từ ngày Cách mạng Tháng Mười thành công, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 145, ca ngợi những thắng lợi của nhân dân lao động thế giới giành được từ sau Cách mạng Tháng Mười thành công, chỉ rõ nguyên nhân chính đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là đã giải quyết triệt để vấn đề ruộng đất, và cho rằng: Việt Nam ta thực hiện phát động quần chúng, cải cách ruộng đất thì chúng ta cũng sẽ đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.
- Khoảng đầu tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời nhà báo Thụy Điển về cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam qua cuộc thảo luận của Quốc hội Pháp về việc muốn dàn xếp hoà bình với Việt Nam. Người tuyên bố: Đó là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, song nước trung lập nào muốn hoà giải phải dựa trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng và chủ quyền của Việt Nam.
- Ngày 2: Bài viết Địa chủ phản động ác ghê, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2459, tố cáo tội ác của một số địa chủ phản động đã câu kết với thực dân và bù nhìn để phản dân, phản nước, mưu phá hoại chính sách ruộng đất của Chính phủ. Chúng là bọn "mặt người dạ thú" và tội ác của chúng là "tuyệt vô nhân đạo".
- Ngày 6: Bài viết Văn minh Mỹ người không bằng chó, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2462, dẫn lời các báo Mỹ viết về đời sống của dân Mỹ và của chó Mỹ: Nhân dân Mỹ thất nghiệp, không có việc làm, nhiều người chết đói, chết rét, trong khi chó Mỹ thì lại được ăn ngon, mặc đẹp, bài báo kết luận:
"Văn minh trọng chó hơn người,
Văn minh của Mỹ buồn cười lắm thay!".
- Ngày 11: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bà mẹ anh hùng, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2466, ca ngợi nhiều gia đình có từ 3 đến 5 con đi bộ đội được Chính phủ tặng Bảng vàng danh dự và Huân chương Kháng chiến, điển hình là cụ Huân ở Việt Bắc có chín con đi bộ đội. Thật là:
"Cả nhà kháng chiến,
Muôn thuở rạng danh,
Nêu gương dân tộc,
Việt Nam quang vinh".
Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 147:
+ Bài Đội thanh niên xung phong, giới thiệu về tổ chức, nhiệm vụ, thành phần của Đội thanh niên xung phong. Theo tác giả "Đó là một trường đào tạo thanh niên bằng những công việc thiết thực",... "chúng ta cần củng cố và phát triển Đội thanh niên xung phong để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này".
+ Bài Lấy xương máu Pháp đổi đôla Mỹ, vạch trần âm mưu của Mỹ "giúp" Pháp tiền bạc, vũ khí và dùng xương máu người Pháp để kéo dài và mở rộng chiến tranh ở Việt - Miên - Lào. Đồng thời, tố cáo thực dân Pháp đã lừa bịp nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, dùng tính mạng của thanh niên Pháp để đổi lấy đôla Mỹ.
- Ngày 13: Bài viết Mỹ lo sợ số 1, Mỹ lo sợ số 2, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2467. Bài báo nêu rõ: Do Mỹ tuyên truyền quá trớn về bom nguyên tử và bom khinh khí, nên chưa ai sợ mà người Mỹ đã mắc bệnh "sợ bom" trước tiên. Đó là cái sợ số 1 của Mỹ. Mỹ lại chủ quan cho rằng Liên Xô chưa thể có bom khinh khí, nhưng tháng 8 vừa rồi, Liên Xô tuyên bố đã có bom khinh khí. Điều đó làm cho Mỹ cuống cuồng, lo sợ. Đó là cái sợ số 2 của Mỹ.
- Từ ngày 15 đến ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam để thảo luận chính sách, kế hoạch cải cách ruộng đất và thông qua những văn kiện về cải cách ruộng đất.
Tại phiên khai mạc Hội nghị, Chủ tịch giới thiệu các đồng chí cố vấn, các đồng chí nước ngoài với Hội nghị. Sau đó, Người đọc báo cáo "Tình hình trước mắt và nhiệm vụ của cải cách ruộng đất". Phần đầu báo cáo đề cập đến tình hình kinh tế, chính trị của phe đế quốc chủ nghĩa, đứng đầu là Mỹ và phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Cuối phần này, Người chỉ rõ: So sánh về mọi mặt thì thấy rõ thế địch ngày càng kém, thế ta ngày thêm mạnh.
Trong phần chính của báo cáo, Người nhấn mạnh nhiệm vụ trung tâm trong năm 1953 là ra sức đánh giặc trên các chiến trường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đập tan âm mưu quân sự mới của địch; phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng".
- Ngày 16: Bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Kế hoạch Nava, đầu voi đuôi chó, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 148, bằng thể thơ năm chữ, tác giả vạch rõ sự huênh hoang của Nava trong kế hoạch đánh chiếm Nho Quan (Ninh Bình), Thanh Hóa và sự thất bại của nó đúng như "đầu voi đuôi chó". Người nhắc nhở chúng ta không được chủ quan khinh địch, phải đoàn kết một lòng, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
- Ngày 17: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tinh thần quân lính Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu quốc, số 2470, phản ánh tâm trạng bất mãn của lính Mỹ chán ghét cuộc chiến tranh và tố cáo chính sách của bọn quan thầy đã đẩy họ vào vòng binh lửa, làm giàu trên xương máu của họ. Bài báo khẳng định: Chỉ có quân đội cách mạng mới có tinh thần quyết chiến quyết thắng, mới được nhân dân kính trọng và tin yêu.
- Ngày 20: Bài viết Dân Nhật chống Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2472, cho biết: Mỹ tuy đã ký hòa ước với Nhật, nhưng trên thực tế Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Nhật trên tất cả các mặt: quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... làm cho dân Nhật căm ghét Mỹ và hăng hái chống Mỹ. Bài báo kết luận:
"Ở Á cũng như ở Âu
Đế quốc Mỹ đi đến đâu,
Cũng bị nhân dân oán ghét".
- Ngày 21: Trong Thư gửi quân và dân Tây Bắc, Người đề ra nhiệm vụ cho quân dân Tây Bắc là: Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất, tham gia kháng chiến; bộ đội phải thi đua học tập, giúp đỡ đồng bào, sẵn sàng xung phong giết giặc; cán bộ phải hết lòng hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.
Trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Anh hùng" giả và anh hùng thật, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 149. Sau khi định nghĩa về hai loại anh hùng: Anh hùng giả và anh hùng thật, tác giả cho rằng: Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, khắp các ngành, các nơi, chúng ta đã có những anh hùng thật và cần nhiều anh hùng như vậy. Ai mà có quyết tâm phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến, thì đều có thể trở nên anh hùng thật.
- Ngày 24: Bài viết Tội nghiệp trẻ con Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2475, tố cáo chính sách của Mỹ là "muốn làm chủ thế giới thì phải đào tạo những kẻ giết người". Với phương châm đó, Mỹ đã đào tạo trẻ em để tiếp tục công cuộc giết người bằng phim ảnh, sách báo đồi trụy. Kết quả của cách giáo dục đó đã dẫn đến nhiều trẻ em Mỹ phạm tội và mắc bệnh loạn tinh thần. Tác giả nhắc nhở chúng ta cần phải tuyên truyền giáo dục có kết quả để phá tan âm mưu xâm lược bằng văn hóa của chúng.
- Ngày 26: Trong bài Trả lời một nhà báo Thụy Điển - chủ bút tờ Expressen, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do thực dân Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam nhất tề đứng dậy cầm vũ khí kháng chiến và quyết tâm chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng, nhưng sẵn sàng thương lượng giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở Chính phủ Pháp thật sự tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam.
Trả lời câu hỏi: Nếu một nước trung lập đứng ra dàn xếp cuộc thương lượng thì Chủ tịch có tiếp nhận không? Người nói: "Sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp".
Cùng ngày, bài viết Tích cực và nóng nảy, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 150. Sau khi định nghĩa thế nào là tích cực, thế nào là nóng nảy, Người chỉ rõ: Tích cực là gắn liền khí khái cách mạng với tinh thần thực tế. Tích cực thì mọi việc đều thành công. Nóng nảy là một thứ bệnh tiểu tư sản, làm việc mà nóng nảy thì nhất định thất bại. Bài viết được kết thúc bằng hai câu thơ:
"Tích cực, thì sẽ thành công,
Nóng nảy, kết quả sẽ không ra gì".
- Ngày 30: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chiến sĩ cầu đường, ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu quốc, số 2479. Bằng những dẫn chứng cụ thể về thành tích của các chiến sĩ cầu đường, tác giả khẳng định: "Bất kỳ việc gì, ở ngành nào, quần chúng đều có kinh nghiệm và nhiều sáng kiến quý báu. Cán bộ biết gần gũi quần chúng, biết lãnh đạo quần chúng thì công việc to lớn mấy, khó khăn mấy cũng thành công. Công việc cầu đường cũng vậy".
* Tháng 11- 1954
- Ngày 2: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỹ trắng trợn, Pháp lừng khừng, ký bút danh C.B, đăng trên Báo Nhân Dân, số 252. Tác giả trích lời chỉ trích của báo chí Pháp khi nói về chính sách của Mỹ và Pháp đối với cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam.
- Ngày 4: Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ trình quốc thư của Đại sứ Liên Xô đầu tiên ở Việt Nam Lavơrisép.
Trong lời đáp, Chủ tịch cảm ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô về sự giúp đỡ to lớn trong kháng chiến cũng như trong giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước và mong tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô ngày càng củng cố và phát triển.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trẻ em gương mẫu Trịnh Văn Kiều, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 254. Bài báo biểu dương em Trịnh Văn Kiều ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) về thành tích gom nhặt vũ khí rơi vãi trong chiến tranh đem nộp cho nhà chức trách.
- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Malencốp và Chủ tịch Chủ tịch Đoàn Xôviết tối cao Liên Xô Kơlimetơ Ephơrêmovích Vôrôsilốp, chúc mừng kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng Tháng Mười Nga.
Đọc đáp từ tại buổi chiêu đãi, Người khẳng định: "Cách mạng Tháng Mười đã mở đường giải phóng cho giai cấp lao động và cho các dân tộc bị áp bức khắp thế giới". Người cảm ơn Đảng và Chính phủ Liên Xô đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần quan trọng trong việc ký kết hiệp định đình chiến ở Việt Nam và Đông Dương, đồng thời đang nhiệt tình ủng hộ công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Người cũng bày tỏ nguyện vọng mong muốn tình hữu nghị anh em Việt Nam - Liên Xô không ngừng củng cố và phát triển.
Cùng ngày, bài viết của Người: Tình hữu nghị Việt - Xô, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 257, ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.
- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Harddy trong ủy ban quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Giơnevơ.
Cùng ngày, Người tiếp đại diện Tân Hoa xã tại Việt Nam.
Cùng trong ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bọn Ngô Đình Diệm thật là dại dột và ngu ngốc, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 259. Bài báo cho biết: Ngày 30-10, khi Thủ tướng nước Cộng hòa ấn Độ J.Nêru đến Sài Gòn, chính quyền Ngô Đình Diệm để bọn du côn có những hành động xúc phạm đến Thủ tướng. Theo tác giả, đó là những hành động "vô lễ", "dại dột và ngu ngốc".
- Ngày 11: Báo Nhân Dân, số 260, đăng bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những câu hỏi của Bécna Uynman, phóng viên Hãng Thông tấn Pháp về một số vấn đề mang tính điều kiện cho mối quan hệ Việt - Pháp và vấn đề thống nhất nước Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cơ sở và phương pháp tốt nhất cho việc phát triển mối quan hệ Việt - Pháp là sự hiểu biết, lòng trung thực, tin cậy lẫn nhau; bình đẳng, hai bên đều có lợi theo nguyên tắc "có đi có lại"... Về vấn đề thống nhất đất nước, Người nói: "Nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ hoạt động không ngừng để thực hiện thống nhất đất nước theo phương pháp hoàn toàn phù hợp với Hiệp định Giơnevơ".
Trong Thư khen các chiến sĩ và cán bộ của các đơn vị tiếp quản Thủ đô cùng đăng số báo trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi cán bộ và chiến sĩ đã: "Giữ gìn tốt trật tự, trị an, giữ đúng kỷ luật, bảo vệ tính mệnh và tài sản của đồng bào và ngoại kiều". Người nhắc nhở chiến sĩ và cán bộ chớ vì thành tích mà chủ quan, phải luôn luôn cảnh giác, giữ kỷ luật chặt chẽ, thi đua học tập và công tác, mở rộng tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi, để làm cho bộ đội ta càng thêm hùng mạnh, chính quyền ta càng thêm vững chắc.
- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để bàn về chính sách cải cách ruộng đất.
Cùng ngày, bài viết của Người: Gói thuốc lá, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 263. Thông qua câu chuyện các thủy thủ Pháp trên tàu chở cán bộ và bộ đội ta từ miền Nam ra tập kết, Người ca ngợi tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam.
- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề Lào, quan hệ Việt - Lào và việc viện trợ cho Lào.
- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận kế hoạch đấu tranh đòi tự do dân chủ, thi hành Hiệp định Giơnevơ.
Người gợi ý nên giao việc làm kế hoạch đấu tranh đòi tự do dân chủ cho ủy ban thi hành hiệp định đình chiến và chịu trách nhiệm trước Trung ương.
Về phương châm đấu tranh, Người nói: Cần huy động các đoàn thể nhân dân, kể cả những người công giáo tiến bộ ở Pháp... Đấu tranh phải có sự kết hợp giữa quần chúng và các đoàn thể. Đấu tranh phải liên tục, phải có mục tiêu cụ thể. Đấu tranh phải có hợp tác, trong hợp tác có phân công phù hợp với từng ngành, từng người...
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng ấn Độ J.Nêru nhân Ngày sinh lần thứ 65 của ông. Bức điện có đoạn: "Thủ tướng đã luôn luôn tích cực hoạt động để giữ gìn và củng cố hòa bình ở Đông - Nam Châu Á và thế giới. Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Châu Á và nhân dân thế giới đều nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ đường lối của Thủ tướng nhằm thực hiện sự chung sống hòa bình của các nước có chế độ xã hội khác nhau, trên 5 nguyên tắc đoàn kết hòa mục".
Bài viết của Người nhan đề: Mỹ phá đám, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 264. Bài báo dẫn lời một số tờ báo Pháp như báo Giải phóng, báo Người quan sát để phê bình những hành động của Mỹ gây sức ép với Pháp trong mối quan hệ với Việt Nam, Lào, Cao Miên, ngăn trở việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Người khẳng định những việc làm đó của Mỹ là hành động "phá đám".
- Ngày 17: Dự họp Bộ Chính trị thảo luận đề án nhằm tạo những điều kiện thuận lợi để đi đến hội nghị hiệp thương, tiến tới tổng tuyển cử. Đề cập đến mâu thuẫn giữa bọn Diệm - Hinh trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Người nhận định: Cả bọn ấy mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với nhân dân. Nhân dân không ưa cả Diệm lẫn Hinh. Diệm trở thành vật chướng ngại đối với Pháp. Hinh theo Pháp nhưng vẫn tìm cách chống lại Pháp. Nếu Mỹ tung tiền ra thì sẽ nắm được Hinh. Về tôn giáo, Người nói: Ta phải nghiên cứu kỹ càng và có chính sách cho phù hợp.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ gương mẫu ở nông thôn, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 265. Bài báo nêu gương một cán bộ ở Thái Nguyên hăng hái tham gia xây dựng tổ đổi công và khẳng định: "Đó là một gương mẫu về tổ chức và lãnh đạo mà tất cả các cán bộ ta ở nông thôn phải noi theo".
- Ngày 18: Phóng viên báo Regards (Nhìn xem) đã gửi thư xin phỏng vấn Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời những câu hỏi của nhà báo về việc thi hành các điều khoản của đình chiến; những chính sách và nhiệm vụ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cuối cùng Người khẳng định: “ muốn lập lại quan hệ với Pháp về kinh tế, văn hoá nhưng bình đẳng, hai bên cùng có lợi và thân thiện”.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Linh hồn và bom nguyên tử", ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 266. Thông qua lời tố giác của một linh mục ở xã Mỹ Hưng, tỉnh Hà Nam, bài báo viết về âm mưu đe dọa, mua chuộc và dụ dỗ đồng bào theo đạo Thiên Chúa di cư vào Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm.
- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về các vấn đề: viện trợ, Hoa kiều và ngoại giao.
Sau khi nghe ông Phạm Văn Đồng báo cáo kế hoạch viện trợ của nước ngoài cho Việt Nam trong năm 1955, Người nói: Riêng đối với Trung Quốc, nên xem những cái gì thật cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở và khôi phục kinh tế thì ta hãy xin. Còn những thứ không cần thiết như đồ dùng cho văn nghệ, sinh hoạt... thì ta tự sắm lấy...
Cùng ngày, bài viết Nhân dân với quân đội, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 267. Người biểu dương thành tích của bộ đội ta trong kháng chiến và trong hòa bình đã có những tấm gương làm dân tin, dân yêu. Đồng thời, Người cũng phê phán hành động của một số chiến sĩ còn để đồng bào hiểu lầm. Người mong rằng, cán bộ và chiến sĩ phải hết sức chú ý sửa chữa những thiếu sót đó để không ngừng củng cố và phát triển tình đoàn kết quân dân.
- Ngày 20: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đạo đức chính trị ở Mỹ, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 268. Bài báo kể về hành động lừa bịp của một đại biểu Quốc hội Mỹ mà nhờ nó vị đại biểu ấy đã trở thành một trong những người lãnh đạo Đảng dân chủ Mỹ vào năm 1953.
- Ngày 21: Bài viết Trẻ em Pháp thiếu trường học, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 269. Dẫn lời của Tổng Thư ký Công đoàn Giáo dục Pháp, bài báo đưa ra những số liệu để chứng minh tình hình giáo dục ở nước Pháp và các nước thuộc Liên hiệp Pháp là trẻ em thiếu thầy, thiếu trường lớp. Nguyên nhân của tình hình đó, như Người nhấn mạnh, là do việc cắt xén ngân sách giáo dục để tập trung vào chạy đua vũ trang.
- Ngày 23: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Côlin, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 270. Bài báo phê phán viên tướng Mỹ Côlin khi đến Sài Gòn đã có những lời tuyên bố vi phạm Hiệp định Giơnevơ và ngang nhiên ra lệnh cho người Pháp! Đó là hành động hất cẳng Pháp một cách trắng trợn.
- Ngày 24: Bài viết Việc nhỏ, ý nghĩa to, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 271. Trong bài báo, Người nêu năm ý kiến nhận xét nhân việc các báo ở Thủ đô đăng tin nêu gương người tốt, việc tốt và yêu cầu "cần khen thưởng đúng mức để động viên mọi người hăng hái làm việc ích nước lợi nhà".
- Ngày 25: Bài viết Tuyên truyền, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 272. Người đưa ra những ví dụ về hành động của cán bộ và chiến sĩ có ý nghĩa tuyên truyền cho phẩm chất, đạo đức của người chiến sĩ cách mạng và khẳng định: "Mỗi người yêu nước đều phải làm tuyên truyền", mỗi cử chỉ hành động đều có thể là một công tác tuyên truyền.
- Ngày 26: Bài viết Nhờ ai ta có hòa bình, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân Dân, số 273. Bài báo chỉ rõ: Chúng ta có hòa bình hôm nay là nhờ toàn dân phấn đấu, hy sinh và gian khổ, nhờ các chiến sĩ đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc và nhân dân, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng hòa bình dân chủ thế giới. Vì vậy, chúng ta phải ghi chép và nhắc lại những tấm gương hy sinh ấy, giáo dục nhân dân ta chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng nước nhà.
- Ngày 27: Dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề đàm phán kinh tế với Pháp. Phát biểu tại cuộc họp, Người nói: Phải nắm vững là ta lấy kinh tế và văn hóa để làm chính trị. Nguyên tắc của ta là "có đi có lại". Văn hóa "khoan hồng" hơn kinh tế. Kinh tế "khoan hồng" hơn chính trị. Những sự nhân nhượng về kinh tế và văn hóa, ta cũng nên hạn định cho ta là hai năm...
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cựu Thủ tướng Anh bình luận nước Trung Hoa mới, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân dân, số 274. Bài báo dẫn lời nhận xét của cựu Thủ tướng Anh Atli về những sự thay đổi tiến bộ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mà ông đã nhìn thấy trong chuyến đi thăm Trung Quốc tháng 9-1954. Kết luận bài báo, Người cho rằng: "Những tiến bộ mà anh em Trung Quốc làm được thì ta nhất định cố gắng làm được".
- Ngày 28: Bài viết Thầy thuốc nói, ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 275. Bài báo viết: Trải qua 80 năm mất nước, 15 năm bị chiến tranh tàn phá, hậu quả về các mặt kinh tế, xã hội rất nặng nề. Cũng như nhiều nước khác, việc khôi phục kinh tế, xã hội phải có thời gian phấn đấu gian khổ, ví như việc chữa bệnh của thầy thuốc, phải dùng thuốc đắng cay đủ ngày mới khỏi bệnh.
- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nhận định về âm mưu của địch và bàn kế hoạch đối phó của ta.
Nhận định về âm mưu của địch, Người nói: Mỹ muốn tổ chức lực lượng cho Diệm, phân tán lực lượng của Hinh, Cao Đài, Hòa Hảo...
Bàn về kế hoạch đối phó của ta, Người nêu lên một số vấn đề chính: Phải khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của địch, phải lôi kéo chúng để chống lại Mỹ - Diệm. Phải có chính sách đúng, có quyết tâm và ý chí quyết chiến quyết thắng. Tránh tư tưởng chủ quan khinh địch, tư tưởng bi quan trước những thắng lợi tạm thời của địch. Đấu tranh khi lên, khi xuống là tự nhiên. Phương pháp phải kịp thời, sắc bén. Có lúc ta thoái lui, nhưng chủ động chiến đấu...
16 giờ, tại Phủ Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Miến Điện Unu và phu nhân.
Diễn văn của Chủ tịch đọc tại buổi chiêu đãi có đoạn: "Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn tán thành 5 nguyên tắc lớn do ba Chính phủ Trung Hoa, ấn Độ và Diến Điện đã tuyên bố. Chúng tôi nhận rằng đó là phương pháp chắc chắn nhất để giữ gìn hòa bình châu á và hòa bình thế giới".
- Ngày 30: Lúc 16 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, viên chức Thủ đô. Người đề cập tới ba vấn đề: Đoàn kết; tăng năng suất công tác; học tập. Người yêu cầu cán bộ, viên chức Thủ đô phải gương mẫu thực hiện việc học tập, trau dồi đạo đức cách mạng và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh,ký bút danh C.B, đăng Báo Nhân Dân, số 276.
Thiên đường của Diệm ở đâu?
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!
Bài báo vạch trần thủ đoạn lừa bịp của chính quyền Ngô Đình Diệm đã dụ dỗ, lừa bịp, cưỡng ép đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở miền Bắc di cư vào Nam và cho biết: theo tin tức của báo chí Mỹ thì phần lớn đồng bào di cư sống trong cảnh bơ vơ, một số bị chúng đẩy đi làm phu đồn điền cao su của người Pháp và ở một số đồn điền của các thuộc địa Pháp...
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)
Phần 6. Giai đoạn 1959 - 1963
* Tháng 11- 1959
- Ngày 1: Chào mừng Đại hội những người sản xuất trẻ của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi Đại hội:
“Bác thân ái chúc các cháu:
Mạnh khỏe, vui vẻ,
Đoàn kết chặt chẽ,
Luôn luôn thi đua.
Đưa cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ.
Vươn lên hàng đầu
Trong mọi công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.
- Trước ngày 3: Được tin Quốc vương Lào Xixavang Vông từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn đến Thái tử nhiếp chính Xixavang Vátthana.
- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Nhà nước ta gửi điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 42 Cách mạng Tháng Mười thắng lợi.
- Ngày 7: Bài Vui vẻ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo Pravđa (Liên Xô), đăng báo Nhân Dân, số 2061. Bài viết nêu rõ ý nghĩa vĩ đại và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười đối với sự phát triển lịch sử của Liên Xô và tiến trình của thế giới.
Kết luận, tác giả viết: “Để chúc mừng một cách xứng đáng Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, nhân dân Việt Nam một lần nữa tỏ lòng thắm thiết biết ơn sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô và cố gắng học tập tinh thần thi đua bền bỉ của công nhân, nông dân và trí thức Liên Xô để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm nay và chuẩn bị đầy đủ để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm sau, để đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững mạnh cho cuộc đấu tranh thắng lợi thống nhất nước nhà”.
- Trước ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Campuchia Nôrôđôm Xuramarít và Hoàng hậu, nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập của Campuchia.
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp lần thứ 26 của Ban Sửa đổi Hiến pháp để nghiên cứu, thảo luận những ý kiến đóng góp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi và duyệt lại Bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
- Ngày 12: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương (mở rộng) bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong thảo luận ở tổ, Người nêu ý nghĩa phải xem xét kỹ vấn đề cơ giới hóa, công nghiệp hóa, thủy lợi hóa, điện khí hóa, trong tính toán phải nhìn xa và thấy gần, nếu chỉ nhìn xa thì sẽ vấp, phải tiến từ gốc lên. Người nói: “Nông nghiệp là chính, chẳng những ở ta mà các nước khác cũng thế. Ta tiến lên phải từ gốc mà tiến lên. Nông nghiệp cơ giới hóa nhưng phải chú ý cải tiến kỹ thuật, không được quên. Công nghiệp nhẹ, nặng phải phục vụ nông nghiệp, không nên tách rời ba cái đó ra...”. Về vấn đề cải thiện dân sinh, Người nói: “Phải nêu rõ cải thiện dân sinh trên cơ sở nào. Nói cho rõ việc tăng năng suất lao động và cải thiện dân sinh”.
- Trước ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương mới của Lào Xixavang Vátthana nhân dịp Quốc vương làm lễ đăng quang.
- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương (mở rộng). Trong phiên họp, Người phát biểu một số ý kiến về nội dung kinh tế của Kế hoạch năm năm. Theo Người, việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp trong năm năm cần xác định mức độ, nếu nói quá là không tưởng, nên chú ý dùng nông cụ cải tiến. Phải mở trường học để đào tạo cán bộ kỹ thuật...
- Ngày 15: Bài viết Cần kiệm, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 2069, nêu lên sự cần thiết phải thực hành Cần, Kiệm trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Cần để nâng cao không ngừng năng suất lao động. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất” và nhấn mạnh mối quan hệ giữa “Cần” và “Kiệm”. “Kiệm mà không Cần thì cũng vô ích, Cần mà không Kiệm thì tay không lại hoàn tay không”.
Bài báo còn phê phán tư tưởng lười biếng, lên án những hành vi lãng phí trong sinh hoạt và sản xuất, tệ nạn ăn uống gây lãng phí tiền của và lao động của nhân dân.
- Ngày 16: Dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội. Phát biểu với Hội nghị, Người căn dặn trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Người cũng lưu ý việc phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong công việc trên.
- Ngày 19: Bài viết Đế quốc Mỹ tiến gần miệng hố, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2073. Trích dẫn những tư liệu của báo chí Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Người tố cáo tội ác của quân đội Mỹ và tay sai ở nước ngoài, vạch trần bộ mặt thật của chính quyền Mỹ trong vấn đề viện trợ cho các nước và cho rằng chính những hành động của Mỹ và tay sai làm cho nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam đoàn kết đấu tranh chống lại, đưa đế quốc Mỹ đến miệng hố thất bại.
- Ngày 23: Phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình Khu V và Nam Bộ, Người nhấn mạnh nhiệm vụ và hình thức đấu tranh của cách mạng miền Nam lúc này. Đối với Khu V, Người nêu rõ phải xây dựng Khu V, đặc biệt là Tây Nguyên, thành căn cứ cách mạng cho miền Nam. Còn miền Tây Nam Bộ phải phát triển hình thức đấu tranh hợp pháp, nhất là ở các thành thị.
- Ngày 26: Dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (mở rộng) bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sau khi nghe thảo luận, Người phát biểu một số vấn đề về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, và lưu ý trong báo cáo phải nói rõ hơn nữa vấn đề cải thiện đời sống nhân dân, phải trình bày thành một mục riêng vì “có cải thiện đời sống nhân dân thì đấu tranh thống nhất nước nhà mới thắng lợi”.
- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương triệu tập. Nói chuyện với Hội nghị, Người điểm lại lịch sử phấn đấu anh dũng và những thắng lợi vẻ vang của Đảng trong suốt 30 năm lãnh đạo cách mạng. Sau khi khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay là “tiếp tục phấn đấu để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”, Người phân tích những thuận lợi, khó khăn, nhất là những đòi hỏi về sự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ của đảng viên trong thời kỳ lịch sử mới và nhấn mạnh: “Nếu mỗi cán bộ và đảng viên ta biết làm tròn nhiệm vụ của mình, bồi dưỡng và phát triển chủ nghĩa tập thể, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, ra sức học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ một cách vẻ vang”.
Cùng ngày, trong bài Tết trồng cây, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 2082, Người đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” để thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng.
Bài báo nêu rõ ý nghĩa và lợi ích của việc trồng cây đối với đất nước, từng gia đình, từng người dân và kết luận: “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.
- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Népdabátxắc (Hunggari). Trả lời câu hỏi về cách giải quyết vấn đề Lào hiện nay, Chủ tịch tuyên bố: “Biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề Lào và duy trì hòa bình ở vùng Đông Nam Á là phải thi hành nghiêm chỉnh các Hiệp định Giơnevơ và Viêng Chăn và phải để ủy ban Quốc tế hoạt động trở lại. Chúng tôi tán thành và triệt để ủng hộ đề nghị của Liên Xô triệu tập lại một cuộc hội nghị các nước đã ký Hiệp định Giơnevơ để giải quyết vấn đề Lào. Tôi tin chắc rằng việc làm dịu tình hình thế giới cũng sẽ mang lại cho nước Lào hòa bình, dân chủ và độc lập”.
* Tháng 11- 1960
- Ngày 2 : Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đáp máy bay lên đường sang Mátxcơva dự kỷ niệm lần thứ 43 Cách mạng Tháng Mười Nga và dự Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới họp ở Mátxcơva.
16 giờ 15, Người cùng các vị cùng đi tới Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai và các đồng chí Đặng Tiểu Bình, Trần Nghị, Chu Đức... cùng đông đảo nhân dân Bắc Kinh đón tiếp nồng nhiệt tại sân bay. Sau khi duyệt đội danh dự quân đội Trung Quốc, Người về nghỉ tại Điếu Ngư Đài.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng ngày sinh lần thứ 38 của Thái tử Nôrôđôm Xihanúc, Quốc trưởng Vương quốc Campuchia.
- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn ra sân bay đi Mátxcơva. Ra tiễn Đoàn tại sân bay Bắc Kinh có Thủ tướng Chu Ân Lai cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Do thời tiết xấu, phải chờ tại sân bay.
11 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta rời Bắc Kinh đi Mátxcơva.
- Ngày 6: Trưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ ta đến ga Mátxcơva. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp và Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô L. Bơrêgiơnép cùng nhiều cán bộ cao cấp Liên Xô ra ga xe lửa đón Người.
Sau khi duyệt đội danh dự Quân đội và Hải quân Liên Xô, Người về nghỉ tại Khu nghỉ Alếchxây Tônxtôi.
- Ngày 9: Chủ tịch gửi điện chúc mừng tới Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, nhân Ngày Quốc khánh Vương quốc Campuchia.
- Ngày 19: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào Nga L.N. Tônxtôi, đăng báo Văn học Xô - viết, ngày 19-11-1960, kể chuyện Chủ tịch đã “trở thành người học trò của nhà văn Nga vĩ đại như thế nào” và về việc Tônxtôi đã hướng cho Người bước vào con đường tranh đấu bằng vũ khí văn học trên diễn đàn báo chí.
* Tháng 11- 1961
- Ngày 3: Gặp gỡ và nói chuyện thân mật với các cháu đại biểu học sinh Trường trung học 405 Mátxcơva, Người dặn dò các cháu: "Trong Nghị quyết của Đại hội có nói: Các cháu sẽ sống dưới chế độ cộng sản. Người cộng sản phải có đạo đức cộng sản. Đạo đức cộng sản đối với các cháu không giống như đối với người lớn... Đạo đức cộng sản đối với các cháu là chăm học, giúp người lớn, đoàn kết, có kỷ luật tốt".
- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện chúc mừng tới Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N.X. Khơrútsốp và Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô - viết tối cao Liên Xô L. Brêgiơnép nhân kỷ niệm lần thứ 44 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.
Bức điện khẳng định ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu to lớn của nhân dân Liên Xô trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật và coi đó là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn âm mưu gây chiến của bọn đế quốc. Bức điện cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
- Trước ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh Mátxcơva về cảm tưởng của Người đối với Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô. Người khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Đảng Cộng sản Liên Xô qua 22 kỳ Đại hội, nêu rõ ý nghĩa lịch sử của Cương lĩnh mới của Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời thông báo vắn tắt tình hình của cách mạng Việt Nam.
Cuối cùng, Người nhấn mạnh: "Trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ trước kia, cũng như xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà ngày nay, chúng tôi luôn luôn được sự giúp đỡ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Toàn Đảng và toàn dân chúng tôi mãi mãi ghi nhớ sự giúp đỡ đó. Được những thắng lợi to lớn của Liên Xô cổ vũ, được sự ủng hộ của các nước anh em khác trong phe xã hội chủ nghĩa và sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, chúng tôi nhất định sẽ thắng lợi trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng tôi là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoà bình thống nhất nước nhà."
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam dự Đại hội lần thứ XXII Đảng Cộng sản Liên Xô hội đàm với Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N.X. Khơrútsốp.
- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Mátxcơva lên đường về nước.
- Ngày 12: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh. Ra sân bay Bắc Kinh đón Người có Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Ân Lai, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và nhiều cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Ngày 19: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới Hà Nội.
- Ngày 20: Bài Các nước xã hội chủ nghĩa Châu Á và các vấn đề của Châu Á của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo Thời Mới (Liên Xô) đăng báo Nhân Dân, số 2799. Sau khi nêu rõ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đối với những biến đổi sâu sắc của Châu Á, tố cáo âm mưu của các nước đế quốc, đặc biệt là đế quốc Mỹ đối với khu vực này, tác giả đề cập đến những vấn đề cơ bản cấp thiết của Châu Á là tiếp tục kiên quyết chống đế quốc thực dân để giải phóng dân tộc, xây dựng nền kinh tế dân tộc, bảo vệ và hoàn thành độc lập, thủ tiêu các tàn tích phong kiến và giải quyết các vấn đề xã hội khác để đưa xã hội tiến lên.
Trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu đó, các nước xã hội chủ nghĩa châu á đang nêu gương tốt và do đó đã trở thành mục tiêu tấn công của chủ nghĩa đế quốc.
Trước tình hình đó, các nước xã hội chủ nghĩa châu á có nhiệm vụ một mặt kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ, để bảo vệ những thành quả cách mạng, một mặt hết lòng ủng hộ các dân tộc đang đấu tranh tự do giải phóng, giương cao 5 nguyên tắc chung sống hoà bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau.
Liên hệ với tình hình Việt Nam, tác giả tố cáo đế quốc Mỹ đang có những bước leo thang cực kỳ nghiêm trọng, nhưng nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kiên quyết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và tin tưởng sắt đá rằng với sự ủng hộ của các nước anh em, của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hoà bình trên thế giới, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thành công.
- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hợp tác xã số 2, thôn Tháp Thượng, xã Thượng Thuỵ (nay thuộc xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Gặp gỡ và nói chuyện thân mật với bà con xã viên đang gặt lúa mùa, Người căn dặn mọi người cần tranh thủ thu hoạch nhanh gọn, khẩn trương chuẩn bị làm vụ chiêm, trồng nhiều rau và hoa màu, đặc biệt là phải tiết kiệm lương thực.
- Ngày 26: Thư không dán gửi Lord Heath trong Chính phủ Anh là nhan đề bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2805.
Tác giả đưa ra những sự việc cụ thể để chứng minh Chính phủ Anh - một trong hai Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ năm 1954 - đã không làm tròn phận sự giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ mà còn gây ra nhiều tội ác cho nhân dân Việt Nam, để phê phán luận điệu bịa đặt "miền Bắc xâm phạm miền Nam" mà Lord Heath đã báo cáo trước Quốc hội Anh.
Bài báo kết luận: "Nhân dân Việt Nam vốn kính trọng nhân dân nước Anh và sẵn sàng đặt quan hệ văn hoá và kinh tế với nước Anh, trên nguyên tắc bình đẳng và đôi bên đều có lợi. Song nhân dân Việt Nam không thể để cho bọn chính khách phản động như ngài (tức Lord Heath) nói láo và vu khống, không thể cho phép ngài lừa dối Quốc hội Anh, lừa dối nhân dân Anh và nhân dân thế giới".
* Tháng 11- 1962
- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Xuphanuvông, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào trên đường đi thăm hữu nghị các nước Đông Nam Á dừng chân tại Hà Nội.
- Ngày 6: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị tiếp tục cho ý kiến về nội dung Đại hội văn nghệ.
Khi bàn về chủ trương tổ chức cho anh em văn nghệ sĩ đi một đợt thực tế dài hạn ở nông thôn, Người tán thành và nhấn mạnh: "Đi, nhưng phải tự nguyện, không ép buộc. Đi, nhưng phải sống như người nông dân chứ đi theo kiểu làm khách là không được. Không để lao động quá sức, nhưng cũng nên thử để thấy người nông dân khổ như thế nào, khoẻ như thế nào".
Nhận xét về tình hình văn nghệ hiện nay, Người khẳng định: "Văn nghệ có cái tốt, có cái xấu, nhưng so với trước cách mạng đã tiến bộ nhiều. Không có cách mạng, không có kháng chiến thì không có văn nghệ như bây giờ. Cố nhiên là do toàn dân, nhưng phải có sự lãnh đạo của Đảng".
Trong việc chỉ đạo văn nghệ, Người cho rằng cần phải có sự bàn bạc thống nhất. "Hướng dẫn khen, phê bình phải cho đúng đắn, có cái phải nghiêm khắc. Khen, chê phải đúng mức. Khen, nhưng khen quá lời, "suy tôn" người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục... Văn chương phải hùng hồn, tình cảm phải sâu sắc, lý lẽ cho đích xác...".
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N.X. Khơrútsốp và Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô L. Brêgiơnép nhân dịp kỷ niệm lần thứ 45 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.
- Ngày 7: Bài 45 năm đấu tranh anh dũng, 45 năm thắng lợi vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo Pravđa (Liên Xô) đăng trên báo Nhân Dân số 3148. Bài báo nêu bật những thay đổi to lớn trên thế giới, sự lớn mạnh của phe xã hội chủ nghĩa, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế kể từ sau Cách mạng Tháng Mười thắng lợi; khẳng định những hy sinh lớn lao, cao cả của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vĩ đại đánh bại bọn phát xít xâm lược cứu loài người khỏi hoạ diệt vong, những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản "bốn biển một nhà" của nhân dân Liên Xô trong 45 năm qua.
Nói về ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, tác giả viết: Cuộc cách mạng đó "đã mở một thời đại mới của lịch sử loài người, thời đại công nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mạng của mình; thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập; thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc; thời đại suy sụp và tan rã của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; thời đại mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã thành lý trí và lương tâm của mọi người tiến bộ trên thế giới".
- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng đến Thái tử Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, nhân dịp kỷ niệm Ngày độc lập của Vương quốc Campuchia.
Cùng ngày, bài viết Một thắng lợi mới của Người, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3149, biểu dương thành tích về mặt văn hoá của đồng bào Mèo ở tỉnh Lao Cai: Từ chỗ không có chữ viết và 99% người Mèo đều mù chữ, nay đã có chữ viết của dân tộc mình với hơn 300 cán bộ và thầy giáo dạy chữ Mèo, hơn 5.900 người Mèo học các lớp. Theo tác giả, đó là một thắng lợi mới về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta: Các dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt.
- Trước ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Ngày sinh lần thứ 41 của Thái tử Nôrôđôm Xihanúc, Quốc trưởng Vương quốc Campuchia.
- Ngày 9: Dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn công tác cải tiến quản lý nông nghiệp. Về phương châm tiến hành cuộc vận động, Người Chỉ thị: "Phải làm trong ba năm. Mỗi tỉnh phải có kế hoạch, nơi nào làm trước, nơi nào làm sau. Không làm tràn lan, phải tập trung cán bộ làm cho tốt. Làm cái nào cho chắc cái đó. Phải khẩn trương nhưng không vội, không ẩu. Khu vực nào làm xong, vẫn phải thường xuyên củng cố, không phải vì làm rồi mà bỏ rơi. Vấn đề quản lý phải hiểu theo nghĩa rộng, không phải chỉ riêng trong một số việc của hợp tác xã. Hợp tác xã quản lý tốt phải bao gồm cả vấn đề kỹ thuật. Phải cố gắng giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất trong nông nghiệp như lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp... Phải làm sao trên dưới đều phấn khởi làm cuộc vận động này. Phải khẩn trương, lạc quan nhất định làm được".
- Ngày 12: Phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về tình hình miền Bắc và Khu V, Người biểu dương cán bộ và đồng bào miền Nam trong những năm qua đã chịu đựng nhiều gian khổ và chiến đấu rất anh dũng. Trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh "vừa phải trường kỳ vừa phải phát triển", Đảng phải lo tìm cách cho cán bộ và nhân dân không quá căng thẳng, mệt nhọc. Trong sinh hoạt, phải nghĩ đến thuốc men, thuốc tây, nhất là thuốc nam. Phải làm sao giảm sự đóng góp của nhân dân, càng thấp càng tốt, do đó bộ đội và cán bộ cũng phải tranh thủ tăng gia sản xuất.
Phân tích thế và lực giữa ta và địch, Người chỉ rõ: Ta lấy yếu đánh mạnh. Mỹ mạnh hơn ta về vật chất, mạnh hơn cả Pháp về tiền của, vũ khí, phương tiện. Nó đang ráo riết lập ấp chiến lược, ta phải tìm cách phá, "mình phá được mình thắng". Nó làm chiến tranh gián điệp, ta phải tăng cường công tác phòng gian, trừ gian, bảo mật, tổ chức cơ quan tránh cồng kềnh hình thức, họp hành phải nhanh gọn. Phải khôn khéo, mềm dẻo, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. "Chưa nên đặt vấn đề đánh công kiên, đánh trận địa chiến. Phải phát triển du kích thật rộng rãi, đâu đâu cũng có, làm cho địch không tập trung được chỗ nào".
Về vấn đề căn cứ địa, Người đặc biệt nhấn mạnh: "Bây giờ không như hồi kháng chiến. Bây giờ không có khu nào an toàn. Căn cứ phải hết sức linh động, gọn gàng, bí mật". Người còn lưu ý hội nghị về công tác mặt trận, binh vận, thanh vận, vấn đề phát triển Đảng.
- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ hải quân tại đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh). Người căn dặn các chiến sĩ: "Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước".
Cùng ngày, trong bài Đời sống nông thôn ngày càng tiến bộ, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3154, Người nêu một số ví dụ cụ thể về tình hình đời sống của đồng bào các dân tộc, đồng bào nông dân công giáo, đồng bào những vùng nông thôn quá nghèo khổ trước đây để chứng tỏ đời sống vật chất và đời sống văn hoá ở nông thôn miền Bắc ngày nay đang tiến bộ không ngừng. Người viết: "Có những kết quả tốt như vậy là do: chi bộ lãnh đạo tốt, đảng viên và đoàn viên thanh niên gương mẫu, ban quản trị các hợp tác xã dân chủ và công bằng, xã viên thấm nhuấn tinh thần làm chủ".
- Ngày 21: Bài viết Nhân đạo kiểu Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3162. Tác giả tố cáo cái gọi là "nhân đạo kiểu Mỹ" khi so sánh sự phân biệt đối xử của bọn tư bản Mỹ đối với các súc vật của chúng như chó và bò với những công nhân Mỹ thất nghiệp mà hàng năm có tới hơn 5 triệu người cả da trắng và da đen. Với chó, chúng cho ở nhà lầu, có lính phục vụ, khẩu phần ăn gấp 8 lần tiền ăn của một lính Diệm; với bò, chúng xây hầm tránh bom nguyên tử; còn với công nhân thất nghiệp, chúng cho họ một thứ phụ cấp "đói không chết, nhưng ăn không no"!.
- Ngày 24: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ và Tổng thống ấn Độ S. Rađacrítxnan, Thủ tướng ấn Độ J. Nêru hoan nghênh các biện pháp hai nước đang áp dụng nhằm làm giảm tình hình căng thẳng trên biên giới Trung - Ấn.
- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn phương hướng thu chi tài chính năm 1963. Tại Hội nghị, Người phát biểu: "Mấy năm nay ta vừa làm vừa học. Điều rất tốt là ta đã thấy được khuyết điểm, thấy được các mặt không cân đối, thấy được sự lãng phí sức người sức của. Nhưng thấy được bệnh rồi, mấy người thầy thuốc phải ngồi lại tìm đơn thuốc mà chữa, chứ cứ nói mãi mà chắp chắp vá vá thì không được. Cần có một số đồng chí cương quyết tìm ra bài thuốc cho bệnh, tìm ra được rồi thì phải cắt thuốc, không thì năm nào cũng nói đi nói lại mãi. Kết quả lớn là thấy được khuyết điểm, nhưng kết quả lớn hơn nữa là phải chữa cho được. Đề nghị Bộ Chính trị cử một số đồng chí ngồi lại, cần thì sáu tháng, hàng tuần dành hẳn mấy ngày làm việc để nghiên cứu tìm ra thuốc đó, phải định những chính sách gì, những kỷ luật gì, đều phải xem xét chu đáo"...
* Tháng 11- 1963
- Ngày 2: Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 46 Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện tới Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N.X. Khơrútsốp và Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xôviết tối cao Liên Xô L.I. Brêgiơnép, chúc mừng những thắng lợi của nhân dân Liên Xô đã giành được trong 46 năm qua. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người cám ơn sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Cùng ngày, bài viết Nhiệt liệt chúc mừng và ra sức ủng hộ Angiêri anh em của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Chiến sĩ, đăng báo Nhân Dân số 3505. Tác giả nồng nhiệt chúc mừng thắng lợi vẻ vang của nhân dân Angiêri đã giành lại được tự do độc lập sau 7 năm kháng chiến gian khổ, anh dũng và những thành tựu trong công cuộc xây dựng xã hội mới.
Bài báo khẳng định: "Nhân dân Việt Nam và nhân dân Angiêri đã là anh em trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, ngày nay là anh em trong cuộc đấu tranh xây dựng đất nước. Với tình sâu nghĩa nặng đó, nhân dân Việt Nam ta nhiệt liệt chúc mừng Ngày Quốc khánh vẻ vang của nhân dân Angiêri anh em và hứa sẽ hết lòng ủng hộ mọi cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ".
- Ngày 8: Bài viết nhan đề: Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại của Người, ký bút danh Chiến sĩ, đăng báo Nhân Dân số 3511. Bài báo kể lại những mẩu chuyện dưới thời Pháp thuộc, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nguy hiểm, những người cộng sản Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười như thế nào và nêu rõ: "Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, nhân dân Việt Nam ta luôn luôn hướng về Liên Xô, đất nước của Lênin vĩ đại và coi Liên Xô là Tổ quốc của cách mạng, Tổ quốc thứ hai của mình". "Nhân dịp mừng ngày kỷ niệm này, chúng ta càng biết ơn Lênin và Đảng của Lênin, càng tưởng nhớ những đồng chí đã oanh liệt hy sinh vì chủ nghĩa cộng sản và chúng ta càng tin chắc rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ thắng lợi trên khắp quả địa cầu".
- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thái tử Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 10 của Vương quốc Campuchia. "Chúc tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Khơme ngày càng củng cố và phát triển, góp phần tăng cường sự đoàn kết của nhân dân châu á và bảo vệ hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới".
- Trước ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị bàn về cải tiến công cụ và cơ giới hoá nông nghiệp do Ban Nông nghiệp của Trung ương Đảng tổ chức. Người hoan nghênh việc mở những hội nghị như thế này, và yêu cầu ngành nông nghiệp cần có những hội nghị toàn diện về các mặt khoa học - kỹ thuật nông nghiệp để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tốt hơn. Người căn dặn các đại biểu: muốn làm tốt việc cải tiến công cụ trước hết phải tuyên truyền, giáo dục cán bộ và quần chúng cho thật tốt phải học hỏi quần chúng và đi đúng đường lối quần chúng.
- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Ngày sinh lần thứ 56 của Vua Lào Xri Xavang Vátthana.
- Ngày 20: Bài viết Chi bộ tốt của Người, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3523, nêu gương Chi bộ Ngân Hà (Nam Định) đã lãnh đạo tốt hợp tác xã, chấp hành tốt chính sách lương thực, và làm tốt các công tác khác như thuỷ lợi, văn hoá, củng cố và phát triển đảng, v.v.. Có kết quả đó, như bài báo đã phân tích, là do nội bộ đoàn kết chặt chẽ, nắm vững và luôn luôn cố gắng thực hiện những nghị quyết của Trung ương và địa phương, đảng viên đều gương mẫu xung phong trong mọi việc, thực hiện khẩu hiệu "đảng viên đi trước, làng nước đi sau".
Phần hai của bài báo, dưới tiêu đề Chi bộ kém, tác giả phê bình đích danh ông Bí thư Đảng uỷ xã Nam Lợi (Nam Định) đã tham ô, lãng phí, gây ảnh hưởng xấu cho các cán bộ đảng viên khác.
- Trước ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phóng viên báo Akahata (Cờ Đỏ) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản - về một số câu hỏi liên quan đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự nghiệp đấu tranh của đồng bào miền Nam, sự đoàn kết quốc tế, quan hệ giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam, v.v..
Trả lời câu hỏi về đặc điểm và triển vọng của tình hình Việt Nam hiện nay, Người nêu rõ: Chỉ mới hơn chín năm kể từ sau khi hoà bình lập lại (1954), nhân dân miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh và chia ruộng đất cho dân cày, đã căn bản hoàn thành thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ chế độ người bóc lột người và hiện nay đang bắt tay thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Với quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, nhân dân Việt Nam đang ra sức tiến mạnh trên con đường công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa... Mặc dù còn nhiều khó khăn, miền Bắc nhất định sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho công cuộc đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà.
Về tình hình miền Nam, Người khẳng định: Dù phải chịu muôn ngàn đau khổ dưới chế độ tàn khốc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đồng bào miền Nam không bao giờ chịu khuất phục, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng để tự giải phóng mình, và nhất định sẽ thắng lợi. Cuộc chiến tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, dù có khó khăn gian khổ, nhưng với sự ủng hộ của đồng bào cả nước, của nhân dân tiến bộ toàn thế giới (kể cả nhân dân Mỹ yêu chuộng hoà bình và công lý), đồng bào miền Nam cuối cùng sẽ là người chiến thắng, miền Nam Việt Nam sẽ được giải phóng hoàn toàn.
Người tuyên bố: "Vấn đề miền Nam chỉ có một cách giải quyết là: đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình, theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ".
- Ngày 21: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Liên minh Phật giáo Lào do ông Mahả Khămtăm, Chủ tịch Hội Liên minh Phật giáo Lào dẫn đầu đang ở thăm nước ta. Tiếp Đoàn đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm thủ đô và một số tỉnh ở miền xuôi. Người thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời thăm hỏi tới toàn thể đồng bào tỉnh Hà Giang và căn dặn đồng bào phải đoàn kết, thương yêu nhau như anh chị em trong nhà, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, đồng thời phải ra sức tiết kiệm và cố gắng học tập văn hoá.
- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá III) bàn về tình hình thế giới, nhiệm vụ của Đảng ta và cách mạng miền Nam. Trong lời khai mạc, nói về ý nghĩa của Hội nghị, Người đặc biệt nhấn mạnh: "Hội nghị này là Hội nghị đoàn kết quốc tế".
- Ngày 26: Bài viết Cần phải tổ chức ngay đội thủy lợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3529, yêu cầu các cấp uỷ Đảng phải thành lập ngay ở các hợp tác xã các đội chuyên trách làm công tác thuỷ lợi, vì "có đội chuyên trách, thì thuỷ lợi làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Rõ ràng là vừa lợi cho Nhà nước, vừa lợi cho hợp tác xã, lợi cho các xã viên và lợi cho các đội viên".
"Đêm trăng đưa nước tưới đồng,
Một tấc nước bạc là trăm bông lúa vàng.
Đội thuỷ lợi phải sẵn sàng,
Thuỷ lợi càng tốt, dân càng ấm no".
- Ngày 29: Bài viết Văn minh kiểu Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân Dân số 3532. Bằng những dẫn chứng và số liệu cụ thể về những vụ bê bối, những hiện tượng bất công trong xã hội Mỹ, tác giả vạch trần cái gọi là "văn minh kiểu Mỹ", thứ "văn minh" mà bọn thống trị Mỹ muốn dùng "khai hoá" các dân tộc khác.
Phần cuối bài báo, tác giả khẳng định: "Nhưng chúng ta không vơ đũa cả nắm. Cũng như nhân dân các nước khác, nhân dân Mỹ nói chung là những người cần cù, yêu chính nghĩa, chuộng hoà bình, chống chiến tranh... cho nên, chúng ta kiên quyết chống đế quốc Mỹ nhưng chúng ta sẵn sàng lập quan hệ hữu nghị với nhân dân Mỹ để cùng nhau chống mọi tội ác, giữ gìn chính nghĩa và hoà bình cho loài người".
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)