Chỉ mục bài viết

 

Phần 3. Giai đoạn 1946 - 1950

* Tháng 11-1946

- Ngày 3: Sáng, sau khi Chính phủ mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời tuyên bố, khẳng định: “Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.

Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Đặc biệt là đồng bào Nam Bộ không những ở tiền tuyến xung phong giữ gìn đất nước, mà lại còn hăng hái dự vào việc kiến thiết quốc gia.

Trong công việc của Chính phủ sẽ còn nhiều bước khó khăn, nhưng nhờ sức ủng hộ của Quốc hội và toàn thể quốc dân, Chính phủ sẽ cương quyết đi đến mục đích".

11 giờ 30, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Nguyễn Sinh Khiêm - anh ruột của Người từ quê Nghệ An ra thăm. Cùng đi với ông Khiêm có Nguyễn Sinh Thọ và Hồ Quang Chính ( Hai người này trước đây đã được bà Nguyễn Thị Thanh cùng cho vào Bắc Bộ Phủ thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Hai anh em ôm nhau mừng tủi, xúc động, hỏi nhau về sức khoẻ, về cuộc gặp gỡ của Người với bà Thanh tuần trước. Rồi Người vừa cười vừa đọc câu thơ:

"Chốc đã mấy chục năm trời,

Còn non, còn nước, con người hôm nay".

Ông Khiêm ứng đọc:

"Thoả lòng mong ước bấy nay

Non nước rợp bóng cờ bay đón Người".

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông Khiêm về quê hương, về một số người thân, bầu bạn thời nhỏ. Còn ông Khiêm hỏi Người về: "Gia đình riêng của chú ra sao? Chú có ý định khi nào về thăm quê?...". Người trả lời ông Khiêm: "Cảm ơn anh, em chưa bao giờ nghĩ đến việc này... Mình không phải là người tu hành, nhưng vì việc nước phải quên việc nhà...

Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc này chưa cho phép nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu".

Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Khiêm ở lại ăn cơm trưa với Người và Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu dự Đại hội đồng Uỷ ban Mùa đông binh sĩ vừa khai mạc. Người vui mừng và khuyến khích mọi người nỗ lực trong việc ủng hộ áo rét cho bộ đội trong mùa đông tới.

- Ngày 4: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai giảng Trường Thương mại thực hành ở phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học). Người căn dặn học sinh gắng thực hiện đời sống mới, siêng năng học tập để trở thành những cán bộ kinh tế giỏi của tương lai.

17 giờ, Người tiếp các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam, tiếp tướng Moóclie và Nyô, Trưởng Phái bộ quân sự Pháp.

- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Chỉ thị Công việc khẩn cấp bây giờ. Người nêu rõ nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là Kháng chiến và kiến quốc, vừa “Phá hoại để ngăn địch”, vừa “Kiến thiết để đánh địch” trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị, giao thông.

Người giải thích vắn tắt khái niệm “Trường kỳ kháng chiến”, và yêu cầu "Ta phải hiểu và phải làm cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ (...). Vì vậy, ta phải có và phải làm cho dân ta có Tín tâm và Quyết tâm".

19 giờ 30, Người thăm các lớp Bình dân học vụ ở Trường Hàng Than và phố Hàng Bún. Tại Trường Hàng Than, Người ân cần hỏi thăm học viên và ghi vào Sổ Vàng của Trường dòng chữ:

Thày siêng năng

Trò siêng học

Thế là tốt lắm.

- Ngày 6: Lúc 6 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trụ sở Đảng Dân chủ và Tự vệ thành Hoàng Diệu. Sau đó, Người cùng Cụ Tôn Đức Thắng đi thăm Phòng Nam Bộ (Cơ quan trực thuộc Chính phủ được thành lập tháng 1 năm 1946, có nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi phong trào kháng chiến, tổ chức chi viện sức người, sức của cho Nam Bộ).

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo, Người tỏ ra hài lòng về tiến triển của kỳ họp Quốc hội và về bức thư của Đô đốc Đácgiăngliơ gửi cho Người báo tin đã trả lại tự do cho 85 chính trị phạm Việt Nam.

- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi. Bản Thông báo có đoạn: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến,

Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Cùng ngày, tại Nhà hát Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ Mùa đông binh sĩ do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức.

- Ngày 8: Bài viết Địa thế, ký tên Q.T., đăng trên báo Cứu quốc, số 399, Người giới thiệu vắn tắt chín loại địa thế trong Binh pháp Tôn Tử và chiến thuật cần áp dụng cho từng tình thế. Tác giả rút ra kết luận: "Ở vào mỗi địa thế, phương pháp dụng binh mỗi khác. Nếu không tuỳ từng địa thế để thay đổi phương pháp, đánh trận không thể thắng được. Có khi hãm vào chỗ đất chết mà được sống, có khi vào chỗ đất sống hẳn hoi mà bị chết. Cho nên ra trận, phải biết phân biệt địa thế. Có phân biệt được địa thế mới biết áp dụng phương pháp đánh trận một cách có hiệu quả".

14 giờ đến 17 giờ, tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần lượt tiếp đại biểu của Liên đoàn giáo giới Việt Nam, Trung - Việt văn hoá hiệp hội, Uỷ ban Vận động Đời sống mới, Tổng hội sinh viên và Lê Khanh, Giám mục địa phận Hưng Hoá. Tại buổi tiếp các đại biểu giáo giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không riêng gì ở nước ta, mà ở các nước khác cũng vậy, hình như sự không đủ ăn là số phận chung của các giáo viên. Khi nào nền tài chính dồi dào, Chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ tầng dưới đến tầng trên, lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho Tổ quốc. Trong lúc này, về quyền lợi, Chính phủ chưa làm thoả mãn giáo viên, nhưng về nhiệm vụ, đòi anh chị em “cùng sống trong một nhà, chúng ta chẳng còn lạ gì nhau, chúng ta phải chịu khổ gánh vác với nhau công việc chung”.

- Ngày 9: Dự phiên họp bế mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khoá I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phát biểu trước Quốc hội, khi đánh giá về bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua, Người nhấn mạnh đây là "bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. (....) Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Thống chế Xtalin nhân dịp kỷ niệm lần thứ 29 Cách mạng Tháng Mười và viết thư trả lời thư phản kháng của Thượng sứ Pháp Đácgiăngliơ. Thay mặt Chính phủ, Người khẳng định sự hợp hiến của Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ (thành lập từ tháng 8-1945) và sự có mặt của quân đội Việt Nam ở đó là hoàn toàn phù hợp với Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9. Người nhấn mạnh: “Hoạt động của Uỷ ban hành chính lâm thời Nam Bộ cũng như các cơ quan quân sự Việt Nam, chỉ là để đi đến sự thi hành triệt để các điều khoản về chính trị và quân sự của Khoản 9 trong bản Tạm ước nói về Nam Bộ và chỉ có thể giúp cho chính sách hợp tác thân thiện mà cả hai Chính phủ đều mong muốn có thể thực hiện dễ dàng”.

- Ngày 10: Về thăm Chùa Thầy - một thắng cảnh của xã Quốc Oai, tỉnh Hà Đông, nơi sớm có phong trào cách mạng. Hỏi chuyện và được biết năm nay nông dân được mùa, Người nhắc nhở: “Lúa tốt thì dân được no. Nhưng phải biết tiết kiệm. Trước đây dân ta mất nước nên bị mù chữ, bây giờ nước nhà độc lập, dân phải lo học hành và phải nhớ đoàn kết, đại đoàn kết, sản xuất tốt, công tác tốt và bảo vệ thắng cảnh”.

15 giờ 15, Hồ Chí Minh đến dự ngày "Thanh niên quốc tế" tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Thành phố (Hà Nội). Người nói đại ý: Trong thanh niên còn có rất nhiều người yếu ớt, cán bộ học sinh của Trường thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khoẻ, phải phổ thông hoá, đại chúng hoá, dân chủ hoá thể dục.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào cả nước. Người vui mừng thay mặt Chính phủ và Quân đội cảm ơn các tôn giáo, các báo chí, các đoàn thể, các thân hào và quốc dân đồng bào đã nhiệt thành ủng hộ và tích cực tham gia phong trào Mùa đông binh sĩ. Người khẳng định: “Chiếc áo trấn thủ mà đồng bào sẽ gửi cho anh em binh sĩ, trong mùa rét này, chẳng những sẽ giúp anh em giữ được sức mạnh để bảo vệ đất nước, mà lại còn khiến anh em luôn luôn nhớ đến tình thân ái nồng nàn của đồng bào ở hậu phương”.

Cùng ngày, bài viết nhan đề Phương pháp chiến đấu và hành quân trên các địa hình, ký bút danh Q.T., đăng báo Cứu quốc, số 406, Người giới thiệu về phương pháp chiến đấu và hành quân ở vùng có nhiều núi non hiểm trở, vùng có nhiều sông ngòi, vùng đầm lầy hay đầm ao, vùng đồng bằng và nêu những địa điểm nguy hiểm cần phải tránh trong lúc tiến quân.

- Ngày 16: Lúc 14 giờ tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và chụp ảnh kỷ niệm với các vị xung phong trong phong trào Mùa Đông binh sĩ. Sau đó, Người đến dự Lễ khai mạc Xung phong Mùa Đông binh sĩ tại Nhà hát Thành phố Hà Nội. Phát biểu trong buổi lễ, Người nói đại ý: Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến. Trong lúc ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, thì ở tiền phương, các binh sĩ đang phải chịu rét mướt. Vậy nên toàn quốc đồng bào ai cũng có bổn phận góp phần vào cuộc vận động Mùa Đông binh sĩ. Một nước mà toàn thể đồng bào đoàn kết như thế, không một sức mạnh nào có thể thắng được và nhất định chúng ta phải được độc lập và thống nhất. Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay và một chiếc của Uỷ ban vận động Mùa Đông binh sĩ vừa may biếu tôi. Tôi xin gửi tặng cả hai chiếc tới các binh sĩ ngoài mặt trận.

Cùng buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc họp báo để trả lời những câu hỏi gửi trước của các phóng viên trong và ngoài nước về Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp, tình hình và kết quả việc thi hành bản Tạm ước 14-9, quan hệ Việt - Hoa, quan hệ Việt - Ấn...

Kết thúc buổi họp báo, Người một lần nữa nhấn mạnh: "Tôi mong rằng những hiểu lầm giữa hai bên Việt - Pháp sẽ được tiêu tán đi, để cho cả hai bên sau đây sẽ cùng bước mau đến một sự hợp tác mà ai cũng muốn. Tôi yêu cầu các bạn Pháp tin ở chúng tôi; chúng tôi nhất quyết giữ lời hứa. Có người hỏi: Tại sao những giao tiếp cá nhân giữa người Pháp và người Việt bây giờ rất hiếm? Chúng tôi không bao giờ làm gì ngăn trở, gây khó khăn cho những cuộc gặp gỡ ấy. Trái lại, chúng tôi còn muốn khuyến khích những sự tiếp xúc đó nữa. Vì những cuộc đó dễ làm tan những mối hiểu lầm và làm nảy nở tình thân thiện. Tôi mong rằng sau đây những cuộc giao thiệp gặp gỡ nhau ấy sẽ có luôn. Cái đó chỉ do các bạn người Pháp thật tâm muốn là được".

- Ngày 17: Lúc 6 giờ, đi thăm Bắc Ninh. Sau khi trò chuyện với bà con có mặt tại nơi đón tiếp, Người vào nhà thờ thăm linh mục Áctôra (Artoraz), địa phận Bắc Ninh, thăm Trại thanh niên Công giáo, Quân y Viện và Trung đoàn bộ Bắc Ninh.

11 giờ, Người tới Bắc Giang thăm Bệnh viện tỉnh, Trường Cán bộ Chu Văn Tấn, Trường trung học Hoàng Hoa Thám và ăn cơm trưa tại Uỷ ban hành chính Bắc Giang.

12 giờ, Người nói chuyện với linh mục Mayo (Mayor) và hai vị linh mục khác. Người tỏ ý rất vui vì linh mục Mayo và Áctôra đã gây được hoà khí đoàn kết lương - giáo. Sau đó, Người  tiếp các đại biểu Hoa kiều, hỏi han về tình hình buôn bán và khuyên bà con nên hiểu biết lẫn nhau để duy trì hoà khí, tinh thần đoàn kết vốn có giữa hai dân tộc Hoa - Việt.

14 giờ 30, Người rời Bắc Giang về Uỷ ban hành chính Bắc Ninh tiếp đại biểu Hoa kiều, Pháp kiều... Trên đường về, Người ghé thăm hai làng Phù Lưu và Đình Bảng, gặp và hỏi thăm các cụ già cao tuổi, trò chuyện cùng các cháu nhi đồng và nghe các cháu hát.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thông điệp cho Cao uỷ Pháp ở Sài Gòn, một lần nữa khẳng định: Nam Bộ là đất của Việt Nam. Hoạt động của Uỷ ban hành chính Nam Bộ là phù hợp với quy định của Tạm ước 14-9; phía Việt Nam mong muốn thực hiện một nền hoà bình, tránh dùng vũ lực...

- Ngày 18: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Nam Trung Bộ (gồm các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết, Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột), đến bày tỏ sự ủng hộ của đồng bào Nam Trung Bộ đối với Chính phủ và Cụ Hồ.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhi đồng Xã Ba, Lao Cai, cảm ơn các cháu đã gửi thư và quà cho Người. Trong thư, Người khuyên nhi đồng Xã Ba giữ gìn kỷ luật, ra sức giúp nhau học hành, “Làm sao cho đồng bào ở Xã Ba ai cũng biết chữ quốc ngữ, thì Bác sẽ vui lòng và khen các cháu ngoan”.

- Ngày 20: Bài Tìm người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 411, Người viết:

"Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

... Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ".

- Ngày 21: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên dự Lễ khai giảng Trường Quân y khoá I tại phố Yécxanh (Hà Nội). Người phát biểu ý kiến và căn dặn học sinh "Phải chăm lo học hành và gắng thực hành 5 điều: Hăng Hái, Hy Sinh, Bác ái, Đoàn Kết, Kỷ Luật”.

- Ngày 22: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các cán bộ và công nhân đường sắt đã phục vụ chuyến tầu ngày 21-10-1946, đưa Người và đoàn công tác từ Hải Phòng về Hà Nội an toàn, nhanh chóng.

- Ngày 23: Bức thư ngỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới, đăng trên báo Cứu quốc, số 414. Sau khi phân tích trách nhiệm của người Pháp trong những cuộc xung đột Pháp - Việt ở Nam Bộ, Hải Phòng, Lạng Sơn sau Tạm ước 14-9, Người kêu gọi đồng bào cả nước sẵn sàng làm theo lệnh của Chính phủ, kêu gọi người Pháp chấm dứt những hành động khiêu khích, thành thật, bình đẳng cộng tác với Việt Nam. "Máu Việt Nam và máu Pháp đổ đã nhiều rồi. Không nên đổ nữa. Vì lý lẽ gì, vì lợi của ai, mà đem máu quý báu của thanh niên Pháp (một thanh niên đầy những tương lai vẻ vang) đổ trên non nước Việt Nam. Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức:

Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập.

Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc.

Đó là ý nguyện rõ rệt của Việt Nam, mong người Pháp và toàn thế giới biết cho".

12 giờ, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng. Người kêu gọi các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam "phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt", kêu gọi "toàn thể đồng bào phải trấn tĩnh, các bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều" và tuyên bố "Chính phủ luôn luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước".

- Ngày 24: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: Nền văn hoá mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hoá nước ngoài, tạo ra nền văn hoá Việt Nam, sao cho văn hoá mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập.

Người còn chỉ rõ: "Nhi đồng Việt Nam đang tiến bộ nhiều về văn hoá... Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà hoạt động văn hoá hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng", lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.

10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm làng Phú Gia (xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Người đến trụ sở Uỷ ban hành chính hỏi về tình hình Bình dân học vụ, đời sống mới và hài lòng với những cố gắng của Phú Gia. Sau đó, Người trò chuyện với các cụ phụ lão và toàn thể nhân dân địa phương.

Cùng ngày, Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu Quốc, số 416, kêu gọi Đại tướng Valuy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm Thượng sứ và các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam phải lập tức đình chỉ những hành động gây đổ máu giữa người Pháp và người Việt.

Đồng thời, Người cũng kêu gọi toàn thể đồng bào ta phải bình tĩnh, bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng và tài sản của ngoại kiều.

- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại làng Hậu ái (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào nông dân thành lập nghĩa thương. Người nêu lên bốn điều lợi của nghĩa thương là:

“1. Để dành thì mình khỏi lo đói;

2. Để dành không mất đi đâu mà lại có lãi;

3. Để dành đã ích riêng cho mình, lại ích chung cho đồng bào;

4. Chỉ để dành một năm mà cả đời khỏi lo đói”.

Chiều, Người tiếp 17 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số: Bình Lương, Châu Lạc Thuỷ, Chi Nê (Hoà Bình). Sau khi thăm hỏi tình hình đời sống của nhân dân địa phương, Người căn dặn đồng bào phải “sống cho đúng đặng là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

- Khoảng cuối tháng:

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được Thư quyết tâm viết bằng máu của các chiến sĩ Kiến An, Hải Phòng với nội dung: “Quyết hy sinh tới giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất Cảng”.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi gửi Liên hiệp quốc. Trong Lời kêu gọi, sau khi trình bày những việc làm cụ thể chứng tỏ thiện chí mong muốn hoà bình của nhân dân Việt Nam, tố cáo những ý đồ xấu xa và những hành động gây chiến của những người đại diện nước Pháp ở Đông Dương nhằm áp đặt lại chế độ bóc lột thực dân cũ, Người trịnh trọng tuyên bố với Liên hiệp quốc: "Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước". Nhân dịp này, Người cũng tuyên bố những nguyên tắc chính trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam: Tôn trọng nền độc lập của các nước láng giềng và mong muốn hợp tác với các nước có chủ quyền trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối; sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực với các nước dân chủ.

Cuối cùng, Người kêu gọi Liên hiệp quốc hãy góp phần vãn hồi hoà bình ở Việt Nam, "để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng và để khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ."

* Tháng 11- 1947

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về tình hình thế giới, tình hình nước Pháp, tình hình sau cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và bàn về kế hoạch công tác quân sự, tài chính...

Theo đề nghị của Người, Chính phủ đã cử ông Phan Kế Toại giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự họp Hội đồng Chính phủ.

Trong ngày, Người viết Thư gửi ông giám đốc và toàn thể nam nữ giáo viên bình dân học vụ Khu III, khen ngợi thành tích xoá nạn mù chữ trong toàn khu. Người mong "ông giám đốc, các giáo viên và các cơ quan đoàn thể cố gắng làm thế nào để chừng tháng 6 năm sau toàn thể nhân dân Khu III từ 8 tuổi trở lên đều biết chữ".

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào xã Duyên Trang, huyện Tiên Hưng, Thái Bình, khen ngợi về thành tích toàn dân trong xã từ 8 tuổi trở lên đều thoát nạn mù chữ. Người căn dặn: "Học hành là vô cùng. Học càng nhiều biết càng nhiều càng tốt,... đồng bào trong xã gắng học thêm thường thức như làm tính, lịch sử, địa dư, chính trị, vệ sinh. Đồng thời cố gắng tăng gia sản xuất ủng hộ kháng chiến".

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại xã Phú Bình, huyện Định Hoá (Thái Nguyên).

- Ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại Khuôn Đào, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

* Tháng 11- 1948

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cụ Hoàng Hữu Kiệt và các cụ trong Tỉnh hội cứu quốc Quảng Trị.

Bức thư viết: "Kính gửi cụ Hoàng Hữu Kiệt,

Các cụ đã tuổi cao tóc bạc, mà vẫn hăng hái tham gia kháng chiến. Thật là xứng đáng với bô lão đời nhà Trần. Thật là lão đương ích tráng. Một dân tộc mà già trẻ một lòng, kiên quyết như dân ta thì kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất và độc lập nhất định thành công. Chúc các cụ mạnh khoẻ và sống lâu".

- Ngày 15: Viết Thư gửi đồng bào huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Người khen ngợi đồng bào toàn huyện đã thanh toán xong nạn mù chữ và kêu gọi mọi người tiếp tục cố gắng hơn nữa để Cẩm Xuyên trở thành kiểu mẫu trên cả ba mặt trận: diệt giặc dốt, diệt giặc đói và diệt giặc ngoại xâm.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Bệnh tự kiêu, tự ái, ký bút danh X.Y.Z., đăng trên báo Sự thật, số 102. Bài báo có đoạn:

"Mỗi một người và tất cả mọi người chúng ta phải tẩy cho sạch bệnh tự kiêu, "tự ái". Đó là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc.

Thang thuốc thánh để chữa bệnh này gồm có bốn vị là:

a) Thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình.

b) Cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm.

c) Luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ.

d) Thực hành đoàn kết".

- Ngày 16: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng tối cao để thảo luận về kế hoạch đối phó các cuộc tiến công quân sự của Pháp.

- Ngày 17: Chủ toạ phiên họp của Hội đồng Chính phủ kiểm điểm công tác năm 1948 và bàn chương trình công tác năm 1949. Kết thúc phiên họp, Người nhắc nhở phải chú ý vấn đề giữ bí mật các văn kiện của Nhà nước và hết sức đề cao cảnh giác. Họp xong, Người ra về ngay mặc dầu đêm đã khuya và rét mướt.

- Ngày 20: Viết thư gửi đồng bào Ninh Bình, khen ngợi về thành tích hộ đê, Người mong đồng bào "tiếp tục và phát triển chí khí xung phong ấy trong phong trào Thi đua ái quốc để: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm".

- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cụ Lê Thước, Chủ tịch Uỷ ban tăng gia sản xuất Thanh Hoá, giải thích về lý do của việc phải giảm tô và ý nghĩa của Nghị định giảm địa tô 25% của Liên bộ Nội vụ và Canh nông ngày 28-11-1946. Bức thư có đoạn:

"Giảm địa tô 25% đã công bình và lợi cho cả điền chủ lẫn nông dân, thì không có lẽ gì mà sinh mối chia rẽ; càng không có lẽ gì mà các điền chủ lại chán nản, hoặc bỏ ruộng không cày.

Lực lượng kháng chiến chống ngoại xâm, một phần là nhờ giới "hữu sản nông dân", nhưng một phần lớn cũng nhờ giới trung nông và bần nông. Người có tiền giúp tiền, người có sức giúp sức - Thế là đại đoàn kết".

Cuối thư, Người nhờ cụ Lê Thước giải thích cho những vị điền chủ nào chưa hiểu thấu đáo.

Cùng ngày, gửi thư cho Trung đội du kích Kim Thành (Hải Dương), khen ngợi anh em "đánh giao thông vận tải của địch rất hay, và đã thắng được nhiều trận". Người khuyên anh em cố gắng hơn nữa, và hứa sẽ có một phần thưởng đặc biệt tặng cho đơn vị "mỗi lần phá được một đầu tàu xe lửa".

- Ngày 30: Bài Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay (ký bút danh X.Y.Z.), đăng trên báo Sự thật, số 103, đề cập đến công tác kiểm tra. Bài báo chỉ rõ: Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi, nhưng khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, việc lựa chọn cán bộ và do công tác kiểm tra. Nếu ba điều ấy làm không tốt, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích. Để công việc kiểm tra đạt kết quả, phải có cách kiểm tra và cán bộ kiểm tra. "Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra". Và "Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm".

- Trong tháng 11

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư và tặng áo lụa cho Cục trưởng Cục quân chính Phan Tử Lăng. Thư Người viết: "Áo lụa này do đồng bào biếu Bác, nay Bác tặng lại chú. Chúc chú đánh giặc giỏi và tiến bộ nữa".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Tôn Đức Thắng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương, trao đổi về công tác huấn luyện cán bộ, về cách huấn luyện, về việc khen thưởng và các danh hiệu thi đua.

Kèm theo thư, Người vẽ sơ đồ một huyện với 64 làng làm ví dụ để minh họa cụ thể các bước huấn luyện theo gợi ý của Người trong thư.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi Đội Du kích Thủ đô và những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp sức vào cuộc tấn công đêm 4-11-1948 vào Hà Nội, thực hiện lời thách thức thi đua ái quốc với các Đội Du kích Sài Gòn, Chợ Lớn, Huế, Hải Phòng... Bức thư có đoạn: "Hà Nội là quả tim quân sự, chính trị và kinh tế của địch. Du kích Thủ đô và Vệ quốc quân cần phải thường khuấy rối quả tim của địch cho đến ngày tổng phản công.

Du kích Thủ đô đã oanh liệt lập công lần đầu. Tôi chắc rằng từ nay du kích Thủ đô sẽ lập công nhiều hơn nữa, to hơn nữa".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi đồng bào và nam nữ giáo viên bình dân học vụ xã Thanh Nông, huyện Lương Sơn (nay thuộc huyện Kim Bôi), tỉnh Hoà Bình đã thanh toán xong nạn mù chữ sớm nhất trong huyện. Bức thư có đoạn: "Tôi khuyên đồng bào cố gắng học thêm và hăng hái xung phong Thi đua ái quốc để diệt giặc đói và giặc ngoại xâm, cũng như đồng bào đã hăng hái diệt giặc dốt vậy.

Tôi lại mong đồng bào các xã khác trong tỉnh Hoà Bình cố gắng thi đua với xã Thanh Nông làm cho tỉnh ta tiến bộ vẻ vang và mau chóng".

* Tháng 11- 1949

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giáo viên và học viên lớp "Chuẩn bị tổng phản công" của Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng. Người căn dặn các học viên:

"Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ,

Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo.

Trau dồi tinh thần cho vững chắc.

Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng."

Và "phải ra sức thi đua làm cho trọn nhiệm vụ để xứng đáng cái tên lớp vẻ vang của các cháu, để xứng đáng với lòng tin cậy mà Chính phủ và đồng bào đặt nơi các cháu".

- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho Đại diện Thông tấn xã Việt Nam ở Băng Cốc khi được báo cáo Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã về đến Thái Lan ngày 10-11. Nội dung bức điện như sau: "Hồ Chủ tịch gửi lời chúc mừng bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã trở về Tổ quốc".

- Trước ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh điện gửi Nguyên soái Xtalin chúc mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Bức điện viết: "Nhân dịp Quốc khánh Liên Xô, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và nhân danh cá nhân tôi, tôi gửi Ngài và Chính phủ và nhân dân Liên Xô lời chúc mừng hạnh phúc và thịnh vượng".

- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Trung ương mở rộng, thảo luận báo cáo của đồng chí Trường Chinh về tình hình mới và nhiệm vụ mới.

- Trước ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc, căn dặn các cán bộ làm công tác vận động nông dân phải:

+ Tổ chức nông dân thật chặt chẽ.

+ Đoàn kết nông dân thật khăng khít.

+ Huấn luyện nông dân thật giác ngộ.

+ Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc.

- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị Trung ương mở rộng, nghe báo cáo của đồng chí Võ Nguyên Giáp về quân sự, đánh giá tình hình chiến sự, định kế hoạch mới trong giai đoạn sắp tới.

* Tháng 11- 1950

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Đại nguyên soái Xtalin nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho họ Nguyễn Sinh khi nhận được tin ông Nguyễn Sinh Khiêm mất. Toàn văn bức điện như sau:

"Gửi họ Nguyễn Sinh

Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước...”.

- Đầu tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Gửi cán bộ tỉnh Bắc Cạn, căn dặn những việc phải làm như: thu mua thóc kịp thời, đắp đường sửa đường, tranh thủ gặt hái, thực hiện "chén gạo tiết kiệm", tổ chức "quán nghỉ cán bộ", chấn chỉnh lề lối làm việc, "giản chính, tinh cán". Người yêu cầu phải thường xuyên báo cáo với Người kết quả những việc trên - cả khuyết điểm và ưu điểm.

- Ngày 11: Viết Thư gửi các bạn nam nữ Pháp đấu tranh cho hoà bình. Người nêu rõ: "Cuộc chiến tranh trên đất nước chúng tôi là để sửa soạn cho một cuộc chiến tranh đế quốc khác. Vì vậy trong khi chiến đấu để bảo vệ hoà bình thế giới, các bạn đồng thời làm một việc rất đúng là mở một chiến dịch mạnh mẽ đòi đình chỉ ngay tức khắc cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Không phân biệt nam nữ, trẻ già, thợ thuyền, nông dân hay trí thức, các bạn đã đoàn kết để cùng góp phần cố gắng và quyết tâm của mình, chúng tôi kính phục và theo dõi cuộc đấu tranh của các bạn.

Về phần chúng tôi, trong khi chiến đấu để giải phóng Tổ quốc, chúng tôi đồng thời cũng đang làm suy yếu đế quốc Pháp, một trong những kẻ gây chiến tranh thế giới.

Tất cả chúng ta đều gắng sức theo đuổi một mục đích, nhất định những cố gắng của chúng ta chẳng bao lâu sẽ đưa bọn đế quốc đến chỗ thất bại hoàn toàn".

- Trước ngày 14: Nhân dịp nhà báo Lêô Phighe, đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, sang thăm Việt Nam trở về Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư gửi các bà mẹ và vợ Pháp có con và chồng chết trận ở Việt Nam.

Thư cho biết, những binh lính sĩ quan Pháp bỏ mình trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, chỉ có một số rất ít thi hài được chở về cho gia đình họ, còn phần lớn đã bị bọn chỉ huy cho san phẳng mồ mả để che giấu những thất bại to lớn của chúng. Tất nhiên vẫn còn những nấm mồ thoát khỏi hành vi tàn bạo ấy. Đối với những nấm mồ này, "chúng tôi tự coi có bổn phận thiêng liêng phải giữ gìn nguyên vẹn để sau này, khi chiến tranh chấm dứt, các bà có thể mang hài cốt của chồng con mình về quê cha đất tổ". Việc làm đó, "mong rằng có thể làm dịu nhiều những nỗi đau khổ của các bà".

Thư cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những bà mẹ và bà vợ đã hăng hái đấu tranh đòi hồi hương đạo quân viễn chinh và chấm dứt cuộc chiến tranh đầy tội ác này.

- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công điện số 508/D cho đồng bào Sơn Hà (Quảng Ngãi)¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬ khi nhận được tin do sai lầm của một số cán bộ nên một bộ phận đồng bào ở đây đã bị địch lợi dụng, gây rối loạn trị an, làm hại đến đoàn kết.

Người khuyên đồng bào "mau mau tỉnh ngộ, trở về yên phận làm ăn, chớ nghe lời giặc lừa phỉnh" và "rất mong đồng bào nghe theo lời thân ái đoàn kết của tôi, mau mau quay về với Chính phủ".

Người đề nghị: "Nếu cán bộ địa phương có điều gì sai lầm, nếu đồng bào có việc gì oan ức, thì đồng bào phái đại biểu đến trình bày với tôi và Chính phủ", "Tôi và Chính phủ sẽ trừng trị những cán bộ có lỗi, và sẽ làm cho đồng bào khỏi oan ức".

Cùng ngày, Người gửi Mật điện số 509/D cho cán bộ chính quyền và đoàn thể miền Nam Trung Bộ, nêu những "khuyết điểm nặng" trong vụ Sơn Hà và trong việc động viên tài lực của dân. Người yêu cầu các cán bộ "phải dùng phê bình và tự phê bình, từ trên xuống, từ dưới lên, kiên quyết sửa chữa cho kỳ sạch" những khuyết điểm đó.

- Trước ngày 15: Được tin một số đông binh sĩ Pháp ở Đông Dương về nước đã thành lập một tổ chức để bảo vệ quyền lợi của mình, đòi hồi hương các bạn đồng ngũ đang buộc phải tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới những người bạn Pháp đó. Bức thư có đoạn:

"Nhân dân Việt Nam rất biết ơn sự cố gắng của các bạn cũng như đã biết ơn sự cố gắng của các bà mẹ và những người lao động Pháp. Nhìn vào hành động của các bạn, nhân dân Việt Nam thấy rằng mình đang có hàng triệu người bạn trung thành ở ngay nước Pháp. Họ đã không bao giờ nhầm lẫn bọn đế quốc Pháp với nhân dân Pháp mà họ muốn thắt chặt mãi thêm mối dây thân hữu".

- Từ ngày 15 đến ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo tình hình thế giới và trong nước từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, tình hình quân sự trong mùa thu, đặc biệt là về Chiến dịch Biên giới, và bàn một số vấn đề quan trọng khác.

Kiểm điểm về vụ Trần Dụ Châu ( nguyên Đại tá, Giám đốc Nha Quân nhu đã phạm tội tham ô, biển thủ công quỹ hàng trăm triệu đồng (tiền kháng chiến) để sống xa hoa truỵ lạc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và quân đội. Toà án binh đã truy tố và kết án tử hình Trần Dụ Châu), sau khi nghe Bộ Quốc phòng trình bày vụ án và nghe Hội đồng Chính phủ nhận xét, cho ý kiến khắc phục, sửa chữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận và rút ra một số bài học. Người nói đại ý: Về vụ Trần Dụ Châu, chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm, chúng ta không có chính sách cán bộ đúng. Chúng ta sinh trưởng trong một xã hội lạc hậu, nhiễm thực dân phong kiến, xã hội cũ hám danh hám lợi, danh lợi dễ làm hư người... Bây giờ chúng ta dùng cán bộ để cải tạo xã hội mà không có chính sách cải tạo cán bộ, đó là khuyết điểm. Chính sách cán bộ thế nào? Lúc tìm người phải tìm cả tài, cả đức, chú trọng tư tưởng. Nếu cán bộ biết thương dân, tiếc của dân thì không xảy ra việc đáng tiếc. Đồng thời, phải giáo dục, cải tạo, kiểm tra cán bộ.

Người yêu cầu phải đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình: "Chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm "thanh cao tự thủ" là không đủ. Tất cả chúng ta phụ trách trước nhân dân, trong anh em phải có tự phê bình và phê bình... Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo tự phê bình và phê bình".

- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi Hội nghị hoà bình ở Việt Nam. Người khẳng định: "Muốn giữ hoà bình một cách thiết thực thì phải ra sức chống đế quốc chủ nghĩa", và cuộc kháng chiến Việt Nam chính là "đang chặt cái gốc chiến tranh đế quốc, đang giúp sức bảo vệ hoà bình". Vì vậy, nhiệm vụ của mọi người là "đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ toàn dân Việt Nam, để kháng chiến lâu dài, để đánh tan bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ".

- Trước ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà báo trong nước và nước ngoài.

Trả lời những câu hỏi về Chiến dịch Biên giới, Người nêu rõ kết quả, nguyên nhân, ý nghĩa quan trọng của thắng lợi đó và chỉ rõ: "Sau thắng lợi này, một điều mà quân và dân ta phải giữ là tuyệt đối không được vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Trái lại, chúng ta phải cố gắng hơn nữa, cẩn thận hơn nữa, kiên quyết hơn nữa".

Về kết quả thi đua trong năm, Người nói: "Thành tích rất khá vì dân chúng rất hăng hái". Tuy vậy, phong trào thi đua vẫn còn nhiều khuyết điểm, như: đặt kế hoạch chưa sát; việc đôn đốc theo dõi, giúp đỡ còn kém; việc tổng kết kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm làm chưa tốt. Chủ tịch nhấn mạnh: "Chúng ta cố gắng sửa chữa những khuyết điểm đó - mà việc này thì các báo chí phải gánh một phần trách nhiệm - thì thi đua ái quốc chắc sẽ có những thành tích tốt đẹp gấp bội".

- Ngày 27: Bốn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thư gửi chiến sĩ và cán bộ Hoà Bình, Thư gửi chiến sĩ và cán bộ Lào Cai, Thư gửi đồng bào Hoà Bình và Thư gửi đồng bào Lào Cai, đăng trên báo Sự thật, số 151.

Trong các bức thư, Người thay mặt Chính phủ khen ngợi chiến công của các chiến sĩ, cán bộ hai tỉnh Hoà Bình, Lào Cai; thân ái an ủi toàn thể đồng bào hai tỉnh "đã mấy năm, đồng bào sống cực khổ dưới gót sắt giặc Pháp dã man, chịu đủ sự áp bức tàn nhẫn"; và căn dặn những công việc mà các chiến sĩ, cán bộ và đồng bào hai tỉnh cần làm ngay.

- Trong tháng 11:

+ Sau chiến thắng Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết gửi luật sư Phan Anh mấy vần thơ:

Đất chuyển, trời xoay, bể mịt mù.

Thu này, kháng chiến đã ba thu.

Hoàn toàn thắng lợi, vài thu chắc.

Một túi thơ tiên, rượu một bù...( một bầu).

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới toàn thể phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Người thăm hỏi và căn dặn đồng bào, quân đội, chính quyền và đoàn thể trong tỉnh phải: Đoàn kết chặt chẽ; Thi đua ủng hộ kháng chiến; Thi đua tăng gia sản xuất; Thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính và chớ chủ quan khinh địch, phải cẩn thận đề phòng.  Người mong "mọi người cố gắng làm tròn nhiệm vụ để góp một phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công"./.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: