Chỉ mục bài viết

bh voi bao chi

Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Cuộc đời hoạt động của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng. Từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18-6-1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên Báo Nhân dân ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời, để lại hơn 2.000 bài báo các loại…, về nhiều đề tài, thể loại, kết cấu và văn phong cũng như hình thức thể hiện, với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.

Người cho rằng, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Vì vậy, dù viết về đề tài nào, bằng hình thức, thể loại nào, các bài báo của Người đều là vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, là phương tiện hữu hiệu để “thắp lửa” cho quần chúng cách mạng và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị luôn vẹn nguyên giá trị nhưng trong từng cơ quan báo chí, từng bài viết cần có sự vận dụng sáng tạo và linh hoạt.

Sau đây, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin tổng hợp, trích đăng một số tác phẩm, bài nói, bài viết thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác báo chí, xuất bản trong cuộc đời hoạt động báo chí cách mạng của Người.

Phần 1

1. Nhật ký hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bốn tháng sang Pháp

Khi người Pháp nghe nói đến tình hình bên nước nhà ngày trước, như báo chí không được tự do, dân chúng không được tổ chức, hoặc những việc khủng bố và thuốc phiện, rượu cồn, thì họ lấy làm ngạc nhiên, họ cho là quái gở, nhiều người lại nhăn trán đập bàn mà nói:

"A chúng nó tàn nhẫn thế ư? Chúng nó bôi nhọ nước Pháp thế ư?".

Nói đến Việt Nam độc lập, thì nhiều người hăng hái tán thành. Họ nói: "Giời sinh ra người, ai cũng có quyền tự do. Nước Pháp muốn độc lập thì lẽ gì không để Việt Nam độc lập?".

Biết bao nhiêu lần, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ, công nhân, trí thức Pháp, ân cần nhắn nhủ gửi lời thân ái cho nhân dân Việt Nam.

Rồi đi đến đâu, người Pháp nghe nói là đại biểu của Việt Nam thì bất kỳ người quen kẻ lạ ai cũng tay bắt mặt mừng.

Có hiểu rõ tình hình người Pháp ở Pháp, mới thấy rõ ràng cái chính sách: "Hai dân tộc Việt - Pháp thân thiện".

(Trích Nhật ký hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bốn tháng sang Pháp do Đ.H. viết, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.4 (1945-1946), tr.411).

2. Đông Dương (1923-1924)

Nói xong vấn đề giáo dục, thì tự nhiên chúng tôi nghĩ ngay tới câu hỏi: Thế còn báo chí? Những điều tôi sẽ kể về báo chí An Nam nó kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin được. Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Lý do như thế này, chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào được xuất bản nếu không được viên toàn quyền cho phép, rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo chưa đăng phải trình viên toàn quyền duyệt trước đã, và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng được. Tinh thần bản sắc lệnh về báo chí là như thế đấy. (Chúng tôi bị cai trị bằng chế độ sắc lệnh do viên toàn quyền ban bố chứ không phải bằng những đạo luật đã được thảo luận và biểu quyết ở nghị viện). Trên thực tế còn tệ hơn nữa. mãi đến bây giờ, chưa có người An Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả.

Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở Châu Âu và các nước Châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ.

Ngay cho đến cả những tờ thông tin thuần túy về kinh tế và thương mại, người ký giả bản xứ cũng chỉ xin được phép bằng những biện pháp quanh co. Anh ta phải thuê tiền một người Pháp có địa vị và được kính nể. Ông này đi gặp quan cai trị và xin phép cho ông ta, là người Pháp. Vì ông ta vẫn sẽ là sáng lập viên của tờ báo, mặc dầu ông chẳng biết một tiếng An Nam nào gọi là có, ông chẳng phải bỏ tiền túi ra lấy một xu nhỏ, chẳng phải đụng tý gì đến công việc của tờ báo cả trừ việc đi gặp viên quan cai trị. Chỉ việc cho mượn tên mình, người Pháp kia nhận được hàng tháng một số tiền rất hậu mà người ký giả bản xứ phải trả cho ông lâu dài, báo còn ra là còn phải trả.

Trước khi đưa đi nhà in, tất cả các bài báo phải dịch ra tiếng Pháp và đưa kiểm duyệt đã. Cấm ngặt những tờ thông tin ấy không được đả động gì đến những vấn đề chính trị hay tôn giáo, mà chỉ được đăng những tin tức thông thường, những vấn đề xét ra có lợi cho nhà nước. Khi đất nước bị một thiên tai nào, lụt lội, bão táp, đói kém, v.v.. phòng kiểm duyệt cấm báo không được cho dân chúng biết những tin "không vui" ấy, cấm báo không được mở lạc quyên giúp những người bị nạn. Báo không có quyền nói gì, dù chỉ bóng gió, đến việc bầu cử hội đồng thuộc địa hay hội đồng hàng tỉnh. Có một tờ, dịch ra tiếng An Nam đạo luật cấm những hành vi hối lộ trong việc tuyển cử, đã bị kiểm duyệt trắng mất nửa tờ báo mà còn bị khiển trách thêm nữa. Nhiều khi người ta cấm cả dịch đăng những bài đã đăng ở các báo tiếng Pháp xuất bản ở Đông Dương.

Các bạn chớ tưởng rằng mấy tờ báo thông tin khốn khổ ấy được tự do phân tích tất cả những cái thuộc về kinh tế. Chẳng hạn, họ không được nói đến đời sống đắt đỏ, đến việc mất mùa, đến việc buôn gian bán lậu của bọn con buôn người Âu, đến việc xoay xở tiền nong bất lương của bọn quan cai trị, đến những vụ đầu cơ đê tiện của bọn chủ đồn điền và chủ nhà máy người da trắng. Vừa rồi, người ta cấm báo chí không được đả động đến việc chính phủ nhượng quyền kinh doanh hải cảng Sài Gòn, nếu không phải để tán dương công đức của công ty độc quyền và lòng vô tư của Chính phủ. Có một tờ cũng đã "tán dương", nhưng kém nhiệt tình, nên phòng kiểm duyệt trước hết đã theo dõi bí mật, rồi đóng cửa hẳn tờ báo ấy.

Những người vào làng Tây, được hưởng quyền công dân Pháp, có thể xuất bản báo, nhưng chỉ bằng tiếng Pháp mà thôi - ở Nam Kỳ có 5, 6 tờ báo vào loại ấy. Ở các vùng khác, không có tờ báo nào, vì không có hay có ít người vào làng Tây. Trong số các cơ quan ngôn luận ấy - thường là bán nguyệt san - có hai hay ba tờ có khuynh hướng quốc gia hợp pháp. Ghép hai tính từ trái ngược nhau ấy với nhau, có thể kỳ dị đấy và cần giải thích đôi chút. Những tờ báo này là của bọn tư sản bản xứ mới lên, có địa vị là nhờ ở nền đô hộ Pháp. Nền đô hộ ấy đã sinh ra bọn này nhưng lại không để cho họ phát triển. Vì vậy, tầng lớp tư sản nhỏ bé đó bị ngạt trong phạm vi chật hẹp và phụ thuộc mà quan thầy ngoại quốc - cha đỡ đầu của họ - dành cho họ. Và vì thế, họ hờn mát nhưng cũng nhè nhẹ thôi. Bởi thân phận nửa dơi nửa chuột của họ, chẳng thuộc hoàn toàn trong xã hội An Nam vì họ là những người vào làng Tây, mà cũng chẳng thuộc trong tầng lớp "quý tộc" Tây vì họ xuất thân ra là người An Nam - nên họ cảm thấy lúng túng trước mọi việc. Đồng thời, trong mọi hành động và tư tưởng của họ, đều thấy cái mâu thuẫn xã hội và tâm lý ấy. Báo của họ chỉ trích những vụ hà lạm, nhưng lại phỉnh nịnh những kẻ hà lạm; họ than phiền về những đạo luật đè nén áp bức, nhưng vẫn cậy thế vào nước mẹ; họ mủi lòng cho số phận khốn khổ của người An Nam, những vẫn ca tụng công đức mơ hồ của một nền khai hóa tốt đẹp hơn. Họ muốn chữa bệnh nhưng lại không dám tìm và tấn công vào nguồn gốc của bệnh.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sđd, 2009, t.1 (1919-1924), tr.377).

3. Thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp

….

Sau khi được thành lập ít lâu và khi đã giành được không phải là không chật vật những cột báo trên tờ L'Humanité, Ban Nghiên cứu thuộc địa đã hoạt động khá tốt. Những tài liệu và tin tức có giá trị đã bắt đầu được gửi từ các thuộc địa đến Ban. Chiến dịch mà Ban tiến hành trên báo Đảng nhằm chống những nhũng lạm và tội ác của bè lũ thực dân, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dân chúng các thuộc địa và mang lại nỗi lo lắng cho chủ nghĩa đế quốc thực dân và báo chí của nó. Nhưng diễn đàn ấy đột nhiên đã bị báo L'Humanité bỏ đi. Bị tước mất phương tiện công tác và hoạt động, Ban lâm vào tình trạng hoàn toàn bị tê liệt. Điều đó đã làm cho giới báo chí to lớn của giai cấp tư sản rất hài lòng, những báo chí này đã dành rất đều đặn hàng bao nhiêu trong công tác tuyên truyền thực dân và luôn luôn sợ bị cải chính và lật mặt nạ.

Điều đó đã đặc biệt gây những ấn tượng rất nặng nề cho dân bản xứ. Mặc dầu là hão huyền, những lời tuyên bố trong các đại hội toàn quốc ủng hộ dân chúng các thuộc địa cũng đã góp phần củng cố mối cảm tình mà họ đã có đối với Đảng. Tuy nhiên thật là không thích đáng nếu cứ lắp đi lắp lại mãi một điều mà không làm gì. Và những người bị áp bức khốn khổ thấy chúng ta chỉ luôn luôn hứa hẹn nhưng cũng luôn luôn không hành động gì thì bắt đầu tự hỏi rằng không biết thực ra chúng ta là những người đứng đắn hay những kẻ lừa phỉnh. Cuộc hành trình của các đồng nghiệp Vayăng Cutuyariê và Ăngđrê Béctông qua Angiêri và Tuynidi, tiến hành hầu như cùng một lúc với các cuộc dạo chơi đế vương của bọn đại biểu tư sản, đã được dân chúng Châu Phi rất hoan nghênh. Nếu những cuộc hành trình cũng một tính chất như thế được tiếp tục trong tất cả các thuộc địa thì chắc chắn là kết quả sẽ đáng mừng.

Nhưng, đáng lẽ phải tăng cường tuyên truyền thì chúng ta lại đã bỏ dở cái việc đã được bắt đầu, và bỏ mất những cơ hội tốt. Bởi thế, chúng ta đã làm rất ít trong khi xảy ra cuộc bãi công đẫm máu ở Máctiních, cảnh chết đói ở Bắc Phi và cuộc nổi dậy ở Đahômây.

Trong trường hợp sau chốt này, chúng ta đã có một bộ mặt thiểu não. Nhiều ngày sau tất cả các báo tư sản và mười ngày sau báo L'Oeuvre, báo Đảng mới đăng tin về cuộc nổi dậy. Trong lúc chính phủ thuộc địa đã thiết quân luật, tập trung quân đội, huy động chiến hạm, huy động các bộ máy đàn áp, bắt bớ và kết án các nhà hoạt động từ 5 đến 10 năm tù; trong lúc các báo chí viết thuê đã tiến hành một cách có hệ thống một chiến dịch lừa dối và bưng bít dư luận thì chúng ta chỉ viết có hai hay ba bài báo ngắn, rồi thôi. Không phải là không mỉa mai và không đáng buồn khi trong bóng tối của những ngục tù có tính chất khai hóa, những anh em Đahômây đau khổ của tôi đọc điều thứ 8, trong số 21 điều kiện, nói rằng: "Mỗi đảng cam đoan tiến hành một công tác cổ động có hệ thống trong quân đội nước mình nhằm chống mọi ách áp bức dân chúng thuộc địa; và mỗi đảng phải ủng hộ, không những bằng lời nói mà cả bằng hành động, phong trào giải phóng của các thuộc địa".

Nhưng thật là vô ích nếu buộc tội quá khứ và tiếc rẻ thì giờ đã mất. Tốt nhất là biết sử dụng tốt thì giờ trong tương lai. Vì vậy chúng tôi yêu cầu Đảng:

1) Chính thức thừa nhận Liên đoàn Máctiních (nhóm Giăng Giôrét);

2) Mở lại mục viết về thuộc địa trong báo L'Humanité;

3) Yêu cầu Ban nghiên cứu thuộc địa cung cấp tài liệu cho phân bộ thuộc địa và cứ hai hoặc ba tháng một, báo cáo công tác của mình với phân bộ.

4) Ở những nơi đã thành lập phân bộ thuộc địa thì khuyến khích các bộ phận này tăng cường công tác tuyên truyền và tuyển thêm người bản xứ;

5) Trên tất cả báo chí của Đảng, mở một mục viết về thuộc địa để làm cho độc giả quen với các vấn đề thuộc địa.

6) Nói đến các thuộc địa trong hết thảy các đại hội mít tinh hoặc hội nghị của Đảng.

7) Cử các nghị sĩ đi thăm các thuộc địa, mỗi khi nền tài chính của Đảng cho phép.

8) Tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập nhóm tương tự như ở các thuộc địa.

(Theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sđd, 2009, t.1 (1919-1924), tr.195).

Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa


 4. Mấy khuyết điểm của báo chí ta

So với mấy nǎm trước, thì nay báo chí ta có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa. Vài thí dụ:

Đối với các ngành hoạt động nêu các thành tích - thế là đúng; nhưng rất ít phê bình các khuyết điểm - thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng “đánh trống bỏ dùi”, không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy? Và sau khi phê bình, những cơ quan hoặc những người bị phê bình đã thật thà tự kiểm thảo và sửa đổi chưa?

Về thi đua tǎng gia sản xuất thì các báo chí ta chưa làm trọn nhiệm vụ, như: Nghiên cứu tỉ mỉ, nêu lên rõ ràng và bày cách áp dụng rộng rãi những kinh nghiệm tốt. Chưa lắng nghe những lời phê bình và những điều đề nghị của anh em lao động trong các ngành. Chưa phê bình nghiêm khắc những cách làm việc thủ cựu và những cái gì nó ngǎn trở bước tiến trong các công tác. Chưa khen ngợi một cách đúng mức (không thổi phồng) những thành tích đã thu được, đồng thời nhắc nhở những việc còn phải làm để tiến bộ hơn nữa…

Lại thí dụ như các hội đổi công ở nông thôn, các báo chí ta chỉ nêu những con số phát triển, nhưng không nghiên cứu kỹ càng những hội ấy có ưu điểm gì, để giúp họ phát triển; có khuyết điểm gì, để giúp họ sửa đổi; những khó khǎn gì, để giúp họ giải quyết.

Nói tóm lại: Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gụi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa.

                                                                                       C.B.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 181, từ ngày 01 đến 05/5/1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.7 (1953-1955), tr.271).

5. Khuyên đồng bào mua Báo Việt Nam độc lập

Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt

Làm dân ta như điếc, như mù,

Làm ta dở dại dở ngu,

Biết gì việc nước biết đâu việc đời.

Báo "Độc lập" hợp thời đệ nhất,

Làm cho ta mở mắt mở tai.

Cho ta biết đó biết đây,

Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:

Cho ta biết kết đoàn tổ chức.

Cho ta hay sức lực của ta

Cho ta biết chuyện gần xa.

Cho ta biết nước non ta là gì.

Ai không chịu ngu si mù tối,

Ắt phải xem báo ấy mới nên;

Giúp cho báo ấy vững bền.

Càng ngày càng lớn càng truyền khắp nơi.

Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời!

(Báo Việt Nam độc lập, số 101, ngày 01/8/1941, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.3 (1930-1945), tr.199).

6. Nói chuyện với các ủy viên tuyên truyền các tỉnh Bắc Bộ

Các báo và các ban tuyên truyền nên hướng dẫn lòng yêu nước và ý chí cương quyết cố giành độc lập hoàn toàn của đồng bào một cách ôn hòa, bình tĩnh, có lợi cho ngoại giao. Hơn nữa, cần phải giải thích cho toàn dân hiểu ta hơn con đường đi của Chính phủ khi ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ. Bản Hiệp định đó đã ký, Chính phủ cố hết sức làm theo đúng. Để gây làm một sức mạnh hậu thuẫn cho Chính phủ, dân chúng không quên chuẩn bị nhưng cũng không nên quên phải luôn luôn bình tĩnh để làm theo mệnh lệnh của Chính phủ. Bình tĩnh không phải là nhu nhược, cũng không phải là nhượng bộ, nhưng để tỏ ra rằng dân chúng cũng như một đội quân, binh sỹ không biết trọng kỷ luật, tất nhiên độ quân không thành; dân chúng không có kỷ luật, việc làm khó thành công.

Muốn đi cho đúng với thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên cảm tình. Và muốn nhận định thời cuộc, chúng ta không thể không đứng ở vị trí khách quan.

Mai kia đây, quân đội Pháp sẽ về Hà Nội. Đồng bào nên tránh mọi sự khiêu khích để đón tiếp họ một cách hết sức ôn hòa.

(Nói ngày 15/3/1946, Báo Cứu quốc, số 189, ngày 16/3/1946, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.4 (1945-1946), tr.205).

7. Thư gửi Báo Quân du kích

Làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sỹ,

Mỗi làng xóm là một pháo đài.

Làm cho: Quân đội giặc đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt.

Bộ đội ta đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Đó là nhiệm vụ của báo Quân du kích.

Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được.

Đó là nội dung của báo Quân du kích phải như thế.

Trong giai đoạn đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, nhiệm vụ của dân quân du kích là: Ngǎn cản giặc, tiêu hao giặc, giữ gìn quê hương, để cho Vệ quốc quân được rảnh tay, tìm cơ hội đánh những trận to để tiêu diệt chủ lực của giặc.

Tôi mong rằng báo Quân du kích sẽ giúp dân quân du kích thi đua với Vệ quốc quân diệt cho nhiều giặc, cướp cho nhiều súng, lập cho nhiều công.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 7 nǎm 1949

HỒ CHÍ MINH

(Báo Quân du kích, số 19, tháng 9-1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.45 (1947-1949), tr.655).

8. Bài nói tại Đại hội thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam.

Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ: Các báo Pháp như báo Phigarô, báo Nước Pháp buổi chiều, v.v., một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp; mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư sản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền, v.v.. Tất cả những báo chí ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không ? Không! Ví dụ báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: Nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó khǎn về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu, v.v..

Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.

Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.

Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ, v.v., nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán.

Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ vǎn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công.

Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài. Ví dụ: Phải biết chữ Hán thì mới xem được báo Trung Quốc và học được kinh nghiệm của báo Trung Quốc.

Trên đây nói nhiều về người viết báo. Nhưng trong nghề làm báo còn có nhiều ngành khác, như ngành in mà các cô các chú thích nói chữ gọi là ngành “ấn loát”, cũng rất quan trọng. Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu nét, thiếu dấu, hoặc in lờ mờ không rõ. Người viết bài lại thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là “ngư dân”, rồi người in lại in thiếu cái dấu ở chữ ư hoá ra “ngu dân”. Đấy chỉ là một ví dụ để thấy rằng việc in cũng phải làm cho tốt. Việc phát hành cũng rất quan trọng. Phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem. Giá tiền báo cũng cần phải đúng mức. Trong công tác, người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.., đều phải ǎn khớp với nhau….

(Nói ngày 16/4/1959,  theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.9 (1958-1959), tr.414).

9. Thư gửi Đại hội báo giới

Cùng Đại hội báo giới,

Nhân dịp Đại hội báo giới, tôi chúc các bạn thành công.

Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khǎn, các bạn đã cố gắng làm trọn nhiệm vụ. Thế là tốt lắm, nhưng các bạn cần phải cố gắng thêm.

Theo ý tôi, các bạn có nhiệm vụ như sau:

1. Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch.

2. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ, vì sao phải trường kỳ kháng chiến, vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi.

3. Giải thích chính sách của Chính phủ cho dân chúng rõ. Bày tỏ nguyện vọng của dân chúng cho Chính phủ biết.

4. Cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng, bày cho dân chúng tổ chức lực lượng của mình.

5. Kêu gọi toàn dân đoàn kết, hǎng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi.

Ngoài ra lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo có thú vị mà lại có bổ ích.

Chiến sỹ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch.

Kháng chiến nhất định thắng lợi và thành công!

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 05 tháng 8 nǎm 1947

HỒ CHÍ MINH

(Theo theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5 (1947-1949), tr.180).

10. Phải chống bệnh quan liêu

Từ ngày Đảng và Chính phủ mở phong trào chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí bằng cách giáo dục, tự phê bình và phê bình, quần chúng đã biết phê bình, báo chí đã đăng những lời phê bình của quần chúng. Đó là một tiến bộ. Nhưng báo chí đăng rồi mà không kiểm tra, những cán bộ và những cơ quan bị phê bình thì cứ im lặng. Đó là một khuyết điểm cần sửa chữa.

- Các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên trên.

Khi nhận được thư phê bình của quần chúng, thì không nên vội đăng, mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng, mới đăng lên báo. Như vậy, phê bình mới có kết quả thiết thực.

Phải làm cho quần chúng hăng hái phê bình, nhưng đồng thời phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng. Như vậy, thì mối liên hệ giữa báo chí với quần chúng càng thêm chặt chẽ; và việc quần chúng và báo chí giúp giáo dục cán bộ cũng có kết quả thêm.

- Các cơ quan và các cán bộ lãnh đạo thì cần liên hệ những việc kiểu mẫu ấy với công tác của ngành mình và do đó mà mở rộng phong trào phê bình từ trên xuống dưới. Không nên vì việc phê bình ấy không quan hệ trực tiếp với ngành mình mà không nghiên cứu. Cũng không nên tách rời việc phê bình với công tác hàng ngày.

Trong việc "3 chống", các báo chí cũng như các cơ quan, cần nhằm vào cải tạo tư tưởng. Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm.

- Những người bị phê bình (cán bộ hoặc cơ quan), thì phải thật thà tự kiểm thảo trước quần chúng (đăng lên báo), phải quyết tâm sửa đổi. Đè nén phê bình, hoặc phớt phê bình, cũng là tội lỗi.

Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. "Trên đe dưới búa" của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí.

Khéo lãnh đạo, thì đó là một cách rất hay để cải tạo tư tưởng cán bộ, để xây dựng đạo đức trong sạch, để đẩy mạnh công việc kháng chiến và kiến quốc.

(Báo Nhân Dân, số 116 từ ngày 06 đến ngày 10/6/1953, theo theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.7 (1953-1955), tr.80).

Tâm Trang (tổng hợp)


 11. Báo chí bình dân

Các bạn của chúng ta phàn nàn nhiều lần rằng các bài báo của ta quá thiếu trau chuốt để có thể gây ảnh hưởng đến tâm trí dân chúng.

Chúng tôi xin báo với các độc giả của mình rằng chúng tôi bất chấp (xem thường) việc sử dụng những từ mỹ miều, vǎn phong lịch lãm, câu chữ đong đưa, nhịp câu đǎng đối song hành, những sự tô vẽ vǎn chương mà các nhà nho ham chuộng. Nhưng ngược lại chúng tôi gắng sức, vì lợi ích của tất cả mọi người, dùng một vǎn phong sáng sủa, chính xác và dễ hiểu.

Vì mục đích của chúng tôi là: l- Đánh trả sự tàn bạo của người Pháp, 2- Khích lệ dân tộc An Nam kết liên lại, 3- Làm cho họ thấy được nguyên nhân những đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được những điều đó, nên bản báo chúng tôi làm tròn nhiệm vụ là hồi kẻng báo động mà người ta gióng lên khi có đám cháy để báo cho người đang trong ngôi nhà cháy, giục giã họ chạy thoát thân để khỏi bị chôn vùi hoặc bị thiêu cháy, và gọi những người xung quanh đến ứng cứu.

Tiếng đàn cầm chắc chắn hay hơn tiếng kẻng; nhưng trước mối họa đang đe dọa chúng ta, tốt nhất là đánh kẻng còn hơn gẩy đàn.

 Có nhiều cách làm rung động lòng người. Khóc lóc, than vãn, đọc Kiều hay Tam Quốc đều khiến ta mủi lòng. Nhưng đó chỉ là những cảm xúc thoảng qua và hời hợt mà chúng tôi không muốn gợi lên trong lòng độc giả của chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi muốn rằng vǎn của chúng tôi gây được cho họ một ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài.

Ví dụ: Nếu gặp một nông dân An Nam quần áo tả tơi, chúng tôi sẽ bằng một giọng đầy thương cảm, nhưng che giấu đi niềm xúc động và nuốt nước mắt mà nói rằng: “Than ôi! Sao mà số phận anh khổ đến thế này. Anh mua giống hết 2 đồng, mua phân 4 đồng; anh thuê trâu 3 đồng, thuê thợ 5 đồng và nộp thuế 1 đồng. Tiền anh chi đã lên đến 15 đồng, anh bán thóc được 18 đồng. Nhưng vì anh đã phải nộp thuế chợ 1 đồng nên thực ra anh chỉ được 2 đồng, mà tiền ấy anh cũng bị Pháp cướp mất. Vì thế tôi mới bảo rằng anh khốn khổ”.

Anh nông dân của chúng tôi sẽ không khóc, không than. Nhưng anh ta suy nghĩ, hiểu ra và cuối cùng sẽ vùng lên và làm cái việc tuyên truyền chống chủ nghĩa đế quốc.

Còn những ai yêu thơ, thì họ cứ tự do đắm chìm mà đọc Cung Oán hay Nhị Độ Mai.

          (Báo Thanh niên, số 28, Dịch lại từ bản dịch ra tiếng Pháp, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.2 (1924-1930), tr.446)

12. Trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam, Pháp và Trung Hoa

 …

Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương. Từ trước đến giờ, báo chí Việt - Pháp đều chỉ dùng giấy để viết những “tối hậu thư” nhiều hơn. Bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy ấy để viết những bức thư thân ái.

Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp Chính phủ rất nhiều. Báo chí Việt - Pháp bây giờ có thể giúp nhiều về chỗ làm dễ dàng mối quan hệ giữa hai dân tộc. Bởi vậy nên trong bản Tạm ước, hai Chính phủ rất trọng thị địa vị của nhà báo, đã có một khoản riêng về các nhà báo. Cố nhiên, chúng ta tôn trọng tự do của báo chí, nhất là hai nước tôn trọng dân chủ như nước Pháp và nước Việt Nam. Vì vậy, hai Chính phủ có hứa với nhau rằng từ đây về sau, các báo hoặc của Chính phủ, hoặc của dân chúng, sẽ thôi chửi nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

 Không phải chúng tôi có cái không tưởng rằng: Báo chí hai bên sẽ luôn luôn gửi thư yêu đương cho nhau. Nhưng bao giờ một bên nào có sự khuyết điểm, bên kia phải phê bình, thì cũng sẽ phải đứng trên lập trường hữu nghị mà phê bình cho bên kia sửa lại khuyết điểm. Làm như vậy, có ích cho cả hai bên cùng tiến bộ. Nếu không, cùng việc ấy, mà lại thêu dệt thêm lên, dùng những lời vô phép, thô bỉ, thì bên kia thấy vậy chưa biết phải trái ra sao hãy bất bình đã và không ngần ngại gì mà không đối phó lại cùng một cách.

Kết luận, hai Chính phủ hai bên cùng hy vọng rằng: Báo chí và truyền thanh hai bên sẽ giúp cho hai dân tộc càng ngày càng tiến tới chỗ hiểu biết nhau, đến một cảm tình tốt đẹp, nghĩa là, tóm lại, các báo chí Việt cũng như Pháp sẽ đừng dùng những lời lẽ quá đáng, những tin tức không đúng nữa.

 Sau cùng, chúng tôi cảm ơn tất cả các anh em báo giới và hy vọng thêm rằng không những các báo chí giúp cho sự gây nên một cảm tình giữa các dân tộc mà còn ngay trong báo giới nữa cũng gây lấy một cảm tình hữu nghị.

          (Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23/10/1946, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.4 (1945-1946), tr.414).

13. Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản

Sau Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, Đảng thi hành chính sách Mặt trận thống nhất, bắt đầu tổ chức "Mặt trận dân chủ Đông Dương". Tất cả những người Đông Dương có khuynh hướng dân chủ, chi bộ Bắc Kỳ của Đảng Xã hội Pháp, v.v.. đều tham gia. Công nhân, nông dân tuy chưa được tự do tổ chức công hội, nông hội, song các tổ chức quần chúng như Hợp tác xã, Hội Ái hữu, Hội Tương tế, v.v.. cũng nhanh chóng lần lượt thành lập ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Đảng tuy bí mật, song báo chí của Đảng lợi dụng những danh nghĩa khác nhau đã công khai xuất bản. Sau năm 1938, ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ, báo Đảng hoàn toàn công khai và nhanh chóng trở thành những tờ báo có ảnh hưởng rộng lớn.

Ở đây, chúng tôi cần nêu ra một đặc điểm rất lý thú của Đảng Cộng sản Việt Nam mà e rằng nhiều đảng anh em trên thế giới không có: Đảng có hai loại đảng viên, đảng viên bí mật và đảng viên công khai. Những đồng chí trước đây bị bắt, bị tù đày, được tha sau năm 1936, là những đảng viên công khai. Các đồng chí này công khai hoạt động, như phụ trách báo chí của Đảng, tham gia các phong trào quần chúng với danh nghĩa Đảng, lấy danh nghĩa cộng sản ứng cử vào các hội đồng dân biểu kỳ, tỉnh. Có người nhân danh chi bộ Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp để thực hiện các chính sách của chúng tôi. Do đó, không chỉ trong quần chúng công nông, mà trong nhân dân nói chung, ảnh hưởng của Đảng tương đối lớn. Ví dụ, các vị dân biểu trong "Viện Dân biểu" Trung Kỳ vốn là nơi thế lực phong kiến mạnh nhất, cũng đều có sự gần gũi với chúng tôi.

Từ năm 1937 đến tháng 9-1939, những cuộc thị uy của nông dân, bãi công của công nhân do Đảng lãnh đạo hầu như diễn ra liên tục…

          (Trích trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 12/7/1940, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.3 (1930-1945), tr.169).

14. Phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản

 …

Giai cấp tư sản các nước thực dân đã làm gì để kìm giữ trong vòng áp bức biết bao quần chúng của các dân tộc bị chúng nô dịch? Chúng làm tất cả. Ngoài việc dùng những phương tiện do bộ máy chính quyền Nhà nước đem lại cho nó, nó đồng thời còn tiến hành tuyên truyền hết sức ráo riết. Bằng những bài nói chuyện, bằng điện ảnh, báo chí, triển lãm và mọi phương pháp khác nữa, nó nhồi cho nhân dân các chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh quang và giàu có đang chờ đợi họ ở các nước thuộc địa.

Còn các đảng cộng sản của chúng ta như Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản các nước khác mà giai cấp tư sản ở đấy chiếm giữ thuộc địa, thì đã làm những gì? Các đảng này, từ khi chấp nhận bản luận cương của Lênin, đã làm được những gì để giáo dục cho giai cấp công nhân nước mình tinh thần quốc tế chủ nghĩa chân chính, tinh thần gần gũi với quần chúng lao động các nước thuộc địa? Tất cả những việc mà các đảng của chúng ta đã làm về mặt này, thật hầu như chưa có gì cả. Còn về tôi, là một người sinh trưởng ở một nước hiện nay là thuộc địa của Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi làm rất ít cho các nước thuộc địa.

Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Thử hỏi báo chí đó đã làm được gì? Không được gì hết.

Nếu đem so sánh những chỗ dành cho các vấn đề thuộc địa trên các tờ báo tư sản như Le Temps, Le Figaro, L’Oeuvre hay những báo thuộc các khuynh hướng khác như: Le Peuple hay Le Libertaire với những chỗ dành cho các vấn đề đó trên báo L’Humanité, cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng chúng tôi, thì phải nhận rõ rằng sự so sánh này sẽ hoàn toàn không có lợi cho chúng ta.

Bộ Thuộc địa đã đặt ra kế hoạch biến nhiều vùng ở châu Phi thành những vùng đồn điền rộng lớn của tư nhân, và biến dân bản xứ ở những nước này thành những dân nô lệ thật sự, bị trói buộc vào ruộng đất của những ông chủ mới, thế mà báo chí của chúng ta vẫn im tiếng hoàn toàn về điều này. Ở các thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, người ta đã áp dụng những biện pháp cưỡng ép chưa từng thấy để bắt lính, thế mà báo chí của chúng ta vẫn không hề lên tiếng. Chính quyền thực dân ở Đông Dương đã biến thành những kẻ buôn nô lệ và bán những người dân Bắc Kỳ cho các chủ đồn điền trên các đảo ở Thái Bình Dương; chúng kéo dài thời hạn đi lính của dân bản xứ từ 2 nǎm lên 4 nǎm; chúng đem nộp phần lớn đất đai thuộc địa cho côngxoócxiom của những bọn tư bản cá mập; thuế má vốn đã quá nặng nề không chịu nổi, thế mà chúng lại còn tǎng lên 30% trong lúc dân bản xứ bị phá sản và chết đói sau trận lụt. Thế mà báo chí chúng ta vẫn cứ im tiếng. Và sau tất cả những điều đó, các đồng chí sẽ ngạc nhiên thấy rằng nhân dân bản xứ đi theo những nhóm dân chủ và tự do như Hội Nhân quyền và các tổ chức tương tự khác là những tổ chức chǎm lo hay làm ra vẻ chǎm lo đến họ.

Nếu đi sâu hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy những việc hoàn toàn không thể tưởng tượng được, làm cho mọi người phải nghĩ rằng Đảng chúng tôi đã coi thường tất cả những gì dính dáng đến các nước thuộc địa. Ví dụ: Báo L’Humanité không hề đǎng lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân gửi nhân dân các nước thuộc địa, do Quốc tế Cộng sản gửi đến để đǎng trên báo. Trước Đại hội Liông trong mục đǎng các bài tranh luận, đã đǎng hết mọi luận cương, trừ luận cương về vấn đề thuộc địa. Báo L’Humanité đã đǎng nhiều bài về thắng lợi của võ sĩ Xiki xứ Xênêgan, nhưng không hề lên tiếng khi các công nhân bến tàu Đaca, những người đồng nghiệp của Xiki bị bao vây trong khi đang làm việc, bị bắt và bị vứt lên xe ô tô chở về nhà giam và sau đó bị đưa sang trại lính để rồi trở thành những người bảo vệ vǎn minh, nghĩa là trở thành lính. Cơ quan Trung ương của Đảng chúng tôi hằng ngày đều báo tin cho các bạn đọc về những chiến công của anh phi công Uadi đã bay từ Pháp sang Đông Dương; nhưng khi chính quyền thực dân cướp bóc nhân dân “nước An Nam cao quý”, lấy ruộng của họ giao cho bọn đầu cơ Pháp, phái máy bay chở bom, rồi ra lệnh cho các phi công phải dạy cho những người dân bản xứ bất hạnh và bị cướp bóc kia phải biết điều, thì cơ quan của Đảng chúng tôi lại không thấy cần thiết báo tin đó cho các bạn đọc biết.

Thưa các đồng chí, qua báo chí của mình, giai cấp tư sản Pháp hiểu rằng vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa không tách rời nhau. Tôi cho rằng Đảng chúng tôi chưa hiểu hết điều đó. Những bài học ở miền Ruya, nơi mà binh lính bản xứ được phái đến trấn an những công nhân Đức bị đói, đã vây chặt những trung đoàn lính Pháp đáng nghi; trường hợp xảy ra trong đội quân phương Đông, trong đó binh lính bản xứ được giao súng máy để “động viên tinh thần” binh lính Pháp đã mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài và gian khổ; những sự kiện xảy ra nǎm 1917 ở nơi đóng quân của lính Nga ở Pháp; kinh nghiệm cuộc bãi công của công nhân nông nghiệp ở Pyrênê là nơi mà binh lính bản xứ đã buộc phải giữ vai trò nhục nhã của những kẻ phá hoại cuộc bãi công; và cuối cùng là sự có mặt của 207.000 binh lính bản xứ ở ngay nước Pháp - tất cả những việc trên đây chưa làm cho Đảng chúng tôi phải suy nghĩ, chưa làm cho Đảng chúng tôi thấy cần phải thực hiện một chính sách rõ ràng và tích cực trong vấn đề thuộc địa. Đảng đã bỏ lỡ tất cả những cơ hội tốt để tuyên truyền. Những cơ quan lãnh đạo mới của Đảng đã thừa nhận là Đảng chúng tôi đã bị động trong vấn đề này. Tôi thấy đó là một dấu hiệu đáng mừng vì khi các lãnh tụ của Đảng đã thừa nhận và nhấn mạnh nhược điểm này trong chính sách của Đảng thì việc đó làm cho người ta hy vọng rằng Đảng sẽ cố gắng hết sức để sửa chữa và củng cố về mặt này. Tôi tin chắc rằng Đại hội này sẽ là bước ngoặt về mặt này và sẽ thúc đẩy Đảng sửa chữa được những thiếu sót trước. Mặc dù nhận xét của đồng chí Manuinxki về cuộc vận động bầu cử ở Angiêri rất đúng, song để cho được khách quan, tôi phải nói rằng đúng là Đảng chúng tôi đã bỏ lỡ dịp tốt ở đây, nhưng đã sửa chữa sai lầm, đã đưa đại biểu người bản xứ ra ứng cử ở quận Pari. Tất nhiên như thế còn ít, song bước đầu như vậy là tốt. Tôi sung sướng nhận thấy rằng hiện nay Đảng chúng tôi lại có những ý định tốt đẹp nhất, lại có lòng hǎng hái, cái đó là hoàn toàn mới đối với Đảng chúng tôi; và chỉ cần bằng hành động thực tiễn thì nhất định những cái ấy sẽ đưa Đảng tới một chính sách đúng đắn trong vấn đề thuộc địa.

Vậy phải hành động thực tiễn như thế nào? Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ. Chúng ta cần có biện pháp cụ thể. Tôi đề nghị mấy điểm dưới đây:

1. Mở trên báo L’Humanité một mục để đǎng đều đặn hằng tuần ít nhất hai cột các bài về vấn đề thuộc địa.

2. Tǎng cường tuyên truyền và tuyển lựa đảng viên của Đảng trong những người bản xứ ở những nước thuộc địa đã có phân bộ cộng sản.

3. Gửi những người bản xứ vào Trường Đại học cộng sản của những người lao động phương Đông ở Mátxcơva.

4. Thoả thuận với Tổng Liên đoàn lao động thống nhất1 để tổ chức những người lao động của các thuộc địa làm việc ở Pháp.

5. Đặt nhiệm vụ cho các đảng viên của Đảng phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa.

Theo tôi, những đề nghị này là hợp lý và nếu Quốc tế Cộng sản và các đại biểu của Đảng chúng tôi tán thành thì tôi tin rằng đến Đại hội lần thứ VI, Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi sẽ có thể nói rằng mặt trận thống nhất của nhân dân chính quốc và thuộc địa đã trở thành sự thật.

Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác.

          (In trong sách Đại hội toàn thế giới lần thứ V Quốc tế Cộng sản, bản tốc ký, tiếng Nga, phần I, Nxb. Chính trị quốc gia, Mátxcơva, 1925, tr.653-657, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.1 (1919-1924), tr.276).

Tâm Trang (tổng hợp)

1. Tổng Liên đoàn lao động thống nhất: Một tổ chức liên hiệp các công đoàn Pháp tồn tại từ năm 1922 đến năm 1936, do các công đoàn cách mạng lập nên. Tổng Liên đoàn lao động thống nhất kiên quyết chủ trương khôi phục sự thống nhất của công đoàn, bảo vệ lợi ích thiết thân của giai cấp vô sản và đã cùng với Đảng Cộng sản Pháp tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh.


 15. Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân

Tôi phải nói với các đồng chí rằng chúng tôi bị cai trị bởi một chế độ nô lệ. Chúng tôi không được quyền xuất bản báo. Chúng tôi không được quyền tự do đi lại; chẳng hạn như chúng tôi không thể đi từ Mátxcơva đến Pêtơrôgrát được, chúng tôi phải xin được một tờ giấy thông hành, nếu không họ sẽ bắt giữ và ném chúng tôi vào tù. Cũng vậy, chúng tôi không được quyền hội họp nghĩa là chúng tôi không được quyền họp với nhau trên 4 hoặc 5 người nếu không có một giấy phép đặc biệt của cơ quan cai trị Pháp….

(Phát biểu chiều ngày 13/10/1923, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.1 (1919-1924), tr.211).

16. Tuyên truyền

Đế quốc Pháp - Mỹ không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền.

Chúng dùng báo chí và phát thanh hàng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc hội họp, v.v.. để tuyên truyền. Chúng lợi dụng tôn giáo, phong tục tập quán; chúng bịa đặt những câu sấm và những tin đồn nhảm - để tuyên truyền.

Mỗi tháng chúng rải hàng chục triệu truyền đơn - để tuyên truyền.

Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm khuyết điểm của cán bộ ta - để tuyên truyền.

Nói tóm lại, chúng dùng đủ mọi cách, mọi dịp để tuyên truyền, để hòng phá hoại tâm lý và tinh thần của nhân dân ta; cũng như chúng dùng bom đạn để phá hoại mùa màng và giao thông của ta…

                                                                                       C.B.

(Báo Nhân Dân số 188, từ ngày 25 đến ngày 27/5/1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.7 (1953-1955), tr.283).

17. Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng

Các bạn yêu quý!

Tôi rất vui lòng được tin các bạn đến học viết báo. Tiếc vì điều kiện chưa tiện, tôi không đến thǎm các bạn được. Đây tôi có vài ý kiến để giúp các bạn nghiên cứu.

Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính:

1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.

2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì:

3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:

4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:

5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:

6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.

Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây:

Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều.

Không biết giữ bí mật.

Đôi khi đǎng tin vịt.

Hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì “mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc.

Tin tức chậm.

Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ.

Muốn viết bài báo khá thì cần:

1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người.

3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít vǎn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu.

4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Nghe nói có ba cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu:

Tất cả để chiến thắng!

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH

(Báo Cứu quốc, số 1264, ngày 09/6/1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5 (1947-1949), tr.625).

18. Phải giữ bí mật của Nhà nước

Người thường ai cũng có cái ví đựng tiền. Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khóa, để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra.

Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những vǎn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể.

Muốn phá hoại ta về mọi mặt, kẻ địch dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh cắp vǎn kiện bí mật của ta về chính trị, kinh tế, quốc phòng, v.v.. Khẩu hiệu của kẻ địch là:

“Lấy được bất kỳ tình báo gì và dù là chút ít, cũng là quý”.

Nói chung, cán bộ ta được những nǎm kháng chiến huấn luyện, đã biết giữ bí mật. Nhưng cũng còn nhiều cán bộ lơ là và xem nhẹ việc ấy. Nhiều cán bộ còn phạm khuyết điểm:

- Không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra vǎn kiện bí mật.

- Mang vǎn kiện bí mật về nhà xem. Xem vǎn kiện bí mật ở chỗ đông người. Ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình.

- Hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn…

- Ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc… cũng đưa việc trong cơ quan ra nói.

- Khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật…

Như thế là các cán bộ đó đã vô tình mà giúp cho địch.

Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ǎn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch.

Cơ quan đặc vụ Mỹ - Diệm đã chỉ thị cho lũ tay sai của chúng: “Tìm làm quen với những cán bộ ham ǎn chơi, ham tiêu xài, ham gái đẹp. Cho họ vay tiền, uống rượu, chơi gái. Làm cho họ say mê, mắc nợ, rồi đưa họ vào tròng”.

Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch. Đó là một vấn đề chính trị quan trọng. Chính phủ ta đã có phép luật về việc ấy. Các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra việc ấy.

Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này.

                                                                             C.B.

(Báo Nhân Dân, số 700, ngày 01/2/1956, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.8 (1955-1957), tr.121).

19. Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi

Kính gửi Hội nghị các nhà báo Á - Phi,

Giacácta!

Tôi thân ái gửi đến Hội nghị lời chào nhiệt liệt.

Trong lúc các dân tộc Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ latinh đang anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, để bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình, các nhà báo Á - Phi đoàn kết chặt chẽ, dùng ngòi bút chính nghĩa của mình phục vụ cuộc đấu tranh cho tự do, cho chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang.

Tôi xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 nǎm 1963

Hồ Chí Minh

(Báo Nhân Dân,số 3315, ngày 24/4/1963, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.11 (1963-1965), tr.441).

20. Thư gửi Ban Phương Đông

Còn có một nguy cơ lớn khác. Tuy các đảng đã đưa những đồng chí công nhân vào các ban lãnh đạo, nhưng các đồng chí này vẫn bị ảnh hưởng của những phần tử trí thức, bởi vì theo các đồng chí ấy, “những người trí thức đã được đọc tất cả những điều ấy trong các bản luận cương hoặc trong sách”.

Tình hình ấy diễn ra trong thời kỳ 1930 - 1931, lúc mà các đồng chí của chúng ta đã là những chiến sĩ khá lão luyện và khá từng trải rồi. Nhưng hiện nay, tất cả hoặc hầu như tất cả các đồng chí ấy đã bị giết hay bị cầm tù. Những đồng chí đang hoạt động trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn, do đó có khả nǎng phạm những sai lầm nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, tôi thấy tuyệt đối cần thiết là chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khǎn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có.

Và biện pháp duy nhất có hiệu quả để giúp các đồng chí theo phương hướng đó là cho xuất bản những quyển sách nhỏ viết về các vấn đề sau đây:

1. Tuyên ngôn cộng sản,

2. Đảng cộng sản và tổ chức của Đảng,

3. Lịch sử Quốc tế Cộng sản,

4. Lịch sử Đảng,

5. Lịch sử R.K.P.B (Đảng Cộng sản Bônsơvích toàn Liên bang Xôviết),

6. Lịch sử Quốc tế Thanh niên (KIM),

7. Thanh niên cộng sản và tổ chức thanh niên,

8. Công hội,

9. Quốc tế Công hội đỏ,

10. Nông hội,

11. Vấn đề dân tộc,

12. Vấn đề ruộng đất,

13. Quốc tế Cứu tế đỏ (MOPR),

14. Liên minh chống đế quốc,

15. Chủ nghĩa đế quốc Pháp,

15. Cách mạng Tháng Mười,

16. Cách mạng Trung Hoa,

17. Khởi nghĩa vũ trang,

18. Những bài học của các sự biến 1930-1931,

19. Chủ nghĩa Tờrốtxki,

20. Nền kinh tế Xô viết,

21. Mác, Ǎngghen, Lênin, Xtalin,

22. Làm thế nào để kết hợp hoạt động bất hợp pháp và hoạt động hợp pháp,

23. Làm thế nào để tổ chức các chi bộ và làm cho các chi bộ hoạt động,

24. Làm thế nào để tổ chức một cuộc bãi công, một cuộc biểu tình, v.v.,

25. Làm thế nào để thực hiện mặt trận thống nhất,

26. Làm thế nào để tổ chức một tờ báo Đảng, tờ báo nhà máy, v.v.,

27. Làm thế nào để tổ chức học sinh, phụ nữ, v.v.,

28. Làm thế nào để vận động binh lính,

29. Luận cương và nghị quyết về vấn đề thuộc địa (của Quốc tế Cộng sản), v.v. và v.v..

Khi xuất bản những tập sách nhỏ ấy, cần phải chú ý đến: 1. Những khó khǎn về việc in lại sách ở các xứ này; 2. Khó khǎn về việc giữ sách; 3. Khó khǎn của độc giả cất giấu sách; 4. Trình độ vǎn hóa thấp của các đồng chí chúng tôi không thể đọc và hiểu được những điều diễn đạt quá dài, quá khó. Vì vậy, các tập sách nhỏ ấy phải ngắn, từ ngữ phải rất đơn giản, rất rõ ràng và dễ hiểu đối với quần chúng. Nếu có thể được, nội dung nên trình bày dưới dạng câu hỏi và trả lời.

Các đồng chí của chúng tôi rất dũng cảm và hǎng hái. Các đồng chí ấy công tác rất tận tụy. Nhưng vì thiếu kiến thức lý luận, buộc các đồng chí phải mò mẫm từng bước, luôn luôn vấp váp vì thiếu thốn như vậy. Tất nhiên là các đồng chí sẽ được giáo dục rèn luyện trong đấu tranh và trong công tác thực tế hàng ngày. Nhưng có thể tránh được biết bao bế tắc, sai lầm và biết bao thất bại đau đớn, nếu chúng ta có thể cung cấp cho các đồng chí ấy những kiến thức tối cần thiết về lý luận soi đường, tạo điều kiện dễ dàng cho các đồng chí ấy tiến hành công tác.

Đồng chí Xtalin nghìn lần có lý khi nói rằng: “Lý luận tạo cho các đồng chí làm công tác thực tế, sức mạnh định hướng, sự sáng suốt dự kiến tương lai, kiên định trong công tác và lòng tin ở thắng lợi của sự nghiệp của chúng ta”.

Những điều mà tôi nói về các đồng chí chúng tôi ở Đông Dương, ở Thái Lan, v.v.. chắc chắn là cũng đúng đối với những đồng chí ở các nước thuộc địa khác, mà ở đây Đảng hoạt động bất hợp pháp và trình độ vǎn hóa của những người lao động còn thấp. Những cuốn sách nhỏ đề nghị trên đây nhất định là cũng rất có ích đối với cả những nước ấy.

Thân ái chào cộng sản!

Ngày 16 tháng 01 nǎm 1935.

LIN

Tâm Trang (tổng hợp)


 22. Cần phải xem báo Đảng

Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất. Trong báo Đảng có những mục giải thích về:

Lý luận Mác - Lênin.

Tình hình thế giới và trong nước.

Đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và của Chính phủ.

Chương trình và kế hoạch của những công tác cấp thiết.

Đời sống và ý nguyện của nhân dân.

Những kinh nghiệm tốt và xấu của các ngành, các địa phương.

Cách học tập, công tác, tự phê bình và phê bình, v.v..

Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và nǎng suất công tác của chúng ta.

Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc.

Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng.

Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc bận đến thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo. Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí Trung ương cũng bận việc không kém các cán bộ khác… nhưng ngày nào cũng xem được sách và nhiều thứ báo. Đó là một điều chúng ta phải học tập.

Hai vấn đề nữa: 1) Số báo ta có hạn mà người cần xem báo thì nhiều; 2) Nhiều người không sẵn tiền mua báo. Để giải quyết hai khó khǎn ấy, các chi bộ, cơ quan, đơn vị, nhà máy, v.v.. nên tổ chức góp nhau mua báo, cùng nhau đọc báo. Khi xem báo thấy những vấn đề quan trọng, thì nên cùng nhau thảo luận. Gặp vấn đề gì khó hiểu, thì nên viết thư hỏi nhà báo.

                                                                                       C.B.

(Báo Nhân Dân, số 197, từ ngày 22 đến 24/6/1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.7 (1953-1954), tr.298).

23. Cách viết

Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn. Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy.

Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì. Thế là vô ích.

- Vì ai mà mình viết?

 - Mục đích viết làm gì?

 Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?

Viết cho đại đa số: Công - Nông - Binh.

 Viết để làm gì?

Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng.

Thế thì viết cái gì?

Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: Ta, bạn, thù thì viết mới đúng.

Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra.

Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền...

 …..

Cách viết thế nào?

Trước hết là cần phải tránh cái lối viết “rau muống” nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều. Bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, thí dụ: “Độc lập”, “tự do”, “hạnh phúc” là những chữ Trung Quốc, nhưng ta không có chữ gì dịch thì cố nhiên phải dùng. Nếu quá tả không mượn, không dùng, hoặc là nói: Việt Nam “đứng một” thì không ai hiểu được.

Chớ ham dùng chữ - các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng lung tung; nhiều khi không đúng.

Vài thí dụ: 3 tháng thì không nói 3 tháng, lại nói “tam cá nguyệt”. Đánh vào sâu thì nói “tung thâm”, xem xét thì nói “quan sát”…

Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi.

Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng. Có nhà thơ nào nói: “Tóc cười, tay hát” thì thật là “hoang vu”! Có nhà văn nói: “Cặp mắt ông cụ già dĩnh ngộ” thì thật là “ngộ nghĩnh”!

Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta.

Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?

Vài thí dụ: Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? Ngày tháng nào… chớ viết lung tung.

Nói du kích đánh thắng, đánh thắng ngày nào? Thắng cách thế nào? Giết được bao nhiêu địch, bắt bao nhiêu địch, thu được bao nhiêu súng?... Phải nói rõ ràng, đồng thời chớ lộ bí mật.

Viết rồi phải thế nào?

Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi, đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi, đọc lại, sửa đi, sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi vẫn chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại.

Cách viết truyền đơn cũng thế, viết báo cũng thế, viết báo cáo, viết gì cũng thế.

Viết truyện có nhiều ngóc ngạnh thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê. Nhằm lấy điểm chính mà viết.

Phải giữ bí mật:

Trong lúc viết, thì phải chú ý giữ bí mật. Các báo chí của ta rất kém giữ bí mật.

Có khi số báo nào cũng có lộ bí mật.

Thí dụ: Như nói thanh niên du kích lẫn vào mấy bà con đi chợ cầm đòn gánh, lúc gặp lính giặc, thì mấy thanh niên quật giặc chết.

Về sau cứ phiên họp nào có thanh niên là bị địch vớ.

Một thí dụ khác: Giặc vào quét làng, dân chạy hết. Có một chị phụ nữ giả ốm ở lại, mỗi tối chị ấy mang cháo cho anh thương binh ở dưới hầm bí mật. Hầm có một ...1 để cho anh ấy thở và để chị ấy đổ cháo xuống.

 Đó là một việc oanh liệt đáng nêu lên. Nhưng vì viết không khéo, làm lộ bí mật, về sau Tây cứ tìm hầm bí mật, chỗ nào có..., là nó nhất định đào cho được.

Thế là viết mà không biết giữ bí mật. Chớ có nêu rõ địa điểm, tên người, cho địch biết.

Viết khẩu hiệu:

Có những khẩu hiệu viết rất to, nhưng Hồ Chủ tịch cũng không hiểu vì viết tắt cả một đống. Không ai đọc được, có lẽ chỉ có anh viết khẩu hiệu ấy đọc được thôi, Hồ Chủ tịch không hiểu thì chắc dân cũng ít người hiểu.

Lại có cách viết “hoa hòe”, chữ U không ra chữ U, chữ N không ra chữ N, chữ I không ra chữ I. Họ cho thế là mỹ thuật. Cách viết thế, cách nói thế. Nói phải cho gọn gàng, có đầu có đuôi, có nội dung. Nói lung tung như nhiều người cán bộ nói ở các mít tinh, nói rồi không biết đường nào mà đi ra nữa, thôi đi thì cũng dở, nói nữa thì không biết nói gì!. Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn.

Muốn nói gì phải chuẩn bị trước.

Cách viết và cách nói đại khái như thế.

Kinh nghiệm Bác viết thế nào?

Sau Thế giới chiến tranh lần thứ nhất, Bác ở Pháp. Muốn tuyên truyền cho nước ta, nhưng không viết được chữ Pháp. Làm thế nào bây giờ?

Nhất định phải học viết cho kỳ được.

Có một đồng chí làm trong một tờ báo Sinh hoạt công nhân2 bảo: “Có tài liệu gì, anh cứ viết, rồi tôi đăng cho”.

Bác nói: “Tài liệu thì có, chỉ tội tôi không viết được”. Đồng chí ấy nói: “Anh cứ viết 3 dòng, 5 dòng cũng được. Có thế nào thì viết thế ấy. Nếu có sai mẹo mực thì tôi sửa cho”.

Thế là từ đấy trở đi, mình học viết báo. Viết 3, 4 dòng. Khi viết rồi, chép ra 2 miếng, 1 miếng gửi cho nhà báo, 1 miếng mình giữ lại.

Lần đầu tiên mình được đăng báo, có thể nói là sướng nhất trong đời người. Mình đem bài báo đã đăng rồi với cái miếng mình đã giữ lại, so lại coi thử sai lạc chỗ nào, họ sửa cho thế nào.

Cách ít lâu, đồng chí ấy nói: “Anh viết được 3 dòng rồi, bây giờ kéo dài ra!”. Mình cố gắng kéo dài mãi, cho đến lúc viết được 10 dòng.

Đồng chí ấy lại nói: “Anh kéo dài nữa đi, cho tài liệu thành một bài nhỏ!”. Thế là mình cứ kéo, đồng chí cứ sửa, cứ khuyến khích mình.

Cách giáo dục như thế thật tốt. Cứ kéo, kéo, kéo đến khi viết hết một cột, rồi hơn một cột, rồi một cột rưỡi.

Thế rồi đồng chí ấy nói: “À, bây giờ anh viết được rồi, anh nên làm một cách khác. Rút ngắn lại”.

Thật là rầy rà! Trước thì bắt kéo dài, bây giờ lại bắt rút ngắn! Nhưng mà đồng chí ấy nói: “Anh kéo dài được, thì bây giờ rút ngắn rút cũng được. Từ một cột rưỡi, nay chỉ viết một cột thôi. Viết cho thật chặt, xem đi xem lại, những cái gì lôi thôi, dài dòng không cần thiết thì bỏ nó đi...”. Thế rồi mình phải đếm từng chữ. Một dòng có mấy chữ, một cột có mấy dòng. Nó có số chữ của nó rồi, đếm từng chữ mà viết cũng khó chứ không phải dễ. Kết quả là rút được.

Cách ít lâu, đồng chí ấy lại nói: “Bây giờ rút nữa đi”. Mình cứ phải rút, lần này qua lần khác, cho đến lúc rút chỉ còn 10 dòng.

Đồng chí ấy thường nhắc mình: “Câu kéo thì phải viết cho rõ ràng, minh bạch, chớ có lủng củng; chữ nào không hiểu mà muốn dùng thì hỏi anh em, chớ có dùng ẩu”.

Đấy là đồng chí ấy cũng là một người công nhân, tự học viết văn rồi phụ trách tờ báo này.

Mình viết được là nhờ đồng chí ấy chịu khó dạy bảo, giúp đỡ.

Lúc viết được báo rồi, lại có một ý muốn là viết truyện ngắn. Đó là một sự cả gan!

Dám viết thử, là vì có một hôm xem hai quyển truyện nhỏ, một quyển của Anatôn Phrăngxơ, một quyển nữa là của ông Tônxtôi. Xem thấy các ông ấy viết giản đơn lắm, dễ hiểu lắm.

Thử viết một truyện ngắn về đời sống của công nhân Pari mà mình biết rất rõ vì tự mình cũng là công nhân. Viết xong đưa đến ban văn nghệ của báo Đảng là báo Nhân đạo và nói với các đồng chí ấy: “Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí cho đăng, chỗ nào cần phải sửa, thì nhờ các đồng chí sửa cho, tôi không có tính tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm”.

Truyện ấy được đăng lên báo. Đó là lần thứ hai mà mình thấy sung sướng!

Rồi mình chỉ viết truyện thật ở nước ta và ở các thuộc địa Pháp. Các đồng chí cũng thích là vì có những chuyện ở thuộc địa mà các đồng chí ấy không biết và những người đọc cũng không biết.

Có thể nói, từ lúc bắt đầu viết mấy dòng cho đến bây giờ, mình chỉ thích viết những truyện nước mình và các thuộc địa và chỉ để đập thực dân Pháp.

 Cách mạng Tháng Tám thành công, viết bài Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là lần thứ ba mà mình thấy sung sướng.

Bây giờ, khi Bác viết gì cũng đưa cho một số đồng chí xem lại, chỗ nào khó hiểu thì các đồng chí bảo cho mình sửa chữa.

Nói tóm lại viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ.

 Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được.

(Trích bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17/8/1953)

Tâm Trang (tổng hợp)


 24. Bài nói tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam

Bác thay mặt Đảng và Chính phủ đến thǎm các đồng chí.

Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo:

Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí. Các cô, các chú đã có những ưu điểm như đã đóng góp vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hòa bình và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã cố gắng làm việc. Gần đây, sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương, các đồng chí đã thấy rõ công việc báo chí là rất quan trọng và đã thấy được những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Như thế là tiến bộ.

Ưu điểm của các cô, các chú không ít. Nhưng khuyết điểm thì cũng còn nhiều. Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn. Nói về vǎn nghệ, Bác thú thật có ít thì giờ xem các bài vǎn nghệ. Có lẽ vì thế mà có lúc xem đến thì thấy cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống; và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy. Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: Một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài. Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: Những chữ kinh tế, chính trị, v.v., thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ “độc lập”. Nếu “Việt Nam độc lập” mà nói “Việt Nam đứng một” thì không thể nghe được. Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: Vì sao không nói “đường to” mà lại nói “đại lộ”, không nói “người bắn giỏi” mà lại nói “xạ thủ”, không nói “hát múa” mà lại “ca vũ”?

Những ví dụ như vậy nhiều lắm, nhiều lắm. Các báo Nhân dân, Thời mới, Quân đội, v.v., đều dùng chữ nhiều lắm. Tóm lại, chúng ta dùng chữ nhiều quá, có khi lại còn dùng sai nữa. Mong rằng báo chí cố gắng sửa đổi cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi.

Khoa học ngày càng phát triển, có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta phải mượn. Ví dụ: Ta phải nói “kilô”, vì nếu nói “cân”, thì không đúng nghĩa là 1000 gram. Song những chữ dùng tiếng ta cũng đúng nghĩa thì cứ dùng tiếng ta hơn. Có những người hình như sợ nói tiếng ta thì nó xấu hổ thế nào ấy! Họ làm cho các cháu học sinh cũng bị lây bệnh nói chữ, như “phụ đạo”, “giáo cụ trực quan”, v.v.. Thật là tai hại.

Mấy khuyết điểm nữa: Sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương về báo chí, có một số đồng chí thì tiến bộ, nhưng cũng có một số vì trình độ vǎn hóa và chính trị còn kém thì đâm ra bi quan và muốn đổi làm nghề khác. Họ không biết rằng nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt được khó khǎn, làm tròn nhiệm vụ. Người cách mạng gặp khó khǎn thì phải đánh thắng khó khǎn, chứ không chịu thua khó khǎn. “Không có việc gì khó, có chí thì làm nên”. Câu nói đó rất đúng.

Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đǎng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: Làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang. Bất kỳ việc gì mà mình làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang. Trong các anh hùng, chiến sỹ lao động có người là công nhân, là nông dân, có người làm thầy thuốc, có người đánh giặc giỏi… và có người dọn cầu xia cũng trở nên chiến sỹ. Tóm lại, trong lao động không có nghề gì là hèn, chỉ có lười biếng mới là hèn; làm tròn nhiệm vụ thì công tác nào cũng vẻ vang.

Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng…

(Nói ngày 16/4/1959, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.9 (1958-1959), tr.412).

25. Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chào các đại biểu.

Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí, nêu ra vài ý kiến sau đây:

Từ ngày hòa bình được lập lại, cán bộ báo chí, thông tin và đài phát thanh đã có cố gắng nhiều và tiến bộ khá.

Số báo chí cũng đã tăng rất nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều ngành cũng có báo. Hiện nay, đã có hơn 150 tờ báo các loại. Theo ý tôi thì tăng hơi nhiều quá. Từ nay, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó. Những Nghị quyết của Trung ương Đảng đã nói rõ về điều đó. Nay tôi chỉ nói tóm tắt vài điểm.

Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Hiện nay, ở miền Bắc nhiệm vụ của chúng ta là: Phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với miền Nam, chúng ta có nhiệm vụ ủng hộ đồng bào ruột thịt đang đoàn kết chặt chẽ, anh dũng đấu tranh chống bọn Mỹ xâm lược và bọn Diệm bán nước; đấu tranh giành cơm áo, tự do và hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trên thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là tăng cường đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa; ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh; đấu tranh cho hòa bình thế giới, cấm vũ khí nguyên tử và giải trừ quân bị.

Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta.

*

*     *

Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy.

Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm.

Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà, khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai, thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình.

Có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt. Mặt khác, các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi.

Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo.

- Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.

- Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta.

- Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.

- Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.

- Lộ bí mật.

- Có khi quá lố bịch.

- Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.

Đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới. Có những chữ ta không có sẵn và khó dịch đúng, thì cần phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: Độc lập, Tự do, Giai cấp, Cộng sản, v.v.. Còn những tiếng ta có, vì sao không dùng, mà cũng mượn chữ nước ngoài? Ví dụ:

Không gọi xe lửa mà gọi “hỏa xa”; máy bay thì gọi là “phi cơ”. Nhà nước, hoặc nước nhà thì gọi là “quốc gia”, đường lớn thì gọi là “đại lộ”, vẻ vang - “quang vinh”, giúp nhau - “hỗ trợ”. Và có hàng vạn cái mượn như vậy.

Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?

Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết.

Ngoài những đồng chí đã làm báo trong những năm cách mạng và kháng chiến, số đông cán bộ báo chí ta đều mới vào nghề, vì thế mà kinh nghiệm còn ít, trình độ chưa cao. Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi:

Viết cho ai xem?

Viết để làm gì?

Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?

Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.

Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta.

Hiện nay, các báo thường có ảnh và tranh vẽ. Đó là một tiến bộ nhưng ảnh thì thường lèm nhèm, vẽ thì chưa khéo lắm. Cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

*

*     *

Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. (Nghị quyết của Bộ Chính trị, 08-12-1958).

Lời ngắn, ý dài. Cuối cùng chúc các cô, các chú:

Đoàn kết, phấn khởi, cố gắng và tiến bộ!

(Nói ngày 08/9/1962, Báo Nhân Dân, số 3.089, ngày 09/9/1962)

Tâm Trang (tổng hợp)

Hết 

Bài viết khác: