Chỉ mục bài viết

 4. Mấy khuyết điểm của báo chí ta

So với mấy nǎm trước, thì nay báo chí ta có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa. Vài thí dụ:

Đối với các ngành hoạt động nêu các thành tích - thế là đúng; nhưng rất ít phê bình các khuyết điểm - thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng “đánh trống bỏ dùi”, không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy? Và sau khi phê bình, những cơ quan hoặc những người bị phê bình đã thật thà tự kiểm thảo và sửa đổi chưa?

Về thi đua tǎng gia sản xuất thì các báo chí ta chưa làm trọn nhiệm vụ, như: Nghiên cứu tỉ mỉ, nêu lên rõ ràng và bày cách áp dụng rộng rãi những kinh nghiệm tốt. Chưa lắng nghe những lời phê bình và những điều đề nghị của anh em lao động trong các ngành. Chưa phê bình nghiêm khắc những cách làm việc thủ cựu và những cái gì nó ngǎn trở bước tiến trong các công tác. Chưa khen ngợi một cách đúng mức (không thổi phồng) những thành tích đã thu được, đồng thời nhắc nhở những việc còn phải làm để tiến bộ hơn nữa…

Lại thí dụ như các hội đổi công ở nông thôn, các báo chí ta chỉ nêu những con số phát triển, nhưng không nghiên cứu kỹ càng những hội ấy có ưu điểm gì, để giúp họ phát triển; có khuyết điểm gì, để giúp họ sửa đổi; những khó khǎn gì, để giúp họ giải quyết.

Nói tóm lại: Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gụi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa.

                                                                                       C.B.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 181, từ ngày 01 đến 05/5/1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.7 (1953-1955), tr.271).

5. Khuyên đồng bào mua Báo Việt Nam độc lập

Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt

Làm dân ta như điếc, như mù,

Làm ta dở dại dở ngu,

Biết gì việc nước biết đâu việc đời.

Báo "Độc lập" hợp thời đệ nhất,

Làm cho ta mở mắt mở tai.

Cho ta biết đó biết đây,

Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:

Cho ta biết kết đoàn tổ chức.

Cho ta hay sức lực của ta

Cho ta biết chuyện gần xa.

Cho ta biết nước non ta là gì.

Ai không chịu ngu si mù tối,

Ắt phải xem báo ấy mới nên;

Giúp cho báo ấy vững bền.

Càng ngày càng lớn càng truyền khắp nơi.

Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời!

(Báo Việt Nam độc lập, số 101, ngày 01/8/1941, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.3 (1930-1945), tr.199).

6. Nói chuyện với các ủy viên tuyên truyền các tỉnh Bắc Bộ

Các báo và các ban tuyên truyền nên hướng dẫn lòng yêu nước và ý chí cương quyết cố giành độc lập hoàn toàn của đồng bào một cách ôn hòa, bình tĩnh, có lợi cho ngoại giao. Hơn nữa, cần phải giải thích cho toàn dân hiểu ta hơn con đường đi của Chính phủ khi ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ. Bản Hiệp định đó đã ký, Chính phủ cố hết sức làm theo đúng. Để gây làm một sức mạnh hậu thuẫn cho Chính phủ, dân chúng không quên chuẩn bị nhưng cũng không nên quên phải luôn luôn bình tĩnh để làm theo mệnh lệnh của Chính phủ. Bình tĩnh không phải là nhu nhược, cũng không phải là nhượng bộ, nhưng để tỏ ra rằng dân chúng cũng như một đội quân, binh sỹ không biết trọng kỷ luật, tất nhiên độ quân không thành; dân chúng không có kỷ luật, việc làm khó thành công.

Muốn đi cho đúng với thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên cảm tình. Và muốn nhận định thời cuộc, chúng ta không thể không đứng ở vị trí khách quan.

Mai kia đây, quân đội Pháp sẽ về Hà Nội. Đồng bào nên tránh mọi sự khiêu khích để đón tiếp họ một cách hết sức ôn hòa.

(Nói ngày 15/3/1946, Báo Cứu quốc, số 189, ngày 16/3/1946, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.4 (1945-1946), tr.205).

7. Thư gửi Báo Quân du kích

Làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sỹ,

Mỗi làng xóm là một pháo đài.

Làm cho: Quân đội giặc đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt.

Bộ đội ta đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần.

Đó là nhiệm vụ của báo Quân du kích.

Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được.

Đó là nội dung của báo Quân du kích phải như thế.

Trong giai đoạn đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, nhiệm vụ của dân quân du kích là: Ngǎn cản giặc, tiêu hao giặc, giữ gìn quê hương, để cho Vệ quốc quân được rảnh tay, tìm cơ hội đánh những trận to để tiêu diệt chủ lực của giặc.

Tôi mong rằng báo Quân du kích sẽ giúp dân quân du kích thi đua với Vệ quốc quân diệt cho nhiều giặc, cướp cho nhiều súng, lập cho nhiều công.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 7 nǎm 1949

HỒ CHÍ MINH

(Báo Quân du kích, số 19, tháng 9-1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.45 (1947-1949), tr.655).

8. Bài nói tại Đại hội thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam.

Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phải phục vụ ai? Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ: Các báo Pháp như báo Phigarô, báo Nước Pháp buổi chiều, v.v., một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí phấn đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp; mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư sản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo “giật gân”, báo nói về ái tình, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền, v.v.. Tất cả những báo chí ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không ? Không! Ví dụ báo Nhân đạo thường bị bọn thống trị tìm mọi cách để phá: Nào phạt tiền, nào cho bọn du côn phá phách, nào làm khó khǎn về giấy in, nhiều khi báo bị tịch thu, v.v..

Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng.

Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.

Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới. Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ, v.v., nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán.

Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ vǎn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công.

Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài. Ví dụ: Phải biết chữ Hán thì mới xem được báo Trung Quốc và học được kinh nghiệm của báo Trung Quốc.

Trên đây nói nhiều về người viết báo. Nhưng trong nghề làm báo còn có nhiều ngành khác, như ngành in mà các cô các chú thích nói chữ gọi là ngành “ấn loát”, cũng rất quan trọng. Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu nét, thiếu dấu, hoặc in lờ mờ không rõ. Người viết bài lại thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là “ngư dân”, rồi người in lại in thiếu cái dấu ở chữ ư hoá ra “ngu dân”. Đấy chỉ là một ví dụ để thấy rằng việc in cũng phải làm cho tốt. Việc phát hành cũng rất quan trọng. Phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem. Giá tiền báo cũng cần phải đúng mức. Trong công tác, người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.., đều phải ǎn khớp với nhau….

(Nói ngày 16/4/1959,  theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.9 (1958-1959), tr.414).

9. Thư gửi Đại hội báo giới

Cùng Đại hội báo giới,

Nhân dịp Đại hội báo giới, tôi chúc các bạn thành công.

Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khǎn, các bạn đã cố gắng làm trọn nhiệm vụ. Thế là tốt lắm, nhưng các bạn cần phải cố gắng thêm.

Theo ý tôi, các bạn có nhiệm vụ như sau:

1. Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch.

2. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ, vì sao phải trường kỳ kháng chiến, vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi.

3. Giải thích chính sách của Chính phủ cho dân chúng rõ. Bày tỏ nguyện vọng của dân chúng cho Chính phủ biết.

4. Cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng, bày cho dân chúng tổ chức lực lượng của mình.

5. Kêu gọi toàn dân đoàn kết, hǎng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi.

Ngoài ra lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo có thú vị mà lại có bổ ích.

Chiến sỹ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch.

Kháng chiến nhất định thắng lợi và thành công!

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 05 tháng 8 nǎm 1947

HỒ CHÍ MINH

(Theo theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5 (1947-1949), tr.180).

10. Phải chống bệnh quan liêu

Từ ngày Đảng và Chính phủ mở phong trào chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí bằng cách giáo dục, tự phê bình và phê bình, quần chúng đã biết phê bình, báo chí đã đăng những lời phê bình của quần chúng. Đó là một tiến bộ. Nhưng báo chí đăng rồi mà không kiểm tra, những cán bộ và những cơ quan bị phê bình thì cứ im lặng. Đó là một khuyết điểm cần sửa chữa.

- Các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên trên.

Khi nhận được thư phê bình của quần chúng, thì không nên vội đăng, mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng, mới đăng lên báo. Như vậy, phê bình mới có kết quả thiết thực.

Phải làm cho quần chúng hăng hái phê bình, nhưng đồng thời phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng. Như vậy, thì mối liên hệ giữa báo chí với quần chúng càng thêm chặt chẽ; và việc quần chúng và báo chí giúp giáo dục cán bộ cũng có kết quả thêm.

- Các cơ quan và các cán bộ lãnh đạo thì cần liên hệ những việc kiểu mẫu ấy với công tác của ngành mình và do đó mà mở rộng phong trào phê bình từ trên xuống dưới. Không nên vì việc phê bình ấy không quan hệ trực tiếp với ngành mình mà không nghiên cứu. Cũng không nên tách rời việc phê bình với công tác hàng ngày.

Trong việc "3 chống", các báo chí cũng như các cơ quan, cần nhằm vào cải tạo tư tưởng. Quan liêu, tham ô, lãng phí cũng như mọi khuyết điểm khác, nguồn gốc là vì tư tưởng không đúng. Tư tưởng trong sạch, lập trường vững, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân thì tránh được nhiều khuyết điểm.

- Những người bị phê bình (cán bộ hoặc cơ quan), thì phải thật thà tự kiểm thảo trước quần chúng (đăng lên báo), phải quyết tâm sửa đổi. Đè nén phê bình, hoặc phớt phê bình, cũng là tội lỗi.

Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. "Trên đe dưới búa" của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí.

Khéo lãnh đạo, thì đó là một cách rất hay để cải tạo tư tưởng cán bộ, để xây dựng đạo đức trong sạch, để đẩy mạnh công việc kháng chiến và kiến quốc.

(Báo Nhân Dân, số 116 từ ngày 06 đến ngày 10/6/1953, theo theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.7 (1953-1955), tr.80).

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: