Chỉ mục bài viết

 15. Phát biểu tại phiên họp thứ bảy Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân

Tôi phải nói với các đồng chí rằng chúng tôi bị cai trị bởi một chế độ nô lệ. Chúng tôi không được quyền xuất bản báo. Chúng tôi không được quyền tự do đi lại; chẳng hạn như chúng tôi không thể đi từ Mátxcơva đến Pêtơrôgrát được, chúng tôi phải xin được một tờ giấy thông hành, nếu không họ sẽ bắt giữ và ném chúng tôi vào tù. Cũng vậy, chúng tôi không được quyền hội họp nghĩa là chúng tôi không được quyền họp với nhau trên 4 hoặc 5 người nếu không có một giấy phép đặc biệt của cơ quan cai trị Pháp….

(Phát biểu chiều ngày 13/10/1923, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.1 (1919-1924), tr.211).

16. Tuyên truyền

Đế quốc Pháp - Mỹ không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền.

Chúng dùng báo chí và phát thanh hàng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc hội họp, v.v.. để tuyên truyền. Chúng lợi dụng tôn giáo, phong tục tập quán; chúng bịa đặt những câu sấm và những tin đồn nhảm - để tuyên truyền.

Mỗi tháng chúng rải hàng chục triệu truyền đơn - để tuyên truyền.

Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm khuyết điểm của cán bộ ta - để tuyên truyền.

Nói tóm lại, chúng dùng đủ mọi cách, mọi dịp để tuyên truyền, để hòng phá hoại tâm lý và tinh thần của nhân dân ta; cũng như chúng dùng bom đạn để phá hoại mùa màng và giao thông của ta…

                                                                                       C.B.

(Báo Nhân Dân số 188, từ ngày 25 đến ngày 27/5/1954, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.7 (1953-1955), tr.283).

17. Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng

Các bạn yêu quý!

Tôi rất vui lòng được tin các bạn đến học viết báo. Tiếc vì điều kiện chưa tiện, tôi không đến thǎm các bạn được. Đây tôi có vài ý kiến để giúp các bạn nghiên cứu.

Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính:

1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.

2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì:

3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:

4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:

5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:

6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.

Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây:

Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều.

Không biết giữ bí mật.

Đôi khi đǎng tin vịt.

Hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì “mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc.

Tin tức chậm.

Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ.

Muốn viết bài báo khá thì cần:

1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người.

3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít vǎn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu.

4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Nghe nói có ba cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu:

Tất cả để chiến thắng!

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH

(Báo Cứu quốc, số 1264, ngày 09/6/1949, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5 (1947-1949), tr.625).

18. Phải giữ bí mật của Nhà nước

Người thường ai cũng có cái ví đựng tiền. Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khóa, để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra.

Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những vǎn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể.

Muốn phá hoại ta về mọi mặt, kẻ địch dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh cắp vǎn kiện bí mật của ta về chính trị, kinh tế, quốc phòng, v.v.. Khẩu hiệu của kẻ địch là:

“Lấy được bất kỳ tình báo gì và dù là chút ít, cũng là quý”.

Nói chung, cán bộ ta được những nǎm kháng chiến huấn luyện, đã biết giữ bí mật. Nhưng cũng còn nhiều cán bộ lơ là và xem nhẹ việc ấy. Nhiều cán bộ còn phạm khuyết điểm:

- Không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra vǎn kiện bí mật.

- Mang vǎn kiện bí mật về nhà xem. Xem vǎn kiện bí mật ở chỗ đông người. Ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình.

- Hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn…

- Ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc… cũng đưa việc trong cơ quan ra nói.

- Khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật…

Như thế là các cán bộ đó đã vô tình mà giúp cho địch.

Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ǎn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch.

Cơ quan đặc vụ Mỹ - Diệm đã chỉ thị cho lũ tay sai của chúng: “Tìm làm quen với những cán bộ ham ǎn chơi, ham tiêu xài, ham gái đẹp. Cho họ vay tiền, uống rượu, chơi gái. Làm cho họ say mê, mắc nợ, rồi đưa họ vào tròng”.

Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch. Đó là một vấn đề chính trị quan trọng. Chính phủ ta đã có phép luật về việc ấy. Các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra việc ấy.

Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này.

                                                                             C.B.

(Báo Nhân Dân, số 700, ngày 01/2/1956, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.8 (1955-1957), tr.121).

19. Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi

Kính gửi Hội nghị các nhà báo Á - Phi,

Giacácta!

Tôi thân ái gửi đến Hội nghị lời chào nhiệt liệt.

Trong lúc các dân tộc Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ latinh đang anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, để bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình, các nhà báo Á - Phi đoàn kết chặt chẽ, dùng ngòi bút chính nghĩa của mình phục vụ cuộc đấu tranh cho tự do, cho chân lý, cho tương lai tươi sáng của loài người, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang.

Tôi xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 nǎm 1963

Hồ Chí Minh

(Báo Nhân Dân,số 3315, ngày 24/4/1963, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.11 (1963-1965), tr.441).

20. Thư gửi Ban Phương Đông

Còn có một nguy cơ lớn khác. Tuy các đảng đã đưa những đồng chí công nhân vào các ban lãnh đạo, nhưng các đồng chí này vẫn bị ảnh hưởng của những phần tử trí thức, bởi vì theo các đồng chí ấy, “những người trí thức đã được đọc tất cả những điều ấy trong các bản luận cương hoặc trong sách”.

Tình hình ấy diễn ra trong thời kỳ 1930 - 1931, lúc mà các đồng chí của chúng ta đã là những chiến sĩ khá lão luyện và khá từng trải rồi. Nhưng hiện nay, tất cả hoặc hầu như tất cả các đồng chí ấy đã bị giết hay bị cầm tù. Những đồng chí đang hoạt động trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn, do đó có khả nǎng phạm những sai lầm nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, tôi thấy tuyệt đối cần thiết là chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khǎn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có.

Và biện pháp duy nhất có hiệu quả để giúp các đồng chí theo phương hướng đó là cho xuất bản những quyển sách nhỏ viết về các vấn đề sau đây:

1. Tuyên ngôn cộng sản,

2. Đảng cộng sản và tổ chức của Đảng,

3. Lịch sử Quốc tế Cộng sản,

4. Lịch sử Đảng,

5. Lịch sử R.K.P.B (Đảng Cộng sản Bônsơvích toàn Liên bang Xôviết),

6. Lịch sử Quốc tế Thanh niên (KIM),

7. Thanh niên cộng sản và tổ chức thanh niên,

8. Công hội,

9. Quốc tế Công hội đỏ,

10. Nông hội,

11. Vấn đề dân tộc,

12. Vấn đề ruộng đất,

13. Quốc tế Cứu tế đỏ (MOPR),

14. Liên minh chống đế quốc,

15. Chủ nghĩa đế quốc Pháp,

15. Cách mạng Tháng Mười,

16. Cách mạng Trung Hoa,

17. Khởi nghĩa vũ trang,

18. Những bài học của các sự biến 1930-1931,

19. Chủ nghĩa Tờrốtxki,

20. Nền kinh tế Xô viết,

21. Mác, Ǎngghen, Lênin, Xtalin,

22. Làm thế nào để kết hợp hoạt động bất hợp pháp và hoạt động hợp pháp,

23. Làm thế nào để tổ chức các chi bộ và làm cho các chi bộ hoạt động,

24. Làm thế nào để tổ chức một cuộc bãi công, một cuộc biểu tình, v.v.,

25. Làm thế nào để thực hiện mặt trận thống nhất,

26. Làm thế nào để tổ chức một tờ báo Đảng, tờ báo nhà máy, v.v.,

27. Làm thế nào để tổ chức học sinh, phụ nữ, v.v.,

28. Làm thế nào để vận động binh lính,

29. Luận cương và nghị quyết về vấn đề thuộc địa (của Quốc tế Cộng sản), v.v. và v.v..

Khi xuất bản những tập sách nhỏ ấy, cần phải chú ý đến: 1. Những khó khǎn về việc in lại sách ở các xứ này; 2. Khó khǎn về việc giữ sách; 3. Khó khǎn của độc giả cất giấu sách; 4. Trình độ vǎn hóa thấp của các đồng chí chúng tôi không thể đọc và hiểu được những điều diễn đạt quá dài, quá khó. Vì vậy, các tập sách nhỏ ấy phải ngắn, từ ngữ phải rất đơn giản, rất rõ ràng và dễ hiểu đối với quần chúng. Nếu có thể được, nội dung nên trình bày dưới dạng câu hỏi và trả lời.

Các đồng chí của chúng tôi rất dũng cảm và hǎng hái. Các đồng chí ấy công tác rất tận tụy. Nhưng vì thiếu kiến thức lý luận, buộc các đồng chí phải mò mẫm từng bước, luôn luôn vấp váp vì thiếu thốn như vậy. Tất nhiên là các đồng chí sẽ được giáo dục rèn luyện trong đấu tranh và trong công tác thực tế hàng ngày. Nhưng có thể tránh được biết bao bế tắc, sai lầm và biết bao thất bại đau đớn, nếu chúng ta có thể cung cấp cho các đồng chí ấy những kiến thức tối cần thiết về lý luận soi đường, tạo điều kiện dễ dàng cho các đồng chí ấy tiến hành công tác.

Đồng chí Xtalin nghìn lần có lý khi nói rằng: “Lý luận tạo cho các đồng chí làm công tác thực tế, sức mạnh định hướng, sự sáng suốt dự kiến tương lai, kiên định trong công tác và lòng tin ở thắng lợi của sự nghiệp của chúng ta”.

Những điều mà tôi nói về các đồng chí chúng tôi ở Đông Dương, ở Thái Lan, v.v.. chắc chắn là cũng đúng đối với những đồng chí ở các nước thuộc địa khác, mà ở đây Đảng hoạt động bất hợp pháp và trình độ vǎn hóa của những người lao động còn thấp. Những cuốn sách nhỏ đề nghị trên đây nhất định là cũng rất có ích đối với cả những nước ấy.

Thân ái chào cộng sản!

Ngày 16 tháng 01 nǎm 1935.

LIN

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: