Chỉ mục bài viết

 11. Báo chí bình dân

Các bạn của chúng ta phàn nàn nhiều lần rằng các bài báo của ta quá thiếu trau chuốt để có thể gây ảnh hưởng đến tâm trí dân chúng.

Chúng tôi xin báo với các độc giả của mình rằng chúng tôi bất chấp (xem thường) việc sử dụng những từ mỹ miều, vǎn phong lịch lãm, câu chữ đong đưa, nhịp câu đǎng đối song hành, những sự tô vẽ vǎn chương mà các nhà nho ham chuộng. Nhưng ngược lại chúng tôi gắng sức, vì lợi ích của tất cả mọi người, dùng một vǎn phong sáng sủa, chính xác và dễ hiểu.

Vì mục đích của chúng tôi là: l- Đánh trả sự tàn bạo của người Pháp, 2- Khích lệ dân tộc An Nam kết liên lại, 3- Làm cho họ thấy được nguyên nhân những đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được những điều đó, nên bản báo chúng tôi làm tròn nhiệm vụ là hồi kẻng báo động mà người ta gióng lên khi có đám cháy để báo cho người đang trong ngôi nhà cháy, giục giã họ chạy thoát thân để khỏi bị chôn vùi hoặc bị thiêu cháy, và gọi những người xung quanh đến ứng cứu.

Tiếng đàn cầm chắc chắn hay hơn tiếng kẻng; nhưng trước mối họa đang đe dọa chúng ta, tốt nhất là đánh kẻng còn hơn gẩy đàn.

 Có nhiều cách làm rung động lòng người. Khóc lóc, than vãn, đọc Kiều hay Tam Quốc đều khiến ta mủi lòng. Nhưng đó chỉ là những cảm xúc thoảng qua và hời hợt mà chúng tôi không muốn gợi lên trong lòng độc giả của chúng tôi. Ngược lại, chúng tôi muốn rằng vǎn của chúng tôi gây được cho họ một ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài.

Ví dụ: Nếu gặp một nông dân An Nam quần áo tả tơi, chúng tôi sẽ bằng một giọng đầy thương cảm, nhưng che giấu đi niềm xúc động và nuốt nước mắt mà nói rằng: “Than ôi! Sao mà số phận anh khổ đến thế này. Anh mua giống hết 2 đồng, mua phân 4 đồng; anh thuê trâu 3 đồng, thuê thợ 5 đồng và nộp thuế 1 đồng. Tiền anh chi đã lên đến 15 đồng, anh bán thóc được 18 đồng. Nhưng vì anh đã phải nộp thuế chợ 1 đồng nên thực ra anh chỉ được 2 đồng, mà tiền ấy anh cũng bị Pháp cướp mất. Vì thế tôi mới bảo rằng anh khốn khổ”.

Anh nông dân của chúng tôi sẽ không khóc, không than. Nhưng anh ta suy nghĩ, hiểu ra và cuối cùng sẽ vùng lên và làm cái việc tuyên truyền chống chủ nghĩa đế quốc.

Còn những ai yêu thơ, thì họ cứ tự do đắm chìm mà đọc Cung Oán hay Nhị Độ Mai.

          (Báo Thanh niên, số 28, Dịch lại từ bản dịch ra tiếng Pháp, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.2 (1924-1930), tr.446)

12. Trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam, Pháp và Trung Hoa

 …

Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương. Từ trước đến giờ, báo chí Việt - Pháp đều chỉ dùng giấy để viết những “tối hậu thư” nhiều hơn. Bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy ấy để viết những bức thư thân ái.

Một tờ báo có ảnh hưởng trong dân chúng rất mạnh, có thể giúp Chính phủ rất nhiều. Báo chí Việt - Pháp bây giờ có thể giúp nhiều về chỗ làm dễ dàng mối quan hệ giữa hai dân tộc. Bởi vậy nên trong bản Tạm ước, hai Chính phủ rất trọng thị địa vị của nhà báo, đã có một khoản riêng về các nhà báo. Cố nhiên, chúng ta tôn trọng tự do của báo chí, nhất là hai nước tôn trọng dân chủ như nước Pháp và nước Việt Nam. Vì vậy, hai Chính phủ có hứa với nhau rằng từ đây về sau, các báo hoặc của Chính phủ, hoặc của dân chúng, sẽ thôi chửi nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

 Không phải chúng tôi có cái không tưởng rằng: Báo chí hai bên sẽ luôn luôn gửi thư yêu đương cho nhau. Nhưng bao giờ một bên nào có sự khuyết điểm, bên kia phải phê bình, thì cũng sẽ phải đứng trên lập trường hữu nghị mà phê bình cho bên kia sửa lại khuyết điểm. Làm như vậy, có ích cho cả hai bên cùng tiến bộ. Nếu không, cùng việc ấy, mà lại thêu dệt thêm lên, dùng những lời vô phép, thô bỉ, thì bên kia thấy vậy chưa biết phải trái ra sao hãy bất bình đã và không ngần ngại gì mà không đối phó lại cùng một cách.

Kết luận, hai Chính phủ hai bên cùng hy vọng rằng: Báo chí và truyền thanh hai bên sẽ giúp cho hai dân tộc càng ngày càng tiến tới chỗ hiểu biết nhau, đến một cảm tình tốt đẹp, nghĩa là, tóm lại, các báo chí Việt cũng như Pháp sẽ đừng dùng những lời lẽ quá đáng, những tin tức không đúng nữa.

 Sau cùng, chúng tôi cảm ơn tất cả các anh em báo giới và hy vọng thêm rằng không những các báo chí giúp cho sự gây nên một cảm tình giữa các dân tộc mà còn ngay trong báo giới nữa cũng gây lấy một cảm tình hữu nghị.

          (Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23/10/1946, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.4 (1945-1946), tr.414).

13. Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản

Sau Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, Đảng thi hành chính sách Mặt trận thống nhất, bắt đầu tổ chức "Mặt trận dân chủ Đông Dương". Tất cả những người Đông Dương có khuynh hướng dân chủ, chi bộ Bắc Kỳ của Đảng Xã hội Pháp, v.v.. đều tham gia. Công nhân, nông dân tuy chưa được tự do tổ chức công hội, nông hội, song các tổ chức quần chúng như Hợp tác xã, Hội Ái hữu, Hội Tương tế, v.v.. cũng nhanh chóng lần lượt thành lập ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

Đảng tuy bí mật, song báo chí của Đảng lợi dụng những danh nghĩa khác nhau đã công khai xuất bản. Sau năm 1938, ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ, báo Đảng hoàn toàn công khai và nhanh chóng trở thành những tờ báo có ảnh hưởng rộng lớn.

Ở đây, chúng tôi cần nêu ra một đặc điểm rất lý thú của Đảng Cộng sản Việt Nam mà e rằng nhiều đảng anh em trên thế giới không có: Đảng có hai loại đảng viên, đảng viên bí mật và đảng viên công khai. Những đồng chí trước đây bị bắt, bị tù đày, được tha sau năm 1936, là những đảng viên công khai. Các đồng chí này công khai hoạt động, như phụ trách báo chí của Đảng, tham gia các phong trào quần chúng với danh nghĩa Đảng, lấy danh nghĩa cộng sản ứng cử vào các hội đồng dân biểu kỳ, tỉnh. Có người nhân danh chi bộ Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp để thực hiện các chính sách của chúng tôi. Do đó, không chỉ trong quần chúng công nông, mà trong nhân dân nói chung, ảnh hưởng của Đảng tương đối lớn. Ví dụ, các vị dân biểu trong "Viện Dân biểu" Trung Kỳ vốn là nơi thế lực phong kiến mạnh nhất, cũng đều có sự gần gũi với chúng tôi.

Từ năm 1937 đến tháng 9-1939, những cuộc thị uy của nông dân, bãi công của công nhân do Đảng lãnh đạo hầu như diễn ra liên tục…

          (Trích trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 12/7/1940, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.3 (1930-1945), tr.169).

14. Phát biểu tại phiên họp thứ 22 Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản

 …

Giai cấp tư sản các nước thực dân đã làm gì để kìm giữ trong vòng áp bức biết bao quần chúng của các dân tộc bị chúng nô dịch? Chúng làm tất cả. Ngoài việc dùng những phương tiện do bộ máy chính quyền Nhà nước đem lại cho nó, nó đồng thời còn tiến hành tuyên truyền hết sức ráo riết. Bằng những bài nói chuyện, bằng điện ảnh, báo chí, triển lãm và mọi phương pháp khác nữa, nó nhồi cho nhân dân các chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh quang và giàu có đang chờ đợi họ ở các nước thuộc địa.

Còn các đảng cộng sản của chúng ta như Đảng Cộng sản Anh, Hà Lan, Bỉ và các đảng cộng sản các nước khác mà giai cấp tư sản ở đấy chiếm giữ thuộc địa, thì đã làm những gì? Các đảng này, từ khi chấp nhận bản luận cương của Lênin, đã làm được những gì để giáo dục cho giai cấp công nhân nước mình tinh thần quốc tế chủ nghĩa chân chính, tinh thần gần gũi với quần chúng lao động các nước thuộc địa? Tất cả những việc mà các đảng của chúng ta đã làm về mặt này, thật hầu như chưa có gì cả. Còn về tôi, là một người sinh trưởng ở một nước hiện nay là thuộc địa của Pháp và là một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi làm rất ít cho các nước thuộc địa.

Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Thử hỏi báo chí đó đã làm được gì? Không được gì hết.

Nếu đem so sánh những chỗ dành cho các vấn đề thuộc địa trên các tờ báo tư sản như Le Temps, Le Figaro, L’Oeuvre hay những báo thuộc các khuynh hướng khác như: Le Peuple hay Le Libertaire với những chỗ dành cho các vấn đề đó trên báo L’Humanité, cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng chúng tôi, thì phải nhận rõ rằng sự so sánh này sẽ hoàn toàn không có lợi cho chúng ta.

Bộ Thuộc địa đã đặt ra kế hoạch biến nhiều vùng ở châu Phi thành những vùng đồn điền rộng lớn của tư nhân, và biến dân bản xứ ở những nước này thành những dân nô lệ thật sự, bị trói buộc vào ruộng đất của những ông chủ mới, thế mà báo chí của chúng ta vẫn im tiếng hoàn toàn về điều này. Ở các thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, người ta đã áp dụng những biện pháp cưỡng ép chưa từng thấy để bắt lính, thế mà báo chí của chúng ta vẫn không hề lên tiếng. Chính quyền thực dân ở Đông Dương đã biến thành những kẻ buôn nô lệ và bán những người dân Bắc Kỳ cho các chủ đồn điền trên các đảo ở Thái Bình Dương; chúng kéo dài thời hạn đi lính của dân bản xứ từ 2 nǎm lên 4 nǎm; chúng đem nộp phần lớn đất đai thuộc địa cho côngxoócxiom của những bọn tư bản cá mập; thuế má vốn đã quá nặng nề không chịu nổi, thế mà chúng lại còn tǎng lên 30% trong lúc dân bản xứ bị phá sản và chết đói sau trận lụt. Thế mà báo chí chúng ta vẫn cứ im tiếng. Và sau tất cả những điều đó, các đồng chí sẽ ngạc nhiên thấy rằng nhân dân bản xứ đi theo những nhóm dân chủ và tự do như Hội Nhân quyền và các tổ chức tương tự khác là những tổ chức chǎm lo hay làm ra vẻ chǎm lo đến họ.

Nếu đi sâu hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy những việc hoàn toàn không thể tưởng tượng được, làm cho mọi người phải nghĩ rằng Đảng chúng tôi đã coi thường tất cả những gì dính dáng đến các nước thuộc địa. Ví dụ: Báo L’Humanité không hề đǎng lời kêu gọi của Quốc tế Nông dân gửi nhân dân các nước thuộc địa, do Quốc tế Cộng sản gửi đến để đǎng trên báo. Trước Đại hội Liông trong mục đǎng các bài tranh luận, đã đǎng hết mọi luận cương, trừ luận cương về vấn đề thuộc địa. Báo L’Humanité đã đǎng nhiều bài về thắng lợi của võ sĩ Xiki xứ Xênêgan, nhưng không hề lên tiếng khi các công nhân bến tàu Đaca, những người đồng nghiệp của Xiki bị bao vây trong khi đang làm việc, bị bắt và bị vứt lên xe ô tô chở về nhà giam và sau đó bị đưa sang trại lính để rồi trở thành những người bảo vệ vǎn minh, nghĩa là trở thành lính. Cơ quan Trung ương của Đảng chúng tôi hằng ngày đều báo tin cho các bạn đọc về những chiến công của anh phi công Uadi đã bay từ Pháp sang Đông Dương; nhưng khi chính quyền thực dân cướp bóc nhân dân “nước An Nam cao quý”, lấy ruộng của họ giao cho bọn đầu cơ Pháp, phái máy bay chở bom, rồi ra lệnh cho các phi công phải dạy cho những người dân bản xứ bất hạnh và bị cướp bóc kia phải biết điều, thì cơ quan của Đảng chúng tôi lại không thấy cần thiết báo tin đó cho các bạn đọc biết.

Thưa các đồng chí, qua báo chí của mình, giai cấp tư sản Pháp hiểu rằng vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa không tách rời nhau. Tôi cho rằng Đảng chúng tôi chưa hiểu hết điều đó. Những bài học ở miền Ruya, nơi mà binh lính bản xứ được phái đến trấn an những công nhân Đức bị đói, đã vây chặt những trung đoàn lính Pháp đáng nghi; trường hợp xảy ra trong đội quân phương Đông, trong đó binh lính bản xứ được giao súng máy để “động viên tinh thần” binh lính Pháp đã mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài và gian khổ; những sự kiện xảy ra nǎm 1917 ở nơi đóng quân của lính Nga ở Pháp; kinh nghiệm cuộc bãi công của công nhân nông nghiệp ở Pyrênê là nơi mà binh lính bản xứ đã buộc phải giữ vai trò nhục nhã của những kẻ phá hoại cuộc bãi công; và cuối cùng là sự có mặt của 207.000 binh lính bản xứ ở ngay nước Pháp - tất cả những việc trên đây chưa làm cho Đảng chúng tôi phải suy nghĩ, chưa làm cho Đảng chúng tôi thấy cần phải thực hiện một chính sách rõ ràng và tích cực trong vấn đề thuộc địa. Đảng đã bỏ lỡ tất cả những cơ hội tốt để tuyên truyền. Những cơ quan lãnh đạo mới của Đảng đã thừa nhận là Đảng chúng tôi đã bị động trong vấn đề này. Tôi thấy đó là một dấu hiệu đáng mừng vì khi các lãnh tụ của Đảng đã thừa nhận và nhấn mạnh nhược điểm này trong chính sách của Đảng thì việc đó làm cho người ta hy vọng rằng Đảng sẽ cố gắng hết sức để sửa chữa và củng cố về mặt này. Tôi tin chắc rằng Đại hội này sẽ là bước ngoặt về mặt này và sẽ thúc đẩy Đảng sửa chữa được những thiếu sót trước. Mặc dù nhận xét của đồng chí Manuinxki về cuộc vận động bầu cử ở Angiêri rất đúng, song để cho được khách quan, tôi phải nói rằng đúng là Đảng chúng tôi đã bỏ lỡ dịp tốt ở đây, nhưng đã sửa chữa sai lầm, đã đưa đại biểu người bản xứ ra ứng cử ở quận Pari. Tất nhiên như thế còn ít, song bước đầu như vậy là tốt. Tôi sung sướng nhận thấy rằng hiện nay Đảng chúng tôi lại có những ý định tốt đẹp nhất, lại có lòng hǎng hái, cái đó là hoàn toàn mới đối với Đảng chúng tôi; và chỉ cần bằng hành động thực tiễn thì nhất định những cái ấy sẽ đưa Đảng tới một chính sách đúng đắn trong vấn đề thuộc địa.

Vậy phải hành động thực tiễn như thế nào? Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ. Chúng ta cần có biện pháp cụ thể. Tôi đề nghị mấy điểm dưới đây:

1. Mở trên báo L’Humanité một mục để đǎng đều đặn hằng tuần ít nhất hai cột các bài về vấn đề thuộc địa.

2. Tǎng cường tuyên truyền và tuyển lựa đảng viên của Đảng trong những người bản xứ ở những nước thuộc địa đã có phân bộ cộng sản.

3. Gửi những người bản xứ vào Trường Đại học cộng sản của những người lao động phương Đông ở Mátxcơva.

4. Thoả thuận với Tổng Liên đoàn lao động thống nhất1 để tổ chức những người lao động của các thuộc địa làm việc ở Pháp.

5. Đặt nhiệm vụ cho các đảng viên của Đảng phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa.

Theo tôi, những đề nghị này là hợp lý và nếu Quốc tế Cộng sản và các đại biểu của Đảng chúng tôi tán thành thì tôi tin rằng đến Đại hội lần thứ VI, Đảng Cộng sản Pháp chúng tôi sẽ có thể nói rằng mặt trận thống nhất của nhân dân chính quốc và thuộc địa đã trở thành sự thật.

Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác.

          (In trong sách Đại hội toàn thế giới lần thứ V Quốc tế Cộng sản, bản tốc ký, tiếng Nga, phần I, Nxb. Chính trị quốc gia, Mátxcơva, 1925, tr.653-657, theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.1 (1919-1924), tr.276).

Tâm Trang (tổng hợp)

1. Tổng Liên đoàn lao động thống nhất: Một tổ chức liên hiệp các công đoàn Pháp tồn tại từ năm 1922 đến năm 1936, do các công đoàn cách mạng lập nên. Tổng Liên đoàn lao động thống nhất kiên quyết chủ trương khôi phục sự thống nhất của công đoàn, bảo vệ lợi ích thiết thân của giai cấp vô sản và đã cùng với Đảng Cộng sản Pháp tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh.

Bài viết khác: