1. Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2019.
Theo Nghị định này, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính đều có hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500.000.000 đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1.000.000.000 đồng.
Ảnh minh họa: Internet
Một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp như sau:
a) Khai thác trái phép môi trường rừng và thực hiện các dịch vụ, kinh doanh trái phép trong rừng
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức du lịch, tham quan trong rừng mà không được phép của chủ rừng.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các trường hợp sau:
+ Tổ chức các dịch vụ, kinh doanh trong rừng mà không được phép của chủ rừng.
+ Tổ chức nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Không lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
+ Lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhưng không phù hợp với đề án du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
b) Vi phạm quy định về phòng trừ sinh vật hại rừng
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chủ rừng không thực hiện biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của pháp luật; hoặc khi phát hiện sinh vật gây hại rừng nguy hiểm mà không thực hiện các biện pháp phòng trừ để lây lan dịch bệnh trên diện tích dưới 01 ha rừng được giao, được thuê.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ rừng không thực hiện biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của pháp luật; hoặc khi phát hiện sinh vật gây hại rừng nguy hiểm mà không thực hiện các biện pháp phòng trừ để lây lan dịch bệnh trên diện tích từ 01 ha đến dưới 05 ha rừng được giao, được thuê.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với chủ rừng khi phát hiện có sinh vật gây hại rừng trên diện tích rừng được giao, được thuê mà không báo cho cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn và hỗ trợ các biện pháp phòng trừ khoanh vùng kịp thời để sinh vật gây hại rừng phát dịch trên diện tích từ 05 ha trở lên.
c) Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Chủ lâm sản vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến thực vật rừng ngoài gỗ; động vật rừng hoặc bộ phận, sản phẩm của chúng có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp.
+ Chủ lâm sản vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến gỗ rừng trồng, gỗ vườn nhà, cây trồng phân tán có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp.
+ Người điều khiển phương tiện, chủ lâm sản không xuất trình hồ sơ lâm sản trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm kiểm tra cho người có thẩm quyền khi kiểm tra phương tiện vận chuyển lâm sản.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Chủ cơ sở chế biến, mua bán lâm sản, nuôi động vật không ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản.
+ Chủ cơ sở nuôi, trồng động vật rừng, thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc các loài thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp không thực hiện ghi chép sổ theo dõi nuôi, trồng theo quy định của pháp luật.
+ Chủ cơ sở nuôi động vật rừng thông thường không thực hiện ghi chép sổ theo dõi hoặc không thông báo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền khi đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Chủ lâm sản vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản có nguồn gốc nhập khẩu, nguồn gốc sau xử lý tịch thu hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp.
+ Chủ cơ sở nuôi, trồng vì mục đích thương mại loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm hoặc các loài thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có nguồn gốc hợp pháp nhưng không đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng theo quy định của pháp luật.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ lâm sản vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản có nguồn gốc từ rừng tự nhiên hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về hồ sơ lâm sản hợp pháp.
2. Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/3/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2019.
Thông tư này quy định về an ninh hàng không dân dụng, trong đó có biện pháp kiểm soát an ninh phòng ngừa, xử lý vụ việc vi phạm an ninh hàng không và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp. Áp dụng đối với:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam hoặc hoạt động hàng không dân dụng trong vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động hàng không dân dụng ở nước ngoài nếu pháp luật của nước ngoài không có quy định khác.
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng tàu bay công vụ nhằm mục đích dân dụng.
Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên bảo vệ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát an ninh đối với người, phương tiện, đồ vật đưa vào, ra và hoạt động tại khu vực hạn chế.
Khi hành khách lên tàu bay, hãng hàng không chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đối chiếu giấy tờ về nhân thân, thẻ lên tàu bay của hành khách để đảm bảo đúng người, đúng chuyến bay. Biện pháp kiểm tra phải được quy định chi tiết trong chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không.
Hãng hàng không có thể từ chối chuyên chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác. Với các trường hợp hành khách bị bệnh tâm thần, việc chấp nhận chở hay không do đại diện hãng hàng không đánh giá và quyết định.
Khi chấp nhận chuyên chở phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Hành khách bị bệnh tâm thần phải có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm có khả năng kiềm chế được hành vi bất thường của hành khách. Trong trường hợp cần thiết, hành khách bị bệnh tâm thần cần phải được gây mê trước khi lên tàu bay, thời gian bay không được lâu hơn thời gian tác dụng của thuốc.
- Hành khách bị bệnh tâm thần và hành lý, vật dụng của họ phải được kiểm tra trực quan; việc kiểm tra có thể được bố trí tại khu vực riêng.
- Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của đại diện hãng hàng không, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không phải hộ tống hành khách bị bệnh tâm thần lên tàu bay và ngược lại.
- Đại diện hãng hàng không phải thông báo cho người chỉ huy tàu bay vị trí ngồi của hành khách bị bệnh tâm thần. Người chỉ huy tàu bay thông báo cho người khai thác cảng hàng không, sân bay nơi tàu bay dự định hạ cánh về các yêu cầu trợ giúp nếu xét thấy cần thiết.
Cũng theo Thông tư này, hành khách được mang tối đa 01 lít chất lỏng lên các chuyến bay quốc tế; dung tích mỗi bình chứa 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn.
3. Thông tư số 23/2019/TT-BTC ngày 19/4/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 218/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh; phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; lệ phí cấp giấy phép quản lý pháo; lệ phí cấp giấy phép quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/6/2019.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư số 218/2016/TT-BTC như sau:
Stt |
Danh mục |
Đơn vị tính |
Mức thu (đồng) |
I |
Phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh |
Lần |
300.000 |
II |
Phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ |
Lần |
20.000 |
III |
Lệ phí cấp giấy phép quản lý pháo |
Giấy |
150.000 |
IV |
Lệ phí cấp giấy phép quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ |
||
1 |
Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ |
Giấy |
10.000 |
2 |
Giấy phép vận chuyển vũ khí, công cụ hỗ trợ |
Giấy |
100.000 |
3 |
Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp: |
Giấy |
|
- Dưới 5 tấn |
50.000 |
||
- Từ 5 tấn đến 15 tấn |
100.000 |
||
- Trên 15 tấn |
150.000 |
||
4 |
Giấy phép mua vũ khí, công cụ hỗ trợ |
khẩu/chiếc |
10.000 |
5 |
Giấy phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam |
khẩu/chiếc |
10.000 |
Giấy phép mang các loại đạn: |
Giấy |
||
- Dưới 500 viên |
50.000 |
||
- Từ 500 viên đến 5000 viên |
100.000 |
||
- Trên 5000 viên |
150.000 |
||
7 |
Giấy phép sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ |
khẩu/chiếc |
10.000 |
8 |
Giấy phép trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ |
khẩu/chiếc |
10.000 |
9 |
Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, công cụ hỗ trợ |
khẩu/chiếc |
10.000 |
10 |
Giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đã mất tính năng, tác dụng |
Giấy |
10.000 |
4. Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2019.
Quyết định này quy định thực hiện thủ tục biên phòng điện tử đối với người, người điều khiển, người đi trên phương tiện, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền; tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa đến và rời cửa khẩu cảng; cấp thị thực tại các cửa khẩu quốc tế biên giới đất liền và cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý (viết gọn là thực hiện thủ tục biên phòng điện tử trong cấp thị thực tại cửa khẩu).
Thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền được thực hiện 24/24 giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền đối với công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh được quy định như sau:
- Chậm nhất 03 giờ trước khi công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh dự kiến đến cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, người làm thủ tục phải khai báo Bản khai đối với công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh theo Mẫu số 11 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này và gửi cho Biên phòng cửa khẩu biên giới đất liền qua Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử.
- Chậm nhất 01 giờ kể từ khi tiếp nhận Bản khai đối với công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh, Biên phòng cửa khẩu biên giới đất liền phải gửi Xác nhận hoàn thành khai báo thủ tục biên phòng điện tử đối với công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh thực hiện theo Mẫu số 12 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này cho người làm thủ tục qua Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử.
- Khi công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh đến cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính để xuất cảnh, nhập cảnh phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy thông hành xuất nhập cảnh, giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới hợp lệ cho Biên phòng cửa khẩu biên giới đất liền để thực hiện kiểm tra, kiểm soát, kiểm chứng xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam theo quy định.
Đối với tàu biển Việt Nam: Chậm nhất 04 giờ trước khi tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa dự kiến đến cửa khẩu cảng, chậm nhất 02 giờ trước khi tàu biển Việt Nam rời cửa khẩu cảng, người làm thủ tục phải khai báo các bản khai điện tử theo mẫu biểu quy định trên Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử.
Thủ tục biên phòng điện tử trong cấp thị thực tại cửa khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia được quy định như sau:
- Khi Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử được hoàn thiện kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, thủ tục biên phòng điện tử trong cấp thị thực tại cửa khẩu được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và quy định tại Quyết định này.
- Khi Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử chưa hoàn thiện kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia có sự cố, thủ tục biên phòng điện tử trong cấp thị thực tại cửa khẩu thực hiện qua Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử thực hiện theo quy định tại Quyết định này.
Khánh Linh (tổng hợp)