Hơn bảy mươi năm qua, cứ đến ngày 27/7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vẫn không khỏi vơi đi nỗi đau khi hướng về các liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do và sự bình yên của Tổ quốc cũng như nỗi đau đang hàng ngày đè nặng lên thân nhân của họ. Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, đất nước đã hòa bình và đang trên đà phát triển thịnh vượng nhưng ở đâu đó trên đất nước Việt Nam này vẫn còn những nỗi đau thương, sự mất mát mà chiến tranh còn để lại. Và chúng ta cần phải biết ơn sự hy sinh đó của các thế hệ cha anh đi trước.
Bác Hồ đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Liệt sỹ. Ảnh tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn đau đáu, quan tâm và chia sẻ với các anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ mặc dù cuộc kháng chiến và kiến quốc của Đảng và nhân dân ta còn gặp nhiều khó khăn và thử thách. Hàng năm vào dịp 27/7, Người thường gửi thư và quà đến các thương binh và các gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành nhưng là sự động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, cụ thể và thiết thực. Đó là tình cảm của Bác dành cho họ. Bởi một điều “tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột, các cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước, thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn sống với non sông Việt Nam” (Thư Bác gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ khi được tin con trai ông hy sinh). Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ còn được thể hiện ở những nghĩa cử cao đẹp, bình dị và rất đỗi tự nhiên trong đời sống thường ngày. Người thường trích lương, dùng những bộ quần áo, khăn tay, các vật dụng khác để làm quà tặng cho anh em thương binh tại các trại điều dưỡng.
Xin tổng hợp lại một số bức thư, bài viết của Bác về công tác thương binh, liệt sỹ nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
1. Di chúc (trích)
...
Tháng 5/1968, khi xem lại thư này tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết.
Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng , làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.
Đầu tiên là công việc đối với con người.
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh".
Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hòan toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.
Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc...
Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân1…
2. Nhờ ai ta có hòa bình
Chính nghĩa thắng lợi, hòa bình trở lại, là nhờ toàn dân ta đoàn kết, toàn quân ta anh dũng. Đồng thời nhờ lực lượng hòa bình thế giới ủng hộ ta. Nhưng cũng nhờ những chiến sỹ anh hùng đã vui lòng chết để cho Tổ quốc sống, nhân dân sống, như:
- Đồng chí Đàn - đã cúi lưng làm giá súng để cho đồng đội bắn chặn địch lại, đến chết vẫn cứ nằm yên.
- Đồng chí Giót - nhét mình vào lỗ châu mai, làm cho địch không bắn ra được để bộ đội ta tiến lên chiếm đồn giặc.
- Đồng chí Trọng - khi bộ đội ta kéo súng to leo giốc, một khẩu súng trượt xuống, đồng chí Trọng gieo mình dưới bánh xe để chặn súng lại.
Và trăm nghìn anh hùng, liệt sỹ khác đã ung dung làm những việc "Trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc". Người tuy chết, nhưng tiếng thơm lưu truyền mãi với non sông.
Chúng ta cần ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy, để giáo dục nhân dân ta chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, quyết tâm làm trọn nhiệm vụ xây dựng lại nước nhà. Để giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc, ra sức đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam ta. Vậy có thơ rằng:
Nhờ ai ta có hòa bình?
Nhờ người chiến sỹ quên mình vì dân.
C.B.2
3. Thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi
Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến.
Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ đó, và tôi nhận con các liệt sỹ làm con nuôi của tôi.
Vậy các ban hành chính các địa phương toàn quốc phải lập tức làm tờ báo cáo. Các làng làm xong, gửi lên huyện. Các huyện xét lại đúng sự thực thì đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở Hà Nội.
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam HỒ CHÍ MINH3
4. Gửi Bác sỹ Vũ Đình Tụng
Thưa ngài,
Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.
Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.
Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.
Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 01 năm 1947
HỒ CHÍ MINH4
5. Thư khen bà Bá Huy
Thưa bà,
Tôi nhận được báo cáo rằng bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một an dưỡng đường cho thương binh.
Tôi rất lấy làm vui lòng.
Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc giữ gìn Tổ quốc.
Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu:
"Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức,
Đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công".
Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà, và ngợi khen bà.
Đồng thời tôi cũng cảm ơn các phụ lão, các vị thân hào và toàn thể nam nữ đồng bào ở vùng đó, đã giúp công, giúp của với bà, để lập nên an dưỡng đường "BÀ BÁ HUY".
Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh.
Ngày 27 tháng 7 năm 1947
HỒ CHÍ MINH5
6. Thư gửi anh em thương và bệnh binh
Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh trước khi quân thù bị hoàn toàn tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công.
Chắc các đồng chí không khỏi phân vân. Nhưng không, các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khoẻ, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khoẻ, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí.
Tháng 7 năm 1948
HỒ CHÍ MINH6
7. Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc"
Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.
Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sỹ bị thương.
Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh. Nhưng tôi e trong lúc thi hành, hăng hái thái quá, vậy tôi xin đề nghị:
1) Hôm đó các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, các bộ đội các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu, thì không nên nhịn. Còn các cơ quan, các bộ đội, các trường học, các đoàn thể và toàn thể đồng bào cả nước đều nhịn ăn một bữa.
2) Đó là một việc nghĩa, mọi người tự động làm, tuyệt đối không cưỡng bức.
3) Các làng, huyện, tỉnh, khu phải thiết thực báo cáo kết quả lên Ban thường trực toàn quốc. Nơi nào 100 phần trăm nhân dân tham gia thì Ban thường trực sẽ đăng báo khen. Kết quả cũng phải tính sổ tập trung về Ban thường trực toàn quốc để phân phối cho khắp.
4) Hôm đó tuy các giới, các tổ chức đều hăng hái tham gia, đặc biệt là đoàn thể phụ nữ, thanh niên và nhi đồng cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích và giúp việc.
Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng "Ngày thương binh" sẽ có kết quả mỹ mãn.
Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đ.00).
Ngày 17 tháng 7 năm 1947
HỒ CHÍ MINH7
Đức Lâm (tổng hợp)
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. t.12, tr. 503-505.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 387.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.435.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.40.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.177.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.471.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.175-176.