Chỉ mục bài viết

 19. Lời kêu gọi và khuyên nhủ các chiến sỹ

Cùng các chiến sỹ yêu quý,

Trận Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng ta đã thắng to. Tôi thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước linh hồn các liệt sỹ đã hy sinh vì nước, an ủi các anh em thương binh, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sỹ.

Tôi ra lệnh cho Bộ Tổng tư lệnh mau chóng khen thưởng những đơn vị và những chiến sỹ đã lập nhiều chiến công oanh liệt. Trong số khen thưởng đó gồm có các chiến sỹ có công to, các cán bộ đắc lực, các anh em ngành chuyên môn trong quân đội, các anh em nấu bếp trong bộ đội và các cháu giúp việc giao thông liên lạc đắc lực, nhất là các đồng bào đã đặc biệt giúp đỡ bộ đội.

Ta đã thắng to trong trận này là vì bộ đội ta rất dũng cảm, chỉ huy rất đúng đắn, nhân dân rất hăng hái, Chính phủ rất kiên quyết. Nhưng chúng ta chớ vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: Trong toàn cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này chỉ mới là một bước đầu. Chúng ta còn phải đánh và phải thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chúng ta cũng phải nhớ rằng trong trận này, ta đã thắng hai lần: Thắng lợi thứ nhất là chúng ta đã tiêu diệt địch và đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Thắng lợi thứ hai là ta đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta.

Lợi dụng triệt để cuộc thắng lợi đó, Bộ Tổng tư lệnh sẽ tổ chức những cuộc hội nghị kiểm thảo và những ban huấn luyện để tổng kết kinh nghiệm, phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, nâng cao lực lượng về mọi mặt. Trong những cuộc hội nghị kiểm thảo và trong các ban huấn luyện này, phải triệt để lợi dụng vũ khí tốt nhất, mạnh nhất là phê bình và tự phê bình một cách dân chủ, kiểm thảo từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Các cán bộ các cấp phải lãnh đạo và phải làm kiểu mẫu trong việc kiểm thảo và tự phê bình.

Làm như thế thì chúng ta sẽ phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa sạch khuyết điểm. Đánh thắng khuyết điểm của ta tức là đã một lần đánh thắng quân địch.

Tôi chắc rằng: Các cán bộ và chiến sỹ đã hăng hái thi đua giết giặc lập công thì sẽ hăng hái thi đua trong cuộc phê bình và tự phê bình, và do đó, ta sẽ thắng to hơn nữa mà tôi sẽ có dịp khen thưởng các chiến sỹ nhiều hơn nữa.

HỒ CHÍ MINH1

20. Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh nhân Ngày Thương binh, liệt sỹ

Kính gửi Cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh,

Nhân dịp ngày 27 tháng 7, tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời an ủi anh em thương binh, bệnh binh và hỏi thăm gia đình các liệt sỹ, đồng thời cảm ơn đồng bào những nơi đã đón thương binh, bệnh binh về xã.

Sau đây tôi có mấy lời nhắn nhủ:

- Các đoàn thể ở xã: Sau phong trào phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất và những thắng trận to lớn của bộ đội ta, nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sỹ.

Thế là rất tốt. Đó là một cách để tỏ lòng nhân dân biết ơn những chiến sỹ đã có công giữ nước, giữ làng. Song việc giúp đỡ ấy cần phải thiết thực, cần có tổ chức, và mọi người trong xã đều cần tuỳ theo khả năng mà tham gia.

- Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ: Thì cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ "công thần".

- Tôi tiếp được báo cáo nhiều nơi khen ngợi một số anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ đã trở nên gương mẫu trong xã. Tôi mong rằng Bộ thường nêu những thành tích và những kinh nghiệm quý báu ấy để những xã khác và những anh em khác noi theo.

- Tôi xin gửi Cụ 30.600 đồng do một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương của tôi là 45.000 đồng để Cụ làm quà cho anh em.

Chào thân ái và quyết thắng!

Tháng 7 năm 1954

HỒ CHÍ MINH2

21. Diễn từ trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài Liệt sỹ

Hỡi các liệt sỹ,

Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.

Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sỹ.

Các liệt sỹ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước.

Các liệt sỹ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sỹ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước.

Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh.

Một nén hương thành,

Vài lời an ủi.

Anh linh của các liệt sỹ bất diệt!

Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm!

HỒ CHÍ MINH3

22. Nói chuyện với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên nhân dịp Tết Đinh Dậu

Nhân dịp Tết, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ chúc Tết các cô các chú đại biểu cho các đơn vị, thương binh và quân nhân phục viên.

Năm qua, trong việc xây dựng quân đội như huấn luyện chiến thuật kỹ thuật, giáo dục chính trị, trong việc bảo vệ Tổ quốc như giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến, cũng như trong công tác giúp dân sau cải cách ruộng đất, các cô các chú đều làm việc có tiến bộ. Đó là một điểm tốt. Một điểm nữa là phong trào thi đua tiết kiệm vừa rồi, quân đội cũng khá. Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các cô các chú.

Khá, tốt, nhưng chưa phải là 100%, chớ nghe khen mà tự mãn. Các cô các chú còn phải cố gắng hơn. Đã xung phong thì phải giữ được lâu dài.

Bây giờ Bác hỏi các cô các chú: Sinh hoạt hiện nay so với hồi còn kháng chiến như thế nào? Có hơn không?

(Nhiều tiếng trả lời: Thưa Bác, hơn nhiều ạ!)

- Thế thì tốt lắm. Sinh hoạt có hơn trước, Bác mừng. Ý muốn của Trung ương Đảng và Chính phủ là làm thế nào sinh hoạt được tốt hơn nữa. Nước ta hòa bình mới hai năm, bị chiến tranh tàn phá 15 năm, hiện nay nước ta còn tạm thời bị chia làm hai miền, vậy vì sao sinh hoạt đã cải thiện hơn trước? Đó là do cố gắng của đồng bào, của các cô các chú, đồng thời cũng phải biết là nhờ có sự giúp đỡ của các nước anh em.

Nước ta đất hẹp, người ít, văn hóa kém Liên Xô và Trung Quốc.

Như vậy thì các cô các chú có muốn cải thiện sinh hoạt mau hơn cả Liên Xô, Trung Quốc không?

Muốn cải thiện ngay là không thiết thực, không đúng. Phải đi dần từng bước. Muốn cải thiện sinh hoạt, phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

... Về việc thực hiện chính sách cán bộ, đào tạo, cất nhắc cán bộ, việc khen thưởng trong quân đội và vấn đề ưu đãi gia đình thương binh, liệt sỹ, quân nhân phục viên, Đảng và Chính phủ sẽ chú ý hơn nữa. Trước đây có việc đã thực hiện tương đối khá, cũng có điểm còn thiếu sót. Thiếu sót thì sẽ sửa chữa. Nhưng làm gì cũng phải dần dần.

Bây giờ Bác dặn các cô các chú:

Điểm thứ nhất: Các cô các chú cần phải biết nước ta còn tạm chia làm hai miền, bọn đế quốc, nhất là Mỹ, đang tìm cách phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy nhân dân nói chung, nhất là quân đội, phải luôn luôn cảnh giác, nâng cao chí khí chiến đấu, bất kỳ thời chiến hay thời bình, phải luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị làm nhiệm vụ. Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội.

Điểm thứ hai: Đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh nhất của ta. Phải đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và chiến sỹ, đoàn kết quân dân, đoàn kết với các nước anh em.

Điểm thứ ba: Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng, có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần kiệm, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn luôn giữ vững và phát triển.

Nếu các cô các chú nhớ và thực hiện được "Đoàn kết, cảnh giác, nâng cao chí khí chiến đấu, truyền thống anh dũng, kiên quyết làm tròn nhiệm vụ" thì quân đội ta bất kỳ thời chiến hay thời bình sẽ là quân đội tất thắng, vô địch. Các cô các chú nhớ không? Làm được không?

(Mọi người đồng thanh: Nhớ ạ! Làm được ạ!)

Các cô các chú miền Nam thắc mắc bao giờ thì thống nhất phải không?

(Có ạ!)

Việc thống nhất nước nhà cũng là một cuộc cách mạng, cách mạng thì phải thế nào?

(Phải lâu dài gian khổ!)

Nhưng mà cuối cùng thì thế nào?

(Thì thắng lợi!)

Có nhất định không?

(Nhất định!)

Thế thì không thắc mắc nữa chứ?

(Có nhiều tiếng cười khúc khích)

(Một đồng chí nữ văn công nói: Nhưng mà nhớ nhà lắm ạ!)

Bác quay lại phía đồng chí văn công, hỏi: Bắc, Trung, Nam có mấy Tổ quốc?

(Một ạ!)

- Có mấy Chính phủ ?

(Một ạ!)

Có mấy Đảng?

(Một ạ!)

- Thế thì đây cũng là nhà rồi. Các cô các chú cần phải hiểu: Học đâu, làm việc ở đâu là nhà ở đó. Nhớ miền Nam không phải chỉ có ngồi mà nhớ cái núi, dòng sông, cây dừa rồi hỏi: "Bao giờ thì thống nhất" hoặc lại hỏi "trường kỳ bao nhiêu?". Chúng ta cố gắng khắc phục khó khăn bao nhiêu thì "trường kỳ" rút ngắn đi chừng ấy. Tây cướp nước ta 80 năm, ta bị nô lệ, mất tự do, bệnh nặng thì phải uống thuốc lâu ngày. Cách mạng mấy mươi năm, kháng chiến tám, chín năm, ta đã hoàn toàn giải phóng miền Bắc khỏi ách nô lệ. Thế là như bệnh đã khỏi một nửa. Bây giờ phải cố gắng nữa.

Các chú thương binh và quân nhân phục viên hôm nay có mặt ở đây về gặp anh em nhớ nói lại cho anh em rõ. Thương binh là những người đã đưa một phần xương máu phục vụ cho Tổ quốc. Họ là anh hùng. Quân nhân phục viên đã đánh giặc bao năm, như vậy là đã kinh qua một lịch sử vẻ vang. Bây giờ các chú tuỳ khả năng mà tham gia tăng gia sản xuất, không yêu cầu làm quá sức. Nhưng với truyền thống oanh liệt của quân đội thì bất kỳ đi đâu, làm gì đều phải gương mẫu. Có nhiều chú đã cố gắng gương mẫu. Thế là rất tốt. Bác mong tất cả đều giữ được truyền thống vẻ vang đó.

Trong quân đội cách mạng, cán bộ phải làm gương mẫu, phải chăm nom đến đời sống tinh thần, vật chất của chiến sỹ, phải gương mẫu học tập và giữ kỷ luật. Cán bộ có hứa làm được không?

Các cô các chú đã hứa với Bác, về phải cố làm cho được. Nếu đơn vị nào làm được như đã hứa: Đoàn kết, kỷ luật, học tập, mọi việc đều tốt nhất, Bác sẽ đến thăm trước.

Cuối cùng, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ chúc các cô các chú vui vẻ, mạnh khoẻ, năm mới tiến bộ mới4.

Tâm Trang (tổng hợp)

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.456.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.08-09
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 223-224.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 488-491.

Bài viết khác: