1. Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
- Nghị định này quy định quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sau đây:
+ Dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước.
+ Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Ảnh minh họa: Internet
- Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư của dự án, thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.
- Đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại khoản 1 Điều 1 của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ trên cơ sở đề xuất và kiến nghị của cơ quan có dự án, phù hợp với tính chất đặc thù của dự án và pháp luật nước sở tại.
- Đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
- Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin thuộc diện bí mật nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn khác áp dụng các quy định tại Nghị định này.
Việc quản lý thực hiện hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước được quy định như sau:
- Đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên sau đây, thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm hàng hóa nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị:
+ Mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện có.
+ Mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, phần mềm thương mại; bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm; quản lý vận hành, thuê quản trị, hỗ trợ kỹ thuật hệ thống thông tin, dịch vụ an ninh mạng, an toàn thông tin.
+ Tạo lập, duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu; bảo đảm hoạt động cho cổng/trang thông tin điện tử.
+ Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có mức kinh phí từ 200 triệu đồng trở xuống để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu.
+ Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc thực thi nhiệm vụ giải quyết sự cố theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc yêu cầu nghiệp vụ quy định tại văn bản quy phạm pháp luật.
- Đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về lập đề cương và dự toán chi tiết.
- Đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu, thực hiện theo quy định về quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin như sau:
+ Phân loại dự án; trình tự, thủ tục đầu tư dự án; thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế; quản lý chi phí, quản lý chất lượng thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định này.
+ Chủ trương đầu tư; thẩm quyền quyết định đầu tư; xác định chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
+ Đơn vị đầu mối thẩm định dự án là đơn vị chuyên môn trực thuộc người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
Ngoài ra, việc quản lý thực hiện hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng được quy định trong Nghị định này.
2. Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý quỹ phòng, chống thiên tai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai như sau:
- Sửa đổi khoản 1, khoản 2 Điều 4:
“1. Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Tồn Quỹ cuối năm được chuyển sang năm sau.
2. Cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai là cơ quan quản lý Quỹ; sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ quản lý Quỹ theo quy định của pháp luật, có con dấu và được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm quản lý Quỹ. Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.”
- Sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 6:
“g) Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn; thành viên thuộc hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản nêu trên (nếu có).”
- Sửa đổi bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 9:
“1. Chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai và các hoạt động sau đây:
a) Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ kinh phí tối đa không quá 3 tỷ đồng/1 công trình.
b) Hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai: Sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm; chăm sóc y tế; thực phẩm, nước uống cho người dân nơi sơ tán đến; hỗ trợ quan trắc, thông tin, thông báo, cảnh báo thiên tai tại cộng đồng; tuần tra, kiểm tra phát hiện khu vực nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai, sự cố công trình phòng chống thiên tai.
c) Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa: Xây dựng và phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật; lập, rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai; tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương và cộng đồng; diễn tập phòng, chống thiên tai ở các cấp; tập huấn và duy trì hoạt động cho các đối tượng tham gia hộ đê, lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
3. Hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ nhưng không vượt quá 3% tổng số thu.”
- Bổ sung khoản 3 vào Điều 11như sau:
“3. Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính.”
3. Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Nghị định này áp dụng đối với:
- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
- Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
- Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
- Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
- Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh. Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất.
- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 5.
4. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Theo Nghị định, một số mức xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ; chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều, người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ; khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết…
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy, trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định; chở người trên buồng lái quá số lượng quy định…
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h; bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định; chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức)…
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí…
Một số mức xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt; không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”…
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h; điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông…
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức); chở theo từ 03 người trở lên trên xe; bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định…
- Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ…
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở…
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở…
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe.
Nghị định này còn quy định cụ thể các mức xử phạt đối với các loại xe khác; nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông; hành khách đi xe; người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu…
Khánh Linh (tổng hợp)