- Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2020.
Thông tư này quy định: Nội dung chính ghi trên văn bằng như sau:
- Tiêu đề:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
- Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương).
- Ngành đào tạo.
- Tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng.
- Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng.
- Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng.
- Hạng tốt nghiệp (nếu có).
- Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng.
- Chức danh, chữ ký, họ, chữ đệm, tên của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định.
- Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.
Nội dung chính ghi trên phụ lục văn bằng như sau:
- Thông tin về người được cấp văn bằng: Họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh.
- Thông tin về văn bằng: tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, hình thức đào tạo.
- Thông tin về nội dung, kết quả học tập (nếu có): Tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy, điểm trung bình, tên và kết quả luận văn, luận án, điểm xếp hạng tốt nghiệp. Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học, số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.
- Thông tin kết nối với văn bằng: Mã số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh; số hiệu văn bằng.
Nội dung khác ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng gồm:
- Cơ sở giáo dục đại học được bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật.
- Cơ sở giáo dục đại học tự thiết kế mẫu và được bổ sung các nội dung khác ghi trên phụ lục văn bằng phù hợp với quy định của pháp luật.
- Ngôn ngữ ghi trên phụ lục văn bằng thực hiện như ghi trên văn bằng.
- Thông tư số 01/2020/TT-BYT ngày 16/01/2020 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2020.
Theo đó, Thông tư này sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2018/TT-BYT như sau:
- Sửa đổi, bổ sung ý thứ chín điểm d khoản 1 Điều 2 như sau: “Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện dịch vụ kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được sử dụng thuốc để thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó (bao gồm cả những thuốc quy định tại hạng bệnh viện cao hơn). Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp, gửi danh mục thuốc cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm cơ sở thanh toán.”.
- Sửa đổi, bổ sung nội dung ghi chú của một số thuốc như sau:
+ Sửa đổi nội dung ghi chú thuốc Imatinib số thứ tự 390 (cột số 8) như sau: “Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn (CML) hoặc u mô đệm dạ dày ruột (GIST); thanh toán 80%.”.
+ Sửa đổi nội dung ghi chú thuốc Nilotinib số thứ tự 391 (cột số 8) như sau: “Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn (CML) không dung nạp hoặc kháng lại với thuốc Imatinib; thanh toán 80%.”.
+ Bổ sung nội dung ghi chú thuốc Lansoprazol số thứ tự 670 (cột số 8) như sau: “Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được cấp phép hoặc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc chỉ định dự phòng loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa tại dạ dày, tá tràng do stress ở bệnh nhân hồi sức tích cực.”.
+ Sửa đổi nội dung ghi chú thuốc Omeprazol số thứ tự 675, thuốc Esomeprazol số thứ tự 676, Pantoprazol số thứ tự 677, Rabeprazol số thứ tự 678 (cột số 8) như sau: “Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được cấp phép hoặc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc chỉ định dự phòng loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa tại dạ dày, tá tràng do stress ở bệnh nhân hồi sức tích cực.”.
+ Sửa đổi nội dung ghi chú thuốc Tinh bột este hóa (hydroxyethyl starch), số thứ tự 474 (cột số 8) như sau: “Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi sử dụng dịch truyền đơn thuần không cải thiện lâm sàng; điều trị điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế.”.
- Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2020.
Thông tư quy định, quy trình lựa chọn sách giáo khoa như sau:
- Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.
Ảnh minh hoa: Internet
- Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
- Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 04 (bốn) tháng.
- Thông tư số 01/2020/TT-BNG ngày 06/02/2020 của Bộ Ngoại giao về Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/3/2020.
Lãnh sự danh dự do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm với nhiệm kỳ 03 (ba) năm theo đề nghị của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Khi kết thúc nhiệm kỳ, Lãnh sự danh dự có thể được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm lại theo đề nghị của người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm hoặc theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lãnh sự.
Lãnh sự danh dự có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Lãnh sự danh dự có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam tại nước tiếp nhận phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
- Lãnh sự danh dự thúc đẩy và khuyến khích các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, du lịch giữa Việt Nam và nước tiếp nhận.
- Lãnh sự danh dự có nhiệm vụ báo cáo định kỳ 01 (một) năm một lần (báo cáo được tính đến hết ngày 20/12 hàng năm) về kết quả hoạt động của Lãnh sự danh dự và phương hướng công tác trong thời gian tiếp theo. Các báo cáo này được gửi cho Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm và Cục Lãnh sự.
Khi kết thúc nhiệm kỳ, Lãnh sự danh dự có trách nhiệm lập và gửi báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cho các cơ quan nêu trên.
- Trong khi thực hiện các chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật, tập quán của Việt Nam và nước tiếp nhận, tự thu xếp trụ sở và các phương tiện làm việc cần thiết khác; bảo mật hồ sơ lãnh sự.
Sau khi chấm dứt hoạt động, Lãnh sự danh dự có trách nhiệm bàn giao con dấu, dấu chức danh, dấu tên, Quốc kỳ, Quốc huy, biển hiệu, Thẻ Lãnh sự danh dự và hồ sơ lãnh sự.
- Trong khi thực hiện các chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự có quyền liên hệ công tác và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc.
- Trong khi thực hiện các chức năng lãnh sự, Lãnh sự danh dự được Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc tại nước kiêm nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết.
Người được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Là công dân Việt Nam, công dân nước tiếp nhận hoặc công dân nước thứ ba.
- Thường trú tại nước tiếp nhận.
- Có uy tín trong xã hội, có khả năng tài chính.
- Có lý lịch tư pháp rõ ràng.
- Có hiểu biết về Việt Nam và nước tiếp nhận.
- Không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước Việt Nam hoặc của bất cứ nước nào, không nhận lương từ ngân sách của Chính phủ Việt Nam hoặc bất cứ nước nào.
Khánh Linh (tổng hợp)