Chỉ mục bài viết

1. Một cái Tết ở Pác Bó

Dạo ấy tôi được về Pác Bó với Bác Hồ, hằng ngày được Bác dạy dỗ. Bác nhận tôi là cháu, tôi gọi Bác bằng chú: Chú Thu.

Còn vài ngày nữa thì Tết. Tôi nóng lòng muốn về thăm nhà. Tôi đến xin với Bác.

- Chú cho cháu về Bản với chị em.

Bác bảo:

- Bọn đế quốc đang chờ dịp Tết để bắt mình. Cháu về tức là đem thân nộp miệng cọp đấy. Không được về, tôi ấm ức khóc. Bác dỗ tôi như mẹ dỗ con. Bác lấy cho tôi chiếc khăn tay có hoa đỏ và một cái tỏi gà luộc.

Bác Hồ hiểu rất rõ tục lệ của người Tày: Họ rất quý trẻ nên mổ gà bao giờ cũng dành tỏi gà cho các em nhỏ.

Bác bảo:

- Quà Tết của cháu đấy! Cháu lau nước mắt đi rồi ăn tỏi gà. Ở đây cháu sẽ vui như ở nhà thôi.

Tôi thấy nguôi nguôi trong lòng.

Bác nói thêm:

- Cháu nín đi. Ra giêng chú cho cháu về thăm nhà.

Tôi nghe lời Bác, vui vẻ ở lại.

Mồng 1 Tết, bà con dân bản đem cam, bánh đến mừng tuổi Bác, Bác ân cần chúc Tết bà con, Bác bóc cam chia cho các em nhỏ, Bác còn tặng mỗi người một phong giấy đỏ có gói một đồng xu mới tinh làm quà Tết.

Cái Tết ở Pác Bó tuy đơn sơ nhưng rất ấm cúng. Lần đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà. Được sống trong tình thương của Bác, tôi thấy chẳng khác nào được sống trong gia đình, bên người cha kính yêu của tôi.

(Theo lời kể của đồng chí Nông Thị Trưng, trích trong cuốn Bác Hồ với thiếu nhi)

2. Bác giáo dục cháu Phương Văn Đan

Ở khu lán tập thể bí mật tại thung lũng Sum Đắc, mặc dù rất bận công việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc, Bác vẫn dành thời gian chăm lo đến đời sống của đồng bào và giáo dục các cháu.

Nghe nói cháu Phương Văn Đan hay quấy nhiễu đòi ăn, Bác để ý quan sát tìm hiểu nguyên nhân. Bác phát hiện ra cháu hư là do cha mẹ cháu nuông chiều. Mỗi lần cháu quấy đòi ăn là cha mẹ cháu đã vội vàng lo tìm cái ăn cho cháu ngay, bất kể lúc nào, miễn sao cháu nín là được. Do vậy, cháu ăn uống không có giờ giấc, đói lúc nào là mè nheo đòi ăn lúc ấy. Thương cháu, các chị cấp dưỡng có gì cũng đem cho cháu, khi thì vét ít cơm nguội, lúc ít cháy, lúc khác lại bát cháo…

Bác gọi bố mẹ cháu và các chị cấp dưỡng đến phê bình lối nuông chiều không đúng ấy.

- Phải tập cho cháu ăn uống điều độ từ bé, nhất là ở tập thể, càng phải phục tùng nội quy. Các cô, các chú không nên chiều chuộng cháu, cháu sẽ quen và hư nết đi.

Từ bữa đó, Bác tự mình “uốn nắn” cháu. Lúc đầu cháu rất nhờn với mọi người, nhưng riêng với Bác, cháu lại đặc biệt ngoan ngoãn, biết nghe lời. Bác bảo ban cháu từng li từng tí, chẳng bao lâu cháu tiến bộ trông thấy. Cháu biết ăn uống điều độ, không hay quấy rầy như trước nữa. Đối với tất cả mọi người, cháu đã biết vâng lời, lễ phép.

(Trích trong cuốn Người ở nguồn, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội)

3. Có phải cháu là Hiếu không?

Tháng 11 năm 1946, một trí thức 38 tuổi có bằng Tiến sĩ Văn khoa và Cử nhân Luật của Pháp, rất ngạc nhiên khi nhận được tấm danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời lên gặp.

Trong lần gặp này, Bác đã trực tiếp giao cho anh đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Anh băn khoăn thưa với Bác là chưa tham gia công tác cách mạng bao giờ. Bác Hồ đã ân cần động viên anh: "Cứ làm đi rồi sẽ làm được". Lời động viên thân ái ấy đã là sức mạnh to lớn giúp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đem hết tâm trí ra góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của nước ta cho đến tận những giờ phút cuối cùng của đời mình.

Hôm Bác sang Pháp cùng đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Hội nghị Phôngtennơblô, trong đó có anh, tình cờ tại sân bay Gia Lâm, Bác thấy đồng chí Phạm Văn Đồng bế một cháu gái nhỏ khoảng 4 tuổi. Bác rất vui khi biết đấy là "con gái của bố Huyên”. Cháu bé tên là Hiếu. Bác đón lấy cháu Hiếu và chỉ bế một lát thôi nhưng về sau Bác vẫn không quên cháu bé gái này.

Trong kháng chiến chống Pháp, khi chưa đầy 10 tuổi, bé Hiếu không may bị ốm liệt giường vì bệnh lao xương. Khi biết tin, Bác Hồ đã cho người tìm thuốc và cao hổ cốt để giao cho "chú Huyên" đem về chạy chữa cho bé. Mỗi lần họp Hội đồng Chính phủ, Bác lại hỏi thăm anh Huyên về sức khỏe của bé: "Hiếu đã khỏi chưa? Nếu cháu bắt đầu chơi đùa được là không đáng lo đâu".

Năm 1953, bé Hiếu đã hoàn toàn lành bệnh và được cùng một số thiếu nhi Việt Nam sang học tập tại nước bạn. Bác rất vui khi được báo tin này. Bác tìm một hộp sữa và một mảnh vải kaki màu vàng để "chú Huyên" mang về cho bé Hiếu. Bác còn dặn: "Chú bảo cô may gấp cho cháu một cái áo bằng mảnh vải này nhé".

Nhiều năm trôi qua, một lần tại Hà Nội, Hiếu được cùng một số "cháu ngoan Bác Hồ" lên Phủ Chủ tịch và được gặp Bác. Bác Hồ ân cần thăm hỏi từng cháu một. Khi nghe Hiếu mạnh dạn thưa: "Cháu là con bố Huyên", Bác đã ôm lấy đầu em và âu yếm hỏi: "Có phải cháu là Hiếu không?".

Ôi, tấm lòng của một vị Chủ tịch nước đối với một cháu bé gái mà Người chỉ có dịp bế trong giây lát từ những ngày đầu cách mạng!

Bác ơi, Bác có biết không, đứa cháu gái bé bỏng và ốm yếu ấy giờ đây đã là một bác sĩ trung tá quân y ngày đêm đang tận tình cứu chữa thương bệnh binh tại một bệnh viện lớn nhất của quân đội ta.

(Trích trong cuốn Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)

4. Trong Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước

Đại hội năm ấy, có sáu thiếu nhi đi dự, được Bác rất quan tâm. Hôm cuối Đại hội, các cháu rất vinh dự được lên ghế Đoàn Chủ tịch với Bác.

Sướng quá, các cháu chạy ùa lên. Bác Hồ và Bác Tôn kéo ghế ra cho các cháu đứng vào cạnh hai Bác.

Trong đoàn thiếu nhi có Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay. Bác Hồ chăm chú nhìn Tứ, kéo Tứ lại gần. Bác giới thiệu với Đại hội:

- Dân tộc ta rất anh hùng, người lớn anh hùng, thiếu nhi cũng rất anh hùng. Như cháu Hoa Xuân Tứ này, cụt hai tay mà vẫn học giỏi.

Rồi chỉ vào Đinh Thị Lê Kim, cô bé "Ba đảm đang", Bác bảo:

- Cả cô bé hạt mít này cũng học lớp 6 rồi đấy.

Bác bắt nhịp cho Đại hội hát bài "Giải phóng miền Nam", Bác không hát nhưng vỗ tay theo nhịp, mắt Bác nhìn trìu mến.

Sau đó tất cả đại biểu anh hùng và tập thể anh hùng cùng các cháu thiếu nhi được chụp ảnh chung với Bác. Bác đứng giữa, các cháu thiếu nhi vây quanh.

... Bác lại cho đoàn đại biểu thiếu nhi được gặp riêng Bác.

Ngồi quây quần quanh Bác, các cháu được Bác hỏi tên từng người. Bác chia cho mỗi cháu một cái bánh, Bác hỏi:

- Về dự Đại hội, các cháu muốn nói gì nữa không?

Đinh Thị Lê Kim kể với Bác hồi ở Thái Lan, Kim không được học, phải đi bán bánh, bị cảnh sát đánh. Kể đến đây, Kim khóc. Bác vỗ vai an ủi Kim, rồi Bác kể chuyện Bác hoạt động ở Thái Lan, Bác khen thiếu nhi ta rất anh hùng, dù là ở trong nước hay ngoài nước.

... Các cháu lại được chụp ảnh chung với Bác, hát cho Bác nghe bài "Nguyễn Bá Ngọc, người thiếu niên dũng cảm".

Khi các cháu thiếu nhi ra về, Bác Hồ đứng trông theo cho đến khi xe của các cháu rời bánh.

(Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội).

5. Người đội viên danh dự của Đội Thiếu niên tiền phong Lênin Liên Xô

Năm 1962, đồng chí Hồ Trúc (Bí thư - Trưởng ban thiếu nhi Trung ương đoàn) dẫn đầu Đoàn cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam sang tham quan Liên Xô.

Một lần, đoàn rất xúc động được đến dự buổi kết nạp đội viên danh dự của Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô.

Bước vào buổi lễ, sau phần nghi thức trang nghiêm, một em trong Ban chỉ huy liên đội long trọng đọc quyết định của Đội kết nạp đồng chí Hồ Chí Minh làm đội viên danh dự của Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô. (Theo truyền thống, Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô thường kết nạp những nhân vật tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động làm đội viên danh dự của đội như khi đồng chí Iura Gagarin bay vào vũ trụ, Đội Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô đã kết nạp anh làm đội viên danh dự của Đội).

Bản quyết định kết nạp đội viên cùng khăn quàng đỏ, huy hiệu Đội được đặt trong một hộp  kính trao cho Đoàn đại biểu phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam, nhờ chuyển đến Bác Hồ kính yêu.

Đồng chí Hồ Trúc thay mặt Đoàn tiếp nhận và đã nhờ Sứ quán ta ở Liên Xô chuyển ngay về nước báo cáo với Bác Hồ.

Ngày 12 tháng 8 năm 1962, Bác Hồ đã gửi thư cho đội viên Thiếu niên Tiền phong Lênin Liên Xô theo địa chỉ trên. Trong thư có đoạn viết: "Bác cảm ơn những món quà quý báu: Lá cờ, khăn quàng và huy hiệu của các cháu.

Bác đã nhân danh các cháu chuyển cho một đội thiếu nhi khá nhất ở Hà Nội.

Bác rất vui lòng nhận là "Đội viên danh dự" của Đội các cháu".

(Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội).

6. Một cuộc đối thoại sinh động

Một lần, thăm trại thiếu nhi Tiệp Khắc gần Praha, Bác Hồ đã có một cuộc đối thoại sinh động với các cháu:

- Các cháu thân mến! Các cháu có biết Bác là ai không?

- Ano (có ạ). Strycek Hồ! (Bác Hồ). Các cháu ríu rít trả lời.

- Bác từ nước nào đến?

- Việt Nam! Tất cả đồng thanh nói to.

- Các cháu có yêu học tập không?

- Ano!

- Có yêu lao động không?

- Ano!

- Bác Hồ rất yêu các cháu. Các cháu có yêu Bác Hồ không?

- Ano! Nhiều cháu chen nhau xin được hôn Bác. Bác cười đôn hậu nói vui:

- Bác Hồ gầy, các cháu hôn Bác nhiều quá, Bác sẽ gầy hơn. Các cháu hãy cử đại biểu đến hôn Bác vậy.

Tất cả cười ngặt nghẽo.

(Đăng trên Báo Nhân Dân số ra ngày 05-5-1990).

7. Bác Hồ đến thăm gia đình cháu đó

Năm 1956, Bác Hồ ra thăm đảo Cát Bà, vào một xóm chài.

... Bác vào nhà một gia đình đánh cá ở đầu xóm. Người lớn đi vắng cả. Chỉ một em gái nhỏ đang nấu cơm. Bác hỏi em nhỏ:

- Bố mẹ cháu đi đâu?

Em bé đứng dậy, lễ phép thưa:

- Bố cháu đi đánh cá, mẹ cháu ra chợ ạ. Em bé ngước nhìn ảnh Bác Hồ treo trên vách, rồi nhìn Bác, lại nhìn tấm ảnh, rồi quay lại nhìn Bác.

Chợt mắt em sáng lên, em chạy lại gần Bác Hồ và reo lên:

- Bác Hồ!

Đồng chí Bí thư Huyện ủy nói:

- Bác Hồ tới thăm gia đình cháu đó.

Bác ôm lấy em nhỏ, chỉ bếp lửa, quay lại nói với một đồng chí đi theo:

- Nồi cơm đang sôi, chú ra ghế giúp cháu kẻo khê.

Bác vừa cho em nhỏ kẹo vừa hỏi:

- Cháu mấy tuổi?

- Thưa Bác, cháu lên tám ạ!

Bác mỉm cười khen:

- Tám tuổi mà đã thổi cơm giúp cha mẹ là ngoan.

Một thanh niên mình trần, da lấm tấm nước biển bước nhanh vào nhà. Thuyền anh vừa đến bến, nghe bà con nói Bác Hồ tới thăm nhà nên anh chạy vội về.

Thấy Bác, anh chạy lại chào:

- Kính Bác ạ!

Rồi anh định với lấy cái áo treo trên vách mặc vào người, Bác biết ý, nắm lấy vai anh ngăn lại.

- Chú cứ đứng đây!

Bác ngắm khổ người vạm vỡ của anh thanh niên.

- Dân đánh cá phải mạnh khỏe như chú hoặc hơn nữa mới được.

Bác hỏi thăm về tình hình đời sống.

Anh thanh niên vui sướng báo cáo với Bác là ngày nào vợ chồng cũng có cơm no, con cái được học hành.

Bác gật đầu, rồi cúi xuống hỏi em bé:

- Cháu học lớp mấy rồi?

- Cháu học lớp hai ạ!

Bác tỏ vẻ hài lòng và bảo đồng chí đi theo lấy cho cháu một tờ báo Việt Nam còn thơm mùi giấy và mực in, Bác đã đem từ Hà Nội ra đảo với ý định làm quà cho bà con ngoài này.

Bác vỗ vai anh thanh niên:

- Thôi chú sửa soạn ăn cơm kẻo đói! Những chuyến sau ra biển cố đánh thật nhiều cá.

(Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội).

Tâm Trang (tổng hợp)


8. Người già nên để kẹo cho các cháu

Ở Pác Bó, đồng bào rất thương Bác, quý Bác như người ruột thịt. Mọi người thường nâng niu cất giữ những đồ ăn, thức uống ngon và tìm cách mang lên biếu Bác.

Có lần, chị Ba (tên thật là Lăng Thị Nì) gửi biếu Bác một ít đường và lạc để Bác làm kẹo, Bác nhận, không từ chối. Sau khi làm kẹo xong, Bác đưa cho đồng chí Cáp bảo mang về làng phân phát cho các cháu. Bác phân trần vui vẻ.

- Mọi người cùng thiếu thốn cả, đừng lo cho Bác nữa. Dân làng có gì Bác ăn thứ ấy. Bác già rồi, người già nên để kẹo lại cho các cháu ăn.

Trước lý lẽ ấy, đồng chí Cáp đành phải đem kẹo về làng chia cho các cháu. Nhưng vẫn thương Bác quá. Thế là họ bàn nhau xem Bác thích món gì, làm cho Bác món đó. Họ nhất trí cử chị Ba làm bánh gai biếu Bác. Đồng chí Bế Văn Hải còn kiếm đâu được một bi đông rượu ngọt gửi lên tặng Bác trong dịp Tết âm lịch.

(Trích trong cuốn Người ở nguồn, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội)

9. Ba giếng nước bên khe suối cạn

Ở Sum Đắc, thấy các cháu sống tập thể mải vui chơi bẩn thỉu suốt ngày mà không được tắm giặt, Bác thương lắm. Cả thung lũng chỉ còn lại một khe nước nhỏ đã gần cạn, mọi người đặt vào giữa lạch nước một đoạn nứa nhỏ, dẫn nước chảy ra để hứng, đem về nấu cơm, đun nước, không mấy ai được ra giặt giũ, tắm giặt.

Một buổi sáng, như thường lệ, Bác ngủ dậy ra sân tập thể dục. Tập xong, Bác gọi các cháu nhỏ:

- Các cháu về nhà xem có cái cuốc, cái sao nào tốt lấy ra đây cho Bác nào?

Các cháu xô nhau tranh đi lấy cuốc, lấy sao. Đồng bào thấy lạ, bảo nhỏ các cháu:

- Các em đi theo Bác nhé, xem Bác làm cái gì?

Bác cầm sao, cầm cuốc đi xuống bên khe suối. Bọn trẻ líu ríu theo sau như một bầy chim nhỏ. Khe suối ở đây đã cạn, chỉ chảy nhỏ giọt rất ít nước. Bác tìm mạch nước, rồi dùng sao, cuốc đào một lúc được ba cái giếng nhỏ ở gần nhau. Bác bảo các cháu về lấy than, lấy sỏi, cát ra lọc nước.

Đào xong giếng, Bác quy định rõ ràng giếng ăn, giếng tắm và giếng giặt cho hợp vệ sinh. Bác bảo đồng bào lấy nước ăn ở giếng thứ nhất, chứ không lấy nước ăn ở khe suối nữa. Bác giải thích:

- Ăn uống như thế là có bệnh đấy.

Hôm đó, Bác còn gọi chị Việt Thần ra giếng lấy nước đem đun sôi. Khi nước sôi, Bác hoà lẫn với nước lã cho ấm trong một cái “loỏng” đựng lúa của đồng bào, rồi cùng chị Việt Thần lần lượt tắm rửa cho các cháu thật sạch sẽ. Nhìn Bác làm, ai cũng cảm động rơi nước mắt. Tắm cho các cháu xong, Bác lại cùng chị Việt Thần ngồi giặt giũ quần áo đã cáu bẩn lâu ngày cho các cháu.

Xong đâu đấy, Bác mới gọi các cháu lại, ngồi thành một dãy dài hàng ngang, Bác phân công cụ thể việc tắm giặt giúp các cháu cho từng người.

(Trích trong cuốn Người ở nguồn, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội)

10. Trại thiếu nhi mồ côi Nà Lọm

Sau khi giành được độc lập, đất nước ta lại bước vào cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ.

Chặng đường trường kỳ kháng chiến ấy đã ghi bao dấu chân của Bác trên các nẻo đường Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên...

Những ngày đó, cùng Trung ương Đảng, Bác lo lắng và bộn bề công việc suốt ngày đêm. Người dồn hết tâm sức vào việc chèo chống con thuyền cách mạng qua thác ghềnh sóng gió. Công việc nhiều, Bác càng gầy hơn. Để đảm bảo bí mật, nơi Bác ở được di chuyển luôn. Chiều ngày 19-5-1947, Bác chuyển chỗ ở từ Sơn Dương (Tuyên Quang) đến huyện Định Hoá (Thái Nguyên). Tối hôm ấy, mọi người đi bộ xuyên rừng, trèo đèo, lội suối cho đến khuya. Bác vừa đi đường vừa kể chuyện. Đó là thói quen và cũng là kinh nghiệm của Bác đi đường xa để quên vất vả.

Vào cuối tháng 7, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng lan rộng. Nhiều trẻ em vì chiến tranh, chạy giặc càn, tan tác lạc nhà, mất tin tức bố mẹ. Có một số chạy tạt lên vùng Phú Thọ, vào ở cả các nhà chung. Bác đọc báo biết chuyện đó, Người suy nghĩ nhiều.

 Sáng hôm sau, Bác bảo các đồng chí phục vụ đi tìm các em đưa về bố trí ở gần cơ quan nuôi dạy các em, không xin thêm tiền của Chính phủ, bởi lúc này có bao việc cần chi. Mọi người trong cơ quan tự nguyện bớt "khẩu phần", tăng gia sản xuất thêm và tổ chức cho các em vừa tăng gia sản xuất, vừa học tập. Hai đồng chí được phân công đi đón các em về. Còn những người ở nhà vận động đồng bào địa phương cùng làm lán trại cho các em. Nứa, gỗ trên rừng thì sẵn. Đất làm cũng không thiếu, tình người lại càng sâu.

Đồi Nà Lọm ở xã Phú Đình được chọn để xây dựng trại. Trại ở rìa ngọn đồi, cạnh suối, cây rừng che kín, đi bên ngoài không thấy nhưng thoáng rộng và nên thơ, 35 em được đưa đến đây ở và ăn học. Có em dưới 6 tuổi, đi đường xa các đồng chí phải thay nhau cõng.

Cả cơ quan  lo chăm sóc nuôi dạy các em, các đồng chí còn vận động đồng bào giúp đỡ thêm. Các em cũng giúp được đồng bào nhiều việc.

Cơ quan lúc đó trở thành một gia đình lớn song nguyên tắc bí mật thì vẫn phải đảm bảo. Cơ quan chuyển đến đâu, đồng bào địa phương cũng không biết là cơ quan gì. Đồng bào trở thành mạng lưới bảo vệ chắc chắn. Bất kỳ người lạ hỏi đồng bào điều gì, đều được trả lời gọn: Không thấy, không nghe, không biết. Trại thiếu nhi cũng hoạt động theo chiến thuật du kích di chuyển và phân tán trong những khu rừng heo hút.

Ngày 01-5-1948, Bác chuyển đến ở trại đó một thời gian. Các em nhỏ hồi đó không biết chính Bác là người đã bảo lập trại để nuôi dạy các em. Các em chỉ biết rằng có một người ông phúc hậu đang cùng ở với mình hết sức thân tình.

(Trích trong cuốn Bao la nhân ái Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội)

11. Chai mật ong, bát canh và hai bông hồng

Trên chiến khu Việt Bắc, trong kháng chiến chống Pháp, có một trường mẫu giáo của quân đội - lúc ấy gọi là trại mẫu giáo. Một lần, Bác đã đến thăm. Buổi trưa trong rừng rất mát mẻ, có tiếng suối reo, tiếng chim hót lại thoang thoảng hương thơm của các loại hoa bên vách núi. Bác cầm tay các cháu nói nựng, hệt như ông nội đi xa về thăm đàn cháu ngoan của mình.

Trưa ấy, Bác nghỉ tại trại, thỉnh thoảng Bác nghe tiếng ho của một cháu nhỏ. Lúc dậy Bác hỏi cô Phan Thanh Hoà, người phụ trách các cháu:

- Trưa nay, Bác nghe cháu nào mà ho nhiều thế?

Cô Hoà lễ phép:

- Thưa Bác, cháu Bích Nga đấy ạ! Cháu ho mấy ngày rồi, đã cho cháu uống thuốc nhưng chưa khỏi hẳn.

Nghe xong, Bác dặn cô Phan Thanh Hoà:

- Các cháu như búp măng non, cháu chăm sóc các bé cho thật chu đáo. Ở rừng lạnh, cần cho các cháu mặc ấm...

Hôm sau, trại nhận được một chai mật ong của Bác gửi cho các cháu để chữa ho. Đây là chai mật ong nguyên chất của đồng bào Cao Bằng gửi tặng Bác.

Buổi trưa trong rừng, một tiếng ho của cháu nhỏ đã làm Bác thao thức. Thế mới hay, Bác quan tâm đến lứa tuổi mầm non như thế nào. Nhưng bên cạnh đó, các văn nghệ sĩ, các diễn viên cũng như anh, chị em hoạt động trong các ngành khác đều được Bác quan tâm chu đáo. Ví như nghệ sĩ Kim Liên - một danh ca vừa đi biểu diễn ở nước ngoài về. Chị đến chào Bác sau một chuyến đi biểu diễn thành công. Bác hỏi vui: "Cháu vừa mới đi biểu diễn ở Pari về chắc là thèm ăn canh cua lắm phải không?". Nghệ sĩ Kim Liên thưa với Bác quả là có thèm canh cua, một món ăn quen thuộc của những người quê đồng chiêm trũng. Bữa cơm ấy, cô được thưởng thức món canh cua ngon tuyệt - món ăn được xem là đầu vị bày trên mâm. Lại nhớ lời kể của nghệ sĩ cải lương Ái Liên về Bác. Có một lần, Bác cho chú bảo vệ đến nhà chị để đón Ái Xuân, Ái Vân vào với Bác. Bác cháu gặp nhau chuyện trò rối rít. Dạo ấy, gia đình nghệ sĩ Ái Liên đi sơ tán. Gặp các cháu, Bác hỏi:

- Ở nơi sơ tán các cháu ăn cơm có nhiều thức ăn không?

- Dạ, có!

Bác lại hỏi:

- Có thịt nhiều không?

- Dạ, thịt cũng nhiều ạ!

Bác nói vui:

- Chắc ăn vào phần tiêu chuẩn của má phải không?

Hai chị em cười rúc rích. Sau đó, hai nghệ sĩ nhỏ tuổi này còn khoe với Bác là thích món bún ốc nóng bốc hơi bán ở gốc cây trên hè đường nữa. Lúc hai chị em về, Bác cho một đĩa kẹo và dặn:

- Các cháu nhớ phần quà cho ba má và cho bé Ái Thanh nữa.

Với nhà báo Việt Thảo, Bác có sự ưu ái riêng. Tết Mậu Tuất năm 1958, anh theo Bác đi thăm bà con nông dân xã Việt Hưng, ngoại thành Hà Nội. Thật là một vinh dự lớn đối với anh. Bác có phần thưởng cho anh. Bác nói:

- Chiếc bánh gai chú ăn cho đỡ đói, đêm qua chắc chú thức khuya đón giao thừa, sáng dậy lại đi công tác sớm. Gói kẹo mang về cho các cháu bé. Còn hai bông hồng này, phần chú một bông, đưa tặng cô ấy một bông. Bác mừng năm mới...

Chai mật ong, bát canh cua và hai bông hồng, những cái bình dị của đời thường, qua sự quan tâm của Bác, bỗng trở thành những nét văn hoá rất đẹp, rất ấm tình người. Những ai may mắn tiếp nhận cái đẹp ấy, chắc sẽ biết sống sao cho đẹp hơn.

(Trích trong cuốn Bao la nhân ái Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội)

12. Tấm lòng Bác bao dung tất cả

Bác Hồ yêu các cháu, hiểu các cháu, tin tưởng các cháu. Vì đó là tương lai của dân tộc. Đó là những mầm, những búp trên cành…

Tình yêu đó thấm đậm chất người. Một sự tình cờ đầy ý nghĩa - sau ngày sinh của Bác Hồ là sắp đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 - 6.

7 giờ ngày 27.

Bác gọi chị Thu Trà đến hỏi về tình hình một số cháu học sinh miền Nam nghịch ngợm, quấy phá mà Bác được nghe báo cáo. Việc đó là có thật. Nhưng Bác hỏi về khía cạnh khác. Các cô, các chú dạy dỗ thế nào? Bởi lúc ba má các cháu gửi ra ngoài Bắc thì các cháu đều ngoan và ba má các cháu đều tin tưởng ở hậu phương.

Bác nhắc phải chú ý đến việc các cháu thiếu tình cảm gia đình, phải tìm cách bù đắp. Rồi Bác kết luận: Lỗi các cháu một phần thì lỗi của người lớn chúng ta là mười phần.

Quả nhiên, sau này đưa các cháu đến với sự chăm sóc của các gia đình cán bộ khác thì các cháu đỡ hẳn chuyện gây gổ, nghịch ngợm. Phần Bác cũng nhận chăm sóc một cháu trai, hai cháu gái, con đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Bác luôn luôn coi trẻ em cũng là một nhân cách, một thực thể đáng tôn trọng, chứ không chỉ đáng yêu và đáng mến.

Nhớ hồi năm 1957, một hôm Bác hỏi tôi chuyện riêng tư:

- Chú Kỳ này. Có bao giờ chú đánh con không?

Tôi ấp úng vì quả là lúc giận quá tôi cũng có đánh các cháu. Không dám giấu Bác, tôi thú thật.

- Thưa Bác! Khi nóng giận cũng có lúc cháu đánh dọa vài roi ạ.

Bác vẫn không cao giọng, nhưng nghe thấy nghiêm khắc hơn.

- Thế là dã man đấy, chú ạ.

Tôi suy ngẫm thấy rất đúng.

Bác nhìn nhận khuyết điểm, nhược điểm của con người một cách bình tĩnh như hiểu cái lẽ tự nhiên “bàn tay có ngón dài ngón ngắn vậy”. Tấm lòng Bác mở rộng, bao dung cho tất cả…

Bác không nói trẻ em hư, không nói con người hỏng, mà nhận xét có một số chậm tiến, có một số cụ thể có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời.

(Đồng chí Vũ Kỳ kể, trích trong cuốn Người suy nghĩ về tuổi trẻ chúng ta, Nxb. Thanh niên, Hà Nội)

13. Bác Hồ bón kem cho cháu bé Nam Tư

Ở Nam Tư, ngay từ buổi chiều mới đến, các vị lãnh đạo ở đây hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Thủ đô. Ghé vào thăm một cửa hàng giải khát đang đông khách, Bác thấy một cháu bé ngồi trước cốc kem.

Bác Hồ lại gần, thân mật cầm chiếc thìa xúc kem bón cho cháu nhỏ.

Sáng hôm sau, các báo ở Bêôgrát đều đăng trang trọng ở trang nhất bức ảnh Bác Hồ bón kem cho cháu bé Nam Tư, hiền từ, âu yếm như một người ông.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 05-5-1990)

14. Bác Hồ ơi!

Tôi đã vinh dự được gặp Bác ba lần.

Năm 1957, khi đang học tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, chúng tôi được vinh dự đón Bác vào thăm. Học sinh lúc đó quá đông, tôi không nhìn rõ Bác vì Người đứng quá xa. Nhưng cũng như các bạn mình, chúng tôi thấy lòng tràn ngập vui tươi hào hứng.

Lần thứ hai, năm 1958, khi vừa ở Trung Quốc về nước. Một lần tôi và một số bạn rủ nhau đến Câu lạc bộ Thống Nhất ở Bờ Hồ, Hà Nội đón Trung thu. Không ngờ tại đây, chúng tôi được gặp Bác Hồ.

Lần này, câu lạc bộ ít người hơn hồi ở Trung Quốc. Đa số là các cô chú cán bộ, bộ đội miền Nam, nên dĩ nhiên tụi nhóc chúng tôi được ưu tiên ngồi hàng ghế trước. Bác mặc bộ đồ lụa nâu, đầu trần, mang dép cao su. Mắt Bác sáng âu yếm nhìn hết lượt hội trường và đứng lại hơi lâu nơi hàng ghế thiếu nhi. Bác nói chuyện xong là phát quà.

Vừa phát cho từng cháu Bác vừa hỏi chuyện, tôi hồi hộp đến líu lưỡi khi Bác hỏi:

- Quê cháu ở đâu?

- Dạ… cháu ở Bến Tre ạ.

Bác xoa đầu, rồi phát kẹo cho tôi. Tôi còn nhớ những viên kẹo như rung khẽ trong đôi bàn tay đang run lên vì sung sướng bất ngờ. Tôi cầm kẹo nhưng mắt cứ nhìn theo Bác mãi. Tôi cứ tiếc sao hồi tập kết mẹ không cho hai em gái tôi cùng đi, để chúng nó cũng được gặp Bác Hồ như tôi. Một điều buồn hơn nữa là không sao viết thư kể chuyện vui này cho chúng nó nghe được. Giấy bút nào có thể tả hết được niềm vui của tôi.

Lần thứ ba, tôi được gặp Bác khi tôi đang học tại Trường Tám, Hải Phòng. Lúc đó lớp tôi ngồi đối diện với bục Bác đứng. Tôi ngồi gần phía trước, cách chỗ Bác vài mét. Trong nắng nhạt, Bác hồng hào và vui tươi hơn. Tôi được nhìn Bác kỹ hơn, lâu hơn. Thấy cả chiếc nút áo trên áo vét kaki Bác mặc. Chòm râu thưa - lay động mỗi lần Bác nói và khẽ bay trong nắng đẹp. Tôi lại được kẹo Bác cho. Tôi giữ mãi để dành mang về cho mẹ, cho em. Và rồi cũng phải ăn vì thời gian gặp mẹ thì vô hạn, kẹo bị chảy nước. Hai tờ giấy gói kẹo tôi giữ gìn như lưu vật quý báu. Nhiều bạn cũng làm như tôi. Sau này thất lạc, tôi buồn rất lâu.

Tất cả ba lần được đón Bác, gặp Bác trong đời là niềm vinh hạnh của riêng tôi. Những hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm trí tôi, là động lực thúc đẩy tôi học tập tốt hơn, công tác giỏi hơn để đền đáp công ơn trời biển của Bác.

(Mai Nhị Hà kể, trích trong cuốn Nửa thế kỷ học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2004), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)

Tâm Trang (tổng hợp)


 15. Kỷ niệm gặp Bác

Năm 1955, chừng 20 học sinh Việt Nam người dân tộc Khmer và 30 học sinh của dân tộc Tây Nguyên tập kết ra Bắc có trình độ từ lớp 4 trở lên đi học ở Trường Trung cấp sư phạm miền núi Trung ương cùng các bạn học sinh dân tộc thiểu số ở miền Bắc. Chúng tôi được nghe nhiều tiếng nói, âm sắc khác nhau của mỗi dân tộc biểu hiện lòng mến yêu Bác Hồ bằng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình: Book Hồ, A Cha Hồ, Ava Hồ, Giàng Hồ, Ké Hồ, Bak Hồ, Prack Hồ, Um Hồ… và lúc nào chúng tôi cũng mong được gặp Người. Năm học 1956, ước mơ được gặp Prack Hồ của chúng tôi thành sự thật. Người đi thăm lớp học, nơi ở, nhà bếp, sân chơi… của chúng tôi. Người dặn dò:

- Các cháu là con em các dân tộc trong cả nước về đây học tập để sau này trở thành thầy cô giáo, phải đoàn kết, thương yêu nhau như anh em một nhà. Cố gắng học thật tốt để đem hiểu biết đó xây dựng quê hương mình. Các cháu phải có trách nhiệm mang ánh sáng văn hóa của Đảng về thắp sáng bản mường, buôn rẫy, phum sóc của mình… Rồi Prack Hồ hỏi:

- Các cháu có đồng ý vậy không?

- Thưa Bác, có ạ!

Tất cả chúng tôi đồng thanh trả lời…

Năm 1957, đoàn đại biểu Chính phủ Inđônêxia sang thăm Hà Nội, giáo sinh các dân tộc ở trường chúng tôi mặc trang phục theo dân tộc mình, đón đoàn tại lễ đường Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Bác Hồ giới thiệu chúng tôi với Tổng thống Xucácnô. Rồi Người quay sang hỏi chuyện chúng tôi:

- Cháu là người dân tộc Khmer phải không?

- Dạ, phải!

Tôi vô cùng ngạc nhiên không hiểu tại sao Prack Hồ biết.

- Cháu học lớp mấy?

Người hỏi tiếp.

- Dạ, lớp 7 ạ!

- Nhớ ba má, quê hương miền Nam không?

- Dạ, nhớ lắm ạ!

Prack Hồ dặn:

- Cố gắng học thật giỏi để biểu hiện tấm lòng nhớ thương ba má và quê hương…

Lần ấy là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp Bác. Từ đó, trong quá trình học tập cho đến khi tốt nghiệp bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ở Liên Xô (1970) và mãi mãi không bao giờ tôi quên lời dặn dò của Người.

(Theo lời kể của PTS. Trần Thanh Pôn, Báo Sài Gòn, ngày 19-5-1990).

16. "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh"

"Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam...". Đó là bài đồng ca ở đầu buổi biểu diễn báo cáo thành tích học tập với Bác kính yêu, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, của học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, tối ngày 31 tháng 5 năm 1969.

Hôm ấy, chúng tôi đưa các em đến Phủ Chủ tịch khá sớm để chuẩn bị. Tất cả đều hồi hộp chờ Bác đến. Im lặng và ánh nhìn hướng về phía cửa. Bỗng cả hội trường bừng lên náo nhiệt:

- Bác đến rồi! Nhìn Bác đi thong thả, chậm rãi, linh cảm lo âu bỗng trào lên: Bác yếu mệt rồi ư? Nhưng rồi điều lo lắng ấy của mọi trái tim tan đi nhanh chóng khi bắt gặp nụ cười ấm áp của Bác và khi Người đưa tay vẫy gọi các cháu. Như đàn chim non, bầy trẻ ào đến quây quần quanh Bác.

Bác dẫn các cháu đến chỗ Bác ngồi và bế hai cháu nhỏ nhất vào lòng, kéo các cháu khác đứng bên cạnh. Bác hỏi các cháu chuyện học hành, vui chơi... các cháu tranh đáp lời Bác. Cháu nào cũng muốn kể với Bác thật nhiều. Bác tươi cười chăm chú nghe các cháu kể chuyện như người ông đi xa mới về nghe đàn cháu ríu rít khoe chuyện ở nhà.

Trong không khí đầm ấm ấy, các cháu trong hội đồng ca mở đầu buổi diễn. Bác Hồ vỗ tay hòa theo nhịp hát của các cháu. Cả hội trường hưởng ứng. Bài đồng ca biến thành bài hát tập thể sôi nổi, dạt dào... "Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài. Bác chúng em nước da nâu vì sương gió..." và đến lúc lời ca cuối bài ngân lên "chúng cháu ước mong Bác Hồ Chí Minh sống... muôn... năm". Cả hội trường trào lên trong tiếng vỗ tay kéo dài.

Sau mỗi tiết mục, Bác lại thưởng các cháu kẹo và ân cần động viên, nhận xét bài các cháu biểu diễn. Đặc biệt sau khi em Nguyễn Thu Hải độc tấu đàn 36 dây, Bác ôm hôn và đưa em hai cái kẹo. Hải lưỡng lự băn khoăn không biết nên nhận một hay cả hai chiếc, vì em thấy các bạn ai cũng chỉ nhận một chiếc. Thấy vẻ lưỡng lự ấy, Bác hỏi ngay:

- Cháu muốn lấy một hay hai cái kẹo?

- Thưa Bác, cháu muốn lấy một cái ạ.

Bác Hồ vui vẻ:

- Ừ phải, cháu ăn một cái, còn một cái để phần các bạn Tây Nguyên.

Chả là Hải biểu diễn khá đạt bài "Em nhớ Tây Nguyên". Chi tiết nhỏ bé ấy khiến chúng tôi thấu hiểu lòng Bác chẳng lúc nào nguôi nhớ miền Nam.

Ngay lúc như có điều gì suy nghĩ, Bác gọi em Hải:

- Cháu vừa biểu diễn bằng cây đàn gì vậy?

- Thưa Bác, đấy là cây đàn tam thập lục ạ.

Bác liền bảo:

- Sao cháu không gọi là đàn 36 dây theo tiếng của chúng ta?

Hải lúng túng:

- Thưa Bác, vâng ạ!

Chúng tôi và các em đâu ngờ đó là buổi biểu diễn cuối cùng để Bác xem trước khi Người đi xa.

(Theo Hoàng Đình Anh kể, Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội)

17. Một kỷ niệm không thể nào quên

Nhân dịp Tết đến, Bác Hồ cho tổ chức cuộc họp mặt, gồm đại diện các tầng lớp cán bộ, đồng bào và học sinh miền Nam để Bác chúc Tết, động viên, nhắc nhở mọi người sống và làm việc thật tốt. Giữa lúc thầy trò chúng tôi đang chuẩn bị đón cái Tết thứ hai trên đất Bắc, thì tôi (lúc đó là Hiệu đoàn trưởng học sinh) nhận được giấy mời về Khu Giáo dục học sinh miền Nam họp.

Theo giấy mời, đúng 8 giờ sáng ngày 29 tháng 12 năm 1956, tôi có mặt tại Khu Giáo dục. Chú bảo vệ bảo tôi vào thẳng phòng giám đốc chứ không phải đến hội trường như những lần trước. Thấy tôi, chú Giám đốc Nguyễn Duy Khâm ra tận cửa bắt tay. Mặc dù quản lý gần ba vạn học sinh miền Nam, nhưng chú biết tôi và rất quý tôi, vì tôi thường được họp và làm việc với chú. Tôi gọi chú là chú Tám theo cách gọi của người miền Nam. Chú Tám hiền lành, trầm tĩnh, nói năng nhỏ nhẹ, chú xem học sinh miền Nam như con cháu và học sinh miền Nam kính chú như cha. Chú hỏi qua tình hình học tập sinh hoạt ở trường, rồi nói: “Giờ cháu xuống phòng khách nghỉ, 11 giờ 30 ăn cơm, chiều 5 giờ xuống làm việc với chú”. Chú giao cô phục vụ đưa tôi xuống phòng nghỉ. Nhìn thấy chiếc áo bông tôi mặc đã bạc màu, đôi dép tôi đi đã mòn, chú bảo cô phục vụ đưa tôi xuống kho đổi cái mới.

Còn lại một mình tại phòng nghỉ, tôi suy nghĩ mãi, tại sao giấy mời về họp mà không thấy họp?

Tại sao phải đổi áo mới, dép mới? Tại sao chú Tám niềm nở hơn mọi lần? Linh tính mách bảo tôi sẽ có chuyện gì đây, tôi suy đoán đủ thứ nhưng không dám nghĩ đến khả năng sẽ được gặp Bác Hồ.

5 giờ kém 10 phút tôi đã đứng trước phòng chú Tám, định chờ đúng 5 giờ sẽ vào, nhưng chú Tám đã thấy tôi và ra hiệu bảo tôi vào. Thấy chú Tám có khách, tôi định lui ra, nhưng chú giữ lại và giới thiệu chú Đ công tác ở Văn phòng Trung ương, chú Tám cũng giới thiệu tôi với chú Đ. Chờ uống nước xong, chú Tám nói: “Năm nay, nhân dịp Tết, Bác Hồ muốn gặp đại diện cán bộ, bộ đội, thiếu nhi và đồng bào tập kết để thăm hỏi, chúc Tết.

Riêng học sinh miền Nam, các chú chọn cháu đại diện gặp Bác. Đây là một vinh dự lớn mà nhiều người kể cả chú từng mơ ước nhưng chưa được gặp. Cháu phải cố gắng hơn để không phụ lòng của Bác, của đồng bào miền Nam và các cháu học sinh miền Nam tập kết”. Chú Tám còn dặn dò thêm một số điều nữa, nhưng tôi không còn bình tĩnh để nghe. Tim tôi đập mạnh, người tôi run lên, nước mắt cứ trào ra lăn xuống má. Tôi muốn nhào qua ôm chú Tám để chia sẻ niềm vui quá lớn này.

Đúng 6 giờ, chú Đ đưa tôi ra chiếc xe ôtô màu trắng chờ sẵn. Chú Đ mở cửa sau cho tôi ngồi, còn chú ngồi ghế trước. Chú Tám và một số cô chú ở Khu Giáo dục vẫy tay chào tôi, xe từ từ ra khỏi cổng. Trời Hà Nội mùa đông mới 6 giờ đã tối, đèn đường bật sáng, tôi nhìn ra phố nhưng đầu cứ nghĩ miên man. “Phải đi đứng thế nào? Nói gì với Bác? Tôi sẽ vòng tay cúi đầu chào Bác theo kiểu chào của trẻ em Nam Bộ”. Bỗng tôi chợt nhớ miền Nam, nhớ má và các em đang sống dưới chế độ Mỹ - ngụy. Gia đình tôi có 14 anh, chị em. Cha và 3 anh trai đã bị giặc Pháp giết hại. Trong kháng chiến chống Mỹ 2 anh nữa hy sinh, tôi và người anh thứ mười đi tập kết. Nhà bị giặc Pháp đốt, trâu bò bị chúng bắt, ruộng bỏ hoang. Má tôi đã gần 60 tuổi, phải vất vả tần tảo nuôi con. Má là người phụ nữ chịu quá nhiều cực khổ. Hòa bình lập lại chưa nguôi nỗi đau mất chồng, mất con thì phải tiễn thêm hai đứa con ra Bắc. Tiễn chúng tôi xuống tàu má vừa vui, vừa buồn. Vui vì thấy anh em chúng tôi tiếp tục truyền thống cách mạng của gia đình.

Giá mà má biết được rằng lát nữa đây đứa con trai út của má sẽ được gặp Bác Hồ - Người đã cứu cả dân tộc, trong đó có gia đình mình thoát khỏi ách nô lệ. Vinh dự được gặp Bác Hồ lẽ ra phải là của má. Càng nghĩ, nước mắt tôi càng giàn giụa, chú Đ ngồi ghế trước quay đầu lại nhìn tôi với niềm vui chia sẻ.

Xe dừng lại trước bậc thềm của tòa nhà cao lớn, xung quanh có nhiều cây cảnh, đèn sáng choang. Chú Đ nói đây là Phủ Chủ tịch, Bác Hồ thường tiếp khách nước ngoài ở nơi này.

Qua nhiều bậc thang chúng tôi đến phòng có đèn sáng nhất. Phòng rất rộng, xung quanh bốn bức tường toàn gương, nhìn hướng nào cũng thấy hình mình trong đó. Tôi đứng quan sát kỹ, phía trên có kê cái bục cao 30 cm, giống như sân khấu, trên bục có đặt một cái bàn và một cái ghế, phía dưới là các dãy ghế chạy dài đến cuối phòng. Tôi đoán chắc chắn Bác sẽ vào từ cánh cửa ở gần bục và sẽ ngồi tại chiếc ghế trên bục.

Tôi chọn ngay chiếc ghế hàng đầu để có thể nhìn thẳng lên bàn, ngắm Bác thật kỹ. Tôi đang suy tính thì phía sau lưng tiếng hô vang lên: “Bác Hồ muôn năm!” và tiếng vỗ tay vang dội.

Tôi quay đầu lại thì thấy mọi người đổ dồn về cánh cửa ở cuối phòng, tôi chạy xuống nhưng không tài nào chen vào được. Tôi đành đứng lại với chú thương binh ở hàng ghế thứ hai. Các chú bảo vệ phải vất vả lắm mới đưa Bác nhích lên từng bước. Đến chỗ chú thương binh, Bác dừng lại, ôm chú thương binh và vỗ vỗ vào lưng chú. Tôi lấn sát vào Bác, hai tay nắm lấy tay Bác đưa lên miệng hôn. Bàn tay Bác đầy đặn, mềm mại, hồng hào, ấm áp. Bác xoa đầu tôi. Tối hôm ấy tôi là người trẻ nhất trong số những người gặp Bác.

Ban tổ chức cho xe đưa tôi về tận trường tại làng Đa Sỹ (Hà Đông). Về đến nhà, mặc dù đã hơn 12 giờ khuya tôi vẫn đốt đèn dầu viết thư cho má. Tôi viết từng chi tiết toàn bộ từ đầu đến cuối cuộc gặp gỡ. Tôi phải dừng lại nhiều lần để lau nước mắt. Sau ngày giải phóng miền Nam tôi về mới biết lá thư đó không đến được nhà.

Hai ngày sau khi được gặp Bác Hồ, tôi đã báo cáo về buổi gặp Bác cho toàn trường nghe, các thầy, cô và anh em học sinh miền Nam rất phấn khởi. Sau bài nói chuyện của tôi, thầy Hiệu trưởng lên phát động đợt thi đua “Dạy tốt, học tốt theo lời dạy của Bác Hồ”.

Mặc dù sự kiện đã xảy ra gần nửa thế kỷ (47 năm) nhưng tôi cứ tưởng như mới ngày nào. Tôi vẫn nhớ kỹ từng lời nói, từng cử chỉ của Bác, bởi cuộc gặp mặt đó đã thấm sâu vào máu thịt, vào trái tim tôi, không thể nào quên!

(Theo Nguyễn Sô kể, Nửa thế kỷ học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954

- 2004), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)

18. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ

Hằng ngày, Bác Hồ thường dành thời gian để đi thăm và làm việc với các ngành, các địa phương. Những chuyến đi của Bác thường là không báo trước và cũng rất gọn nhẹ. Nếu phải đi cả ngày Bác bảo chuẩn bị sẵn bữa cơm trưa.

Một lần, sau khi thăm cơ sở xong, trên đường về Hà Nội, thấy một ngọn đồi có cây bóng mát, Bác cho nghỉ lại. Lúc này là vào giữa trưa, đường cái vắng vẻ, mấy Bác cháu giở cơm nắm vừa ăn vừa ngắm cảnh.

Vừa ăn xong, ngồi nghỉ được một lát thì nghe có tiếng lội bì bõm và tiếng cười nói rì rầm. Mấy đồng chí đi theo Bác chạy ra thì thấy hàng chục thiếu nhi trai có, gái có, cháu cầm cào cỏ, cháu xách rổ hái rau, giỏ bắt cua... Tất cả đều hướng về gốc cây to chỗ Bác ngồi.

Đồng chí bảo vệ báo cáo tình hình này với Bác, Bác cười:

- Các chú đi mời các cháu lại đây chơi với Bác, nhưng nhớ đừng làm các cháu sợ.

Các cháu sung sướng chạy ùa đến. Chú bảo vệ tập hợp các cháu lại thành vòng tròn quây quần bên Bác, cháu nào cũng hớn hở vui mừng.

Bác trìu mến nhìn khắp lượt và hỏi:

- Các cháu làm gì mà đông thế?

Một em trai dáng láu lỉnh, nhỏ người nhất đáp lại:

- Thưa Bác, một bạn thấy Bác xuống xe liền thông báo cho chúng cháu ra xem Bác ạ.

Bác cười, nói vui:

- Muốn xem Bác à? Bác ngồi đây cháu nào muốn xem thì xem cho kỹ.

Cả Bác, cháu và các chú cùng được một trận cười vui sung sướng.

Bác hỏi tiếp:

- Các cháu đều đi học cả chứ? Ở đây có cháu nào không được đi học không?

- Dạ, chúng cháu đều đi học cả ạ!

- Học có giỏi không? Có ngoan không?

Nhiều cháu phấn khởi trả lời Bác:

- Có giỏi ạ, có ngoan ạ!

Bác gật đầu hài lòng và bảo các cháu hát một bài, và bài "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng" vang lên. Thế là giữa thiên nhiên trời đất bao la, một dàn đồng ca gồm các nghệ sĩ tí hon không chuyên biểu diễn say sưa dưới bàn tay bắt nhịp của người Bác kính yêu. Các cháu hát xong, Bác trìu mến nhìn các cháu cất giọng hiền từ:

- Bác cảm ơn các cháu đến thăm Bác, hát cho  Bác nghe. Bác mong các cháu học chăm, học giỏi, vâng lời thầy cô và cha mẹ. Bây giờ Bác còn phải đi tiếp, Bác cháu ta tạm chia tay nhau ở đây.

(Trích trong cuốn Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)

Tâm Trang (tổng hợp)


 19. Hai lần gặp Bác

Trung thu năm 1966, Thành đoàn tổ chức cho câu lạc bộ thiếu nhi biểu diễn tại Nhà hát thành phố, có thông báo Bác Hồ sẽ đến vui với các cháu.

Sắp đến giờ mở màn. Mọi người nóng lòng mong Bác đến. Tôi đang khẩn trương chuẩn bị phía trong sân khấu. Thỉnh thoảng lại khẽ hé riđô nhìn ra các hàng ghế đầu xem Bác tới chưa. Nhưng chỗ Bác vẫn để trống mà phía sau đã ngồi đầy ắp ba tầng nhà hát.

Chợt có tiếng reo to: "Bác Hồ! Bác Hồ!". Tôi quay lại đã thấy Bác đứng sau cánh gà trong bộ quần áo lụa giản dị, tay cầm chiếc quạt phất nhẹ nhàng quạt cho mấy cháu đứng bên. Bác hỏi:

- Hôm nay các cháu biểu diễn gì?

- Dạ thưa Bác, hôm nay chúng cháu biểu diễn ca múa nhạc ạ!

Bác hỏi tiếp:

- Thế có tiết mục văn nghệ dân tộc không?

- Thưa Bác, có ạ!

Các cháu ríu rít quanh Bác, còn tôi, vì hồi hộp quá không biết nên thưa Bác điều gì. Bác đi thăm các đồng chí phục vụ nhà hát rồi xuống xem biểu diễn.

Tối biểu diễn hôm đó thành công tốt đẹp, vui, sôi nổi hơn bao giờ hết.

Một lần khác, tôi dẫn gần 100 cháu và cán bộ phụ trách vào biểu diễn phục vụ khách tại Phủ Chủ tịch.

Khi các cháu vừa hóa trang và chuẩn bị xong thì Bác và một số đồng chí từ nhà sàn đi tới, trên “con đường xoài" mát rượi. Các cháu ùa ra đón Bác, còn tôi và mấy anh cán bộ chỉ đứng ngây ra nhìn Bác và đàn cháu nhỏ. Cháu nào cũng muốn chen vào để được gần Bác, để được Bác cầm tay, xoa đầu và hỏi han. Bác và các cháu đi dần về phía "sân khấu" nơi Bác sẽ tiếp khách. Chợt Bác hỏi:

- Hôm nay các cháu làm gì mà đánh phấn, má hồng thế này?

- Thế không đánh phấn thì có biểu diễn được không? - Bác hỏi tiếp.

Các em đồng thanh trả lời:

- Thưa Bác, có ạ!

Cán bộ phụ trách chúng tôi lúc ấy đều hiểu ý Bác: Không nên quá câu nệ hình thức son phấn đối với tuổi thơ trong những buổi sinh hoạt như thế này.

Cuối buổi biểu diễn, Bác cùng khách gọi các cháu đến chia kẹo và chụp ảnh cùng Bác.

(Theo Lê Bùi, Báo Hà Nội mới, ngày 15-5-1985)

20. Bác Hồ với Trung thu độc lập đầu tiên

Chiều hôm đó, thứ 6, ngày 21 tháng 9 năm 1945 (tức ngày 15 tháng 8 năm Ất Dậu), tan giờ làm việc, Bác bảo đồng chí thư ký về nhà trước, còn Bác ở lại Bắc Bộ Phủ để đón các em thiếu nhi vui Tết Trung thu.

Ngay từ chiều, Bác đã cho mời đồng chí Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và một đồng chí phụ trách thiếu nhi của thanh niên đến hỏi về việc tổ chức Trung thu tối nay cho các em.

Nghe báo cáo chỉ có ba địa điểm xung quanh Bờ Hồ để bày mâm cỗ cho hàng vạn em, Bác bảo các anh chị phụ trách phải tổ chức cho thật khéo để em nào cũng có phần. Về chương trình vui chơi, Bác khen là có nhiều cố gắng về mặt hình thức và căn dặn là phải đảm bảo an toàn, nhất là đối với các em nhỏ.

Sau đó, Bác trở về phòng làm việc của mình trên căn gác 2 ở Bắc Bộ Phủ, nhưng chốc chốc Bác lại hỏi:

- Các em đã tập trung đủ ở Bờ Hồ chưa?

Trăng đã bắt đầu lên. Bác Hồ ra đứng ở cửa ngắm đêm trăng và lắng nghe tiếng trống rộn ràng từ các đường phố vọng đến. Ai mà biết được niềm vui lớn đêm nay của Bác Hồ, người chiến sĩ cách mạng đã từng bôn ba khắp năm châu, bốn biển, nếm mật nằm gai, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đem lại độc lập cho Tổ quốc, no ấm cho nhân dân và đặc biệt, cháy bỏng trong lòng Người là niềm mong ước hạnh phúc ấm no cho lớp trẻ thơ.

Đêm nay, giữa lòng Hà Nội, Bác Hồ hồi hộp chuẩn bị đón tiếp "bầy con cưng" của mình. Trước Trung thu mấy hôm, Bác đã viết một lá thư dài gửi các em nhân ngày tựu trường. Sau đó, Bác lại viết Thư gửi các cháu thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu. Thư viết trước Trung thu một tuần lễ để kịp đến với các em khắp các miền trên đất nước. Bác Hồ bao giờ cũng chu đáo như thế.

Và đêm nay, Trung thu đã thực sự đến trong nỗi bồi hồi mong đợi của Bác. Theo chương trình thì đúng 21 giờ các em mới đến vui chung với Bác Hồ. Thế mà lúc này chưa đến 20 giờ Bác đã bồn chồn đi lại trong phòng, xem lại những tấm ảnh lát nữa Bác sẽ tặng cho các em... Thật khó mà hình dung được một cụ già đã gần tuổi 60, một vị Chủ tịch nước, một nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng, một con người vốn có bản lĩnh ung dung, bình thản trong mọi tình huống, đêm nay lại nóng lòng chờ đợi gặp gỡ các em nhỏ như vậy.

Hồ Hoàn Kiếm tưng bừng náo nhiệt. Những bóng điện lấp lánh trong các vòm cây. Hàng ngàn, hàng vạn đèn giấy trên tay các em soi bóng xuống mặt hồ. Trên đỉnh Tháp Rùa rực sáng ánh điện với băng khẩu hiệu "Việt Nam độc lập".

Đúng 20 giờ, lễ Trung thu độc lập đầu tiên bắt đầu. Sau lễ chào cờ, một em đại diện cho hàng vạn thiếu nhi Hà Nội phát biểu niềm vui sướng được trở thành tiểu chủ nhân của nước Độc lập.

Tiếp đó đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ, trịnh trọng đọc thư của Bác Hồ gửi thiếu nhi, căn dặn các em cố gắng học tập để xứng đáng với sự quan tâm, chăm sóc của Bác.

Buổi lễ kết thúc, các đoàn đội ngũ chỉnh tề đều bước trong tiếng trống vang vang hướng về Bắc Bộ Phủ, dẫn đầu đoàn là những đội múa lân, múa sư tử cùng hàng ngàn, hàng vạn chiếc đèn giấy lung linh uốn lượn như một dòng sông sao...

Đúng 21 giờ, các em có mặt trước Bắc Bộ Phủ. Bác Hồ xuất hiện tươi cười, thân thiết. Tiếng hoan hô như sấm dậy. Tiếng trống rộn ràng, sư tử lại nhảy múa, tất cả sung sướng hò reo. Chúc tụng Bác Hồ kính yêu.

Bác Hồ xúc động bước xuống thềm đón các em, tiếng hoan hô lại dậy lên. Một em đứng trước loa phóng thanh đọc lời chào mừng. Đọc xong em hô to "Bác Hồ muôn năm!". Lập tức tiếng hô "Muôn năm" rền vang không ngớt.

Bác Hồ giơ cao hai tay tỏ ý cám ơn các em rồi Bác lần lượt bước đến bắt tay từng em đứng ở hàng đầu. Cặp mắt của Bác ánh lên một niềm vui đặc biệt. Trong lúc ở phía ngoài, các đoàn "xe tăng", các “binh sĩ” tí hon, các đội sư tử với rất nhiều em đeo mặt nạ... ùn ùn kéo vào Bắc Bộ Phủ trong tiếng hò reo vang dậy, khu vườn Bắc Bộ Phủ bỗng nhiên im phăng phắc khi đồng chí phụ trách giới thiệu Bác Hồ sẽ nói chuyện với các em.

Bằng giọng xứ Nghệ có pha lẫn giọng các miền của đất nước, Bác thân thiết trò chuyện với các cháu: "Các cháu! Đây là lời Bác Hồ nói chuyện...".

Cuối cùng, Bác nói: Trước khi các cháu đi phá cỗ, ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu: "Trẻ em Việt Nam sung sướng!", "Việt Nam độc lập muôn năm!".

Tiếng hô hưởng ứng của các em rền vang cả một vùng trời.

Trăng rằm vằng vặc tỏa sáng. Niềm vui tràn ngập cả Hà Nội. Bác Hồ vui sướng đứng nhìn các em vui chơi.

Không ai hiểu được hết niềm vui của Bác Hồ lúc này. Bao nhiêu năm xông pha chiến đấu, phải chăng Bác cũng chỉ mong ước có giây phút sung sướng như đêm nay.

"Trẻ em Việt Nam sung sướng!". Khẩu hiệu đó của Bác Hồ cách đây 45 năm, vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của các thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau.

(Đăng trên Báo Hà Nội mới, số ra ngày 3-10-1990).

21. Vinh dự được Bác quàng khăn đỏ

Sau gần 30 năm kể từ ngày tôi được Bác Hồ quàng khăn đỏ cho (1962), hôm nay tôi vinh dự có dịp gặp lại anh phụ trách của tôi trong những ngày còn tuổi Đội.

Nhìn các anh, tôi nhớ lại những kỷ niệm của một thời thiếu niên đầy vui tươi, sôi nổi và tràn đầy niềm ước vọng trong những ngày tôi sống và sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội), nơi tôi lớn lên và trưởng thành. Những kỷ niệm ngày ấy lần lượt hiện ra trong tôi một cách sinh động.

Hồi đó, chúng tôi là những đội viên thiếu niên xuất sắc được tuyển chọn từ các trường phổ thông lên sinh hoạt tại Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội để rèn luyện và bồi dưỡng năng khiếu. Hằng tuần, sau những ngày học tập, chúng tôi tập trung ở ban ca câu lạc bộ. Phải nói rằng, đó là những ngày tôi say sưa thích thú và hồn nhiên nhất trong quãng đời thiếu niên của mình. Điều mà tôi thích nhất là cứ mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như 19 - 5, 2 - 9 hay những dịp đón các đoàn nước ngoài sang thăm nước ta, là Bác Hồ lại yêu cầu, chỉ thị xuống cho đoàn thiếu nhi ngoan lên chào mừng và thế là chúng tôi lại được gặp Bác. Với Bác, có lẽ thiếu nhi là thế hệ được Bác quan tâm nhiều nhất. Chỉ cần thấy chúng tôi là Bác cười vui lắm. Nụ cười hiền từ, đầy khoan dung của Bác, ai mới gặp đã cảm thấy gần gũi, yêu thương từ lâu rồi.

Những kỷ niệm sâu sắc của tôi là những dịp được vào Phủ Chủ tịch để thăm Bác. Nói đến Bác, đối với tôi là một tình cảm thiêng liêng, trân trọng và cũng là hết sức kính yêu, gần gũi. Mỗi lần nhắc đến Bác, trong tôi chỉ ước ao được là nhà văn để có đủ ngôn từ, hình tượng hay và đẹp nhất dành cho Bác và có thể diễn tả hết lòng mình đối với Bác. Nhưng rất tiếc tôi lại không phải là nhà văn nên những suy nghĩ ấy tôi chỉ còn biết nâng niu, trân trọng để sâu trong tim và biến nó thành lời dạy cho quãng đời mình sau này mà thôi.

Đến hôm nay, biết nói gì đây, những cảm xúc xưa ấy khi tôi lại có dịp gợi lại những kỷ niệm với Bác. Mỗi lần gặp Bác là chúng tôi không thể quên được hình ảnh hiền từ, nhân hậu và thân thương của Bác. Nhất là dịp Tết Trung thu năm 1961, Bác đến câu lạc bộ với chúng tôi là điều thật bất ngờ và đột ngột vì chẳng ai có thể nghĩ rằng Bác đã già yếu, lại bận nhiều công việc nước như vậy mà Bác cũng cố gắng thu xếp đến được với các cháu thiếu nhi. Sự xuất hiện của Bác làm cho ngày Tết Trung thu của chúng tôi thêm rộn ràng và nhiều ý nghĩa.

Bác mặc áo nâu, đi dép cao su, Bác cười vui và lên sân khấu bắt nhịp cho đoàn hợp ca của chúng tôi hát. Bác không quên căn dặn chúng tôi vui Tết Trung thu rồi trở về cố gắng học tập, chăm ngoan, phải nhớ lời Bác dạy đoàn kết, thương yêu nhau.

Tất cả những hình ảnh đó đều ghi thành dấu ấn sâu sắc trong mỗi chúng tôi. Rồi Bác còn đến phái đoàn ngoại giao Inđônêxia do Tổng thống dẫn đầu cũng là kỷ niệm khó quên được đối với tôi. Bởi những lúc đó, tôi thấy Bác của chúng ta như trẻ lại và gần gũi với thiếu nhi vô cùng. Song sâu sắc vẫn là dịp Tết năm 1962 khi chúng tôi được vào Phủ Chủ tịch để chúc thọ Bác. Hôm đó, tôi còn nhớ mãi Bác mặc bộ kaki trắng bạc màu, vẫn đôi dép cao su giản dị ấy Bác ra đón chúng tôi cùng với bác Phạm Văn Đồng (ngày ấy còn trẻ)... Chúng tôi vây quanh lấy Bác, nhìn Bác không chớp mắt, sao Bác hiền thế, khó hình dung nổi đó là vị Chủ tịch mà lại gần gũi với mọi người như vậy. Thế rồi tôi được vinh dự thay mặt các bạn thiếu nhi Thủ đô đọc lời chúc thọ Bác. Sau khi tôi đọc xong, Bác ôm lấy tôi, vỗ vai trìu mến hỏi: “Cháu tên là gì? Học ở đâu?

- Tôi trả lời: Dạ thưa Bác, cháu tên Đỉnh, cháu học lớp 6 Trường cấp II Trưng Vương ạ”.

Bác lại hỏi: “Cháu học có tốt không? Có ngoan không?”.

- Tôi niềm nở trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu học tốt và luôn luôn vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo ạ”.

- Bác nói: “Tốt lắm!”… Rồi đem ra một chiếc khăn quàng đỏ và tôi đang ngỡ ngàng thì Bác quàng lên vai tôi chiếc khăn đó. Tôi cảm động không nói nên lời chỉ còn biết lúng túng trong miệng: “Cháu cảm ơn Bác!”. Thế là Bác mở đầu cho tràng vỗ tay rộn rã rồi Bác chúc Tết chúng tôi.

Mọi người đều im lặng lắng nghe giọng nói ấm áp của Bác: “Chúc các cháu sang năm mới thêm một tuổi phải lớn lên, khoẻ mạnh nhiều lên và phải học thật giỏi, chăm ngoan, biết vâng lời cha mẹ, thầy cô và các anh chị phụ trách, đặc biệt phải nhớ 5 Điều Bác đã dặn… Cháu nào còn nhớ 5 Điều đó không?”. Trong chúng tôi có bạn thưa với Bác đó là:

Điều 1: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt.

Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Bác nói: “Tốt lắm! Các cháu gắng sức làm tốt nhé và phải gương mẫu giúp đỡ bạn bè cùng thực hiện nhé. Các cháu có đồng ý với Bác không”.

- Thưa Bác, chúng cháu xin hứa thực hiện tốt ạ!

Lại một tràng vỗ tay rộn rã vang lên. Bác cháu cùng vui vẻ. Bác phát bánh kẹo cho chúng tôi như mọi lần. Chúng tôi, mỗi người đều có một gói kẹo rất ngon…

Kết thúc buổi đó, Bác cũng không quên bắt nhịp cho chúng tôi hát bài Kết đoàn. Chúng tôi chia tay Bác ra về trong lòng vô cùng vấn vương với hình ảnh của Bác.

Riêng với tôi, từ đó đến nay, trên mọi nẻo đường và trong mọi lĩnh vực học tập và công tác, tuy không còn được gặp Bác nữa nhưng hình ảnh và những lời dạy của Bác vẫn còn trong tiềm thức của tôi, theo tôi trong mọi suy nghĩ và hành động. Nó trở thành niềm tự hào và động lực giúp tôi luôn hoàn thành tốt trong công tác, luôn giữ đúng phẩm chất đạo đức của một người giáo viên để không phụ lòng mong mỏi của Bác.

(Nguyễn Thị Đỉnh kể, trích trong cuốn Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội)

22. Bác Hồ đến thăm lớp vỡ lòng Đình Thạch Khối, Hàng Than

Sáng thứ tư, ngày 31 tháng 12 năm 1959, trời hửng nắng, thời tiết ấm áp, khoảng 10 giờ 20 phút, khi lớp học buổi sáng ở đình Thạch Khối sắp kết thúc thì bỗng có hai chiếc xe ôtô con lướt tới đỗ ngay trước cổng đình. Cửa xe mở. Một cụ già mặc quần áo kaki đã bạc màu, chân đi dép cao su giản dị, bước ra.

- Bác Hồ! Bác Hồ đến!

Đoàn người ùa ra, reo lên sung sướng. Bác tươi cười giơ tay chào bà con khối phố và bước nhanh vào đình. Cùng đi với Bác có đồng chí Trần Danh Tuyên, Bí thư Thành ủy Hà Nội và một số cán bộ khác.

Khi vào lớp, các cháu reo mừng vây lấy Bác. Bác ân cần bảo các cháu về chỗ ngồi để Bác nói chuyện.

Bác hỏi thầy giáo chủ nhiệm lớp Phan Thành:

- Các cháu có ngoan không chú?

Cảm động và sung sướng, đồng chí Thành trả lời:

- Dạ, thưa Bác, các em ngoan ạ.

Bác hỏi tiếp:

- Các cô, các chú chăm sóc các cháu như thế nào?

- Dạ, thưa Bác, chúng cháu chăm sóc các em chu đáo, dạy các em học tập, biết giữ gìn vệ sinh, lại dạy các em cả múa hát nữa.

Bác quay lại nói với các cháu:

- Các cháu học có giỏi không, có vâng lời các thầy cô giáo không?

Các em vui sướng cùng đáp:

- Thưa Bác, có ạ!

Bác xem sách một số em, khen các em viết chữ sạch đẹp.

Bác nói với đồng chí Thành:

- Bây giờ chú gọi một cháu lên bảng tập đọc cho Bác nghe.

Thầy Thành gọi một em trai lên bảng và bảo em tập đọc bài Ông Tý có một quả ớt đỏ. Em đọc bài xong, Bác xoa đầu và khen:

- Cháu đọc giỏi, Bác rất vui lòng.

Sau đó, Bác hỏi cả lớp:

- Các cháu có thích ăn kẹo không nào?

- Thưa Bác, có ạ!

Bác gọi đồng chí đi theo lấy kẹo phân phát cho các cháu. Trong lúc các cháu ăn kẹo, Bác dặn dò các thầy cô giáo:

- Đây là mầm non của đất nước, các cô chú phải dạy cho các cháu thật ngoan để sau này xây dựng đất nước được tốt.

Sau đó, Bác căn dặn các cháu:

- Các cháu phải học hành thật tốt, vâng lời thầy giáo, cô giáo, về nhà vâng lời bố mẹ, không đánh cãi nhau và giữ gìn vệ sinh cho sạch sẽ, Bác mong các cháu đều trở thành cháu ngoan của Bác Hồ.

Bác bảo các cháu hát cho Bác nghe. Các cháu cùng nhau hát bài Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh.

Các cháu hát xong, Bác vỗ tay khen, mong các cháu học giỏi, hát hay, múa khéo cho vui lòng các thầy, các cô.

Sau khi thăm lớp, Bác bảo các thầy giáo đưa Bác xem chỗ uống nước và nơi vệ sinh của các cháu.

Bác ân cần dặn dò:

- Các cô chú phải cho các cháu uống nước nóng để giữ gìn sức khoẻ. Chỗ vệ sinh phải luôn sạch sẽ để các cháu khỏi bị trơn ngã. Bác đi quanh hết khu vực đình Thạch Khối, ân cần chỉ dẫn từng việc như một người ông hiền từ đang dạy bảo cháu con.

Thời gian trôi đi rất nhanh. Bác đã ra về mà mọi người vẫn chưa hết cảm động, bồi hồi.

(Trích trong cuốn Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội và những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội)

Tâm Trang (tổng hợp)


 23. Thường ngày Bác yêu trẻ con một cách kỳ lạ

Mọi người chúng ta đều biết Bác Hồ yêu thương trẻ em như thế nào. Chúng ta có thể kể ra biết bao hình ảnh sinh động, những kỷ niệm sâu sắc, nói lên tấm lòng yêu thương thắm thiết của Bác Hồ đối với trẻ em. Nghĩ đến trẻ em, tự nhiên chúng ta nghĩ đến Bác Hồ. Những đồng chí có vinh dự được sống gần Bác đều kể lại rằng, Bác Hồ có cảm tình đặc biệt đối với trẻ em. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục Cảnh vệ Bộ Nội vụ kể: "Có một đêm, Bác ngủ trên gác một căn nhà, tới 4 giờ sáng Người thức giấc. Ngoài trời gió vun vút đập vào cửa kính. Ngồi trong nhà còn thấy lạnh, thế mà đã có tiếng trẻ rao hàng dưới đường phố vọng lên. Bác mở cửa ngó xuống nhìn cho đến khi em bé đi khuất mới từ từ khép cửa lại".

Nhà thơ Tú Mỡ nhớ lại trong Đại hội chiến sĩ thi đua năm 1952 sau một buổi chiếu bóng, mọi người lục tục đứng dậy ra về, Bác vội đứng lên đưa tay ra lệnh trật tự và nói to: "Hãy khoan đã, để cho cháu bé ra trước, kẻo lộn xộn các cháu sẽ lạc đấy". Đồng chí Tú Mỡ thốt lên: "Chao ôi! Óc sáng suốt của Bác thật lạ kỳ hiếm có! Bác chăm lo hàng vạn việc lớn mà không quên sót một việc nhỏ mà người khác thường không nghĩ tới. Ai chú ý chăm sóc các cháu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh".

Chuyện thường ngày của Bác Hồ do đồng chí Hoàng Quốc Việt biên soạn đã viết: "Bác yêu trẻ con một cách kỳ lạ! Đang trò chuyện, đọc báo mà nghe trên đài có tiếng trẻ em hát là Bác dừng lại nghe. Đã nhiều lần Bác cùng với đồng chí phục vụ đoán xem em bé vừa hát xong mấy tuổi. Rồi Bác bảo đồng chí ấy, lúc nào tiện, hỏi bên đài phát thanh xem. Mặc dù đồng chí ấy thường ngày về nhà vẫn chăm sóc con nhỏ mà lại hay đoán sai, còn Bác thường là đoán trúng. Bác bảo một đồng chí phục vụ ở gần Bác thỉnh thoảng đưa con nhỏ đến chơi với Bác. Nhưng vì Bác bận nhiều việc nên đồng chí phục vụ phải chọn thời gian vào các buổi sáng sớm. Cháu bé sắp được đến thăm Bác Hồ thì thích lắm, tự mình thức dậy rất sớm, giục bố đi từng phút một. Có lần đến, thấy trên nhà sàn chưa bật đèn, hai bố con chưa dám lên. Chờ đến khi phòng Bác sáng đèn, hai bố con lên nhà đã thấy Bác cầm sẵn trên tay mấy bông hoa cho cháu, trên bàn Bác đã bày sẵn kẹo để đón khách “tí hon”…”.

(Trích trong cuốn Kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội)

24. Nụ hôn của Bác

Đến Trường Sư phạm miền núi Trung ương năm 1957, tôi vừa tròn 16 tuổi, với mọi bỡ ngỡ của một học sinh từ Trường Thiếu nhi ở Trung Quốc về. Tôi là người dân tộc Nùng, quê ở Võ Nhai, Thái Nguyên, nơi còn thiếu nhiều giáo viên.

Năm 1957, tôi cùng Đội Văn nghệ được đi đón Bác Hồ và ông Tổng thống Xucácnô. Tôi cùng bạn Hoàng biểu diễn điệu múa “Hái hoa trên đồng cỏ” cho Bác và ông Xucácnô xem tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa múa xong, Bác từ trên khán đài hỏi với xuống “Cháu vừa múa điệu múa của dân tộc nào?”.

Tôi vô cùng xúc động trả lời: “Thưa Bác, cháu vừa múa điệu múa của dân tộc Khmer ạ!”. Từ trên khán đài, Bác gật đầu khen ngợi. Tôi thật sự sung sướng.

Nhưng thú vị và hân hoan nhất, khi vừa ra khỏi cổng Trường Đại học Tổng hợp, chúng tôi thấy nhân dân Thủ đô đứng kín hai bên đường chờ chào đón Bác và ông Xucácnô. Tôi và cô My dân tộc Mông, được nhận hai bó hoa đem tặng Bác và ông Xucácnô ở trước cửa trường. Khi Bác vừa xuất hiện, hai chị em lách đám đông ôm hoa chạy đến dâng hai Bác. Tuy rất đông, nhưng nhân dân Hà Nội tự dạt sang hai bên, để nhường lối cho hai chị em chúng tôi nhanh chân tới dâng hoa cho Bác. Bác Hồ ôm tôi vào lòng và đặt một nụ hôn ấm áp lên trán tôi. Ôi! Còn gì sung sướng hơn thế!

Tôi lắp bắp: “Bác ơi! Bác ơi! Kính mời Bác đến thăm trường chúng cháu!”. Bác gật đầu và nói với tôi: “Cháu đưa hoa tặng Bung Xucácnô đi”. Tôi và My đều dâng hoa cho Bung Xucácnô.

Khoảnh khắc gặp Bác bất ngờ quá! Nhanh quá! Khi hai Bác lên xe đi rồi, tôi cùng Đội Văn nghệ bần thần mãi chưa muốn về. Thầy Dũng giục chúng tôi lên xe về trường. Bước xuống xe về lớp học trong niềm vui sướng dâng trào! Nụ hôn của Bác vẫn còn ấm trên trán tôi.

Mọi người hỏi: “Xuyến ơi! Bác hôn Xuyến à?” Tôi chỉ gật đầu không nói ra lời. Niềm vui sướng được gặp Bác, được Bác hôn lên trán cứ nhân lên mãi suốt chặng đường công tác trên 30 năm.

Hình ảnh Bác, nụ hôn của Bác đã giúp tôi vượt qua bao khó khăn trong dạy học, công tác dân vận. Tôi đã hoàn thành mọi công tác ở bất cứ hoàn cảnh nào ở Khu Việt Bắc suốt thời kỳ chống Mỹ oanh liệt. Nay về với chồng con ở Phan Thiết - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, tôi vẫn ngày đêm nhớ Bác không nguôi.

(Theo Hoàng Thị Xuyến kể, trích trong cuốn Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Nxb.Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006)

25. Nhớ mãi lần gặp Bác Hồ ở Nam Ninh, Trung Quốc

Trong cuộc đời mỗi con người, điều may mắn nhất là có những kỷ niệm sâu sắc, đẹp đẽ nằm sâu trong ký ức, không thể nào quên.

Đối với tôi, một chú bé từ thuở ấu thơ lên 9, lên 10, cha đi bộ đội chống Pháp, mẹ tần tảo một nách nuôi hai con, quang gánh tản cư… trôi dạt về xóm Sỏi, làng Phụ Quang (Nhơn Hòa, An Nhơn, Bình Định) tìm kế sinh sống và nuôi con để chồng đi đánh giặc, cứu nước, thì điều này càng trở nên quý giá. Từ tấm bé, tôi đã phải đi ở đợ chăn bò, kiếm miếng cơm qua ngày. Mười ba, mười bốn tuổi tôi vẫn còn mù chữ. Xuất thân từ một gia đình nghèo khổ đi theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ, tôi luôn luôn ghi nhớ mãi hai kỷ niệm sâu sắc nhất: được gặp Bác kính yêu và được vào Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh…

Giờ đây, sau 42 năm ngồi nhớ lại lần đầu cùng các bạn học sinh miền Nam tập kết được gặp và nghe Bác Hồ dạy bảo tại “Khu học xá Nam Ninh” (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), lòng tôi lại trào dâng bao xúc cảm…

Đó là một buổi sáng mùa Đông năm 1957, những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Sau khi dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 - 1957) trên đường về nước, Bác Hồ ghé thăm cán bộ, giáo viên và học sinh đang học văn hóa tại Khu học xá Nam Ninh. Ngay từ ngày hôm trước, trên hệ thống loa truyền thanh của Khu học xá đã thông báo cho các cán bộ, giáo viên, học sinh cần khẩn trương dọn dẹp vệ sinh phòng ốc, nơi ăn ở, trường lớp… và ăn mặc quần áo đẹp, chỉnh tề để đón tiếp một vị lãnh tụ Nhà nước ta đến thăm… Không ai bảo ai, nhưng chúng tôi đều thầm đoán là Bác Hồ kính yêu sẽ đến thăm Khu học xá Trung ương. Chính nơi đây, Mao Chủ tịch dành đặt cho cái tên rất hay và ý nghĩa là “Trường Đào tạo nhân tài ở Nam Ninh”…

Và điều mơ ước hồi hộp trông đợi ấy đã đến. Sáng ngày 24 tháng 12 năm 1957, khi hồi kẻng tập hợp vang lên báo hiệu, các lớp học sinh nam nữ từ trường 1 đến trường 4, với hơn 3.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 10, gồm các bạn học sinh Việt Nam và các bạn học sinh hai nước Lào, Campuchia, đã đổ về quảng trường lớn trước Đại lễ đường, chờ đón Bác Hồ kính yêu.

Khoảng hơn 8 giờ sáng, khi làn sương sớm mùa Đông vừa tan, bình minh tỏa rạng bao trùm toàn khu vườn hoa, thư viện, nhà thí nghiệm… rực rỡ, tưởng như mùa Xuân đến sớm ở đây thì bỗng cả rừng người chao động, tiếng hò reo vang vọng một vùng trời: “A! Bác Hồ đến rồi”! “Bác Hồ muôn năm!...”.

Tôi tuy còn nhỏ con, thấp bé vẫn cố rướn người, kiễng chân, ngước lên lễ đài để nhìn Bác Hồ thật rõ. Tôi thấy Bác Hồ đúng như lời nhạc sĩ Phong Nhã tả trong lời ca mà tuổi thơ chúng tôi thường vẫn hát vang vang: “Bác chúng em dáng cao cao người thanh thanh, Bác chúng em nước da nâu, râu hơi dài… Bác nay tuy đã già rồi, già rồi nhưng vẫn vui tươi…”. Bác Hồ tươi cười hiền hậu, Người giơ tay ra hiệu cho mọi người ổn định trật tự. Người nói:

- Trước hết, Bác thay mặt Đảng, Chính phủ và bố mẹ các cháu cảm ơn Đảng, Chính phủ, nhân dân và các đồng chí Trung Quốc ở đây đã giúp đỡ, dạy bảo các cháu. Bác cũng thay mặt Đảng, Chính phủ và đồng bào hỏi thăm các cô giáo, thầy giáo và các cháu học sinh. Bác thường theo dõi sự giáo dục, học hành và sinh hoạt của các cháu… Bây giờ Bác nói với các cháu học sinh. Các cháu ạ, nói chung các cháu đều chăm học, biết đoàn kết giúp đỡ nhau. Nhưng các cháu cũng còn nhiều khuyết điểm. Một số thôi chứ không phải là toàn thể - Bác dừng lại, đưa ánh mắt trìu mến nhìn chúng tôi, rồi nói tiếp - trong các cháu có nhiều mặt tốt, nhưng cũng có những khuyết điểm. Bác  nêu rõ cả những mặt không tốt nữa, các cháu có đồng ý không?.

Chúng tôi đồng thanh:

- Thưa Bác, đồng ý ạ!

Bác Hồ đã nêu rõ từng khuyết điểm, từng vụng dại của nhóm trẻ con chúng tôi. Người nói:

- Bác nghe nói, các cháu còn thiếu vệ sinh. Cháu nào như thế thì giơ tay lên nào!

Một số cháu giơ tay. Bác gật đầu và góp ý:

- Thế là không ngoan. Các cháu không biết rằng, giữ vệ sinh tức là giữ cho mình sao? Việc này cán bộ cũng phải chịu trách nhiệm - Người nói tiếp - Việc thứ hai là các cháu thiếu ý thức kỷ luật. Cái đó cũng không tốt. Vì các cháu là tương lai của nước nhà.

Sau này các cháu sẽ trở thành cán bộ lo việc cho nước. Một nước, một tổ chức mà không có kỷ luật thì sẽ lung tung, sẽ không làm gì được. Vậy cháu nào không giữ được kỷ luật mạnh dạn giơ tay lên Bác xem nào!

- Nhiều bạn học sinh, đa số là con trai, đã giơ tay. Bác Hồ nhìn thấy, và bằng giọng không vui, Người nói:

- Chà! Cũng khá đông đấy. Rồi Bác ôn tồn nói tiếp: Điểm thứ ba là có nhiều cháu không biết quý trọng của công. Các cháu có biết một năm đã làm vỡ bao nhiêu miếng kính không? Hai nghìn miếng. Đó là mồ hôi, nước mắt của nhân dân Trung Quốc nhịn ăn nhịn mặc dựng xây nên những ngôi trường khang trang cho các cháu học hành. Các cháu đập vỡ kính như thế có thấy xấu hổ không?

Nhiều bạn học sinh nam mạnh dạn:

- Thưa Bác, xấu hổ lắm ạ!

Bằng những việc thật cụ thể, Bác Hồ đã nêu tiếp những khuyết điểm của học sinh chúng tôi.

Người đặt câu hỏi:

- Nếu các cháu không giữ được kỷ luật, không bảo vệ của công, sau này lớn lên thói ấy quen đi thì liệu các cháu có thể làm được cán bộ không? Mấy ngàn học sinh chúng tôi ngồi trật tự lắng nghe như uống vào lòng từng lời dạy bảo chân tình của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Bác nói tiếp:

- Một điểm nữa là một số các cháu thiếu lễ phép. Các cháu lễ phép thì lại bẽn lẽn. Bẽn lẽn không phải là lễ phép đâu? Có cháu không bẽn lẽn thì lại nghênh ngang! Như vậy có đúng không? Không bẽn lẽn, nhưng không được nghênh ngang mới là lễ phép… Trước giờ tạm biệt, Bác Hồ kính yêu còn dạy chúng tôi:

- Một điểm nữa, Bác muốn nói với các cháu là các cháu bé đối với các bạn gái không lễ phép! Có cháu hay dọa, có khi đánh lại bạn gái nữa! Làm như vậy có tốt không, các cháu? Các bạn đều đồng thanh:

- Thưa Bác, không ạ!

Bác Hồ ôn tồn nói:

- Biết không tốt tại sao các cháu lại làm! Đó là khuyết điểm của một số cháu. Nói tóm lại, khuyết điểm của các cháu là: 1- Thiếu vệ sinh; 2- Thiếu kỷ luật; 3- Không tôn trọng của công; 4- Thiếu lễ phép; 5- Giữa các cháu trai và các cháu gái chưa giúp đỡ nhau. Những điều đó các cháu phải giúp nhau sửa chữa. Các cô giáo, thầy giáo, anh chị phụ trách cần giúp các cháu sửa. Bác mong các cháu cần chăm chỉ học hành, siêng năng lao động và biết tiết kiệm, quý trọng của công. Không làm vỡ kính. Giấy trắng không được vẽ bừa bãi, lãng phí. Quần áo mặc phải giữ gìn sạch sẽ. Ta phải nhớ những thứ ấy ở đâu mà ra. Phải giữ gìn cẩn thận. Phải tiết kiệm, không được phung phí, vì nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn khó khăn, gian khổ…

Những lời dạy chí tình của Bác Hồ kính yêu đã được các bạn tôi - những học sinh miền Nam tập kết ngày ấy - ghi nhớ và phấn đấu trên mọi lĩnh vực. Nhiều bạn đã trở thành chiến sĩ anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Nhiều bạn trở thành kỹ sư, nhà giáo, bác sĩ, văn nghệ sĩ, nhà báo… góp sức lực, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy cách đây 42 năm ở Khu học xá Trung ương Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày ấy…

(Theo Đặng Phú Sĩ kể, trích trong cuốn Nửa thế kỷ học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2004), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác:

https://lapak77s.pro/

https://lapak77slot.com/

https://lapak77slot.org/

https://allwpzone.com/

https://www.dirwell.com/

https://www.fmcpconservancy.org/

score8

score8

score8

score8

score8

score8

score8

score8

score8

score8

https://www.filmhead.com/

https://www.askives.com/

https://coconutjerky.net/

https://www.progettopo.net/

https://www.score8.co.com/

https://score8slot.org/

https://score8sport.id/

https://subwaycrush.net/

https://colombianbrides.net/

https://hazladetos.org/

https://ketobhbpills.org/

https://loicwacquant.net/

https://meetupislamabad.com/

https://flawedfromthestart.org/

https://ketomegamart.com/

over138

over138

https://www.frozencortex.com/

https://www.horseandcountrysingles.com/

https://www.over138.com/

https://teenageteardrops.com/

https://urbanyogissg.com/

https://myannabellelane.com/

https://northlandsclinic.com/

https://over138.info/

https://over138.net/

https://over138.org/

https://over138.xyz/

https://findonlineessaywriters.com/

https://unlimiteddetailtechnology.com/

https://www.under138.com/

https://www.under138.info/

https://bsimotors.com/

https://bukuberita.com/

https://momandpopphoto.com/

https://stellardawncentral.com/

https://weissministry.com/

https://www.jamvybez.com/

               
    |\__/,|   (`\
    |o o  |__ _) brands
  _.( T   )  `  / 
 ((_ `^--' /_<  \
 `` `-'(((/  (((/  

https://poltekpelsulut.ac.id/wp-content/lp77/

https://green.umk.ac.id/templates/system/Olymp/

https://green.umk.ac.id/templates/system/Lapak77/

https://green.umk.ac.id/images/2017/04/06/scr8/

http://crm.giftalove.com/barcodes/love/

http://crm.giftalove.com/images/

http://admin.thepackersmovers.com/CompanyDocument/packing/

http://admin.thepackersmovers.com/images/black/

https://res.giftalove.com/images/News/berita/

https://inkhaspress.inkhas.ac.id/artikel/

https://simtak.itpb.ac.id/codes/

https://simtak.itpb.ac.id/config/system/

https://mpd.langsakota.go.id/wp-content/sm/

https://stieprasetiyamandiri.ac.id/lapak77-slot-gacor-thailand-2025/

https://stieprasetiyamandiri.ac.id/lapak77-slot-gacor-thailand-2025/lapak77-slot-gacor-thailand-2025.html

https://stieprasetiyamandiri.ac.id/sdana/

https://stiesabang.ac.id/lapak77-slot-gacor-thailand-2025/

https://stiesabang.ac.id/under138-slot-gates-of-olympus-gacor-terbaru/

https://siakad.itpa.ac.id/system/lapak77pro/

https://giahungpro.vn/slot-pgsoft-terbaru-bet400-bisa-maxwin/

https://lms.akabi.ac.id/situs-gacor-gampang-menang-terbaru-2025/

https://surat-fipk.iakntarutung.ac.id/link-gacor-terbaru-gampang-menang-2025/

https://surat-fipk.iakntarutung.ac.id/situs-deposit-dana-5000-sudah-maxwin-tanpa-batas/

https://surat-fipk.iakntarutung.ac.id/daftar-situs-slot-maxwin-gacor-tanpa-batas-tiap-hari/

https://surat-fipk.iakntarutung.ac.id/raja-situs-gacor-2025-gampang-menang/