15. Kỷ niệm gặp Bác
Năm 1955, chừng 20 học sinh Việt Nam người dân tộc Khmer và 30 học sinh của dân tộc Tây Nguyên tập kết ra Bắc có trình độ từ lớp 4 trở lên đi học ở Trường Trung cấp sư phạm miền núi Trung ương cùng các bạn học sinh dân tộc thiểu số ở miền Bắc. Chúng tôi được nghe nhiều tiếng nói, âm sắc khác nhau của mỗi dân tộc biểu hiện lòng mến yêu Bác Hồ bằng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình: Book Hồ, A Cha Hồ, Ava Hồ, Giàng Hồ, Ké Hồ, Bak Hồ, Prack Hồ, Um Hồ… và lúc nào chúng tôi cũng mong được gặp Người. Năm học 1956, ước mơ được gặp Prack Hồ của chúng tôi thành sự thật. Người đi thăm lớp học, nơi ở, nhà bếp, sân chơi… của chúng tôi. Người dặn dò:
- Các cháu là con em các dân tộc trong cả nước về đây học tập để sau này trở thành thầy cô giáo, phải đoàn kết, thương yêu nhau như anh em một nhà. Cố gắng học thật tốt để đem hiểu biết đó xây dựng quê hương mình. Các cháu phải có trách nhiệm mang ánh sáng văn hóa của Đảng về thắp sáng bản mường, buôn rẫy, phum sóc của mình… Rồi Prack Hồ hỏi:
- Các cháu có đồng ý vậy không?
- Thưa Bác, có ạ!
Tất cả chúng tôi đồng thanh trả lời…
Năm 1957, đoàn đại biểu Chính phủ Inđônêxia sang thăm Hà Nội, giáo sinh các dân tộc ở trường chúng tôi mặc trang phục theo dân tộc mình, đón đoàn tại lễ đường Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Bác Hồ giới thiệu chúng tôi với Tổng thống Xucácnô. Rồi Người quay sang hỏi chuyện chúng tôi:
- Cháu là người dân tộc Khmer phải không?
- Dạ, phải!
Tôi vô cùng ngạc nhiên không hiểu tại sao Prack Hồ biết.
- Cháu học lớp mấy?
Người hỏi tiếp.
- Dạ, lớp 7 ạ!
- Nhớ ba má, quê hương miền Nam không?
- Dạ, nhớ lắm ạ!
Prack Hồ dặn:
- Cố gắng học thật giỏi để biểu hiện tấm lòng nhớ thương ba má và quê hương…
Lần ấy là lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp Bác. Từ đó, trong quá trình học tập cho đến khi tốt nghiệp bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ở Liên Xô (1970) và mãi mãi không bao giờ tôi quên lời dặn dò của Người.
(Theo lời kể của PTS. Trần Thanh Pôn, Báo Sài Gòn, ngày 19-5-1990).
16. "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh"
"Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam...". Đó là bài đồng ca ở đầu buổi biểu diễn báo cáo thành tích học tập với Bác kính yêu, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, của học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, tối ngày 31 tháng 5 năm 1969.
Hôm ấy, chúng tôi đưa các em đến Phủ Chủ tịch khá sớm để chuẩn bị. Tất cả đều hồi hộp chờ Bác đến. Im lặng và ánh nhìn hướng về phía cửa. Bỗng cả hội trường bừng lên náo nhiệt:
- Bác đến rồi! Nhìn Bác đi thong thả, chậm rãi, linh cảm lo âu bỗng trào lên: Bác yếu mệt rồi ư? Nhưng rồi điều lo lắng ấy của mọi trái tim tan đi nhanh chóng khi bắt gặp nụ cười ấm áp của Bác và khi Người đưa tay vẫy gọi các cháu. Như đàn chim non, bầy trẻ ào đến quây quần quanh Bác.
Bác dẫn các cháu đến chỗ Bác ngồi và bế hai cháu nhỏ nhất vào lòng, kéo các cháu khác đứng bên cạnh. Bác hỏi các cháu chuyện học hành, vui chơi... các cháu tranh đáp lời Bác. Cháu nào cũng muốn kể với Bác thật nhiều. Bác tươi cười chăm chú nghe các cháu kể chuyện như người ông đi xa mới về nghe đàn cháu ríu rít khoe chuyện ở nhà.
Trong không khí đầm ấm ấy, các cháu trong hội đồng ca mở đầu buổi diễn. Bác Hồ vỗ tay hòa theo nhịp hát của các cháu. Cả hội trường hưởng ứng. Bài đồng ca biến thành bài hát tập thể sôi nổi, dạt dào... "Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài. Bác chúng em nước da nâu vì sương gió..." và đến lúc lời ca cuối bài ngân lên "chúng cháu ước mong Bác Hồ Chí Minh sống... muôn... năm". Cả hội trường trào lên trong tiếng vỗ tay kéo dài.
Sau mỗi tiết mục, Bác lại thưởng các cháu kẹo và ân cần động viên, nhận xét bài các cháu biểu diễn. Đặc biệt sau khi em Nguyễn Thu Hải độc tấu đàn 36 dây, Bác ôm hôn và đưa em hai cái kẹo. Hải lưỡng lự băn khoăn không biết nên nhận một hay cả hai chiếc, vì em thấy các bạn ai cũng chỉ nhận một chiếc. Thấy vẻ lưỡng lự ấy, Bác hỏi ngay:
- Cháu muốn lấy một hay hai cái kẹo?
- Thưa Bác, cháu muốn lấy một cái ạ.
Bác Hồ vui vẻ:
- Ừ phải, cháu ăn một cái, còn một cái để phần các bạn Tây Nguyên.
Chả là Hải biểu diễn khá đạt bài "Em nhớ Tây Nguyên". Chi tiết nhỏ bé ấy khiến chúng tôi thấu hiểu lòng Bác chẳng lúc nào nguôi nhớ miền Nam.
Ngay lúc như có điều gì suy nghĩ, Bác gọi em Hải:
- Cháu vừa biểu diễn bằng cây đàn gì vậy?
- Thưa Bác, đấy là cây đàn tam thập lục ạ.
Bác liền bảo:
- Sao cháu không gọi là đàn 36 dây theo tiếng của chúng ta?
Hải lúng túng:
- Thưa Bác, vâng ạ!
Chúng tôi và các em đâu ngờ đó là buổi biểu diễn cuối cùng để Bác xem trước khi Người đi xa.
(Theo Hoàng Đình Anh kể, Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội)
17. Một kỷ niệm không thể nào quên
Nhân dịp Tết đến, Bác Hồ cho tổ chức cuộc họp mặt, gồm đại diện các tầng lớp cán bộ, đồng bào và học sinh miền Nam để Bác chúc Tết, động viên, nhắc nhở mọi người sống và làm việc thật tốt. Giữa lúc thầy trò chúng tôi đang chuẩn bị đón cái Tết thứ hai trên đất Bắc, thì tôi (lúc đó là Hiệu đoàn trưởng học sinh) nhận được giấy mời về Khu Giáo dục học sinh miền Nam họp.
Theo giấy mời, đúng 8 giờ sáng ngày 29 tháng 12 năm 1956, tôi có mặt tại Khu Giáo dục. Chú bảo vệ bảo tôi vào thẳng phòng giám đốc chứ không phải đến hội trường như những lần trước. Thấy tôi, chú Giám đốc Nguyễn Duy Khâm ra tận cửa bắt tay. Mặc dù quản lý gần ba vạn học sinh miền Nam, nhưng chú biết tôi và rất quý tôi, vì tôi thường được họp và làm việc với chú. Tôi gọi chú là chú Tám theo cách gọi của người miền Nam. Chú Tám hiền lành, trầm tĩnh, nói năng nhỏ nhẹ, chú xem học sinh miền Nam như con cháu và học sinh miền Nam kính chú như cha. Chú hỏi qua tình hình học tập sinh hoạt ở trường, rồi nói: “Giờ cháu xuống phòng khách nghỉ, 11 giờ 30 ăn cơm, chiều 5 giờ xuống làm việc với chú”. Chú giao cô phục vụ đưa tôi xuống phòng nghỉ. Nhìn thấy chiếc áo bông tôi mặc đã bạc màu, đôi dép tôi đi đã mòn, chú bảo cô phục vụ đưa tôi xuống kho đổi cái mới.
Còn lại một mình tại phòng nghỉ, tôi suy nghĩ mãi, tại sao giấy mời về họp mà không thấy họp?
Tại sao phải đổi áo mới, dép mới? Tại sao chú Tám niềm nở hơn mọi lần? Linh tính mách bảo tôi sẽ có chuyện gì đây, tôi suy đoán đủ thứ nhưng không dám nghĩ đến khả năng sẽ được gặp Bác Hồ.
5 giờ kém 10 phút tôi đã đứng trước phòng chú Tám, định chờ đúng 5 giờ sẽ vào, nhưng chú Tám đã thấy tôi và ra hiệu bảo tôi vào. Thấy chú Tám có khách, tôi định lui ra, nhưng chú giữ lại và giới thiệu chú Đ công tác ở Văn phòng Trung ương, chú Tám cũng giới thiệu tôi với chú Đ. Chờ uống nước xong, chú Tám nói: “Năm nay, nhân dịp Tết, Bác Hồ muốn gặp đại diện cán bộ, bộ đội, thiếu nhi và đồng bào tập kết để thăm hỏi, chúc Tết.
Riêng học sinh miền Nam, các chú chọn cháu đại diện gặp Bác. Đây là một vinh dự lớn mà nhiều người kể cả chú từng mơ ước nhưng chưa được gặp. Cháu phải cố gắng hơn để không phụ lòng của Bác, của đồng bào miền Nam và các cháu học sinh miền Nam tập kết”. Chú Tám còn dặn dò thêm một số điều nữa, nhưng tôi không còn bình tĩnh để nghe. Tim tôi đập mạnh, người tôi run lên, nước mắt cứ trào ra lăn xuống má. Tôi muốn nhào qua ôm chú Tám để chia sẻ niềm vui quá lớn này.
Đúng 6 giờ, chú Đ đưa tôi ra chiếc xe ôtô màu trắng chờ sẵn. Chú Đ mở cửa sau cho tôi ngồi, còn chú ngồi ghế trước. Chú Tám và một số cô chú ở Khu Giáo dục vẫy tay chào tôi, xe từ từ ra khỏi cổng. Trời Hà Nội mùa đông mới 6 giờ đã tối, đèn đường bật sáng, tôi nhìn ra phố nhưng đầu cứ nghĩ miên man. “Phải đi đứng thế nào? Nói gì với Bác? Tôi sẽ vòng tay cúi đầu chào Bác theo kiểu chào của trẻ em Nam Bộ”. Bỗng tôi chợt nhớ miền Nam, nhớ má và các em đang sống dưới chế độ Mỹ - ngụy. Gia đình tôi có 14 anh, chị em. Cha và 3 anh trai đã bị giặc Pháp giết hại. Trong kháng chiến chống Mỹ 2 anh nữa hy sinh, tôi và người anh thứ mười đi tập kết. Nhà bị giặc Pháp đốt, trâu bò bị chúng bắt, ruộng bỏ hoang. Má tôi đã gần 60 tuổi, phải vất vả tần tảo nuôi con. Má là người phụ nữ chịu quá nhiều cực khổ. Hòa bình lập lại chưa nguôi nỗi đau mất chồng, mất con thì phải tiễn thêm hai đứa con ra Bắc. Tiễn chúng tôi xuống tàu má vừa vui, vừa buồn. Vui vì thấy anh em chúng tôi tiếp tục truyền thống cách mạng của gia đình.
Giá mà má biết được rằng lát nữa đây đứa con trai út của má sẽ được gặp Bác Hồ - Người đã cứu cả dân tộc, trong đó có gia đình mình thoát khỏi ách nô lệ. Vinh dự được gặp Bác Hồ lẽ ra phải là của má. Càng nghĩ, nước mắt tôi càng giàn giụa, chú Đ ngồi ghế trước quay đầu lại nhìn tôi với niềm vui chia sẻ.
Xe dừng lại trước bậc thềm của tòa nhà cao lớn, xung quanh có nhiều cây cảnh, đèn sáng choang. Chú Đ nói đây là Phủ Chủ tịch, Bác Hồ thường tiếp khách nước ngoài ở nơi này.
Qua nhiều bậc thang chúng tôi đến phòng có đèn sáng nhất. Phòng rất rộng, xung quanh bốn bức tường toàn gương, nhìn hướng nào cũng thấy hình mình trong đó. Tôi đứng quan sát kỹ, phía trên có kê cái bục cao 30 cm, giống như sân khấu, trên bục có đặt một cái bàn và một cái ghế, phía dưới là các dãy ghế chạy dài đến cuối phòng. Tôi đoán chắc chắn Bác sẽ vào từ cánh cửa ở gần bục và sẽ ngồi tại chiếc ghế trên bục.
Tôi chọn ngay chiếc ghế hàng đầu để có thể nhìn thẳng lên bàn, ngắm Bác thật kỹ. Tôi đang suy tính thì phía sau lưng tiếng hô vang lên: “Bác Hồ muôn năm!” và tiếng vỗ tay vang dội.
Tôi quay đầu lại thì thấy mọi người đổ dồn về cánh cửa ở cuối phòng, tôi chạy xuống nhưng không tài nào chen vào được. Tôi đành đứng lại với chú thương binh ở hàng ghế thứ hai. Các chú bảo vệ phải vất vả lắm mới đưa Bác nhích lên từng bước. Đến chỗ chú thương binh, Bác dừng lại, ôm chú thương binh và vỗ vỗ vào lưng chú. Tôi lấn sát vào Bác, hai tay nắm lấy tay Bác đưa lên miệng hôn. Bàn tay Bác đầy đặn, mềm mại, hồng hào, ấm áp. Bác xoa đầu tôi. Tối hôm ấy tôi là người trẻ nhất trong số những người gặp Bác.
Ban tổ chức cho xe đưa tôi về tận trường tại làng Đa Sỹ (Hà Đông). Về đến nhà, mặc dù đã hơn 12 giờ khuya tôi vẫn đốt đèn dầu viết thư cho má. Tôi viết từng chi tiết toàn bộ từ đầu đến cuối cuộc gặp gỡ. Tôi phải dừng lại nhiều lần để lau nước mắt. Sau ngày giải phóng miền Nam tôi về mới biết lá thư đó không đến được nhà.
Hai ngày sau khi được gặp Bác Hồ, tôi đã báo cáo về buổi gặp Bác cho toàn trường nghe, các thầy, cô và anh em học sinh miền Nam rất phấn khởi. Sau bài nói chuyện của tôi, thầy Hiệu trưởng lên phát động đợt thi đua “Dạy tốt, học tốt theo lời dạy của Bác Hồ”.
Mặc dù sự kiện đã xảy ra gần nửa thế kỷ (47 năm) nhưng tôi cứ tưởng như mới ngày nào. Tôi vẫn nhớ kỹ từng lời nói, từng cử chỉ của Bác, bởi cuộc gặp mặt đó đã thấm sâu vào máu thịt, vào trái tim tôi, không thể nào quên!
(Theo Nguyễn Sô kể, Nửa thế kỷ học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954
- 2004), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)
18. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ
Hằng ngày, Bác Hồ thường dành thời gian để đi thăm và làm việc với các ngành, các địa phương. Những chuyến đi của Bác thường là không báo trước và cũng rất gọn nhẹ. Nếu phải đi cả ngày Bác bảo chuẩn bị sẵn bữa cơm trưa.
Một lần, sau khi thăm cơ sở xong, trên đường về Hà Nội, thấy một ngọn đồi có cây bóng mát, Bác cho nghỉ lại. Lúc này là vào giữa trưa, đường cái vắng vẻ, mấy Bác cháu giở cơm nắm vừa ăn vừa ngắm cảnh.
Vừa ăn xong, ngồi nghỉ được một lát thì nghe có tiếng lội bì bõm và tiếng cười nói rì rầm. Mấy đồng chí đi theo Bác chạy ra thì thấy hàng chục thiếu nhi trai có, gái có, cháu cầm cào cỏ, cháu xách rổ hái rau, giỏ bắt cua... Tất cả đều hướng về gốc cây to chỗ Bác ngồi.
Đồng chí bảo vệ báo cáo tình hình này với Bác, Bác cười:
- Các chú đi mời các cháu lại đây chơi với Bác, nhưng nhớ đừng làm các cháu sợ.
Các cháu sung sướng chạy ùa đến. Chú bảo vệ tập hợp các cháu lại thành vòng tròn quây quần bên Bác, cháu nào cũng hớn hở vui mừng.
Bác trìu mến nhìn khắp lượt và hỏi:
- Các cháu làm gì mà đông thế?
Một em trai dáng láu lỉnh, nhỏ người nhất đáp lại:
- Thưa Bác, một bạn thấy Bác xuống xe liền thông báo cho chúng cháu ra xem Bác ạ.
Bác cười, nói vui:
- Muốn xem Bác à? Bác ngồi đây cháu nào muốn xem thì xem cho kỹ.
Cả Bác, cháu và các chú cùng được một trận cười vui sung sướng.
Bác hỏi tiếp:
- Các cháu đều đi học cả chứ? Ở đây có cháu nào không được đi học không?
- Dạ, chúng cháu đều đi học cả ạ!
- Học có giỏi không? Có ngoan không?
Nhiều cháu phấn khởi trả lời Bác:
- Có giỏi ạ, có ngoan ạ!
Bác gật đầu hài lòng và bảo các cháu hát một bài, và bài "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng" vang lên. Thế là giữa thiên nhiên trời đất bao la, một dàn đồng ca gồm các nghệ sĩ tí hon không chuyên biểu diễn say sưa dưới bàn tay bắt nhịp của người Bác kính yêu. Các cháu hát xong, Bác trìu mến nhìn các cháu cất giọng hiền từ:
- Bác cảm ơn các cháu đến thăm Bác, hát cho Bác nghe. Bác mong các cháu học chăm, học giỏi, vâng lời thầy cô và cha mẹ. Bây giờ Bác còn phải đi tiếp, Bác cháu ta tạm chia tay nhau ở đây.
(Trích trong cuốn Thư ký Bác Hồ kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)
Tâm Trang (tổng hợp)