8. Người già nên để kẹo cho các cháu
Ở Pác Bó, đồng bào rất thương Bác, quý Bác như người ruột thịt. Mọi người thường nâng niu cất giữ những đồ ăn, thức uống ngon và tìm cách mang lên biếu Bác.
Có lần, chị Ba (tên thật là Lăng Thị Nì) gửi biếu Bác một ít đường và lạc để Bác làm kẹo, Bác nhận, không từ chối. Sau khi làm kẹo xong, Bác đưa cho đồng chí Cáp bảo mang về làng phân phát cho các cháu. Bác phân trần vui vẻ.
- Mọi người cùng thiếu thốn cả, đừng lo cho Bác nữa. Dân làng có gì Bác ăn thứ ấy. Bác già rồi, người già nên để kẹo lại cho các cháu ăn.
Trước lý lẽ ấy, đồng chí Cáp đành phải đem kẹo về làng chia cho các cháu. Nhưng vẫn thương Bác quá. Thế là họ bàn nhau xem Bác thích món gì, làm cho Bác món đó. Họ nhất trí cử chị Ba làm bánh gai biếu Bác. Đồng chí Bế Văn Hải còn kiếm đâu được một bi đông rượu ngọt gửi lên tặng Bác trong dịp Tết âm lịch.
(Trích trong cuốn Người ở nguồn, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội)
9. Ba giếng nước bên khe suối cạn
Ở Sum Đắc, thấy các cháu sống tập thể mải vui chơi bẩn thỉu suốt ngày mà không được tắm giặt, Bác thương lắm. Cả thung lũng chỉ còn lại một khe nước nhỏ đã gần cạn, mọi người đặt vào giữa lạch nước một đoạn nứa nhỏ, dẫn nước chảy ra để hứng, đem về nấu cơm, đun nước, không mấy ai được ra giặt giũ, tắm giặt.
Một buổi sáng, như thường lệ, Bác ngủ dậy ra sân tập thể dục. Tập xong, Bác gọi các cháu nhỏ:
- Các cháu về nhà xem có cái cuốc, cái sao nào tốt lấy ra đây cho Bác nào?
Các cháu xô nhau tranh đi lấy cuốc, lấy sao. Đồng bào thấy lạ, bảo nhỏ các cháu:
- Các em đi theo Bác nhé, xem Bác làm cái gì?
Bác cầm sao, cầm cuốc đi xuống bên khe suối. Bọn trẻ líu ríu theo sau như một bầy chim nhỏ. Khe suối ở đây đã cạn, chỉ chảy nhỏ giọt rất ít nước. Bác tìm mạch nước, rồi dùng sao, cuốc đào một lúc được ba cái giếng nhỏ ở gần nhau. Bác bảo các cháu về lấy than, lấy sỏi, cát ra lọc nước.
Đào xong giếng, Bác quy định rõ ràng giếng ăn, giếng tắm và giếng giặt cho hợp vệ sinh. Bác bảo đồng bào lấy nước ăn ở giếng thứ nhất, chứ không lấy nước ăn ở khe suối nữa. Bác giải thích:
- Ăn uống như thế là có bệnh đấy.
Hôm đó, Bác còn gọi chị Việt Thần ra giếng lấy nước đem đun sôi. Khi nước sôi, Bác hoà lẫn với nước lã cho ấm trong một cái “loỏng” đựng lúa của đồng bào, rồi cùng chị Việt Thần lần lượt tắm rửa cho các cháu thật sạch sẽ. Nhìn Bác làm, ai cũng cảm động rơi nước mắt. Tắm cho các cháu xong, Bác lại cùng chị Việt Thần ngồi giặt giũ quần áo đã cáu bẩn lâu ngày cho các cháu.
Xong đâu đấy, Bác mới gọi các cháu lại, ngồi thành một dãy dài hàng ngang, Bác phân công cụ thể việc tắm giặt giúp các cháu cho từng người.
(Trích trong cuốn Người ở nguồn, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội)
10. Trại thiếu nhi mồ côi Nà Lọm
Sau khi giành được độc lập, đất nước ta lại bước vào cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ.
Chặng đường trường kỳ kháng chiến ấy đã ghi bao dấu chân của Bác trên các nẻo đường Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên...
Những ngày đó, cùng Trung ương Đảng, Bác lo lắng và bộn bề công việc suốt ngày đêm. Người dồn hết tâm sức vào việc chèo chống con thuyền cách mạng qua thác ghềnh sóng gió. Công việc nhiều, Bác càng gầy hơn. Để đảm bảo bí mật, nơi Bác ở được di chuyển luôn. Chiều ngày 19-5-1947, Bác chuyển chỗ ở từ Sơn Dương (Tuyên Quang) đến huyện Định Hoá (Thái Nguyên). Tối hôm ấy, mọi người đi bộ xuyên rừng, trèo đèo, lội suối cho đến khuya. Bác vừa đi đường vừa kể chuyện. Đó là thói quen và cũng là kinh nghiệm của Bác đi đường xa để quên vất vả.
Vào cuối tháng 7, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng lan rộng. Nhiều trẻ em vì chiến tranh, chạy giặc càn, tan tác lạc nhà, mất tin tức bố mẹ. Có một số chạy tạt lên vùng Phú Thọ, vào ở cả các nhà chung. Bác đọc báo biết chuyện đó, Người suy nghĩ nhiều.
Sáng hôm sau, Bác bảo các đồng chí phục vụ đi tìm các em đưa về bố trí ở gần cơ quan nuôi dạy các em, không xin thêm tiền của Chính phủ, bởi lúc này có bao việc cần chi. Mọi người trong cơ quan tự nguyện bớt "khẩu phần", tăng gia sản xuất thêm và tổ chức cho các em vừa tăng gia sản xuất, vừa học tập. Hai đồng chí được phân công đi đón các em về. Còn những người ở nhà vận động đồng bào địa phương cùng làm lán trại cho các em. Nứa, gỗ trên rừng thì sẵn. Đất làm cũng không thiếu, tình người lại càng sâu.
Đồi Nà Lọm ở xã Phú Đình được chọn để xây dựng trại. Trại ở rìa ngọn đồi, cạnh suối, cây rừng che kín, đi bên ngoài không thấy nhưng thoáng rộng và nên thơ, 35 em được đưa đến đây ở và ăn học. Có em dưới 6 tuổi, đi đường xa các đồng chí phải thay nhau cõng.
Cả cơ quan lo chăm sóc nuôi dạy các em, các đồng chí còn vận động đồng bào giúp đỡ thêm. Các em cũng giúp được đồng bào nhiều việc.
Cơ quan lúc đó trở thành một gia đình lớn song nguyên tắc bí mật thì vẫn phải đảm bảo. Cơ quan chuyển đến đâu, đồng bào địa phương cũng không biết là cơ quan gì. Đồng bào trở thành mạng lưới bảo vệ chắc chắn. Bất kỳ người lạ hỏi đồng bào điều gì, đều được trả lời gọn: Không thấy, không nghe, không biết. Trại thiếu nhi cũng hoạt động theo chiến thuật du kích di chuyển và phân tán trong những khu rừng heo hút.
Ngày 01-5-1948, Bác chuyển đến ở trại đó một thời gian. Các em nhỏ hồi đó không biết chính Bác là người đã bảo lập trại để nuôi dạy các em. Các em chỉ biết rằng có một người ông phúc hậu đang cùng ở với mình hết sức thân tình.
(Trích trong cuốn Bao la nhân ái Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội)
11. Chai mật ong, bát canh và hai bông hồng
Trên chiến khu Việt Bắc, trong kháng chiến chống Pháp, có một trường mẫu giáo của quân đội - lúc ấy gọi là trại mẫu giáo. Một lần, Bác đã đến thăm. Buổi trưa trong rừng rất mát mẻ, có tiếng suối reo, tiếng chim hót lại thoang thoảng hương thơm của các loại hoa bên vách núi. Bác cầm tay các cháu nói nựng, hệt như ông nội đi xa về thăm đàn cháu ngoan của mình.
Trưa ấy, Bác nghỉ tại trại, thỉnh thoảng Bác nghe tiếng ho của một cháu nhỏ. Lúc dậy Bác hỏi cô Phan Thanh Hoà, người phụ trách các cháu:
- Trưa nay, Bác nghe cháu nào mà ho nhiều thế?
Cô Hoà lễ phép:
- Thưa Bác, cháu Bích Nga đấy ạ! Cháu ho mấy ngày rồi, đã cho cháu uống thuốc nhưng chưa khỏi hẳn.
Nghe xong, Bác dặn cô Phan Thanh Hoà:
- Các cháu như búp măng non, cháu chăm sóc các bé cho thật chu đáo. Ở rừng lạnh, cần cho các cháu mặc ấm...
Hôm sau, trại nhận được một chai mật ong của Bác gửi cho các cháu để chữa ho. Đây là chai mật ong nguyên chất của đồng bào Cao Bằng gửi tặng Bác.
Buổi trưa trong rừng, một tiếng ho của cháu nhỏ đã làm Bác thao thức. Thế mới hay, Bác quan tâm đến lứa tuổi mầm non như thế nào. Nhưng bên cạnh đó, các văn nghệ sĩ, các diễn viên cũng như anh, chị em hoạt động trong các ngành khác đều được Bác quan tâm chu đáo. Ví như nghệ sĩ Kim Liên - một danh ca vừa đi biểu diễn ở nước ngoài về. Chị đến chào Bác sau một chuyến đi biểu diễn thành công. Bác hỏi vui: "Cháu vừa mới đi biểu diễn ở Pari về chắc là thèm ăn canh cua lắm phải không?". Nghệ sĩ Kim Liên thưa với Bác quả là có thèm canh cua, một món ăn quen thuộc của những người quê đồng chiêm trũng. Bữa cơm ấy, cô được thưởng thức món canh cua ngon tuyệt - món ăn được xem là đầu vị bày trên mâm. Lại nhớ lời kể của nghệ sĩ cải lương Ái Liên về Bác. Có một lần, Bác cho chú bảo vệ đến nhà chị để đón Ái Xuân, Ái Vân vào với Bác. Bác cháu gặp nhau chuyện trò rối rít. Dạo ấy, gia đình nghệ sĩ Ái Liên đi sơ tán. Gặp các cháu, Bác hỏi:
- Ở nơi sơ tán các cháu ăn cơm có nhiều thức ăn không?
- Dạ, có!
Bác lại hỏi:
- Có thịt nhiều không?
- Dạ, thịt cũng nhiều ạ!
Bác nói vui:
- Chắc ăn vào phần tiêu chuẩn của má phải không?
Hai chị em cười rúc rích. Sau đó, hai nghệ sĩ nhỏ tuổi này còn khoe với Bác là thích món bún ốc nóng bốc hơi bán ở gốc cây trên hè đường nữa. Lúc hai chị em về, Bác cho một đĩa kẹo và dặn:
- Các cháu nhớ phần quà cho ba má và cho bé Ái Thanh nữa.
Với nhà báo Việt Thảo, Bác có sự ưu ái riêng. Tết Mậu Tuất năm 1958, anh theo Bác đi thăm bà con nông dân xã Việt Hưng, ngoại thành Hà Nội. Thật là một vinh dự lớn đối với anh. Bác có phần thưởng cho anh. Bác nói:
- Chiếc bánh gai chú ăn cho đỡ đói, đêm qua chắc chú thức khuya đón giao thừa, sáng dậy lại đi công tác sớm. Gói kẹo mang về cho các cháu bé. Còn hai bông hồng này, phần chú một bông, đưa tặng cô ấy một bông. Bác mừng năm mới...
Chai mật ong, bát canh cua và hai bông hồng, những cái bình dị của đời thường, qua sự quan tâm của Bác, bỗng trở thành những nét văn hoá rất đẹp, rất ấm tình người. Những ai may mắn tiếp nhận cái đẹp ấy, chắc sẽ biết sống sao cho đẹp hơn.
(Trích trong cuốn Bao la nhân ái Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội)
12. Tấm lòng Bác bao dung tất cả
Bác Hồ yêu các cháu, hiểu các cháu, tin tưởng các cháu. Vì đó là tương lai của dân tộc. Đó là những mầm, những búp trên cành…
Tình yêu đó thấm đậm chất người. Một sự tình cờ đầy ý nghĩa - sau ngày sinh của Bác Hồ là sắp đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1 - 6.
7 giờ ngày 27.
Bác gọi chị Thu Trà đến hỏi về tình hình một số cháu học sinh miền Nam nghịch ngợm, quấy phá mà Bác được nghe báo cáo. Việc đó là có thật. Nhưng Bác hỏi về khía cạnh khác. Các cô, các chú dạy dỗ thế nào? Bởi lúc ba má các cháu gửi ra ngoài Bắc thì các cháu đều ngoan và ba má các cháu đều tin tưởng ở hậu phương.
Bác nhắc phải chú ý đến việc các cháu thiếu tình cảm gia đình, phải tìm cách bù đắp. Rồi Bác kết luận: Lỗi các cháu một phần thì lỗi của người lớn chúng ta là mười phần.
Quả nhiên, sau này đưa các cháu đến với sự chăm sóc của các gia đình cán bộ khác thì các cháu đỡ hẳn chuyện gây gổ, nghịch ngợm. Phần Bác cũng nhận chăm sóc một cháu trai, hai cháu gái, con đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Bác luôn luôn coi trẻ em cũng là một nhân cách, một thực thể đáng tôn trọng, chứ không chỉ đáng yêu và đáng mến.
Nhớ hồi năm 1957, một hôm Bác hỏi tôi chuyện riêng tư:
- Chú Kỳ này. Có bao giờ chú đánh con không?
Tôi ấp úng vì quả là lúc giận quá tôi cũng có đánh các cháu. Không dám giấu Bác, tôi thú thật.
- Thưa Bác! Khi nóng giận cũng có lúc cháu đánh dọa vài roi ạ.
Bác vẫn không cao giọng, nhưng nghe thấy nghiêm khắc hơn.
- Thế là dã man đấy, chú ạ.
Tôi suy ngẫm thấy rất đúng.
Bác nhìn nhận khuyết điểm, nhược điểm của con người một cách bình tĩnh như hiểu cái lẽ tự nhiên “bàn tay có ngón dài ngón ngắn vậy”. Tấm lòng Bác mở rộng, bao dung cho tất cả…
Bác không nói trẻ em hư, không nói con người hỏng, mà nhận xét có một số chậm tiến, có một số cụ thể có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời.
(Đồng chí Vũ Kỳ kể, trích trong cuốn Người suy nghĩ về tuổi trẻ chúng ta, Nxb. Thanh niên, Hà Nội)
13. Bác Hồ bón kem cho cháu bé Nam Tư
Ở Nam Tư, ngay từ buổi chiều mới đến, các vị lãnh đạo ở đây hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Thủ đô. Ghé vào thăm một cửa hàng giải khát đang đông khách, Bác thấy một cháu bé ngồi trước cốc kem.
Bác Hồ lại gần, thân mật cầm chiếc thìa xúc kem bón cho cháu nhỏ.
Sáng hôm sau, các báo ở Bêôgrát đều đăng trang trọng ở trang nhất bức ảnh Bác Hồ bón kem cho cháu bé Nam Tư, hiền từ, âu yếm như một người ông.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 05-5-1990)
14. Bác Hồ ơi!
Tôi đã vinh dự được gặp Bác ba lần.
Năm 1957, khi đang học tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, chúng tôi được vinh dự đón Bác vào thăm. Học sinh lúc đó quá đông, tôi không nhìn rõ Bác vì Người đứng quá xa. Nhưng cũng như các bạn mình, chúng tôi thấy lòng tràn ngập vui tươi hào hứng.
Lần thứ hai, năm 1958, khi vừa ở Trung Quốc về nước. Một lần tôi và một số bạn rủ nhau đến Câu lạc bộ Thống Nhất ở Bờ Hồ, Hà Nội đón Trung thu. Không ngờ tại đây, chúng tôi được gặp Bác Hồ.
Lần này, câu lạc bộ ít người hơn hồi ở Trung Quốc. Đa số là các cô chú cán bộ, bộ đội miền Nam, nên dĩ nhiên tụi nhóc chúng tôi được ưu tiên ngồi hàng ghế trước. Bác mặc bộ đồ lụa nâu, đầu trần, mang dép cao su. Mắt Bác sáng âu yếm nhìn hết lượt hội trường và đứng lại hơi lâu nơi hàng ghế thiếu nhi. Bác nói chuyện xong là phát quà.
Vừa phát cho từng cháu Bác vừa hỏi chuyện, tôi hồi hộp đến líu lưỡi khi Bác hỏi:
- Quê cháu ở đâu?
- Dạ… cháu ở Bến Tre ạ.
Bác xoa đầu, rồi phát kẹo cho tôi. Tôi còn nhớ những viên kẹo như rung khẽ trong đôi bàn tay đang run lên vì sung sướng bất ngờ. Tôi cầm kẹo nhưng mắt cứ nhìn theo Bác mãi. Tôi cứ tiếc sao hồi tập kết mẹ không cho hai em gái tôi cùng đi, để chúng nó cũng được gặp Bác Hồ như tôi. Một điều buồn hơn nữa là không sao viết thư kể chuyện vui này cho chúng nó nghe được. Giấy bút nào có thể tả hết được niềm vui của tôi.
Lần thứ ba, tôi được gặp Bác khi tôi đang học tại Trường Tám, Hải Phòng. Lúc đó lớp tôi ngồi đối diện với bục Bác đứng. Tôi ngồi gần phía trước, cách chỗ Bác vài mét. Trong nắng nhạt, Bác hồng hào và vui tươi hơn. Tôi được nhìn Bác kỹ hơn, lâu hơn. Thấy cả chiếc nút áo trên áo vét kaki Bác mặc. Chòm râu thưa - lay động mỗi lần Bác nói và khẽ bay trong nắng đẹp. Tôi lại được kẹo Bác cho. Tôi giữ mãi để dành mang về cho mẹ, cho em. Và rồi cũng phải ăn vì thời gian gặp mẹ thì vô hạn, kẹo bị chảy nước. Hai tờ giấy gói kẹo tôi giữ gìn như lưu vật quý báu. Nhiều bạn cũng làm như tôi. Sau này thất lạc, tôi buồn rất lâu.
Tất cả ba lần được đón Bác, gặp Bác trong đời là niềm vinh hạnh của riêng tôi. Những hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm trí tôi, là động lực thúc đẩy tôi học tập tốt hơn, công tác giỏi hơn để đền đáp công ơn trời biển của Bác.
(Mai Nhị Hà kể, trích trong cuốn Nửa thế kỷ học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2004), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội)
Tâm Trang (tổng hợp)