Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

BỘ TƯ PHÁP

 

 

Chuyên đề 3

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN VỀ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH

TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

 

1. Yêu cầu tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở nước ta

Một trong những định hướng cơ bản sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự (BLHS) lần này là đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 mà một trong những nội dung quan trọng là tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình. Việc tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở nước ta xuất phát từ những yêu cầu cơ bản sau đây:

Thứ nhất, yêu cầu bảo vệ quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng theo Hiến pháp năm 2013

Một trong những quyền tự nhiên thiêng liêng nhất của con người là quyền sống. Tinh thần này được thể hiện rõ trong Công ước về quyền chính trị và dân sự mà nước ta là thành viên. Hiến pháp năm 1992 khẳng định rõ, ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng (Điều 50) và công dân được pháp luật bảo hộ về tính mạng (Điều 71). Đến Hiến pháp năm 2013 thì các quyền con người được tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn, đầy đủ hơn, theo đó, ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Điều 14). Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên đã có một điều riêng để ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người, theo đó, “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật" (Điều 19).

Thứ hai, yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về giảm hình phạt tử hìnhđược thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 

Thứ ba,yêu cầu hội nhập quốc tế

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế về quyền con người, trong đó liên quan trực tiếp đến quyền sống phải kể đến Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước về Quyền trẻ em năm 1989. Theo các điều ước này, quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng phải được các quốc gia tôn trọng và bảo vệ bao gồm cả các quyền cần được đảm bảo bởi pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Đặc biệt, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã đưa ra những nguyên tắc cụ thể định hướng cho việc áp dụng cũng như thi hành hình phạt tử hình ở những quốc gia mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ.

Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập, tội phạm không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà nó đã mang tính quốc tế, xuyên quốc gia. Vì vậy, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là một yêu cầu tất yếu. Việc giảm dần tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình cũng là một trong những điều kiện để góp phần tạo thuận lợi cho sự hợp tác này.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tính đến thời điểm 30/6/2014 đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bãi bỏ án tử hình theo luật hoặc trên thực tế, trong đó có 100 nước đã bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình; 55 nước có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế. Trong 10 nước thành viên ASEAN, có 2 nước đã bãi bỏ hình phạt tử hình (Cam-pu-chia và Phi-lip-pin); có 03 nước vẫn còn duy trì hình phạt tử hình hoặc có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế (Bruney, Lào và Miến Điện).

2. Những điểm mới cơ bản về quy định hình phạt tử hình trong dự thảo BLHS (sửa đổi)

Từ thực tiễn lập pháp hình sự và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các Nghị quyết nêu trên, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới, dự thảo BLHS (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hìnhtheo hướng bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế hình phạt tử hình trên bốn phương diện: một là, hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội danh còn giữ lại hình phạt tử hình theo hướng quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể các điều kiện áp dụng để Tòa án cân nhắc, áp dụng trong từng trường hợp cụ thể; hai là,mở rộng diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình; ba là, mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm hạn chế việc thi hành án tử hình trên thực tế; bốn là, giảm số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS. Cụ thể:

2.1. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chặt chẽ nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này (khoản 1 Điều 39). Cụ thể:

- Về loại tội: Chỉ áp dụng đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người; các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định.

- Về đối tượng: Chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, hoặc thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.

2.2. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã mở rộng diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình (khoản 2 Điều 39) theo hướng ngoài hai đối tượng như quy định hiện hành (người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi), bổ sung thêm đối tượng là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Việc bổ sung đối tượng này vào diện không bị áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với một đối tượng được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước trong số những người cao tuổi - đó là những người đã đến tuổi thượng thọ mà theo Luật Người cao tuổi được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước; được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, BLHS cũng có quy định loại trừ việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người cao tuổi (ví dụ: Nga, Ka-dắc-xtăng; Xu Đăng).

2.3. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế(khoản 3 Điều 39) theo hướng ngoài 02 trường hợp như quy định hiện hành (người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi), bổ sung thêm hai trường hợp:

Một là, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ đủ 75 tuổi trở lên. Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này, do vậy dự thảo đưa ra 02 phương án để xin ý kiến Nhân dân: 1) PA1. bổ sung quy định này; 2) PA2. không bổ sung quy định này.

Hai là, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này, do vậy dự thảo đưa ra 02 phương án để xin ý kiến Nhân dân: 1)  PA1. bổ sung quy định này; 2) PA2. không bổ sung quy định này.

2.4. Dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh cụ thể, đồng thời, bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 BLHS hiện hành, chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy

Thứ nhất, việc bỏ hình phạt tử hình nói chung và đối với một số tội phạm cụ thể nói riêng là một vấn đề hết sức hệ trọng mang tính chính trị - pháp lý sâu sắc, do vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và phải xuất phát từ một số tiêu chí cơ bản sau đây: (1) tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ khách thể bị xâm hại; (2) tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm cũng như đặc điểm nhân thân của người phạm tội; (3) yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; (4) khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình; (5) có tính đến xu hướng chung trên thế giới là thu hẹp dần và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình. Đây là 5 tiêu chí quan trọng làm cơ sở để rà soát kỹ 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS hiện hành, từ đó có những đề xuất tiếp tục loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong số các tội danh này.

Trên tinh thần quán triệt tư tưởng cải cách tư pháp, bám sát các tiêu chí cũng như điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nêu trên, bảo đảm sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền sống theo tinh thần Hiến pháp mới năm 2013 và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm , đồng thời, thể hiện sự thận trọng cần thiết trong việc bỏ hình phạt tử hình đối với từng tội danh cụ thể, dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 07 trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS hiện hành. Đó là các tội: 1) cướp tài sản; 2) phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; 3) chống mệnh lệnh; 4) đầu hàng địch; 5) phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; 6) chống loài người; 7) tội phạm chiến tranh.

- Đối với tội cướp tài sản(Điều 133 BLHS hiện hành):

Cướp tài sản là một trong ba tội phạm nghiêm trọng nhất trong số các tội xâm phạm sở hữu. Bản chất của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người khác bằng vũ lực hoặc bằng các hành động khác tấn công nạn nhân làm cho họ không thể chống cự được. Vì vậy, trong khi thực hiện hành vi cướp tài sản, người phạm tội có thể gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, đây là tội xâm phạm quyền sở hữu của người khác, đối tượng chính bị xâm hại ở đây là tài sản. Mục đích của người phạm tội này là chiếm đoạt tài sản của người khác chứ không phải là xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Việc gây thương tích hoặc làm chết người khi thực hiện hành vi cướp không nằm trong ý định chủ quan của người phạm tội cướp. Hơn nữa, không phải mọi trường hợp phạm tội cướp tài sản đều gây chết người, do vậy, việc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc cũng tương tự như trường hợp cố ý gây thương tích dẫn đến chết nhiều người quy định tại khoản 4 Điều 104 của BLHS. Nếu chứng minh được người phạm tội có ý định tước đoạt sinh mạng của nạn nhân thì có thể xử lý về tội giết người mà hình phạt cao nhất là tử hình. Trong thực tế, Tòa án xét xử các vụ án giết người, cướp tài sản thì thường tuyên tử hình đối với tội giết người và tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

- Đối với tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231 BLHS hiện hành):

Theo BLHS năm 1985 thì đây là một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đến BLHS năm 1999, tội phạm này được chuyển về Chương các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Như vậy, đã có sự chuyển đổi về khách thể xâm hại từ an ninh quốc gia sang trật tự, an toàn xã hội và do vậy, tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ khách thể đối với tội này cũng đã có sự thay đổi không còn ở mức cao như trước đây. Hơn nữa, đối tượng xâm hại của tội này là tài sản dưới dạng các công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia, trước đây đều thuộc sở hữu Nhà nước nên có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn, nhưng nay thuộc nhiều sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhau mà về nguyên tắc, phải được bảo vệ như nhau. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với tội phạm này là đủ nghiêm khắc. Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, các Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội này.

Việc bỏ tử hình đối với tội danh này không bó tay chúng ta trong việc xử lý tội phạm, bởi lẽ, trong một số trường hợp nhất định, người thực hiện hành vi phá hủy công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia có thể bị xử lý về các tội phạm tương ứng trong BLHS, ví dụ: tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 85); tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84) hoặc tội khủng bố (Điều 230a) là những tội có quy định hình phạt tử hình.

- Đối với tội chống mệnh lệnh (Điều 316 BLHS hiện hành) và tội đầu hàng địch (Điều 322 BLHS hiện hành):

Đây là các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng hậu quả mà hành vi phạm tội này gây ra sau đó có thể không nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội, thậm chí có trường hợp khi thực hiện các hành vi này, bản thân người phạm tội chưa hình dung được hết những hậu quả mà hành vi phạm tội của mình có thể gây ra. Trong trường hợp chứng minh được rằng, các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đó nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội thì có thể hành vi phạm tội của họ đã vượt ra ngoài phạm vi tội chống mệnh lệnh hoặc đầu hàng địch. Khi đó sẽ kết hợp xử lý về các tội phạm khác có liên quan. Mặt khác, xét về khía cạnh tâm lý, trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, cận kề giữa cái sống, cái chết, con người rất có thể có những giây phút hèn nhát (ví dụ: vì sợ chết mà chống mệnh lệnh không thực hiện nhiệm vụ chiến đấu được giao hoặc vì sợ chết mà đầu hàng địch), nếu được mở thêm một con đường sống (không tử hình) thì bản thân người phạm tội có cơ hội để sám hối lỗi lầm của mình, vì đồng đội mà không làm liều, góp phần hạn chế được hậu quả lớn hơn có thể xảy ra. Hơn nữa, tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch chủ yếu xảy ra trong thời chiến và khi đó hậu quả của nó sẽ cực kỳ nghiêm trọng, còn trong điều kiện thời bình như hiện nay thì hậu quả của hành vi phạm tội này cũng có mức độ, không giống như thời chiến. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với các tội phạm này là đủ nghiêm khắc mà không cần thiết phải tước đi sinh mạng của người phạm tội. Hơn nữa, theo Báo cáo số 3870/BQP-VPC ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Bộ Quốc phòng về Tổng kết 11 năm thi hành BLHS thì trong những năm qua các Tòa án quân sự chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với hai tội là: tội gián điệp và tội giết người. Còn đối với các tội phạm khác mặc dù có quy định hình phạt tử hình nhưng các Tòa án quân sự không áp dụng.

- Đối với tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341 BLHS hiện hành), tội chống loài người (Điều 342 BLHS hiện hành) và tội phạm chiến tranh (Điều 343 BLHS hiện hành):

Thực tiễn thi hành BLHS cho thấy, tuy các tội danh này có quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực tế từ năm 1985 đến nay chưa có trường hợp nào phạm các tội này và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là những tội chủ yếu mang tính phòng ngừa. Hơn nữa, xu hướng quốc tế cũng đã bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm này. Liên bang Nga cũng chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội diệt chủng - một trong số tám tội danh thuộc nhóm các tội phá hoại hòa bình và an ninh loài người.Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện chủ trương của Đảng về giảm hình phạt tử hình thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh này là cần thiết. Trường hợp cần thiết có thể xử lý về một số tội danh khác có quy định hình phạt tử hình, ví dụ như: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, khủng bố,... Do vậy, việc bỏ hình phạt tử hình đối với 03 tội này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mà lại góp phần làm giảm bớt số lượng tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS.

Như vậy, theo dự thảo BLHS (sửa đổi) thì sẽ còn 15 tội danh có quy định hình phạt tử hình thuộc 06 nhóm tội phạm, trong đó: 1) nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia có 07 tội danh; 2) nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người có 02 tội danh; 3) nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có 01 tội danh; 4) nhóm tội phạm về ma tuý có 02 tội danh; 5) nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng có 01 tội danh và nhóm tội phạm về chức vụ có 02 tội danh.

Qua thảo luận tại Quốc hội thì thấy rằng, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất về chủ trương giảm tử hình nhưng lại khác nhau đối với việc bỏ hay giữ hình phạt tử hình đối với một số tội danh cụ thể.

Thứ hai, thực tiễn cho thấy số án tử hình mà các Tòa án đã tuyên trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào tội giết người và tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý. Do vậy, để góp phần giảm án tử hình trên thực tế, bên cạnh việc bỏ 07 tội danh như đã nêu trên, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã sửa đổi quy định của BLHS hiện hành về hai tội danh này theo hướng hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình. Cụ thể:

Một là, đối với tội giết người, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã hạn chế bớt các trường hợp có thể áp dụng hình phạt tử hình đối với tội này, theo đó, từ 16 trường hợp có thể áp dụng hình phạt tử hình theo khoản 1 Điều 93 của BLHS hiện hành đã giảm xuống còn 10 trường hợp (khoản 2 Điều 123).

Hai là, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã sửa đổi Điều 194 của BLHS hiện hành về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuýtheo hướng tách riêng thành 04 tội danh khác nhau (các điều 250, 251, 252, 253), trong đó chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 252), còn đối với các tội danh khác (tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý) thì mức phạt cao nhất là tù chung thân./.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: