Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

BỘ TƯ PHÁP

 

Chuyên đề 9

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG XXIII DỰ THẢO           BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI) VỀ CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ

 
   

 

 

1. Lý do phải sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về chức vụ

Việc sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về chức vụ trong dự thảo BLHS (sửa đổi) xuất phát từ những lý do sau đây:

Thứ nhất, thể chế hoá chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, khắc phục những bất cập trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước.

Thứ ba, bảo đảm thực thi các nghĩa vụ theo Công ước chống tham nhũng mà nước ta là thành viên.

Do tính chất nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của tham nhũng trong khu vực tư, là hệ quả việc việc tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như: giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… Công ước chống tham nhũng yêu cầu các quốc gia thành viên cần thiết phải tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực công mà trong cả lĩnh vực tư. Theo quy định tại Điều 21 Công ước chống tham nhũng thì các quốc gia cần áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để hình sự hóa hành vi hối lộ trong khu vực tư. Theo đó, hối lộ trong khu vực tư gồm hai dạng hành vi tương tự như hối lộ trong khu vực công là đưa hối lộ và nhận hối lộ. Bên cạnh đó, Điều 22 Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại.

          2. Mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung nhóm các tội  phạm về chức vụ của dự thảo BLHS (sửa đổi)

Thứ nhất, việc sửa đổi, bổ sung chương này góp phần vào việc thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là xây dựng BLHS phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013, phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân.

  Thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung chương này phải thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là chủ trương: "Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác" và "Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm".

  Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung chương này nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đặc biệt là tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.

  Thứ tư, việc sửa đổi, bổ sung chương này nhằm nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến phòng, chống tội phạm, đặc biệt là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước chống tham nhũng.

          3. Những điểm mới cơ bản của chương XXIII dự thảo BLHS (sửa đổi) về các tội phạm về chức vụ

          Chương XXIII dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định về các tội phạm về chức vụ gồm 15 điều luật (từ Điều 365 đến Điều 379). Các điều luật của Chương XXIII dự thảo BLHS (sửa đổi) được chia thành 02 mục: Mục A - Các tội phạm tham nhũng và mục B - Các tội phạm khác về chức vụ. So với BLHS hiện hành (Chương XXI) thì bố cục cũng như số điều luật quy định tại Chương XXIII của dự thảo BLHS (sửa đổi) không thay đổi. Tuy nhiên, nội dung của Chương XXIII dự thảo BLHS (sửa đổi) có những sửa đổi cơ bản, tập trung vào 06 vấn đề: (i) điều chỉnh khái niệm tội phạm về chức vụ theo hướng mở rộng, bao gồm cả một số hành vi tội phạm về chức vụ xảy ra trong khu vực tư (ngoài Nhà nước); (ii) điều chỉnh một số cấu thành tội phạm; (iii) quy định hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công; (iv) quy định hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tiền là hình phạt chính đối với một số tội phạm về chức vụ; (v) bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm cụ thể.

3.1. Điều chỉnh khái niệm tội phạm về chức vụ theo hướng mở rộng, bao gồm cả một số hành vi tội phạm về chức vụ xảy ra trong khu vực tư

Do tính chất nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của tham nhũng trong khu vực tư, là hệ quả việc việc tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như: giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… Công ước chống tham nhũng yêu cầu các quốc gia thành viên cần thiết phải tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực công mà trong cả lĩnh vực tư. Theo quy định tại Điều 21 Công ước chống tham nhũng thì các quốc gia cần áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để hình sự hóa hành vi hối lộ trong khu vực tư. Theo đó, hối lộ trong khu vực tư gồm hai dạng hành vi tương tự như hối lộ trong khu vực công là đưa hối lộ và nhận hối lộ. Bên cạnh đó, Điều 22 Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại.

BLHS hiện hành mới chỉ dừng lại đối với các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công mà chưa ghi nhận về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư. Vì vậy, chưa có các quy định pháp luật tương ứng, kèm theo các biện pháp xử lý hình sự đối với loại tội phạm này, mặc dù, một số hành vi tương tự  xảy ra trong khu vực tư, theo quy định của BLHS hiện hành vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ: hành vi chiếm đoạt tài sản của người điều hành hay làm việc ở bất kỳ cương vị nào cho tổ chức thuộc khu vực tư mà biển thủ tài sản, quỹ tư được giao quản lý thì tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140 BLHS - Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc theo Điều 139 BLHS- Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nhìn chung những quy định hiện hành của BLHS là chưa thực sự phù hợp và chưa phản ánh đúng bản chất của tội phạm tham nhũng theo yêu cầu của Công ước. Hơn nữa, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cũng cho thấy sự bất cập trong chính sách xử lý đối với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi do có sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực tư, thậm chí nhiều hành vi tương tự như tham nhũng nhưng diễn ra trong khu vực tư nhân thì không thể xử lý được. Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn về việc xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của nhà nước với tài sản, phần vốn góp của tư nhân, việc xác định xử lý trách nhiệm của cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn trong loại hình doanh nghiệp này rất khó khăn.

Trong bối cảnh ngành kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển vàgiữvị tríthen chốt trong nền kinh tế quốc dân, để giải quyết được những bất cập nêu trên, cũng như nhằm đáp ứng những đòi hỏi nội tại của Việt Nam hiện nay trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự tương thích với các yêu cầu của Công ước chống tham nhũng, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã quy định theo hướng người có chức vụ, quyền hạn thuộc các thành phần ngoài nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi phạm tội vì vụ lợi (ví dụ: hành vi nhận tiền của hối lộ của người có thẩm quyền trong lĩnh vực tư nhân) phải được xác định là những hành vi tham nhũng để có chính sách xử lý thống nhất và phù hợp. Cụ thể, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã quy định cụ thể nội hàm của khái niệm tội phạm chức vụ và các tội phạm tham nhũng theo hướng rộng hơn, dễ hiểu hơn. Theo đó, tội phạm chức vụ bao gồm tội phạm tham nhũng và những tội phạm khác về chức vụ được quy định tại Chương này; các tội phạm tham nhũng là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện nhiệm vụ vì mục đích vụ lợi (Điều 365 dự thảo).

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 365 dự thảo BLHS (sửa đổi) đã giới hạn cụ thể phạm vi tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư chỉ bao gồm 03 tội danh, đó là tội tham ô tài sản (Điều 366), tội nhận hối lộ (Điều 367); tội đưa hối lộ (Điều 377) và tội môi giới hối lộ (Điều 378).

3.2. Sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ

 Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Công ước về chống tham nhũng, yếu tố khách quan bắt buộc trong cấu thành tội nhận hối lộ là hành vi đòi hỏi hoặc chấp nhận của hối lộ và sự liên hệ giữa những hành vi này với hành xử của công chức khi thi hành công vụ. Việc đòi hỏi hoặc chấp nhận có thể được do công chức trực tiếp thực hiện hoặc qua trung gian. Lợi ích không chính đáng có thể dành cho chính bản thân công chức hoặc cho người khác, ví dụ, họ hàng người thân của công chức đó, hoặc có thể dành cho một thực thể khác. Về chủ quan, yếu tố bắt buộc là việc cố ý đòi hỏi hoặc chấp nhận lợi ích không chính đáng với mục đích thay đổi hành xử của một người trong quá trình người đó thực hiện trách nhiệm chính thức.

Đồng thời, Công ước cũng quy định “của hối lộ” là bất kỳ lợi ích nào, có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất.

Theo quy định tại Điều 279 BLHS hiện hành thì nhận hối lộ là hành vi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng trở lên. BLHS hiện hành xem hành vi “đòi hối lộ” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 mà không phải là một hành vi cấu thành tội phạm độc lập như quy định của Công ước. Hơn nữa, theo quy định của BLHS hiện hành thì “của hối lộ” chỉ bao gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà không bao gồm lợi ích phi vật chất.

Để đáp ứng yêu cầu của Công ước, đồng thời để bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ, có thể xử lý sớm hành vi này ngay cả khi người có chức vụ, quyền hạn đó chưa nhận tiền hối lộ hoặc lợi ích khác, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung hành vi “đòi hối lộ” vào cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ (Điều 367). Đồng thời, để bảo đảm sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp với quy định về tội nhận hối lộ, Điều 377 dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định một cách cụ thể hơn về cấu thành cơ bản của tội đưa hối lộ, đó là “người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn bất kỳ lợi ích nào...”. Đồng thời,dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng bổ sung của hối lộ là “lợi ích phi vật chất” vào cấu thành cơ bản của một số tội phạm của Chương này, như tội nhận hối lộ (Điều 367), tội đưa hối lộ (Điều 377) và tội môi giới hối lộ (Điều 378).

3.3. Hối lộ công chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế công

Theo quy định của Công ước về chống tham nhũng, chủ thể của các hành vi tham nhũng trước hết là “công chức” và khái niệm công chức trong phạm vi điều chỉnh của Công ước là tương đối toàn diện, bao gồm cả hai đối tượng: (1) công chức của quốc gia; (2) công chức của nước ngoài và công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công. Nhóm đối tượng này chủ yếu được đề cập dưới dạng là chủ thể của hành vi thụ động hối lộ theo quy định tại Điều 16 của Công ước.

BLHS hiện hành chưa có quy định về hành vi phạm tội hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công theo quy định của Công ước. Trong bối cảnh cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các quốc gia khác nhau trên thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, viện trợ, tài trợ, v.v…. của các tổ chức này. Việc một người nào đó vì vụ lợi mà đưa hối lộ công chức nước ngoài hay tổ chức quốc tế công để dành những ưu thế trong các hoạt động nêu trên cũng đã xảy ra trong thực tiễn. Vì vậy, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, sự công bằng trong xã hội và giữ gìn quan hệ với các nước, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung Điều 289 BLHS hiện hành về tội đưa hối lộ theo hướng chỉ rõ người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công thì cũng bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ (khoản 6 Điều 377 dự thảo)

3.4. Bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tiền là hình phạt chính đối với một số tội phạm về chức vụ

Chế tài đối với tội phạm về chức vụ hiện nay tương đối nghiêm khắc, loại hình phạt chủ yếu là tù, chỉ đối với 05 tội phạm có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ (các tội phạm quy định tại các Điều 281, 285, 286, 287 và 288).  Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách hình sự theo tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW về hoàn thiện chính sách xử lý người phạm tội theo hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm chức vụ ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng cần bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ tại một số cấu thành cơ bản, nhằm tạo tính linh hoạt cho Tòa án xem xét áp dụng hình phạt phù hợp với từng trường hợp cụ thể.  Hơn nữa, về bản chất của các tội phạm về chức vụ là có tính chất vụ lợi, thông thường nhân thân người phạm tội là tốt, do đó, đối với tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thì việc áp dụng một số chế tài không giam giữ như hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ cũng bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Do vậy, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ tại khoản 1 của 14 điều luật quy định về tội phạm cụ thể của chương này. Đồng thời, dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng bổ sung quy định hình phạt tiền là hình phạt chính đối với 03 tội danh, đó là tội đưa hối lộ (Điều 377), tội môi giới hối lộ (Điều 378), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 379).

3.5. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng cho thấy, trên thực tế đã xuất hiện nhiều hành vi của đại diện công ty, doanh nghiệp vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu cho công ty, doanh nghiệp của mình mà thực hiện một số hành vi như nhận hối lộ; đưa hối lộ người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, theo BLHS sự hiện hành thì không thể xử lý hình sự loại hành vi này của công ty, doanh nghiệp. Vì vậy, cùng với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong lần sửa đổi, bổ sung lần này, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân về 02 tội, đó là tội nhận hối lộ (Điều 367) và tội đưa hối lộ (Điều 377)./.

 

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: