Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

BỘ TƯ PHÁP

 

Chuyên đề 10

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG XXIV

DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI) VỀ CÁC TỘI

XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

 
   

 

 

 

1. Lý do sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Việc sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong dự thảo BLHS (sửa đổi) xuất phát từ những lý do sau đây:

Thứ nhất, Điều 292 BLHS hiện hành quy định khái niệm về các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp theo hướng hẹp, chỉ trong phạm vi hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án. Tuy nhiên, theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, khái niệm quyền tư pháp trong Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật hiện hành về các hoạt động tố tụng tư pháp thì hiện nay vẫn chưa thật rõ nội hàm của một số khái niệm liên quan đến hoạt động tư pháp như "quyền tư pháp", "cơ quan tư pháp", "hoạt động tư pháp". Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ là các khái niệm này không đồng nhất với nhau. Tòa án là cơ quan duy nhất được giao thực hành quyền tư pháp nhưng không có nghĩa là chỉ có Tòa án mới tiến hành các hoạt động tư pháp.  Trong quá trình thảo luận các ý kiến đều thống nhất cho rằng, khái niệm về tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Điều 292 BLHS hiện hành là chưa bao quát hết phạm vi các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp. Điều này nhằm góp phần bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan khác, bảo đảm việc áp dụng điều luật được chính xác, thống nhất.

Thứ hai, theo quy định của BLHS hiện hành (Điều 308), chủ thể của tội từ chối khai báo, kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu ngoài đối tượng là người tham gia tố tụng như giám định viên, phiên dịch viên,...thì còn có thể là người làm chứng, người chứng kiến, người biết rõ về tội phạm mà từ chối khai báo,... Tuy nhiên, thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm cho thấy, hiện nay, do chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ nhân chứng, vì vậy, người dân ít khi chủ động khai báo thậm chí là buộc phải từ chối khai báo để tự bảo vệ mình và gia đình khỏi sự đe doạ của bọn phạm tội. Do vậy, một khi Nhà nước chưa có cơ chế bảo vệ người làm chứng thì không nên buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu từ chối khai báo.

Thứ ba, chính sách xử lý hình sự đối với nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp về cơ bản là tương đối nghiêm khắc, tuy nhiên, liên quan đến hình phạt đối với một số tội phạm trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của cá nhân trong hoạt động tư pháp như dùng nhục hình, bức cung, ra bản án trái pháp luật,... đòi hỏi phải được xử lý nghiêm khắc hơn mới đáp ứng được yêu cầu bảo vệ nhóm quyền theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 cũng như chủ trương tại các Nghị quyết của Đảng về tăng cường xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.

Thứ tư, theo quy định tại Chương XXII BLHS hiện hành thì có một số tội chỉ thiết kế một khung hình phạt mà không có khung tăng nặng, hoặc các khung tăng nặng chưa dự liệu được nhiều các tình tiết phát sinh trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung các tình tiết mới nhằm cá thể hoá trách nhiệm hình sự, bảo đảm chính sách xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp phạm tội có tính chất nghiêm trọng hơn. Đồng thời bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng của các điều luật, tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý vụ việc.

Thứ năm, thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật tại các cơ sở giam giữ ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng.Nhiều phiên toà cũng đã bị tạm ngừng hoặc bị gây rối nghiêm trọng do người tham dự phiên toà, đặc biệt là người phạm tội, người nhà nạn nhân mắng chửi, thoá mạ Hội đồng xét xử, đập phá tài sản ngay tại phòng xét xử,... Hành vi này gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, làm giảm uy nghiêm của cơ quan công quyền. Để góp phần khắc phục tình trạng này cần nghiên cứu bổ sung thêm một số tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp.

          2. Những điểm mới cơ bản của Chương XIV dự thảo BLHS (sửa đổi) về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Chương XXIV của dự thảo BLHS (sửa đổi) gồm 25 điều (từ Điều 380 đến Điều 404) quy định các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 vấn đề lớn: một là, phạm vi các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; hai là, quy định cụ thể về các tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng hình phạt đối với một số tội phạm; ba là, hình sự hoá một số hành vi nguy hiểm xâm phạm hoạt động tư pháp; bốn là, sửa đổi, bổ sung tội bức cung và tội dùng nhục hình nhằm bảo đảm yêu cầu Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người. Cụ thể như sau:

2.1. Sửa đổi phạm vi các tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Điều 292 BLHS 1999 quy định khái niệm về các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp theo hướng hẹp, chỉ trong phạm vi hoạt động của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án. Tuy nhiên, theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, khái niệm quyền tư pháp trong Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật hiện hành về các hoạt động tố tụng tư pháp thì hiện nay vẫn chưa thật rõ nội hàm của một số khái niệm liên quan đến hoạt động tư pháp như "quyền tư pháp", "cơ quan tư pháp", "hoạt động tư pháp". Tuy nhiên, có thể nhận thấy rõ là các khái niệm này không đồng nhất với nhau. Tòa án là cơ quan duy nhất được giao thực hành quyền tư pháp nhưng không có nghĩa là chỉ có Tòa án mới tiến hành các hoạt động tư pháp. Trong quá trình thảo luận các ý kiến đều thống nhất cho rằng, khái niệm về tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Điều 292 là chưa bao quát hết phạm vi các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp.

Để khắc phục bất cập nêu trên, dự thảo BLHS sửa đổi theo hướng quy định khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp một cách khái quát "là những hành vi xâm phạm hoạt động tố tụng và thi hành án” (Điều 380 dự thảo).

Cùng với việc sửa đổi khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo hướng mở rộng nêu trên, tại một số tội phạm cụ thể thì phạm vi cũng được mở rộng. Cụ thể là:

+ Chủ thể thực hiện tội ra quyết định trái pháp luật là “người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án(Điều 384 dự thảo).

+ Chủ thể của tội dùng nhục hình (Điều 386 dự thảo) là “người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án và thi hành các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tước tự do”.

+ Chủ thể của tội bức cung là “người nào trong hoạt động tố tụng” (Điều 387 dự thảo).

+ Thay thếthuật ngữ “nhân viên tư pháp” trong tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật bằng  thuật ngữ “người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng và thi hành án” (Điều 285 dự thảo).

+ Mở rộng phạm viđối tượng bỏ trốn trong Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (Điều 389 dự thảo); đối tượng được tha trái pháp luật trong Tội tha trái pháp luật người đang bị giam, giữ (Điều 391 dự thảo) và đối tượng được đánh tháo trong Tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử  (Điều 400 dự thảo) theo hướng thay cụm từ “người bị giam, tạm giữ” quy định tại khoản 1 Điều này bằng cụm từ “người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù”.

2.2. Quy định cụ thể về các tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng hình phạt đối với một số tội phạm

Thứ nhất, một trong những yêu cầu sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là nhằm bảo đảm tính minh bạch, khả thi của các quy định, hạn chế việc ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm yêu cầu của Hiến pháp 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, hầu hết các điều luật quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc chương XXIV dự thảo BLHS (sửa đổi) đều được rà soát để quy định cụ thể các tình tiết định tội hoặc tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, hạn chế đến mức thấp nhất các tình tiết có tính định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Thứ hai, theo quy định tại Chương XXII BLHS hiện hành thì có một số tội chỉ thiết kế một khung hình phạt mà không có khung tăng nặng, hoặc các khung tăng nặng chưa dự liệu được nhiều các tình tiết phát sinh trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Do đó, việc nghiên cứu để bổ sung các tình tiết mới là cần thiết nhằm cá thể hoá trách nhiệm hình sự, bảo đảm chính sách xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp phạm tội có tính chất nghiêm trọng hơn, đồng thời bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng của các điều luật, tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất trong quá trình xử lý vụ việc. Dự thảo Bộ luật sửa đổi theo hướng bổ sung khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội dùng nhục hình (Điều 386), tội bức cung (Điều 387), tội không thi hành án (Điều 392), tội không chấp hành án (Điều 393).

Thứ ba, chính sách xử lý hình sự đối với nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp về cơ bản là tương đối nghiêm khắc, tuy nhiên, để bảo đảm tính cân xứng giữa các tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như bảo đảm sự công bằng trong xử lý tội phạm, dự thảo BLHS nâng mức hình phạt cao nhất đối với một số tội, cụ thể như sau:

- Mười hai năm tù đối với tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 384 dự thảo).

- Tù chung thân đối với tội dùng nhục hình và tội bức cung (Điều 386, 387 dự thảo) đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tương đương với mức cao nhất của tội cố ý gây thương tích.

2.3. Hình sự hoá một số hành vi nguy hiểm xâm phạm hoạt động tư pháp

Thứ nhất, bổ sung tội vi phạm các quy định về giam giữ (Điều 401)

Thực tiễn quản lý các cơ sở giam giữ trong những năm gần đây cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật tại các cơ sở này của người chấp hành án ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng. Một số vi phạm chủ yếu như nổi loạn, gây rối, chống phá các cơ sở giam giữ; chế tạo vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng máy móc, thiết bị thông tin liên lạc tại các cơ sở giam giữ;...nhiều trường hợp, phạm nhân móc nối với cán bộ quản giáo, các cơ sở bên ngoài để thực hiện các hành vi vi phạm. Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ riêng năm 2010 có 7.328 lượt phạm nhân vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của cơ sở giam giữ. Để bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ sở giam giữ, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho các đối tượng cải tạo, trong sạch hoá đội ngũ cán bộ, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với cơ quan thực thi pháp luật, việc hình sự hoá một số hành vi phạm của phạm nhân cũng như của cán bộ thực thi nhiệm vụ tại các cơ sở giam giữ là cần thiết.

Dự thảo Bộ luật bổ sung 01 tội về vi phạm quy định về giam giữ(Điều 401), theo đó, người nào mà cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giam giữ như nổi loạn, gây rối, chống phá cơ sở giam giữ, hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản của cơ sở giam giữ,...gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật từ 2 lần trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, bổ sung tội không tôn trọng Toà án (Điều 404)

Một trong những trở ngại lớn trong quá trình xử lý các vụ án hiện nay là ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân rất hạn chế, nhiều phiên toà đã phải tạm thời ngừng hoặc bị gây rối nghiêm trọng do người tham dự phiên toà, đặc biệt là người phạm tội, người nhà nạn nhân mắng chửi, thoá mạ Hội đồng xét xử, đập phá tài sản ngay tại phòng xét xử,... Hành vi này gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, làm giảm uy nghiêm của cơ quan công quyền. Do vậy, để bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật, trật tự tại phiên toà, việc quy định chế tài hình sự để xử lý đối với hành vi nói trên là cần thiết.

Dự thảo Bộ luậtbổ sung tội không tôn trọng toà án, theo đó, người nào thoá mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng khác hoặc có hành vi đập phá tài sản tại phòng xét xử sẽ bị xử lý hình sự (Điều 404).

2.4. Sửa đổi, bổ sung tội bức cung và tội dùng nhục hình nhằm bảo đảm yêu cầu Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người

Ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đồng thời khẳng định, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Để triển khai thực hiện Công ước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2015 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước, theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm thực thi các nghĩa vụ của Công ước là phải nội luật hoá các quy định về hình sự hoá các hành vi tra tấn theo yêu cầu của Công ước.

 Công ước mô tả rõ tra tấn là bất kỳ hành động nào tạo ra sự đau đớn hoặc đau khổ - về thể xác hay tinh thần - do cố ý gây ra cho một người nhằm các mục đích là đạt được thông tin hay một lời thú nhận từ anh ta hoặc một người thứ ba, trừng phạt anh ta vì một hành động mà anh ta hoặc người thứ ba đã phạm hoặc bị nghi là đã phạm, hoặc đe dọa, ép buộc anh ta hoặc một người thứ ba, hoặc đối với bất kỳ lý do nào dựa trên sự phân biệt đối xử bất kỳ loại nào.

BLHS hiện hành có nhiều quy định liên quan đến việc xử lý các hành vi tra tấn, trong đó có 02 điều điển hình quy định tại Chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là Điều 298- tội dùng nhục hình và Điều 299- tội bức cung. Đối chiếu với yêu cầu của Công ước về hành vi tra tấn cho thấy, các quy định này của BLHS còn có một số điểm khác biệt đặc biệt liên quan đến chủ thể và hành vi khách quan.

Để bảo đảm thực thi Công ước, cùng với việc sửa đổi các quy định khác của Bộ luật Hình sự, các quy định về tội dùng nhục hình và tội bức cung tại dự thảo Bộ luật cũng được bổ sung theo hướng:

Một là, sửa đổi, bổ sung hành vi khách quan thành “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” (Điều 386 dự thảo).

Hai là, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự “dùng nhục hình, hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị thẩm vấn” vào tội bức cung (khoản 2 Điều 387 dự thảo)./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: