Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

BỘ TƯ PHÁP

 

Chuyên đề 8

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG XXI DỰ THẢO                     BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI) VỀ CÁC TỘI PHẠM XÂM PHẠM              AN TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

1. Lý do phải sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

Việc sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng trong dự thảo BLHS (sửa đổi) xuất phát từ những lý do sau đây:

Thứ nhất, theo Báo cáo số 35/BC-BTP ngày 12/02/2015 của Bộ Tư pháp về Kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLHS thì “trong thời gian qua nổi lên tình trạng tội phạm chống người thi hành công vụ, cá biệt có những vụ người phạm tội đã sử dụng "vũ khí nóng" để chống lại các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, loại tội phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông vận tải vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tình trạng người điều khiển phương tiện điều khiển phương tiện chạy vượt quá tốc độ, trong tình trạng say do dùng rượi hoặc chất ma túy đang diễn ra hết sức phức tạp và đã gây ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống của nạn nhân, gia đình và toàn xã hội. Loại tội phạm đánh bạc có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Gần đây, xuất hiện trường hợp sử dụng internet để đánh bạc có tổ chức xuyên quốc gia gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Thứ hai, qua rà soát các quy định của BLHS cho thấy, còn nhiều tình tiết mang tính “định tính” trong các quy định của BLHS nói chung, trong đó có các quy định về các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Điều này một mặt làm cho công tác áp dụng pháp luật trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn, mặt khác thể hiện tính thiếu minh bạch của văn bản, ảnh hưởng đến việc phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật của người dân, ví dụ như: gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng hay gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản (các điều từ 202 – 219, Điều 244…); gây hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác, đặc biệt nghiêm trọng khác (các điều 255, 278, 279…).

Thứ ba, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được quy định trong BLHS hoặc có nhưng chưa phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung vào BLHS để có cơ sở pháp lý đấu tranh với loại tội phạm này.

2. Những điểm mới cơ bản của chương XXI dự thảo BLHS (sửa đổi) về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng

Chương XXI dự thảo BLHS (sửa đổi) về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộnggồm có 75 điều, tăng 17 điều so với BLHS hiện hành. Dự thảo chương này có một số nội dung sửa đổi, bổ sung mới cơ bản như sau: (i) Bổ sung một điều quy định về các tình tiết định tội, định khung hình phạt; (ii) tách chương này thành các mục riêng; (iii) bổ sung một số tội danh mới; (iv) điều chỉnh lại cấu thành một số tội phạm. Cụ thể:

2.1. Bổ sung một điều quy định cụ thể nội hàm của một số tình tiết định tội, định khung hình phạt của các điều luật trong chương này

Điều 267 của dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định cụ thể nội hàm của một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt, theo đó:

Thứ nhất, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 các điều 268, 269, 270, 271, 272, 273, 276, 277, 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284, 285, 287, 290; khoản 2 các điều 274, 275, 288, 289, 291, 293 của BLHS được hiểu là một trong các trường hợp sau đây:

- Làm chết 01 người;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

Thứ hai, gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 các điều 268, 269, 270, 271, 272, 273, 276, 277, 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284, 285,  287, 290, 292; khoản 3 các điều 274, 275, 288, 289, 293 của BLHS được hiểu là một trong các trường hợp sau đây:

- Làm chết 02 người;

- Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này là từ trên 100% đến 200%;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của một hoặc hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

Thứ ba, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 271; khoản 3 các điều 268, 269, 270, 272, 273, 276, 277, 278, 279, 280, 281, 282, 283, 284, 285, 287, 290, 291, 292, 293; khoản 4 các điều 274, 275, 288, 289 của BLHS được hiểu là một trong các trường hợp sau đây:

- Làm chết từ ba người trở lên;

- Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;

- Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;

- Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên”.

Việc bổ sung một điều quy định cụ thể nội hàm của một số các tình tiết định tội, định khung hình phạt để áp dụng chung cho các tội xâm phạm an toàn giao thông là cần thiết nhằm nâng cao tính minh bạch của BLHS, góp phần khắc phục một trong những bất cập hiện nay của BLHS hiện hành là quá nhiều tình tiết định tính; đồng thời thể hiện tinh thần của khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

2.2. Tách chương này thành các mục riêng để có chính sách xử lý phù hợp hơn

BLHS hiện hành không tách chương này thành các mục. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã tách chương này thành 3 mục theo từng nhóm tội phạm, bao gồm: Mục A. Các tội xâm phạm an toàn giao thông; Mục B. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, mạng internet và Mục C. Các tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng.

Qua rà soát BLHS cho thấy, Chương các tội xâm phạm an toàn cộng cộng, trật tự công cộng trong BLHS hiện hành có số lượng điều luật và tội danh nhiều nhất trong các chương. Giữa các nhóm hành vi có cùng tính chất lại không được phân biệt với nhau nên gây khó khăn cho quá trình áp dụng. Mặt khác, việc quy định vào cùng một chương các hành vi phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau sẽ gây khó khăn cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự. Do đó, một số ý kiến cho rằng, nên tách thành các chương độc lập để có điều kiện phân hóa trách nhiệm hình sự được minh bạch hơn. Tuy nhiên, việc tách thành một chương riêng đòi hỏi cần có thêm thời gian và nghiên cứu chu đáo, nên trước dự thảo tách thành 3 mục và thể hiện trong dự thảo gồm: nhóm các tội liên quan đến an toàn giao thông; nhóm các tội liên quan đến mạng máy tính, mạng internet và thiết bị số; nhóm các tội phạm khác xâm phạm an toàn, trật tự công cộng.

2.3. Bổ sung một số tội danh mới

Dự thảo Bộ luật đã bổ sung 12 tội danh mới vào chương này. Đó là các tội: rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạt tài sản; cố ý xâm phạm, tấn công vào trạm trung chuyển Internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh; cố ý gây nhiễu có hại; thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng; sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; thiết lập, quản trị, điều hành website để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hóa trên mạng máy tính; cưỡng bức lao động; bắt cóc con tin; cướp biển(các điều 270, 294, 300, 301, 302, 303, 304, 305, 306, 309, 314, 315). Có thể thấy phần lớn các tội danh mới được bổ sung thuộc nhóm tội phạm công nghệ cao - loại tội phạm đang phổ biến hiện nay và mang tính xuyên quốc gia, gây thiệt hai hết sức nghiêm trọng về an ninh và tài sản. Ngoài ra, việc bổ sung tội bắt cóc con tin và tội cướp biển là nhằm nội luật hóa Công ước luật biển năm 1982 và Công ước chống bắt cóc con tin năm 1979.

Để bảo vệ tốt hơn quyền được sống trong một môi trường an lành của người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống các hành vi của một số người vì lợi ích cá nhân mà bất chấp đến an nguy về tính mạng, sức khỏe của người khác, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung tội rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ (tách từ khoản 2 Điều 203 Tội cản trở giao thông đường bộ) hay sửa đổi tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thành tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Trong quá trình soạn thảo có ý kiến khác cho rằng, hành vi đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ cũng là hành vi cản trở giao thông đường bộ, đã coi là tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 203) nên không cần phải tách thành tội riêng; đối với tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, cần cân nhắc kỹ vì có thể dẫn đến việc xử lý tràn lan (vi phạm rất nhiều) và trên thực tế, mặc dù BLHS đã có quy định về hành vi này nhưng thực tế xét xử rất ít. Về vấn đề này, mặc dù hành vi đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ cũng là hành vi cản trở giao thông đường bộ nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn những hành vi khác, đồng thời thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội vì động cơ kinh tế mà bất chấp việc gây thiệt hại cho tính mạng, nghiêm trọng cho sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông, nên cần quy định thành tội riêng để có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn.

Bên cạnh đó, mặc dù BLHS đã có tội vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm nhưng phạm vi quá rộng, đồng thời phải có hậu quả xảy ra mới truy cứu TNHS (việc chứng minh là rất khó) nên trên thực tế ít được xử lý. Cần điều chỉnh lại chính sách xử lý theo hướng cụ thể hơn như: chỉ coi là tội phạm khi người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý;  hành vi phạm tội là hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn; căn cứ vào số lượng thực phẩm vi phạm để truy cứu TNHS mà không căn cứ vào việc có gây hậu quả chết người , gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của người tiêu dùng hay không. Dự thảo xây dựng trên quan điểm này.

Ngoài ra, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, dự thảo đã bổ sung tội cưỡng bức lao động (Điều 309) nhằm xử lý hình sựđối với người có hành dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác ép buộc người khác phải làm việc.

2.4. Điều chỉnh lại cấu thành một số tội phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm

Trong thời đại công nghệ thông tin, công nghệ số phát triển như hiện nay, nhiều người đã sử dụng công nghệ thông tin; mạng viễn thông, mạng internet (trên thế giới ảo) để thực hiện hành vi phạm tội như trộm cắp, lừa đảo, truy cập bất hợp pháp vào hệ thống, tấn công hệ thống mạng, vu khống, làm nhục người khác…gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.Theo Báo cáo của Bộ Công an, các hành vi phạm tội này thuộc hai nhóm: (i) Nhóm các hành vi phạm tội mang tính truyền thống và (ii) Nhóm hành vi đặc trưng của loại tội phạm này. Tuy nhiên, đối với các trường hợp có tính chất của tội phạm truyền thống như: lừa đảo, trộm cắp, vu khống nhưng nếu thực hiện thông qua các phương tiện này thì có khả năng gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và nếu chỉ coi là tính tiết tăng nặng định khung trong môt số tội phạm tương ứng thì không phản ánh hết bản chất nguy hiểm của hành vi. Ví dụ: hành vi trộm cắp qua mạng. nhờ sử dụng công nghệ, người phạm tội có thể trộm cắp của hàng chục ngàn người với số tiền của mối người chỉ rất nhỏ, nhưng tổng số tiền trộm cắp thì rất lớn và căn cứ Điều 138 hiện hành thì sẽ không sử lý được. Hay hành vi vu khống, chỉ cần nhấn phím, là hàng vạn người có thể biết….nên không thể sử dụng tội vu khống, tuyên truyền chống Nhà nước thông thường để xử lý.

Nhóm tội này được chia thành hai loại: các hành vi xâm phạm sự an toàn của hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (quy định là cấu thành hình thức) và nhóm các hành vi sử dụng công nghệ này để chiếm đoạt tài sản hoặc kinh doanh trái phép (cấu thành tội phạm vật chất). Do đó, dự thảo bỏ dấu hiệu hậu quả vì hành vi này xâm phạm sự an toàn của hệ thống mạng máy tính, mạng internet… nên cần xử lý ngay mà không cần đợi hậu quả. Ví dụ: website Chính phủ hoặc hệ thống ngân hàng bị ngừng hoạt động trong 01 ngày, thì không thể lượng được giá trị thiệt hại là bao nhiêu. Cụ thể, bỏ các dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” do trong thời gian qua loại tội phạm này gia tăng và có diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng chưa xét xử được vụ nào, một trong những nguyên nhân là do bế tắc trong công tác giám định./.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: