Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

BỘ TƯ PHÁP

 

Chuyên đề 6

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG XVIII

DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI) VỀ CÁC TỘI

XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ

 
   

 

 

          1. Lý do phải sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nước ta đã có những bước phát triển quan trọng, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đã mang lại những lợi ích to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm.  BLHS hiện hành nhìn chung vẫn là sản phẩm mang đậm dấu ấn của thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, do vậy, chưa thực sự phát huy tác dụng trong việc bảo vệ và thúc đẩy các nhân tố tích cực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển một cách lành mạnh. Một số quy định của Bộ luật tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường. Mặt khác, nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế chưa được kịp thời bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung, nhưng chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, tội phạm trong lĩnh vực môi trường,…Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện BLHS để góp phần bảo vệ và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Chính vì vậy, một trong những định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự (BLHS) lần này là thể chế hóa hình sự chính sách của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm của định hướng này là sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

2. Mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Thứ nhất, việc sửa đổi, bổ sung chương này góp phần vào việc thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là xây dựng BLHS phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013, phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

Thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung chương này phải thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là chủ trương: "Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", "Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế" .

Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung chương này nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đặc biệt là tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh; đồng bộ với các luật, bộ luật đã được ban hành cũng như các luật, dự luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như các luật về quyền con người, quyền công dân.

3. Những điểm mới cơ bản của Chương XVIII dự thảo BLHS (sửa đổi) về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Chương XVIII dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế gồm 41 điều luật (từ Điều 190 đến Điều 230), tăng 06 điều so với BLHS hiện hành. Các điều luật của Chương XVIII dự thảo BLHS (sửa đổi) được chia thành 03 mục phù hợp với từng nhóm khách thể mà tội phạm xâm hại, gồm: Mục A - Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; mục B - Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và mục C - Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.  

Việc sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tập trung vào 06 nội dung cơ bản sau: (i) bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với một số tội phạm; (ii) bỏ một số tội trong chương này; (iii) thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội phạm cụ thể; (iv) bổ sung một số tội phạm mới; (v) cụ thể hóa một số tình tiết định tính, định lượng làm căn cứ định tội hoặc định khung hình phạt; (vi) tách một số tội phạm ghép thành những tội danh độc lập đối với một số tội phạm; (vii) quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội. Cụ thể:

3.1. Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Với chủ trương mở rộng áp dụng hình phạt tiền được nêu tại Nghị quyết số 49/NQ-TW, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với hầu hết các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (34/41 tội danh), chỉ trừ 07/41 tội danh không quy định hình phạt tiền là hình phạt chính. Đó là các tội: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 195); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 196); vi phạm quy định về an toàn, vận hành công trình điện (Điều 202); làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, công trái giả (Điều 211); làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, công cụ chuyển nhượng giả, các giấy tờ có giá giả khác (Điều 212); vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 227); vi phạm các quy định về quản lý rừng (Điều 229).

3.2. Bỏ một số tội danh trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu, rộng của nền kinh tế, trước những đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì một số quy định của BLHS về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế hiện nay không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Do vậy, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bỏ 04 tội danh được quy định tại BLHS hiện hành, đó là các tội: kinh doanh trái phép (Điều 159); báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167); vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170);sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178) với những lý do sau:

Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư[1] đề nghị bỏ tội kinh doanh trái phép (Điều 159 BLHS hiện hành) vì cho rằng:

- Hành vi được xác định là kinh doanh trái phép rất rộng, trong đó có một số hành vi vi phạm Luật đầu tư, luật chuyên ngành không cần thiết phải xử lý hình sự vì trên thực tế những hành vi này khá phổ biến và chúng ta có chế tài xử phạt hành chính để sức răn đe, phòng ngừa.

- Điều 33 Hiến pháp quy định "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Do vậy, cần hạn chế hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự vì các quan hệ này được xây dựng trên nguyên tắc thỏa tuận, bình đẳng, tự nguyện giữa các bên. Nhà nước chỉ can thiệp khi hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội ở một mức độ nhất định.

- Một số hành vi kinh doanh trái phép đã được quy định trong các tội danh khác, như các hành vi kinh doanh trong ngành, nghề cấm đầu tư (sản xuất hàng cấm; buôn bán hàng cấm; tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) hoặc các hành vi kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (buôn lậu; sản xuất hàng giả; lừa dối khách hàng; gây ô nhiễm môi trường; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng, ...).

Thứ hai, bỏ tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170 BLHS hiện hành)

Theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ[2] thì cần bỏ tội danh này vì những lý do sau đây:

- Việc cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là một thủ tục hành chính. Ngoài Điều 170 BLHS hiện hành không quy định tội danh tương ứng với bất kỳ thủ tục hành chính nào khác.

- Việc cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dựa trên việc đánh giá đối tượng nêu trong đơn đăng ký có phù hợp với tiêu chuẩn bảo hộ hay không. Đây là quy trình phức tạp, chủ yếu việc tra cứu thông tin để so sánh, đánh giá đối tượng trong đơn đăng ký (sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu, ...). Số lượng thông tin, tài liệu này rất lớn và đa dạng, quá trình đánh giá cũng phức tạp, ...

- Về cơ bản, hành vi vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp không phải là hành vi nguy hiểm cao cho xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

- Pháp luật đã có chế tài dân sự, hành chính để xử lý trường hợp vi phạm này.

- Kinh nghiệm pháp luật các nước đều không xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm này.

Thứ ba, bỏ tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167 BLHS hiện hành) và tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178 BLHS hiện hành)

Để nền kinh tế thị trường của một quốc gia phát triển lành mạnh, năng động thì cần phải khai thác mọi tiềm năng sẵn có và phát huy hết nguồn lực của mỗi cá nhân, tổ chức qua đó thúc đẩy mọi chủ thể trong xã hội phát huy, tìm tòi, sáng tạo, làm giàu cho bản thân và cho đất nước. Muốn làm được điều này, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý để người dân được quyền làm những điều pháp luật không cấm. Với tinh thần đó, thì việc duy trì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không đáp ứng được yêu cầu trên. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tội này được coi như là một cái túi để  xử lý tất cả những trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác. Điều này làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất kinh doanh vì sợ vướng vào tội này. Điều này lại càng nghiêm trọng hơn khi hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế của ta đang trong quá trình hoàn thiện, tính ổn định chưa thật cao, nên việc tiếp tục duy trì tội này trong BLHS thực sự là một rào cản rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế, là cơ sở để các cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc tương tự - vốn là điều cấm kỵ trong một nền tư pháp hiện đại - để xử lý các hành vi mà BLHS chưa dự liệu trước.

Trên tinh thần đó, dự thảo BLHS (sửa đổi) dự kiến không tiếp tục duy trì tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng mà cụ thể hóa hành vi phạm tội này thành các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực để bảo đảm tính công khai, minh bạch của BLHS, tránh sự tùy tiện trong việc áp dụng BLHS để xử lý tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp mới năm 2013. Điều này thể hiện rõ ở chỗ, tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được quy định trong chương XVI- Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của BLHS hiện hành cùng với 34 tội danh khác.

Trên cơ sở cụ thể hóa các hành vi quy định tại 34 tội danh này, đồng thời, cập nhật, bổ sung thêm một số tội danh mới mang tính chất ”cố ý làm trái” trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dự thảo Bộ luật đã quy định 41 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: 1) sản xuất, kinh doanh, thương mại; 2) thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; 3) lĩnh vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, BLHS cũng có một số điều khoản mang tính chất ”cố ý làm trái” trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong chương các tội phạm về chức vụ cũng đã quy định một số tội danh liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Như vậy, có thể thấy, dự thảo Bộ luật đã có khá nhiều tội danh mang tính cố ý làm trái để thay thế cho tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong BLHS.    

3.4. Bổ sung một số tội phạm mới trong các lĩnh vực kinh tế

Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành quản lý các ngành, lĩnh vực, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung 08 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế, như: sản xuất, kinh doanh, chứng khoán, bảo hiểm, ... (các điều 201, 216 - 222).

Đối với việc bổ sung một số tội danh mới trong lĩnh vực bảo hiểm, chúng ta thấy rằng, Luật bảo hiểm xã hội đã xác định các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội và quy định những chế tài  xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Một vấn đề nổi cộm vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngày càng gia tăng với số tiền lớn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Nghiêm trọng có nhiều đơn vị nợ đóng bảo hiểm cho người lao động trong thời gian dài, có trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động, dẫn đến việc họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kịp thời. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thì tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật và thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng xuất hiện ngày càng phổ biến. Qua thực tiễn, vi phạm xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, nhưng tập trung nhiều vào hai lĩnh vực chủ yếu là bảo hiểm phi nhân thọ (bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hàng hóa...) và bảo hiểm nhân thọ.

Mặc dù có thể vận dụng một số quy định của BLHS để xử lý đối với hành vi gian lận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hành vi trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, do lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và kinh doanh bảo hiểm có những đặc thù. Việc gian lận, trục lợi trong lĩnh vực này có tính chất tương đối phổ biến, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, người tham gia bảo hiểm mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư để phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế thị trường và hội nhập thì việc bảo đảm sự ổn định và phát triển của chính sách an sinh xã hội, bảo vệ lực lượng lao động trong xã hội là một yêu cầu tất yếu. Nền công nghiệp ngày càng phát triển, đất đai dùng vào sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần đã tạo ra một lực lượng lao động làm công ăn lương dồi dào. Điều này đòi hỏi phải có chính sách an sinh xã hội tốt để đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Do vậy, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung thêm 04 tội danh liên quan đến lĩnh vực này, đó là tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 217); tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 218); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 219); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 220).

3.5. Cụ thể hóa một số tình tiết định tính, định lượng làm căn cứ định tội hoặc định khung hình phạt

Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của các dấu hiệu định tính, định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, các điều luật của chương này đã cố gắng cụ thể hóa tương đối đầy đủ, rõ ràng các dấu hiệu định tính, định lượng như thu lợi bất chính lớn, thu lợi bất chính rất lớn, thu lợi bất chính đặc biệt lớn tại tất cả các điều luật của Chương XVIII có quy định dấu hiệu này (17 điều luật) hoặc dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (các Điều 194, 197, từ Điều 201 đến Điều 215...). Đặc biệt, yếu tố cấu thành cơ bản của hầu hết các tội phạm thuộc chương này đã được cụ thể hóa, như đối với các tội mới được bổ sung vào Chương này (từ Điều 116 đến Điều 222) hoặc một số tội danh hiện hành (Điều 194, 198, các Điều từ 201 đến 204, Điều 207, 208, các Điều từ 227 đến 229).

3.6. Tách một số tội phạm ghép thành những tội danh độc lập đối với một số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

BLHS hiện hành quy định một số tội phạm ghép thuộc chương các tội xâm phạm quản lý kinh tế. Với những quy định này thì những hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau nhưng lại có chung chính sách xử lý hình sự. Đây là một trong những vướng mắc được nhiều Bộ, ngành và địa phương phản ánh qua các báo cáo tổng kết, các cuộc khảo sát, hội thảo, hội nghị về việc sửa đổi, bổ sung BLHS. Do vậy, để đảm bảo việc phân hóa trách nhiệm hình sự, Chương XVIII dự thảo BLHS (sửa đổi) đã tách những tội phạm ghép này thành nhiều tội danh độc lập với chính sách xử lý khác nhau, đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, cụ thể:

- Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hành cấm quy định tại Điều 155 BLHS hiện hành được tách thành 02 tội danh độc lập tại dự thảo BLHS (sửa đổi), đó là tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 192) và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 193);

- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định tại Điều 157 BLHS hiện hành được tách thành 04 tội danh độc lập của dự thảo BLHS (sửa đổi), gồm có tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 195); và  tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh (Điều 196).

3.7. Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm

Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 17/41 tội danh được quy định tại Chương XVIII - các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bao gồm các tội: buôn lậu (Điều 190); vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 191); sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 192); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 193); sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 194); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 195); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh(Điều 196 ); sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi(Điều 197); trốn thuế(Điều 204); in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ (Điều 207); cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán(Điều 213); sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán(Điều 214); thao túng giá thị trường chứng khoán(Điều 215); trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động(Điều 220); vi phạm quy định về cạnh tranh(Điều 221); xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan(Điều 223); xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp(Điều 224)./.


[1] Công văn số 933/BKHĐT-PC ngày 12/02/2015 về việc góp ý dự thảo BLHS (sửa đổi).

[2] Công văn số 3281/BKHCN-PC ngày 10/09/2014 về việc đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: