BỘ TƯ PHÁP |
|
Chuyên đề 7
NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG XIX DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI) VỀ CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
Chương XVII Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) gồm có 11 điều (từ Điều 182 - Điều 191a) quy định các tội phạm về môi trường.Qua thực tiễn thi hành các quy định tại Chương này đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường trong đó chủ yếu là do các quy định về cấu thành tội phạm còn chung chung và khó áp dụng như quy định cấu thành vật chất, chưa quy định chủ thể của tội phạm là các pháp nhân.
Để khắc phục các bất cập đó, dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng trong việc quy định cấu thành các tội phạm về môi trường cũng như về chủ thể phạm tội. Cụ thể:
1. Một số điểm mới cơ bản của Chương XIX dự thảo BLHS (sửa đổi) về các tội xâm phạm về môi trường
Chương XIX dự thảo BLHS (sửa đổi) gồm có 13 điều (từ Điều 231 đến Điều 243). So với BLHS hiện hành, dự thảo có những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây: (i) sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường; (ii) bổ sung 02 tội danh mới; (iii) mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền; (iv) quy địnhtrách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số loại tội phạm về môi trường.
1.1. Sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể
Một số tội phạm về môi trường đã được sửa đổi về cấu thành tội phạm theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể để xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, thay cho quy định mang tính chung chung trước đây như quy định tại Điều 182 – Tội gây ô nhiễm môi trường hoặc quy định tại Điều 191a – Tội nhập khẩu phát tán các loài ngoại lai xâm hại.
Ví dụ: Khoản 1 Điều 182 BLHS hiện hành quy định “Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác”. Quy định này đã được loại bỏ và thay vào đó là các mức định lượng vi phạm cụ thể.
Tương tự, quy định tại Điều 182a về tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại “người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác” cũng được thay thế bằng các hành vi vi phạm cụ thể như: “chôn, lấp, đổ thải từ 5.500 kilôgam đến dưới 7.000 kilôgam chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc từ 22.000 kilôgam đến 25.000 kilôgam đối với chất thải nguy hại có chứa thành phần nguy hại khác”.
Ở lần sửa đổi lần này, đối với các tội phạm quy định cấu thành vật chất (tức là việc xử lý về hình sự dựa vào hành vi vi phạm) thì việc quy định mức độ nghiêm trọng của hành vi để xử lý về hình sự là dựa trên mức cao nhất của mức xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm để định ra ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm. Ví dụ: đối với tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 231 dự thảo), hành vi xả nước thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải có độ pH từ 0 đến dưới 02 hoặc từ 12,85 đến 14 trong trường hợp lượng nước thải từ 12.000m3/ngày đến dưới 20.000m3/ngày thì sẽ bị xử lý hình sự, trong khi theo quy định của Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường thì mức xử phạt cao nhất là xử phạt từ 950 triệu đến một tỷ đồng trong trường hợp lưu lượng trong trường hợp lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày trở lên.
Ngoài ra, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các trường hợp vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử lý theo các khoản ở khung tăng nặng như tại khoản 2, 3 với mức phạt tiền rất cao từ 2.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
- 1.2. Bổ sung 02 tội danh mới: Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa, liên hồ chứa, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai(Điều 234 dự thảo) và tội vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, các công trình về tài nguyên nước (Điều 235 dự thảo)
- 1.3. Mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền
Thứ nhất, tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa, liên hồ chứa, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai được bổ sung nhằm xử lý các hành vi vi phạm các quy định như: xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê điều, phòng, chống thiên tai; khoan thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê điều, phòng, chống thiên tai; sử dụng chất nổ trái phép, gây nổ gây cháy làm nguy hại đến công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đê điều, phòng, chống thiên tai; vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, trạm bơm, hồ chứa nước.
Thực tiễn vừa qua cho thấy nhiều vụ việc các cơ sở thủy điện xả lũ không đảm bảo thời gian thông báo cho các vùng dân cư ở khu vực hạ lưu gây ngập lụt, thiệt hại về vật chất nặng nề cho một số khu vực dân cư đó. Do đó, việc bổ sung quy định này nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm quy định về vận hành hồ chứa, liên hồ chứa. Hình phạt đối với tội này cũng tương đối nghiêm khắc, cao nhất đến 10 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền bổ sung đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 02 đến 05 năm.
Thứ hai, tội vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, các công trình về tài nguyên nước được bổ sung nhằm xử lý các hành vi như:khai thác cát, sỏi ở sông, suối trong vùng cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi gây sạt lở nghiêm trọng bờ, bãi sông; phá hoại các công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Hình phạt tiền quy định đối với tội này lên đến 100 triệu đồng ở khoản 1. Hình phạt tù có thời hạn là đến 1 năm ở khung cơ bản. Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Do tính chất nghiêm trọng của các tội phạm môi trường và xét mục đích chủ yếu của các hành vi phạm tội là nhằm vào lợi ích kinh tế nên phạm vi áp dụng của hình phạt tiền được mở rộng, mức phạt tiền được nâng lên đảm bảo tính răn đe, trừng trị đối với các hành vi vi phạm.
Thứ nhất, về việc mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt tiền:
Hình phạt tiền đã được bổ sung tại khung cơ bản (khoản 1) tại khoản 1 Điều 237. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (đây là điều luật duy nhất không quy định hình phạt tiền tại khung cơ bản tại BLHS hiện hành). Hình phạt tiền đã được quy định tại khung tăng nặng của một số tội (ví dụ: tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ).
Thứ hai, về việc nâng mức phạt tiền tại các điều luật:
Các điều luật đã có sự điều chỉnh theo hướng nâng cao mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, mức phạt tiền được quy định ở mức rất cao, phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
1.4. Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm về môi trường
So với BLHS hiện hành, dự thảo đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm về môi trường. Đó là: tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 231); tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (Điều 232); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 236). Hình phạt đối với pháp nhân phạm tội bao gồm hình phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.
Việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân xuất phát từ thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều pháp nhân, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng nhưng do BLHS chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân nên việc xử lý trách nhiệm của các pháp nhân này gặp nhiều khó khăn và thiếu hiệu quả.
2. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số tội cụ thể
2.1. Về tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 233)
So với BLHS hiện hành, dự thảo đã bổ sung ngoài “các hành vi vi phạm về phòng ngừa, ứng phó” là các quy định về khắc phục sự cố về môi trường để đảm bảo phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Về chế tài, tại khoản 2 Điều 233 dự thảo đã bổ sung hình phạt tiền bên cạnh hình phạt tù để tăng khả năng lựa chọn hình phạt cho Tòa án khi quyết định hình phạt đối với người hoặc pháp nhân phạm tội.
2.2. Về tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 236)
Thay vì quy định tại Điều 185 BLHS hiện hành “người nào lợi dụng việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế liệu hoặc hóa chất, chế phẩm sinh học hoặc bằng thủ đoạn khác đưa vào lãnh thổ Việt Nam chất thải nguy hại hoặc chất thải khác với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng”, dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định gọn hơn theo hướng không đề cập đến thủ đoạn của người phạm tội mà chỉ cần quy định hành vi “người nào đưa vào lãnh thổ Việt Nam chất thải nguy hại hoặc chất thải khác với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về chế tài xử lý, hình phạt tiền cũng được bổ sung tại khung tăng nặng (khoản 2) với tư cách là hình phạt chính bên cạnh hình phạt tù.
Một trong những sửa đổi quan trọng tại điều này là việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, theo đó mức phạt tiền cao nhất đối với pháp nhân phạm tội có thể lên đến 15 tỷ đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
2.3. Về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 237)
Ngoài việc bổ sung quy định hình phạt tiền tại khung cơ bản, dự thảo điều này còn bổ sung các hành vi sau “cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người”, nhằm quy định rõ hơn việc mở rộng đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn.
2.4. Về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 238)
Tương tự như quy định tại Điều 237 dự thảo, dự thảo Điều 238 đã bổ sung hành vi “cho phép đưa vào, mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh” để quy định rõ chủ thể của tội phạm là những người có chức vụ, quyền hạn.
2.5. Về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 239)
Cấu thành cơ bản của tội phạm không có sửa đổi cơ bản mà chỉ có sự điều chỉnh thay thế cụm từ “phương tiện, ngư cụ khác bị cấm” bằng cụm từ “phương tiện, ngư cụ khác có tính hủy diệt” để làm rõ hơn.
Để ngăn chặn tình trạng hủy hoại nguồn lợi thủy sản, các chế tài cũng có sự điều chỉnh cơ bản. Mức phạt tiền tối đa tại khoản 1 được nâng lên gấp đôi, từ 100 triệu lên 200 triệu đồng. Mức phạt tiền ở khung tăng nặng đối với các cá nhân phạm tội được quy định lên đến 400 triệu đồng. Hình phạt tù tối đa cũng được nâng từ 5 năm lên đến 10 năm.
Điều luật cũng đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân, theo đó nếu pháp nhân phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 01 đến 03 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân; nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 03 đến 05 lần mức tiền phạt áp dụng đối với cá nhân hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; nếu phạm tội thuôc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
2.6. Về tội hủy hoại rừng (Điều 240)
Về cấu thành tội phạm, quy định chung chung tại Điều 189 BLHS hiện hành “người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng”, “hủy hoại diện tích rừng rất lớn”, “ hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn” đã được thay bằng những định lượng cụ thể như: hủy hoại cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc kiểu trạng thái rừng có diện tích từ 35.000m 2đến dưới 50.000m; rừng sản xuất có diện tích từ 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2; rừng phòng hộ có diện tích từ 4.000m 2đến dưới 7.000m2; rừng đặc dụng có diện tích từ 1.200m2 đến dưới 3.000m2.
Dự thảo Điều 240 BLHS (sửa đổi) cũng đã bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội này, theo đó pháp nhân phạm tội sẽ bị phạt với số tiền gấp một số lần so với thể nhân phạm tội. Ngoài ra, bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
2.7. Về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 241)
Điểm sửa đổi cơ bản tại dự thảo Điều 241 BLHS (sửa đổi) là việc quy định các tình tiết tại khung tăng nặng “buôn bán, vận chuyển qua biên giới”, “hàng phạm pháp có số lượng lớn hoặc thu lợi bất chính lớn” nhằm điều chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Khoản 3 được bổ sung để quy định trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoặc bộ phận cơ thể của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc một trong các trường hợp: hàng phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Hình phạt quy định tại khoản 3 được quy định khá nghiêm khắc, từ 10 đến 15 năm tù.
Điều luật bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với chế tài phạt tiền từ 1 tỷ đến 15 tỷ đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm, bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
2.8. Về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 243)
Dự thảo Điều 243 Bộ luật hình sự đã bỏ quy định mang tính không cụ thể “người nào cố ý nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai gây hậu quả nghiêm trọng” tại Khoản 1 Điều 191a Bộ luật hình sự hiện hành và thay vào đó là các hành vi vi phạm cụ thể như “nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại đã biết hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp tang vật vi phạm trị giá từ 250.000.000 đồng trở lên hoặc trong trường hợp tang vật vi phạm trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, “phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại đã biết hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trái phép gây hậu quả nghiêm trọng”. Dự thảo điều luật đã có sự phân biệt trong chính sách xử lý đối với các hành vi nhập khẩu và phát tán các loài ngoại lai xâm hại, theo đó hành vi phát tán chỉ bị xử lý về hình sự khi có hậu quả.
Điều luật cũng bổ sung một khoản mới để quy định chế tài đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng./.