BỘ TƯ PHÁP |
|
Chuyên đề 5
NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG XV DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI) VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO CỦA CON NGƯỜI, QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN
1. Lý do sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân
Việc sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân trong dự thảo BLHS (sửa đổi) xuất phát từ những lý do sau đây:
BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã dành 01 chương riêng (chương XIII) với 09 điều (các điều 123 - 130, 132) để quy định về các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân. Các tội phạm này xâm phạm đến một số quyền tự do, dân chủ sau đây: 1) quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về chỗ ở; 2) quyền bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín; 3) quyền bầu cử, quyền ứng cử; 4) quyền tự do tín ngưỡng,tôn giáo; 5) quyền hội họp, lập hội; 6) quyền bình đẳng của phụ nữ; 7) quyền lao động, quyền khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, trên tinh thần của Hiến pháp mới năm 2013 thì thấy rằng, các quy định tại chương XIII xủa BLHS hiện hành đã bộc lộ một số bất cập đáng chú ý là những bất cập sau đây:
Thứ nhất, tên của chương XIII BLHS “Các tội xâm phạm quyền, tự do dân chủ của công dân” là quá hẹp, chưa thể hiện hết nội hàm các quy định trong chương này, bởi lẽ, tuyệt đại đa số các quyền tự do, dân chủ mà các tội phạm trong chương này xâm hại là các quyền con người được Hiến pháp bảo vệ, không kể là công dân Việt Nam hay người nước ngoài hay người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam (như: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về chỗ ở; quyền bí mật cá nhân, thư tín, điện tín, điện thoại; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền khiếu nại, tố cáo; ...). Chỉ có một số ít các quyền tự do, dân chủ gắn với công dân, thông thường đó là các quyền về chính trị (ví dụ: quyền bầu cử, quyền ứng cử; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình). Nghiên cứu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các quyền về dân sự, chính trị đều thuộc về cá nhân (trong đó bao gồm cả công dân lẫn cá nhân không phải là công dân của một quốc gia sở tại). Chỉ có ba nhóm quyền gắn với công dân: 1) tham gia điều hành các công việc xã hội; 2) bầu cử, ứng cử; 3) được tiếp cận với các dịch vụ công ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng (Điều 25 Công ước).
Thứ hai, BLHS chưa có quy định để xử lý đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng một số quyền tự do, dân chủ đã được Hiến pháp năm 1992 ghi nhận và tiếp tục được khẳng định tại Hiến pháp năm 2013, như: quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin; quyền biểu tình.
Thứ ba, chính sách xử lý hình sự đối với nhóm các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân còn bất hợp lý thể hiện ở chỗ, đây là các tội xâm phạm nhóm quyền cơ bản, quan trọng của con người, của công dân, như: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở; quyền bí mật thư tín, điện tín; các quyền về bầu cử, ứng cử,.... đòi hỏi phải được xử lý nghiêm mới đáp ứng dược yêu cầu bảo vệ nhóm quyền này nhưng theo quy định của BLHS hiện hành thì chính sách xử lý đối với nhóm tội này quá nhẹ, chưa tương xứng với tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân.
2. Những điểm mới cơ bản của chương XV dự thảo BLHS (sửa đổi) về các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân
Để góp phần khắc phục hạn chế, bất cập của BLHS hiện hành, bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung chương XIII của BLHS hiện hành theo hướng: 1) sửa đổi tên chương 2) quy định rõ các hành vi cấu thành tội phạm và cụ thể hóa các tình tiết mang tính định tính trong cấu thành của một số tội danh trong chương này; 3) hình sự hoá một số hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do của con người, quyền dân chủ của công dân được Hiến pháp năm 2013ghi nhận và bảo vệ; 4) bổ sung cấu thành tăng nặng hoặc bổ sung tình tiết định khung tăng nặng hình phạt đối với một số tội; 5) tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm cụ thể. Cụ thể:
Chương XV của dự thảo BLHS gồm 11 điều (từ Điều 156 đến Điều 166), quy định các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền dân chủ của công dân. Những điểm mới cơ bản của chương này gồm có:
1. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã điều chỉnh tên chương XIII của BLHS hiện hành cho phù hợp hơn để bao quát nội hàm quy định trong chương về bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, theo đó tên chương mới (chương XV) là: “Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân”.
2. Để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng một cách thống nhất các quy định của Bộ luật, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã quy định rõ các hành vi cấu thành tội phạm và cụ thể hóa các tình tiết mang tính định tính như: “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” trong một số tội: bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 156); xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 157); xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 158); xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 159); làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân (Điều 160); buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật (Điều 161); xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân (Điều 162); xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác (Điều 163); xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 165).
3. Dự thảo Bộ luật bổ sung 01 điều mới (Điều 166) quy định về tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân; bổ sung hành vi phạm tội xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân vào tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử (tại Điều 159) và bổ sung hành vi làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân vào tội làm sai lệch kết quả bầu cử (tại Điều 160). Việc bổ sung này nhằm tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ đầy đủ hơn các quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 cũng như bảo đảm thực hiện các cam kết trong các điều ước quốc tế về quyền con ngườimà nước ta là thành viên trên cơ sở cân nhắc tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển các mặt chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước.
4. Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung thêm cấu thành tăng nặng đối vớimột số tội nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, cũng như có điều kiện để cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong từng trường hợp phạm tội các tội này. Đó là các tội: xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 157); xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 158 dự thảo); buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật (Điều 161) và xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 165) nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; tách tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân (Điều 129 BLHS hiện hành) được tách thành 02 tội: xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân (Điều 162) và xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người khác (Điều 163) vì đây là các quyền khác nhau thuộc 02 lĩnh vực khác nhau, đã được quy định tại các điều khác nhau của Hiến pháp năm 2013 (khoản 3 Điều 24 và Điều 25 của Hiến pháp). Đồng thời, bổ sung cấu thành tăng nặng định khung đối với hai tội này; bổ sung các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hầu hết các tội phạm thuộc Chương này để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng.
5. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã điều chỉnh hình phạt theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với một số tội phạm cụ thể trong chương này.
5.1. Chương XIII của BLHS hiện hành quy định chính sách xử lý hình sự đối với nhóm các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ nhằm bảo vệ nhóm quyền cơ bản, quan trọng của con người, của công dân (như: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở; quyền bí mật thư tín, điện tín; các quyền về bầu cử, ứng cử, ....). Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì nhìn chung, chính sách xử lý đối với nhóm tội này quá nhẹ, chưa tương xứng với tầm quan trọng và yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặc biệt đây là những nhóm quyền nhân thân cơ bản của cá nhân, quyền dân chủ cơ bản của công dân. Cụ thể:
- Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 BLHS hiện hành) được đánh giá là tội nặng nhất trong chương này vì nó xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người nhưng mức hình phạt tối đa đối với tội này cũng chỉ đến 10 năm tù. Tiếp đến tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 132 BLHS hiện hành) - một quyền quan trọng của công dân cũng chỉ bị phạt tối đa đến 05 năm tù.
- Có 02/09 tội danh trong Chương XIII của BLHS hiện hành có mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù. Đó là tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124) và tội làm sai lệch kết quả bầu cử (Điều 127).
- Có 02/09 tội danh trong Chương XIII của BLHS hiện hành có mức hình phạt cao nhất là 02 năm tù. Đó là tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125) và tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân (Điều 126).
- Có 03/09 tội danh trong Chương XIII của BLHS hiện hành có mức hình phạt cao nhất là 01 năm tù. Đó là các tội: buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật (Điều 128); xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân (Điều 129); xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ (Điều 130).
So sánh với chính sách xử lý đối với nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu của công dân, cho thấy hình phạt đối với hầu hết các tội xâm phạm sở hữu nghiêm khắc hơn rất nhiều, ví dụ: khung hình phạt cao nhất đối với tội trộm cắp, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân; đối với tội cướp là tù mười tám năm đến hai mươi năm, chung thân hoặc tử hình;...Điều này cho thấy sự bất hợp lý trong chính sách xử lý đối với hai loại tội phạm xâm phạm các quyền con người, theo đó, đối với loại tội xâm phạm tài sản thì lại có mức án cao hơn rất nhiều so với loại tội xâm phạm các quyền nhân thân, tự do cơ bản. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
5.2. Để góp phần khắc phục những bất cập nêu trên, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã điều chỉnh mức phạt đối với một số tội danh cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ nhất, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã điều chỉnh mức phạt theo hướng nghiêm khắc hơn đối với các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân. Cụ thể:
- Nâng mức hình phạt cao nhất(10 năm tù) đối với tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 156) lên 12 năm tù.
- Nâng mức hình phạt cao nhất(03 năm tù) đối với tội xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 157) lên 07 năm tù.
- Nâng mức hình phạt cao nhất(02 năm tù) đối với tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 158) lên 05 năm tù.
- Nâng mức hình phạt cao nhất (02 năm tù) đối với tội xâm phạmquyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân (Điều 159) lên 03 năm tù.
- Nâng mức hình phạt cao nhất(01 năm tù) đối với các tội: buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật (Điều 161); xâm phạm quyền hội họp, lập hội (Điều 162); xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân (Điều 163) lên 03 năm tù.
Thứ hai, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bỏ hình phạt cảnh cáo đối với một số tội (các tội: bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; xâm phạm chỗ ở của người khác; xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý của công dân; buộc người lao động, công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật; xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo) để bảo đảm chính sách xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
Thứ ba, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội buộc người lao động thôi việc trái pháp luật (Điều 161)./.