Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

BỘ TƯ PHÁP

 

Chuyên đề 4

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI                  TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

 
   

 

 

 

Chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại một số điều của phần Chung và Chương XII của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Những điểm sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội tập trung vào 05 nội dung có bản sau: (1) tiếp tục hoàn thiện quy định về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội; (2) hoàn thiện quy định về phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; (3) hoàn thiện hệ thống chế tài đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng tăng cường khả năng áp dụng các chế tài không tước tự do; (4) bổ sung các chế định pháp lý về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt, miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại; (5) hoàn thiện quy định về xoá án tích đối với người chưa thành niên bị kết án theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các em tái hoà nhập cộng đồng.

1.  Hoàn thiện các nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội:

Điều 69 Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành quy định những nguyên tắc chung trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Đây là những nguyên tắc quan trọng có tính định hướng cho việc xây dựng các điều luật khác tại Chương X- Các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội, đồng thời đóng vai trò kim chỉ nam cho cơ quan và người tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự để xử lý người chưa thành niên phạm tội. Việc sửa đổi, bổ sung Điều 69 của Bộ luật hình sự theo hướng làm đậm nét và ghi nhận đầy đủ hơn một số nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội đã được quy định tại Công ước Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác có liên quan vừa bảo đảm tăng cường hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm tội, vừa thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các cam kết quốc tế bảo vệ, giáo dục trẻ em nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng, là một nỗ lực nữa trong việc làm hài hòa giữa hệ thống pháp luật quốc gia với Công ước Quyền trẻ em, do đó có ý nghĩa đối ngoại rất lớn.

Nội dung sửa đổi, bổ sung Điều này tập trung vào 03 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải “bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên” (khoản 1 Điều 87 dự thảo Bộ luật):

Theo quy định tại Điều 3 Công ước Quyền trẻ em, “trong mọi hành động đối với trẻ em, dù là cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay của tư nhân, tòa án, nhà chức trách hành chính hay cơ quan lập pháp, lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu.”  Nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em không có nghĩa là coi nhẹ lợi ích của Nhà nước, của xã hội, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác mà nội dung của nguyên tắc này là đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi tiến hành một hoạt động liên quan đến trẻ em cần bảo đảm rằng quyết định đó là tốt nhất cho trẻ em, trong mối quan hệ hài hòa với các lợi ích khác, cũng như bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Khoản 1 Điều 69 BLHS hiện hành đã quy định rõ mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội, đó là giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, đây là nguyên tắc xuyên suốt, cần phải tuân thủ cho dù áp dụng biện pháp xử lý nào đối với người chưa thành niên. Còn nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên là một nguyên tắc có ý nghĩa định hướng cho cán bộ tiến hành tố tụng khi quyết định lựa chọn biện pháp xử lý cụ thể đối với người chưa thành niên, nhằm tìm ra biện pháp phù hợp nhất đối với các em. 

Thứ hai,sửa đổi nguyên tắc“Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 71 của Bộ luật này”tại khoản 4 Điều 69BLHS hiện hành thành “Khi xét xử, Toà án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng một trong các biện pháp tư pháp quy định tại Mục C Chương này không bảo đảm mục đích giáo dục, phòng ngừa” (khoản 4 Điều 89 dự thảo).

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới cho thấy các chế tài giam giữ trong nhiều trường hợp tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất lợi cho quá trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng của người chưa thành niên. Tinh thần của Công ước Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế có liên quan về tư pháp người chưa thành niên cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng các chế tài giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo quy định tại Điều 37 Công ước Quyền trẻ em: “việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em…phải là biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất”. Như vậy, cách tiếp cận của Công ước trong việc áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là ưu tiên áp dụng các biện pháp ngoài tù, các biện pháp không giam giữ và hình phạt tù chỉ được áp dụng khi không còn cách nào khác. Trong khi đó, cách tiếp cận quy định tại khoản 4 Điều 69 được hiểu là Toà án cân nhắc áp dụng hình phạt trước tiên, chỉ trong trường hợp không cần thiết mới áp dụng biện pháp tư pháp- với tính chất là những biện pháp thay thế hình phạt, nhân đạo hơn đối với người bị kết án.

Việc sửa đổi, bổ sung những quy định trên có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng cho thẩm phán khi cân nhắc, lựa chọn giữa các chế tài có thể áp dụng đối với người chưa thành niên để ưu tiên áp dụng các biện pháp tư pháp và chế tài không tước tự do. Hình phạt tù có thời hạn chỉ được áp dụng trong trường hợp nhận thấy việc áp dụng các hình phạt không tước tự do là hoàn toàn không thích hợp, không vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên,  đồng thời, thời hạn tù cần được xác định sao cho vừa đủ để giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên, trên cơ sở cân nhắc toàn diện điều kiện và hoàn cảnh phạm tội, thân nhân của người chưa thành niên

Thứ ba, sửa đổi quy định về miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 69 BLHS hiện hành

Xu hướng chung trong chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội của nhiều nước trên thế giới là ưu tiên áp dụngxử lý chuyển hướng, việc đưa người chưa thành niên vào hệ thống xử lý chính thức chỉ khi không còn cách nào khác để bảo đảm sự an toàn của cộng đồng, do vậy, tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội được áp dụng xử lý chuyển hướng chiếm tỉ lệ rất cao. Xử lý chuyển hướng được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như: Đức, Nhật Bản,Thái Lan, Philipin, Nam Phi, Úc, Canada,….

Ở nước ta, trong tư pháp hình sự, mặc dù, khoản 2 Điều 69 BLHS hiện hành quy định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng mà gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục và quy định này tạo tiền đề, định hướng cho việc xử lý chuyển hướng, là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án và giao người chưa thành niên phạm tội cho gia đình, tổ chức tại cộng đồng thực hiện việc giám sát, giáo dục mà không cần tiếp tục xử lý hình sự. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp xử lý chuyển hướng theo đúng nghĩa và chế định này cũng bộc lộ nhiều bất cập, ví dụ: thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cũng như vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại cộng đồng, các biện pháp hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, hơn nữa, trên thực tế việc miễn trách nhiệm hình sự đồng nghĩa với việc trả tự do vô điều kiện mà không áp dụng bất kỳ các biện pháp giáo dục, phòng ngừa nào, điều này dẫn đến một thực tế là người chưa thành niên có thể tiếp tục tái phạm. Đây cũng chính là những lý do hạn chế việc áp dụng chế định này trong thực tiễn.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, đồng thời thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên theo hướng sớm đưa các em ra khỏi vòng quay tố tụng khi có điều kiện để tránh những tác động tiêu cực không cần thiết thì một trong những giải pháp là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 BLHS theo hướng quy định  các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác về vấn đề này, nên dự thảo Bộ luật thiết kế 02 phương án:

Phương án 1. Khi có đủ điều kiện luật định thì cơ quan tiến hành tố tụng đang tiến hành tố tụng đối với vụ án áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (xử lý chuyển hướng) đối với người chưa thành niên phạm tội. Điều kiện áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự:

- Về loại tội: Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý; người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, trừ tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội mua bán trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản, tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy; người chưa thành niên là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Phạm tội lần đầu, có thái độ hối cải, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác.

Cùng với việc sửa đổi nguyên tắc này, các biện pháp thay thế xử lý hình sự cụ thể được quy định tại Mục B, Chương XII, dự thảo BLHS, bao gồm: khiển trách, hoà giải và giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục. Đây là những biện pháp giáo dục - phòng ngừa mang tính xã hội đối với các em, giúp các em được giáo dục, cải tạo trong môi trường bình thường, tạo điều kiện giải quyết các  nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi vi phạm, tăng khả năng phòng ngừa tái phạm.

Người chưa thành niên áp dụng biện pháp thay thế phải chấp hành các nghĩa vụ: đền bù thiệt hại, tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; tham gia các chương trình học tập, dạy nghề, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương; tham gia lao động với hình thức phù hợp; trường hợp người chưa thành niên nghiện rượu, nghiện ma tuý thì phải cai nghiện.

Dự thảo cũng quy định, trường hợp, người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự cố tình không thực hiện các nghĩa vụ thì cơ quan đã áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự ra quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp này và thủ tục tố tụng hình sự đối với người đó được tiến hành theo quy định chung.

Phương án 2: chỉnh lý khoản 2 Điều 69 BLHS 1999 theo hướng, người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp nêu tại Phương án 1 có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Đồng thời để tăng hiệu quả áp dụng quy định này, dự thảo Bộ luật bổ sung 01 điều quy định về việc giao người chưa thành niên cho gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục và các nghĩa vụ của người chưa thành niên.

2. Về phạm vi trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:

Theo quy định của BLHS 1999 (khoản 2 Điều 12), người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về (i) tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và (ii) tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, quy định như hiện nay thì diện các tội phạm mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự là khá rộng và quan trọng là không rõ ràng, minh bạch, bản thân các em không thể hoặc khó có thể biết được chính xác thế nào là tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến công tác phòng ngừa không đạt hiệu quả. Ngoài ra, số trường hợp trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu. Còn lại phần lớn các trường hợp khác các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa,... Bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện (ví dụ: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về kinh tế, môi trường, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh,...). Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, dự thảo Bộ luật sửa đổi theo hướng phân chia trách nhiệm hình sự người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thành 02 nhóm:

- Nhóm 1:  Do tính chất nguy hiểm của một số tội phạm, đồng thời nhằm tăng cường bảo đảm quyền con người theo yêu cầu của Hiến pháp 2013, đối với tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cho dù đó là tội nghiêm trọng rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. (phương án 1 khoản 2 Điều 12).

- Nhóm 2: Ngoài các tội danh tại nhóm 1, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng thuộc các tội cụ thể như: cố ý gây thương tích; cưỡng dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; sản xuất trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép chất ma túy; vận chuyển trái phép chất ma túy;... (Phương án 1 khoản Điều 12 liệt kê 22 điều luật quy định các tội phạm cụ thể)

Tuy nhiên, ý kiến về phạm vi trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi còn khác nhau nên dự thảo BLHS (sửa đổi) thiết kế 02 phương án về vấn đề này: PA1- Liệt kê rõ tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự; PA2- Không liệt kê mà giữ nguyên như quy định hiện hành.

3. Hoàn thiện quy định về các chế tài áp dụng đối với người chưa thành niên

Theo quy định của BLHS hiện hành, đa số các chế tài áp dụng đối với người chưa thành niên không mang tính giam giữ, bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Điều này phù hợp với mục tiêu trong chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội của Nhà nước ta, tạo điều kiện cho người chưa thành niên được cải tạo và sửa chữa lỗi lầm trong môi trường bình thường tại cộng đồng. Tuy nhiên, do BLHS giới hạn phạm vi áp dụng các chế tài này, thông thường chỉ đối với tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, vì vậy cả 04 chế tài đều không thể áp dụng đối với đối tượng là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vì theo quy định tại Điều 12 BLHS 1999 đối tượng này chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng và do đó, hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bao gồm 02 chế tài tước tự do: hình phạt tù có thời hạn hoặc biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Thực tiễn xử lý người chưa thành niên phạm tội cũng cho thấy, chế tài áp dụng đối với họ chủ yếu là hình phạt tù[1], tuy nhiên, tỉ lệ tái phạm trong lứa tuổi vị thành niên lại chiếm tỉ lệ cao[2]. Điều này đặt ra yêu cầu về việc xem xét lại cách thức xử lý người chưa thành niên phạm tội ở nước ta để bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Bên cạnh đó, những bất cập trong công tác giáo dục, cải tạo người bị kết án phạt tù cũng gây nhiều tác động tiêu cực đến khả năng phục hồi của người chưa thành niên. Việc cách ly khỏi xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực, khiến các em có cảm giác bị bỏ rơi, bị đẩy ra lề xã hội, đồng thời có thể gây ra sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng đối với các em. Đây chính là những trở ngại đối với quá trình phục hồi và tái hoà nhập của người chưa thành niên phạm tội.

Nhằm thể chế hóa chủ trương “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội” của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời khắc phục những bất cập của BLHS, dự thảo BLHS sửa đổi theo hướng mở rộng khả năng áp dụng các chế tài không giam giữ như phạt tiền, cải tạo không giam giữ đối với cả trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng (Điều 99, 100 dự thảo).

4. Sửa đổi, bổ sung quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Thứ nhất, BLHS chưa có quy định đặc thù về vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với người chưa thành niên, do đó dẫn đến sự không thống nhất trong quá trình áp dụng. Một số nơi vận dụng quy định tại các Điều 17, 18, 52 BLHS 1999 để áp dụng, một số nơi cho rằng không có cơ sở pháp lý để quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với người chưa thành niên. Để giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, cùng với việc sửa đổi Điều 17 về chuẩn bị phạm tội, theo đó loại trừ trách nhiệm hình sự đối với NCTN từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội, dự thảo BLHS bổ sung 01 điều (Điều 102) về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với người chưa thành niên. Theo đó:

- Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội: dự thảo Bộ luật loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội và quy định “mức hình phạt cao nhất đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội không quá 1/2 mức hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng” (khoản 2 Điều 102)

- Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt: Dự thảo Bộ luật quy định “mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt không quá 1/3 mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật” (và “mức hình phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 1/2 mức phạt cao nhất quy định tại Điều 99, 100 và 101 của Bộ luật” (khoản 3 Điều 102).

Thứ hai,BLHS 1999 chỉ mới quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 75) mà chưa có quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án áp dụng đối với người chưa thành niên. Hơn nữa, quy định tại Điều 75 cũng bộc lộ nhiều hạn chế: một là, chỉ quy định nguyên tắc tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội có tội thực hiện trước khi người đó 18 tuổi, có tội thực hiện sau khi người đó 18 tuổi mà chưa có quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp các tội đều thực hiện trước khi người đó 18 tuổi (trường hợp các tội được thực hiện khi người đó đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và trường hợp có tội thực hiện khi người đó đủ 14 đến dưới 16, có tội thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi); hai là, khái niệm tội nặng nhất quy định tại Điều 75 rất khó xác định trên thực tế, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tổng hợp hình phạt. Vì vậy, dự thảo BLHS đã bổ sung thêm 01 điều mới về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án và hoàn thiện thêm một bước quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 103 và Điều 104)

Thứ ba,dự thảo Bộ luật bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đây là biện pháp trả tự do sớm có điều kiện áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù để họ được cải tạo, sửa chữa lỗi lầm với sự giúp đỡ và giám sát của gia đình, các cơ quan, đoàn thể xã hội; sau khi được trả tự do, người đó phải tuân thủ một số điều kiện nhất định do cơ quan có thẩm quyền xác định trong một thời gian nhất định. Nếu trong thời gian thử thách mà người phạm tội vi phạm các điều kiện đặt ra thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể thay đổi điều kiện thử thách hoặc có thể buộc người đó phải chấp hành nốt thời hạn còn lại của hình phạt tù trong trại giam. Biện pháp này được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới.

Đối với người chưa thành niên thì chế định này không chỉ góp phần đạt được mục tiêu của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội mà còn thực sự vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, phù hợp với nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội như biện pháp sau cùng, trong thời gian thích hợp ngắn nhất theo yêu cầu của Công ước về Quyền trẻ em.

Theo dự thảo BLHS, chế định này không chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên mà được áp dụng chung. Riêng đối với người chưa thành niên thì điều kiện xem xét áp dụng có tính đặc thù so với người đã thành niên (ví dụ: thời hạn đã thực sự chấp hành án tù để xem xét là 1/3 trong khi đối với người đã thành niên là ½;...), về thời gian thử thách đối với người chưa thành niên là từ 1 năm đến 05 năm (Điều 106 dự thảo).

5. Hoàn thiện quy định về xoá án tích đối với người chưa thành niên bị kết án

Chế định xóa án tích đối với người chưa thành niên hiện nay cũng phân chia thành hai loại như đối với người đã thành niên, bao gồm trường hợp đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án. So với người đã thành niên phạm tội thì các quy định này chỉ có một điểm khác là thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với người chưa thành niên thấp hơn so với người đã thành niên.

Xuất phát từ tính chất của loại tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh thì thông thường người chưa thành niên tham gia thực hiện các tội phạm này với vai trò đồng phạm do bị xúi giục, lôi kéo, lừa gạt, dụ dỗ, mua chuộc hoặc bị lợi dụng, bản thân người chưa thành niên chưa thể nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này, vì vậy, không cần thiết phải áp dụng xoá án tích theo quyết định của Toà án đối với người chưa thành niên bị kết án về loại tội này. Trên tinh thần đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người chưa thành niên tái hoà nhập cộng đồng, cùng với việc thay đổi chính sách về xoá án tích nói chung, dự thảo Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về xoá án tích đối với người chưa thành niên theo hướng:

Một là, quy định rõ đối với người chưa thành niên bị kết án chỉ áp dụng hình thức đương nhiên xoá án tích, không kể là các em bị kết án về tội gì.

Hai là, quy định rõ người chưa thành niên bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do cố ý thì không bị coi là có án tích. Chỉ người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý  mới bị coi là có án tích và được đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không phạm tội mới theo bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật./.


[1] Theo Báo cáo của Toà án nhân dân tối cao: Năm 2007, số người chưa thành niên phạm tội bị tuyên phạt tù có thời hạn là 2.934/5.466 bị cáo, chiếm 53,7%; năm 2008, số người chưa thành niên bị tuyên phạt tù có thời hạn là 2.337/4.581 bị cáo, chiếm 51%, và năm 2009, số lượng này là 2.211/3.897 bị cáo, chiếm 56,7%.

[2] Theo số liệu năm 2010 của Bộ Công an, tỉ lệ tái phạm của người chưa thành niên là 44%.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: