Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

BỘ TƯ PHÁP

 

 

Chuyên đề 1

SỰ CẦN THIẾT, MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG

NỘI DUNGCƠ BẢN CỦADỰ ÁN BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

 

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

1. Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành được Quốc hội khóa Xthông qua ngày 21/12/1999 trên cơ sở kế thừa truyền thống của pháp luật hình sự Việt Nam, phát huy thành tựu của BLHS năm 1985 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997). Sau hơn 14 năm thi hành, BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, thể hiện trên một số điểm lớn như sau:

Thứ nhất, từ khi được ban hành vào năm 1999, BLHS đã sớm đi vào cuộc sống và phát huy vai trò, tác dụng tích cực là công cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Với những quy định tương đối có hệ thống, toàn diện về các nguyên tắc xử lý, chế định chung của chính sách hình sự, về tội phạm và hình phạt cũng như việc hình sự hóa khá nhiều hành vi nguy hiểm cao cho xã hội, BLHS một mặt đã thể hiện được tinh thần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, mặt khác tạo cơ sở pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm về kinh tế, ma túy và tội phạm tham nhũng...qua đó góp phần kiểm soát và kìm chế tình hình tội phạm, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, BLHS đã có nhiều quy định thể hiện tinh thần nhân đạo, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cụ thể như quy định về khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra; về các trường hợp loại trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; về miễn trách nhiệm hình sự, miễn giảm hình phạt…Đặc biệt, BLHS đã quy định chặt chẽ hơn các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình; mở rộng diện đối tượng không áp dụng, không thi hành hình phạt tử hình và thu hẹp diện các tội danh có quy định hình phạt tử hình. Các quy định này đã góp phần bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, nâng cao vai trò giáo dục, cảm hóa đối với  người phạm tội, đồng thời giáo dục người dân ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động phòng ngừa tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, BLHS có những quy định phù hợp với xu hướng chung của quốc tế, tạo tiền đề quan trọng cho việc tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm mang tính quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như tội phạm về ma túy, mua bán người, rửa tiền, khủng bố, tài trợ khủng bố; các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao…qua đó, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế.

2.Tuy nhiên, kể từ sau khi BLHS năm 1999 được ban hành, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt. Việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà nội dung cơ bản là ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế - xã hộiđối ngoại của đất nước. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Điều này đã làm cho BLHS hiện hành trở nên bất cập không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù, năm 2009, Quốc hội khoá XII đã sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, nhưng do phạm vi sửa đổi chỉ giới hạn trong một số điều, nên chưa thể khắc phục được đầy đủ, toàn diện những bất cập của BLHS trong thực tiễn. Những bất cập, hạn chế của BLHS hiện hành được thể hiện ở một số điểm chủ yếu như sau:

Thứ nhất, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta đã có những bước phát triển quan trọng, từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đã mang lại những lợi ích to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm. Cùng với các luật khác trong hệ thống pháp luật nước ta, BLHS phải thể hiện đúng vai trò là công cụ hữu hiệu để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, BLHS hiện hành nhìn chung vẫn là sản phẩm mang đậm dấu ấn của thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, do vậy, chưa thực sự phát huy tác dụng trong việc bảo vệ và thúc đẩy các nhân tố tích cực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển một cách lành mạnh. Một số quy định của Bộ luật tỏ ra không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường. Mặt khác, nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế chưa được kịp thời bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung, nhưng chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, tài chính, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, tội phạm trong lĩnh vực môi trường,…Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện BLHS để góp phần bảo vệ và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thứ hai, do ban hành từ năm 1999, nên BLHS chưa thể chế hoá được những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới (Nghị quyết số 08/NQ-TW); Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48/NQ-TW) và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49/NQ-TW). Trong các nghị quyết này, Đảng ta chỉ rõ cần phải “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế”. Đồng thời, “xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”. Đây là những quan điểm mới của Đảng và Nhà nước ta về chính sách hình sự mà BLHS cần thể chế hóa một cách đầy đủ.

Đặc biệt, sự phát triển của Hiến pháp năm 2013 về việc ghi nhận và đảm bảo thực hiện các quyền con người, quyền công dân đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự với tính cách là công cụ pháp lý quan trọng và sắc bén nhất trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Theo đó, một mặt, BLHS cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi xâm hại các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; mặt khác cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tạo điều kiện thuận lợi để người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng. Thực tiễn cho thấy, vẫn còn tình trạng quyền con người, quyền cơ bản của công dân, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội vẫn chưa được tôn trọng một cách đầy đủ, toàn diện. Nhìn chung, người dân chưa thực sự cảm thấy an toàn về môi trường sống, vẫn còn xảy ra những vụ giết người, cướp của tàn bạo gây chấn động trong dư luận và gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận nhân dân; người dân chưa thực sự yên tâm phát huy tính sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tích cực, chủ động tham gia phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mất an toàn trong lao động, trong xây dựng, trong khi tham gia giao thông đã đến mức báo động. Đối với người bị kết án thì việc xóa án tích, nhất là đương nhiên được xóa án tích hiện nay rất phức tạp, thủ tục rườm rà chưa tạo điều kiện thuận lợi cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, BLHS phải được tiếp tục hoàn thiện để góp phần tạo ra một khung pháp lý đủ mạnh nhằm bảo vệ một môi trường sống an lành cho người dân; bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; động viên khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân yên tâm tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát triển kinh tế, sáng tạo khoa học.

Thứ ba, BLHS hiện hành chưa cập nhật được đầy đủ, kịp thời các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, nguy hiểm cao cho xã hội để có biện pháp xử lý hình sự thích đáng. Điển hình có thể kể tới các hành vi lạm dụng lao động trẻ em; chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người; vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ; lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền, tài sản; các vi phạm trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, môi trường, công nghệ cao, v.v… Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, BLHS hiện hành được ban hành từ năm 1999 trong bối cảnh nước ta chưa hội nhập sâu vào thế giới, nhiều điều ước quốc tế chúng ta chưa có điều kiện gia nhập, do vậy, chưa phản ánh được những đặc điểm và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngày nay, xu thế chủ động hội nhập quốc tế đã trở thành nhu cầu nội tại của Việt Nam. Trên thực tế, nước ta đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực và đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương, trong đó có các công ước về phòng chống tội phạm, như: Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971; Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988; Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước chống tham nhũng; Công ước chống tra tấn; các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, cướp biển, bắt cóc con tin, ... Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, nước ta cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các tội phạm do người nước ngoài thực hiện. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung BLHS để nội luật hóa các quy định về hình sự trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên và tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Ngoài ra, BLHS hiện hành cũng còn nhiều bất cập về mặt kỹ thuật lập pháp liên quan đến sự thống nhất giữa Phần chung và Phần các tội phạm; các dấu hiệu định tội, định khung của nhiều tội danh; các tội ghép; cách thiết kế khung hình phạt cũng như khoảng cách khung hình phạt của một số tội danh; chưa có sự nhất quán trong cách phân chia các chương tội phạm... Những bất cập này cũng ảnh hưởng lớn đến việc hướng dẫn thi hành và áp dụng các quy định của BLHS trên thực tế.

Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền của người dân. Do đó, việc xây dựng BLHS (sửa đổi) là hết sức cần thiết.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG DỰ ÁN BỘ LUẬT

1. Mục tiêu

Việc sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là nhằm xây dựng BLHS phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013; phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật

2.1. Thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là chủ trương: "Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế. Xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác".  Đồng thời, quán triệt quan điểm cải cách thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng dự án Bộ luật.

2.2. Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đặc biệt là tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh; đồng bộ với các luật, bộ luật đã được ban hành (như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hôn nhân và Gia đình,...) cũng như các luật, dự luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như các luật về quyền con người, quyền công dân.

2.3. Kế thừa, phát triển các quy định còn phù hợp của BLHS hiện hành; bổ sung những quy định mới để giải quyết những vướng mắc, bất cập đang đặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

2.4. Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự nhằm bảo đảm tính thống nhất nội tại của BLHS và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo của BLHS.

2.5. Đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội, đảm bảo các quy định của BLHS không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để bảo vệ sự phát triển lành mạnh các quan hệ kinh tế - xã hội; để mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội; khuyến khích mọi người dân chủ động tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

2.6. Nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến phòng, chống tội phạm, đặc biệt là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước chống tham nhũng; Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác; Công ước chống bắt cóc con tin năm 1979; Công ước Luật biển năm 1982; các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO BỘ LUẬT

1. Phạm vi sửa đổi

Căn cứ mục tiêu và quan điểm xây dựng dự án BLHS (sửa đổi) như đã báo cáo ở trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS lần này được xác định là cơ bản và toàn diện.

Trên cơ sở phạm vi sửa đổi như vậy, dự thảo Bộ luật có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với BLHS hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 06 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của BLHS hiện hành). Cụ thể như sau:

- Phần thứ nhất. Những quy định chung: Giữ nguyên nội dung 22 điều, bổ sung mới 27 điều, sửa đổi 58 điều (trong đó có 06 điều được tách ra từ 02 điều của BLHS hiện hành).

- Phần thứ hai. Các tội phạm: Giữ nguyên nội dung 24 điều, bổ sung mới 41 điều, sửa đổi 272 điều (trong đó có 45 điều được tách ra từ 10 điều của BLHS hiện hành) và bãi bỏ 06 điều của BLHS hiện hành (các điều 83, 159, 165, 170, 178 và 269 của BLHS hiện hành). 

- Phần thứ ba. Điều khoản thi hành: Bổ sung mới 3 điều quy định về việc thi hành BLHS.

2. Bố cục của dự thảo Bộ luật

Dự thảo BLHS (sửa đổi) gồm có 26 chương và được thiết kế thành 03 Phần trên cơ sở kế thừa hai phần của BLHS hiện hành và bổ sung thêm Phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành. So với Bộ luật hiện hành, dự thảo BLHS (sửa đổi) có bổ sung mới 02 chương ở Phần những quy định chung (Chương IV - Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và Chương XI - Quy định đối với pháp nhân phạm tội). Có 05 chương của dự thảo Bộ luật (các chương 8, 12, 18, 21 và 23) được thiết kế gồm có các mục, trong mỗi mục là nhóm các quy định có tính chất gần nhau. Cụ thể:

2.1. Phần thứ nhất. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 107)

Phần này gồm 12 chương, 104 điều, quy định về: 1) điều khoản cơ bản (từ Điều 1 đến Điều 4); 2) hiệu lực của BLHS (từ Điều 5 đến Điều 7); 3) tội phạm (từ Điều 8 đến Điều 19); 4) những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (từ Điều 20 đến Điều 26); 5) thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự (từ Điều 27 đến Điều 29); 6) hình phạt (từ Điều 30 đến Điều 45); 7) các biện pháp tư pháp (từ Điều 46 đến Điều 49); 8) quyết định hình phạt (từ Điều 50 đến Điều 59); 9) thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (từ Điều 60 đến Điều 68); 10) xóa án tích (từ Điều 69 đến Điều 73); 11) quy định đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế phạm tội (từ Điều 74 đến Điều 87); 12) quy định đối với người chưa thành niên phạm tội (từ Điều 88 đến Điều 107).

2.2. Phần thứ hai. Các tội phạm (từ Điều 108 đến Điều 440)

Phần này gồm 14 chương, 333 điều, quy định về 14 nhóm tội phạm cụ thể. Đó là: 1) các tội xâm phạm an ninh quốc gia (từ Điều 108 đến Điều 122); 2) các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (từ Điều 123 đến Điều 155); 3) các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân (từ Điều 156 đến Điều 166); 4) các tội xâm phạm sở hữu (từ Điều 167 đến Điều 179); 5) các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (từ Điều 180 đến Điều 189); 6) các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (từ Điều 190 đến Điều 230); 7) các tội phạm về môi trường (từ Điều 231 đến Điều 243); 8) các tội phạm về ma túy (từ Điều 244 đến Điều 266); 9) các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (từ Điều 267 đến Điều 341); 10) các tội xâm phạm quản lý hành chính (từ Điều 342 đến Điều 364); 11) các tội phạm về chức vụ (từ Điều 365 đến Điều 379); 12) các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (từ Điều 380 đến Điều 404); 13) các tội xâm phạm hoạt động quân sự (từ Điều 405 đến Điều 435); 14) các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (từ Điều 436 đến Điều 440).

2.3. Phần thứ ba. Điều khoản thi hành (từ Điều 441 đến Điều 443)

Phần này gồm 03 điều quy định về hiệu lực thi hành của BLHS, điều khoản chuyển tiếp và về việc quy định và áp dụng quy định về tội phạm và hình phạt trong luật khác (ngoài BLHS).

3. Những nội dung mới chủ yếu trong dự thảo BLHS(sửa đổi)

So với quy định của BLHS hiện hành, dự thảo Bộ luật lần này có những nội dung mới chủ yếu sau đây:

3.1. Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương XVIII):

- Bỏ 04 tội danh trong chương này. Đó là các tội: 1) kinh doanh trái phép; 2) báo cáo sai trong quản lý kinh tế; 3) vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; 4) sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (các điều 159, 167, 170 và 178 của BLHS hiện hành). Đồng thời, cụ thể hóa và bổ sung thêm các tội danh liên quan đến hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể để thay thế cho tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

- Bổ sung 08 tội danh mới trong các lĩnh vực kinh tế (các điều 201, 216 - 222).

- Tăng phạt tiền với tính cách là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

- Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 17 tội thuộc chương này (các điều 190 - 197, 204, 207, 213 - 215, 220, 221, 223, 224).

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (chương XIX):

- Cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (Điều 231 và Điều 232).

- Bổ sung 02 tội danh mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (các điều 234 và 235).

- Tăng mức phạt tiền (cả phạt chính và phạt bổ sung) đối với các tội phạm về môi trường.

- Tăng nặng hình phạt đối với tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 237) và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 241).

- Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 05 tội thuộc chương này (các điều 231, 232, 236, 239, 240).

3.2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù:

- Đối với phạt tiền là hình phạt chính (Điều 35): Mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, theo đó, số khoản có quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với tội ít nghiêm trọng trong dự thảo Bộ luật tăng 35 khoản (từ 76 khoản lên 111 khoản) so với quy định hiện hành cũng như mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng. Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng. Đồng thời, nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt tiền, dự thảo đề xuất phương án quy định trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt tiền chuyển thành hình phạt tù có thời hạn, nếu đó là hình phạt chính.

- Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36): Mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với cả tội rất nghiêm trọng do vô ý (theo quy định hiện hành chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng), đồng thời, quy định trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù có thời hạn theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ bằng 01 ngày tù nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt cải tạo không giam giữ. Đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ; Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong một tuần; Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.

- Đối với hình phạt tù (Điều 37): Không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37). Đồng thời, tại Phần các tội phạm, số lượng các khoản (khoản 1) không quy định hình phạt tù tăng từ 06 khoản lên 28 khoản so với quy định hiện hành.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình(Điều 39) theo hướng tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được xác định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW và bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

- Quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này, theo đó hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể:

Về đối tượng: Ngườiphạmtộithuộcmộttrongcác đốitượnglà ngườitổchức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.

Vềloạitội: dự thảo Bộ luật bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh. Đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh (các điều 167, 316, 407, 413, 436, 437, 438). Đồng thời, dự thảo Bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 của BLHS hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân (các điều 250, 251, 252, 253).

- Bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, đó là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ - đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước; được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội (khoản 2 Điều 39).

- Mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, theo đó, ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì bổ sung thêm hai trường hợp: 1) người bị kết án là người từ 75 tuổi trở lên; 2) người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn(khoản 3 Điều 39).

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội:

- Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 89) theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên: 1) bổ sung nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên trên tinh thần Công ước về Quyền trẻ em; 2) đề xuất phương án bổ sung quy định về áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên; 3) khẳng định nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên, nhất là hình phạt tù khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

- Bổ sung quy định áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu họ có thu nhập hoặc tài sản riêng, nhằm đa dạng hóa chế tài không giam giữ áp dụng đối với đối tượng này, góp phần khắc phục tình trạng bất cập hiện nay của BLHS hiện hành là nếu họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có khả năng phải vào tù hoặc trường giáo dưỡng (Điều 99).

- Giảm nhẹ hình phạt đối với người chưa thành niên đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 102).

- Bổ sung quy định về áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (xử lý chuyển hướng), bao gồm: khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức với những điều kiện chặt chẽ (khoản 2 Điều 89).

Thứ tư, bổ sung một chương riêng (chương IV) với 07 điều quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó, tiếp tục duy trì và cụ thể hóa 04 trường hợp như Bộ luật hiện hành (sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự), đồng thời, bổ sung thêm 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (các điều 24, 25, 26). Đặc biệt, đối với trường hợp phòng vệ chính đáng, dự thảo Bộ luật đã cụ thể hóa theo hướng xác định rõ những trường hợp đương nhiên được coi là phòng vệ chính đáng (khoản 2 Điều 22) nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn để người dân an tâm tự bảo vệ mình, tích cực tham gia phòng chống tội phạm; khuyến khích người dân tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học có tính chất “đột phá” vì lợi ích chung.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội; phạm tội chưa đạt; quyết định hình phạt; miễn, giảm hình phạt; xóa án tích:

- Sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS hiện hành về chuẩn bị phạm tội theo hướng: 1) thu hẹp phạm vi trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, theo đó, chỉ xử lý hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 19 tội danh được liệt kê cụ thể trong Bộ luật; 2) không xử lý hình sự đối với trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (Điều 14).

- Sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS hiện hành về che giấu tội phạm theo hướng người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác được BLHS quy định (khoản 2 Điều 18).

- Bổ sung trường hợp Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng mà không bị ràng buộc điều kiện phải trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử của Tòa án nhưng với những điều kiện hết sức chặt chẽ (khoản 2 Điều 54). 

- Bổ sung quy định về tha tù trước hạn có điều kiện với những điều kiện chặt chẽ nhằm một mặt tạo điều kiện cho phạm nhân chấp hành án tốt được sớm trở về với gia đình, mặt khác bảo đảm trật tự trị an xã hội.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về án treo theo hướng quy định rõ các nghĩa vụ mà người được hưởng án treo phải thực hiện trong thời gian thử thách cũng như hậu quả của việc vi phạm các nghĩa vụ này (Điều 66).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về xóa án tích theo hướng thay đổi căn bản quy định về xóa án tích đương nhiên nhằm đề cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng (các Điều 69 - 73).

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người (Chương XIV) theo hướng:

- Thiết kế lại các khung hình phạt của tội giết người (Điều 123) theo hướng giảm bớt các trường hợp giết người có thể áp dụng hình phạt tử hình, đồng thời, bổ sung thêm một số tình tiết tăng nặng đối với tội này.

- Bổ sung tội khiêu dâm trẻ em (Điều 146) và tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, các bộ phận cơ thể người (Điều 153).

- Tăng nặng hình phạt đối với trường hợp phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến chết nhiều người (khoản 3 Điều 131).

Thứ bảy, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân (Chương XV) theo hướng:

- Bổ sung 01 tội danh mới - tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân(Điều 166), đồng thời, bổ sung thêm hành vi phạm tội đối với hai tội danh khác trong BLHS hiện hành. Đó là: hành vi xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân (Điều 159) và hành vi làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân (Điều 160).

- Tăng nặng hình phạt đối với 06 tội thuộc nhóm này (các điều 157, 158, 161, 162, 163, 165).

3.3. Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ nhất, bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thiết kế thành một chương riêng (Chương XI) với 14 điều (từ Điều 74 đến Điều 87) quy định về nguyên tắc xử lý hình sự pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân; các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân; về vấn đề quyết định hình phạt, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích đối với pháp nhân.

Thứ hai, ngoài 27 tội danh mới được bổ sung tại các chương XIV, XV, XVIII, XIX, XXI và XIV như đã nêu trên, dự thảo Bộ luật còn bổ sung 11 tội danh mới trong các lĩnh vực khác: hôn nhân và gia đình; phòng, chống ma túy; hoạt động quân sự  nhằm đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm (các điều 184, 185, 189, 245 - 248, 406, 409, 416, 433).

Thứ ba, bỏ 02 tội danh trong BLHS hiện hành. Đó là tội tảo hôn (một phần Điều 147 BLHS hiện hành) và tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính (Điều 268 BLHS hiện hành).

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm sở hữu (Chương XVI) theo hướng:

- Bảo đảm đối xử bình đẳng giữa chính sách xử lý hành vi xâm phạm tàisản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013.

- Tăng mức phạt tiền bổ sung đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu.

- Cụ thể hóa hành vi phạm tội, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (các điều 168 và 174); cụ thể hóa trường hợp xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản dưới mức định lượng tối thiểu (02 triệu đồng) nhằm góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân, nhất là người nghèo (khoản 1 Điều 172).

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (Chương XXI) theo hướng:

- Quy định phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với trường hợp phạm tội nghiêm trọng thuộc các tội: cản trở giao thông đường bộ; tổ chức đua xe trái phép; đua xe trái phép (các điều 269, 274, 275) và trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng thuộc tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 268).

- Bổ sung 12 tội danh mới trong lĩnh vực này. Đó là các tội: rải đinh hoặc vật sắc, nhọn trên đường bộ; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; truy cập trái phép tài khoản ngân hàng của tổ chức, cá nhân chiếm đoạt tài sản; cố ý xâm phạm, tấn công vào trạm trung chuyển Internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh; cố ý gây nhiễu có hại; thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa thông tin về tài khoản ngân hàng; sản xuất mua bán, tàng trữ, lưu hành thẻ ngân hàng giả để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; thiết lập, quản trị, điều hành website để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hóa trên mạng máy tính; cưỡng bức lao động; bắt cóc con tin; cướp biển (các điều 270, 294, 300 - 306, 309, 314, 315).

- Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 02 tội thuộc chương này (các điều 307, 313, 328 và Điều 336).

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (chương XXIV)theo hướng:

- Bổ sung tình tiết tăng nặng định khung đối với 06 tội danh trong chương này (các điều 381, 382, 383, 384, 386, 387).

- Sửa đổi, bổ sung tội dùng nhục hình (Điều 386) và tội bức cung (Điều 387) trên tinh thần cập nhật nội dung Công ước chống tra tấn mà nước ta là thành viên.

- Sửa đổi, bổ sung tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 388) theo hướng mở rộng chủ thể tội này, theo đó, ngoài Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì những người khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp cũng có thể trở thành chủ thể của tội này vì họ có cơ hội tiếp xúc với hồ sơ vụ án, vụ việc.

- Bổ sung 02 tội danh. Đó là tội vi phạm quy định về giam giữ (Điều 401) và tội không tôn trọng Toà án (Điều 404).

3.4. Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bên cạnh các hành vi chuẩn bị phạm tội đã được quy định như: tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm thì dự thảo Bộ luật còn bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể (Điều 14). Quy định này tạo cơ sở pháp lý để chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà nước ta là thành viên.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung tội mua bán người, tội mua bán trẻ em trên tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em mà nước ta là thành viên (Điều 149 và Điều 150).

Thứ ba, bổ sung tội bắt cóc con tin (Điều 314) và tội cướp biển (Điều 315) trên tinh thần các quy định của Công ước chống bắt cóc con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 mà nước ta là thành viên.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền và bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) về phòng, chống rửa tiền mà nước ta phải tuân thủ với tư cách là thành viên APG (Điều 336).

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các tội phạm về chức vụ (chương XXIII) theo hướng mở rộng khái niệm tội phạm về chức vụ bao gồm cả một số hành vi tội phạm về chức vụ xảy ra trong khu vực tư (ngoài Nhà nước) như: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ; môi giới hối lộ (Điều 365), đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và đưa hối lộ (Điều 367 và Điều 377) nhằm góp phần thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

3.5. Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc xử lý tại Điều 3 BLHS “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, chức vụ, quyền hạn càng cao thì xử phạt càng nặng”.

Thứ hai, bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng (Điều 28). Trên tinh thần đó, đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.6. Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS góp phần hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của BLHS; bảo đảm tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể của BLHS và giữa BLHS với các luật khác

Thứ nhất, dự thảo Bộ luật được thiết kế gồm 03 phần: 1) Phần thứ nhất - Những quy định chung quy định các vấn đề về chính sách hình sự, những vấn đề chung về tội phạm và hình phạt; 2) Phần thứ hai - Các tội phạm quy định 14 nhóm tội phạm bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội; 3) Phần thứ ba - Điều khoản thi hành là phần mới được bổ sung quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự và điều khoản chuyển tiếp để thay cho Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật hình sự như trước đây, bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai, trong một số chương của dự thảo Bộ luật tách thành các mục theo từng nhóm vấn đề, nhóm tội phạm (các chương 8, 12, 18, 21).

Thứ ba, dự thảo Bộ luật tách 21 tội ghép trong BLHS hiện hành  thành 52 tội danh riêng để có chính sách xử lý phù hợp hơn, cụ thể:

- Tách tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 91 BLHS hiện hành) thành hai tội (các điều 120 và 121).

- Tách tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120 BLHS hiện hành) thành 03 tội danh (các điều 150, 151, 152).

- Tách tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân (Điều 129 BLHS hiện hành) thành 02 tội danh (các điều 162 và 163).

- Tách 03 tội ghép trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (các điều 155, 157, 158) thành 06 tội danh (các điều 192, 193, 195 - 198).

- Tách 04 tội ghép trong chương các tội phạm về ma túy (các Điều 194, 195, 196, 200 BLHS hiện hành) thành 14 tội danh (các điều từ 250 - 261 và các điều 264, 265).

- Tách 04 tội ghép trong chương các tội xâm phạm an toàn công công, trật tự công cộng (các điều 205, 211, 215 và 249 BLHS hiện hành) thành 08 tội danh (các điều 272, 273, 279, 280, 284, 285, 333, 334).

- Tách 03 tội ghép trong chương các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (các điều 263, 270, 275 BLHS hiện hành) thành 07 tội danh (các điều 348, 349, 355, 356, 357, 362, 363).

- Tách 03 tội ghép trong chương các tội xâm phạm trách nhiệm, nghĩa vụ của quân nhân (các Điều 327, 328, 336 BLHS hiện hành) thành 06 tội danh (các điều 419, 420, 421, 422, 432, 433).

- Tách tội tuyển mộ lính đánh thuê; tội làm lính đánh thuê quy định tại Điều 344 của BLHS hiện hành thành 02 tội danh (các điều 439 và 440), đồng thời, bổ sung mục đích của hai tội phạm này là nhằm chống lại một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền.

Thứ tư,dự thảo BLHS (sửa đổi) đã điều chỉnh, cập nhật các từ ngữ trong các điều khoản của Bộ luật, nhất là các điều khoản quy định về các tội phạm trong các lĩnh vực chuyên ngành để bảo đảm sự thống nhất về thuật ngữ, thuận tiện cho việc áp dụng trên thực tế (ví dụ các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, công nghệ thông tin, an toàn giao thông,...)./.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: