Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

 

BỘ TƯ PHÁP

 

Chuyên đề 2

NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA QUY ĐỊNH VỀ

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN TRONG

DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

 
   

 

 

1. Tại sao phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân?

Theo quan niệm truyền thống của khoa học luật hình sự, tội phạm là sự kết hợp giữa hành vi nguy hiểm của con người và thái độ lỗi bên trong của người đó, do vậy, nên cho đến thời điểm hiện nay, Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam vẫn chỉ coi chủ thể của tội phạm là cá nhân người phạm tội và do vậy chỉ đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn vi phạm của pháp nhân trong thời gian vừa qua và những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành khi xử lý vi phạm của pháp nhân cũng như xu thế của quốc tế đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS (sửa đổi). Cụ thể:

1.1. Tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân ở Việt Nam trong những năm gần đây

Cùng với những thành tựu đạt được trong sự phát triển của kinh tế, những ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng làm phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Theo đó, bên cạnh các hành vi vi phạm của cá nhân, một số pháp nhân vì lợi ích cục bộ đã có những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội. Điều đáng nói là các vi phạm pháp luật này đang ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, trong đó phổ biến là các vi phạm sau đây:

- Vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ[1], trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xảy ra phổ biến và nghiêm trọng nhất. Vì lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã cố ý trực tiếp xả thải ra môi trường không qua xử lý, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường sống, cho sản xuất của nông dân, ảnh hưởng nghiêm trọng lâu dài đến sức khỏe của nhân dân. Trong đó số vụ xả thải và khí thải chiếm trên 90%. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, số lượng các vụ gây ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng[2]. Điển hình là vụ vi phạm xả nước thải trực tiếp không qua xử lý ra sông Thị Vải suốt 14 năm liền, gây ô nhiễm 2.686 hecta đất nuôi trồng thủy sản, chiếm 80 – 90% ô nhiễm cho sông, thiệt hại vật chất lên đến hàng ngàn tỷ đồng của Công ty Vedan Việt Nam. Mới đây nhất là vụ Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn xuống đất hàng chục tấn thuốc trừ sâu gây nhiễm độc đất và nguồn nước, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. VụCông ty Cổ phần Nguyên phụ liệu Dệt may Bình An thuộc Tổng Công ty Việt Thắngvà Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí và Dịch vụ Đại Phúcxả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra ngoài môi trường; Công ty Cổ phần giấy An Hòa xả 1.500 m3 nước thải chưa qua xử lý ra sông Lô; vụ Công ty TNHH NEW TOYO PULPPYtại tỉnh Bình Dương xả nước thải chưa được xử lý vào cống thoát nước mưa của Khu công nghiệp VISIP I, vụ việc 04 Công ty luyện, cán thép từ thép phế liệu đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; vụ việc chôn lấp hàng trăm tấn chất thải nguy hại không đúng quy định của Công ty TNHH Nhà nước MTVxử lý và chế biến chất thải Phú Thọ; Công ty TNHH Khai thác, chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, tại Hải Dươngcó Nhà máy Xử lý chất thải ngành luyện kim gây ô nhiễm ảnh hưởng tới canh tác lúa và hoạt động của cư dân xung quanh; Công ty Cổ phần Giấy và Bao bì Phú Giang, Bắc Ninh xả nước thải chưa qua xử lý ra lưu vực sông Cầu[3].

Theo số liệu từ lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, từ năm 2010 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, đã khởi tố trên 350 vụ án với gần 400 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 200 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra phổ biến nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản và môi trường đô thị.

- Vi phạm trong lĩnh vực thuế:Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Ngành Thuế tại 2.110 doanh nghiệp, đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỉ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỉ đồng. Đặc biệt, thanh tra thuế đã buộc doanh nghiệp phải giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỉ đồng. Theo đánh giá của thanh tra, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm 40% tổng số thu), tỷ lệ số thu bình quân trên 1 doanh nghiệp  là 1,73 tỉ đồng. Đáng lưu ý là tại một số đơn vị, tỷ lệ vi phạm lên đến 100% như trường hợp tại tỉnh Bắc Giang, khi Cục thuế tiến hành thanh tra 16 doanh nghiệp thì cả 16 đều vi phạm. Tỷ lệ này diễn ra tương tự tại Hòa Bình (16/16), Gia Lai (15/15)…Tại một số tỉnh, thành khác dù không đến 100% nhưng tỷ lệ này cũng rất lớn như Hà Nội thanh tra 332 doanh nghiệp thì phát hiện có 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỉ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh thanh tra 193 doanh nghiệp FDI, có tới 164 doanh nghiệp vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỉ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỉ đồng[4].

- Trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại:Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tình trạng pháp nhân là các doanh nghiệp đã kinh doanh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại…cũng xảy ra khá phổ biến, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nền kinh tế, tác động xấu tới môi trường sản xuất kinh doanh. Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng của các công ty, doanh nghiệp đáng báo động. Phương thức thủ đoạn chủ yếu của các doanh nghiệp này thường là quay vòng hóa đơn chứng từ; mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng. Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trong 8 tháng năm 2014, qua kiểm tra đã phát hiện 846 doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ví dụ: Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tiến hành bắt khẩn cấp và khởi tố vụ án hình sự, khởi tố hai bị can Nguyễn Minh Hùng (SN 1978), Chủ tịch HĐQT Công ty VN Pharma và Vũ Mạnh Cường (SN 1978), đại diện cho một Công ty dược nước ngoài có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh về hành vi dùng giấy tờ giả mạo nhập lô thuốc chống ung thư H-Capita trị giá 750.000 USD vào Việt Nam kiếm lời.

- Lĩnh vực tài chính, ngân hàng:Do sức ép lợi nhuận, sức ép thành tích nên một số pháp nhân là ngân hàng đã nới lỏng điều kiện tín dụng, không tuân thủ nghiêm túc một số trình tự, thủ tục, quy định cho vay; không chuyển nhóm nợ theo quy chế; cho vay không có tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp không đủ thủ tục pháp lý, thiếu sự kiểm tra năng lực tài chính của khách hàng, chỉ đạo định giá tài sản thế chấp cao hơn so với thực tế…làm thất thoát một lượng đặc biệt lớn tài sản, làm tăng nợ xấu, thậm chí để một số cá nhân chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng, không chỉ gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước và công dân, mà còn tác động tiêu cực tới các chính sách phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian dài. Một ví dụ điển hình là Công ty cho thuê tài chính 2 thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn (ALCII). Công ty đã có một loạt sai phạm về quản lý kinh tế như hạch toán sai các khoản thu, chi; không quản lý được tài sản cho thuê; không trích lập dự phòng đầu tư dài hạn theo quy định của pháp luật; chi phí dự phòng rủi ro thấp... dẫn đến tài chính của Công ty mất cân đối nghiêm trọng, lâm vào tình trạng phá sản; tổn thất lên tới 1.937 tỷ đồng tài sản của Nhà nước; số nợ xấu khó thu hồi rất lớn; số lỗ đã lớn gấp 10 lần vốn Điều lệ.

- Trong lĩnh vực bảo hiểm:Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những năm gần đây, các hành vi vi phạm của các pháp nhân về bảo hiểm đang gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng nặng nề. Các hành vi vi phạm phổ biến của các pháp nhân là: vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động (đến 31/7/2014, có trên 50% doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm bằng các thủ đoạn khác nhau với số tiền trên 11 nghìn tỷ đồng); dùng thủ đoạn gian dối để thụ hưởng trái phép các chế độ bảo hiểm và vi phạm trong quản lý và thực hiện bảo hiểm. Tính từ năm 2007 đến hết năm 2013, số tiền mà các doanh nghiệp nói chung nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tăng cao. Năm 2007 số nợ là 1.734 tỷ đồng, đến hết năm 2013 tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là trên 6,4 nghìn tỷ đồng (trong đó nợ BHXH bắt buộc là trên 4,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,34% tổng số phải thu); tính đến 31/7/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN đã trên 11 nghìn tỷ đồng, quyền lợi của rất nhiều lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến người lao động khiếu nại, tố cáo, thậm chí có nơi còn đình công ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT xẩy ra ở hầu hết các địa phương với mức độ ngày càng nhiều, phổ biến nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh[5].

Như vậy, có thể khẳng định tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân là các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, có xu thế tăng và với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ là những thiệt hại về tài sản, mà còn đe dọa trực tiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của giống nòi, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế và trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến tình trạng gây mất ổn định xã hội...Vì vậy, hơn lúc nào hết, Nhà nước cần có những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu hơn để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này vi phạm của loại pháp nhân này, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững của xã hội và để thực hiện một trong những quyền hiến định của người dân đó là quyền được sống trong một môi trường trong lành và được đảm bảo an sinh xã hội. 

1.2. Quy định của pháp luật hiện hành liệu đã đủ mạnh để xử lý pháp nhân hay chưa và trình tự thủ tục khởi kiện liệu có tạo điều kiện để người dân bảo vệ quyền lợi của mình trước những hành vi vi phạm của pháp nhân?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi pháp nhân là các doanh nghiệp có hành vi phạm thì chỉ có thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hoặc buộc pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật dân sự.

a) Áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân

- Theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra”. Đồng thời, theo giải thích tại điểm 1 Điều 2 của Luật thì “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

- Về hình thức xử phạt: Theo khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, pháp nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một trong các hình thức là cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong đó cảnh cáo, phạt tiền là biện pháp phạt chính; tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể được áp dụng là biện pháp phạt chính hoặc là biện pháp xử phạt bổ sung.

- Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt như đã nêu ở trên, pháp nhân vi phạm còn có thể áp dụng một hay nhiều biện pháp khác phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính là: buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, buộc áp dụng biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm; buộc cải chính thông tin; buộc thu hồi sản phảm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp…Cũng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với pháp nhân bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân và mức phạt tối đa là 2 tỷ đồng, trừ các trường hợp luật chuyên ngành quy định khác (điểm e khoản 1 Điều 3, Điều 23).

Như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính tuy đã được điều chnh theo hướng nâng mức phạt cao hơn so với trước kia, nhưng cũng không đủ sức ra đe doanh nghiệp, tổ chức vi phạm. Mức phạt tối đa theo điều điểm k Khoản 1, Khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với tổ chức đến 2 tỷ đồng chỉ trong một số lĩnh vực (quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường), trong khi đó hậu quả do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra trong nhiều trường hợp là đặc biệt nghiêm trọng. Với mức phạt như hiện hành thì đối với pháp nhân là các doanh nghiệp lớn hoàn toàn không đủ sức răn đe. Nhiều trường hợp pháp nhân sẽ chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. 

Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính hiện nay đối với vi phạm của pháp nhân cũng gặp nhiều khó khăn nhất là việc xác minh hành vi vi phạm và mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra, do vậy, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khi áp dụng các biện pháp phạt hành chính hay các biện pháp xử lý hành chính khác.

Nếu so với thủ tục tư pháp hình sự (khi chúng ta coi pháp nhân là chủ thể của TNHS) thì rõ ràng, sự vào cuộc của một cơ quan điều tra chuyên trách, với một trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp chặt chẽ, khách quan làm cho hoạt động thu thập chứng cứ, xác minh tội phạm và chứng minh thiệt hại gây ra sẽ thuận lợi hơn nhiều. Mặt khác, với tư cách là đối tượng bị xử phạt, vì xử lý theo thủ tục hành chính, nên pháp nhân có ít điều kiện hơn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình như: không nhận được sự trợ giúp của người bào chữa, không được quyền xét xử theo hai cấp với một cơ quan tài phán độc lập, khách quan và công bằng.

b) Áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân có hành vi vi phạm

Việc buộc pháp nhân khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Điều đó có nghĩa là để được bồi thường, người bị thiệt hại phải khởi kiện vụ án dân sự ra trước Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại mà pháp nhân gây ra cho mình theo quy định về bồi thường ngoài hợp đồng.

- Một trong những nguyên tắc áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại theo chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đặt ra yêu cầu đối với người bị thiệt hại phải tự chứng minh mức độ thiệt hại. Trong khi đó, để chứng minh được mức độ thiệt hại, nhất là thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường (như ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước…) không phải là chuyện đơn giản và không phải lúc nào thiệt hại đó cũng biểu hiện ngay lập tức. Do vậy, nếu chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật dân sự của pháp nhân vi phạm thì người dân khó có điều kiện để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình.

- Theo quy định hiện hành, đối với các pháp nhân là doanh nghiệp có hành vi vi phạm có thể bị xử lý thông qua khởi kiện vụ án dân sự, nhưng trên thực tế, do hành vi xảy ra trong một khoảng thời gian dài, với nhiều đối tượng bị hại khác nhau nên việc xác định ai là người khởi kiện gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, theo quy định hiện hành thì việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại luôn đi kèm theo một mức án phí dân sự rất lớn nên, đã gây ra nhiều cản trở cho người dân trong việc đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy, trước hành vi vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp, người dân vừa bị thiệt hại lại vừa phải đi tự chứng minh thiệt hại trước khi đòi bồi thường. Trong khi đó, nếu coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì việc chứng minh tội phạm và xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm của tổ chức, pháp nhân gây ra thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng với một quy trình tố tụng chặt chẽ, nhanh chóng, khách quan và công bằng. Do vậy, có thể nói, việc chưa quy định trách nhiệm hình sự của pháp trong BLHS là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý không dứt điểm trong vụ kiện người dân của ba tỉnh đòi bồi thường thiệt hại trong Vụ Vedan.

Như vậy, theo quy định hiện hành, đồng thời với biện pháp xử lý hành chính, các pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc bồi thường thiệt hại hầu như ít khi được thực hiện. Bởi vì, thứ nhất, bản thân người bị thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân gây ra không đủ kiến thức pháp lý cũng như nguồn lực tài chính để chứng minh tổn thất, thiệt hại của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nhất là các vi phạm về môi trường, để khởi kiện yêu cầu pháp nhân bồi thường thiệt hại; thứ hai, trong nhiều trường hợp, số tiền tạm ứng án phí dân sự vượt quá khả năng của người khởi kiện; thứ ba, đa số các trường hợp thiệt hại do pháp nhân gây ra cho rất nhiều người và không phải cá nhân nào cũng muốn hoặc đủ khả năng khởi kiện, làm cho việc giải quyết vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thiếu hiệu quả, thiếu triệt để, thiếu toàn diện và kéo dài...Ví dụ: Vụ xả thải của công ty Ve dan là một minh chứng cụ thể sinh động về những bất cập trong việc buộc Công ty này phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm xả thải cho những người bị gây thiệt hại. Nông dân Cần Giờ được hỗ trợ án phí nên khởi kiện vụ án dân sự; trong khi nông dân Đồng Nai vì không chứng minh được và khó khăn trong việc nộp án phí cho nên chỉ yêu cầu Vedan hỗ trợ một số tiền nhất định; Vụ Công ty Nicotex Thành Thái, nhân dân của năm xã bị ô nhiễm không được bồi thường vì không có căn cứ khởi kiện đòi bồi thường...Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thi hành án cũng còn nhiều bất cập, vì việc thi hành Quyết định xử phạt hành chính như buộc khắc phục hậu quả... rất khó được thi hành trên thực tế với tính cưỡng chế thấp hơn so với việc thi hành bản án, quyết định tư pháp của Tòa án.

 1.3. Bất cập về chính sách xử lý hình sự

Cho đến thời điểm này, chính sách hình sự của nhà nước ta chỉ xử lý về hình sự đối với chủ thể phạm tội là các cá nhân. Tuy nhiên, khi Luật doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực, chính sách này tỏ ra không phù hợp, vì hoạt động quản lý của các doanh nghiệp có thể được quyết định bởi cá nhân Giám đốc hoặc người điều hành doanh nghiệp, nhưng cũng không ít trường hợp các quyết định đưa ra (bao gồm cả những quyết định vi phạm) trên cơ sở bàn bạc, biểu quyết tập thể (ví dụ Điều 60 Luật Doanh nghiệp). Về thực chất, đây là trường hợp lãnh đạo tập thể, quyết định tập thể và hưởng lợi tập thể. Trong những trường hợp này, vai trò của giám đốc điều hành chỉ là người chấp hành quyết định của tập thể. Vì vậy, nếu vẫn chỉ buộc một số cá nhân chịu trách nhiệm hình sự; những người khác cũng biểu quyết, được hưởng lợi từ những quyết định tập thể ấy là thiếu công bằng.

Điều này càng thấy rõ đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các loại hình công ty cổ phần, khi mà phần lớn chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp, pháp nhân này lại không phải là người trực tiếp điều hành doanh nghiệp. Do đó, nếu cứ duy trì chính sách hình sự chỉ xử lý cá nhân người phạm tội như hiện nay, thì chúng ta mới chỉ xử lý đến cá nhân người trực tiếp điều hành doanh nghiệp mà chưa  xử lý những ông chủ thật sự - người được hưởng lợi chính từ những hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

Xét dưới khía cạnh khả năng bồi thường thiệt hại, việc chỉ xử lý TNHS đối với cá nhân sẽ dẫn đến việc pháp luật chỉ buộc cá nhân đó dùng tài sản của mình để bồi thường thiệt hại. Điều này hoàn toàn không phù hợp trong trường hợp giá trị thiệt hại rất lớn và đối tượng bị gây thiệt hại có thể lên đến hàng nghìn người.

1.4. Xu thế hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cần thay đổi chính sách xử lý hình sự đối với pháp nhân ở Việt Nam

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Công ước chống tài trợ khủng bố, 40 Khuyến nghị của FATF về chống rửa tiền,…thì việc bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế trong đó có vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là hết sức cần thiết.

- Việc quy định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân (hành chính hoặc hình sự) để xử lý hành vi của pháp nhân tham gia vào các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, tài trợ khủng bố là nghĩa vụ quốc tế bắt buộc của nước ta với tư cách là quốc gia thành viên Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, thành viên Nhóm Châu Á- Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG). Do tính chất nguy hiểm của các loại hành vi vi phạm này nên BLHS hiện hành đã xác định là tội phạm và phải bị xử lý hình sự.Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta mới xử lý hình sự đối với cá nhân, còn đối với pháp nhân tham gia thực hiện tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, tài trợ khủng bố ..... thì không bị xử phạt vi phạm hành chính cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định xử phạt đối với những hành vi này mà BLHS thì cũng chưa quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Điều này đã tạo ra khoảng trống trong việc xử lý vi phạm của pháp nhân ở nước ta, dẫn đến tình trạng cá nhân có hành vi tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, tài trợ khủng bố, ... thì bị xử lý hình sự, còn nếu pháp nhân cũng thực hiện các hành vi phạm tội này, thậm chí là ở quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn thì không có cơ sở pháp lý để xử lý, kể cả hình sự lẫn hành chính.

- Theo số liệu thống kê, hiện có 119 nước trên thế giới đã quy định TNHS của pháp nhân. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có 5/10 nước đã quy định chính thức và 2/10 nước (Lào và Brunei) đang trong quá trình xem xét. Từ số liệu này cho thấy, nếu ta không quy định TNHS của pháp nhân, thì khi doanh nghiệp Việt Nam ta ra nước ngoài có thể bị xử lý hình sự (nặng hơn nhiều so với xử phạt hành chính), còn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt nam lại chỉ có thể bị phạt cao nhất 2 tỷ đồng[6].

Tóm lại, thực tiễn thời gian qua cho thấy, tình hình vi phạm của các tổ chức cơ bản là tổ chức kinh tế (pháp nhân) diễn ra khá phổ biến và nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Trong khi đó, cơ chế xử lý hành chính, dân sự hiện hành tỏ ra không hiệu quả, tính răn đe phòng ngừa của các chế tài xử lý này không cao, hậu quả pháp lý của việc xử lý này đối với doanh nghiệp vi phạm chưa có sức nặng đủ để phòng ngừa tái phạm nên chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm của các công ty, doanh nghiệp. Thêm vào đó là yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và truy xét đến cùng trách nhiệm của công ty, doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm nguy hiểm mang tính chất tội phạm mà một trong những biện pháp đó chính là xử lý hình sự đối với các công ty, doanh nghiệp vi phạm. Trên tinh thần đó, dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến thể hiện sự chưa đồng thuận về việc bổ sung quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS vì cho rằng: (i) quy định như vậy sẽ làm thay đổi những quan niệm truyền thống về tội phạm; (ii) nguyên nhân của tình trạng pháp nhân vi phạm không phải do thiếu luật mà do thực thi không nghiêm; (iii) để tăng cường tính răn đe thì chỉ cần nâng mức phạt tiền trong Luật Xử lý vi phạm hành chính là đủ; (iv) việc quy định TNHS của pháp nhân, nhất là khi áp dụng hình phạt tước giấy phép kinh doanh tạm thời hay vĩnh viễn có thể làm mất việc làm của người lao động và (v) quy định TNHS của pháp nhân có thể ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước.

Những băn khoăn này đã được xem xét, nghiên cứu và thể hiện trong dự thảo BLHS nhất là vấn đề quan niệm về tội phạm. Các học thuyết về TNHS đối với tổ chức, pháp nhân cho rằng, việc quy định về TNHS đối với tổ chức, pháp nhân không trái quan điểm truyền thống của khoa học luật hình sự, bởi vì: (1) tổ chức, pháp nhân chịu TNHS thông qua hành vi của thể nhân ở dạng đại diện, được ủy quyền (thuyết trách nhiệm thay thế, thuyết văn hóa pháp nhân…) hoặc ở dạng đồng nhất, coi hành vi lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của cá nhân có thẩm quyền chính là hành vi của tổ chức, pháp nhân; (2) không phải mọi trường hợp người phải chịu TNHS phải trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ, trong trường hợp đồng phạm thì chỉ người thực hành mới là người trực tiếp thực hiện hành vi được quy định trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm còn những người khác như tổ chức, xúi giục, giúp sức vẫn phải chịu TNHS. Đối với TNHS của pháp nhân cũng có thể được hiểu như là một dạng đồng phạm đặc biệt đó; (3) tổ chức, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS trong trường hợp cá nhân thành viên pháp nhân thực hiện hành vi trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, ủy quyền được giao. Lý giải khoa học này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định phạm vi các tội phạm mà pháp nhân phải chịu TNHS. Ví dụ, pháp luật hình sự nhiều nước không buộc pháp nhân phải chịu TNHS về các tội như hiếp dâm, vi phạm chế độ một vợ, một chồng… vì không một tổ chức, pháp nhân nào lại giao cho thành viên tổ chức mình chức năng, nhiệm vụ, hoặc ủy quyền cho họ làm những việc đó. Vì vậy, không thỏa mãn điều kiện hành vi của TNHS đối với tổ chức, pháp nhân.

2. Những vấn đề chung có tính nguyên tắc chung khi quy định về TNHS của pháp nhân trong dự thảo BLHS (sửa đổi)

2.1. Về cơ sở và nguyên tắc TNHS của pháp nhân

Trên cơ sở phân tích pháp luật hiện hành của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của các nước, việc sử dụng thuyết đồng nhất hóa trách nhiệm làm cơ sở để quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong điều kiện Việt Nam là hợp lý nhất. Bằng cách đồng nhất hành vi, lỗi của cá nhân người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện với hành vi, lỗi của pháp nhân, học thuyết này lý giải đơn giản và hợp lý cơ sở TNHS của pháp nhân. Nói cách khác, hành vi, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện cũng được coi là hành vi, lỗi của pháp nhân. Vì thế:

- Từ góc độ lập pháp hình sự, các quy định về tội phạm, về cơ sở TNHS, về lỗi…trong BLHS hiện hành không cần phải thay đổi cơ bản, mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như: cơ sở trách nhiệm hình sự, nguyên tắc xử lý, các biện pháp trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, các tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự...;

- Từ góc độ áp dụng pháp luật hình sự, để truy cứu TNHS pháp nhân, chỉ cần chứng minh hành vi phạm tội, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện pháp nhân và các điều kiện khác của TNHS (như vai trò lãnh đạo, chỉ huy, đại diện của cá nhân trong pháp nhân, việc nhân danh, thay mặt pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân…) là đủ. Do vậy, việc áp dụng nguyên tắc trách nhiệm kép trong giải quyết vấn đề TNHS của pháp nhân là hoàn toàn hợp lý. Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc nếu người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân đã thực hiện một tội phạm vì lợi ích hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân và theo sự chỉ đạo hoặc đồng tình của pháp nhân thì cả pháp nhân và người lãnh đạo, người đại diện đó phải chịu TNHS về cùng tội phạm đó.

2.2. Về loại pháp nhân phải chịu TNHS

Về nguyên tắc, để đảm bảo tính công bằng trong chính sách xử lý hình sự, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với mọi loại hình pháp nhân có hành  vi phạm tội. Tuy nhiên, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề mới, nên trước mắt cần có quy định phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tổ chức Nhà nước ta.

Xuất phát từ đặc điểm tổ chức bộ máy Nhà nước và các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay, phạm vi pháp nhân phải chịu TNHS nên được bổ sung theo hai hướng:

Thứ nhất, không coi cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là chủ thể của tội phạm, vì: (i) Đây là các tổ chức, pháp nhân đều có sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động của mình. Trong khi đó, hình phạt chính đối với pháp nhân là phạt tiền, giải thể, đình chỉ hoạt động... không thể áp dụng đối với các chủ thể này. Vì thế không nên coi Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp… là chủ thể của TNHS; (ii) Mặt khác, các tổ chức này chủ yếu hoạt động trong phạm vi tổ chức của đoàn thể, ít tham gia hoạt động kinh tế, nên ít có khả năng thực hiện các dạng hành vi vi phạm như liệt kê ở trên.

Thứ hai, chủ thể của tội phạm chủ yếu là các pháp nhân thương mại tức là pháp nhân hoạt động vì mục đích lợi nhuận, gồm; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhóm doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác và có thể áp dụng đối với cả các đơn vị sự nghiệp có thu như: bệnh viện, trường học... Vì: qua nghiên cứu cho thấy các hành vi vi phạm chủ yếu là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, thuế, ngân hàng, trốn đóng bảo hiểm... các loại hành vi này về cơ bản do các doanh nghiệp thương mại thực hiện;

2.3. Về điều kiện áp dụng TNHS đối với pháp nhân

Trên cơ sở tham khảo pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật một số nước, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, cần quy định cụ thể các điều kiện để một pháp nhân kinh tế bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo đó, đểtruy cứu TNHS đối với pháp nhân thì cần phải có ba điều kiện:

(a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân;

(b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân;

(c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.

Trong đó, người đại diện hợp pháp của pháp nhân có thể là người lãnh đạo, người điều hành pháp nhân, người được pháp nhân ủy quyền thực hiện các hoạt động của pháp nhân trong phạm vi công việc của mình hoặc thậm chí ngoài phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn nhưng theo chỉ đạo của pháp nhân hoặc được pháp nhân đồng ý, chấp thuận.

2.4. Về loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu TNHS

Về vấn đề này, qua trao đổi với các chuyên gia quốc tế thì thấy rằng, hầu hết đối với các quốc gia lần đầu quy định TNHS của pháp nhân đều thể hiện “sự thận trọng cần thiết” bằng cách khoanh một số tội phạm mà pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp của Cộng hòa Pháp cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm áp dụng, quy định theo hình thức này đã tỏ ra bất cập vì nhiều tội phạm mà pháp nhân thực hiện trên thực tế nhưng lại không được quy định trong BLHS. Do vậy, để khắc phục những bất cập trên, các nhà lập pháp hình sự của Pháp thay đổi cách quy định loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu TNHS bằng cách “khoanh” các tội phạm mà pháp nhân không thể thực hiện được trên thực tế. 

Ở Việt Nam, do đây là quy định còn mới, nên cần có những bước đi thận trọng, phù hợp. Do đó, cần xác định cụ thể những tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS và các tội phạm này chủ yếu tương đồng với lĩnh vực hoạt động của chủ thểlà pháp nhân thương mại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tính phổ biến và nhu cầu phòng ngừa tội phạm, đồng thời, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên. Từ góc độ đó, cần quy định TNHS của pháp nhân đối với một số tội phạm thuộc các nhóm tội sau đây:

- Nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương XVIII);

- Nhóm các tội phạm về môi trường (chương XIX);

- Nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (chương XXI);

- Nhóm các tội phạm về chức vụ (chương XXIII).

Đồng thời, về mặt kỹ thuật, cần có liệt kê cụ thể các tội danh mà pháp nhân có thể thực hiện trong phần các tội phạm Bộ luật hình sự; tức là, những tội phạm nào có thể quy kết cho pháp nhân phải được nhà làm luật quy định cụ thể trong điều luật về tội phạm đó. Ví dụ các tội: buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; trốn thuế; lập quỹ trái phép, tội quảng cáo gian dối, tội gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về chất thải nguy hại; nhận hối lộ; đưa hối lộ...

2.5. Về hình phạt đối với pháp nhân phạm tội

- Về loại hình phạt áp dụng đối với pháp nhân, vấn đề này, pháp luật hình sự của các nước quy định khác nhau, có nước chỉ quy định hình phạt tiền là hình phạt duy nhất áp dụng như một số nước theo truyền thống thông luật (common law) và Trung Quốc, trong khi các nước khác lại quy định một hệ thống hình phạt có thể áp dụng đối với các thực thể này như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ, Nhật… Ở Việt Nam, hình phạt mang tính kinh tế được coi là phù hợp và hiệu quả nhất. Các hình phạt mang tính kinh tế cũng phù hợp với phạm vi tội phạm được xác định là có thể truy cứu đối với pháp nhân. Tuy nhiên, đối với các hành vi vi phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực hoạt động được ghi trong giấy phép và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế thì pháp nhân có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Nếu phạm tội gây hậu quả hoặc đe dọa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng của nhiều người, đến môi trường và trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra không có khả năng khắc phục trên thực tế hoặc pháp nhân sử dụng giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh làm vỏ bọc để thực hiện một trong các tội phạm quy định tại Điều 76 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Do đó, trong Bộ luật hình sự quy định một hệ thống hình phạt riêng bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm tội và trong đó chú trọng đến hình phạt về tài sản đặc biệt là hình phạt tiền. Ví dụ: phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính. Điều này tạo khả năng cho toà án trên cơ sở đánh giá toàn diện các tình tiết của tội phạm và chủ thể thực hiện, quyết định loại và mức hình phạt phù hợp đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc cá thể hoá TNHS khi giải quyết từng vụ án cụ thể.

- Về mức phạt đối với pháp nhân, vì phạt tiền vừa có thể là hình thức phạt hành chính, lại vừa được áp dụng đối với cá nhân phạm tội, nên khi quy định mức phạt tiền đối với pháp nhân phạm tội phải cao hơn mức xử phạt vi phạm hành chính và mức xử phạt hình sự đối với cá nhân và phải căn cứ vào mức tiền chiếm đoạt, gây lãng phí, làm thất thoát.

Ngoài hình phạt được áp dụng, pháp nhân phạm tội còn phải chịu các biện pháp tư pháp như: bị tịch thu tài sản do phạm tội mà có, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra.

3. Những đề xuất cụ thể trong BLHS (sửa đổi)

3.1. Các quy định thuộc phần chung của BLHS

Về nguyên tắc, khi quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì về cơ bản các quy định đối với cá nhân phạm tội cũng có thể được áp dụng đối với pháp nhân. Do đó, ở phần chung, ngoài một số sửa đổi, bổ sung một số điều luật liên quan như: cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 2), nguyên tắc xử lý (Điều 3), định nghĩa tội phạm (Điều 8), hình phạt (Điều 32)…, dự thảo Bộ luật đã bổ sung một chương riêng quy định các vấn đề cơ bản về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Cụ thể:

- Sửa đổi điểu 2 BLHS hiện hành:

Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự

Phương án 1:

1. Chỉ cá nhân nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Chỉ pháp nhân nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng với cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Phương án 2:

Giữ nguyên như hiện hành.

- Sửa đổi Điều 3 BLHS hiện hành:

Điều 3. Nguyên tắc xử lý

1. Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.

2. Mọi cá nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.

3. Mọi pháp nhân phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

4. Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, chức vụ, quyền hạn càng cao thì xử phạt càng nặng; nghiêm trị cá nhân hoặc pháp nhân phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với cá nhân, pháp nhân tự thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

5. Cá nhân phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù và giao họ cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục.

6. Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu có tiến bộ thì xét giảm việc chấp hành hình phạt, tha tù có điều kiện, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

7. Cá nhân đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

Pháp nhân đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện tiếp tục sản xuất, kinh doanh và khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.

- Sửa đổi Điều 8 BLHS hiện hành:

Điều 8. Khái niệm tội phạm (sửa đổi)

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do pháp nhân hoặc người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

- Bổ sung Điều 33:

Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân (mới)

1. Hình phạt chính bao gồm:

a) Phạt tiền;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

b) Cấm huy động vốn;

c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

3. Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

- Bổ sung chương mới thuộc phần chung, Chương XI: Những quy định đối với pháp nhân phạm tội

3.2. Dự thảo Bộ luật đã bổ sung một chương riêng (chương XI) với 14 điều (từ Điều 74 đến Điều 87) để quy định các vấn đề cơ bản về trách nhiệm hình sự của pháp nhân (cơ sở TNHS của pháp nhân, phạm vi chịu TNHS của pháp nhân, các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân, vấn đề quyết định hình phạt, miễn, giảm hình phạt, xóa án tích đối với pháp nhân). Cụ thể:

- Tiêu chí đề xuất các tội phạm áp dụng xử lý đối với pháp nhân

Qua rà soát phần các tội phạm trong BLHS và qua tham khảo kinh nghiệm của một số nước cho thấy, mặc dù về lý thuyết có thể xử lý pháp nhân về nhiều loại tội phạm khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn đã chỉ ra rằng, đối với các quốc gia lần đầu hình sự hóa trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì đều chọn ra những tội phạm điển hình để xử lý mà không xử lý tất cả các hành vi vi phạm của pháp nhân.

Ở Việt Nam, mặc dù thực tiễn đòi hỏi cần phải xử lý hình sự đối với pháp nhân nhưng xét cho cùng đó vẫn là một vấn đề mới. Do đó, trước mắt cần rà soát, lựa chọn một số tội phạm để quy định trong BLHS. Việc lựa chọn loại tội phạm nào để xử lý đối với pháp nhân phải trên những tiêu chí sau đây:

Thứ nhất, đây là những hành vi mà các pháp nhân thường hay vi phạm. Đây là yêu cầu đầu tiên vì, nó đảm bảo nguyên tắc tính phổ biến, lặp đi lặp lại của pháp nhân. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, thì hành vi chủ yếu mà pháp nhân ở Việt Nam vi phạm trong thời gian vừa qua là các hành vi liên quan đến các lĩnh vực: khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản; xả thải các chất gây ô nhiễm môi trường; buôn lậu, làm hàng giả, trốn thuế; trốn đóng bảo hiểm cho người lao động; lừa đảo hoàn thuế giá trị gia tăng…Bên cạnh đó, cần tính đến các hành vi tuy trước mắt chưa xảy ra chưa nhiều, nhưng có nhiều nguy cơ khả năng xảy ra nhiều như: rửa tiền, lửa đảo xuất khẩu lao động…

Thứ hai, hệ thống pháp luật hiện hành chưa quy định hoặc có quy định nhưng tỏ ra kém hiệu quả trong việc xử lý pháp nhân vi phạm các hành vi kể trên. Qua phân tích cho thấy, những bất cập trong việc áp dụng các hình thức trách nhiệm hành chính (xử phạt vi phạm hành chính) hay trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) đều tỏ ra kém hiệu quả. Thậm chí trong một số trường hợp còn không thể xử lý được (như đã phân tích ở trên).

Thứ ba, những hành vi vi phạm đó của pháp nhân có thể được cơ quan tố tụng chứng minh trên thực tế (tính có thể chứng minh được thực tế).

- Các tội mà pháp nhân phải chịu TNHS

Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân (mới)

Pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây:

(a) Điều 149 (tội mua bán người); Điều 150 (tội mua bán trẻ em);

(b) Điều 190 (tội buôn lậu); Điều 191 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 193 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm); Điều 196 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 197 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 204 (tội trốn thuế); Điều 207 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 213 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 214 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 215 (tội thao túng giá thị trường chứng khoán); Điều 220 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 221 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 223 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 224 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp);

(c) Điều 231 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 232 (tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại); Điều 236 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 239 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 240 (tội huỷ hoại rừng); Điều 241 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ);

(d) Điều 307 (tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người); Điều 313 (tội tài trợ khủng bố); Điều 328 (tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn); Điều 336 (tội rửa tiền);

(đ Điều 367 (tội nhận hối lộ); Điều 377 (tội đưa hối lộ);

(e) Điều 393 (tội không chấp hành án).

3.3. Trong phần các tội phạm cụ thể, tại các điều quy định về tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, dự thảo đã bổ sung một khung riêng quy định về hình phạt đối với pháp nhân. Ví dụ:

Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (sửa đổi)

...................

5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 02 lần đến 03 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (sửa đổi) 

...............................

6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 02 lần đến 04 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ  04 lần đến 06 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ  06 lần đến 08 lần giá thành sản xuất hàng giả, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc giá trị của hàng giả tương đương với hàng thật trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì  bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

 e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doạnh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 204. Tội trốn thuế (sửa đổi)

................................

5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân tại khoản tương ứng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

d) Pháp nhân còn có thể bị cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 220. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (mới)

................................

6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

 a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 03 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 03 đến 05 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền gấp từ 05 đến 10 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân phạm tội;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Điều 224. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (sửa đổi)

....................

4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền gấp từ 02 lần đến 05 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;

 b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 231. Tội gây ô nhiễm môi trường (sửa đổi)

..................

5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 328. Tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn (sửa đổi)

.................

6. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000. đồng đến 5.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc bị cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm./.


[1] Bộ TN & MT, Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2005 (2005 - 2013), tháng 7/2013.

[2] Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2005 (2005 - 2013), tháng 7/2013 thì năm 2009, có 93/793cơ sở, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó cả 93 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Năm 2010, có 233 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 53 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên 269 cơ sở tiến hành kiểm tra; Năm 2011, 154/375 cơ sở vi phạm, xử phạt tổng số tiền 19.405.000.000 đồng; Năm 2012, có 157 cơ sở vi phạm trên 429 cơ sở sẩn xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất vi phạm

[3] Bộ TN & MT, Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2013 và kế hoạch công tác năm 2014 của ngành tài nguyên và môi trường, tháng 12/2013.

[4] Phụ lục: Báo cáo của Tổng Cục thuế về tình hình nợ động thuế năm 2013 – 2014.

[5] Phụ lục : Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt nam về thực trạng vi phạm pháp luật và đề xuất hình sự hóa hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. (tháng 10 năm 2014).

[6] Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, ta đang chủ trương thu hút vốn đầu tư, nên nếu quy định TNHS của pháp nhân sẽ tạo nên tâm lý e ngại của Nhà đầu tư. Tuy nhiên, thu hút vốn đầu tư để phạt triển đất nước là một chủ trương đúng, nhưng không phải bằng mọi giá và ngay acr những Nhà đầu tư nước ngoài cùng cần được đối xử bình đẳng giữa Nhà đầu tư chấp hành đúng pháp luật và Nhà đấu tư vi phạm pháp luật.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: