Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 24/01/2025

 1. Văn phòng Chính phủ: Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 30/5/2021 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của 15 địa phương, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:

Về đánh giá tình hình và nguyên nhân:

- Đánh giá tình hình dịch bệnh: Thời gian qua, về tổng thể cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, tuy nhiên cục bộ một số địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là tình hình lây nhiễm trong các khu công nghiệp, từ khu công nghiệp ra cộng đồng và ngược lại; dịch cũng lây lan ở những địa điểm tụ tập đông người liên quan đến hoạt động tôn giáo và các hoạt động khác nên rất khó kiểm soát.

- Nguyên nhân: Đợt dịch lần thứ tư này bùng phát do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên nguyên nhân chủ quan là chính. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì ung dung, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng khi có dịch thì lúng túng, bị động, hoang mang, lo sợ, không nắm chắc, đánh giá đúng tình hình để có các biện pháp phù hợp; một bộ phận nhân dân còn thiếu ý thức, mất cảnh giác, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, biến chủng của vi rút đợt dịch này nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm và khó lường hơn.

P 55
Ảnh minh họa/Internet

Về công tác chỉ đạo, điều hành:

- Ngay từ khi bắt đầu có dịch bùng phát lần này, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia đã thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả.

- Đại đa số các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy, chính quyền địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách; chủ động, nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo chức năng và thẩm quyền.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện đã có sự tham gia, chia sẻ, ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và nhân dân; đã huy động được các nguồn lực đáng kể trong và ngoài nước cả về vật chất và tinh thần cho phòng, chống dịch.

Công tác phòng, chống dịch đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

- Tuy nhiên vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn để bị động, lúng túng trong nắm bắt, đánh giá chính xác tình hình để đưa ra giải pháp quyết liệt, phù hợp hiệu quả.

Một số bài học kinh nghiệm:

Một số bài học kinh nghiệm rút ra trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 lần thứ tư: Một là, phải nắm chắc tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường kiểm tra đôn đốc đúng hướng, quyết liệt và hiệu quả. Hai là, việc tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, đúng quy định kết hợp với việc chủ động, vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện, tình hình cụ thể. Ba là, huy động cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào cuộc để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Bốn là, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là những vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách. Năm là, động viên, khích lệ và khen thưởng kịp thời; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về mục tiêu:

- Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc; chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân là trên hết, trước hết.

- Quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt cao điểm của đợt dịch bệnh bùng phát lần này, trước mắt tập trung cao độ tại các địa bàn có ổ dịch đang diễn biến phức tạp như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

- Tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt an ninh, an toàn, an dân.

- Tổ chức kết thúc thành công năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị tốt nhất cho năm học 2021 - 2022.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo:

- Kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tập trung thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, nhất là những nơi đang có các ổ dịch lớn thì phải tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh; tất cả phải với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, nhưng có trọng tâm, trọng điểm để nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

- Trên cơ sở phát huy thành quả đạt được trong các đợt chống dịch bùng phát lần trước và những kết quả bước đầu của phòng, chống dịch lần này; bám sát thực tiễn, linh hoạt, sáng tạo, chủ động, tích cực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để huy động mọi nguồn lực hợp pháp trong xã hội, trong nhân dân, trong nước và ngoài nước.

- Nắm chắc và dự báo đúng tình hình. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, lấy tấn công là chính, quan trọng, đột phá, phòng ngừa là thường xuyên, cơ bản, chiến lược, lâu dài và là quyết định. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch; nhưng cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi dịch xảy ra.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì Đảng, vì Nước, vì Dân; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các quy định, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị để vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch, nhất là việc quyết định phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đi đôi với khuyến khích đổi mới sáng tạo; linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm theo phương châm cụ thể, rõ ràng, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá.

- Vừa làm vừa rút kinh nghiệm; phát huy và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt; chú trọng tổng kết thực tiễn và từng bước xây dựng hoàn thiện lý luận. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, làm cho dân biết, dân hiểu, chia sẻ, tin tưởng, hưởng ứng, tích cực tham gia và thụ hưởng những thành quả từ phòng, chống dịch. Quán triệt tinh thần mỗi người phải tự bảo vệ mình, tức là bảo vệ cộng đồng và góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

- Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị phải phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu, vươn lên; lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, khẳng định để trưởng thành; đồng thời phát huy giá trị con người và ý chí dân tộc Việt Nam trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Kiên quyết xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động, những biểu hiện lợi dụng việc phòng, chống dịch để xuyên tạc, chống phá, gây nghi ngờ, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ và làm mất trật tự, hoang mang trong Nhân dân.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

- Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết định, giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Những vấn đề mới, khó, nhậy cảm chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

- Quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vắc xin tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vắc xin đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác. Giao các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ và Ngoại giao đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vắc xin và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin của nước ngoài.

- Tăng cường tuyên truyền, tổ chức tiêm vắc xin theo thứ tự ưu tiên một cách hợp lý, hiệu quả, trước hết ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu và các địa bàn trọng điểm như Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số địa phương có nguy cơ cao và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm; chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác, tích cực tham gia việc tiêm vắcxin.

- Chú trọng công tác phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm “5k + vắc xin” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch. Quán triệt tư tưởng chủ đạo là phòng bệnh chủ động, tích cực, thường xuyên, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình.

- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, đặc biệt là ngăn ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép. Rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục để quản lý công tác cách ly tập trung, theo dõi chặt chẽ y tế sau cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

- Huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, đặc biệt là mua vắc xin vì đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong lúc ngân sách nhà nước còn hạn chế, khó khăn. Kêu gọi, khuyến khích mọi cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng Quỹ vắc xin.

- Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp, nhà nước và cùng chia sẻ khó khăn chung. Tổ chức công đoàn các cấp chủ động tham gia tích cực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân, người lao động.

- Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các nhà máy xí nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội... có đủ điều kiện có thể nghiên cứu, thực hiện cách ly tập trung tại chỗ theo đúng các quy định để vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, hợp lý hiệu quả.

- Cần đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ, thông cảm, được truyền cảm hứng để tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

Tổ chức thực hiện:

- Đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chủ trì chỉ đạo chung công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc. Đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

- Bộ Y tế chủ động huy động các nguồn lực tại các cơ sở đào tạo y khoa, tham gia hỗ trợ cho các lực lượng phòng chống dịch.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức kết thúc tốt đẹp năm học 2020 - 2021; đồng thời chuẩn bị thật tốt cho việc khai giảng năm học 2021 - 2022 đúng quy định.

- Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay việc nghiên cứu, hướng dẫn, triển khai thực hiện các biện công nghệ để góp phần phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

- Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “Ba không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách”, nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Các địa phương chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân.

2. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 về việc ban hành “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19”

Trong Quyết định này, nguyên tắc, phương châm, mục đích được xác định là:

- Thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

- Nắm bắt chính xác tình hình, đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức “Nguy cơ rất cao”, “Nguy cơ cao”, “Nguy cơ”, “Bình thường mới” cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh.

- Các địa phương quán triệt tinh thần “chủ động tấn công” và nguyên tắc phòng chống dịch “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, luôn chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn. Đưa ra các giải pháp tương ứng với từng mức nguy cơ; cần áp dụng ở phạm vi phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ, không nhất thiết phải toàn bộ đơn vị hành chính.

- Các giải pháp gồm nhóm bắt buộc và nhóm do chính quyền địa phương bổ sung hoặc quyết định ở mức cao hơn, nhanh hơn phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo mục tiêu kép.

Trong quy định này, các giải pháp bắt buộc tương ứng với các mức độ nguy cơ gồm:

- Đối với mức “Bình thường mới”:

+ Đối với cá nhân: Thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo y tế).

+ Đối với tổ chức, đơn vị: Thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn của Bộ Y tế, tự đánh giá và cập nhật trên hệ thống antoancovid.vn

+ Đối với chính quyền: Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm điểm a và b, mục 1, phần IV của Quy định này và không cho phép hoạt động của các tổ chức không đảm bảo an toàn.

- Đối với mức “Nguy cơ”:

Ngoài các giải pháp như đối với mức “Bình thường mới” thì phải thực hiện các giải pháp sau:

+ Thực hiện truy vết, khoanh vùng, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

+ Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dễ bị lây nhiễm như: vũ trường, karaoke, quán bar, mát xa,..

+ Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những người có nguy cơ (ngoài các đối tượng đã được quy định trước đây).

+ Hạn chế các hoạt động tập trung đông người. Đối với các sự kiện bắt buộc phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải đảm bảo đầy đủ các quy định của cơ quan y tế trên địa bàn. Lễ hiếu, hỉ, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải được các cơ quan y tế giám sát chặt chẽ và phải hạn chế tổ chức ăn uống.

- Đối với mức “Nguy cơ cao”:

Ngoài các biện pháp như tại mức “Nguy cơ” thì phải thực hiện các biện pháp sau:

+ Dừng các hoạt động tập trung từ 30 người trở lên, trường hợp cần thiết phải tổ chức thì phải được cấp tỉnh hoặc trung ương cho phép và cấp, cơ quan, cá nhân tổ chức phải chịu trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng.

+ Giảm mật độ giao thông, số lượng người trên các phương tiện giao thông công cộng.

+ Giảm số người làm việc tại cơ quan, công sở; tăng cường làm việc trực tuyến.

+ Điều chỉnh lịch học; trường hợp cần phải điều chỉnh vượt quá khung kế hoạch thời gian năm học thì phải thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

+ Thực hiện khai báo y tế bắt buộc với toàn bộ người dân trên địa bàn.

- Đối với mức “Nguy cơ rất cao”:

Ngoài các giải pháp như đối với mức “Nguy cơ cao” thì phải thực hiện các giải pháp sau:

+ Đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp cách ly y tế (phong tỏa) vùng có dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 đối với những vùng dịch diễn biến phức tạp, các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát và dịch có nguy cơ lây lan rộng.

+ Áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là người có tiếp xúc gần phải cách ly tập trung (F1) lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân); đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như đối với khu cách ly y tế tập trung. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định.

+ Áp dụng các hoạt động giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày trên phạm vi toàn địa bàn, cụ thể:

Dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trừ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu:

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thiết yếu được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Tổ chức lại sản xuất tại các khu công nghiệp đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đặc biệt đối với các nhà máy, xí nghiệp lớn mang tính toàn cầu.

Người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lao động sản xuất phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Dừng hoạt động nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động sản xuất, thu hoạch khi không đảm bảo an toàn.

Dừng các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao, giải trí, tôn giáo tín ngưỡng. Đám tang không quá 30 người, đám cưới không quá 20 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

Không tập trung từ 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Xe công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly được hoạt động nhưng chỉ được đưa đón tại nơi chính quyền cho phép.

+ Không ngăn sông cấm chợ. Các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Các phương tiện chở người từ các tỉnh khác được phép đi qua nhưng không được dừng đón, trả khách trên địa bàn.

Về các giải pháp bổ sung, nâng cao: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn quyết định hoặc giao cho UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện các giải pháp bổ sung hoặc ở mức cao hơn so với các giải pháp quy định tại Mục IV để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn:

- Quy định về hoạt động tập trung đông người như dừng thay vì hạn chế, giảm số người tham gia các sự kiện,…

- Quy định về hạn chế giao thông công cộng, phương tiện cá nhân.

- Quy định về các loại hình kinh doanh được phép hoặc phải hạn chế, phải tạm dừng hoạt động.

- Quy định về các hoạt động văn hóa, thể thao,… được phép hoặc phải hạn chế, phải tạm dừng hoạt động.

- Quy định về hạn chế số người tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm.

- Quy định về hoạt động của các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công và cung cấp dịch vụ công trên địa bàn.

- Các giải pháp khác phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.

Các giải pháp cần được thông tin, tuyên truyền đầy đủ về sự cần thiết, nội dung, thời hạn thực hiện trước khi triển khai nhằm tạo sự đồng thuận và huy động nhân dân tham gia thực hiện nhằm bảo đảm yêu cầu chống dịch đồng thời ổn định đời sống xã hội.

3. Bộ Y tế: Công điện số 809/CĐ-BYT ngày 01/6/2021 về việc tăng cường sàng lọc, rà soát, xét nghiệm nhanh ca bệnh COVID-19 nghi ngờ tại cơ sở y tế, phòng khám và nhà thuốc trên địa bàn

Công điện nêu rõ, dịch COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Để chủ động kiểm soát và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 điện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

- Tăng cường rà soát, sàng lọc kỹ tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có dấu hiệu ho, sốt, cảm cúm... đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, phòng khám và mua thuốc tại các nhà thuốc trên toàn quốc; yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt, khai thác thông tin dịch tễ của người đến khám và người cần dùng thuốc; yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh (hoặc xét nghiệm RT-PCR nếu có khả năng) với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đối với các phòng khám (công và tư), nhà thuốc cần thực hiện khai báo y tế đầy đủ và cung cấp thông tin ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời theo dõi các trường hợp nghi ngờ, khuyến khích chủ động thực hiện xét nghiệm nhanh với các trường hợp này.

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch; huy động, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực bảo đảm cung ứng đầy đủ sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao để tổ chức thực hiện xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

- Tổng hợp thông tin khai báo y tế, báo cáo số lượng người đến khám có các dấu hiệu nghi ngờ và người mua các loại thuốc ho, hạ sốt, cảm cúm... trên phần mềm kê đơn thuốc quốc gia donthuocquocgia.vn (hoặc hệ thống báo cáo của Sở Y tế) để kịp thời phát hiện, sàng lọc, truy vết.

4. Bộ Y tế: Quyết định số 4356/BYT-KHTC ngày 31/5/2021 về việc điều chỉnh phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 3

Cụ thể, Bộ Y tế điều chỉnh phân bổ vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca tại Điểm 1 Điều 1 Quyết định số 2499/QĐ-BYT ngày 20/5/2021 của Bộ Y tế như sau:

- Số lượng vắc xin sau khi điều chỉnh và phân bổ cho một số tỉnh, thành phố như sau:

TT

Các địa phương, đơn vị

Số liều vắc xin

1

Trung tâm KSBT tỉnh Bắc Kạn

4.000

2

Trung tâm KSBT tỉnh Cao Bằng

7.000

3

Trung tâm KSBT tỉnh Tuyên Quang

7.000

4

Trung tâm KSBT tỉnh Hà Nam

7.000

5

Trung tâm KSBT tỉnh Hà Giang

9.000

6

Trung tâm KSBT tỉnh Ninh Bình

8.000

7

Trung tâm KSBT tỉnh Vĩnh Phúc

7.000

8

Trung tâm KSBT tỉnh Hưng Yên

10.000

9

Trung tâm KSBT tỉnh Thái Nguyên

10.000

10

Trung tâm KSBT tỉnh Hà Tĩnh

8.000

11

Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Ninh

12.000

12

Trung tâm KSBT tỉnh Phú Thọ

10.000

13

Trung tâm KSBT tỉnh Nam Định

11.000

14

Trung tâm KSBT Thành phố Hải Phòng

12.000

15

Trung tâm KSBT tỉnh Thái Bình

10.000

16

Trung tâm KSBT tỉnh Hải Dương

26.000

17

Trung tâm KSBT tỉnh Nghệ An

16.000

18

Trung tâm KSBT tỉnh Thanh Hóa

17.000

Số lượng vắc xin còn lại sau khi điều chỉnh là 242.000 liều, số vắc xin điều chỉnh của 18 tỉnh, thành phố này sẽ được bổ sung vào đợt phân bổ gần nhất.

- Phân bổ bổ sung 242.000 liều vắc xin cho:

+ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh: 122.000 liều.

+ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang: 120.000 liều.

Số lượng vắc xin sau khi phân bổ bổ sung của Trung tâm KSBT tỉnh Bắc Ninh là 150.000 liều; Trung tâm KSBT tỉnh Bắc Giang là 150.000 liều.

5. Bộ Y tế: Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29/5/2021 về việc ban hành Hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Hướng dẫn này áp dụng đối với người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí; nơi tập trung đông người bao gồm:

- Các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí: Trụ sở làm việc; khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; Quán bar; vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage), làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn (theo quy định của Ban tổ chức hoặc người có thẩm quyền triệu tập)...

- Nơi tập trung đông người: Bệnh viện, các cơ sở y tế; chung cư; trường học; nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu; đám tang, đám cưới; địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí; khu tâm linh...

Cụ thể như sau:

- Ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn:

Ứng dụng VHD và Tokhaiyte.vn cho phép khai báo y tế (bắt buộc); khai báo y tế toàn dân; cập nhật tình trạng sức khỏe hằng ngày đối với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc), ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.

Tokhaiyte.vn là nơi cung cấp và tạo ra mã QR cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, chung cư, trường học, ...

- Ứng dụng Bluezone:

Bluezone cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone.

Bluezone cũng cho phép người dân khai báo y tế toàn dân; ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng, gửi bản tin thông báo đến người dân.

- Ứng dụng NCOVI:

Ứng dụng NCOVI cho phép người dân thực hiện khai báo y tế toàn dân, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày (tự nguyện); ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.

6. Cục hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 2304/CHK-VTHK ngày 01/6/2021 về chuyến bay chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất

 Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19, Thông báo 131/TB-VPCP ngày 28/5/2021 của Văn phòng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) thông báo như sau:

- Các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất tiếp tục được thực hiện: quy trình xem xét, quyết định cấp phép bay thực hiện như trước đây.

- Văn bản này thay thế cho Công văn 2276/CHR-VTHK ngày 31/5/2021 của Cục HKVN và có hiệu lực kể từ ngày ký.

- Cảng vụ hàng không triển khai các nội dung nêu trên đến các hãng hàng không, các cơ quan và đơn vị liên quan hoạt động trên địa bàn.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Công văn số 623/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2021 về việc hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19

Cụ thể, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể như sau:

- Số lượng trẻ em được hỗ trợ: theo danh sách trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

- Định mức hỗ trợ: theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

- Nguồn kinh phí: nguồn của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (vận động và tích lũy năm 2021).

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: