Chỉ mục bài viết

1. Cách đánh du kích

2. Phải dựa trên cơ sở quần chúng.

Muốn đánh du kích cần phải có dân chúng tham gia và giúp sức. “Du kích như cá, dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân chúng thì du kích chết”. Quân du kích và dân chúng phải mật thiết liên lạc với nhau là vì quân du kích đánh Tây - Nhật để bảo hộ dân chúng, vậy dân chúng phải hết sức ủng hộ quân du kích.

3. Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật.

Quân du kích nếu không có tổ chức thì không phải một đội quân cách mạng, không thể đánh được Tây - Nhật. Quân du kích cần phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật, kỷ luật phải nghiêm như sắt, bao nhiêu hành động của quân du kích đều phải theo kỷ luật ấy, không ai được làm trái.

4. Phải có một lối đánh rất tài giỏi. Quân du kích thắng được kẻ thù chính nhờ lối đánh tài giỏi này. Quân du kích là đội quân thiên biến vạn hoá, xuất quỷ nhập thần, khéo dùng lối này thì trăm trận trăm được.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t3. tr.500)

2. Sao cho được lòng dân?

Ta nhận thấy xung quanh các ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen. Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ trung ương nhiều hơn các ủy ban địa phương.

Những ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa.

Thứ nhất, dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà "phủ trưởng" nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà "tỉnh trưởng" đi chơi mát mỗi buổi chiều.

Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó rất dễ đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền, làm nhiều điều quá tệ. Thậm chí có ông tư pháp khi xử kiện bắt tội nhân quỳ trước thềm đánh đập, chửi mắng tội nhân, hách dịch đúng như những "ông quan", "ông thanh tra" dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc!

Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý.

Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được.

Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư.

Chiến thắng!

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945)

3. Lời phát biểu tại lễ mừng liên hiệp quốc gia

Nước Phật  ngày xưa có những 4 đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có 1 đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Giatô tin ở đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy.

Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc.

Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 136, ngày 8-1-1946)

4. Bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc

Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi. Và đang lo củng cố. Lúc này chúng ta có hai nhiệm vụ là kháng chiến và kiến quốc. Các chiến sĩ đã hy sinh cho cách mạng thành công và đang hy sinh để giữ vững đất nước.

Còn các ngài, đã đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong. Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ. Chúng ta cố thực hiện khẩu hiệu kháng chiến, kiến quốc để thực hiện: Có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng.

Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc.

3. Làm cho dân có chỗ ở.

4. Làm cho dân có học hành.

Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập.

Các ngài làm cố vấn cho Chính phủ, nghĩ ra kế hoạch cũng là hy sinh, phấn đấu và quyết tâm. Muốn làm tròn bổn phận, chúng ta nên lợi dụng mấy khẩu hiệu của người Trung Hoa.

Thực hiện được những khẩu hiệu ấy, trong công việc giữ gìn độc lập, tự do cho nước nhà, các ngài sẽ phải gánh một gánh nặng rất nặng nề và sự thành công của các ngài cũng sẽ rất lớn lao. Tôi tin rằng với kinh nghiệm, với học thức, với sự quyết tâm của các ngài, việc kháng chiến nhất định thành công và nền tự do, độc lập nhất định vững vàng.

Kiến quốc thành công.

Việt Nam độc lập muôn năm.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 139, ngày 11-1-1946).

5. Binh pháp tôn tử

Theo các nhà nghiên cứu "binh pháp" của Tôn Tử ở Nhật Bản thì Tôn Tử đã dựa vào 10 nguyên lý chính để sáng tạo ra binh pháp của ông.

Nguyên lý thứ nhất - Phải biết xét đoán trước.

Trước khi khai chiến, phải biết mình, biết người, biết tình hình thiên thời, địa lợi để định kế hoạch hành động, mới có thể thắng trận được.

Tôn Tử nói: "Biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận. Chỉ biết mình mà không biết người, đánh trận có khi được khi thua. Không biết mình, không biết người, đánh trận chỉ thua hoài".

Ông lại nói: "Biết mình, biết người, thắng trận mà không gặp nguy hiểm. Lại biết thiên thời địa lợi nữa, cầm chắc được toàn thắng".

Nhưng làm thế nào có thể biết mình được?

Vậy trước khi chưa khai chiến, nghĩa là lúc đương định kế hoạch chiến tranh, phải tự xét mình xem đã đủ 5 điều kiện chính sau này chưa:

1- Đạo nghĩa, là chính sách của chính phủ đối với dân chúng - chính sách này phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng. Đối với dân, chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá, v.v.. Có như thế, dân chúng mới đoàn kết chung quanh chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết giết giặc. Có như thế thì dù tình thế nguy khốn đến bực nào, dân chúng không sợ hãi gì hết mà cố sức quyết chiến, quyết thắng.

2- Thiên thời, nghĩa là lợi dụng ngày, đêm, sớm, tối, mưa, nắng, nóng, rét ...

Về thời cổ, tối kỵ là đánh trận vào lúc rét quá hay nóng quá, vì sợ binh sĩ chết rét hay chết dịch nhiều hơn là chết vì chiến tranh.

Ngay trong thời đại khoa học ngày nay, sự phòng nóng rét đã tiến bộ nhưng chưa thể chinh phục hẳn được thời tiết. Trong trận chiến tranh vừa qua, ở mặt trận Nga Đức, rét đến nỗi dầu xăng trong ô tô hay xe tăng đông lại và bùn lầy cao ngập gối làm cho xe cộ không đi lại được nên hành quân rất khó khăn.

Vậy khoa nghiên cứu thời tiết, nóng rét, mưa gió rất cần cho quân sự. Như lúc pháo binh bắn đại bác, lúc phóng hơi ngạt, lúc phi cơ ném bom, hay lúc chiến hạm hoạt động phải biết trước thời tiết mới có thể định đoạt được. Lại như lúc đặt phòng thuốc cho binh sĩ, lúc bố trí những nơi chứa quân nhu, lúc đặt kế hoạch vận tải binh lương, khí giới, và lúc thiết lập cửa bể hay trường tàu bay, không thể không biết rõ khí hậu ở những nơi định lập.

3- Địa lợi, là từ nơi căn cứ ra đến chiến trường xa hay gần, chiến địa hiểm trở hay bằng phẳng, chiến tuyến rộng hay hẹp, địa điểm lui quân có an toàn hay không an toàn. Đó là khoa địa hình học ngày nay cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trong khi đánh trận.

4- Tướng nghĩa, là người làm tướng chỉ huy phải có đủ trí, tín, nhân, dũng, nghiêm. Trí là mưu trí. Nếu có đủ mưu trí có thể quyết định được thua từ ngoài nghìn dặm. Tín là không lừa dối, thưởng phạt công bình, tài chính phân minh. Nhân là yêu binh sĩ, yêu nhân dân. Dũng là không sợ hãi, trầm tĩnh để chiến đấu và gặp nguy nan phải tiến trước binh sĩ. Nghiêm là không dung thứ, phải nghiêm trang và trọng kỷ luật.

5- Pháp gồm có 3 mục là:

a- Cách tổ chức quân đội lúc bình thời thế nào, lúc thời loạn thế nào.

b- Quy luật làm việc của các quan trưởng1), nghĩa là lúc làm việc, các quan trưởng phải làm đúng quy luật đã định.

c- Quân phí, quân nhu phải lo tính cho đầy đủ.

Năm điều nói trên, người làm tướng tất phải biết rõ. Thế tức là biết mình. Nhưng biết phải có làm. Làm được thời sẽ có đủ nhân hoà, địa lợi, thiên thời, tướng giỏi, quân nhu đầy đủ để nắm chắc được phần thắng trong lúc chiến tranh.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 242, ngày 17-5-1946).

6. Sửa đổi lối làm việc

5. Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?

Nếu chúng ta hỏi cán bộ: "Việc đó, làm cho ai? Đối với ai phụ trách?", chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: "Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên".

Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: "Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?" thì e nhiều cán bộ không trả lời được.

Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Đó là một lẽ rất giản đơn, rõ ràng. Nhưng nhiều cán bộ chưa hiểu, cho nên trong lúc làm việc, thường sai lầm; đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng ra làm một phía, quần chúng ra một phía.

Chính phủ và Đảng chẳng những làm những việc trực tiếp lợi cho dân, mà cũng có khi làm những việc mới xem qua như là hại đến dân. Thí dụ: quyên tiền, thu thuế, công tác phá hoại, v.v.. Vì cán bộ và đảng viên không hiểu rõ hai lẽ: vì ai mà làm, đối ai phụ trách, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu. Cho nên những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, v.v., cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu, dân oán. Thì có gì lạ đâu? Một thí dụ rất tầm thường, dễ hiểu: Bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán!

Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.

Có khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Đối với những bọn vu vơ, đầu cơ, thì phạt rất đáng. Nhưng với những cán bộ trung thành mà bị phạt, thì Chính phủ và Đảng cũng khổ tâm, mà người bị phạt cũng khổ tâm!

Chẳng những lúc thi hành các mệnh lệnh, cán bộ ta có cái thái độ xa quần chúng như thế, mà đối với cách làm việc, cách tổ chức, cũng có thái độ sai lầm đó.

Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc.

Đằng này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới.

Đó là vì thói không phụ trách "quá hữu", gặp sao hay vậy. Song lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách "quá tả" là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như tỉnh nọ, bắt đầu kháng chiến, thì bỏ hết Việt Minh các huyện, các xã. Thật là một hành động khờ dại.

6. Sát quần chúng, hợp quần chúng

Cán bộ ta có hai chứng bệnh nữa là:

a) Bệnh khai hội.

Khai hội không có kế hoạch, không sắp sửa kỹ lưỡng, không thiết thực. Khai hội lâu, khai hội nhiều quá. Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như "ông quan". Lúc khai hội thì trăm ngàn lần như một: "Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán".

"Ông cán" làm cho một "tua" hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì không động đến. Lúc "ông cán" nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận!

Vì vậy, mà quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì "đi phu". Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà khai hội!

Về việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu, tuyên truyền, làm báo tường, viết báo, cũng như thế.

Không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là "đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia", không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả.

Một việc nữa cần nhắc đến là các ban huấn luyện. Huấn luyện là một việc rất cần. Tục ngữ có câu: "Không thầy đố mày làm nên", và câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở".

Những việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc kháng chiến, không có huấn luyện, thì làm sao xuôi? Song những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần chúng. Phải hỏi: người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? Có thực hành được ngay không? Nếu không thiết thực như thế, thì huấn luyện mấy năm cũng vô ích.

Tiếc thay, nhiều cán bộ huấn luyện của ta chưa hiểu cái lẽ giản đơn đó. Vì vậy mà có cán bộ đem "kinh tế học" huấn luyện cho chị em phụ nữ thôn quê ở thượng du!

Nói tóm lại, cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: "Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng".

Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng.

Nếu không vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào

"khoét chân cho vừa giầy". Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy.

b) Bệnh nể nang.

Vì họ hàng quen biết, bầu bạn, thân thích, anh em, cho nên lúc nhọ có sai lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ mất lòng.

9. Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.

Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa  những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.

Vì không biết đoàn kết những phần tử hăng hái, tổ chức họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo, hoặc vì không biết làm cho trung kiên đó mật thiết liên hợp với quần chúng, cho nên sự lãnh đạo xa rời quần chúng mà sinh ra bệnh quan liêu.

Vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế.

Vì không biết liên hợp chính sách chung với sự thiết thực chỉ đạo riêng (như mục 2 đã nói), cho nên chính sách không có kết quả, mà sự lãnh đạo cũng hoá ra quan liêu.

Vì vậy, trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác, quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng.

Phải dùng cách "từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng". Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo.

((Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.286-331)

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: