Chỉ mục bài viết

1. Cách đánh du kích

2. Phải dựa trên cơ sở quần chúng.

Muốn đánh du kích cần phải có dân chúng tham gia và giúp sức. “Du kích như cá, dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân chúng thì du kích chết”. Quân du kích và dân chúng phải mật thiết liên lạc với nhau là vì quân du kích đánh Tây - Nhật để bảo hộ dân chúng, vậy dân chúng phải hết sức ủng hộ quân du kích.

3. Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật.

Quân du kích nếu không có tổ chức thì không phải một đội quân cách mạng, không thể đánh được Tây - Nhật. Quân du kích cần phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật, kỷ luật phải nghiêm như sắt, bao nhiêu hành động của quân du kích đều phải theo kỷ luật ấy, không ai được làm trái.

4. Phải có một lối đánh rất tài giỏi. Quân du kích thắng được kẻ thù chính nhờ lối đánh tài giỏi này. Quân du kích là đội quân thiên biến vạn hoá, xuất quỷ nhập thần, khéo dùng lối này thì trăm trận trăm được.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t3. tr.500)

2. Sao cho được lòng dân?

Ta nhận thấy xung quanh các ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen. Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ trung ương nhiều hơn các ủy ban địa phương.

Những ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa.

Thứ nhất, dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà "phủ trưởng" nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà "tỉnh trưởng" đi chơi mát mỗi buổi chiều.

Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó rất dễ đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền, làm nhiều điều quá tệ. Thậm chí có ông tư pháp khi xử kiện bắt tội nhân quỳ trước thềm đánh đập, chửi mắng tội nhân, hách dịch đúng như những "ông quan", "ông thanh tra" dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc!

Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý.

Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được.

Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư.

Chiến thắng!

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 65, ngày 12-10-1945)

3. Lời phát biểu tại lễ mừng liên hiệp quốc gia

Nước Phật  ngày xưa có những 4 đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có 1 đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Giatô tin ở đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy.

Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc.

Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 136, ngày 8-1-1946)

4. Bài phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc

Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi. Và đang lo củng cố. Lúc này chúng ta có hai nhiệm vụ là kháng chiến và kiến quốc. Các chiến sĩ đã hy sinh cho cách mạng thành công và đang hy sinh để giữ vững đất nước.

Còn các ngài, đã đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong. Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ. Chúng ta cố thực hiện khẩu hiệu kháng chiến, kiến quốc để thực hiện: Có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng.

Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc.

3. Làm cho dân có chỗ ở.

4. Làm cho dân có học hành.

Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập.

Các ngài làm cố vấn cho Chính phủ, nghĩ ra kế hoạch cũng là hy sinh, phấn đấu và quyết tâm. Muốn làm tròn bổn phận, chúng ta nên lợi dụng mấy khẩu hiệu của người Trung Hoa.

Thực hiện được những khẩu hiệu ấy, trong công việc giữ gìn độc lập, tự do cho nước nhà, các ngài sẽ phải gánh một gánh nặng rất nặng nề và sự thành công của các ngài cũng sẽ rất lớn lao. Tôi tin rằng với kinh nghiệm, với học thức, với sự quyết tâm của các ngài, việc kháng chiến nhất định thành công và nền tự do, độc lập nhất định vững vàng.

Kiến quốc thành công.

Việt Nam độc lập muôn năm.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 139, ngày 11-1-1946).

5. Binh pháp tôn tử

Theo các nhà nghiên cứu "binh pháp" của Tôn Tử ở Nhật Bản thì Tôn Tử đã dựa vào 10 nguyên lý chính để sáng tạo ra binh pháp của ông.

Nguyên lý thứ nhất - Phải biết xét đoán trước.

Trước khi khai chiến, phải biết mình, biết người, biết tình hình thiên thời, địa lợi để định kế hoạch hành động, mới có thể thắng trận được.

Tôn Tử nói: "Biết mình, biết người, đánh trăm trận được trăm trận. Chỉ biết mình mà không biết người, đánh trận có khi được khi thua. Không biết mình, không biết người, đánh trận chỉ thua hoài".

Ông lại nói: "Biết mình, biết người, thắng trận mà không gặp nguy hiểm. Lại biết thiên thời địa lợi nữa, cầm chắc được toàn thắng".

Nhưng làm thế nào có thể biết mình được?

Vậy trước khi chưa khai chiến, nghĩa là lúc đương định kế hoạch chiến tranh, phải tự xét mình xem đã đủ 5 điều kiện chính sau này chưa:

1- Đạo nghĩa, là chính sách của chính phủ đối với dân chúng - chính sách này phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng. Đối với dân, chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá, v.v.. Có như thế, dân chúng mới đoàn kết chung quanh chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết giết giặc. Có như thế thì dù tình thế nguy khốn đến bực nào, dân chúng không sợ hãi gì hết mà cố sức quyết chiến, quyết thắng.

2- Thiên thời, nghĩa là lợi dụng ngày, đêm, sớm, tối, mưa, nắng, nóng, rét ...

Về thời cổ, tối kỵ là đánh trận vào lúc rét quá hay nóng quá, vì sợ binh sĩ chết rét hay chết dịch nhiều hơn là chết vì chiến tranh.

Ngay trong thời đại khoa học ngày nay, sự phòng nóng rét đã tiến bộ nhưng chưa thể chinh phục hẳn được thời tiết. Trong trận chiến tranh vừa qua, ở mặt trận Nga Đức, rét đến nỗi dầu xăng trong ô tô hay xe tăng đông lại và bùn lầy cao ngập gối làm cho xe cộ không đi lại được nên hành quân rất khó khăn.

Vậy khoa nghiên cứu thời tiết, nóng rét, mưa gió rất cần cho quân sự. Như lúc pháo binh bắn đại bác, lúc phóng hơi ngạt, lúc phi cơ ném bom, hay lúc chiến hạm hoạt động phải biết trước thời tiết mới có thể định đoạt được. Lại như lúc đặt phòng thuốc cho binh sĩ, lúc bố trí những nơi chứa quân nhu, lúc đặt kế hoạch vận tải binh lương, khí giới, và lúc thiết lập cửa bể hay trường tàu bay, không thể không biết rõ khí hậu ở những nơi định lập.

3- Địa lợi, là từ nơi căn cứ ra đến chiến trường xa hay gần, chiến địa hiểm trở hay bằng phẳng, chiến tuyến rộng hay hẹp, địa điểm lui quân có an toàn hay không an toàn. Đó là khoa địa hình học ngày nay cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trong khi đánh trận.

4- Tướng nghĩa, là người làm tướng chỉ huy phải có đủ trí, tín, nhân, dũng, nghiêm. Trí là mưu trí. Nếu có đủ mưu trí có thể quyết định được thua từ ngoài nghìn dặm. Tín là không lừa dối, thưởng phạt công bình, tài chính phân minh. Nhân là yêu binh sĩ, yêu nhân dân. Dũng là không sợ hãi, trầm tĩnh để chiến đấu và gặp nguy nan phải tiến trước binh sĩ. Nghiêm là không dung thứ, phải nghiêm trang và trọng kỷ luật.

5- Pháp gồm có 3 mục là:

a- Cách tổ chức quân đội lúc bình thời thế nào, lúc thời loạn thế nào.

b- Quy luật làm việc của các quan trưởng1), nghĩa là lúc làm việc, các quan trưởng phải làm đúng quy luật đã định.

c- Quân phí, quân nhu phải lo tính cho đầy đủ.

Năm điều nói trên, người làm tướng tất phải biết rõ. Thế tức là biết mình. Nhưng biết phải có làm. Làm được thời sẽ có đủ nhân hoà, địa lợi, thiên thời, tướng giỏi, quân nhu đầy đủ để nắm chắc được phần thắng trong lúc chiến tranh.

(Đăng trên Báo Cứu quốc, số 242, ngày 17-5-1946).

6. Sửa đổi lối làm việc

5. Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?

Nếu chúng ta hỏi cán bộ: "Việc đó, làm cho ai? Đối với ai phụ trách?", chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: "Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên".

Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: "Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?" thì e nhiều cán bộ không trả lời được.

Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Đó là một lẽ rất giản đơn, rõ ràng. Nhưng nhiều cán bộ chưa hiểu, cho nên trong lúc làm việc, thường sai lầm; đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng ra làm một phía, quần chúng ra một phía.

Chính phủ và Đảng chẳng những làm những việc trực tiếp lợi cho dân, mà cũng có khi làm những việc mới xem qua như là hại đến dân. Thí dụ: quyên tiền, thu thuế, công tác phá hoại, v.v.. Vì cán bộ và đảng viên không hiểu rõ hai lẽ: vì ai mà làm, đối ai phụ trách, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu. Cho nên những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, v.v., cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu, dân oán. Thì có gì lạ đâu? Một thí dụ rất tầm thường, dễ hiểu: Bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán!

Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.

Có khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Đối với những bọn vu vơ, đầu cơ, thì phạt rất đáng. Nhưng với những cán bộ trung thành mà bị phạt, thì Chính phủ và Đảng cũng khổ tâm, mà người bị phạt cũng khổ tâm!

Chẳng những lúc thi hành các mệnh lệnh, cán bộ ta có cái thái độ xa quần chúng như thế, mà đối với cách làm việc, cách tổ chức, cũng có thái độ sai lầm đó.

Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc.

Đằng này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới.

Đó là vì thói không phụ trách "quá hữu", gặp sao hay vậy. Song lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách "quá tả" là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như tỉnh nọ, bắt đầu kháng chiến, thì bỏ hết Việt Minh các huyện, các xã. Thật là một hành động khờ dại.

6. Sát quần chúng, hợp quần chúng

Cán bộ ta có hai chứng bệnh nữa là:

a) Bệnh khai hội.

Khai hội không có kế hoạch, không sắp sửa kỹ lưỡng, không thiết thực. Khai hội lâu, khai hội nhiều quá. Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như "ông quan". Lúc khai hội thì trăm ngàn lần như một: "Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán".

"Ông cán" làm cho một "tua" hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì không động đến. Lúc "ông cán" nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận!

Vì vậy, mà quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì "đi phu". Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà khai hội!

Về việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu, tuyên truyền, làm báo tường, viết báo, cũng như thế.

Không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là "đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia", không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả.

Một việc nữa cần nhắc đến là các ban huấn luyện. Huấn luyện là một việc rất cần. Tục ngữ có câu: "Không thầy đố mày làm nên", và câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở".

Những việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc kháng chiến, không có huấn luyện, thì làm sao xuôi? Song những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần chúng. Phải hỏi: người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? Có thực hành được ngay không? Nếu không thiết thực như thế, thì huấn luyện mấy năm cũng vô ích.

Tiếc thay, nhiều cán bộ huấn luyện của ta chưa hiểu cái lẽ giản đơn đó. Vì vậy mà có cán bộ đem "kinh tế học" huấn luyện cho chị em phụ nữ thôn quê ở thượng du!

Nói tóm lại, cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: "Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng".

Bất cứ việc to việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng.

Nếu không vậy, nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào

"khoét chân cho vừa giầy". Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy.

b) Bệnh nể nang.

Vì họ hàng quen biết, bầu bạn, thân thích, anh em, cho nên lúc nhọ có sai lầm cũng cứ nể nang không thiết thực phê bình, thiết thực sửa đổi, sợ mất lòng.

9. Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.

Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa  những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước. Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.

Vì không biết đoàn kết những phần tử hăng hái, tổ chức họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo, hoặc vì không biết làm cho trung kiên đó mật thiết liên hợp với quần chúng, cho nên sự lãnh đạo xa rời quần chúng mà sinh ra bệnh quan liêu.

Vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế.

Vì không biết liên hợp chính sách chung với sự thiết thực chỉ đạo riêng (như mục 2 đã nói), cho nên chính sách không có kết quả, mà sự lãnh đạo cũng hoá ra quan liêu.

Vì vậy, trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác, quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng.

Phải dùng cách "từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng". Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo.

((Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.286-331)

Quốc Thành (tổng hợp)


6. Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa

A- Cán bộ là gì?

Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được.

B- Vậy cán bộ phải có đức tính thế nào?

1. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng, tiết kiệm.

2. Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ: Một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên nói sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nói.

3. Đối với công việc phải thế nào? Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh. Thí dụ: đối với tù binh Pháp nếu mình giết đi thì thấy dân chúng hoan nghênh, nhưng thế giới sẽ cho mình dã man, bất lợi ngoại giao. Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào?

Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát do dự.

4. Đối với nhân dân: Phải nhớ Đoàn thể làm việc cho dân,

Đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết.

5. Đối với Đoàn thể: Trước lúc mình vào đoàn thể nào phải hiểu rõ đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi đoàn thể phải vì dân vì nước.

Khi vào Đoàn thể, tự do cá nhân phải bỏ. Phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành. Khi bình thời phải hết sức làm việc. Khi nguy hiểm phải hy sinh vì Đoàn thể. Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của Đoàn thể.

Muốn giữ danh giá của Đoàn thể phải giữ danh giá mình. Không được báo cáo láo như: Làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi.

Một Đoàn thể mạnh thì cái tốt càng ngày càng phát triển, cái dở càng ngày càng bớt đi. Một điều tốt phải đưa ra tất cả mọi người cùng học, một điều xấu phải đưa ra tất cả mọi người cùng biết mà tránh…

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđ d, t.5, tr.69)

7. Sửa đổi lối làm việc

V- Cách lãnh đạo

1. Lãnh đạo và kiểm soát "Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng".

Câu đó nghĩa là gì?

Nghĩa là: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình.

Nghĩa là một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng.

Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người "không quan trọng".

Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?

Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.

Lãnh đạo đúng nghĩa là:

1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.

2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.

3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được. Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn.

Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn.

Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng.

Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi.

Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại. Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo.

Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi. Ngoài ra còn có hai hạng người, cũng phải chú ý:

Một là có những người cậy mình là "công thần cách mạng", rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ.

Cần phải mời các ông đó xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật, để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và của Chính phủ.

Hai là hạng người nói suông. Hạng người này tuy là thật thà, trung thành, nhưng không có năng lực làm việc, chỉ biết nói suông.

2. Lãnh đạo thế nào?

Bất kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: Một là liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng.

Thế nào là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng?

Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng.

Song, nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực.

Thí dụ: việc chỉnh đốn Đảng. Ngoài những kế hoạch chung về việc đó, mỗi cơ quan hoặc mỗi bộ đội phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan hay bộ đội mình, nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng sự phát triển (công việc chỉnh đốn Đảng) trong những bộ phận đó.

Đồng thời, trong vài ba bộ phận đó, người lãnh đạo lại chọn năm, ba người cán bộ kiểu mẫu, nghiên cứu kỹ càng lịch sử của họ, kinh nghiệm, tư tưởng, tính nết của họ, sự học tập và công tác của họ.

Người lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế, để rút kinh nghiệm.

Những người phụ trách trong một cơ quan hoặc một bộ đội, cũng chọn vài ba bộ phận, rồi cũng làm theo cách đó.

Đó là một cách vừa lãnh đạo vừa học tập.

Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận.

Mỗi cán bộ phụ trách cần phải làm theo cách này cho kỳ được.

Thế nào là liên hợp lãnh đạo với quần chúng?

Bất kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng), người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo.

Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành.

Nếu chỉ có sự hăng hái của nhóm trung kiên, mà không liên hợp với sự hăng hái của quần chúng, nhóm trung kiên sẽ phải chạy suốt ngày mà không kết quả mấy.

Nếu chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ không bền và không thể tiến tới.

Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: Hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn.

Vì vậy, người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên.

Nhóm trung kiên đó phải do công tác và tranh đấu trong đám quần chúng mà nảy nở ra, chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có được.

Mỗi cuộc tranh đấu thường có ba giai đoạn, ba bước: Bước đầu, bước giữa và bước cuối cùng. Nhóm trung kiên lãnh đạo trong mỗi cuộc tranh đấu, không có thể mà cũng không nên luôn luôn y nguyên như cũ. Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hoá.

Những nơi công việc không chạy đều vì không có nhóm lãnh đạo mật thiết liên hợp với quần chúng. Thí dụ: trong một trường học, nếu không có một nhóm thầy giáo, chức viên và học sinh hăng hái nhất trong trường, từ mười người đến vài mươi người, đoàn kết thành nhóm trung kiên lãnh đạo, thì công việc của trường đó nhất định uể oải.

Vì vậy, bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần phải chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.

*

* *

Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.

Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành.

Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước.

Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.

Vì không biết đoàn kết những phần tử hăng hái, tổ chức họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo, hoặc vì không biết làm cho trung kiên đó mật thiết liên hợp với quần chúng, cho nên sự lãnh đạo xa rời quần chúng mà sinh ra bệnh quan liêu.

Vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế.

Vì không biết liên hợp chính sách chung với sự thiết thực chỉ đạo riêng (như mục 2 đã nói), cho nên chính sách không có kết quả, mà sự lãnh đạo cũng hoá ra quan liêu.

Vì vậy, trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác, quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng. Phải dùng cách "từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng". Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo.

3. Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng

Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng.

Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời. Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên.

Làm việc với dân chúng có hai cách:

1. Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo.

Có nhiều cán bộ theo cách đó. Họ còn tự đắc rằng: làm như thế, họ vẫn "làm tròn nhiệm vụ", làm được mau, lại không rầy rà.

Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại.

2. Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm. Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công. Có người nói rằng: Mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ.

Nếu trong những chính sách, những chỉ thị, những khẩu hiệu của cấp trên, có gì khuyết điểm, cán bộ phải có tinh thần phụ trách trước nhân dân mà đề nghị những chỗ nên sửa đổi. Không làm như vậy, tức là cán bộ không phụ trách trước nhân dân, mà cũng không phụ trách trước Đảng và Chính phủ.

Việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân.

Thế là phụ trách trước nhân dân.

Trái lại việc gì cũng dùng cách quan liêu, cũng chỉ ra mệnh lệnh, thế là không phụ trách trước nhân dân. Thế là đem hai chữ "mệnh lệnh" làm thành một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ.

Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn.

Làm cách đó, thì dù việc đó có lợi cho dân chúng, nhưng một là vì không có ý kiến và lực lượng của dân chúng giúp đỡ nên làm không đến nơi đến chốn. Hai là vì dân chúng bị miễn cưỡng, nên không vui lòng. Ba là vì dân chúng không hiểu rõ, nên việc đó không được lâu dài, bền vững.

Vì vậy, việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, và giải thích cho dân chúng. Có người thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng.

Đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại.

Chúng ta phải biết rằng: Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được.

Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.

Kinh nghiệm các địa phương cho biết: Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng.

Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình.

Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:

1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.

2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.

3. Chớ khư khư giữ theo "sáo cũ". Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.

4. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân.

5. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên". Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđ d, t.5, tr.331-335)

Quốc Thành (tổng hợp)


8. Tư cách người công an cách mệnh

Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.

Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.

Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tuỵ.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.

Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi các anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ, v.v.).

Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian, v.v.. Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép. Tránh hách dịch, v.v..

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr 498-499)

9. 6 điều không nên và 6 điều nên làm

Nước lấy dân làm gốc.

Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân, vậy tất cả anh chị em các bộ đội, cơ quan Chính phủ và các đoàn thể, trong khi tiếp xúc hoặc sống chung với nhân dân, ai ai cũng phải nhớ và thực hành 12 điều sau đây:

6 điều không nên:

  1. Không nên làm điều gì có thể thiệt đến nương vườn, hoa màu, hoặc làm bẩn, làm hư nhà cửa, đồ đạc của dân.
  2. Không nên năn nỉ quá hoặc mượn cho bằng được những đồ vật người ta không muốn bán hoặc cho mượn.
  3. Không nên đưa gà còn sống vào nhà đồng bào miền ngược.
  4. Không bao giờ sai lời hứa.
  5. Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân (như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà, v.v.).
  6. Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ.

6 điều nên làm:

  1. Giúp công việc thực tế hàng ngày cho đồng bào (như việc gặt hái, lấy củi, nước, vá may, v.v.).
  2. Tùy khả năng mà mua giùm những đồ cần dùng cho những người ở xa chợ búa (như dao, muối, kim, chỉ, bút, giấy, v.v.).
  3. Nhân những lúc rảnh, kể cho đồng bào nghe những chuyện vui ngắn, giản dị có ích lợi cho tinh thần kháng chiến mà không lộ bí mật.
  4. Dạy dân chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức.
  5. Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín.
  6. Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật.

Bài thơ cổ động

Mười hai điều trên,

Ai làm chả được.

Hễ người yêu nước,

Nhất quyết không quên.

Tập thành thói quen,

Muôn người như một.

Quân tốt dân tốt,

Muôn sự đều nên.

Gốc có vững cây mới bền,

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr502)

10. Phải tẩy sạch bệnh quan liêu

Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân.

Hồ Chủ tịch luôn luôn nhắc nhủ chúng ta về điểm đó.

Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh.

Lại phải hiểu và làm cho dân hiểu: Lợi ích tạm thời và lợi ích riêng, phải phục tòng lợi ích lâu dài và lợi ích chung. Lợi ích địa phương phải phục tòng lợi ích toàn quốc, toàn dân tộc. Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải:

- Luôn luôn gần gũi nhân dân.

- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.

- Học hỏi nhân dân.

- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bốn điều ấy cần phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân.

Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân.

Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân.

Nhiều cán bộ ta đã hiểu và đã thực hành như thế.

Nhưng còn nhiều cán bộ chưa hiểu và không thực hành như thế, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng.

Bệnh quan liêu là thế nào?

Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình. Một thí dụ: Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết, thì không nói đến.

Chứng bệnh ấy tỏ ra bằng màu vẻ:

Đối với người:

Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng - chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.

Đối với việc:

Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.

Đối với mình:

Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí. Một vẻ quan liêu nữa là: chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình. Tham ô, hủ hoá. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”.

Đó là mấy vẻ chính của bệnh quan liêu. Nếu không lo chữa, thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải.

Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:

- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.

- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.

- Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.

- Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.

Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải.

(Đăng trên Báo Sự thật, số 140, ngày 2-9-1950.  năm 1948)

11. Dân vận

Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại.

I- Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

II- Dân vận là gì?

Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho.

Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.  Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.

III- Ai phụ trách dân vận?

Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận. Thí dụ trong phong trào thi đua cho đủ ăn, đủ mặc.

- Cán bộ chính quyền và cán bộ Đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...

- Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ, v.v.. Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm.

IV- Dân vận phải thế nào?

Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.

Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại.

Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

(Đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949).

11.  Bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong

Về Hội nghị tổng kết, Bác có mấy ý kiến:

Trong Hội nghị này, có những cán bộ đã trực tiếp tham gia chiến dịch về kiểm thảo ưu điểm, khuyết điểm. Lại có cán bộ các khu, các đơn vị, các cơ quan không tham gia chiến dịch, đến để học tập kinh nghiệm. Tự phê bình, phê bình, tổng kết, phổ biến và học tập kinh nghiệm đó là việc rất hay, nên gây thành một tác phong chung trong quân đội, chính quyền và đoàn thể. Trong việc tổng kết này có mấy điểm cần chú ý:

  1. Đề cao kỷ luật

Trên dưới đều phải giữ kỷ luật. Phải kiểm thảo từ dưới lên, từ trên xuống. Cấp nào cũng phải kiểm thảo. Phải làm cho tất cả mọi người đội viên, cũng như cán bộ đều thấm nhuần, thì mới có kết quả.

  1. Triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên

Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành. Trung Quốc có câu: “Quân lệnh như sơn” nghĩa là lệnh cấp trên đã ra thì vô luận thế nào cũng phải làm. Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy.

  1. Thương yêu đội viên

Cán bộ phải thương yêu đội viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Cán bộ cóthân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành. Phải khen thưởng các chiến sĩ có công, cất nhắc các cán bộ và đội viên tiến bộ, nhất là đối với những người đã ở trong quân đội lâu năm.

  1. Tôn trọng nhân dân

Phải biết trọng nhân dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân; mùa tới phải gặt hộ dân; dạy bình dân học vụ cho dân quân và bộ đội địa phương ở đó.

  1. Giữ gìn của công, chiến lợi phẩm

Của công là do mồ hôi nước mắt của đồng bào góp lại. Bộ đội phải giữ gìn bảo vệ, không được hoang phí. Phải chấm dứt những hành động bán gạo của dân góp cho, làm hư hỏng dụng cụ, bắn phí đạn dược.

Chiến lợi phẩm cũng là của công, của nhân dân, của quốc gia, không phải của địch. Súng đạn, thuốc men, dụng cụ, lương thực là máu mủ của đồng bào.

Chiến sĩ ta lại phải đổ máu mới lấy lại được. Phải biết thương tiếc, giữ gìn, bảo vệ. Không được phung phí, hoặc chiếm làm của riêng cá nhân, khi canh gác phải biết thu dọn cho ngăn nắp, và che mưa nắng cho chu đáo.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr458)

13. Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18

  1. Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng, thì không làm gì được. Bởi vậy cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng.
  2. Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội. Trong mấy chiến dịch vừa qua, nói chung bộ đội ta đã biết giúp đỡ dân, thương yêu dân. Nhưng cũng còn có chú dọa nạt dân, mượn của dân không trả, mua rẻ của dân. Phải sửa chữa những khuyết điểm ấy. Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc.

Ngày mai, các chú họp, phải tự phê bình thật nghiêm khắc về các khuyết điểm, rồi ra sức sửa chữa cho bằng được. Về đơn vị các chú phải hướng dẫn bộ đội tự phê bình, chỉ trích về các khuyết điểm và đặt kế hoạch cho đơn vị mình sửa chữa cho bằng được. Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng.

(Đăng trên Báo Quân đội nhân dân, số 15, ngày 4-5-1951).

Quốc Thành (tổng hợp)


 14. Dân mỹ chống chiến tranh

Đế quốc Mỹ ra sức gây chiến.

Song nhân dân Mỹ thì muốn hòa bình. Vài thí dụ:

Các đại biểu Quốc hội Mỹ như các ông Cáppơha (Capehart), Pho (Ford), Thai (Thyé), Đugla (Douglas), v.v., tuyên bố rằng 9 phần 10 cử tri ở các tỉnh đều chống chiến tranh xâm lược Triều Tiên.

Báo Tập tin tức Mỹ điều tra ý kiến của dân, kết quả thấy 9 phần 10 đòi rút quân Mỹ ra khỏi Triều Tiên.

Báo Công nhân Mỹ đăng nhiều thư của bạn đọc. Một phụ nữ viết: "Nếu để cho lũ tướng tá tếu kia tự đi đánh, thì chiến tranh sẽ không kéo dài, mà con em chúng ta sẽ được ở nhà...".

Một phụ nữ khác viết: "Ai bảo chúng ta đi đánh nửa thế giới này để bảo vệ nửa thế giới kia? Mà nửa thế giới kia có nhờ, có muốn ta bảo vệ đâu? Đó chỉ là cố ý đưa con em chúng ta đi chết đó thôi".

Một bà viết thư cho Tổng thống Mỹ:

"Ông nói rằng nhân dân ủng hộ chính sách chiến tranh của ông... Tôi đã nói chuyện với nhiều hạng người, song không một ai tán thành chiến tranh ở Triều Tiên cả. Thưa ông, chúng tôi, dân thành phố cũng như dân thôn quê, đều muốn hòa bình ngay".

Ý dân là ý trời. Đế quốc Mỹ làm trái ý dân, ý trời, cho nên chúng sẽ thất bại.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 17, ngày 19-7-1951).

15. Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh

Ai cũng biết bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm. Nhưng trong công tác thực tế, như trong việc tạm vay thóc chiêm vừa rồi, nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.

Bệnh quan liêu mệnh lệnh tự đâu mà ra?

Nguyên nhân bệnh ấy là:

Xa nhân dân: Do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.

Khinh nhân dân: Cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.

Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.

Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.

Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.

Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Thí dụ: Họ yêu cầu nhân dân đóng góp, nhưng không biết giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện sinh hoạt, để bồi dưỡng sức của, sức người của nhân dân.

Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân!

Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.

Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:

Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.

Cán bộ Đảng và chính quyền ta đều sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân. Mong rằng anh chị em đều cố gắng thi đua dùng đơn thuốc này, (thuốc đắng dã tật), chữa hết bệnh quan liêu mệnh lệnh, để trở nên người cán bộ tốt, và làm cho công việc thu thuế nông nghiệp sắp tới đạt được kết quả mỹ mãn.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 23, ngày 2-9-1951).

16. Bài nói tại Trường công an trung cấp khóa 2

Các chú các cô phải biết chính quyền của chúng ta là chuyên chính dân chủ nhân dân. Đây là nhân dân chuyên chính để đàn áp bọn thực dân xâm lược và bọn tay sai chống lại chính quyền ấy. Vì quyền lợi chung của đa số nhân dân mà chúng ta chuyên chính với thiểu số bóc lột. Chính quyền của bọn tư bản thì là chính quyền chuyên chính của một thiểu số chống lại đa số.

Chính quyền nhân dân có hai lực lượng để bảo vệ nó: Đó là quân đội và công an. Làm công tác chính quyền, ở công an hay ở quân đội, đều là làm đày tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ.

Làm công an không phải làm "quan cách mạng". Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa.

Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân.

Chắc các cô các chú cũng nhớ chúng nó là bọn đầu trâu mặt ngựa. Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt.

Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay các cô các chú đã làm tròn nhiệm vụ ấy chưa? Chưa. Tuy đã có nhiều người tận tâm, cố gắng, nhưng lẻ tẻ vài nơi nhân dân còn chê trách đấy! Các cô, các chú phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người công an nhân dân của một nước dân chủ nhân dân.

Tuy công an là của nhân dân, nhưng đồng thời cũng phải biết phê bình người phạm sai lầm. Trong nội bộ, công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh. Phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ công an.

Bác lấy một thí dụ: Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được.

Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại.

Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Dân ta rất tốt. Gặp trường hợp nguy hiểm, nếu công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân.

... Nội bộ công an từ cấp cao cho đến nhân viên phải đoàn kết nhất trí. Đoàn kết không phải là "chén chú chén anh", là anh A giấu lỗi cho anh B.

Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm  thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để xoi mói.

Công an với dân phải đoàn kết nghĩa là phải khuyến khích cho dân phê bình công an. Trong 10 lần phê bình cũng có lần đúng, có lần không đúng. Đúng thì nhận, không đúng thì giải thích. Công an với quân đội và các ngành khác cũng phải thực sự đoàn kết.

Những việc trên đây, các chú các cô cố gắng làm cho được.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr269)

17. Giữ bí mật

Chính phủ vừa ra sắc lệnh cho bộ đội, nhân dân, các cơ quan, đoàn thể, báo chí, cán bộ phải giữ bí mật. Đó là một việc rất quan trọng, rất hợp thời.

Mọi người đều biết rằng: Phe đế quốc là phe chiến tranh. Chúng mong dùng chiến tranh để cướp nước người ta, để làm chúa thế giới. Và trong chiến tranh, tình báo (đặc vụ, mật thám) là một bộ phận quan trọng bực nhất; nó là lỗ tai con mắt của bộ chỉ huy.

Bọn đế quốc dùng từ tòa đại sứ cho đến các hiệu buôn làm cơ quan tình báo. Tình báo địch lợi dụng đủ các hạng người làm tay sai cho chúng: Những người quý tộc "sang trọng", những cô đầu nổi tiếng xinh đẹp và hát hay, những người mượn tiếng dạy học hoặc truyền đạo, những người buôn bán, những bọn du côn. Nhiều khi chúng lợi dụng cả trẻ em. Có những người bên ngoài ra vẻ đạo đức nhân từ lắm, nhưng kỳ thực là trùm tình báo của Mỹ. Như Đức Giám mục Vũ Bân và Khâm mạng Tòa thánh là Đức cha Bibơri (Biberi) là những người tổ chức và chỉ huy tình báo Mỹ ở Trung Quốc.

Lại có bọn tình báo gọi là "mật thám chờ". Bọn này đến một địa phương nào đó, giả ăn ở rất tử tế, giả hăng hái tham gia công việc của địa phương, gây cảm tình với nhân dân địa phương. Rồi chúng lóng tai nghe, mở mắt nhìn mọi việc, mọi người. Chúng chờ 5, 10 năm, có khi lâu hơn nữa; khi điều kiện chín muồi, chúng mới phá hoại một vố.

Những vụ án phản quốc ở Liên Xô (như vụ Tờrốtxki), ở Ba Lan, ở Bảo, trước đây, và vụ Xlăngky ở Tiệp Khắc gần đây, tỏ rằng:

Tình báo địch dùng đủ cách phỉnh phờ, lừa bịp, mua chuộc, đe dọa, thậm chí ám sát, để dò bí mật của ta...

Trước kia, tình báo là một việc bí mật. Ngày nay, bọn đế quốc đã lì mặt, không giấu giếm nữa; chúng đưa tình báo thành một việc công khai: Hôm 10-10-51, Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã chuẩn y một ngân sách 100 triệu đôla, nói rõ là để giúp những phần tử phản động làm tình báo và phá hoại ở Liên Xô và ở các nước dân chủ mới; để giúp bọn phản quốc ở các nước ấy trốn ra ngoài, giúp chúng hoạt động, và vũ trang cho chúng.

Vì sao tình báo địch lại hoạt động được? Vì ta sơ suất, kém cẩn thận, không biết giữ bí mật. Cụ thể là ta còn phạm những khuyết điểm:

- Nói năng không cẩn thận. Bô lô ba la, bạ gì nói nấy. Đi ngoài đường, vào hàng quán, gặp bạn bè, cũng đưa công tác của cơ quan ra nói. Không nhớ câu: "Sừng có vạch; vách có tai; ta trong thì nói, địch ngoài thì nghe".

- Viết lách không cẩn thận. Tài liệu giấy tờ để lung tung, ai cũng có thể xem, có thể thấy. Khi viết thư cho bầu bạn, cho người nhà, thì viết cả công việc và địa điểm của cơ quan, của bộ đội. Các báo chí thì kém cẩn trọng trong việc đăng tin tức và trong lời bình luận.

- Đi lại không cẩn thận. Địa điểm cần giữ bí mật, mà người nào cũng đi lại ra vào được.

- Chỗ ở không cẩn thận. Không biết cách làm nhà cửa cho kín đáo. áo quần phơi bừa bãi. Bò ngựa gặp đâu buộc đấy. Đi ỉa, vứt giấy lung tung, v.v.. Đó là những khuyết điểm rất phổ thông, còn nhiều sự sơ hở khác.

Tình báo địch cũng như một thứ nước bẩn. Có chỗ trũng, chỗ hở thì nó chảy vào. Ta sơ hở, không biết giữ bí mật, tức là vô tình ta đã giúp địch, và đã phạm tội hại nước hại dân.

Chống tình báo địch như thế nào?

Cũng như muôn việc khác, việc chống tình báo địch, việc giữ bí mật, phải dựa vào sức quần chúng. Cán bộ và chiến sĩ không những phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật mà còn phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân giữ bí mật. Dù tinh ranh quỷ quyệt mấy, tình báo địch cũng không thể che giấu được hàng ức hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân. Nhân dân hiểu biết thì chẳng những giữ được bí mật của ta, lại còn dò biết được bí mật của địch. Kinh nghiệm các nước bạn đã chứng tỏ rằng: Nhờ lòng yêu nước và sự hiểu biết của nhân dân, mà bọn tình báo địch và  bọn phản động sớm muộn đều lòi mặt và bị bắt. ở Trung Quốc, việc chống tình báo, việc giữ bí mật đã thành một phong trào quần chúng rộng khắp, thành một bộ phận của phong trào thi đua ái quốc. Các em nhi đồng và các chị phụ nữ ở thành thị và thôn quê đã giúp chính phủ bắt được nhiều vụ tình báo và bọn phản động.

Vụ tình báo lớn của 2 đức cha Vũ Bân và Bibơri cũng do anh chị em Công giáo đưa ra ánh sáng. Nước ta cũng có kinh nghiệm thiết thực và quý báu. ở khu giải phóng Việt Bắc ngày trước đồng bào gái trai già trẻ ai cũng biết giữ bí mật, theo khẩu hiệu "Ba không". Ngoài những cán bộ phụ trách, có ai hỏi gì, đồng bào cũng trả lời: Không nghe, không thấy, không biết. Kết luận là chúng ta phải tuân theo Sắc lệnh của Chính phủ.

Từ nay, chúng ta phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng địch trên mặt trận tình báo bằng cách tuyệt đối giữ bí mật.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 40, ngày 10-1-1952).

18. Bài nói tại Hội nghị chiến tranh du kích

I- Các cô, các chú ở đây đều cố gắng, có thành tích, gian khổ, người nhiều người ít. Đó là điều đáng khen. Nhưng nên nhớ thành tích đó không phải là thành tích của riêng ai mà là chung của bộ đội, của đồng bào. Nếu các chú, các cô có tài năng mà không có bộ đội và đồng bào giúp đỡ thì tài năng cũng vô dụng.

III- Ở vùng sau lưng địch, các cô, các chú có nhiều ưu điểm:

Chịu khó, gan dạ, đoàn kết. Về ưu điểm Bác không nói, ở đây Bác chỉ nêu mấy khuyết điểm chính để sửa chữa:

  1. Cán bộ quân, dân, chính, Đảng không nghiên cứu rõ ràng tỉ mỉ, sâu sắc những chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương, Chính phủ gửi xuống. Đó là một khuyết điểm lớn. Trung ương, Chính phủ thấy rộng, tập trung tình hình, kinh nghiệm ở khắp nơi để nghiên cứu mới làm ra chỉ thị. Cán bộ quân, dân, chính, Đảng phải nghiên cứu cho kỹ những chỉ thị đó để áp dụng cho hợp với hoàn cảnh thiết thực của địa phương. Vì địa phương thấy hẹp, chỉ thấy cây mà không thấy cả cái rừng, chỉ thấy một mà không thấy mười, cho nên có một công việc mà địa phương cho là thành công nhưng đem ghép với tình hình chung thì lại là thất bại, đó là do không nghiên cứu kỹ chỉ thị của Chính phủ, Trung ương.
  2. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích không nên chỉ biết đánh. Biết đánh là cái tốt, nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân tức là chỉ biết có một mặt, vì đánh không thể tách rời được với chính trị và kinh tế. Nếu chỉ biết đánh mà không nghĩ đến kinh tế thì khi hết gạo sẽ không đánh được. Cho nên đánh là cố nhiên, nhưng không phải là chỉ đánh thôi mà phải lo cả các mặt khác nữa.
  3. Khuyết điểm nữa là chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đều muốn đánh to, ăn to, thiếu nghiên cứu hiểu rõ tình hình, khả năng ta và địch một cách tỉ mỉ để định mục đích và cách đánh thích hợp.

Nên khi thực hành mắc nhiều khuyết điểm. Bất kỳ ở đâu phải chắc chắn thắng thì mới đánh, còn lúc nào chưa chắc thì không nên đánh, nhất là mình lại nằm trong vòng vây của địch.

  1. Về cán bộ thì cán bộ quân sự chỉ biết quân sự, cán bộ chính quyền chỉ biết chính quyền, cán bộ Đảng chỉ biết Đảng như thế chẳng khác gì người đứng một chân. Cán bộ chỉ biết một mặt là có hại, không vững, vì các mặt quân, dân, chính, Đảng kết hợp lại thành một khối, thiếu một mặt thì không mạnh, không hoàn toàn.

Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền hầu như khoán trắng việc đánh giặc cho quân sự, không biết rằng Đảng phải chăm lo lãnh đạo mọi mặt, lúc đánh nhau, tất cả mọi mặt phải gắn liền với nhau thì mới thắng được.

  1. Riêng về cán bộ Đảng một phần vì điều kiện khó khăn nhưng phần lớn vì không biết nắm vững khâu chính tức là nền tảng cơ sở tổ chức của Đảng, nên hiện nay trong vùng tạm bị chiếm cơ sở Đảng chưa vững chắc. Phải biết rằng nếu tổ chức Đảng mạnh thì mọi công việc đều chạy.
  2. Công tác phòng gian chưa chu đáo, chưa giữ được bí mật.
  3. Công tác ngụy vận tuy có thành tích nhưng không đều. Chỗ nào cán bộ có sáng kiến thì làm khá, nơi nào không sáng kiến thì làm uể oải. Địch lập hương dũng, bảo an. Phải phá những cái gai góc ấy đi. Các cô, các chú phải cùng nhau trao đổi kinh nghiệm mà đẩy mạnh công tác ngụy vận.
  4. Nói về tuyên truyền ở sau lưng địch thì cũng như hồi trước Cách mạng Tháng Tám, có Nhật, Pháp, Việt gian mà ta vẫn tuyên truyền được nhân dân là nhờ có sáng kiến, ngoài tuyên truyền bằng miệng còn tuyên truyền bằng báo chí. Bây giờ Trung ương, Chính phủ cũng đã cố gắng đưa báo Cứu quốc, Nhân dân vào vùng địch, nhưng vẫn chưa đủ và gặp khó khăn. ở địch hậu phải tạo ra những tờ báo in bằng đá, bằng đất, không cần to lắm và cũng không cần in ra hằng ngày, cốt sao phổ biến tuyên truyền đường lối chính sách của Chính phủ, tuyên truyền thiết thực làm dân hiểu được thắng lợi của ta, thua thiệt và tội ác của giặc. Đó là công tác giáo dục của Đảng.

IV- Bây giờ nói đến công việc phải làm:

  1. Trước hết nội bộ, tức là quân, dân, chính, Đảng phải đoàn kết chặt chẽ. Có việc gì, phải bàn tính kỹ lưỡng, tư tưởng, hành động phải thống nhất, phải giúp đỡ nhau, thành thực phê bình và tự phê bình để cùng nhau tiến bộ.
  2. Phải nghiên cứu kỹ, áp dụng đúng và triệt để thi hành những chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương và của Chính phủ.
  3. Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi. Muốn thế phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục nhân dân. Giáo dục không phải là đưa sách vở bắt buộc dân phải học, làm thế tức là phản lại lợi ích của dân, của cách mạng, là quan liêu, mệnh lệnh. Phải vận động nhân dân, để dân tự nguyện, tự giác, nếu bắt buộc thì chỉ có thể có kết quả ngay lúc đó thôi, còn sau thì không thấm.
  4. Bộ đội chủ lực trong địch hậu có nhiệm vụ giúp đỡ bộ đội địa phương và dân quân du kích về tổ chức, huấn luyện mọi mặt, giúp đỡ chứ không bao biện. Hơn nữa phải giúp đỡ cả nhân dân. Điểm này có đơn vị đã làm được, có đơn vị còn thiếu sót. Phương ngôn có câu "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", thế nghĩa là dựa vào vùng địch đánh du kích, phải biết chiến thuật du kích chứ không chính quy như ở ngoài. Tuyệt đối chớ có ham ăn to, đánh to, trừ những hoàn cảnh 100% chắc thắng.
  5. Mục đích của du kích chiến cũng không phải là ăn to đánh lớn mà phải tỉa dần, đánh làm cho nó ăn không ngon, ngủ không yên, không thở được, bị hao mòn về tinh thần và vật chất rồi đi đến chỗ bị tiêu diệt. Phải làm sao cho địch đi đến đâu cũng có du kích đánh, ít nhất cũng bị quả mìn, bị vài phát súng. Binh lính Pháp viết trong thư gửi cho nhau: "ở Việt Nam cái hang đá nào, cái bụi nào, ao nào cũng có cái chết ẩn ở đó"...

Nếu các cô, các chú các địa phương sửa được những khuyết điểm và làm đúng những công việc như lời Bác vừa nói thì nhất định thắng lợi. Nhưng phải nhớ rằng còn một thằng địch trên đất nước ta thì chưa gọi là thắng lợi hoàn toàn. Trước đây, lực lượng địch mạnh hơn ta về trang bị, về kinh nghiệm, nhưng nó vẫn cứ thua ta vì nó chủ quan. Vậy các cô, các chú chớ có chủ quan khinh địch thì thắng lợi.

Về địa phương, các cô, các chú phải nói với anh em, với đồng bào thi đua về mọi mặt: Đánh giặc lập công, tổ chức ngụy vận, địch vận, tăng gia sản xuất và tiết kiệm, "thực túc binh cường" nếu không tăng gia và tiết kiệm thì không có lương thực ăn để đánh giặc. Các cô, các chú có hứa làm được không? (Mọi người đáp có, vang hội trường). Hứa thì phải làm bằng được.

Một điểm nữa là phải báo cáo thành tích của bộ đội và đồng bào lên Trung ương, Chính phủ để khen thưởng, vì khen thưởng cũng là một cách giáo dục và cổ động. Bộ đội, đồng bào có thành tích mà Trung ương, Chính phủ khen thưởng thì mới hăng hái hơn và những người chưa có thành tích sẽ thi đua tích cực. Từ trước đến nay địa phương rất ít báo cáo, bây giờ các cô, các chú phải tích cực làm.

Bác dặn thêm các cô, các chú về nói với đồng bào là Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ gửi lời thăm đồng bào, thăm các cán bộ và chiến sĩ, đặc biệt là các lão du kích, nữ du kích và các cháu nhi đồng kháng chiến. Bác, Trung ương và Chính phủ sung sướng và chắc chắn là bộ đội và đồng bào địch hậu thực hiện đúng những đường lối chủ trương kháng chiến để mau thắng lợi.

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 135-139).

Quốc Thành (tổng hợp)


 18. Kỷ niệm Lênin

Đồng chí Lênin ra đời ngày 22-4-1870, mất ngày 21-1-1924. Thọ 54 tuổi.

Suốt 25 năm, đồng chí Lênin là người tổ chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, đội tiên phong đã đưa giai cấp vô sản Nga đến cách mạng thắng lợi, đồng thời cũng là người lãnh đạo giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới.

Đồng chí Lênin là người đã phát triển và đã thực hiện chủ nghĩa Mác và Ăngghen, là người đã dạy bảo chúng ta đường lối cách mạng chắc chắn thắng lợi. Trong bài vắn tắt này, không thể kể hết đạo đức và công ơn như trời như bể của đồng chí Lênin. Ở đây chúng ta chỉ có thể nêu vài điểm chính để mọi người ghi nhớ, học tập và thực hành. Đồng chí Lênin dạy chúng ta:

Đối với nhân dân, phải yêu kính quần chúng, gần gũi quần chúng, tin tưởng lực lượng vĩ đại và đầu óc thông minh của quần chúng, học hỏi quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, để đoàn kết và lãnh đạo quần chúng.

Đối với kẻ địch (những tư tưởng sai lầm, những xu hướng thiên lệch, là kẻ địch bên trong; đế quốc, phong kiến, cùng tất cả những kẻ phản cách mạng là kẻ địch bên ngoài), thì phải kiên quyết, dũng cảm chống lại, nhất định không nhượng bộ, không tha thứ.

Đối với công việc, phải thấy trước, lo trước, tính trước. Phải cân nhắc kỹ những điều thuận lợi và khó khăn, để kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi. Bất kỳ việc to việc nhỏ, đều phải rất cẩn thận, không hấp tấp, không rụt rè. Bại không nản, thắng không kiêu. Tuyệt đối tránh chủ quan, nông nổi.

Đối với Đảng, được làm đảng viên đảng cách mạng là một vinh dự cao quý nhất của mỗi người. Vậy mỗi đảng viên:

1- Phải tuyệt đối thật thà, trung thành với Đảng; quyết tâm trọn đời đấu tranh cho sự nghiệp của Đảng.

2- Vô luận ở hoàn cảnh nào, địa vị nào, cũng phải quyết tâm thực hiện cho kỳ được chính sách của Đảng và của Chính phủ. Phải nghiêm khắc giữ gìn kỷ luật của Đảng và của Chính phủ.

3- Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; phải hiểu thấu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết.

4- Đảng viên phải luôn luôn làm gương mẫu trong công việc chuyên môn, trong việc học tập, trong tăng gia sản xuất, trong mọi việc.

5- Phải thật thà thành khẩn tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình, để luôn luôn tiến bộ.

6- Phải nâng cao giác ngộ giai cấp của mình và của quần chúng. Phải tuyệt đối và kiên quyết giữ vững sự thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động của Đảng.

Lênin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay là cố ý, duy trì ba bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng.

Đồng chí Xtalin là người thừa kế và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Xtalin và Đảng Cộng sản, nhân dân Liên Xô đang tiến mạnh từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản, làm cho Liên Xô trở nên một thành trì vô cùng vững chắc của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, của phe dân chủ và hòa bình toàn thế giới.

Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lênin, thương nhớ đồng chí Lênin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường duy nhất cho chúng ta đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 91, từ ngày 15 đến ngày 21-1-1953).

19. Bài nói tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 2

Trong năm nay, có một cơ hội để cho tất cả các cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng thử thách tư tưởng, lập trường, thái độ. Tức là phát động quần chúng.

Có một câu hỏi phải trả lời dứt khoát: Anh đứng về phe nào?

Cách mạng ta là cách mạng dân tộc dân chủ. Cách mạng dân tộc dân chủ tức là cách mạng dân cày (do vô sản lãnh đạo) mà cách mạng dân cày là phải có chính sách ruộng đất đúng.

Kháng chiến tức là cách mạng, muốn kháng chiến thắng lợi thì phải có chính sách ruộng đất đúng.

Ta có tán thành kháng chiến thắng lợi không?

Đã tán thành kháng chiến thắng lợi thì phải tán thành chính sách ruộng đất. Không có nước đôi.

Phải thực hiện cho kỳ được chính sách ruộng đất. Phải dứt khoát. Không được đứng chông chênh. Không có phe thứ ba. Thế giới có hai phe. Trong nước có hai phe. Trong mình cũng có hai phe. Phải rõ ràng. Có những cán bộ hoặc là mình, hoặc bố mẹ, anh em, chú bác, có ruộng. Đối với anh em đó, việc dứt khoát không phải dễ. Nó khó như trèo núi.

Nhưng có trèo không? Trèo thì phải khó nhọc. Không phải không ai giúp anh, anh có Đảng, có nhân dân bên cạnh. Có trèo thì mới lên được đỉnh núi. Vậy phải có quyết tâm.

Tóm lại, có hai con đường ở thế giới, ở trong nước và ở trong mình.

Theo con đường ác thì dễ dàng, nhưng lăn xuống hố.

Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang.

Quyết tâm là làm được.

Cái gì khó bằng làm cách mạng, bằng đánh Tây, bằng cải tạo xã hội? Thế mà ta làm được.

Cán bộ có quyết tâm thì cải tạo được mình, được nước nhà, được xã hội.

Cái bí quyết thành công là có quyết tâm.

Các cô, các chú có làm được như vậy không?

Nói vào tháng 3-1953.

(Trích trong cuốn Phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.21-25).

20. Giữ gìn trật tự, an ninh

Quân đội Pháp đã rút khỏi Hà Nội. Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh.

Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp.

Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân.

Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự, an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người.

Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng.

Chính quyền và nhân dân chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, giữ gìn trật tự, an ninh, sao cho “dạ bất bế hộ, lộ bất thập di” như lời thánh hiền đã dạy.

Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10-10-1954).

21. Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc

Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ai đi nhầm đường thì chúng ta giúp họ đi vào con đường chính; như thế không phải là bó buộc. Thấy người khác đi xiên, đi sai, ta ra sức giúp họ đi theo đường thẳng, đường đúng. Thế mới là thật thà đoàn kết. Đại ý chủ nghĩa Mác - Lênin là phải đi đúng đường, phải phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa.

Chắc rằng các Bộ trưởng, Thứ trưởng đã báo cáo cho các bạn rõ về kế hoạch Nhà nước năm nay. Mọi công việc của chúng ta từnăm nay đều đi vào kế hoạch. Trong kế hoạch, các việc phải ăn khớp với nhau. Kế hoạch năm nay đặt nền tảng cho chúng ta tiến lên nữa, tiến lên mãi.

Các nước bạn giúp ta phát triển nông nghiệp, khôi phục công nghiệp và một phần nào phát triển công nghiệp. Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Các thầy giáo, cô giáo phải  tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 753, ngày 26-3-1956).

22. Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phát động miền biển

Các cô, các chú,

1. Cải cách miền biển cũng rất cần thiết như cải cách ở đồng bằng, vì dân lao động ở miền biển cũng khổ như dân lao động ở đồng bằng. Bởi vậy muốn nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân thì phải cải cách. Nếu ăn no mặc ấm mà không học thì cũng không được. Tục ngữ có câu "dốt thì dại".

Ở miền biển cũng cần phải cải cách, vì bọn cường hào gian ác chiếm đoạt khúc sông mặt biển. Cải cách phải làm tốt, nếu làm lỡ dở thì không lợi.

Đảng và Chính phủ đã đặt ra đường lối, mục đích, chính sách.

Muốn cải cách tốt thì cán bộ phải làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, trước hết là phải đoàn kết nhân dân lao động, thứ hai là liên hiệp với chủ thuyền. Chủ thuyền có nhiều hạng: Có hạng chủ thuyền không tàn ác lắm, không chiếm khúc sông mặt biển, không đày đọa anh em đánh cá. Song cũng có chủ thuyền như bọn địa chủ đại gian đại ác. Đối với chủ thuyền không ác thì ta liên hiệp với họ. Đối với bọn gian ác thì phải trị.

2. Phải dựa vào quần chúng

Trong mọi việc đều phải dựa vào quần chúng. Cải cách và làm ăn cũng vậy. Phải động viên, tổ chức, đoàn kết quần chúng. Lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn; quần chúng tự giúp quần chúng.

Tục ngữ có câu: "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao". Việc gì mà một mình, tuy có tài giỏi mấy cũng không làm được, mà nhiều người chung sức lại, thì việc gì cũng làm được.

Thí dụ: Một chiếc thuyền phải có người chèo, phải có người lái. Chỉ có người chèo không có người lái cũng không được. Cho nên người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau.

Ở miền biển cũng như ở miền đồng bằng, bà con ta đều bị phong kiến áp bức hàng mấy mươi đời, đế quốc lại câu kết với phong kiến để bóc lột ta hàng trăm năm, làm cho ta nghèo khó.

Nay ta phải vượt nghèo khó đó. Có tổ chức, có lãnh đạo, theo đúng đường lối của quần chúng, thì nhất định vượt được. Khó khăn nhất của ta là đánh Tây đánh Mỹ trong hồi kháng chiến. Song vì ta đoàn kết nhất trí, dựa vào bộ đội, dựa vào quần chúng, cho nên ta đã thắng. Nay trong cải cách, ta dựa vào quần chúng, đoàn kết quần chúng, khéo lãnh đạo quần chúng, vượt mọi khó khăn, thì ta cũng nhất định thắng.

Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ, thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh.

3. Việc cải thiện đời sống cho nhân dân cũng phải do nhândân tự giúp lấy mình là chính.

Các cô, các chú là cán bộ và cốt cán, phải lãnh đạo nhân dân, đoàn kết nhân dân, đưa nhân dân đấu tranh, tổ chức nhân dân cải thiện đời sống, hướng dẫn nhân dân làm cá, làm mắm, làm muối.

Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng.

Muốn lãnh đạo cho đúng tất nhiên phải theo đường lối chung. Song cách làm phải tuỳ theo chỗ, tuỳ theo mùa, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế địa phương. Đừng máy móc. Lấy kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở miền đồng bằng mà lắp vào miền biển là không được, là sai.

Ví dụ: Trong kinh nghiệm đi ba cùng, ở đồng bằng thì tìm vào nhà thấp bé của bần cố nông, mà người nghèo ở miền biển là ở thuyền.

Phải theo từng mùa, thí dụ: Có mùa thì bà con bận hơn, có mùa thì bà con rảnh, trong khi bà con bận mùa bày ra khai hội liên miên thì không hợp thời. Lúc có thuyền cá vào thì cán bộ phải cùng nhân dân làm cá, thế mới là thiết thực. Nếu lúc ấy mà cán bộ bảo bà con ngồi lại học tập, như vậy là tếu.

Cán bộ và cốt cán cần nhớ 4 điểm:

  1. Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.
  2. Đi đúng đường lối quần chúng.
  3. Phải cho thiết thực.
  4. Chớ máy móc.
  5. ở miền biển, dân quân là rất cần. Thí dụ: Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển, vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ ẩn núp ở miền biển để phá phách. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên.

Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc.

(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1956, t.III, tr.262-264).

23. Nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác nông lâm ngư nghiệp năm 1956

Năm ngoái cán bộ nông lâm ngư nghiệp đã cố gắng đạt được một số thành tích.

Năm nay cần cố gắng hơn nữa.

Tục ngữ ta nói: "Có thực mới vực được đạo".

Muốn "thực" thì phải có lúa, ngô, khoai, sắn, v.v. do nông dân làm ra. Nếu nông dân cung cấp không đủ, thì công nhân, công chức, học sinh, quân đội, nhân dân thành thị sẽ bị đói.

Muốn cung cấp đầy đủ thì nông dân phải tăng gia sản xuất. Ai hướng dẫn nông dân tăng gia? Cán bộ sản xuất, cán bộ nông lâm phải hướng dẫn.

Vì vậy, nhiệm vụ cán bộ nông lâm rất quan trọng.

Nghề nông phải đấu tranh chống những tai nạn của thiên nhiên: Hạn, lụt, sâu bọ, chim, chuột, dịch, v.v. lại còn phải đấu tranh với các tập quán bảo thủ lạc hậu.

Muốn thực hiện được nhiệm vụ, thì cán bộ phải tuyên truyền, giải thích, làm cho nông dân hiểu và làm, không thể gò ép, mệnh lệnh. Công tác của cán bộ nông lâm có khó khăn nhưng rất vẻ vang. Cần thấy được khó khăn để khắc phục, chứ không phải để lùi bước. Vì thế phải cố gắng nhiều.

Năm ngoái, có nơi vì quan liêu, thiếu cụ thể, thiếu thiết thực, thiếu thống nhất ý kiến, cho nên lãng phí của và sức của dân. Ý kiến không thống nhất vì thiếu đoàn kết. Phải đoàn kết nhất trí giữa cán bộ chuyên môn với cán bộ chính trị, cán bộ mới với cán bộ cũ, cơ quan này với cơ quan khác. Phải thật thà xem trọng lợi ích của nhân dân, luôn luôn chú ý đến đời sống của nhân dân.

*

* *

Năm nay, diện tích lúa đã cấy kém không bằng năm ngoái.

Chăn nuôi trâu, bò, lợn cũng kém, ngày Tết đã giết lợn, bò nhiều, cho nên trâu bò lại thiếu thêm. Cây công nghệ như bông và các thứ khác cũng kém.

Vậy cần chú ý hướng dẫn nông dân làm cỏ bỏ phân, phòng bão, phòng lụt. Đê năm nay đắp chậm, vì tuyên truyền kém, cán bộ chủ quan.

Ngoài việc đánh cá, phải chú ý nuôi cá.

Về trồng cây có cố gắng, nhưng cũng phải lo bảo vệ rừng, cấm phá rừng. Trong việc này phải khéo vận động nhân dân.

Hiện nay, phạm vi hướng dẫn nhân dân thì rộng mà cán bộ lại thiếu. Muốn làm tốt, mỗi tỉnh phải làm những nơi kiểu mẫu tốt đểcho nhân dân nơi khác bắt chước. Không nên tham nhiều. Đấy là một cách tuyên truyền tốt bằng sự thật, thấy kết quả tốt, nông dân sẽ tin tưởng noi theo để làm.

Đa số nông dân làm ăn riêng rẽ. Muốn sản xuất tốt, phải xây dựng tổ đổi công cho tốt. Cần tăng cường số lượng và nhất là củng cố chất lượng tổ đổi công. Tổ đổi công là một hình thức để tiến dần lên xã hội chủ nghĩa. Các tổ ấy sẽ giúp cán bộ trong công tác hướng dẫn sản xuất và cải tiến kỹ thuật.

Muốn bảo đảm kế hoạch, cán bộ cần phải kiên nhẫn, cố gắng và quyết tâm, cán bộ phải làm cho quyết tâm của mình biến thành quyết tâm của nhân dân, thì chắc chắn sẽ thành công.

*

* *

Có một số cán bộ chưa thật yên tâm công tác, như vậy không đúng. Làm cán bộ không phải là để thăng quan, phát tài. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Cán bộ làm công tác gì cũng vì dân vì nước. Nếu làm tròn nhiệm vụ là vẻ vang, là anh hùng. Không nên đứng núi này, trông núi nọ. Lấy một thí dụ, có một cây thông đang xanh tốt, nhưng cành lá than phiền: "Rễ được nằm yên dưới đất, còn chúng tôi cành lá thì phải chịu đựng gió sương". Rễ cũng phàn nàn: "Cành lá thì được thanh nhàn với giăng gió, tôi thì phải nằm mãi dưới đất, không ai dòm ngó đến". Hai bên đều không yên tâm và đòi đổi lẫn nhau. Kết quả, cây thông sẽ thế nào?

Cán bộ chúng ta mỗi người một việc, phải tích cực, phải có tinh thần trách nhiệm, không nên vì có thành tích mà chủ quan, hoặc có sai lầm mà bi quan. Chúng ta là cán bộ cách mạng, phải khắc phục khó khăn, không sợ khó sợ khổ. Nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Chúng ta đã vượt bao gian khổ mới giành lại được độc lập, sau 80 năm đất nước bị nô lệ, chúng ta đang xây dựng miền Bắc. Công cuộc xây dựng kinh tế không phải dễ dàng.

Nhưng chúng ta đồng tâm nhất trí và có sự giúp đỡ của các nước bạn, nhân dân ta lại cần cù, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.

Trong khi thực hiện công tác, cán bộ phải làm cho dân yêu, dân tin. Được như vậy thì sẽ vượt được mọi khó khăn và thu được nhiều kết quả tốt.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr.318-321)

Quốc Thành (tổng hợp)


 24. Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an

Nhiệm vụ của công an thì nhiều, nhưng nói tóm tắt là bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Nên nhớ rằng bọn Mỹ - Diệm, bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, công an phải luôn luôn cảnh giác ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Đó là nhiệm vụ nặng nề, gian khổ đồng thời cũng rất vẻ vang. Không phải được đăng báo, được nêu trên đài phát thanh mới là vẻ vang, mà bất kỳ làm công việc gì có ích cho cách mạng, cho nhân dân, cho xã hội đều là vẻ vang cả.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân. Trong đầu óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái "thiện" và cái "ác", hoặc nói theo cách mới là sự đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân.

Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại.

Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ.

Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng.

Ví dụ: lười biếng, hủ hóa, suy tính tiền đồ, cho rằng ngành công an gian khổ, vất vả nhiều mà ít được ai biết, ít được huân chương; đòi hỏi đãi ngộ, so bì lương thấp, lương cao; công thần địa vị: Cho rằng ở trong Đảng lâu năm mà không được đề bạt bằng người vào Đảng ít năm hơn; không an tâm công tác; ở công an thì muốn sang ngành khác; có quyền hạn một chút là thiếu dân chủ, chỉ tay năm ngón; đối với nội bộ thì suy bì, ganh tị, không đoàn kết với nhau, v.v..

Còn có thể nêu ra nhiều ví dụ nữa, nhưng tóm lại cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần mà hết được.

Trong lớp này, các cô các chú kiểm thảo thành khẩn là điều tốt, tiến bộ. Nhưng không phải kiểm thảo xong là gột rửa hết chủ nghĩa cá nhân. Ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày. Vì vậy kiểm thảo ở đây không phải là xong, là đủ mà còn phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi việc.

Bác nói một điểm nữa là: Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân.

Một điểm nữa là tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Như Bác đã nói ở trên, nhiệm vụ của các cô, các chú rất nặng nề. Muốn làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đó, phải luôn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm. Có như vậy mới xứng đáng là người cán bộ được Đảng và nhân dân tín nhiệm.

Tóm lại:

  1. Phải trau dồi đạo đức cách mạng,
  2. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Muốn vậy phải luôn luôn chống chủ nghĩa cá nhân.

(Trích trong cuốn Phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.84-86).

25. Bài nói tại Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI

Như các cô, các chú đã biết Quốc hội đã liên tiếp thông qua Luật Lao động, Luật Công đoàn. Trong Quốc hội khóa II này, số công nhân được cử vào Quốc hội đông hơn lần trước nhiều. Nếu nói cả số đại biểu các tầng lớp lao động thì có tới hơn một nửa trong Quốc hội. Vai trò của giai cấp công nhân ngày càng được coi trọng.

Vậy công nhân phải làm thế nào để xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và Đảng…

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.634)

26. Nói chuyện với công đoàn Cuba

1. Công an Cuba có nhiều kinh nghiệm giới thiệu cho công an Việt Nam. Công an Việt Nam cũng giới thiệu một số kinh nghiệm cho công an Cuba. Hai bên học tập lẫn nhau. Nhưng khi học tập lẫn nhau phải sáng tạo. Kinh nghiệm cách mạng các nước phải học tập lẫn nhau. Phải học tập và sáng tạo. Học tập và sáng tạo đi liền với nhau

2. Trong công tác, kẻ địch cũng rút kinh nghiệm, cho nên địch có cải tiến công tác của nó, nhưng có điều cơ bản nó không học nổi, đó là học lấy lòng dân. Bọn Ngô Đình Diệm đề ra cải cách ruộng đất để lấy lòng dân, nhưng vì chủ trương của nó là giả tạo, nên Diệm đổ và những tên tiếp sau nó cũng đổ.

Mỹ có học tập kinh nghiệm của Mã Lai, mời Thiếu tướng cảnh sát Anh Thomxơn ở Mã Lai sang giúp cảnh sát miền Nam, cử Lanxđan - một tên chỉ huy đã thành công trong việc đàn áp du kích Philippin sang Việt Nam để giúp bọn tay sai miền Nam. Hai tên này đã có kinh nghiệm thành công ở Mã Lai và Philíppin. Mỹ cũng học tập kinh nghiệm của bọn Nhật và bọn Pháp. Nhật có cử cố vấn bí mật giúp cho bọn Mỹ. Chính phủ Pháp không giúp Mỹ, nhưng có những tên Pháp giúp Mỹ. Dù có học tập kinh nghiệm cải tiến công tác gì đi nữa cũng không lấy được lòng dân, vì bản chất của chúng là chống lại nhân dân.

Công tác công an có nhiều bí mật. Trong cuộc đấu tranh có nhiều việc ta giấu địch và địch cũng giấu ta, nhưng có việc ta không giấu mà địch vẫn không học nổi.

3. Mỹ đang thực hiện âm mưu chiến lược của chúng ở miền Nam. Chúng đã tiến hành chiến tranh đặc biệt19 và đang tiến hành chiến tranh cục bộ20. Chúng đang thí nghiệm âm mưu của chúng trên các mặt: quân sự, chính trị và kinh tế.

- Về quân sự, chúng thí nghiệm các loại vũ khí, trừ nguyên tử.

- Về chính trị, chúng thí nghiệm tổ chức các đảng phái phản động. Nếu Mỹ thắng ở miền Nam thì rất tai hại cho phong trào cách mạng thế giới. Nhưng chắc chắn là nó không thắng.

Hiện nay có mấy nước đang đấu tranh kịch liệt với đế quốc: Cuba, Triều Tiên, Việt Nam. Điều thuận lợi là ở 3 nước có 3 đảng lãnh đạo, nhân dân 3 nước không những có đảng lãnh đạo, mà còn có đường lối đúng. So với nhiều nước châu Phi thì ở đó chưa có đảng. ở một số nước Mỹ Latinh xuất hiện nhiều đảng nên chưa đoàn kết thống nhất, phong trào bị chia rẽ, đó là những khó khăn.

4. Công tác công an rất cần, rất quan trọng nhưng đồng thời cũng rất khó. Tình báo, gián điệp đế quốc rất nguy hiểm. Cơ quan CIA cũng muốn chui vào để làm hại. Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả. Do đó, công tác công an phải dựa vào quần chúng. Cũng giống như quân sự cũng phải dựa vào dân, công an cũng phải dựa vào dân. Vấn đề kỹ thuật trong công tác công an cũng cần, nhưng vấn đề quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền cho dân, để quản lý tốt tai, mắt, miệng của dân, làm thế nào dân giúp công an để phát hiện địch và giấu địch những điều của ta. Nói cho địch là phải nói dối, nói cho ta thì nói thật. Mắt để phát hiện địch. Tai cũng vậy. Tổ chức tốt quần chúng để giấu không cho địch biết và bảo vệ ta. Cho nên cần có kỹ thuật, nhưng chủ yếu là phải dựa vào dân. Ví dụ: Công an Cuba có 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 100 vạn người tích cực giúp đỡ công an, như thế vẫn chưa đủ, vì trong số 7 triệu mà chỉ 1 triệu giúp chưa đủ, phải cả 7 triệu giúp.

Đối với công an Việt Nam có làm được một số việc, có một số kết quả, nhưng Bác chưa bằng lòng vì trong công tác còn sơ hở, do đó cần cố gắng nhiều, cần phải học nữa. Vấn đề dựa vào dân, công an phải có thiên la địa võng như trong chiến tranh du kích có thiên la địa võng về quân sự.

5. Dân ở Cuba cũng như ở Việt Nam rất tốt. Nhân dân sống dưới chế độ bị trị nay được giải phóng, được đưa lại quyền lợi, biết so sánh chế độ nên họ yêu mến chế độ này, ủng hộ chế độ này. Nhưng không phải 100% yêu mến chế độ. Trên 95% ủng hộ ta. Còn 5% chưa ủng hộ ta. Ví dụ: Những phần tử tư sản bị tịch thu tài sản không ủng hộ ta. Bọn địa chủ bị tịch thu ruộng đất không ủng hộ ta. Ta có thể tịch thu nhà máy của chúng nhưng không tịch thu được bộ óc nó. Ta có thể cải tạo kinh tế của chúng, nhưng khó cải tạo đầu óc của chúng. Nên khi nào ta mạnh chúng nằm im, nếu ta yếu thì chúng trỗi dậy. Do đó phải rất cảnh giác. ở Việt Nam có vấn đề tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo; nơi nào cán bộ tốt, tổ chức hợp tác xã đưa lại quyền lợi cho giáo dân thì giáo dân rất đồng tình... Giáo dân dễ dàng phân biệt: Khi chưa giải phóng, giai cấp địa chủ, nhà thờ bóc lột nông dân giáo dân. Ví dụ: 1 cụ già sống 120 tuổi ở Nghệ An, khi sống đến 110 tuổi thì cải cách ruộng đất ở Nghệ An, sau cải cách ruộng đất mới được ăn thử miếng đường đầu tiên, nghĩa là trong 110 năm trước chưa được ăn đường. Sau giải phóng, sau cải cách ruộng đất, trong làng có nhiều nhà ngói, đời sống được nâng cao, có nhà y tế... Nếu giáo dục tốt thì giáo dân có thể đấu tranh: Cha chỉ nói phần hồn thôi, còn phần đời thì để cho Chính phủ. Một số địa phương, giáo dân có câu: Sống theo Đảng, chết theo Chúa. Đối với người cộng sản thì nếu họ nói chết rồi theo Chúa thì không sao.

Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác. Ví dụ: Trong việc bắt gián điệp biệt kích cũng nhờ có dân.

6. Hoàn cảnh Cuba có phần khó hơn Việt Nam. Đất đai hẹp hơn Việt Nam, xung quanh đều là biển, lại gần đế quốc Mỹ. Nếu Mỹ xâm nhập thì có nhiều chỗ thuận tiện. Tuy có khó, nhưng cách mạng Cuba thành công và xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Cuba là cái ngòi và là bước đầu cho cách mạng Mỹ Latinh thành công.

Mỹ có 200 triệu, Cuba có 7 triệu dân, nhưng Cuba cách mạng thành công, cho nên nhân dân Việt Nam rất thán phục Cuba.

Các đồng chí có quyền hoàn toàn tự hào, nhưng đừng tự mãn. Mà rất cần cảnh giác.

Ta không cần máy móc điện tử để nghe Mỹ về kế hoạch phá hoại Cuba, nhưng ta cũng biết rằng Mỹ đang âm mưu phá hoại Cuba vì nó căm thù Cuba cực độ, vì nếu có Cuba cách mạng, Cuba là chỗ dựa cho cách mạng Mỹ Latinh nên ta phải cảnh giác kẻ địch bên ngoài và kẻ địch bên trong.

Kẻ địch ít nhưng rất nguy hiểm: Ví dụ, xây dựng một căn nhà cần nhiều người nhưng chỉ cần một người có thể phá nhà.

Tuy căm thù Cuba nhưng trước mắt, Mỹ chưa phải phát động chiến tranh chống Cuba ngay, vì đế quốc Mỹ còn vướng cẳng ở Việt Nam; chưa dám tấn công Cuba, nhưng nó tích cực phá hoại, cho nên cần cảnh giác.

7. Việt Nam và Cuba trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Nhưng kinh nghiệm đây chỉ là nguyên tắc. Giữa Cuba và Việt Nam có nhiều chỗ giống nhau, nhân dân được hưởng tự do rồi, nhân dân hai nước rất tốt. Đó là giống nhau. Đồng thời có chỗ khác nhau. Ví dụ: Đời sống nhân dân Cuba cao hơn Việt Nam.

Phong tục tập quán cũng khác với Việt Nam. Cuba dễ bị bao vây, ảnh hưởng đời sống nhân dân, do đó có thể gặp nhiều khó khăn.

Nhưng nếu khéo tổ chức nhân dân thì có thể vượt khó khăn. Cho nên người cách mạng phải có tinh thần lạc quan cách mạng. Vì nếu không có khó khăn thì không có cách mạng.

Đối với quần chúng, vì trình độ quần chúng còn thấp, phải nói đơn giản, gọn. Ví dụ: Trong thời kỳ hoạt động bí mật áp dụng khẩu hiệu 3 không - quần chúng hiểu và làm được, đồng thời phát huy sáng tạo của mình, ví dụ khi địch rải gio, căng dây, để phát hiện cán bộ, thì quần chúng đã bảo vệ cán bộ và kẻ địch không phát hiện được cán bộ.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.15, tr.142)

27. Bài nói tại trường bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện

Các cô, các chú,

Hôm nay, Bác rất vui, vì ít khi Bác được gặp các đồng chí Huyện ủy đông như thế này.

Lớp học có bao nhiêu đồng chí?

Có bao nhiêu cô?

Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không? Nếu Bác nói không đúng, các đồng chí cứ phát biểu.

Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa.

Bây giờ lớp học sắp bế mạc, Bác căn dặn các cô, các chú mấy điều:

1. Cần nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, chịu khó đi sâu, đi sát cơ sở, hợp tác xã để hiểu rõ tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, tình hình các chi bộ và các đoàn thể quần chúng. Do đó mà có chủ trương, biện pháp cho đúng, cho kịp thời.

Điểm này có lẽ các đồng chí nắm vững rồi. Bác chỉ nhắc các cô, các chú phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước. Vấn đề này nghe thì dễ, nhưng thực hiện chưa tốt lắm. Hiện nay, có một số đồng chí Huyện ủy chưa thật sự lăn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách.

Hiện nay, mỗi Huyện ủy có từ 15 đến 20 đồng chí. Phải chia nhau mà nắm tình hình. Mỗi đồng chí Huyện ủy nắm một, hai xã. Phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, không những phải nắm vững tình hình hợp tác xã, mà còn phải nắm vững tình hình ăn, ở, học tập, sức khoẻ... của các gia đình. Nếu không đi sâu, đi sát cơ sở, nắm vững tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân thì các đồng chí làm thế nào có thể vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của tỉnh vào huyện mình?

2. Phải chăm lo xây dựng hợp tác xã, xây dựng chi bộ Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cho thật tốt. Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Cho nên các cô, các chú phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”. Phải làm thiết thực, đừng hình thức, đừng báo cáo sai.

Muốn trở thành chi bộ “bốn tốt”, trước hết đảng viên phải gương mẫu, làm đúng chính sách, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Như vậy công việc khó mấy cũng làm được.

Đoàn viên và các đội thanh niên xung phong phải là cánh tay của chi bộ, xung phong đi đầu trong sản xuất, chiến đấu. Các ban quản trị hợp tác xã phải dân chủ, phải chống tham ô, lãng phí. Tệ tham ô trong hợp tác xã bây giờ còn nhiều. Ai chịu trách nhiệm về tình hình ấy? Huyện có chịu trách nhiệm không? Trong cán bộ huyện, có cán bộ nào tham ô, mệnh lệnh không? Các cô, các chú phải nghiêm khắc kiểm tra.

3. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết chặt chẽ, bảo đảm dân chủ và kỷ luật trong Đảng. Đảng viên cũ, mới, già, trẻ, gái, trai phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh.

Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh.

Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú” với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “măng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm.

Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui.

Khi nói đến học tập khoa học, kỹ thuật, có người còn cho là cao xa quá. Nhưng biết nói một cách phổ thông, nôm na như chúng ta vẫn làm thì không phải là cao xa, không tiếp thụ nổi. Ví dụ: Làm bèo hoa dâu là khoa học, kỹ thuật, cách ủ phân cũng là khoa học, kỹ thuật. Khoa học, kỹ thuật là như vậy, không chịu khó học tập thì không lãnh đạo được sản xuất, không đưa được năng suất cây trồng lên.

4. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng.

Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được. Vừa rồi trên báo Nhân dân có đăng câu chuyện về phòng không. Có mấy đồng chí cán bộ xã ngồi bàn với nhau. Phòng không là phải đào hầm, xây hầm, tốn mấy vạn viên gạch, mấy nghìn cây tre và mấy trăm đồng nữa. Chi phí lớn quá và khó thực hiện. Nhưng có một cô kỹ sư có ý kiến là cần đưa ra quần chúng bàn bạc tham gia. Sau đó mời quần chúng lại, nói rõ âm mưu của địch là hiện nay nó bắn lung tung như thế, ta phải đào hầm để ẩn nấp. Vậy ta nên đào như thế nào? Thế là quần chúng giơ tay hưởng ứng, người thì xin góp mấy tấm ván, người thì xin góp mấy chục viên gạch, người thì xin góp mấy cây tre... Chỉ trong hai ngày là họ làm xong tất cả các hầm trú ẩn. ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:

Dễ mười lần không dân cũng chịu,

Khó trăm lần dân liệu cũng xong.

Ở Thái Bình, Quảng Bình và một số nơi khác đang tiến hành việc “bình công”, “báo công”. Qua bình công, báo công, ai làm được gì tốt, ai không làm hoặc làm xấu, mọi người đều biết. Đó mới thực sự dân chủ, đó là cách phê bình, tự phê bình rất tốt. Làm như vậy, quần chúng tự giáo dục cho nhau và giáo dục cho cả cán bộ nữa. Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay năm ngón”, không chịu làm. Bình công, báo công cũng là cách rất tốt để lựa chọn những người tốt mà tuyên truyền giáo dục, đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ.

Đó là cách làm công tác xây dựng Đảng rất tốt.

Các cô, các chú thấy làm như thế có tốt không?

Có làm được không?

Nhưng có đồng chí lại không làm được như thế. Từ trước tới giờ, có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói, vì sợ cán bộ “trù”, cán bộ “chụp mũ”. Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa.

5. Trước mắt, vụ sản xuất Đông - Xuân rất khẩn trương. Cần làm kịp thời vụ. Phải chú ý chăm sóc trâu bò, không để trâu bò bị rét, phải cho trâu bò ăn no, ở ấm. Chú ý giáo dục quần chúng tiết kiệm. Chớ liên hoan lu bù. Cấm nấu rượu lậu, giết lợn, bò, ăn uống lãng phí…

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4722, ngày 14-3-1967).

Quốc Thành (tổng hợp)


 28. Phải xem trọng ý kiến của quần chúng

Nhân dân ta đã tiến bộ nhiều. Không những trong các cuộc hội họp, quần chúng đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, mà nhiều khi còn gửi thư cho các báo, cơ quan và đoàn thể, hoặc thành khẩn phê bình và tự phê bình hoặc nêu những đề nghị thiết thực.

Đó là một điều rất tốt: Nó làm cho nhân dân càng gần gũi và càng tin tưởng đoàn thể và chính quyền. Nó làm cho đoàn thể và chính quyền càng hiểu thấu nguyện vọng của quần chúng, càng thấy rõ những thiếu sót của mình để sửa chữa. Nó làm cho chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ. Nó càng chứng tỏ chế độ của ta là thật sự dân chủ.

Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa. Nếu lời phê bình có chỗ không thật đúng, thì phải giải thích rõ ràng cho quần chúng hiểu.

Nhưng dù phê bình đúng cả hay là chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình. Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đày tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân. Nhiều cán bộ ta cố gắng làm đúng như thế. Nhưng vẫn có nhiều cán bộ không làm đúng như vậy. Vài thí dụ:

Các báo thường đăng lời phê bình của nhân dân. Nhưng nhiều khi như "nước đổ đầu vịt", cán bộ cơ quan và đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và hứa sửa chữa.

Thậm chí có cán bộ địa phương đã tự tiện bóc thư cấp trên gửi cho nhân dân, dùng dằng trao thư ấy cho nhân dân một cách chậm trễ, hoặc không trao mà cán bộ tự viết trả lời cho cấp trên (như Ủy ban hành chính xã Đồng Minh, Nam Định). Có cán bộ đã dọa nạt nhân dân vì họ đã gửi thư cho cấp trên (như Phó Chủ tịch xã Xuân Yên, Hà Tĩnh).

Làm như vậy, các đồng chí ấy đã phạm kỷ luật: Một là bóc thư riêng của người khác; hai là bưng bít tai mắt cấp trên, bịt mồm bịt miệng quần chúng. Sai lầm ấy phải được chấm dứt.

Một điểm nữa cần nói: Phê bình và đề nghị là quyền dân chủ của mọi công dân. Khi gửi thư cần suy xét kỹ lưỡng, bày tỏ thật thà, viết tên họ và địa điểm rõ ràng, thì cơ quan nhận được thư mới có thể điều tra, nghiên cứu. Thư mà không có tên họ và địa điểm là không có giá trị gì.

Nói tóm lại, cán bộ, cơ quan và đoàn thể cần thật sự xem trọng ý kiến của quần chúng nhân dân.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 900, ngày 21-8-1956).

29. Bài nói chuyện tại Lớp nghiên cứu chính trị kháo 2 trường Đại học Nhân dân Việt Nam

Hôm nay tôi muốn nói một câu chuyện rất giản đơn, nông cạn, câu chuyện về Tam tự kinh. Câu đầu tiên Tam tự kinh là "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Chúng ta mượn câu ấy làm đầu đề nói chuyện.

Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.

Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Trong xã hội có thiện và cũng có ác.

Theo nghĩa rộng thì cả thế giới và trong một nước có thiện và có ác. Theo nghĩa hẹp thì trong bản thân và tư tưởng của mỗi một người cũng có thiện và có ác.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân chỉ lo làm lợi cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, ngày càng tiến bộ về vật chất và tinh thần, làm cho trong xã hội không có người bóc lột người. Thế là thiện.

Tư bản, đế quốc và phong kiến chỉ lo bóc lột nhân dân, thậm chí gây chiến tranh giết hại nhân dân, để làm lợi cho một nhóm ít người. Thế là ác.

Ở nước ta hiện nay, chế độ dân chủ cộng hoà của ta dù có những sai lầm thiếu sót vì chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và còn có nhiều khó khăn, Đảng và Chính phủ chỉ lo phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là của nhân dân lao động chân tay và lao động trí óc. Thế là thiện.

Chế độ độc tài của Mỹ - Diệm ở miền Nam chỉ lo cho lợi ích của một nhóm đế quốc, phong kiến và tư sản mại bản. Thế là ác.

Nói về mỗi một người chúng ta, nếu hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thế là thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc. Thế là ác. Thực hành chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Thế là thiện. Nếu phạm phải quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng. Thế là ác.

Thiện và ác là hai cái mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ và gian khổ, nhưng cuối cùng thì ác nhất định bại, thiện nhất định thắng.

Thí dụ, trước đây độ 40 năm, nhân dân cả thế giới đều bị thế lực ác, tức là phong kiến, tư bản và đế quốc thống trị. Nhưng hiện nay trên 1/3 tổng số nhân dân thế giới là phe dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Thêm vào đó lại có những nước Á - Phi mới được giải phóng khỏi ách đế quốc thành những nước độc lập, tự do, như ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện, Ai Cập, v.v.. Tất cả các nước trên đây cộng lại có độ 1.500 triệu nhân dân, tức là hơn một nửa nhân dân thế giới. Thế là trên thế giới phe thiện ngày càng phát triển và mạnh mẽ, phe áC ngày càng sa sút và suy đồi.

Trước đây mười hai năm, ở nước ta phe ác là thực dân và phong kiến rất mạnh, chúng thẳng tay áp bức bóc lột nhân dân ta.

Lúc đó Đảng chỉ mới có một số ít đồng chí hoạt động bí mật. Thường có những đồng chí bị bắt bớ, chém giết. Nhưng Đảng tin chắc rằng ta hy sinh phấn đấu để giải phóng nhân dân, ta là thiện, ta nhất định thắng. Vì mục đích chính đáng và tin tưởng vững chắc, cho nên dù đế quốc và phong kiến khủng bố ác liệt,

Đảng vẫn phát triển mạnh, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, lập nên chế độ dân chủ cộng hoà, kháng chiến thắng lợi, hoàn toàn giải phóng cả miền Bắc nước ta.

Từ ngày hòabình lập lại, Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế và phát triển văn hoá, đã thu được nhiều kết quả. Thí dụ:

- Về kinh tế chúng ta đã khôi phục được hơn 22 xí nghiệp.

- Đã mở mang thêm 20 xí nghiệp.

- Đã xây dựng 47 xí nghiệp to và nhỏ.

- Đã xây dựng lại hơn 530 cây số đường sắt, một công trình mà thực dân Pháp cần mười năm mới làm được; nhưng với sự cố gắng của công nhân ta, với sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc và sự săn sóc của Đảng và Chính phủ, chỉ mười mấy tháng ta đã làm xong.

Về văn hóa giáo dục, hồi Pháp thuộc, năm 1938 - 1939 tất cả học sinh từ tiểu học đến đại học có chừng 30 vạn người. Hiện nay mặc dầu nhiều khó khăn, riêng ở miền Bắc ta có chừng 80 vạn học sinh, trong số đó hơn 4 vạn người được Chính phủ giúp học bổng; mỗi năm học bổng cho sinh viên và học sinh cùng trợ cấp cho các lớp huấn luyện khác cộng là 8.385 triệu đồng ngân hàng.

Những thí dụ ấy lại chứng tỏ chế độ ta là thiện, chế độ thực dân phong kiến là ác.

Bản thân mọi người chúng ta đều chịu ảnh hưởng của xã hội cũ hoặc nhiều, hoặc ít. Cho nên trong người chúng ta hoặc nhiều hoặc ít không tránh khỏi có cái ác, như tự đại, tự kiêu, tự tư, tự lợi. Nhưng với sự giúp đỡ giáo dục của Đảng và Chính phủ, sự cố  gắng học tập và cải tạo của mọi người, thì cái áC trong mình chúng ta ngày càng bớt, cái thiện ngày càng tăng.

*

* *

Nhân đây tôi nói tóm tắt vài vấn đề mà tôi vừa nghe thảo luận ở một lớp nghiên cứu khác, chắc ở đây cũng có thảo luận những vấn đề ấy.

Đảng đã có những thành tích lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi như đã nói trên. Nhưng Đảng cũng đã có những sai lầm khuyết điểm trong cải cách ruộng đất. Là một đảng chân chính cách mạng, Đảng thật thà nhận sai lầm khuyết điểm của mình, quyết tâm sửa chữa và nhất định sửa chữa được.

Trong cải cách ruộng đất, cán bộ đã phạm những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng, cần phải kiên quyết sửa chữa. Nhưng không nên vì sai lầm khuyết điểm mà phủ nhận thành tích của cải cách ruộng đất tức là giai cấp phong kiến địa chủ đã bị đánh đổ, độ 8 triệu nông dân đã có ruộng cày. Đó là một thành tích không ai có thể chối cãi được. Cần nhận rõ như thế để không vì sai lầm khuyết điểm mà bi quan. Trái lại vẫn giữ vững lòng tin tưởng vào Đảng và Chính phủ.

Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ.

Trong nội bộ Đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc. Người đảng viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng.

*

* *

Về chuyên chính dân chủ nhân dân: Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai? Dưới chế độ phong kiến, tư bản, chuyên chính là số ít người chuyên chính với đại đa số nhân dân. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân.

Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khóa và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ.

Kết luận: Cần hữu công, hý vô ích, giới chi tai, nghi miễn lực, nghĩa là:

Lười thì không tiến bộ, siêng thì chắc thành công.

Các bạn cố gắng mãi, như vậy là anh hùng!

(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t. IV, tr. 25-29).

  1. Bài nói tại trường Công an Trung ương

Bác thay mặt Đảng và Chính phủ hỏi thăm sức khỏe các cô các chú.

Các cô các chú có tham gia chống hạn không?

Bác khen các cô các chú học sinh, cán bộ hướng dẫn và anh chị em phục vụ cơm nước.

Bây giờ vào đề:

Các cô các chú muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội không?

Tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an có trách nhiệm gì?

Là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân.

Dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự, vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân, vì nhân dân có tin yêu công an thì mới giúp công an chuyên chính thực sự được với địch.

Dân chủ và chuyên chính thật là quan hệ mật thiết với nhau. Có chuyên chính thực sự, có dân chủ thực sự thì mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được. Vì kẻ địch không thể phá hoại được ta mà nhân dân thì an tâm thực hành tiết kiệm và hăng hái sản xuất để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn góp phần vào việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải chuyên chính thực sự và dân chủ thực sự.

Tiến lên chủ nghĩa xã hội là một công cuộc rất phức tạp và nhiều gian khổ.

- Khi chống đế quốc, ai, giai cấp nào yêu nước, đều được tham gia đấu tranh, kể cả địa chủ, quan lại ghét Tây, thế là đông người tham gia nhất.

- Bước vào cải cách ruộng đất, thì địa chủ phản đối ta.

- Bây giờ phải tiến lên chủ nghĩa xã hội thì giai cấp tư sản không thích. Vậy là cách mạng càng tiến lên càng khó khăn. Công việc chính quyền, công an càng khó khăn, càng phức tạp. Nhân viên, cán bộ công an càng phải nâng cao chí khí cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác.

Chính vì vậy Đảng, Chính phủ rất chú ý đến công tác của công an và đến việc giáo dục cán bộ công an. ở trường này một người giúp đỡ hướng dẫn 4 học viên. Một người phục vụ 4 người như thế là thiếu hay là thừa? Bác thấy là nhiều đấy. Học sinh thì 95% là đảng viên, chỉ còn 5% là ngoài Đảng. Ngoài Đảng nhưng Đảng rất tin cậy, vì các cán bộ đó đã được chọn lọc, rất trung thành với Đảng. Đảng viên thì hầu hết là huyện ủy viên, một số ít là cán bộ tỉnh. Không có cơ quan nào lại nhiều cán bộ như thế này. Vậy chớ còn kêu là ít cán bộ. Phải thấy là Đảng, Chính phủ hết sức chăm sóc. Các cô các chú phải xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và Chính phủ.

Còn về phần cán bộ công an thì phải như thế nào?

Không phải chỉ muốn không là được. Miệng nói tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng tư tưởng còn không thông và hành động còn không đúng thì không tiến lên được. Trước hết cán bộ phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã. Rồi cán bộ làm cho nhân dân hiểu để nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Khi đó cả xã hội mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Là mỗi người hãy nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước. Phải chống chủ nghĩa cá nhân.

Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn.

Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm. Phải đề cao tính tổ chức, đề cao kỷ luật. Chống chủ nghĩa ba phải; trái phải, phải dứt khoát, phải rõ ràng, không được nể nang. Can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình. Xác định toàn tâm toàn ý, 100% phục vụ nhân dân. Có thế mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Còn so sánh địa vị, còn suy bì hưởng thụ thì chỉ có 50% phục vụ nhân dân còn 50% là phục vụ cá nhân mình. Công an là bộ máy giữ gìn chính quyền chống thù ngoài địch trong, mà còn chủ nghĩa cá nhân là còn có địch ở bên trong, địch ở trong con người mình. Kẻ địch ấy lại không thể lấy súng bắn vào được. Phải ra sức phấn đấu rèn luyện tư tưởng mới khắc phục được nó. Khắc phục chủ nghĩa cá nhân là bước rất quan trọng để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Về công tác: Phải đi sâu, phải thiết thực, phải điều tra nghiên cứu, không được chủ quan, tự túc tự mãn. Gặp khó khăn, thất bại không được nản chí.

Muốn phục vụ nhân dân tốt phải đi đường lối quần chúng. Được nhân dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được. Không đi đường lối quần chúng là không gần nhân dân, là thiếu dân chủ, là trở thành quan liêu. Quan liêu thì không đoàn kết được ai. Thế mà đoàn kết là rất cần thiết, đoàn kết nội bộ ngành công an, đoàn kết với các ngành khác, đoàn kết với nhân dân. Có thế thì công tác mới làm được.

Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của công an rất lớn, rất nặng nề. Cho nên phải xây dựng một bộ máy công an rất tốt, rất chắc chắn. Ai phải xây dựng? Mỗi một cán bộ công an đều có trách nhiệm vào đấy. Ai cũng tiến bộ, cũng khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm, thì toàn bộ bộ máy công an sẽ tốt. Điều đó thật là rõ ràng, dễ hiểu cho nên mỗi cán bộ công an phải cố gắng, gương mẫu trong học tập, trong công tác, gương mẫu về đạo đức cách mạng.

Bác nói mấy lời tóm tắt về Hội nghị Mátxcơva.

Hai bản Tuyên ngôn và Tuyên bố rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn.

- Từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, đây là lần đầu tiên, các đảng anh em họp mặt đông đủ bàn việc thế giới.

- Bản tuyên bố của 12 nước xã hội chủ nghĩa đều nhất trí xác định đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội - do dân chủ bàn bạc mà đi tới thống nhất nhận định.

- Hai bản nêu lên rằng tư tưởng xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh. Trước đây, xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có 200 triệu nhân dân Liên Xô mà nay, chỉ trong vòng 10 năm, đã có 950 triệu người rồi. Phe xã hội chủ nghĩa thật rộng lớn, năm ngoái Bác đi bốn vạn cây số mà chỉ đi trong gia đình mình thôi. Có những nước lớn không phải xã hội chủ nghĩa nhưng chống đế quốc: ấn Độ, Miến Điện, Inđônêxia, Ai Cập. Dân số thế giới là 2.500 triệu, dân số đế quốc chỉ có 400 triệu. Phe xã hội chủ nghĩa càng phát triển thì phe đế quốc càng “teo” lại, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh thì phe đế quốc ngày càng đi đến đường cùng.

Dân ta, Đảng ta có góp phần quan trọng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của hòa bình. Ta hết sức tin tưởng vào thắng lợi ấy,  mặc dầu trước mắt còn rất nhiều khó khăn, khó khăn trong đời sống, khó khăn vì đất nước bị tạm thời chia cắt. Nhưng khó khăn chỉ là nhất thời còn thuận lợi thì là căn bản. Ta tin chắc ta thắng lợi. Do đó mà ra sức khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Đó là ý nghĩa tóm tắt của hai bản Tuyên bố và Tuyên ngôn. Mỗi người đều phải góp phần thực hiện ý nghĩa và mục đích của hai bản đó.

Các cô các chú có quyết tâm thực hiện không?

Cuối cùng, Bác chúc các cô các chú đoàn kết, tiến bộ, gắng làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nhân dân, của Đảng giao cho. Bác tặng hội nghị bài thơ:

Đoàn kết, cảnh giác,

Liêm, chính, kiệm, cần.

Hoàn thành nhiệm vụ,

Khắc phục khó khăn,

Dũng cảm trước địch,

Vì nước quên thân,

Trung thành với Đảng,

Tận tụy với dân.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, tr.247-249)

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: