28. Phải xem trọng ý kiến của quần chúng
Nhân dân ta đã tiến bộ nhiều. Không những trong các cuộc hội họp, quần chúng đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, mà nhiều khi còn gửi thư cho các báo, cơ quan và đoàn thể, hoặc thành khẩn phê bình và tự phê bình hoặc nêu những đề nghị thiết thực.
Đó là một điều rất tốt: Nó làm cho nhân dân càng gần gũi và càng tin tưởng đoàn thể và chính quyền. Nó làm cho đoàn thể và chính quyền càng hiểu thấu nguyện vọng của quần chúng, càng thấy rõ những thiếu sót của mình để sửa chữa. Nó làm cho chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ. Nó càng chứng tỏ chế độ của ta là thật sự dân chủ.
Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa. Nếu lời phê bình có chỗ không thật đúng, thì phải giải thích rõ ràng cho quần chúng hiểu.
Nhưng dù phê bình đúng cả hay là chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình. Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đày tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân. Nhiều cán bộ ta cố gắng làm đúng như thế. Nhưng vẫn có nhiều cán bộ không làm đúng như vậy. Vài thí dụ:
Các báo thường đăng lời phê bình của nhân dân. Nhưng nhiều khi như "nước đổ đầu vịt", cán bộ cơ quan và đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và hứa sửa chữa.
Thậm chí có cán bộ địa phương đã tự tiện bóc thư cấp trên gửi cho nhân dân, dùng dằng trao thư ấy cho nhân dân một cách chậm trễ, hoặc không trao mà cán bộ tự viết trả lời cho cấp trên (như Ủy ban hành chính xã Đồng Minh, Nam Định). Có cán bộ đã dọa nạt nhân dân vì họ đã gửi thư cho cấp trên (như Phó Chủ tịch xã Xuân Yên, Hà Tĩnh).
Làm như vậy, các đồng chí ấy đã phạm kỷ luật: Một là bóc thư riêng của người khác; hai là bưng bít tai mắt cấp trên, bịt mồm bịt miệng quần chúng. Sai lầm ấy phải được chấm dứt.
Một điểm nữa cần nói: Phê bình và đề nghị là quyền dân chủ của mọi công dân. Khi gửi thư cần suy xét kỹ lưỡng, bày tỏ thật thà, viết tên họ và địa điểm rõ ràng, thì cơ quan nhận được thư mới có thể điều tra, nghiên cứu. Thư mà không có tên họ và địa điểm là không có giá trị gì.
Nói tóm lại, cán bộ, cơ quan và đoàn thể cần thật sự xem trọng ý kiến của quần chúng nhân dân.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 900, ngày 21-8-1956).
29. Bài nói chuyện tại Lớp nghiên cứu chính trị kháo 2 trường Đại học Nhân dân Việt Nam
Hôm nay tôi muốn nói một câu chuyện rất giản đơn, nông cạn, câu chuyện về Tam tự kinh. Câu đầu tiên Tam tự kinh là "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Chúng ta mượn câu ấy làm đầu đề nói chuyện.
Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.
Thiện nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Trong xã hội có thiện và cũng có ác.
Theo nghĩa rộng thì cả thế giới và trong một nước có thiện và có ác. Theo nghĩa hẹp thì trong bản thân và tư tưởng của mỗi một người cũng có thiện và có ác.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân chỉ lo làm lợi cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, ngày càng tiến bộ về vật chất và tinh thần, làm cho trong xã hội không có người bóc lột người. Thế là thiện.
Tư bản, đế quốc và phong kiến chỉ lo bóc lột nhân dân, thậm chí gây chiến tranh giết hại nhân dân, để làm lợi cho một nhóm ít người. Thế là ác.
Ở nước ta hiện nay, chế độ dân chủ cộng hoà của ta dù có những sai lầm thiếu sót vì chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và còn có nhiều khó khăn, Đảng và Chính phủ chỉ lo phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là của nhân dân lao động chân tay và lao động trí óc. Thế là thiện.
Chế độ độc tài của Mỹ - Diệm ở miền Nam chỉ lo cho lợi ích của một nhóm đế quốc, phong kiến và tư sản mại bản. Thế là ác.
Nói về mỗi một người chúng ta, nếu hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thế là thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích chung của nước nhà, của dân tộc. Thế là ác. Thực hành chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Thế là thiện. Nếu phạm phải quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng. Thế là ác.
Thiện và ác là hai cái mâu thuẫn, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh ấy phải trường kỳ và gian khổ, nhưng cuối cùng thì ác nhất định bại, thiện nhất định thắng.
Thí dụ, trước đây độ 40 năm, nhân dân cả thế giới đều bị thế lực ác, tức là phong kiến, tư bản và đế quốc thống trị. Nhưng hiện nay trên 1/3 tổng số nhân dân thế giới là phe dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu. Thêm vào đó lại có những nước Á - Phi mới được giải phóng khỏi ách đế quốc thành những nước độc lập, tự do, như ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện, Ai Cập, v.v.. Tất cả các nước trên đây cộng lại có độ 1.500 triệu nhân dân, tức là hơn một nửa nhân dân thế giới. Thế là trên thế giới phe thiện ngày càng phát triển và mạnh mẽ, phe áC ngày càng sa sút và suy đồi.
Trước đây mười hai năm, ở nước ta phe ác là thực dân và phong kiến rất mạnh, chúng thẳng tay áp bức bóc lột nhân dân ta.
Lúc đó Đảng chỉ mới có một số ít đồng chí hoạt động bí mật. Thường có những đồng chí bị bắt bớ, chém giết. Nhưng Đảng tin chắc rằng ta hy sinh phấn đấu để giải phóng nhân dân, ta là thiện, ta nhất định thắng. Vì mục đích chính đáng và tin tưởng vững chắc, cho nên dù đế quốc và phong kiến khủng bố ác liệt,
Đảng vẫn phát triển mạnh, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, lập nên chế độ dân chủ cộng hoà, kháng chiến thắng lợi, hoàn toàn giải phóng cả miền Bắc nước ta.
Từ ngày hòabình lập lại, Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế và phát triển văn hoá, đã thu được nhiều kết quả. Thí dụ:
- Về kinh tế chúng ta đã khôi phục được hơn 22 xí nghiệp.
- Đã mở mang thêm 20 xí nghiệp.
- Đã xây dựng 47 xí nghiệp to và nhỏ.
- Đã xây dựng lại hơn 530 cây số đường sắt, một công trình mà thực dân Pháp cần mười năm mới làm được; nhưng với sự cố gắng của công nhân ta, với sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc và sự săn sóc của Đảng và Chính phủ, chỉ mười mấy tháng ta đã làm xong.
Về văn hóa giáo dục, hồi Pháp thuộc, năm 1938 - 1939 tất cả học sinh từ tiểu học đến đại học có chừng 30 vạn người. Hiện nay mặc dầu nhiều khó khăn, riêng ở miền Bắc ta có chừng 80 vạn học sinh, trong số đó hơn 4 vạn người được Chính phủ giúp học bổng; mỗi năm học bổng cho sinh viên và học sinh cùng trợ cấp cho các lớp huấn luyện khác cộng là 8.385 triệu đồng ngân hàng.
Những thí dụ ấy lại chứng tỏ chế độ ta là thiện, chế độ thực dân phong kiến là ác.
Bản thân mọi người chúng ta đều chịu ảnh hưởng của xã hội cũ hoặc nhiều, hoặc ít. Cho nên trong người chúng ta hoặc nhiều hoặc ít không tránh khỏi có cái ác, như tự đại, tự kiêu, tự tư, tự lợi. Nhưng với sự giúp đỡ giáo dục của Đảng và Chính phủ, sự cố gắng học tập và cải tạo của mọi người, thì cái áC trong mình chúng ta ngày càng bớt, cái thiện ngày càng tăng.
*
* *
Nhân đây tôi nói tóm tắt vài vấn đề mà tôi vừa nghe thảo luận ở một lớp nghiên cứu khác, chắc ở đây cũng có thảo luận những vấn đề ấy.
Đảng đã có những thành tích lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi như đã nói trên. Nhưng Đảng cũng đã có những sai lầm khuyết điểm trong cải cách ruộng đất. Là một đảng chân chính cách mạng, Đảng thật thà nhận sai lầm khuyết điểm của mình, quyết tâm sửa chữa và nhất định sửa chữa được.
Trong cải cách ruộng đất, cán bộ đã phạm những sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng, cần phải kiên quyết sửa chữa. Nhưng không nên vì sai lầm khuyết điểm mà phủ nhận thành tích của cải cách ruộng đất tức là giai cấp phong kiến địa chủ đã bị đánh đổ, độ 8 triệu nông dân đã có ruộng cày. Đó là một thành tích không ai có thể chối cãi được. Cần nhận rõ như thế để không vì sai lầm khuyết điểm mà bi quan. Trái lại vẫn giữ vững lòng tin tưởng vào Đảng và Chính phủ.
Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ.
Trong nội bộ Đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc. Người đảng viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng.
*
* *
Về chuyên chính dân chủ nhân dân: Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai? Dưới chế độ phong kiến, tư bản, chuyên chính là số ít người chuyên chính với đại đa số nhân dân. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân.
Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khoá. Nhà thì phải có cửa. Khóa và cửa cốt đề phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khoá, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khoá, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khoá, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ.
Kết luận: Cần hữu công, hý vô ích, giới chi tai, nghi miễn lực, nghĩa là:
Lười thì không tiến bộ, siêng thì chắc thành công.
Các bạn cố gắng mãi, như vậy là anh hùng!
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t. IV, tr. 25-29).
- Bài nói tại trường Công an Trung ương
Bác thay mặt Đảng và Chính phủ hỏi thăm sức khỏe các cô các chú.
Các cô các chú có tham gia chống hạn không?
Bác khen các cô các chú học sinh, cán bộ hướng dẫn và anh chị em phục vụ cơm nước.
Bây giờ vào đề:
Các cô các chú muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội không?
Tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an có trách nhiệm gì?
Là một bộ phận của cả bộ máy Nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân.
Dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự, vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân, vì nhân dân có tin yêu công an thì mới giúp công an chuyên chính thực sự được với địch.
Dân chủ và chuyên chính thật là quan hệ mật thiết với nhau. Có chuyên chính thực sự, có dân chủ thực sự thì mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được. Vì kẻ địch không thể phá hoại được ta mà nhân dân thì an tâm thực hành tiết kiệm và hăng hái sản xuất để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn góp phần vào việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, công an phải chuyên chính thực sự và dân chủ thực sự.
Tiến lên chủ nghĩa xã hội là một công cuộc rất phức tạp và nhiều gian khổ.
- Khi chống đế quốc, ai, giai cấp nào yêu nước, đều được tham gia đấu tranh, kể cả địa chủ, quan lại ghét Tây, thế là đông người tham gia nhất.
- Bước vào cải cách ruộng đất, thì địa chủ phản đối ta.
- Bây giờ phải tiến lên chủ nghĩa xã hội thì giai cấp tư sản không thích. Vậy là cách mạng càng tiến lên càng khó khăn. Công việc chính quyền, công an càng khó khăn, càng phức tạp. Nhân viên, cán bộ công an càng phải nâng cao chí khí cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác.
Chính vì vậy Đảng, Chính phủ rất chú ý đến công tác của công an và đến việc giáo dục cán bộ công an. ở trường này một người giúp đỡ hướng dẫn 4 học viên. Một người phục vụ 4 người như thế là thiếu hay là thừa? Bác thấy là nhiều đấy. Học sinh thì 95% là đảng viên, chỉ còn 5% là ngoài Đảng. Ngoài Đảng nhưng Đảng rất tin cậy, vì các cán bộ đó đã được chọn lọc, rất trung thành với Đảng. Đảng viên thì hầu hết là huyện ủy viên, một số ít là cán bộ tỉnh. Không có cơ quan nào lại nhiều cán bộ như thế này. Vậy chớ còn kêu là ít cán bộ. Phải thấy là Đảng, Chính phủ hết sức chăm sóc. Các cô các chú phải xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và Chính phủ.
Còn về phần cán bộ công an thì phải như thế nào?
Không phải chỉ muốn không là được. Miệng nói tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng tư tưởng còn không thông và hành động còn không đúng thì không tiến lên được. Trước hết cán bộ phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã. Rồi cán bộ làm cho nhân dân hiểu để nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Khi đó cả xã hội mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Là mỗi người hãy nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước. Phải chống chủ nghĩa cá nhân.
Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn.
Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm. Phải đề cao tính tổ chức, đề cao kỷ luật. Chống chủ nghĩa ba phải; trái phải, phải dứt khoát, phải rõ ràng, không được nể nang. Can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình. Xác định toàn tâm toàn ý, 100% phục vụ nhân dân. Có thế mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Còn so sánh địa vị, còn suy bì hưởng thụ thì chỉ có 50% phục vụ nhân dân còn 50% là phục vụ cá nhân mình. Công an là bộ máy giữ gìn chính quyền chống thù ngoài địch trong, mà còn chủ nghĩa cá nhân là còn có địch ở bên trong, địch ở trong con người mình. Kẻ địch ấy lại không thể lấy súng bắn vào được. Phải ra sức phấn đấu rèn luyện tư tưởng mới khắc phục được nó. Khắc phục chủ nghĩa cá nhân là bước rất quan trọng để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Về công tác: Phải đi sâu, phải thiết thực, phải điều tra nghiên cứu, không được chủ quan, tự túc tự mãn. Gặp khó khăn, thất bại không được nản chí.
Muốn phục vụ nhân dân tốt phải đi đường lối quần chúng. Được nhân dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được. Không đi đường lối quần chúng là không gần nhân dân, là thiếu dân chủ, là trở thành quan liêu. Quan liêu thì không đoàn kết được ai. Thế mà đoàn kết là rất cần thiết, đoàn kết nội bộ ngành công an, đoàn kết với các ngành khác, đoàn kết với nhân dân. Có thế thì công tác mới làm được.
Đối với nhân dân, đối với Đảng, với cách mạng xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của công an rất lớn, rất nặng nề. Cho nên phải xây dựng một bộ máy công an rất tốt, rất chắc chắn. Ai phải xây dựng? Mỗi một cán bộ công an đều có trách nhiệm vào đấy. Ai cũng tiến bộ, cũng khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm, thì toàn bộ bộ máy công an sẽ tốt. Điều đó thật là rõ ràng, dễ hiểu cho nên mỗi cán bộ công an phải cố gắng, gương mẫu trong học tập, trong công tác, gương mẫu về đạo đức cách mạng.
Bác nói mấy lời tóm tắt về Hội nghị Mátxcơva.
Hai bản Tuyên ngôn và Tuyên bố rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn.
- Từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, đây là lần đầu tiên, các đảng anh em họp mặt đông đủ bàn việc thế giới.
- Bản tuyên bố của 12 nước xã hội chủ nghĩa đều nhất trí xác định đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội - do dân chủ bàn bạc mà đi tới thống nhất nhận định.
- Hai bản nêu lên rằng tư tưởng xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh. Trước đây, xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có 200 triệu nhân dân Liên Xô mà nay, chỉ trong vòng 10 năm, đã có 950 triệu người rồi. Phe xã hội chủ nghĩa thật rộng lớn, năm ngoái Bác đi bốn vạn cây số mà chỉ đi trong gia đình mình thôi. Có những nước lớn không phải xã hội chủ nghĩa nhưng chống đế quốc: ấn Độ, Miến Điện, Inđônêxia, Ai Cập. Dân số thế giới là 2.500 triệu, dân số đế quốc chỉ có 400 triệu. Phe xã hội chủ nghĩa càng phát triển thì phe đế quốc càng “teo” lại, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng mạnh thì phe đế quốc ngày càng đi đến đường cùng.
Dân ta, Đảng ta có góp phần quan trọng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của hòa bình. Ta hết sức tin tưởng vào thắng lợi ấy, mặc dầu trước mắt còn rất nhiều khó khăn, khó khăn trong đời sống, khó khăn vì đất nước bị tạm thời chia cắt. Nhưng khó khăn chỉ là nhất thời còn thuận lợi thì là căn bản. Ta tin chắc ta thắng lợi. Do đó mà ra sức khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Đó là ý nghĩa tóm tắt của hai bản Tuyên bố và Tuyên ngôn. Mỗi người đều phải góp phần thực hiện ý nghĩa và mục đích của hai bản đó.
Các cô các chú có quyết tâm thực hiện không?
Cuối cùng, Bác chúc các cô các chú đoàn kết, tiến bộ, gắng làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nhân dân, của Đảng giao cho. Bác tặng hội nghị bài thơ:
Đoàn kết, cảnh giác,
Liêm, chính, kiệm, cần.
Hoàn thành nhiệm vụ,
Khắc phục khó khăn,
Dũng cảm trước địch,
Vì nước quên thân,
Trung thành với Đảng,
Tận tụy với dân.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, tr.247-249)
Quốc Thành (tổng hợp)