8. Tư cách người công an cách mệnh
…
Trên báo, cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.
Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong.
Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tuỵ.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng. Những điều đó, chẳng những nên luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi các anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ, v.v.).
Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian, v.v.. Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn giữ lễ phép. Tránh hách dịch, v.v..
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr 498-499)
9. 6 điều không nên và 6 điều nên làm
Nước lấy dân làm gốc.
Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân, vậy tất cả anh chị em các bộ đội, cơ quan Chính phủ và các đoàn thể, trong khi tiếp xúc hoặc sống chung với nhân dân, ai ai cũng phải nhớ và thực hành 12 điều sau đây:
6 điều không nên:
- Không nên làm điều gì có thể thiệt đến nương vườn, hoa màu, hoặc làm bẩn, làm hư nhà cửa, đồ đạc của dân.
- Không nên năn nỉ quá hoặc mượn cho bằng được những đồ vật người ta không muốn bán hoặc cho mượn.
- Không nên đưa gà còn sống vào nhà đồng bào miền ngược.
- Không bao giờ sai lời hứa.
- Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân (như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà, v.v.).
- Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ.
6 điều nên làm:
- Giúp công việc thực tế hàng ngày cho đồng bào (như việc gặt hái, lấy củi, nước, vá may, v.v.).
- Tùy khả năng mà mua giùm những đồ cần dùng cho những người ở xa chợ búa (như dao, muối, kim, chỉ, bút, giấy, v.v.).
- Nhân những lúc rảnh, kể cho đồng bào nghe những chuyện vui ngắn, giản dị có ích lợi cho tinh thần kháng chiến mà không lộ bí mật.
- Dạy dân chữ quốc ngữ và những điều vệ sinh thường thức.
- Nghiên cứu cho hiểu rõ phong tục mọi nơi, trước là để gây cảm tình và sau để dần dần giải thích cho dân bớt mê tín.
- Làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật.
Bài thơ cổ động
Mười hai điều trên,
Ai làm chả được.
Hễ người yêu nước,
Nhất quyết không quên.
Tập thành thói quen,
Muôn người như một.
Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr502)
10. Phải tẩy sạch bệnh quan liêu
Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân.
Hồ Chủ tịch luôn luôn nhắc nhủ chúng ta về điểm đó.
Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh.
Lại phải hiểu và làm cho dân hiểu: Lợi ích tạm thời và lợi ích riêng, phải phục tòng lợi ích lâu dài và lợi ích chung. Lợi ích địa phương phải phục tòng lợi ích toàn quốc, toàn dân tộc. Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải:
- Luôn luôn gần gũi nhân dân.
- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.
- Học hỏi nhân dân.
- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Bốn điều ấy cần phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân.
Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân.
Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân.
Nhiều cán bộ ta đã hiểu và đã thực hành như thế.
Nhưng còn nhiều cán bộ chưa hiểu và không thực hành như thế, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng.
Bệnh quan liêu là thế nào?
Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình. Một thí dụ: Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết, thì không nói đến.
Chứng bệnh ấy tỏ ra bằng màu vẻ:
Đối với người:
Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng - chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.
Đối với việc:
Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ra chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.
Đối với mình:
Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí. Một vẻ quan liêu nữa là: chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình. Tham ô, hủ hoá. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”.
Đó là mấy vẻ chính của bệnh quan liêu. Nếu không lo chữa, thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải.
Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:
- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.
- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
- Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
- Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.
Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải.
(Đăng trên Báo Sự thật, số 140, ngày 2-9-1950. năm 1948)
11. Dân vận
Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại.
I- Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
II- Dân vận là gì?
Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho.
Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
III- Ai phụ trách dân vận?
Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận. Thí dụ trong phong trào thi đua cho đủ ăn, đủ mặc.
- Cán bộ chính quyền và cán bộ Đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn...
- Cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ, v.v.. Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm.
IV- Dân vận phải thế nào?
Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc.
Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại.
Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.
(Đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15-10-1949).
11. Bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong
Về Hội nghị tổng kết, Bác có mấy ý kiến:
Trong Hội nghị này, có những cán bộ đã trực tiếp tham gia chiến dịch về kiểm thảo ưu điểm, khuyết điểm. Lại có cán bộ các khu, các đơn vị, các cơ quan không tham gia chiến dịch, đến để học tập kinh nghiệm. Tự phê bình, phê bình, tổng kết, phổ biến và học tập kinh nghiệm đó là việc rất hay, nên gây thành một tác phong chung trong quân đội, chính quyền và đoàn thể. Trong việc tổng kết này có mấy điểm cần chú ý:
- Đề cao kỷ luật
Trên dưới đều phải giữ kỷ luật. Phải kiểm thảo từ dưới lên, từ trên xuống. Cấp nào cũng phải kiểm thảo. Phải làm cho tất cả mọi người đội viên, cũng như cán bộ đều thấm nhuần, thì mới có kết quả.
- Triệt để thi hành mệnh lệnh cấp trên
Mệnh lệnh cấp trên đưa xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành. Trung Quốc có câu: “Quân lệnh như sơn” nghĩa là lệnh cấp trên đã ra thì vô luận thế nào cũng phải làm. Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy.
- Thương yêu đội viên
Cán bộ phải thương yêu đội viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ. Cán bộ cóthân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị, mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành. Phải khen thưởng các chiến sĩ có công, cất nhắc các cán bộ và đội viên tiến bộ, nhất là đối với những người đã ở trong quân đội lâu năm.
- Tôn trọng nhân dân
Phải biết trọng nhân dân. Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân; mùa tới phải gặt hộ dân; dạy bình dân học vụ cho dân quân và bộ đội địa phương ở đó.
- Giữ gìn của công, chiến lợi phẩm
Của công là do mồ hôi nước mắt của đồng bào góp lại. Bộ đội phải giữ gìn bảo vệ, không được hoang phí. Phải chấm dứt những hành động bán gạo của dân góp cho, làm hư hỏng dụng cụ, bắn phí đạn dược.
Chiến lợi phẩm cũng là của công, của nhân dân, của quốc gia, không phải của địch. Súng đạn, thuốc men, dụng cụ, lương thực là máu mủ của đồng bào.
Chiến sĩ ta lại phải đổ máu mới lấy lại được. Phải biết thương tiếc, giữ gìn, bảo vệ. Không được phung phí, hoặc chiếm làm của riêng cá nhân, khi canh gác phải biết thu dọn cho ngăn nắp, và che mưa nắng cho chu đáo.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr458)
13. Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18
…
- Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng, thì không làm gì được. Bởi vậy cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng.
- Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội. Trong mấy chiến dịch vừa qua, nói chung bộ đội ta đã biết giúp đỡ dân, thương yêu dân. Nhưng cũng còn có chú dọa nạt dân, mượn của dân không trả, mua rẻ của dân. Phải sửa chữa những khuyết điểm ấy. Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc.
Ngày mai, các chú họp, phải tự phê bình thật nghiêm khắc về các khuyết điểm, rồi ra sức sửa chữa cho bằng được. Về đơn vị các chú phải hướng dẫn bộ đội tự phê bình, chỉ trích về các khuyết điểm và đặt kế hoạch cho đơn vị mình sửa chữa cho bằng được. Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng.
(Đăng trên Báo Quân đội nhân dân, số 15, ngày 4-5-1951).
Quốc Thành (tổng hợp)