24. Nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an
…
Nhiệm vụ của công an thì nhiều, nhưng nói tóm tắt là bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Nên nhớ rằng bọn Mỹ - Diệm, bọn phản động không bao giờ muốn cho chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, công an phải luôn luôn cảnh giác ngăn ngừa những hành động phá hoại của chúng để bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Đó là nhiệm vụ nặng nề, gian khổ đồng thời cũng rất vẻ vang. Không phải được đăng báo, được nêu trên đài phát thanh mới là vẻ vang, mà bất kỳ làm công việc gì có ích cho cách mạng, cho nhân dân, cho xã hội đều là vẻ vang cả.
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân. Trong đầu óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái "thiện" và cái "ác", hoặc nói theo cách mới là sự đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân.
Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại.
Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ.
Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng.
Ví dụ: lười biếng, hủ hóa, suy tính tiền đồ, cho rằng ngành công an gian khổ, vất vả nhiều mà ít được ai biết, ít được huân chương; đòi hỏi đãi ngộ, so bì lương thấp, lương cao; công thần địa vị: Cho rằng ở trong Đảng lâu năm mà không được đề bạt bằng người vào Đảng ít năm hơn; không an tâm công tác; ở công an thì muốn sang ngành khác; có quyền hạn một chút là thiếu dân chủ, chỉ tay năm ngón; đối với nội bộ thì suy bì, ganh tị, không đoàn kết với nhau, v.v..
Còn có thể nêu ra nhiều ví dụ nữa, nhưng tóm lại cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần mà hết được.
Trong lớp này, các cô các chú kiểm thảo thành khẩn là điều tốt, tiến bộ. Nhưng không phải kiểm thảo xong là gột rửa hết chủ nghĩa cá nhân. Ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày. Vì vậy kiểm thảo ở đây không phải là xong, là đủ mà còn phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm thảo trong mọi việc.
Bác nói một điểm nữa là: Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân.
Một điểm nữa là tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Như Bác đã nói ở trên, nhiệm vụ của các cô, các chú rất nặng nề. Muốn làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang đó, phải luôn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm. Có như vậy mới xứng đáng là người cán bộ được Đảng và nhân dân tín nhiệm.
Tóm lại:
- Phải trau dồi đạo đức cách mạng,
- Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Muốn vậy phải luôn luôn chống chủ nghĩa cá nhân.
(Trích trong cuốn Phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.84-86).
25. Bài nói tại Đại hội đại biểu công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI
Như các cô, các chú đã biết Quốc hội đã liên tiếp thông qua Luật Lao động, Luật Công đoàn. Trong Quốc hội khóa II này, số công nhân được cử vào Quốc hội đông hơn lần trước nhiều. Nếu nói cả số đại biểu các tầng lớp lao động thì có tới hơn một nửa trong Quốc hội. Vai trò của giai cấp công nhân ngày càng được coi trọng.
Vậy công nhân phải làm thế nào để xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và Đảng…
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.634)
26. Nói chuyện với công đoàn Cuba
1. Công an Cuba có nhiều kinh nghiệm giới thiệu cho công an Việt Nam. Công an Việt Nam cũng giới thiệu một số kinh nghiệm cho công an Cuba. Hai bên học tập lẫn nhau. Nhưng khi học tập lẫn nhau phải sáng tạo. Kinh nghiệm cách mạng các nước phải học tập lẫn nhau. Phải học tập và sáng tạo. Học tập và sáng tạo đi liền với nhau
2. Trong công tác, kẻ địch cũng rút kinh nghiệm, cho nên địch có cải tiến công tác của nó, nhưng có điều cơ bản nó không học nổi, đó là học lấy lòng dân. Bọn Ngô Đình Diệm đề ra cải cách ruộng đất để lấy lòng dân, nhưng vì chủ trương của nó là giả tạo, nên Diệm đổ và những tên tiếp sau nó cũng đổ.
Mỹ có học tập kinh nghiệm của Mã Lai, mời Thiếu tướng cảnh sát Anh Thomxơn ở Mã Lai sang giúp cảnh sát miền Nam, cử Lanxđan - một tên chỉ huy đã thành công trong việc đàn áp du kích Philippin sang Việt Nam để giúp bọn tay sai miền Nam. Hai tên này đã có kinh nghiệm thành công ở Mã Lai và Philíppin. Mỹ cũng học tập kinh nghiệm của bọn Nhật và bọn Pháp. Nhật có cử cố vấn bí mật giúp cho bọn Mỹ. Chính phủ Pháp không giúp Mỹ, nhưng có những tên Pháp giúp Mỹ. Dù có học tập kinh nghiệm cải tiến công tác gì đi nữa cũng không lấy được lòng dân, vì bản chất của chúng là chống lại nhân dân.
Công tác công an có nhiều bí mật. Trong cuộc đấu tranh có nhiều việc ta giấu địch và địch cũng giấu ta, nhưng có việc ta không giấu mà địch vẫn không học nổi.
3. Mỹ đang thực hiện âm mưu chiến lược của chúng ở miền Nam. Chúng đã tiến hành chiến tranh đặc biệt19 và đang tiến hành chiến tranh cục bộ20. Chúng đang thí nghiệm âm mưu của chúng trên các mặt: quân sự, chính trị và kinh tế.
- Về quân sự, chúng thí nghiệm các loại vũ khí, trừ nguyên tử.
- Về chính trị, chúng thí nghiệm tổ chức các đảng phái phản động. Nếu Mỹ thắng ở miền Nam thì rất tai hại cho phong trào cách mạng thế giới. Nhưng chắc chắn là nó không thắng.
Hiện nay có mấy nước đang đấu tranh kịch liệt với đế quốc: Cuba, Triều Tiên, Việt Nam. Điều thuận lợi là ở 3 nước có 3 đảng lãnh đạo, nhân dân 3 nước không những có đảng lãnh đạo, mà còn có đường lối đúng. So với nhiều nước châu Phi thì ở đó chưa có đảng. ở một số nước Mỹ Latinh xuất hiện nhiều đảng nên chưa đoàn kết thống nhất, phong trào bị chia rẽ, đó là những khó khăn.
4. Công tác công an rất cần, rất quan trọng nhưng đồng thời cũng rất khó. Tình báo, gián điệp đế quốc rất nguy hiểm. Cơ quan CIA cũng muốn chui vào để làm hại. Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả. Do đó, công tác công an phải dựa vào quần chúng. Cũng giống như quân sự cũng phải dựa vào dân, công an cũng phải dựa vào dân. Vấn đề kỹ thuật trong công tác công an cũng cần, nhưng vấn đề quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền cho dân, để quản lý tốt tai, mắt, miệng của dân, làm thế nào dân giúp công an để phát hiện địch và giấu địch những điều của ta. Nói cho địch là phải nói dối, nói cho ta thì nói thật. Mắt để phát hiện địch. Tai cũng vậy. Tổ chức tốt quần chúng để giấu không cho địch biết và bảo vệ ta. Cho nên cần có kỹ thuật, nhưng chủ yếu là phải dựa vào dân. Ví dụ: Công an Cuba có 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và 100 vạn người tích cực giúp đỡ công an, như thế vẫn chưa đủ, vì trong số 7 triệu mà chỉ 1 triệu giúp chưa đủ, phải cả 7 triệu giúp.
Đối với công an Việt Nam có làm được một số việc, có một số kết quả, nhưng Bác chưa bằng lòng vì trong công tác còn sơ hở, do đó cần cố gắng nhiều, cần phải học nữa. Vấn đề dựa vào dân, công an phải có thiên la địa võng như trong chiến tranh du kích có thiên la địa võng về quân sự.
5. Dân ở Cuba cũng như ở Việt Nam rất tốt. Nhân dân sống dưới chế độ bị trị nay được giải phóng, được đưa lại quyền lợi, biết so sánh chế độ nên họ yêu mến chế độ này, ủng hộ chế độ này. Nhưng không phải 100% yêu mến chế độ. Trên 95% ủng hộ ta. Còn 5% chưa ủng hộ ta. Ví dụ: Những phần tử tư sản bị tịch thu tài sản không ủng hộ ta. Bọn địa chủ bị tịch thu ruộng đất không ủng hộ ta. Ta có thể tịch thu nhà máy của chúng nhưng không tịch thu được bộ óc nó. Ta có thể cải tạo kinh tế của chúng, nhưng khó cải tạo đầu óc của chúng. Nên khi nào ta mạnh chúng nằm im, nếu ta yếu thì chúng trỗi dậy. Do đó phải rất cảnh giác. ở Việt Nam có vấn đề tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo; nơi nào cán bộ tốt, tổ chức hợp tác xã đưa lại quyền lợi cho giáo dân thì giáo dân rất đồng tình... Giáo dân dễ dàng phân biệt: Khi chưa giải phóng, giai cấp địa chủ, nhà thờ bóc lột nông dân giáo dân. Ví dụ: 1 cụ già sống 120 tuổi ở Nghệ An, khi sống đến 110 tuổi thì cải cách ruộng đất ở Nghệ An, sau cải cách ruộng đất mới được ăn thử miếng đường đầu tiên, nghĩa là trong 110 năm trước chưa được ăn đường. Sau giải phóng, sau cải cách ruộng đất, trong làng có nhiều nhà ngói, đời sống được nâng cao, có nhà y tế... Nếu giáo dục tốt thì giáo dân có thể đấu tranh: Cha chỉ nói phần hồn thôi, còn phần đời thì để cho Chính phủ. Một số địa phương, giáo dân có câu: Sống theo Đảng, chết theo Chúa. Đối với người cộng sản thì nếu họ nói chết rồi theo Chúa thì không sao.
Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác. Ví dụ: Trong việc bắt gián điệp biệt kích cũng nhờ có dân.
6. Hoàn cảnh Cuba có phần khó hơn Việt Nam. Đất đai hẹp hơn Việt Nam, xung quanh đều là biển, lại gần đế quốc Mỹ. Nếu Mỹ xâm nhập thì có nhiều chỗ thuận tiện. Tuy có khó, nhưng cách mạng Cuba thành công và xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Cuba là cái ngòi và là bước đầu cho cách mạng Mỹ Latinh thành công.
Mỹ có 200 triệu, Cuba có 7 triệu dân, nhưng Cuba cách mạng thành công, cho nên nhân dân Việt Nam rất thán phục Cuba.
Các đồng chí có quyền hoàn toàn tự hào, nhưng đừng tự mãn. Mà rất cần cảnh giác.
Ta không cần máy móc điện tử để nghe Mỹ về kế hoạch phá hoại Cuba, nhưng ta cũng biết rằng Mỹ đang âm mưu phá hoại Cuba vì nó căm thù Cuba cực độ, vì nếu có Cuba cách mạng, Cuba là chỗ dựa cho cách mạng Mỹ Latinh nên ta phải cảnh giác kẻ địch bên ngoài và kẻ địch bên trong.
Kẻ địch ít nhưng rất nguy hiểm: Ví dụ, xây dựng một căn nhà cần nhiều người nhưng chỉ cần một người có thể phá nhà.
Tuy căm thù Cuba nhưng trước mắt, Mỹ chưa phải phát động chiến tranh chống Cuba ngay, vì đế quốc Mỹ còn vướng cẳng ở Việt Nam; chưa dám tấn công Cuba, nhưng nó tích cực phá hoại, cho nên cần cảnh giác.
7. Việt Nam và Cuba trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Nhưng kinh nghiệm đây chỉ là nguyên tắc. Giữa Cuba và Việt Nam có nhiều chỗ giống nhau, nhân dân được hưởng tự do rồi, nhân dân hai nước rất tốt. Đó là giống nhau. Đồng thời có chỗ khác nhau. Ví dụ: Đời sống nhân dân Cuba cao hơn Việt Nam.
Phong tục tập quán cũng khác với Việt Nam. Cuba dễ bị bao vây, ảnh hưởng đời sống nhân dân, do đó có thể gặp nhiều khó khăn.
Nhưng nếu khéo tổ chức nhân dân thì có thể vượt khó khăn. Cho nên người cách mạng phải có tinh thần lạc quan cách mạng. Vì nếu không có khó khăn thì không có cách mạng.
Đối với quần chúng, vì trình độ quần chúng còn thấp, phải nói đơn giản, gọn. Ví dụ: Trong thời kỳ hoạt động bí mật áp dụng khẩu hiệu 3 không - quần chúng hiểu và làm được, đồng thời phát huy sáng tạo của mình, ví dụ khi địch rải gio, căng dây, để phát hiện cán bộ, thì quần chúng đã bảo vệ cán bộ và kẻ địch không phát hiện được cán bộ.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.15, tr.142)
27. Bài nói tại trường bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện
Các cô, các chú,
Hôm nay, Bác rất vui, vì ít khi Bác được gặp các đồng chí Huyện ủy đông như thế này.
Lớp học có bao nhiêu đồng chí?
Có bao nhiêu cô?
Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không? Nếu Bác nói không đúng, các đồng chí cứ phát biểu.
Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa.
…
Bây giờ lớp học sắp bế mạc, Bác căn dặn các cô, các chú mấy điều:
1. Cần nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, chịu khó đi sâu, đi sát cơ sở, hợp tác xã để hiểu rõ tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, tình hình các chi bộ và các đoàn thể quần chúng. Do đó mà có chủ trương, biện pháp cho đúng, cho kịp thời.
Điểm này có lẽ các đồng chí nắm vững rồi. Bác chỉ nhắc các cô, các chú phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước. Vấn đề này nghe thì dễ, nhưng thực hiện chưa tốt lắm. Hiện nay, có một số đồng chí Huyện ủy chưa thật sự lăn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách.
Hiện nay, mỗi Huyện ủy có từ 15 đến 20 đồng chí. Phải chia nhau mà nắm tình hình. Mỗi đồng chí Huyện ủy nắm một, hai xã. Phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, không những phải nắm vững tình hình hợp tác xã, mà còn phải nắm vững tình hình ăn, ở, học tập, sức khoẻ... của các gia đình. Nếu không đi sâu, đi sát cơ sở, nắm vững tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân thì các đồng chí làm thế nào có thể vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của tỉnh vào huyện mình?
2. Phải chăm lo xây dựng hợp tác xã, xây dựng chi bộ Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cho thật tốt. Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Cho nên các cô, các chú phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”. Phải làm thiết thực, đừng hình thức, đừng báo cáo sai.
Muốn trở thành chi bộ “bốn tốt”, trước hết đảng viên phải gương mẫu, làm đúng chính sách, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Như vậy công việc khó mấy cũng làm được.
Đoàn viên và các đội thanh niên xung phong phải là cánh tay của chi bộ, xung phong đi đầu trong sản xuất, chiến đấu. Các ban quản trị hợp tác xã phải dân chủ, phải chống tham ô, lãng phí. Tệ tham ô trong hợp tác xã bây giờ còn nhiều. Ai chịu trách nhiệm về tình hình ấy? Huyện có chịu trách nhiệm không? Trong cán bộ huyện, có cán bộ nào tham ô, mệnh lệnh không? Các cô, các chú phải nghiêm khắc kiểm tra.
3. Cán bộ, đảng viên phải đoàn kết chặt chẽ, bảo đảm dân chủ và kỷ luật trong Đảng. Đảng viên cũ, mới, già, trẻ, gái, trai phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ của Đảng có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già là vốn quý của Đảng, họ có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế đấu tranh.
Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đấy là dừng lại, không tiến lên được, hay bám lấy cái cũ, không nhạy cảm với cái mới. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có một số ưu điểm như cán bộ già, nhưng họ lại hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, cho nên tiến bộ rất nhanh.
Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú” với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “măng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm.
Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui.
Khi nói đến học tập khoa học, kỹ thuật, có người còn cho là cao xa quá. Nhưng biết nói một cách phổ thông, nôm na như chúng ta vẫn làm thì không phải là cao xa, không tiếp thụ nổi. Ví dụ: Làm bèo hoa dâu là khoa học, kỹ thuật, cách ủ phân cũng là khoa học, kỹ thuật. Khoa học, kỹ thuật là như vậy, không chịu khó học tập thì không lãnh đạo được sản xuất, không đưa được năng suất cây trồng lên.
4. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng.
Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được. Vừa rồi trên báo Nhân dân có đăng câu chuyện về phòng không. Có mấy đồng chí cán bộ xã ngồi bàn với nhau. Phòng không là phải đào hầm, xây hầm, tốn mấy vạn viên gạch, mấy nghìn cây tre và mấy trăm đồng nữa. Chi phí lớn quá và khó thực hiện. Nhưng có một cô kỹ sư có ý kiến là cần đưa ra quần chúng bàn bạc tham gia. Sau đó mời quần chúng lại, nói rõ âm mưu của địch là hiện nay nó bắn lung tung như thế, ta phải đào hầm để ẩn nấp. Vậy ta nên đào như thế nào? Thế là quần chúng giơ tay hưởng ứng, người thì xin góp mấy tấm ván, người thì xin góp mấy chục viên gạch, người thì xin góp mấy cây tre... Chỉ trong hai ngày là họ làm xong tất cả các hầm trú ẩn. ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:
Dễ mười lần không dân cũng chịu,
Khó trăm lần dân liệu cũng xong.
Ở Thái Bình, Quảng Bình và một số nơi khác đang tiến hành việc “bình công”, “báo công”. Qua bình công, báo công, ai làm được gì tốt, ai không làm hoặc làm xấu, mọi người đều biết. Đó mới thực sự dân chủ, đó là cách phê bình, tự phê bình rất tốt. Làm như vậy, quần chúng tự giáo dục cho nhau và giáo dục cho cả cán bộ nữa. Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay năm ngón”, không chịu làm. Bình công, báo công cũng là cách rất tốt để lựa chọn những người tốt mà tuyên truyền giáo dục, đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ.
Đó là cách làm công tác xây dựng Đảng rất tốt.
Các cô, các chú thấy làm như thế có tốt không?
Có làm được không?
Nhưng có đồng chí lại không làm được như thế. Từ trước tới giờ, có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói, vì sợ cán bộ “trù”, cán bộ “chụp mũ”. Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa.
5. Trước mắt, vụ sản xuất Đông - Xuân rất khẩn trương. Cần làm kịp thời vụ. Phải chú ý chăm sóc trâu bò, không để trâu bò bị rét, phải cho trâu bò ăn no, ở ấm. Chú ý giáo dục quần chúng tiết kiệm. Chớ liên hoan lu bù. Cấm nấu rượu lậu, giết lợn, bò, ăn uống lãng phí…
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 4722, ngày 14-3-1967).
Quốc Thành (tổng hợp)