Chỉ mục bài viết

 14. Dân mỹ chống chiến tranh

Đế quốc Mỹ ra sức gây chiến.

Song nhân dân Mỹ thì muốn hòa bình. Vài thí dụ:

Các đại biểu Quốc hội Mỹ như các ông Cáppơha (Capehart), Pho (Ford), Thai (Thyé), Đugla (Douglas), v.v., tuyên bố rằng 9 phần 10 cử tri ở các tỉnh đều chống chiến tranh xâm lược Triều Tiên.

Báo Tập tin tức Mỹ điều tra ý kiến của dân, kết quả thấy 9 phần 10 đòi rút quân Mỹ ra khỏi Triều Tiên.

Báo Công nhân Mỹ đăng nhiều thư của bạn đọc. Một phụ nữ viết: "Nếu để cho lũ tướng tá tếu kia tự đi đánh, thì chiến tranh sẽ không kéo dài, mà con em chúng ta sẽ được ở nhà...".

Một phụ nữ khác viết: "Ai bảo chúng ta đi đánh nửa thế giới này để bảo vệ nửa thế giới kia? Mà nửa thế giới kia có nhờ, có muốn ta bảo vệ đâu? Đó chỉ là cố ý đưa con em chúng ta đi chết đó thôi".

Một bà viết thư cho Tổng thống Mỹ:

"Ông nói rằng nhân dân ủng hộ chính sách chiến tranh của ông... Tôi đã nói chuyện với nhiều hạng người, song không một ai tán thành chiến tranh ở Triều Tiên cả. Thưa ông, chúng tôi, dân thành phố cũng như dân thôn quê, đều muốn hòa bình ngay".

Ý dân là ý trời. Đế quốc Mỹ làm trái ý dân, ý trời, cho nên chúng sẽ thất bại.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 17, ngày 19-7-1951).

15. Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh

Ai cũng biết bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm. Nhưng trong công tác thực tế, như trong việc tạm vay thóc chiêm vừa rồi, nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.

Bệnh quan liêu mệnh lệnh tự đâu mà ra?

Nguyên nhân bệnh ấy là:

Xa nhân dân: Do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.

Khinh nhân dân: Cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.

Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.

Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.

Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.

Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Thí dụ: Họ yêu cầu nhân dân đóng góp, nhưng không biết giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện sinh hoạt, để bồi dưỡng sức của, sức người của nhân dân.

Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, dọa nạt dân!

Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.

Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:

Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.

Cán bộ Đảng và chính quyền ta đều sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân. Mong rằng anh chị em đều cố gắng thi đua dùng đơn thuốc này, (thuốc đắng dã tật), chữa hết bệnh quan liêu mệnh lệnh, để trở nên người cán bộ tốt, và làm cho công việc thu thuế nông nghiệp sắp tới đạt được kết quả mỹ mãn.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 23, ngày 2-9-1951).

16. Bài nói tại Trường công an trung cấp khóa 2

Các chú các cô phải biết chính quyền của chúng ta là chuyên chính dân chủ nhân dân. Đây là nhân dân chuyên chính để đàn áp bọn thực dân xâm lược và bọn tay sai chống lại chính quyền ấy. Vì quyền lợi chung của đa số nhân dân mà chúng ta chuyên chính với thiểu số bóc lột. Chính quyền của bọn tư bản thì là chính quyền chuyên chính của một thiểu số chống lại đa số.

Chính quyền nhân dân có hai lực lượng để bảo vệ nó: Đó là quân đội và công an. Làm công tác chính quyền, ở công an hay ở quân đội, đều là làm đày tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ.

Làm công an không phải làm "quan cách mạng". Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa.

Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân.

Chắc các cô các chú cũng nhớ chúng nó là bọn đầu trâu mặt ngựa. Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt.

Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân, nhưng hiện nay các cô các chú đã làm tròn nhiệm vụ ấy chưa? Chưa. Tuy đã có nhiều người tận tâm, cố gắng, nhưng lẻ tẻ vài nơi nhân dân còn chê trách đấy! Các cô, các chú phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người công an nhân dân của một nước dân chủ nhân dân.

Tuy công an là của nhân dân, nhưng đồng thời cũng phải biết phê bình người phạm sai lầm. Trong nội bộ, công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh. Phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ công an.

Bác lấy một thí dụ: Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được.

Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại.

Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.

Dân ta rất tốt. Gặp trường hợp nguy hiểm, nếu công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân.

... Nội bộ công an từ cấp cao cho đến nhân viên phải đoàn kết nhất trí. Đoàn kết không phải là "chén chú chén anh", là anh A giấu lỗi cho anh B.

Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm  thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để xoi mói.

Công an với dân phải đoàn kết nghĩa là phải khuyến khích cho dân phê bình công an. Trong 10 lần phê bình cũng có lần đúng, có lần không đúng. Đúng thì nhận, không đúng thì giải thích. Công an với quân đội và các ngành khác cũng phải thực sự đoàn kết.

Những việc trên đây, các chú các cô cố gắng làm cho được.

(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr269)

17. Giữ bí mật

Chính phủ vừa ra sắc lệnh cho bộ đội, nhân dân, các cơ quan, đoàn thể, báo chí, cán bộ phải giữ bí mật. Đó là một việc rất quan trọng, rất hợp thời.

Mọi người đều biết rằng: Phe đế quốc là phe chiến tranh. Chúng mong dùng chiến tranh để cướp nước người ta, để làm chúa thế giới. Và trong chiến tranh, tình báo (đặc vụ, mật thám) là một bộ phận quan trọng bực nhất; nó là lỗ tai con mắt của bộ chỉ huy.

Bọn đế quốc dùng từ tòa đại sứ cho đến các hiệu buôn làm cơ quan tình báo. Tình báo địch lợi dụng đủ các hạng người làm tay sai cho chúng: Những người quý tộc "sang trọng", những cô đầu nổi tiếng xinh đẹp và hát hay, những người mượn tiếng dạy học hoặc truyền đạo, những người buôn bán, những bọn du côn. Nhiều khi chúng lợi dụng cả trẻ em. Có những người bên ngoài ra vẻ đạo đức nhân từ lắm, nhưng kỳ thực là trùm tình báo của Mỹ. Như Đức Giám mục Vũ Bân và Khâm mạng Tòa thánh là Đức cha Bibơri (Biberi) là những người tổ chức và chỉ huy tình báo Mỹ ở Trung Quốc.

Lại có bọn tình báo gọi là "mật thám chờ". Bọn này đến một địa phương nào đó, giả ăn ở rất tử tế, giả hăng hái tham gia công việc của địa phương, gây cảm tình với nhân dân địa phương. Rồi chúng lóng tai nghe, mở mắt nhìn mọi việc, mọi người. Chúng chờ 5, 10 năm, có khi lâu hơn nữa; khi điều kiện chín muồi, chúng mới phá hoại một vố.

Những vụ án phản quốc ở Liên Xô (như vụ Tờrốtxki), ở Ba Lan, ở Bảo, trước đây, và vụ Xlăngky ở Tiệp Khắc gần đây, tỏ rằng:

Tình báo địch dùng đủ cách phỉnh phờ, lừa bịp, mua chuộc, đe dọa, thậm chí ám sát, để dò bí mật của ta...

Trước kia, tình báo là một việc bí mật. Ngày nay, bọn đế quốc đã lì mặt, không giấu giếm nữa; chúng đưa tình báo thành một việc công khai: Hôm 10-10-51, Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã chuẩn y một ngân sách 100 triệu đôla, nói rõ là để giúp những phần tử phản động làm tình báo và phá hoại ở Liên Xô và ở các nước dân chủ mới; để giúp bọn phản quốc ở các nước ấy trốn ra ngoài, giúp chúng hoạt động, và vũ trang cho chúng.

Vì sao tình báo địch lại hoạt động được? Vì ta sơ suất, kém cẩn thận, không biết giữ bí mật. Cụ thể là ta còn phạm những khuyết điểm:

- Nói năng không cẩn thận. Bô lô ba la, bạ gì nói nấy. Đi ngoài đường, vào hàng quán, gặp bạn bè, cũng đưa công tác của cơ quan ra nói. Không nhớ câu: "Sừng có vạch; vách có tai; ta trong thì nói, địch ngoài thì nghe".

- Viết lách không cẩn thận. Tài liệu giấy tờ để lung tung, ai cũng có thể xem, có thể thấy. Khi viết thư cho bầu bạn, cho người nhà, thì viết cả công việc và địa điểm của cơ quan, của bộ đội. Các báo chí thì kém cẩn trọng trong việc đăng tin tức và trong lời bình luận.

- Đi lại không cẩn thận. Địa điểm cần giữ bí mật, mà người nào cũng đi lại ra vào được.

- Chỗ ở không cẩn thận. Không biết cách làm nhà cửa cho kín đáo. áo quần phơi bừa bãi. Bò ngựa gặp đâu buộc đấy. Đi ỉa, vứt giấy lung tung, v.v.. Đó là những khuyết điểm rất phổ thông, còn nhiều sự sơ hở khác.

Tình báo địch cũng như một thứ nước bẩn. Có chỗ trũng, chỗ hở thì nó chảy vào. Ta sơ hở, không biết giữ bí mật, tức là vô tình ta đã giúp địch, và đã phạm tội hại nước hại dân.

Chống tình báo địch như thế nào?

Cũng như muôn việc khác, việc chống tình báo địch, việc giữ bí mật, phải dựa vào sức quần chúng. Cán bộ và chiến sĩ không những phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật mà còn phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân giữ bí mật. Dù tinh ranh quỷ quyệt mấy, tình báo địch cũng không thể che giấu được hàng ức hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân. Nhân dân hiểu biết thì chẳng những giữ được bí mật của ta, lại còn dò biết được bí mật của địch. Kinh nghiệm các nước bạn đã chứng tỏ rằng: Nhờ lòng yêu nước và sự hiểu biết của nhân dân, mà bọn tình báo địch và  bọn phản động sớm muộn đều lòi mặt và bị bắt. ở Trung Quốc, việc chống tình báo, việc giữ bí mật đã thành một phong trào quần chúng rộng khắp, thành một bộ phận của phong trào thi đua ái quốc. Các em nhi đồng và các chị phụ nữ ở thành thị và thôn quê đã giúp chính phủ bắt được nhiều vụ tình báo và bọn phản động.

Vụ tình báo lớn của 2 đức cha Vũ Bân và Bibơri cũng do anh chị em Công giáo đưa ra ánh sáng. Nước ta cũng có kinh nghiệm thiết thực và quý báu. ở khu giải phóng Việt Bắc ngày trước đồng bào gái trai già trẻ ai cũng biết giữ bí mật, theo khẩu hiệu "Ba không". Ngoài những cán bộ phụ trách, có ai hỏi gì, đồng bào cũng trả lời: Không nghe, không thấy, không biết. Kết luận là chúng ta phải tuân theo Sắc lệnh của Chính phủ.

Từ nay, chúng ta phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng địch trên mặt trận tình báo bằng cách tuyệt đối giữ bí mật.

(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 40, ngày 10-1-1952).

18. Bài nói tại Hội nghị chiến tranh du kích

I- Các cô, các chú ở đây đều cố gắng, có thành tích, gian khổ, người nhiều người ít. Đó là điều đáng khen. Nhưng nên nhớ thành tích đó không phải là thành tích của riêng ai mà là chung của bộ đội, của đồng bào. Nếu các chú, các cô có tài năng mà không có bộ đội và đồng bào giúp đỡ thì tài năng cũng vô dụng.

III- Ở vùng sau lưng địch, các cô, các chú có nhiều ưu điểm:

Chịu khó, gan dạ, đoàn kết. Về ưu điểm Bác không nói, ở đây Bác chỉ nêu mấy khuyết điểm chính để sửa chữa:

  1. Cán bộ quân, dân, chính, Đảng không nghiên cứu rõ ràng tỉ mỉ, sâu sắc những chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương, Chính phủ gửi xuống. Đó là một khuyết điểm lớn. Trung ương, Chính phủ thấy rộng, tập trung tình hình, kinh nghiệm ở khắp nơi để nghiên cứu mới làm ra chỉ thị. Cán bộ quân, dân, chính, Đảng phải nghiên cứu cho kỹ những chỉ thị đó để áp dụng cho hợp với hoàn cảnh thiết thực của địa phương. Vì địa phương thấy hẹp, chỉ thấy cây mà không thấy cả cái rừng, chỉ thấy một mà không thấy mười, cho nên có một công việc mà địa phương cho là thành công nhưng đem ghép với tình hình chung thì lại là thất bại, đó là do không nghiên cứu kỹ chỉ thị của Chính phủ, Trung ương.
  2. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích không nên chỉ biết đánh. Biết đánh là cái tốt, nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân tức là chỉ biết có một mặt, vì đánh không thể tách rời được với chính trị và kinh tế. Nếu chỉ biết đánh mà không nghĩ đến kinh tế thì khi hết gạo sẽ không đánh được. Cho nên đánh là cố nhiên, nhưng không phải là chỉ đánh thôi mà phải lo cả các mặt khác nữa.
  3. Khuyết điểm nữa là chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đều muốn đánh to, ăn to, thiếu nghiên cứu hiểu rõ tình hình, khả năng ta và địch một cách tỉ mỉ để định mục đích và cách đánh thích hợp.

Nên khi thực hành mắc nhiều khuyết điểm. Bất kỳ ở đâu phải chắc chắn thắng thì mới đánh, còn lúc nào chưa chắc thì không nên đánh, nhất là mình lại nằm trong vòng vây của địch.

  1. Về cán bộ thì cán bộ quân sự chỉ biết quân sự, cán bộ chính quyền chỉ biết chính quyền, cán bộ Đảng chỉ biết Đảng như thế chẳng khác gì người đứng một chân. Cán bộ chỉ biết một mặt là có hại, không vững, vì các mặt quân, dân, chính, Đảng kết hợp lại thành một khối, thiếu một mặt thì không mạnh, không hoàn toàn.

Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền hầu như khoán trắng việc đánh giặc cho quân sự, không biết rằng Đảng phải chăm lo lãnh đạo mọi mặt, lúc đánh nhau, tất cả mọi mặt phải gắn liền với nhau thì mới thắng được.

  1. Riêng về cán bộ Đảng một phần vì điều kiện khó khăn nhưng phần lớn vì không biết nắm vững khâu chính tức là nền tảng cơ sở tổ chức của Đảng, nên hiện nay trong vùng tạm bị chiếm cơ sở Đảng chưa vững chắc. Phải biết rằng nếu tổ chức Đảng mạnh thì mọi công việc đều chạy.
  2. Công tác phòng gian chưa chu đáo, chưa giữ được bí mật.
  3. Công tác ngụy vận tuy có thành tích nhưng không đều. Chỗ nào cán bộ có sáng kiến thì làm khá, nơi nào không sáng kiến thì làm uể oải. Địch lập hương dũng, bảo an. Phải phá những cái gai góc ấy đi. Các cô, các chú phải cùng nhau trao đổi kinh nghiệm mà đẩy mạnh công tác ngụy vận.
  4. Nói về tuyên truyền ở sau lưng địch thì cũng như hồi trước Cách mạng Tháng Tám, có Nhật, Pháp, Việt gian mà ta vẫn tuyên truyền được nhân dân là nhờ có sáng kiến, ngoài tuyên truyền bằng miệng còn tuyên truyền bằng báo chí. Bây giờ Trung ương, Chính phủ cũng đã cố gắng đưa báo Cứu quốc, Nhân dân vào vùng địch, nhưng vẫn chưa đủ và gặp khó khăn. ở địch hậu phải tạo ra những tờ báo in bằng đá, bằng đất, không cần to lắm và cũng không cần in ra hằng ngày, cốt sao phổ biến tuyên truyền đường lối chính sách của Chính phủ, tuyên truyền thiết thực làm dân hiểu được thắng lợi của ta, thua thiệt và tội ác của giặc. Đó là công tác giáo dục của Đảng.

IV- Bây giờ nói đến công việc phải làm:

  1. Trước hết nội bộ, tức là quân, dân, chính, Đảng phải đoàn kết chặt chẽ. Có việc gì, phải bàn tính kỹ lưỡng, tư tưởng, hành động phải thống nhất, phải giúp đỡ nhau, thành thực phê bình và tự phê bình để cùng nhau tiến bộ.
  2. Phải nghiên cứu kỹ, áp dụng đúng và triệt để thi hành những chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương và của Chính phủ.
  3. Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi. Muốn thế phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục nhân dân. Giáo dục không phải là đưa sách vở bắt buộc dân phải học, làm thế tức là phản lại lợi ích của dân, của cách mạng, là quan liêu, mệnh lệnh. Phải vận động nhân dân, để dân tự nguyện, tự giác, nếu bắt buộc thì chỉ có thể có kết quả ngay lúc đó thôi, còn sau thì không thấm.
  4. Bộ đội chủ lực trong địch hậu có nhiệm vụ giúp đỡ bộ đội địa phương và dân quân du kích về tổ chức, huấn luyện mọi mặt, giúp đỡ chứ không bao biện. Hơn nữa phải giúp đỡ cả nhân dân. Điểm này có đơn vị đã làm được, có đơn vị còn thiếu sót. Phương ngôn có câu "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", thế nghĩa là dựa vào vùng địch đánh du kích, phải biết chiến thuật du kích chứ không chính quy như ở ngoài. Tuyệt đối chớ có ham ăn to, đánh to, trừ những hoàn cảnh 100% chắc thắng.
  5. Mục đích của du kích chiến cũng không phải là ăn to đánh lớn mà phải tỉa dần, đánh làm cho nó ăn không ngon, ngủ không yên, không thở được, bị hao mòn về tinh thần và vật chất rồi đi đến chỗ bị tiêu diệt. Phải làm sao cho địch đi đến đâu cũng có du kích đánh, ít nhất cũng bị quả mìn, bị vài phát súng. Binh lính Pháp viết trong thư gửi cho nhau: "ở Việt Nam cái hang đá nào, cái bụi nào, ao nào cũng có cái chết ẩn ở đó"...

Nếu các cô, các chú các địa phương sửa được những khuyết điểm và làm đúng những công việc như lời Bác vừa nói thì nhất định thắng lợi. Nhưng phải nhớ rằng còn một thằng địch trên đất nước ta thì chưa gọi là thắng lợi hoàn toàn. Trước đây, lực lượng địch mạnh hơn ta về trang bị, về kinh nghiệm, nhưng nó vẫn cứ thua ta vì nó chủ quan. Vậy các cô, các chú chớ có chủ quan khinh địch thì thắng lợi.

Về địa phương, các cô, các chú phải nói với anh em, với đồng bào thi đua về mọi mặt: Đánh giặc lập công, tổ chức ngụy vận, địch vận, tăng gia sản xuất và tiết kiệm, "thực túc binh cường" nếu không tăng gia và tiết kiệm thì không có lương thực ăn để đánh giặc. Các cô, các chú có hứa làm được không? (Mọi người đáp có, vang hội trường). Hứa thì phải làm bằng được.

Một điểm nữa là phải báo cáo thành tích của bộ đội và đồng bào lên Trung ương, Chính phủ để khen thưởng, vì khen thưởng cũng là một cách giáo dục và cổ động. Bộ đội, đồng bào có thành tích mà Trung ương, Chính phủ khen thưởng thì mới hăng hái hơn và những người chưa có thành tích sẽ thi đua tích cực. Từ trước đến nay địa phương rất ít báo cáo, bây giờ các cô, các chú phải tích cực làm.

Bác dặn thêm các cô, các chú về nói với đồng bào là Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ gửi lời thăm đồng bào, thăm các cán bộ và chiến sĩ, đặc biệt là các lão du kích, nữ du kích và các cháu nhi đồng kháng chiến. Bác, Trung ương và Chính phủ sung sướng và chắc chắn là bộ đội và đồng bào địch hậu thực hiện đúng những đường lối chủ trương kháng chiến để mau thắng lợi.

(Trích trong cuốn Hồ Chí Minh: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 135-139).

Quốc Thành (tổng hợp)

Bài viết khác: