18. Kỷ niệm Lênin
Đồng chí Lênin ra đời ngày 22-4-1870, mất ngày 21-1-1924. Thọ 54 tuổi.
Suốt 25 năm, đồng chí Lênin là người tổ chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, đội tiên phong đã đưa giai cấp vô sản Nga đến cách mạng thắng lợi, đồng thời cũng là người lãnh đạo giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới.
Đồng chí Lênin là người đã phát triển và đã thực hiện chủ nghĩa Mác và Ăngghen, là người đã dạy bảo chúng ta đường lối cách mạng chắc chắn thắng lợi. Trong bài vắn tắt này, không thể kể hết đạo đức và công ơn như trời như bể của đồng chí Lênin. Ở đây chúng ta chỉ có thể nêu vài điểm chính để mọi người ghi nhớ, học tập và thực hành. Đồng chí Lênin dạy chúng ta:
Đối với nhân dân, phải yêu kính quần chúng, gần gũi quần chúng, tin tưởng lực lượng vĩ đại và đầu óc thông minh của quần chúng, học hỏi quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, để đoàn kết và lãnh đạo quần chúng.
Đối với kẻ địch (những tư tưởng sai lầm, những xu hướng thiên lệch, là kẻ địch bên trong; đế quốc, phong kiến, cùng tất cả những kẻ phản cách mạng là kẻ địch bên ngoài), thì phải kiên quyết, dũng cảm chống lại, nhất định không nhượng bộ, không tha thứ.
Đối với công việc, phải thấy trước, lo trước, tính trước. Phải cân nhắc kỹ những điều thuận lợi và khó khăn, để kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi. Bất kỳ việc to việc nhỏ, đều phải rất cẩn thận, không hấp tấp, không rụt rè. Bại không nản, thắng không kiêu. Tuyệt đối tránh chủ quan, nông nổi.
Đối với Đảng, được làm đảng viên đảng cách mạng là một vinh dự cao quý nhất của mỗi người. Vậy mỗi đảng viên:
1- Phải tuyệt đối thật thà, trung thành với Đảng; quyết tâm trọn đời đấu tranh cho sự nghiệp của Đảng.
2- Vô luận ở hoàn cảnh nào, địa vị nào, cũng phải quyết tâm thực hiện cho kỳ được chính sách của Đảng và của Chính phủ. Phải nghiêm khắc giữ gìn kỷ luật của Đảng và của Chính phủ.
3- Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; phải hiểu thấu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết.
4- Đảng viên phải luôn luôn làm gương mẫu trong công việc chuyên môn, trong việc học tập, trong tăng gia sản xuất, trong mọi việc.
5- Phải thật thà thành khẩn tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình, để luôn luôn tiến bộ.
6- Phải nâng cao giác ngộ giai cấp của mình và của quần chúng. Phải tuyệt đối và kiên quyết giữ vững sự thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động của Đảng.
Lênin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay là cố ý, duy trì ba bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng.
Đồng chí Xtalin là người thừa kế và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Xtalin và Đảng Cộng sản, nhân dân Liên Xô đang tiến mạnh từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản, làm cho Liên Xô trở nên một thành trì vô cùng vững chắc của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, của phe dân chủ và hòa bình toàn thế giới.
Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lênin, thương nhớ đồng chí Lênin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường duy nhất cho chúng ta đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 91, từ ngày 15 đến ngày 21-1-1953).
19. Bài nói tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa 2
…
Trong năm nay, có một cơ hội để cho tất cả các cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng thử thách tư tưởng, lập trường, thái độ. Tức là phát động quần chúng.
Có một câu hỏi phải trả lời dứt khoát: Anh đứng về phe nào?
Cách mạng ta là cách mạng dân tộc dân chủ. Cách mạng dân tộc dân chủ tức là cách mạng dân cày (do vô sản lãnh đạo) mà cách mạng dân cày là phải có chính sách ruộng đất đúng.
Kháng chiến tức là cách mạng, muốn kháng chiến thắng lợi thì phải có chính sách ruộng đất đúng.
Ta có tán thành kháng chiến thắng lợi không?
Đã tán thành kháng chiến thắng lợi thì phải tán thành chính sách ruộng đất. Không có nước đôi.
Phải thực hiện cho kỳ được chính sách ruộng đất. Phải dứt khoát. Không được đứng chông chênh. Không có phe thứ ba. Thế giới có hai phe. Trong nước có hai phe. Trong mình cũng có hai phe. Phải rõ ràng. Có những cán bộ hoặc là mình, hoặc bố mẹ, anh em, chú bác, có ruộng. Đối với anh em đó, việc dứt khoát không phải dễ. Nó khó như trèo núi.
Nhưng có trèo không? Trèo thì phải khó nhọc. Không phải không ai giúp anh, anh có Đảng, có nhân dân bên cạnh. Có trèo thì mới lên được đỉnh núi. Vậy phải có quyết tâm.
Tóm lại, có hai con đường ở thế giới, ở trong nước và ở trong mình.
Theo con đường ác thì dễ dàng, nhưng lăn xuống hố.
Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang.
Quyết tâm là làm được.
Cái gì khó bằng làm cách mạng, bằng đánh Tây, bằng cải tạo xã hội? Thế mà ta làm được.
Cán bộ có quyết tâm thì cải tạo được mình, được nước nhà, được xã hội.
Cái bí quyết thành công là có quyết tâm.
Các cô, các chú có làm được như vậy không?
Nói vào tháng 3-1953.
(Trích trong cuốn Phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.21-25).
20. Giữ gìn trật tự, an ninh
Quân đội Pháp đã rút khỏi Hà Nội. Chính phủ ta đã về Thủ đô. Hiện nay, việc quan trọng nhất của Thủ đô là giữ vững trật tự, an ninh.
Có giữ vững trật tự, an ninh, thì nhân dân Thủ đô mới an cư, lạc nghiệp.
Giữ gìn trật tự, an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to việc nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự, an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân.
Mọi người công dân, bất kỳ già trẻ gái trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, vì trật tự, an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích bản thân của mọi người.
Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng, thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng.
Chính quyền và nhân dân chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, giữ gìn trật tự, an ninh, sao cho “dạ bất bế hộ, lộ bất thập di” như lời thánh hiền đã dạy.
Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10-10-1954).
21. Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc
…
Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ai đi nhầm đường thì chúng ta giúp họ đi vào con đường chính; như thế không phải là bó buộc. Thấy người khác đi xiên, đi sai, ta ra sức giúp họ đi theo đường thẳng, đường đúng. Thế mới là thật thà đoàn kết. Đại ý chủ nghĩa Mác - Lênin là phải đi đúng đường, phải phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa.
Chắc rằng các Bộ trưởng, Thứ trưởng đã báo cáo cho các bạn rõ về kế hoạch Nhà nước năm nay. Mọi công việc của chúng ta từnăm nay đều đi vào kế hoạch. Trong kế hoạch, các việc phải ăn khớp với nhau. Kế hoạch năm nay đặt nền tảng cho chúng ta tiến lên nữa, tiến lên mãi.
Các nước bạn giúp ta phát triển nông nghiệp, khôi phục công nghiệp và một phần nào phát triển công nghiệp. Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo.
(Đăng trên Báo Nhân Dân, số 753, ngày 26-3-1956).
22. Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phát động miền biển
Các cô, các chú,
1. Cải cách miền biển cũng rất cần thiết như cải cách ở đồng bằng, vì dân lao động ở miền biển cũng khổ như dân lao động ở đồng bằng. Bởi vậy muốn nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân thì phải cải cách. Nếu ăn no mặc ấm mà không học thì cũng không được. Tục ngữ có câu "dốt thì dại".
Ở miền biển cũng cần phải cải cách, vì bọn cường hào gian ác chiếm đoạt khúc sông mặt biển. Cải cách phải làm tốt, nếu làm lỡ dở thì không lợi.
Đảng và Chính phủ đã đặt ra đường lối, mục đích, chính sách.
Muốn cải cách tốt thì cán bộ phải làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, trước hết là phải đoàn kết nhân dân lao động, thứ hai là liên hiệp với chủ thuyền. Chủ thuyền có nhiều hạng: Có hạng chủ thuyền không tàn ác lắm, không chiếm khúc sông mặt biển, không đày đọa anh em đánh cá. Song cũng có chủ thuyền như bọn địa chủ đại gian đại ác. Đối với chủ thuyền không ác thì ta liên hiệp với họ. Đối với bọn gian ác thì phải trị.
2. Phải dựa vào quần chúng
Trong mọi việc đều phải dựa vào quần chúng. Cải cách và làm ăn cũng vậy. Phải động viên, tổ chức, đoàn kết quần chúng. Lấy sức quần chúng mà vượt qua khó khăn; quần chúng tự giúp quần chúng.
Tục ngữ có câu: "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại thành hòn núi cao". Việc gì mà một mình, tuy có tài giỏi mấy cũng không làm được, mà nhiều người chung sức lại, thì việc gì cũng làm được.
Thí dụ: Một chiếc thuyền phải có người chèo, phải có người lái. Chỉ có người chèo không có người lái cũng không được. Cho nên người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau.
Ở miền biển cũng như ở miền đồng bằng, bà con ta đều bị phong kiến áp bức hàng mấy mươi đời, đế quốc lại câu kết với phong kiến để bóc lột ta hàng trăm năm, làm cho ta nghèo khó.
Nay ta phải vượt nghèo khó đó. Có tổ chức, có lãnh đạo, theo đúng đường lối của quần chúng, thì nhất định vượt được. Khó khăn nhất của ta là đánh Tây đánh Mỹ trong hồi kháng chiến. Song vì ta đoàn kết nhất trí, dựa vào bộ đội, dựa vào quần chúng, cho nên ta đã thắng. Nay trong cải cách, ta dựa vào quần chúng, đoàn kết quần chúng, khéo lãnh đạo quần chúng, vượt mọi khó khăn, thì ta cũng nhất định thắng.
Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ, thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh.
3. Việc cải thiện đời sống cho nhân dân cũng phải do nhândân tự giúp lấy mình là chính.
Các cô, các chú là cán bộ và cốt cán, phải lãnh đạo nhân dân, đoàn kết nhân dân, đưa nhân dân đấu tranh, tổ chức nhân dân cải thiện đời sống, hướng dẫn nhân dân làm cá, làm mắm, làm muối.
Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng.
Muốn lãnh đạo cho đúng tất nhiên phải theo đường lối chung. Song cách làm phải tuỳ theo chỗ, tuỳ theo mùa, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế địa phương. Đừng máy móc. Lấy kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở miền đồng bằng mà lắp vào miền biển là không được, là sai.
Ví dụ: Trong kinh nghiệm đi ba cùng, ở đồng bằng thì tìm vào nhà thấp bé của bần cố nông, mà người nghèo ở miền biển là ở thuyền.
Phải theo từng mùa, thí dụ: Có mùa thì bà con bận hơn, có mùa thì bà con rảnh, trong khi bà con bận mùa bày ra khai hội liên miên thì không hợp thời. Lúc có thuyền cá vào thì cán bộ phải cùng nhân dân làm cá, thế mới là thiết thực. Nếu lúc ấy mà cán bộ bảo bà con ngồi lại học tập, như vậy là tếu.
Cán bộ và cốt cán cần nhớ 4 điểm:
- Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ.
- Đi đúng đường lối quần chúng.
- Phải cho thiết thực.
- Chớ máy móc.
- ở miền biển, dân quân là rất cần. Thí dụ: Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển, vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ ẩn núp ở miền biển để phá phách. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên.
Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc.
(Trích trong cuốn Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1956, t.III, tr.262-264).
23. Nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác nông lâm ngư nghiệp năm 1956
Năm ngoái cán bộ nông lâm ngư nghiệp đã cố gắng đạt được một số thành tích.
Năm nay cần cố gắng hơn nữa.
Tục ngữ ta nói: "Có thực mới vực được đạo".
Muốn "thực" thì phải có lúa, ngô, khoai, sắn, v.v. do nông dân làm ra. Nếu nông dân cung cấp không đủ, thì công nhân, công chức, học sinh, quân đội, nhân dân thành thị sẽ bị đói.
Muốn cung cấp đầy đủ thì nông dân phải tăng gia sản xuất. Ai hướng dẫn nông dân tăng gia? Cán bộ sản xuất, cán bộ nông lâm phải hướng dẫn.
Vì vậy, nhiệm vụ cán bộ nông lâm rất quan trọng.
Nghề nông phải đấu tranh chống những tai nạn của thiên nhiên: Hạn, lụt, sâu bọ, chim, chuột, dịch, v.v. lại còn phải đấu tranh với các tập quán bảo thủ lạc hậu.
Muốn thực hiện được nhiệm vụ, thì cán bộ phải tuyên truyền, giải thích, làm cho nông dân hiểu và làm, không thể gò ép, mệnh lệnh. Công tác của cán bộ nông lâm có khó khăn nhưng rất vẻ vang. Cần thấy được khó khăn để khắc phục, chứ không phải để lùi bước. Vì thế phải cố gắng nhiều.
Năm ngoái, có nơi vì quan liêu, thiếu cụ thể, thiếu thiết thực, thiếu thống nhất ý kiến, cho nên lãng phí của và sức của dân. Ý kiến không thống nhất vì thiếu đoàn kết. Phải đoàn kết nhất trí giữa cán bộ chuyên môn với cán bộ chính trị, cán bộ mới với cán bộ cũ, cơ quan này với cơ quan khác. Phải thật thà xem trọng lợi ích của nhân dân, luôn luôn chú ý đến đời sống của nhân dân.
*
* *
Năm nay, diện tích lúa đã cấy kém không bằng năm ngoái.
Chăn nuôi trâu, bò, lợn cũng kém, ngày Tết đã giết lợn, bò nhiều, cho nên trâu bò lại thiếu thêm. Cây công nghệ như bông và các thứ khác cũng kém.
Vậy cần chú ý hướng dẫn nông dân làm cỏ bỏ phân, phòng bão, phòng lụt. Đê năm nay đắp chậm, vì tuyên truyền kém, cán bộ chủ quan.
Ngoài việc đánh cá, phải chú ý nuôi cá.
Về trồng cây có cố gắng, nhưng cũng phải lo bảo vệ rừng, cấm phá rừng. Trong việc này phải khéo vận động nhân dân.
Hiện nay, phạm vi hướng dẫn nhân dân thì rộng mà cán bộ lại thiếu. Muốn làm tốt, mỗi tỉnh phải làm những nơi kiểu mẫu tốt đểcho nhân dân nơi khác bắt chước. Không nên tham nhiều. Đấy là một cách tuyên truyền tốt bằng sự thật, thấy kết quả tốt, nông dân sẽ tin tưởng noi theo để làm.
Đa số nông dân làm ăn riêng rẽ. Muốn sản xuất tốt, phải xây dựng tổ đổi công cho tốt. Cần tăng cường số lượng và nhất là củng cố chất lượng tổ đổi công. Tổ đổi công là một hình thức để tiến dần lên xã hội chủ nghĩa. Các tổ ấy sẽ giúp cán bộ trong công tác hướng dẫn sản xuất và cải tiến kỹ thuật.
Muốn bảo đảm kế hoạch, cán bộ cần phải kiên nhẫn, cố gắng và quyết tâm, cán bộ phải làm cho quyết tâm của mình biến thành quyết tâm của nhân dân, thì chắc chắn sẽ thành công.
*
* *
Có một số cán bộ chưa thật yên tâm công tác, như vậy không đúng. Làm cán bộ không phải là để thăng quan, phát tài. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Cán bộ làm công tác gì cũng vì dân vì nước. Nếu làm tròn nhiệm vụ là vẻ vang, là anh hùng. Không nên đứng núi này, trông núi nọ. Lấy một thí dụ, có một cây thông đang xanh tốt, nhưng cành lá than phiền: "Rễ được nằm yên dưới đất, còn chúng tôi cành lá thì phải chịu đựng gió sương". Rễ cũng phàn nàn: "Cành lá thì được thanh nhàn với giăng gió, tôi thì phải nằm mãi dưới đất, không ai dòm ngó đến". Hai bên đều không yên tâm và đòi đổi lẫn nhau. Kết quả, cây thông sẽ thế nào?
Cán bộ chúng ta mỗi người một việc, phải tích cực, phải có tinh thần trách nhiệm, không nên vì có thành tích mà chủ quan, hoặc có sai lầm mà bi quan. Chúng ta là cán bộ cách mạng, phải khắc phục khó khăn, không sợ khó sợ khổ. Nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Chúng ta đã vượt bao gian khổ mới giành lại được độc lập, sau 80 năm đất nước bị nô lệ, chúng ta đang xây dựng miền Bắc. Công cuộc xây dựng kinh tế không phải dễ dàng.
Nhưng chúng ta đồng tâm nhất trí và có sự giúp đỡ của các nước bạn, nhân dân ta lại cần cù, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi.
Trong khi thực hiện công tác, cán bộ phải làm cho dân yêu, dân tin. Được như vậy thì sẽ vượt được mọi khó khăn và thu được nhiều kết quả tốt.
(Trích trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr.318-321)
Quốc Thành (tổng hợp)