Chỉ mục bài viết

 

30. Khẳng định vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc xem xét đề nghị

Thay vì chỉ quy định trong một khoản của Điều quy định về việc đề nghị, kiến nghị luật, pháp lệnh. Luật Ban hành VBQPPL 2015 lại quy định hẳn một Điều về vai trò của Chính phủ trong việc xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình.

Bổ sung vào trình tự xem xét các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, cụ thể như sau:

- Đại diện bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Đại diện Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo thẩm định.

- Đại diện cơ quan, tổ chức tham dự phiên họp phát biểu ý kiến.

- Chính phủ thảo luận và biểu quyết thông qua chính sách trong từng đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Chính sách được thông qua khi có quá nửa tổng số các thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành.

- Chính phủ ra nghị quyết về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh với các chính sách đã được thông qua.

(Căn cứ Điều 41 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

31. Chỉnh lý và gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình

Bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

(Căn cứ Điều 42 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

32. Đề nghị của Chính phủ được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành

Điểm d – Điều 43: “Chính phủ biểu quyết thông qua đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành”. Đây là nội dung được bổ sung mới các nội dung còn lại vẫn giữ nguyên.

(Căn cứ Điều 43 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

33. Quy định cụ thể về việc cho ý kiến với đề nghị của Chính phủ

- Đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình và kiến nghị về luật, pháp lệnh thì trước khi trình UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh quy định tại Điều 37 của Luật này để Chính phủ cho ý kiến.

Chính phủ có trách nhiệm xem xét, trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, văn bản kiến nghị.

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình và kiến nghị về luật, pháp lệnh để Chính phủ thảo luận.

- Chính phủ xem xét, thảo luận về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình và kiến nghị về luật, pháp lệnh theo trình tự:

+ Đại diện Bộ Tư pháp trình bày dự thảo ý kiến của Chính phủ.

+ Đại diện cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến.

+ Chính phủ thảo luận.

+ Thủ tướng Chính phủ kết luận.

- Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉnh lý dự thảo ý kiến của Chính phủ trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(Căn cứ Điều 44 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

34. Quy định cụ thể trách nhiệm lập, xem xét và thông qua đề nghị không do Chính phủ trình

- Chủ tịch Nước, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận chỉ đạo việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phân công cơ quan, đơn vị chủ trì lập đề nghị.

- Cơ quan, đơn vị được phân công lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh tiến hành các hoạt động quy định tại Điều 34 của Luật này.

Đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của TAND tối cao, VKSND tối cao, đơn vị được phân công lập đề nghị có trách nhiệm lấy ý kiến của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao trước khi báo cáo Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.

- UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức phiên họp để xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo trình tự:

+ Đại diện cơ quan, đơn vị được phân công lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình bày tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

+ Đại diện Chính phủ phát biểu ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

+ Đại diện cơ quan, tổ chức khác tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;

+ UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận thảo luận và biểu quyết thông qua chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Chính sách được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận biểu quyết tán thành.

- Chủ tịch Nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo trình tự:

+ Cơ quan, đơn vị được phân công lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh báo cáo Chủ tịch Nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

+ Chủ tịch Nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định việc trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Đại biểu Quốc hội tự mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ để lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; trường hợp đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thì đại biểu Quốc hội xem xét,quyết định việc trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo trình tự:

+ Cơ quan hỗ trợ đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh báo cáo đại biểu Quốc hội về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

+ Đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định việc trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

(Căn cứ Điều 45 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

35. Quy định chi tiết hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh

Hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội được gửi UBTVQH theo quy định sau đây:

- Đối với đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hồ sơ gồm tờ trình của Chính phủ; dự kiến chương trình và bản điện tử các tài liệu quy định.

- Đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của cơ quan, tổ chức khác, đại biểu Quốc hội, hồ sơ gồm tài liệu là Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó phải nêu rõ: Sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; mục đích, quan điểm xây dựng luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; mục tiêu, nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua; thời gian dự kiến trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh;và ý kiến của Chính phủ về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kèm theo bản điện tử các tài liệu còn lại theo quy định.

Đối với kiến nghị về luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội thì tài liệu gồm văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh và ý kiến của Chính phủ về kiến nghị về luật, pháp lệnh.

Đồng thời, bỏ quy định về mốc thời gian chậm nhất vào ngày 01/8 năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội, đề nghị phải  được gửi đến UBTVQH để lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và gửi đến Ủy ban pháp luật để thẩm tra.

(Căn cứ Điều 46 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

36. Cụ thể nội dung điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

- UBTVQH tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh quyết định điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong các trường hợp:

+ Đưa ra khỏi chương trình các dự án luật, pháp lệnh không cần thiết phải ban hành do có sự thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội hoặc điều chỉnh thời điểm trình trong trường hợp cần thiết.

+ Bổ sung vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính mạng, tài sản của Nhân dân; các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi theo các văn bản mới được ban hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hoặc để thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc bổ sung vào chương trình được thực hiện theo quy định.

- UBTVQH có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

(Căn cứ Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

37. Thành viên ban soạn thảo phải là chuyên gia, nhà khoa học

Cụ thể, bên cạnh yêu cầu phải là người am hiểu các vấn đề chuyên môn liên quan đến dự án, dự thảo và có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban soạn thảo, thành viên Ban soạn thảo phải là chuyên gia, nhà khoa học.

(Căn cứ Điều 53 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

38. Bổ sung nhiệm vụ của Trưởng Ban soạn thảo

Bên cạnh nhiệm vụ quy định Luật Ban hành VBQPPL 2008, bổ sung thêm nhiệm vụ của Trưởng Ban soạn thảo như sau:

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban soạn thảo.

Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm của thành viên Ban soạn thảo:

Thành viên Ban Soạn thảo có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban soạn thảo, chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi của các nội dung được phân công trong dự thảo văn bản và tiến độ xây dựng dự thảo văn bản; trường hợp vì lý do khách quan mà không tham dự được thì phải có ý kiến góp ý bằng văn bản.

(Căn cứ Điều 54 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

39. Hệ thống lại nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết

- Tổ chức xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách đã được xây dựng trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước cơ quan, tổ chức trình dự án, dự thảo.

- Chuẩn bị dự thảo, tờ trình và các tài liệu có liên quan đến dự án, dự thảo.

- Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự án, dự thảo và đăng tải dự án, dự thảo trên cổng thông tin điện tử quy định và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo; tổng hợp và nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý; đăng tải báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý trên cổng thông tin điện tử quy định và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo.

- Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định hoặc ý kiến tham gia của Chính phủ đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình.

- Chuẩn bị báo cáo giải trình về những chính sách mới phát sinh cần bổ sung vào dự án, dự thảo để trình cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có thẩm quyền trình xem xét, quyết định.

- Dự kiến những nội dung cần được giao quy định chi tiết trong dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết; kiến nghị phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

- Đối với dự án, dự thảo do UBTVQH trình và dự án, dự thảo do đại biểu Quốc hội tự mình soạn thảo thì cơ quan được UBTVQH giao chủ trì soạn thảo, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo tiến độ soạn thảo với UBTVQH.

Đối với dự án, dự thảo do Chính phủ trình thì bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo có trách nhiệm báo cáo tiến độ soạn thảo với Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, nếu có sự thay đổi lớn về chính sách so với chính sách đã được Chính phủ thông qua thì bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo có trách nhiệm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(Căn cứ Điều 55 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

40. Sửa đổi nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

- Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có các nhiệm vụ:

+ Chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo trong quá trình soạn thảo.

Đối với dự án, dự thảo do đại biểu Quốc hội tự mình soạn thảo thì đại biểu có thể đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ trong quá trình soạn thảo.

+ Xem xét, quyết định việc trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo; trường hợp đặc biệt chưa thể trình dự án, dự thảo theo đúng tiến độ thì phải kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và nêu rõ lý do.

- Trường hợp dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết không do Chính phủ trình thì chậm nhất là 40 ngày trước ngày khai mạc phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết phải gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Chính phủ để Chính phủ cho ý kiến.

(Căn cứ Điều 56 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

41. Cụ thể quy định về việc lấy ý kiến với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

- Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định, cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử quy định và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là 60 ngày, trừ những văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

Trong thời gian dự thảo đang được lấy ý kiến, nếu cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý lại dự thảo văn bản mà khác với dự thảo đã đăng tải trước đó thì phải đăng lại dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.

Đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến.

- Ngoài đăng tải để lấy ý kiến theo quy định, việc lấy ý kiến có thể thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và đăng tải nội dung giải trình, tiếp thu trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức mình để Nhân dân biết.

- Đối với dự án, dự thảo do đại biểu Quốc hội soạn thảo, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến theo quy định này.

(Căn cứ Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

42. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thẩm định dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình

- Hồ sơ gửi thẩm định bao gồm:

+ Tờ trình Chính phủ về dự án, dự thảo.

+ Dự thảo văn bản.

+ Bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản, nếu trong dự án, dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính.

+ Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

+ Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý; bản chụp ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ.

+ Tài liệu khác (nếu có).

Tài liệu là Tờ trình Chính phủ về dự án, dự thảo, dự thảo văn bản được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

- Thêm nhiều vấn đề mà cơ quan thẩm định phải tập trung:

+ Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được thông qua.

+ Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính.

+ Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

+ Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

+ Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về những vấn đề liên quan đến nội dung dự án, dự thảo.

- Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của cơ quan thẩm định về nội dung thẩm định quy định nêu trên và ý kiến về việc dự án, dự thảo đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ. Trong trường hợp Bộ Tư pháp kết luận dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình Chính phủ thì trả lại hồ sơ cho cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo.

Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

- Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo và đồng thời gửi báo cáo giải trình tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến cơ quan thẩm định khi trình Chính phủ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

(Căn cứ Điều 58 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

43. Bổ sung một số giấy tờ vào hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Chính phủ

Hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Chính phủ gồm:

- Tờ trình Chính phủ về dự án, dự thảo.

- Dự thảo văn bản.

- Báo cáo thẩm định; báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định.

- Bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có thủ tục hành chính.

- Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

- Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý.

- Tài liệu khác (nếu có).

Tờ trình Chính phủ về dự án, dự thảo; dự thảo văn bản; báo cáo thẩm định; báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

(Căn cứ Điều 59 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

44. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không chỉ xem xét các vấn đề lớn

Theo quy định hiện nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ xem xét các vấn đề lớn thuộc dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Luật ban hành VBQPPL 2015 quy định:

Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan ngang bộ về dự án, dự thảo nghị quyết thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ triệu tập cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để thống nhất ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Căn cứ vào ý kiến tại cuộc họp này, cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo để trình Chính phủ.

(Căn cứ Điều 60 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

45. Chính phủ xem xét, quyết định việc trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

- Chính phủ xem xét, thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số để quyết định việc trình dự án, dự thảo tại phiên họp của Chính phủ theo trình tự, thủ tục:

+ Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo thuyết trình về dự án, dự thảo; việc giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm định.

+ Đại diện cơ quan thẩm định phát biểu ý kiến về việc cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

+ Đại diện Văn phòng Chính phủ trình bày những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án, dự thảo.

+ Chính phủ thảo luận.

+ Chính phủ biểu quyết về việc trình dự án, dự thảo.

Trong trường hợp Chính phủ không thông qua việc trình dự án, dự thảo thì Thủ tướng Chính phủ ấn định thời gian xem xét lại dự án, dự thảo.

(Căn cứ Điều 61 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

46. Quy định cụ thể trường hợp Chính phủ cho ý kiến với dự án Luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết không do Chính phủ trình

Đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết không do Chính phủ trình, thì trước khi trình Quốc hội, UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết phải gửi các tài liệu sau đây để Chính phủ cho ý kiến:

- Tờ trình Quốc hội, UBTVQH về dự án, dự thảo.

- Dự thảo văn bản.

- Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý; bản chụp ý kiến góp ý.

- Tài liệu khác (nếu có).

Tờ trình Quốc hội, UBTVQH về dự án, dự thảo; dự thảo văn bản được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

Chính phủ có trách nhiệm xem xét, trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị và thể hiện rõ ý kiến của Chính phủ về dự án, dự thảo đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, UBTVQH.

Bộ, cơ quan ngang bộ được Thủ tướng Chính phủ phân công chuẩn bị ý kiến, chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp dự kiến những nội dung cần cho ý kiến, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

(Căn cứ Điều 62 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

47. Cụ thể hồ sơ và rút ngắn thời hạn gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để thẩm tra

- Hồ sơ dự án, dự thảo để thẩm tra bao gồm:

+ Tờ trình Quốc hội, UBTVQH về dự án, dự thảo.

+ Dự thảo văn bản.

+ Báo cáo thẩm định đối với dự án, dự thảo do Chính phủ trình; ý kiến của Chính phủ đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình; bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý; bản chụp ý kiến góp ý.

+ Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án, dự thảo; báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án, dự thảo.

+ Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo, nếu trong dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

+ Dự thảo văn bản quy định chi tiết và tài liệu khác (nếu có).

Tờ trình Quốc hội, UBTVQH về dự án, dự thảo; dự thảo văn bản được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

- Đối với dự án, dự thảo trình UBTVQH thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ quy định trên đến cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội và cơ quan khác tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra.

Đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội thì chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ quy định trên đến cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban pháp luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội và cơ quan khác tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra.

- Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn theo quy định.

(Căn cứ Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

48. Bổ sung nội dung thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

Nội dung thẩm tra tập trung vào các vấn đề sau đây:

- Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của văn bản.

- Nội dung của dự thảo văn bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; việc giao và chuẩn bị văn bản quy định chi tiết (nếu có).

- Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Tính khả thi của các quy định trong dự thảo văn bản.

- Điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo văn bản, nếu dự thảo văn bản có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

- Ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm tra yêu cầu cơ quan trình dự án, dự thảo báo cáo về những vấn đề liên quan đến nội dung dự án, dự thảo.

(Căn cứ Điều 65 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

49. Quy định lại phương thức thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

- Cơ quan chủ trì thẩm tra phải tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra; đối với dự án, dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thì có thể tổ chức phiên họp Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban để thẩm tra sơ bộ.

- Cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm mời cơ quan tham gia thẩm tra hoặc Thường trực cơ quan tham gia thẩm tra tham dự phiên họp thẩm tra.

(Căn cứ Điều 66 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

50. Cụ thể nội dung báo cáo thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

- Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những vấn đề thuộc nội dung thẩm tra quy định, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

- Báo cáo thẩm tra phải phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra, ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra về nội dung dự án, dự thảo; về việc dự án, dự thảo đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình UBTVQH, Quốc hội.

Trong trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra có ý kiến dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện trình UBTVQH, Quốc hội thì báo cáo UBTVQH xem xét trả lại hồ sơ cho cơ quan trình dự án, dự thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo.

(Căn cứ Điều 67 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

51. Bổ sung nội dung thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới

Nội dung thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới bao gồm:

- Xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo.

- Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án, dự thảo.

- Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án, dự thảo.

- Tính khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo để bảo đảm bình đẳng giới.

(Căn cứ Điều 69 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

52. Bổ sung nội dung vào trình tự xem xét, cho ý kiến của UBTVQH

Đại diện Chính phủ phát biểu ý kiến về dự án, dự thảo không do Chính phủ trình;

(Căn cứ Điều 71 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

53. Phân định vai trò cho Bộ Tư Pháp trong nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự án, dự thảo

- Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự án, dự thảo.

Đối với dự án, dự thảo do Chính phủ trình thì người được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự án, dự thảo, trừ trường hợp cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, dự thảo nghị quyết có ý kiến khác với ý kiến của UBTVQH thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

(Căn cứ Điều 72 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

54. Sửa đổi một số nội dung xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

- Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một hoặc hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp dự án luật lớn, nhiều điều, khoản có tính chất phức tạp thì Quốc hội có thể xem xét, thông qua tại ba kỳ họp.

Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, hồ sơ dự án, dự thảo trình Quốc hội phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội.

- Tờ trình, dự thảo văn bản và báo cáo thẩm tra về dự án, dự thảo được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử.

(Căn cứ Điều 73 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

55. Sửa đổi nội dung tại các bước trong trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp Quốc hội

Tại bước 6: Sau khi dự án, dự thảo được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, UBTVQH chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo trình tự sau:

- Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Chậm nhất là 07 ngày (hiện nay là 05 ngày) trước ngày Quốc hội biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp, luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.

Tại bước 7: UBTVQH báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

(Căn cứ Điều 74 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

56. Bổ sung vào các bước của trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết tại 2 kỳ họp Quốc hội

* Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, UBTVQH chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo trình tự:

- Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.

- UBTVQH xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý; trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan thẩm tra trong việc giải trình, tiếp thu, chính lý dự thảo thì đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình, dự án, dự thảo báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.

- UBTVQH gửi dự thảo đã được chỉnh lý và báo cáo giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thảo luận, góp ý kiến và gửi báo cáo tổng hợp ý kiến đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

- Cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình UBTVQH.

* Tại kì họp thứ hai:

- Đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

- Quốc hội thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo.

- UBTVQH chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

- Chậm nhất là 07 ngày trước (hiện nay là 05 ngày) ngày biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.

- Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo. Trong trường hợp dự thảo còn vấn đề có ý kiến khác nhau thì Quốc hội biểu quyết về vấn đề đó theo đề nghị của UBTVQH trước khi biểu quyết thông qua dự thảo.

- Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực luật, nghị quyết của Quốc hội.

Trong trường hợp dự thảo chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định việc trình lại hoặc xem xét, thông qua tại kỳ họp tiếp theo theo đề nghị của UBTVQH.

(Căn cứ Điều 75 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

57. Ban hành thêm quy định về trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội

Luật ban hành VBQPPL 2008 không quy định việc phát sinh có 3 kỳ họp Quốc hội, nhận thấy tình hình trước mắt nhiều dự án Luật lớn cần phải xem xét, thông qua trong 3 kỳ họp Quốc hội. Do vậy, Luật ban hành VBQPPL 2015 bổ sung thêm trình tự này:

- Tại kỳ họp thứ nhất, trình tự xem xét, thảo luận dự án luật được thực hiện theo quy định nêu trên.

- Trong thời gian giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai của Quốc hội, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được thực hiện theo trình tự:

+ Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

+ Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật theo quyết định của UBTVQH (nếu có).

+ Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức thẩm tra dự án luật đã được chỉnh lý.

+ UBTVQH xem xét, cho ý kiến về việc chỉnh lý dự thảo luật theo trình tự quy định. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo luật theo quy định.

- Tại kỳ họp thứ hai:

+ Đại diện cơ quan, tổ chức, đại diện Quốc hội trình dự án luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật (nếu có).

+ Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật đã được chỉnh lý.

+ Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án luật. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, dự án luật có thể được thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội.

Trong quá trình thảo luận, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật có trách nhiệm giải trình về những vấn đề liên quan đến dự án mà đại biểu Quốc hội nêu.

+ Đối với những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn của dự án luật còn có ý kiến khác nhau thì Quốc hội tiến hành biểu quyết theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, Tổng thư ký Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan giúp UBTVQH dự kiến những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật trình Quốc hội biểu quyết.

+ UBTVQH chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội và kết quả biểu quyết làm cơ sở cho việc chỉnh lý.

- Trong thời gian giữa kỳ họp thứ hai và kỳ họp thứ ba của Quốc hội, UBTVQH chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo trình tự:

+ Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật đã được chỉnh lý.

+ UBTVQH xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật đã được chỉnh lý; trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan thẩm tra trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo thì đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

+ UBTVQH gửi dự thảo luật đã được chỉnh lý và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.

Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thảo luận, góp ý kiến và gửi báo cáo tổng hợp ý kiến đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

+ Cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trình UBTVQH.

- Tại kỳ họp thứ ba, trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật được thực hiện như đối với kỳ họp thứ 2 của Quốc hội theo quy định.

Trong trường hợp dự thảo luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của UBTVQH.

(Căn cứ Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

58. Sửa đổi và bổ sung một số nội dung trình tự xem xét, thông qua dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của UBTVQH

- UBTVQH xem xét, thông qua dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tại một phiên họp theo trình tự:

+ Đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo thuyết trình về dự án, dự thảo.

+ Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra.

+ Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến.

+ UBTVQH thảo luận, chủ tọa phiên họp kết luận.

+ Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.

+ Chậm nhất là 07 ngày (hiện nay là 03 ngày) trước ngày biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.

+ Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo UBTVQH về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.

+ UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo. Trong trường hợp dự thảo còn vấn đề có ý kiến khác nhau thì Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết về những vấn đề đó theo đề nghị của chủ tọa phiên họp trước khi biểu quyết thông qua dự thảo.

+ Chủ tịch Quốc hội ký pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.

- UBTVQH xem xét, thông qua dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tại hai phiên họp theo trình tự:

+ Tại phiên họp thứ nhất, việc trình và thảo luận được thực hiện theo trình tự: Đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo thuyết trình về dự án, dự thảo - Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra - Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến - UBTVQH thảo luận, chủ tọa phiên họp kết luận.

UBTVQH thảo luận, biểu quyết những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn của dự án, dự thảo theo đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra để làm cơ sở cho việc chỉnh lý.

+ Trong thời gian giữa hai phiên họp, cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo sự chỉ đạo của UBTVQH.

Cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức phiên họp có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.

+ Chậm nhất là 05 ngày (hiện nay là 03 ngày) trước ngày biểu quyết thông qua, dự thảo được gửi đến Thường trực Ủy ban pháp luật để rà soát, hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản. Thường trực Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức việc rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật.

+ Tại phiên họp thứ hai, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo UBTVQH về việc chỉnh lý dự thảo.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.

+ UBTVQH biểu quyết thông qua dự thảo. Trong trường hợp dự thảo còn vấn đề có ý kiến khác nhau thì UBTVQH biểu quyết về vấn đề đó theo đề nghị của chủ tọa phiên họp trước khi biểu quyết thông qua dự thảo.

+ Chủ tịch Quốc hội ký pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH.

(Căn cứ Điều 77 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

59. Công bố luật, pháp lệnh, nghị quyết

Tại quy định này, bổ sung các nội dung về thời hạn công bố luật, pháp lệnh trong trường hợp được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

- Chủ tịch Nước công bố luật, pháp lệnh chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua.

Đối với pháp lệnh đã được UBTVQH thông qua mà Chủ tịch Nước đề nghị UBTVQH xem xét lại theo quy định thì chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, Chủ tịch Nước gửi văn bản đến UBTVQH yêu cầu xem xét lại.

UBTVQH có trách nhiệm xem xét lại những vấn đề mà Chủ tịch Nước có ý kiến tại phiên họp gần nhất. Sau khi pháp lệnh được UBTVQH biểu quyết, thông qua lại thì Chủ tịch Nước công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày UBTVQH thông qua lại. Trong trường hợp Chủ tịch Nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch Nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

Đối với luật, pháp lệnh được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì Chủ tịch Nước công bố luật, pháp lệnh chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua.

- Tổng thư ký Quốc hội công bố nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của UBTVQH chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nghị quyết được thông qua.

Đối với nghị quyết được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì Tổng Thư ký Quốc hội công bố nghị quyết chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày nghị quyết được thông qua.

(Căn cứ Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

60. Xây dựng, ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước

Bổ sung thêm nội dung sau:

Chủ tịch Nước có thể yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo thảo luận về những vấn đề quan trọng của dự thảo lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước.

(Căn cứ Điều 81 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

Kim Yến (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: