Chỉ mục bài viết

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp có giá trị cao nhất, kế đến là các Luật và Pháp lệnh. Trong các Luật và Pháp lệnh này, thì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất, bởi lẽ việc Luật này quy định hệ thống các văn bản pháp luật, hiệu lực về thời gian, hiệu lực về không gian của các văn bản luật…

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 22 tháng 6 năm 2015. Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2015. Luật gồm 17 chương, 173 điều. Về cơ bản, Luật kế thừa bố cục của Luật năm 2008. Cụ thể như sau:

- Chương I - Những quy định chung ( có 14 điều, từ Điều 1 đến Điều 14) gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, khái niệm văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những hành vi bị nghiêm cấm và một số quy định chung khác.

- Chương II - Thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật (16 điều, từ Điều 15 đến Điều 30) quy định về nội dung điều chỉnh của mỗi hình thức văn bản quy phạm pháp luật.

- Chương III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X và XI (115 điều, từ Điều 31 đến Điều 145) quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch và văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.

- Chương XII - Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (4 điều, từ Điều 146 đến Điều 149) quy định về các trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn; thẩm quyền và quy trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

- Chương XIII - Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc áp dụng, công khai văn bản quy phạm pháp luật (8 điều, từ Điều 150 đến Điều 157) gồm các quy định về thời điểm có hiệu lực, đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực trở về trước, ngưng hiệu lực, những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, hiệu lực về không gian, nguyên tắc áp dụng và việc đăng tải, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật.

- Chương XIV - Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (4 điều, từ Điều 158 đến Điều 161) gồm các quy định về nguyên tắc giải thích; thẩm quyền đề nghị giải thích và trình tự, thủ tục giải thích.

- Chương XV, XVI - Giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (9 điều, từ Điều 162 đến Điều 170) gồm các quy định về nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật; xử lý và thẩm quyền xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; việc hợp nhất, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

- Chương XVII - Điều khoản thi hành (3 điều, từ Điều 171 đến Điều 173) quy định thời điểm có hiệu lực của Luật, những quy định chuyển tiếp; việc bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong bài có một số từ viết tắt sau:

VBQPPL: Văn bản quy phạm pháp luật.                                    

VKSND: Viện kiểm sát nhân dân.

UBTVQH: Ủy ban Thường vụ Quốc hội.                                    

 HĐND: Hội đồng nhân dân.      

TAND: Tòa án nhân dân.                                                            

UBND: Ủy ban nhân dân.

Những điểm mới cơ bản của Luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển hai Luật hiện hành là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, hợp nhất thành một Luật áp dụng thống nhất cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương.

Nắm bắt được những thiếu sót cần phải hoàn thiện, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 ra đời thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, với khá nhiều điểm mới đáng chú ý sau:

1. Quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nội dung được đề cập tại Luật này sẽ bao gồm: Nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Lưu ý: Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

(Căn cứ Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

2. Giải thích rõ các ngữ nghĩa được dùng trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

- Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành.

- Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh là việc Ủy ban thường vụ Quốc hội làm rõ tinh thần, nội dung của điều, khoản, điểm trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh để có nhận thức, thực hiện, áp dụng đúng, thống nhất pháp luật.

(Căn cứ Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

3. Bộ luật có chỗ đứng rõ ràng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Theo đó, hệ thống VBQPPL được sắp xếp lại theo thứ tự giá trị cao nhất đến giá trị thấp nhất. Cụ thể:

- Hiến pháp.

- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

- Pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Lệnh, quyết định của Chủ tịch Nước.

- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

- Thông tư của Chánh án TAND tối cao; thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao với Viện trưởng VKSND tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

- Quyết định của UBND cấp tỉnh.

- VBQPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

- Nghị quyết của HĐND cấp huyện.

- Quyết định của UBND cấp huyện.

- Nghị quyết của HĐND cấp xã.

- Quyết định của UBND cấp xã.

(Căn cứ Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

4. Cụ thể hóa một số nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật

- Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của VBQPPL; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong VBQPPL; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

- Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

(Căn cứ Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

5. Bổ sung đối tượng được tham gia đóng góp ý kiến

Ngoài các đối tượng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, bổ sung thêm các đối tượng sau:

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

- Các tổ chức thành viên khác của Mặt trận.

(Căn cứ Điều 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

6. Bổ sung tiểu mục vào bố cục của văn bản quy phạm pháp luật

- Tùy theo nội dung, VBQPPL có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm.

- UBTVQH quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Nước.

Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của các cơ quan, người có thẩm quyền khác được quy định trong Luật này.

(Căn cứ Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

7. Việc dịch văn bản quy phạm pháp luật có giá trị tham khảo

Ngoài việc quy định VBQPPL có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài như trước đây. Luật này bổ sung nội dung sau: Bản dịch có giá trị tham khảo.

(Căn cứ Điều 9 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

8. Bổ sung nội dung văn bản quy định chi tiết

Với mục đích đảm bảo các luật, pháp lệnh có thể được thi hành từ khi có hiệu lực, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định thêm nội dung:

Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.

(Căn cứ Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

9. Cụ thể hóa việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hay đình chỉ thi hành văn bản quy phạm pháp luật

- Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

- Văn bản bãi bỏ VBQPPL phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định.

- Khi ban hành VBQPPL, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó.

Trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản mới danh mục văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của VBQPPL mà mình đã ban hành trái với quy định của VBQPPL mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi VBQPPL mới có hiệu lực.

(Căn cứ Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

10. Bổ sung thời hạn quy định về việc gửi VBQPPL, hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL

Ngoài các nội dung quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 bổ sung thời hạn công bố và lưu giữ các văn bản này

Chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày công bố luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH hoặc ký chứng thực, ký ban hành đối với VBQPPL khác, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL có trách nhiệm gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để giám sát, cơ quan có thẩm quyền theo quy định để kiểm tra.

(Căn cứ Điều 13 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

11. Thêm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi ban hành VBQPPL

- Ban hành VBQPPL trái với Hiến pháp, trái với VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Ban hành văn bản không thuộc hệ thống VBQPPL quy định nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

- Ban hành VBQPPL không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định.

- Quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Chánh án TAND tối cao, thông tư của Viện trưởng VKSND tối cao, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao với Viện trưởng VKSND tối cao, thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quyết định của UBND cấp tỉnh, VBQPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của HĐND cấp huyện, quyết định của UBND cấp huyện, nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định của UBND cấp xã, trừ trường hợp được giao trong luật.

(Căn cứ Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

12. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp không được quy định tại Luật này

Quy định đúng với vị trí của Hiến pháp, Hiến pháp có giá trị cao nhất, không một VBQPPL nào được quyền sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Theo đó, Luật và nghị quyết của Quốc hội được quy định cụ thể các nội dung được ban hành:

* Quốc hội ban hành luật để quy định:

- Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND, VKSND, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

- Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt.

- Chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế.

- Chính sách cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường.

- Quốc phòng, an ninh quốc gia.

- Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước.

- Hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà nước khác; huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước.

- Chính sách cơ bản về đối ngoại.

- Trưng cầu ý dân.

- Cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

- Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

* Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định:

- Tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

- Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

- Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

- Quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

- Đại xá.

- Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

(Căn cứ Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

13. Pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH

Bổ sung quy định tại các nghi quyết do UBTVQH ban hành:

- Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội.

- Bãi bỏ pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, trường hợp bãi bỏ pháp lệnh thì UBTVQH có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

- Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của UBTVQH.

(Căn cứ Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

14. Cụ thể nội dung được quy định tại lệnh, quyết định của Chủ tịch nước

Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để quy định:

- Tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp căn cứ vào nghị quyết của UBTVQH; công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương trong trường hợp UBTVQH không thể họp được.

- Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

(Căn cứ Điều 17 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

15. Cụ thể nội dung Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử.

(Căn cứ Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

16. Mở rộng phạm vi Thông tư của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao

- Chánh án TAND tối cao ban hành thông tư để thực hiện việc quản lý các TAND và Tòa án quân sự về tổ chức và những vấn đề khác được Luật tổ chức TAND và luật khác có liên quan giao.

- Viện trưởng VKSND tối cao ban hành thông tư để quy định, những vấn đề được Luật tổ chức VKSND và luật khác có liên quan giao.

(Căn cứ Điều 22, 23 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

17. Hệ thống nội dung quy định tại Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư để quy định:

- Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.

(Căn cứ Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

18. Bỏ quy định Thông tư liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Theo đó, Luật ban hành VBQPPL 2015 chỉ quy định nội dung Thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao với Viện trưởng VKSND tối cao, Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.

(Căn cứ Điều 25 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

19. Hệ thống lại các văn bản QPPL ở địa phương

* Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh

HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết để quy định:

- Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

- Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 * Quyết định của UBND cấp tỉnh

UBND cấp tỉnh ban hành quyết định để quy định:

- Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

- Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

- Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.

* VBQPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

HĐND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành nghị quyết, UBND ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành quyết định theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.

* Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp huyện, cấp xã

HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.

(Căn cứ Điều 27, 28, 29, 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

20. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Chỉ quy định cụ thể một mốc thời gian duy nhất về quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp thứ nhất của năm trước.

(Căn cứ Điều 31 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

21. Phân định rõ cơ quan nào có quyền trình dự án Luật trước Quốc hội

Không như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 trước đây quy định một cách chung chung mà Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định cụ thể cơ quan nào có quyền trình dự án Luật trước Quốc hội.

- Chủ tịch nước, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước UBTVQH thì có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải dựa trên các căn cứ:

+ Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

+ Kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến chính sách của dự án luật, pháp lệnh.

+ Yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

+ Cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

(Căn cứ Điều 32 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

22. Phân định rõ quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong việc kiến nghị, đề nghị xây dựng luật

- Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh. Việc kiến nghị về luật, pháp lệnh phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được lập theo quy định.

- Đại biểu Quốc hội có quyền tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định.

- Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

(Căn cứ Điều 33 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

23. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trong việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Trước khi lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội tiến hành hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành các hoạt động:

- Tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đánh giá tác động của chính sách.

- Dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua.

- Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định.

- Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý.

- Đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình thì cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh còn có trách nhiệm lấy ý kiến của Chính phủ và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chính phủ.

(Căn cứ Điều 34 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

24. Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiến hành đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đại biểu Quốc hội tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách đó có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách.

- Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh, giá tác động thủ tục hành chính; tác động về giới (nếu có).

- Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội khi đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm nghiên cứu, soạn thảo dự thảo báo cáo đánh giá tác động; lấy ý kiến góp ý, phản biện dự thảo báo cáo; tiếp thu, chỉnh lý dự thảo báo cáo.

(Căn cứ Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

25. Lấy ý kiến với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh

Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm:

- Đăng tải báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức có đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày.

- Lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và giải pháp thực hiện chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức họp để lấy ý kiến về những chính sách cơ bản trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý; đăng tải báo cáo giải trình, tiếp thu trên Cổng thông tin điện tử quy định tại khoản này.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm góp ý bằng văn bản về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về nguồn tài chính, Bộ Nội vụ có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về nguồn nhân lực, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ Tư pháp có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh với hệ thống pháp luật đến cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội lập đề nghị.

(Căn cứ Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

26. Hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh

Hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm:

- Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó phải nêu rõ: Sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; mục đích, quan điểm xây dựng luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; mục tiêu, nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua; thời gian dự kiến trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh.

- Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác; bản chụp ý kiến góp ý.

- Đề cương dự thảo luật, pháp lệnh.

Văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết ban hành, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, mục đích, yêu cầu ban hành, quan điểm, chính sách, nội dung chính của luật, pháp lệnh.

(Căn cứ Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

27. Trách nhiệm lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình

- Đối với các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình thì bộ, cơ quan ngang bộ tự mình hoặc theo phân công của Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Bộ, cơ quan ngang bộ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh tiến hành các hoạt động quy định.

(Căn cứ Điều 38 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

28. Thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức có liên quan thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trước khi trình Chính phủ trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Các bộ, cơ quan ngang bộ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến Bộ Tư pháp để thẩm định. Hồ sơ gồm các tài liệu quy định trên.

Tài liệu sau phải được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử:

+ Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó phải nêu rõ: sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; mục đích, quan điểm xây dựng luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; mục tiêu, nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua; thời gian dự kiến trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh.

+ Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Nội dung thẩm định tập trung vào các vấn đề:

+ Sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh.

+ Sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

+ Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

+ Tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nếu chính sách liên quan đến thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nếu chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

+ Việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

- Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của Bộ Tư pháp về nội dung thẩm định quy định và ý kiến của Bộ Tư pháp về việc đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ.

- Báo cáo thẩm định phải được gửi đến bộ, cơ quan ngang bộ đã lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc thẩm định. Cơ quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến, thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và đồng thời gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được chỉnh lý kèm theo báo cáo giải trình, tiếp thu cho Bộ Tư pháp khi trình Chính phủ.

(Căn cứ Điều 39 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

29. Trình Chính phủ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ trình

- Bộ, cơ quan ngang bộ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức phiên họp của Chính phủ.

- Hồ sơ trình Chính phủ bao gồm:

+ Tài liệu đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định.

+ Báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

+ Tài liệu khác (nếu có).

Tài liệu sau phải được gửi bằng bản giấy, các tài liệu còn lại được gửi bằng bản điện tử:

+ Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó phải nêu rõ: sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; mục đích, quan điểm xây dựng luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; mục tiêu, nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua; thời gian dự kiến trình Quốc hội, UBTVQH xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh.

+ Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

+ Báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.

(Căn cứ Điều 40 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

Kim Yến (Tổng hợp) 

Bài viết khác: