Bác Hồ làm việc tại Pác Bó. Ảnh internet
* Quý I năm 1913
Từ Xuphơrarét (Anh), Nguyễn Tất Thành gửi cụ Phan Châu Trinh (lúc này đang sống ở Pháp) một bài thơ theo thể thất ngôn bát cú. Toàn văn như sau:
“Xuphơrarét
Chọc trời khuấy nước tiếng đùng đùng,
Phải có kiên cường mới gọi hùng.
Vai cứng long lanh ngoài ách tớ,
Má đào nóng nảy giới quyền chồng.
Lợi chung dầu sẽ mua về được,
Kiếp mong chi nài sự có không.
Ba hột đạn thầm hai tấc lưỡi,
Sao cho ích giống mấy cam lòng.
Hy Mã Nghi Bá đại nhân thấu
Cuồng điệt: Tất Thành
* Tháng 3 năm 1920
- Sau ngày 9: Nguyễn Ái Quốc gặp Mácxen Casanh và Giăng Lôngghê hỏi về việc thư của Hoàng thân Vĩnh San không được báo L'Humanité đăng.
- Trước ngày 12: Nguyễn Ái Quốc được báo L'Humanité mời đến trụ sở để cho xem và hỏi ý kiến về bức thư của Hoàng thân Vĩnh San đòi độc lập cho Việt Nam.
- Ngày 16: Nguyễn Ái Quốc gặp một người Việt Nam tên là Lâm, báo tin đã viết xong cuốn sách Những người bị áp bức. Anh nói với Lâm về ý định gặp Mácxen Casanh và Giăng Lôngghê đề nghị viết lời tựa cho cuốn sách, và cho Lâm biết đã dành được 300 phrăng để in, sau đó sẽ đến Pông (Pons) làm nghề chụp ảnh để có tiền in lần thứ hai cuốn sách đó.
- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc nhận được phác thảo bản vẽ bìa cuốn sách Những người bị áp bức do một đảng viên Xã hội trẻ tuổi là hoạ sĩ trang trí vẽ giúp. Nội dung bản vẽ: Trên bản đồ Đông Dương được trình bày như một con vật dính đầy máu bị trói trong dây xích, nổi lên hình ảnh một tên lính thuộc địa đang giơ tay đánh.
- Ngày 27: Nguyễn Ái Quốc nói chuyện với thanh niên Quận 13, Pari về chủ nghĩa xã hội.
* Tháng 3 năm 1921
- Ngày 3: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi "đồng bào". Toàn văn như sau:
"Pari, ngày 3 tháng 3 năm 1921
Đồng bào thân mến,
Cách đây mấy hôm, tôi đã tiếp một người đến tìm tôi tại bệnh viện do sự giới thiệu của đồng bào.
Người này nói giọng Bắc và có đeo rất nhiều mề đay. Gương mặt anh ta tròn, với màu da có vẻ như màu chì. Anh ta nói tên là Roland Hy, và nói là đang học Trường Thương mại.
Tôi có ý định cho anh ấy địa chỉ của tôi và mời đến ở, vì nhà tôi là nhà của tất cả đồng bào.
Nhưng rất tiếc là tôi không biết anh ấy nhiều, những lời giới thiệu của đồng bào không rõ lắm. Cho nên tôi nghĩ là nên biết anh ấy nhiều hơn trước khi mở tim gan mình với anh ta.
Đồng bào chắc biết anh ấy? Tôi đợi thư trả lời và chúc đồng bào mạnh khoẻ".
- Sau ngày 7: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Xtêphani (Stéfani), thư ký nhóm Xã hội, gốc người thuộc địa, đề nghị lập Hội liên hiệp thuộc địa. Bức thư gửi về địa chỉ nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh.
- Ngày 25: Nguyễn Ái Quốc được ra viện sau hơn hai tháng nằm viện.
Vừa ra khỏi Bệnh viện Côsanh ở khu Paviyông Paxtơ (Pavillon Pasteur), Nguyễn Ái Quốc đã đến ngay trụ sở báo Le Libertaire để lấy báo gửi cho một người mà Nguyễn Ái Quốc gọi là "đồng bào" ở Mácxây trong thư ngày 26-2-1921.
- Trong quý I-1921: Nguyễn Ái Quốc đến gặp Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa theo giấy mời của bộ.
Bác bỏ ý kiến của Anbe Xarô cho rằng chưa thể để Đông Dương độc lập được, vì Đông Dương chưa có quyền lực vũ trang, Nguyễn Ái Quốc đã nói:“Thưa ông Bộ trưởng, xin ông hãy xem nước Xiêm và nước Nhật. Hai nước này không có nền văn minh lâu đời hơn chúng tôi mà họ đã được đứng trong các quốc gia trên thế giới. Nếu nước Pháp trả lại nền độc lập cho chúng tôi, ông sẽ thấy chúng tôi biết cầm quyền cai trị lấy”.
* Tháng 3-1922
- Ngày 18: Truyện ngắn ký bút danh CULIXE (Người phu kéo xe) dịch giả Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Rủi ro (đầu đề phụ Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam) đăng trên báo L'Humanité.
Câu chuyện kể về nỗi long đong, khốn khổ của một người cu li kéo xe bản xứ đi kiếm khách dưới cái nắng đổ hột của xứ Nam Kỳ. Anh ta đã hý hửng khi gặp được"một cha đạo đáng kính", nhưng lại phải bỏ chạy vì"con người thánh thiện ấy lại muốn đặt chân lên mông tôi".Anh ta gặp được vị khách thứ hai - đó là một ông Tây, một thuỷ thủ lão luyện, "một người tốt bụng chẳng hề mặc cả giá cả", nhưng đến nơi, vị khách đã bỏ đi, tỉnh bơ, chẳng hề có ý định trả thù lao, và khi người cu li xe đòi hắn trả tiền thì"tay phải hắn thò vào túi và rút ra một... khẩu súng lục, vũ khí của văn minh, rồi hùng hồn thét lên: Pan! Pan!". Lại một lần nữa xôi hỏng bỏng không!
Thông qua câu chuyện, tác giả muốn nêu lên tình cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam.
* Tháng 3-1923
- Ngày 3: Từ 18 giờ đến 20 giờ, Nguyễn Ái Quốc thăm Phan Văn Trường tại số 6 phố Vila đê Gôbơlanh. Sau đó, đi họp chi bộ ở số 33 phố La Grănggiơ Ô Benlơ.
- Ngày 9: Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Uỷ ban hành động chống chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc của Quận 17 tổ chức tại nhà Công đoàn ở phố Lơgiăngđrơ. Dự cuộc họp này còn có một số đoàn viên của Liên hiệp Công đoàn quận Xen như Phrômăngtanh (Fromentin), Xarốt (Sarotte), Phrađanh…
- Ngày 14: Nguyễn Ái Quốc chuyển chỗ ở từ số 9 ngõ Côngpoanh đến số 3 phố Mácsê đê Patơriácsơ, trụ sở của Hội liên hiệp thuộc địa và báo Le Paria. Đồ đạc mang theo chỉ có một chiếc giường xếp.
- Ngày 16: Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời họp Chi bộ Quận 17 Đảng Cộng sản Pháp và dự mít tinh ở nhà máy Rênô Vétsphaliêng (Rhéno Westphalien) vào thứ bảy 17-3. Các diễn giả trong cuộc mít tinh có Bis (Bish), Đuyđiliơ (Dudilieux), P.Vayăng Cutuyariê, Lui Xeliê (Louis Sellier).
Cùng ngày, bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Những người làm công tổ chức lại, chống bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đăng trên báoLa Vie Ouvrière, giới thiệu về bước phát triển mạnh mẽ của giai cấp công nhân Trung Quốc.
Tác giả nhận định: “Mặc dầu nền công nghiệp lớn và cơ khí lớn chưa được phát triển hoàn toàn ở Trung Quốc, những tập tục gia trưởng chưa mất hẳn, công nhân Trung Quốc bị hai tầng áp bức của tư bản nước ngoài và của bọn quân phiệt bản xứ, đã bắt đầu hoạt động mạnh. Có khoảng một triệu người lao động đã chịu ảnh hưởng (trực tiếp hoặc gián tiếp) của sự tuyên truyền nghiệp đoàn và cách mạng”.
Phong trào đấu tranh của công nhân Trung Quốc đã rất sôi nổi. Liên hiệp hải viên công hội Hồng Công với 30.000 hội viên đã phát động một cuộc đình công bốn tháng, được quần chúng ngoài công hội nhiệt liệt hưởng ứng, kết quả công nhân được tăng lương từ 20 đến 40%. Liên hiệp hội viên công hội Thượng Hải có 15.000 hội viên, tuyên bố đình công ba tuần, kết quả công nhân Thượng Hải được tăng lương 20%. Nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra trong ngành công nghiệp bông sợi đòi cải thiện điều kiện làm việc. Một cuộc đình công của thợ dệt Nam Kinh đã ngăn cản được việc độc quyền tơ sợi của thành phố rơi vào tay một tập đoàn kinh doanh Nhật. Nghiệp đoàn những người làm thuê cho chủ xe kéo nước ngoài đã đình công, đấu tranh bằng hình thức tổ chức một đoàn “ăn xin” đi diễu hành trong tô giới Pháp, để phản đối việc giảm lương theo “sáng kiến” của các chủ người Pháp, v.v... Ngoài ra, công nhân Trung Quốc còn xuất bản những tờ báo riêng để nói lên tiếng nói của mình.
Tác giả kết luận: “Mặc dầu bọn tư bản nước ngoài và tư bản bản xứ cố hết sức dập tắt hoặc ngăn cản mọi phong trào giải phóng, nhưng những người công nhân Trung Quốc được sự giúp đỡ mạnh mẽ của những người trí thức tận tụy, đã tổ chức lại một cách nhanh chóng và hành động tốt đẹp”.
- Ngày 18: Bài Cuộc bạo động ở Đahômây của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo L'Humanité. Bài báo viết về cuộc bãi công phản đối nhà cầm quyền thuộc địa của những công nhân bản xứ làm việc trên các công trường xây dựng ở Poóctô Nôvô (Porto Novo), Thủ đô xứ Đahômây (Dahomey).
Nhận xét về sự kiện trên, tác giả viết:“Trong các thuộc địa, công nhân đã bắt đầu hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp. Cần phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cũng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, nặng nề hơn, và vô nhân đạo hơn chế độ trước đây. Và chỉ với sự giúp đỡ của những người anh em bị áp bức của mình ở các nước Châu Âu họ mới sẽ có thể tự giải phóng được mình”.
- Ngày 24: Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời họp các nhóm tuyên truyền của phố Batinhon (Batignolles) và Êpinét (Epinettes) thuộc Chi bộ Quận 17, sẽ họp vào buổi tối tại số nhà 100 phố Cácđinê.
- Ngày 30: Nguyễn Ái Quốc, Xarốt, Rexprét và Uylixơ Lơrisơ dự cuộc họp của Ban Nghiên cứu thuộc địa tại số 120 phố Laphayét, bàn về việc tuyên truyền chủ nghĩa xã hội tại các nước thuộc địa và vấn đề in tài liệu cho nhóm cách mạng ở Đahômây.
Cùng ngày, bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Khởi nghĩa ở Đahômây, đăng trên báo La Vie Ouvrière.
Dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân Đahômây“phải chịu cái kiếp lầm than của người dân bản xứ, cái chế độ đã hạ con người xuống hàng con vật và làm điếm nhục cho cái gọi là thế giới văn minh. Dân bản xứ,không nhịn nhục được nữa, vùng lên. Thế là cuộc đàn áp đẫm máu được tiến hành”.Tình cảnh đó và chính sách khủng bố đẫm máu đó chẳng riêng gì đối với Đahômây mà ở cả Đông Dương và các thuộc địa khác của Pháp từng chịu chung số phận. Đủ thấy công cuộc khai hoá đó là“đẹp đẽ và dịu dàng”biết chừng nào.
Tác giả kết luận:“Đấy, đức nhân từ của công cuộc khai hoá như thế đấy”.
* Tháng 3-1924
- Trước ngày 15: Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn của Giôvanni Giécmanéttô, phóng viên báo L'Unità, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia.
Trả lời câu hỏi:"Tại sao anh lại sang Châu Âu?",Nguyễn Ái Quốc đáp:"Trước đây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ báo có tính chống đối ở An Nam, có những người lính lê dương do Poanhcarê (Poincaré) gửi sang để cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem "mẫu quốc" ra sao và tôi đã tới Pari. Khi Trường đại học Phương Đông ở Mátxcơva mở, tôi bèn xin học".
Khi trả lời câu hỏi của nhà báo "Khi học xong, anh dự định làm gì?",Nguyễn Ái Quốc nói: "Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm...
Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người "khai hoá" các nước chúng tôi không để chúng tôi tự do. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được... Chúng tôi hiểu rõ là chúng tôi có trách nhiệm rất nặng nề, và tương lai của các dân tộc tuỳ thuộc vào sự tuyên truyền và tinh thần hy sinh của chúng tôi".
- Ngày 15: Từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Chủ tịch Quốc tế Cộng sản Dinôviép nhắc lại đề nghị xin được gặp để thảo luận về vấn đề thuộc địa của Pháp. Toàn văn bức thư như sau:
"Mátxcơva, ngày 15 tháng 3 năm 1924
Kính gửi đồng chí Dinôviép, Chủ tịch Quốc tế thứ III.
Đồng chí thân mến,
Đã hơn một tháng nay, tôi xin đồng chí vui lòng tiếp để tôi có thể thảo luận với đồng chí về tình cảnh những thuộc địa của Pháp. Cho tới nay, tôi vẫn chưa được trả lời. Hôm nay, tôi xin mạn phép nhắc lại sự thỉnh cầu đó, và xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em.
Nguyễn Ái Quốc
Phân bộ Pháp, số 33
Quốc tế Cộng sản".
- Ngày 19: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Đông Dương và Thái Bình Dương, với các phụ đề: Lò lửa của cuộc chiến tranh thế giới sắp tới - Nước Pháp muốn khai thác các thuộc địa - Các thuộc địa Pháp sống lay lắt như thế nào - Người An Nam bị bóc lột nặng nề thêm, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 18.
Tác giả khẳng định vấn đề Đông Dương và Thái Bình Dương có liên quan chặt chẽ đến giai cấp công nhân châu Âu, và đó là"vấn đề mà tất cả mọi người vô sản nói chung đều phải quan tâm đến".
Phân tích chính sách nham hiểm phản động của đế quốc Pháp ở Đông Dương và Thái Bình Dương, cùng những hậu quả nghiêm trọng của nó, nhất là sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất với dự án khai thác các thuộc địa của chúng, bài báo nêu nhận xét: "Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc đã tiến tới một trình độ hoàn bị gần như là khoa học. Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các thuộc địa. Sau đó nó lại tung những người vô sản ở một thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác. Sau hết, nó dựa vào những người vô sản ở các thuộc địa để thống trị những người vô sản da trắng...". Do đó, "Những hành động đế quốc chủ nghĩa ấy không những chỉ nguy cho riêng vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn nguy cho cả vận mệnh của giai cấp vô sản quốc tế nữa".
Nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc, Nguyễn Ái Quốc đã dự đoán:"Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh" và "Những cuộc chiến tranh khác sẽ có thể nổ ra vì vấn đề Thái Bình Dương, nếu giai cấp vô sản không cảnh giác".
- Trong tháng 3: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Pêtơrốp, Chủ tịch Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Bức thư viết:
"Các đồng chí thân mến,
Tôi đã nhận được bức tối hậu thư của Sở quản lý nhà giục phải trả 40 rúp 35 côpếch về chỗ ở của tôi, không có thì tôi sẽ bị đưa ra toà.
Tôi phải cho đồng chí biết rằng:
1. Trong những tháng, tháng mười hai, tháng giêng và tháng hai tôi thuê phòng số 176, ở đây bao giờ cũng có 4 và 5 người thuê. Ban ngày thì tiếng ồn liên tục ngăn trở tôi làm việc. Ban đêm tôi bị rệp ăn thịt, không cho tôi nghỉ ngơi.
Vì vậy tôi không muốn trả 5 rúp về tiền thuê nhà để tỏ sự phản đối.
2. Từ tháng ba, tôi nhận một phòng nhỏ, rất nhỏ. Sở quản lý nhà buộc tôi gánh 13 rúp 74 cho tháng ba và 11 rúp 61 cho những tháng sau".
Người đã so sánh diện tích, trang bị nội thất và giá cả với các phòng khác thì"giá mà người ta buộc cho tôi là hoàn toàn đáng công phẫn". Bức thư viết tiếp:"Vì vậy tôi xin đồng chí vui lòng làm một cuộc điều tra. Và sau cuộc điều tra đó, với mọi quyết định của mọi toà án, tôi tuân theo tinh thần của đồng chí về công bằng và bình đẳng".
* Tháng 3-1925
- Ngày 21: Nguyễn Ái Quốc viết bài Nông dân Trung Quốc, phân tích 7 nguyên nhân dẫn tới sự khốn cùng của nông dân Trung Quốc:
1. Dân quá đông, ruộng đất thiếu.
2. Phương tiện canh tác thô sơ.
3. Công nghiệp chậm phát triển.
4. Chủ nghĩa quân phiệt.
5. Sự xâm chiếm của chủ nghĩa tư bản nước ngoài.
6. Thiên tai.
7. Lòng tham của địa chủ.
Tác giả cho biết, trước tình cảnh đó nông dân Trung Quốc bắt đầu đi vào tổ chức nhờ sự thúc đẩy của công nhân công nghiệp có tổ chức và sự khích lệ của Chính phủ miền Nam. Đứng trước phong trào cách mạng này, giai cấp địa chủ Trung Quốc đã dùng những biện pháp phát xít để chống lại, hòng dập tắt phong trào.
* Tháng 3- 1926
- Ngày 8: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Toàn văn bức thư như sau:
Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân.
Các đồng chí thân mến,
Tôi muốn biết tại sao tất cả những thư mà tôi đã gửi đến các đồng chí đều không được trả lời, và nhất là những yêu cầu của tôi về báo cáo và tài liệu khác dùng cho tuyên truyền.
Tất cả những thư mà các đồng chí giao cho tôi để gửi đi Giava, Manila, Ấn Độ và những nơi khác đã được gửi đi. Chỉ có một thư quay trả lại tôi, vì không có người nhận, đó là thư gửi Ban biên tập Petir, Langiơ, Átgét – Xumatơra.
Tôi gửi đến các đồng chí những bài cắt ở báo có liên quan đến phong trào nông dân (tháng 2 và tháng 3), và một số báo nông dân của Quốc dân Đảng.
Tôi vẫn hy vọng các đồng chí vui lòng gửi cho tôi tài liệu để tuyên truyền. Xin gửi các đồng chí lời chào anh em.
Quảng Châu, ngày 8-3-1926.
Nilốpxki (N.A.Q)
* Tháng 3-1928
- Ngày 4: Nguyễn Ái Quốc gặp ba người Việt Nam từ Pháp sang Béclin (Đức) tại trụ sở Liên minh phản đế là Trần Đình Long, Nguyễn Thế Thạch và Bùi Ái trên đường từ Pháp đi Liên Xô, lúc qua Béclin đã được giao thông bí mật của Quốc tế Cộng sản bố trí cuộc gặp này.
- Ngày 17: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, bút danh Wang, nhan đề Thư từ Ấn Độ, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp số 28, bản tiếng Đức số 28.
Thư từ Ấn Độ, viết về phong trào đấu tranh rộng lớn của các tầng lớp nhân dân Ấn Độ chống lại âm mưu của đế quốc Anh thông qua hoạt động của Ủy ban Ximông (Simon) phá hoại sự thống nhất đất nước và chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Ấn Độ.
Nhận xét về tính chất, quy mô và kết quả của phong trào này, tác giả viết: "Chưa bao giờ - ngay cả trong thời kỳ mà phong trào bất hợp tác theo chủ trương của Găngđi lên tới tột đỉnh - tinh thần của đất nước lại sôi động đến mức đó". “Phong trào sôi động đó đã buộc Ximông và những đồng sự của y trong Công Đảng phải lùi bước”.
* Tháng 3- 1930
- Ngày 2: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông (Quốc tế Cộng sản) báo cáo về tình hình Mã Lai, Đông Dương; về việc gửi ba học sinh đi học; hỏi ý kiến của Ban Phương Đông về “đề nghị của tôi xin chuyển” và cho biết là“không đọc ra những con số, số kép hay số đơn, tiếng Pháp hay tiếng Anh”và “cho tôi biết lại mã chữ khoá”.
Cuối thư, Người đề nghị “có thể mua hối phiếu của công ty xe lửa tốc hành Mỹ đề tên T.V. Wang và gửi bưu điện cho tôi”, “giao các sốInprekorr cho người bạn tôi”,và nhắc lại việc liên hệ với công ty hàng hải Pháp để liên lạc về Đông Dương...
Cùng ngày, Người còn viết thư (bằng tiếng Pháp) báo cáo với Quốc tế Cộng sản về việc Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam; một Ban Chấp hành lâm thời đã được bầu và thông báo về tình hình cuộc bạo động Yên Bái nổ ra ngày 9-2.
Cùng ngày, Người còn viết thư gửi Lê Hồng Phong thông báo: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đã cử Ban Chấp hành lâm thời để phụ trách công việc. Đảng bao gồm trên 500 đồng chí với hơn 40 chi bộ, hơn 3000 quần chúng...
- Ngày 5: Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam (bằng tiếng Anh).
Báo cáo trình bày những phong trào yêu nước từ khi đế quốc Pháp xâm lược Việt Nam cho đến khi thành lập Đảng. Trước năm 1905, phong trào là “một sự hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần vương". Từ năm 1905, thắng lợi của Nhật đối với Nga, ảnh hưởng của“nền văn học cải lương Trung Hoa”, đã đưa “tinh thần dân tộc An Nam lên cao độ”, tiếp đó là cuộc Đông du. Năm 1908, một cuộc bãi công của nông dân nổ ra trong toàn quốc -“cuộc bạo động của những anh em tóc ngắn”- bị khủng bố. Năm 1910, xảy ra“cuộc đầu độc"binh lính Pháp ở Hà Nội. Tiếp đó là các cuộc bạo động Thái Nguyên, khởi nghĩa Duy Tân, việc mưu sát Toàn quyền Méclanh, phong trào đòi thả Phan Bội Châu, sự ra đời, hoạt động và chia rẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Phong trào cách mạng phát triển rầm rộ và bị đế quốc thực dân Pháp khủng bố và“ngày nay các nhóm cộng sản đã thống nhất vào một đảng, hoạt động nhất định sẽ tốt hơn trước nhiều". Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo mạnh mẽ sự đàn áp dã man của chính quyền thuộc địa, ca ngợi tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân và chỉ ra một số thiếu sót của các tổ chức yêu nước, kể cả các tổ chức cộng sản.
Cuối tài liệu, Người khẳng định:“Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng với kinh nghiệm và lòng hy sinh, với quần chúng ở bên cạnh, những người cộng sản nhất định sẽ chiến thắng”.
* Tháng 3 năm 1931
- Ngày 5: Với bí danh Quac. E. Wan, Nguyễn Ái Quốc viết bài Uy quyền của đế quốc Pháp ở Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản, tố cáo sự khủng bố dã man của đế quốc Pháp đối với nhân dân Đông Dương, ca ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân và khẳng định: “tinh thần đó sẽ đưa cách mạng đến thành công”, “không có lưỡi lê, bom đạn và súng máy nào có thể dập tắt được tinh thần đó”.
* Ngày 25- 3-1933: Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Pháp phát lệnh truy nã.
* Tháng 3 năm 1940
- Đầu tháng: Tại Côn Minh, theo sự bố trí của Ban Chỉ huy ở ngoài, Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà ông Tống Minh Phương trong một gian buồng nhỏ ở trên gác, số nhà 77 đường Kim Bích.
Về sau, theo sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc, hiệu may Tống Minh Phương chuyển thành hiệu cà phê Tân Nam.
- Khoảng giữa tháng: Sau lần Quốc dân Đảng khám xét hiệu cà phê Tân Nam của ông bà Tống Minh Phương, Ban Chỉ huy ở ngoài bố trí Người chuyển đến gian gác Nhà xuất bản "Sinh hoạt đọc sách" ở số nhà 67, Hoa Sơn Nam, Côn Minh.
* Tháng 3-1941
- Sau khi xảy ra việc hai quần chúng cơ sở của cách mạng đi liên lạc cho đoàn thể bị tổng đoàn bắt (Tổng đoàn là tổ chức nửa vũ trang, tay sai của thực dân Pháp ở địa phương cấp tổng, đơn vị hành chính trên xã, dưới huyện)có nhiệm vụ theo dõi, truy lùng cách mạng, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí khác đã rời Pác Bó lên Lũng Lạn, cách hang Cốc Bó vài trăm mét, rồi qua Khuổi Nậm.
- Trong tháng 3 - tháng 4: Nguyễn Ái Quốc nhiều lần vượt qua biên giới sang Tĩnh Tây. Người thường ở trong nhà bố con ông Trương Đình Duy, Trương Kỳ Siêu ở Long Lâm. Người thường cải trang làm một thầy địa lý (phong thuỷ).
* Tháng 3 năm 1942
Tại Lũng Hoài, Nguyễn Ái Quốc ở nhà một gia đình cơ sở (Nhà cụ Mã Sơn, bố đồng chí Lén, một đồng chí cốt cán lúc đó. Sau khi tới đây, Nguyễn Ái Quốc đặt tên vùng này là Lam Sơn, gợi nhớ đến khu căn cứ của nghĩa quân Lê Lợi khi xưa).Mỗi khi gia đình sửa soạn nấu cháo ngô, Người thường đến ngồi bên cối giúp gia đình xay bột.
Ít ngày sau, Người đến hang Bó Thúng trong khu di tích thành nhà Mạc.
- Khoảng tháng 3: Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh uỷ Cao Bằng phải mở rộng căn cứ địa, nối liền Cao Bằng với căn cứ địa Bắc Sơn, Vũ Nhai; xây dựng một hành lang chính trị vững chắc từ Cao Bằng về miền xuôi để giữ vững liên lạc trong mọi tình huống. Người nói: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”.Từ chỉ thị này, “phong trào Nam tiến” đã ra đời và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ.
* Tháng 3 năm 1944
Từ ngày 25 đến ngày 28: Hồ Chí Minh tham dự Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Lễ đường Bộ Tư lệnh Chiến khu IV ở Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Tại Đại hội, Người đọc Báo cáo của Phân hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược. Báo cáo gồm các phần:
I- Nguyên nhân tổ chức: Mở đầu báo cáo, Người viết: “Trong lịch sử 80 năm mất nước đau khổ và đen tối, chúng ta đã không ngừng làm rạng rỡ ngọn cờ nghĩa cứu nước vẻ vang”.Điều này được thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa từ sau năm 1862 đến năm 1941. Để giành thắng lợi“chúng ta lại càng cần toàn dân nhất trí, càng cần sự giúp đỡ của bên ngoài”.Do đó,“Phân hội Việt Nam chính là một đoàn thể ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu đó của thời đại”.
II- Hệ thống tổ chức: Gồm có hai loại hội viên:“Hội viên cá nhân” và“hội viên đoàn thể”.Việc tập hợp các cá nhân, tổ chức, đảng phái“xem chừng như rất phức tạp, rất mâu thuẫn, khó tránh khỏi va chạm và xung đột, nhưng trên thực tế thì rất đơn giản” vì đã xác định mục tiêu đấu tranh chung và tuân thủ một số quy định chung.
III- Cách lãnh đạo: Mọi người đều cùng nhau bàn bạc và“phân công nhau mà làm”, “tuân thủ những nguyên tắc”, “tuỳ cơ ứng biến”.
IV- Cách tuyên truyền: Bằng nhiều cách: Tuyên truyền bằng miệng, tuyên truyền bằng văn tự và tuyên truyền bằng hành động. “Cương lĩnh tuyên truyền phải hết sức giản đơn, ai ai cũng hiểu được, nhớ được. Đoàn kết, đánh địch, cứu nước, chỉ sáu chữ ấy thôi là đủ rồi".
V- Cách huấn luyện: Theo “một chương trình học tập” đã định, biên soạn bài giảng, “phải hoàn toàn căn cứ vào yêu cầu của học viên”.
VI- Tài chính của hội: Do hội viên đóng góp theo nguyên tắc“có tiền góp tiền”, “có sức góp sức”.
VII- Công tác của hội: Trong thời gian qua có thành công và thất bại: thành công là do đoàn kết và hoạt động tích cực của cán bộ, hội viên; thất bại về hoạt động khó khăn, thiếu kinh nghiệm, giao thông liên lạc không thuận lợi, thiếu sự tuyên truyền đối ngoại.
VIII- Mấy vấn đề khó khăn: Ỷ lại vào đoàn thể, chưa giải quyết các thắc mắc của hội viên về “bao giờ thì đánh” (địch), bao giờ có sự giúp đỡ ở ngoài (Trung Quốc).
IX- Hy vọng của chúng tôi: Chấn chỉnh tổ chức, đoàn kết thực sự các lực lượng cách mạng, tranh thủ sự giúp đỡ ở ngoài giúp cho “sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ sớm thành công”.
Cũng tại Đại hội này, Hồ Chí Minh còn trình bày Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước. Người nói:Ở Việt Nam có nhiều đảng phái và đoàn thể chính trị không đảng phái. Các tổ chức này đều liên hiệp với nhau trong một mặt trận cứu quốc, tức Phân hội Việt Nam của Hội Quốc tế chống xâm lược. Trong những chính đảng đó, “nổi bật nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam”. Nhiệm vụ của các đảng là phải “mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích: Bên trong có lực lượng của mình, bên ngoài tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước Đồng minh, trước hết là của Trung Quốc, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc".
Người đặt vấn đề“Người Việt Nam có sợ cộng sản không?” và tự trả lời “Không”vì ở Việt Nam“không có một nhà băng nào là của người Việt Nam, không có một người Việt Nam nào là nhà tư bản lớn”; người có học thức cũng không sợ cộng sản vì“tư tưởng cộng sản truyền bá khắp thế giới. Đó là trào lưu tư tưởng của thời đại, sợ nó thì thật không đúng”.
Bây giờ,“cần nêu khẩu hiệu “Đoàn kết các đảng phái”, vì điều này đã trở thành hiện thực, mà cần phải mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân để đạt tới mục đích... hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Đại hội đã thông qua hai nghị quyết và bầu lại Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra mới. Hồ Chí Minh và Lê Tùng Sơn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành.
Ngay sau Đại hội, Hồ Chí Minh đến dự tiệc chiêu đãi của Trương Phát Khuê nhân kết thúc Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại của Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội. Sau đó, Người giao cho Lê Tùng Sơn trích 5.000 đồng trong số 10.000 đồng (tiền Trung Quốc lúc đó) của hai người (Hồ Chí Minh và Lê Tùng Sơn) do Trương Phát Khuê tặng (mỗi đại biểu 5.000 đồng) đem gửi biếu các sĩ quan và binh lính Trung Quốc đang chiến đấu ngoài mặt trận.
* Tháng 3 năm 1945
- Đầu tháng:
+ Tại Côn Minh, nhân danh Việt Nam - lực lượng đã giải thoát cho Trung uý Sao, Hồ Chí Minh tiếp xúc với AGAS. Phía Mỹ cảm ơn Người và gửi Người thuốc men, tiền bạc để tặng thưởng cho những người Việt Nam đã có công cứu Sao, nhưng Người chỉ nhận thuốc, không nhận tiền.
+ Trong khi chờ đợi tiếp xúc với Tướng Sênôn (Chennault), Hồ Chí Minh tranh thủ thời gian đến Cơ quan thông tin chiến tranh Mỹ (AOWI) (American of War Information), đọc sách báo, thu thập những thông tin cần thiết, đặc biệt là những tin chiến sự thế giới. Tại đây, Người đã đọc nhiều tài liệu khác nhau, từ tờ Times đến Bách khoa toàn thư Mỹ.
- Ngày 17: Buổi chiều, Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen (Charles Fenn), Trung uý Mỹ trong OSS. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.
- Ngày 20: Hồ Chí Minh gặp Sáclơ Phen lần thứ hai tại quán cà phê Đông Dương ở phố Kim Bích. Hai bên thoả thuận về phương thức hợp tác. Phía Sáclơ Phen nhận cung cấp các phương tiện thông tin liên lạc, người sử dụng các phương tiện ấy và huấn luyện cho người Việt Nam sử dụng chúng. Phía Việt Minh đồng ý cung cấp địa bàn hoạt động.
Theo yêu cầu của Người, Sáclơ Phen nhận lời sẽ thu xếp cuộc gặp gỡ với Tướng Sênôn.
- Ngày 23: Tại một căn phòng thuê của một cửa hiệu ở Côn Minh, Hồ Chí Minh tiếp Sáclơ Phen và Ph. Tam.
- Ngày 29: Lúc 11 giờ, Hồ Chí Minh gặp Tướng Sênôn, Tư lệnh không đoàn số 14 của Mỹ ở Hoa Nam, có Sáclơ Phen và Bécna (Bernard) cùng dự.
Tướng Sênôn cảm ơn Việt Minh đã cứu thoát phi công Mỹ và hỏi Việt Minh có sẵn lòng cứu giúp những phi công Đồng minh rơi ở Đông Dương không? Hồ Chí Minh trả lời rằng bổn phận của những người chống phát xít là làm tất cả những việc gì có thể làm được để giúp đỡ Đồng minh. Sau đó, Hồ Chí Minh đề nghị với Tướng Sênôn:"Tôi muốn có một tấm ảnh của Ngài, kèm theo chữ ký".
Sênôn đã tặng Người một tấm ảnh của mình với dòng chữ:“Bạn chân thành của ông, Claire L. Chennault".
Huyền Trang (Tổng hợp)
Còn nữa