Chỉ mục bài viết

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sự kiện trong Tháng Ba
qua các năm (giai đoạn 1955-1969) (phần 4)

* Tháng 3-1955

- Ngày 2: Trong bài Nhân dân Lào quyết tâm đập tan những mưu mô xâm lược, phá hoại hoà bình của tên hiếu chiến Đalét ở Lào, bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 365, Người vạch rõ những hoạt động đen tối của Đalét, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, âm mưu lôi kéo Chính phủ Lào tham gia những hoạt động vũ trang của Khối quân sự Đông Nam á, chống lại nhân dân Lào, gây tình hình căng thẳng ở Đông Dương và khu vực.

- Ngày 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp và đọc Lời khai mạc Hội nghị lần thứ Bảy (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Sau khi điểm qua những sự kiện quan trọng của tình hình thế giới và trong nước, những cố gắng của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, từng bước ổn định đời sống kinh tế, xã hội, Người đề ra một số nhiệm vụ quan trọng mà Hội nghị cần tập trung nghiên cứu, giải quyết: Lãnh đạo cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử tự do; củng cố miền Bắc về mọi mặt và đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở miền Nam; củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất trong cả nước; kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng và xây dựng lề lối làm việc khoa học, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức cách mạng cho toàn thể cán bộ và đảng viên.

Bài viết Người cán bộ cách mạng, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 366. Người nêu lên tầm quan trọng của việc rèn luyện đạo đức cách mạng: "Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không". Người nêu tóm tắt nội dung của đạo đức cách mạng: "Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân". Người nêu lên một số tấm gương về đạo đức cách mạng và phê phán một số biểu hiện "thờ ơ với đạo đức cách mạng" dẫn đến mắc nhiều khuyết điểm sai lầm. Người viết: "Để sửa chữa, cần phải học tập lý luận, trau dồi đạo đức, nhận rõ điều gì là phải, thì cố gắng làm, điều gì là trái thì kiên quyết tránh. Phải hiểu rằng bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình".  

- Ngày 4: Bài viết Nhân sinh thất thập cổ lai hy bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 367. Sau khi nêu số liệu về người cao tuổi ở Liên Xô, ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng bí quyết sống lâu là ăn uống điều độ, làm việc chăm chỉ và sống ở nơi không khí trong lành. Người kết luận:

"Xa xỉ thì nhiều bệnh

Cần kiệm thì sống lâu".

- Ngày 8: Trong bài 8 tháng 3, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 371. Người kêu gọi phụ nữ Việt Nam phát huy tinh thần Ngày Quốc tế Phụ nữ hăng hái tham gia phong trào thi đua xây dựng lại đất nước, tích cực đấu tranh thực hiện thống nhất Tổ quốc và sôi nổi hưởng ứng phong trào chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu dự Hội nghị những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hoà bình. Dự hội nghị có 191 đại biểu, trong đó có 46 linh mục, 8 tu sĩ và 137 giáo dân. Người nói với các đại biểu về chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách ruộng đất và chính sách đại đoàn kết. Cuối buổi, Người chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu.

- Ngày 9: Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đại biểu dự Hội nghị Công giáo. Người nói chuyện với các đại biểu về chính sách tôn giáo của Đảng và Chính phủ, về nhiệm vụ cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế và lên án chính quyền cũ lôi kéo, dụ dỗ, cưỡng bức giáo dân di cư vào miền Nam. Người căn dặn các đại biểu phải động viên giáo dân tích cực xây dựng quê hương đất nước và xây dựng khối đoàn kết toàn dân.

- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp và đọc Lời bế mạc Hội nghị lần thứ Bảy (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá Hội nghị Trung ương đạt kết quả tốt. Hội nghị đã phân tích sâu sắc và toàn diện tình hình thế giới và trong nước để đề ra những nội dung công tác thích hợp. Về phương pháp lãnh đạo, Hội nghị Trung ương nhận thấy phải bám sát hơn nữa thực tế cuộc sống, phải mở rộng dân chủ, thống nhất và tập trung. Cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập lý luận và thực hiện tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên để nâng cao trình độ và năng lực công tác. Người nhấn mạnh công tác xây dựng khối đoàn kết: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phong trào hoà bình Pháp do bà Yvơ Phácgiơ dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta.

Người cảm ơn đoàn đại biểu và đánh giá cao tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp. Sức mạnh của tình đoàn kết đó đã góp phần giúp cho cuộc đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam thành công; cũng nhờ sức đoàn kết đó, sự nghiệp củng cố hoà bình sẽ thắng lợi. Người nhờ các đại biểu chuyển lời chào và cảm ơn của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Pháp, đặc biệt là các chiến sĩ hoà bình nước Pháp.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân ngày khai trường. Người chỉ rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ văn hoá cho đồng bào miền núi. Người căn dặn anh chị em học sinh phải đoàn kết, thương yêu nhau như anh em một nhà và cố gắng học tập để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

- Ngày 20: Tham gia Đoàn Chủ tịch và đọc Lời chào mừng kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá I, Người nhiệt liệt chào mừng các đại biểu Quốc hội và dành những tình cảm trìu mến nhất đối với các đại biểu miền Nam. Người chỉ rõ những nội dung công tác quan trọng Quốc hội cần thảo luận và thực hiện trong thời gian tới. Người nói: "Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi. Phiên họp này lại nêu cao ý chí đó: quyết tâm đấu tranh và quyết tâm thắng lợi".

- Ngày 22: Trong bài Quốc hội ta và "Quốc hội" chúng, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 385, Người chỉ rõ Quốc hội ta là do toàn thể dân chúng bầu ra. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Còn cái gọi là "Quốc hội lâm thời" ở miền Nam do chính quyền Mỹ - Diệm đặt ra chỉ là công cụ quyền lực của một chính phủ độc tài. "Quốc hội lâm thời" sẽ có 257 "đại biểu" nhưng chỉ có 99 người thông qua bầu cử. Số còn lại là do sắp đặt sẵn.

- Ngày 26: Đọc Lời phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ Tư Quốc hội khoá I, Người đánh giá cao kết quả của kỳ họp và tin tưởng Quốc hội, Chính phủ đoàn kết nhất trí sẽ làm trọn được những trọng trách mà nhân dân đã giao phó. Người nói: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".

Tối, cùng Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp và mời cơm thân mật Tổng đại diện nước Cộng hoà Pháp tại Hà Nội Giăng Xanhtơny, Người bày tỏ nguyện vọng của nhân dân Việt Nam mong muốn hợp tác với người Pháp trong tình đoàn kết, hữu nghị và tôn trọng chủ quyền dân tộc của nhau. Người nói: "Sự thật hiển nhiên là về các mặt kinh tế, văn hoá và khoa học, tóm lại, về tất cả những gì không phải là sự phục sinh của chủ nghĩa thực dân, thì chúng tôi luôn luôn mong muốn sự hợp tác rất chặt chẽ với nước Pháp. Thật đáng tiếc là ông đã không làm cho đồng bào của ông hiểu được điều ấy".

- Ngày 30: Trong bài Năm nguyên tắc lớn, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 393., Người nêu rõ: Nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã bày tỏ sự ủng hộ Năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình mà Chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ và Miến Điện đã tuyên bố.

- Trong tháng 3

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị giáo dục toàn quốc. Người ân cần thăm hỏi các đại biểu về dự hội nghị, nhắc nhở công tác giáo dục phải bám sát thực tiễn phong trào cách mạng và đời sống của quần chúng, phải dựa vào kinh nghiệm và sự ủng hộ của nhân dân. Về chức năng cao quý của người cán bộ giáo dục, Người viết: "Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy học là: Chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ toàn quốc họp tại Hà Nội để quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy. Người nhắc nhở các đại biểu phải phát động phong trào cách mạng trong quần chúng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách ruộng đất, đấu tranh bảo vệ hoà bình, thực hiện thống nhất Tổ quốc... Người nói: "Phải nghiên cứu kỹ càng đường lối của Đảng và Chính phủ, gần gũi và học tập nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, theo đúng đường lối quần chúng".

* Tháng 3- 1956

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị liên hoan chiến sĩ thi đua nông nghiệp và đại biểu các tổ đổi công gương mẫu toàn miền Bắc. Người chỉ rõ: "Tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm. Tiết kiệm phải đi đôi với tăng gia sản xuất"; Động lực chính là thanh niên và bộ đội; "Thanh niên và bộ đội phải như đầu tàu của phong trào thi đua trong nông nghiệp"; "Muốn tăng gia sản xuất phải thi đua, phải đấu tranh chống bão lụt, hạn hán..., phải cải tiến kỹ thuật, phải học hỏi và trao đổi kinh nghiệm"...

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xã Trung Kính thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Người thăm một số gia đình và nói chuyện với nhân dân địa phương, khen ngợi xã đã làm tốt công tác cải cách ruộng đất và căn dặn cán bộ xã: “Phải gần gũi nhân dân, phải lo lắng đến đời sống của nhân dân, làm thế nào cho nhân dân sung sướng, có cơm no áo ấm. Như thế mới là hết lòng với Đảng, với nhân dân”.

Tại câu lạc bộ thanh niên của xã, Người căn dặn: "Thanh niên lao động không những phải xung phong làm gương mẫu cho thanh niên khác mà còn phải đoàn kết và dắt dìu mọi thanh niên khác làm cho ai nấy cùng xung phong gương mẫu, tích cực công tác như mình mới được".

- Ngày 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Quốc vương Cao Miên Suramarít nhân dịp lễ đăng quang của Quốc vương.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt giải thưởng một lá cờ danh dự cho địa phương đạt thành tích xuất sắc nhất trong cuộc thi đắp đê phòng chống lụt, dự định tổ chức từ ngày 3-3 đến ngày 19-5-1956. Tiêu chuẩn thi đua là:

1. Hoàn thành kế hoạch, bảo đảm thời gian và kỹ thuật.

2. Tăng năng suất, vượt mức kế hoạch đề ra.

3. Hạ giá thành sản phẩm và tiết kiệm nhất.

- Ngày 4: Trong bài Thư gửi đồng chí Pinô, Ngoại trưởng Pháp, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 731, Người nêu ra những lời phát biểu của các nghị viên Pháp trong cuộc họp Thượng nghị viện ngày 23-2-1956 về Việt Nam. Nhiều nghị viên cho rằng chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam quá yếu kém và bị cô lập; phần lớn nhân dân miền Nam và các tôn giáo đều chống Ngô Đình Diệm. Chính phủ Pháp mong muốn có quan hệ thân thiện với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với điều kiện có lợi cho cả hai bên... Người khẳng định: Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn quý mến nhân dân Pháp, sẵn sàng quan hệ thân thiện với nước Pháp trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi.

- Ngày 7: Bài viết Cán bộ chuyên môn, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 734. Người viết: “Một điều mà các nước tư bản chú ý nhất trong kế hoạch 5 năm lần thứ Sáu của Liên Xô là vấn đề cán bộ chuyên môn, vì họ biết rằng: Trong cuộc thi đua hòa bình, vấn đề cán bộ sẽ quyết định ai thắng, ai bại".

Người dẫn ý kiến ở nước Pháp, Mỹ, Anh than phiền rằng họ thiếu cán bộ chuyên môn, do thiếu trường, thiếu thầy. Bài báo cho biết ở Liên Xô, số cán bộ chuyên môn có rất nhiều, hơn tất cả số cán bộ chuyên môn của Anh, Pháp, ý và các nước tư bản Tây Âu cộng lại và khẳng định trí thức ở các nước xã hội chủ nghĩa rất được coi trọng.

- Trước ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm phòng triển lãm nông nghiệp toàn quốc. Người tỏ ý hài lòng, khen cuộc triển lãm đã thể hiện được sự giàu có của đất nước, sức lao động sáng tạo của nông dân; Ban tổ chức và những người phục vụ triển lãm có nhiều cố gắng.

- Ngày 17: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhi đồng cũng là chiến sĩ, bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 744. Tác giả nêu gương hai em: Ngô Văn Bình, 14 tuổi, ở phố Hàm Long (Hà Nội) và em Lê Sĩ Cừ, 13 tuổi, ở xã Hoằng Phú (Thanh Hoá), ngoài giờ học đã tham gia trồng rau đạt năng suất cao. Kinh nghiệm của hai em được phổ biến ở nhiều nơi và đã được Bác Hồ khen thưởng.

Cùng với những thành tích của các em thiếu nhi, phụ lão cũng có nhiều tấm gương tiêu biểu như cụ Trần Kiên 72 tuổi, và anh hùng Hoàng Hanh, 69 tuổi v.v..

Tác giả kết luận:

"Nông dân đoàn kết, cả nước một nhà,

Đủ cả dân tộc, đủ cả trẻ, già,

Ai cũng cố gắng thi đua tăng gia,

Kế hoạch nông nghiệp chắc là thành công".

- Ngày 23:  Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, Người chỉ rõ công tác giáo dục là một bộ phận trong cuộc đấu tranh cách mạng và phân tích mối quan hệ giữa phát triển giáo dục với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế.

Về chủ nghĩa Mác-Lênin, Người nói: "...Có một vài vị lo ngại rằng chủ nghĩa Mác - Lênin bó buộc tư tưởng, bó buộc giáo dục. Lo ngại như vậy không đúng. Chủ nghĩa Mác - Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ai đi nhầm đường thì chúng ta giúp họ đi vào con đường chính; như thế không phải là bó buộc".

Về phương pháp dạy và học, Người căn dặn: "Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo".

- Trong tháng

+ Gặp gỡ một số cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội chuẩn bị đi học ở Liên Xô, Người căn dặn anh chị em cố gắng học ngoại ngữ, học kỹ thuật cho tốt để về xây dựng đất nước.

+ Người chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ thảo luận về thuế nông nghiệp: Ban hành Điều lệ thuế nông nghiệp, áp dụng cho những nơi đã cải cách ruộng đất. Quy định về việc lập sổ bộ thuế phải tiến hành từ đầu năm, tránh gây ảnh hưởng tới sản xuất của nhân dân. Quy định sản lượng ổn định trong 3 năm để tính thuế.

- Ngày 30: Bài viết Hoa sen, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 757. Người phân tích một số chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong cải cách ruộng đất.

Đối với giai cấp địa chủ, Người nêu rõ: Chúng ta không "vơ đũa cả nắm" mà có sự phân biệt. "Những địa chủ thật thà tuân theo pháp luật, thì giúp đỡ cải tạo. Đối với những địa chủ cường hào gian ác, đã có nhiều nợ máu, lại ngoan cố phá hoại thì mới trừng trị. Giáo dục cải tạo là chính".

Quan hệ gia đình có ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng của con người, nhưng không phải là quyết định. Khi đã đứng vào hàng ngũ cách mạng, được Đảng và nhân dân rèn luyện, người ta có thể đấu tranh thoát ly ảnh hưởng của giai cấp xấu và những quan hệ xấu.

Người kết luận: Thành phần giai cấp và quan hệ gia đình có ảnh hưởng như thế nào, điều quyết định là do bản thân mỗi người. Thí dụ như cây sen: Gốc, rễ cây sen ở dưới đất bùn hôi hám. Nhưng vươn mình lên mặt nước trong trẻo, hấp thụ ánh sáng mặt trời thì HOA SEN trở nên tươi đẹp, thơm tho. Và con người cũng vậy, thành phần giai cấp và quan hệ gia đình không ảnh hưởng xấu đối với những người thật thà cách mạng.

Tối, thăm lớp bình dân học vụ ở khu lao động Lương Yên (nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại Tiểu khu 7 và Tiểu khu Thuý ái, Người dừng lại trong mỗi lớp rất lâu, xem xét cách giảng dạy của thầy giáo, hỏi thăm tình hình học tập, công việc làm ăn, đời sống của những người đi học. Nói chuyện với bà con, Người rất vui mừng khi thấy khu lao động thoáng mát, sạch sẽ, có câu lạc bộ, sân vận động, máy phóng thanh; khen ngợi những cố gắng của cả người dạy và người học.

Trên đường về, Người vào thăm một số gia đình lao động và nói chuyện thân mật với bà con và căn dặn: "Chúng ta cố gắng thi đua sản xuất thời đời sống sẽ dần dần khá lên. Do cái óc, cái tay của mình mà cải thiện đời sống của mình. Đảng và Chính phủ rất mong muốn đời sống của công nhân, công chức và bộ đội càng khá hơn... Đời sống ví như chiếc thuyền. Sản xuất ví như nước. Mực nước lên cao, thì con thuyền càng nổi lên cao".

* Tháng 3 - 1957

- Trước ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng Quốc vương Khme Nôrôđôm Xuramarít, nhân dịp kỷ niệm Ngày lên ngôi và sinh nhật của Quốc vương.

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Ban Bí thư Trung ương Đảng thảo luận mấy điểm về chính sách cụ thể sửa thành phần và đền bù tài sản, nghe báo cáo kết quả Hội nghị sửa sai vùng Công giáo; bàn vấn đề Ban Thi hành hiệp định đình chiến và việc tổ chức Ban miền Nam của Đảng. Người nói: “Tổ chức này có xu hướng đi đến một bộ. Cần xem xét lại, nghiên cứu thêm, nhưng tuyên truyền không có bộ đó thì ta cũng không nên”.

- Ngày 27: Đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ năm 1956, Người khen ngợi thành tích của cả người dạy và người học trên mặt trận “diệt dốt” và nhắc nhở cán bộ bình dân học vụ cần cố gắng hơn nữa, phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn để đạt thành tích cao hơn trong công tác quan trọng này.

Người chỉ rõ: Cán bộ bình dân học vụ phải dựa vào nhân dân, phải thấm nhuần tính chất nhân dân của ngành; người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít; không nhất thiết phải có trường lớp, giờ giấc. Cán bộ bình dân học vụ không được coi mình là công chức, chính quy hóa bình dân học vụ thì không thể làm tròn được nhiệm vụ xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Tại Hội nghị, Người đã gửi tặng Huy hiệu cho chị Lê Thị Bình, giáo viên bình dân học vụ xuất sắc của Hà Nội và hẹn sẽ có phần thưởng xứng đáng cho những người có thành tích trong công tác bình dân học vụ. Ông Vương Kiêm Toàn, Giám đốc Nha Bình dân học vụ thay mặt Hội nghị kính tặng Người chiếc Huy hiệu Bình dân học vụ đầu tiên và kính tặng Người danh hiệu Chiến sĩ diệt dốt số 1 trong toàn quốc.

- Ngày 30: Chiều, đến thăm và nói chuyện tại phiên bế mạc Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua ngành Công nghiệp thành phố Hà Nội lần thứ hai, Người khuyên cán bộ và công nhân ngành Công nghiệp Thủ đô phải tăng cường ý thức kỷ luật trong lao động; chú ý việc cải tiến công tác quản lý; chăm lo cải thiện đời sống cho công nhân trên cơ sở tăng gia sản xuất và tăng năng suất lao động; cố gắng học tập, trau dồi ý thức yêu lao động, gương mẫu trong sản xuất và đoàn kết phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

* Tháng 3 - 1958

- Ngày 1: Dự họp Bộ Chính trị bàn vấn đề chấn chỉnh tổ chức, giảm nhẹ biên chế, Người cho rằng nên đặt vấn đề giảm bộ máy để xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có kế hoạch củng cố chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên và Bộ Chính trị phải có kế hoạch “làm phải khẩn trương nhưng không lụp chụp. Phải chú ý đến hoàn cảnh và đặc điểm của ta, phải xem trước, sau, khéo. Phải chú trọng đức, tài, không hẹp hòi”.

- Ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Thái Nguyên.

Người tới thăm trạm bơm nước xã Lữ Yên (Yên Thịnh, Phú Bình) nơi đang chạy thử máy bơm tự động chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp đỡ. Sau đó, Người về thăm Hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành (Hùng Sơn, Đại Từ) là Hợp tác xã đầu tiên của tỉnh. Nhân dân bốn Hợp tác xã nông nghiệp chung quanh, một số đồng bào hai xã Hùng Sơn, Độc Lập cùng một số cán bộ khu, tỉnh, huyện cũng tập trung ở Hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành để đón Người. Nói chuyện với cán bộ và đồng bào, Người nêu rõ lợi ích của tổ đổi công, hợp tác xã và khuyên mọi người nên hăng hái tham gia: “Hợp tác xã, tổ đổi công chẳng những có lợi ngay cho mình mà còn lợi về sau cho con cháu mình. Đồng bào phải trông xa, thấy rộng, chớ thấy khó khăn mà ngại, chớ thấy lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài” và căn dặn: “Muốn xây dựng tổ đổi công, Hợp tác xã được tốt phải đoàn kết, phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý”.

Trước khi ra về, Người vào thăm một số gia đình trong Hợp tác xã.

- Ngày 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về việc điều chỉnh dự án Kế hoạch ba năm. Sau khi nghe các chuyên gia phát biểu ý kiến, Người yêu cầu chỉ tập trung xem xét những vấn đề chính, còn các vấn đề cụ thể giao cho Ủy ban Kế hoạch nghiên cứu lại để trình Bộ Chính trị thảo luận kỹ hơn.

- Ngày 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về việc điều chỉnh dự án Kế hoạch ba năm. Sau khi nghe các chuyên gia phát biểu, Người yêu cầu các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Văn Trân làm một bản tóm tắt ý kiến tiếp thu của ta để Bộ Chính trị làm việc với chuyên gia.

- Ngày 10: Sáng, về thăm Sư đoàn 316 giữa lúc Sư đoàn đang hoàn thành những công việc cuối cùng cho cuộc hành quân trở lại Tây Bắc. Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh, đi thăm nơi ăn, ở của một vài đơn vị, Người gặp mặt và nói chuyện thân mật với toàn thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn.

Về nhiệm vụ của quân đội, Người chỉ rõ: "Hiện nay quân đội ta có hai nhiệm vụ chính. Một là xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu. Hai là tăng gia sản xuất cùng với toàn dân để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội".

Nhắc đến nhiệm vụ sắp tới của Sư đoàn, Người căn dặn: "Đánh đế quốc thì có một thứ giặc trước mắt, nhưng trong nông nghiệp thì có nhiều kẻ thù: Nào trời không mưa thuận gió hòa, nào sâu bọ phá hoại. Đánh giặc trong nông nghiệp phức tạp hơn đánh giặc thực dân. Các chú phải chuẩn bị tinh thần đánh thắng cả trời".

Trước khi ra về, Chủ tịch tặng đơn vị 100 Huy hiệu của Người để làm giải thưởng thi đua và chép tặng Bài thơ Người vừa ứng khẩu:

"Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá.

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn.

Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được,

Gian khổ không làm lòng ta sờn.

Đảng phái ta lên mặt trận sản xuất,

Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn.

Đội ơn đào tạo người, quân đội.

Quyết chí đền bù, nghĩa nước non".

Trong ngày, họp Bộ Chính trị bàn tiếp về Kế hoạch Nhà nước ba năm, Người nhắc: Khi làm Kế hoạch xong, cần có kế hoạch tuyên truyền và cử các đồng chí Trung ương đi các địa phương nói chuyện và động viên thực hiện Kế hoạch Nhà nước.

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trường Trung cấp Nông Lâm và nói chuyện với lớp Huấn luyện cán bộ hợp tác xã nông nghiệp mở tại Trường.

Người phân tích mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh: “Muốn phát triển nông nghiệp thì trước hết phải xây dựng tốt phong trào đổi công ở khắp mọi nơi và trên cơ sở đó sẽ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp từ thấp đến cao... Vận động nông dân vào tổ đổi công, hợp tác xã thì phải tuyên truyền giải thích, nhưng như thế chưa đủ, mà phải lấy kết quả thực tế để nông dân nhìn thấy tận mắt, nghe thấy tận tai thì việc tuyên truyền đó mới có kết quả tốt”.

- Ngày 14 và 15: Kết luận cuộc họp Bộ Chính trị bàn tiếp về kế hoạch dài hạn, Người lưu ý: Việc học tập kinh nghiệp của các nước, không bảo thủ nhưng phải thận trọng; tránh tràn lan; phải chú ý việc tổ chức thực hiện phục vụ nông nghiệp; phải có trọng tâm, toàn diện, cân đối, thống nhất chỉ đạo trong kế hoạch xây dựng thành phố; sử dụng viện trợ phải dùng vào kỹ thuật là chính, tránh nhập những thứ phi sản xuất.

- Ngày 18: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ, nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về những nhiệm vụ cụ thể và công tác trước mắt của Quân đội Nhân dân; thảo luận báo cáo của Bộ Y tế về vấn đề quản lý thuốc và thông qua đề cương báo cáo của Chính phủ sẽ trình Quốc hội.

Cũng trong buổi sáng, Người đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Tổng kết công tác bình dân học vụ năm 1957 của Hà Nội. Chủ tịch biểu dương những thành tích của ngành Bình dân học vụ Hà Nội đã đạt được trong năm qua và mong cán bộ, nhân dân Hà Nội cố gắng xoá xong nạn mù chữ trong năm 1958 để xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại Hội nghị, Người trao tặng Huy hiệu của Người cho tám Chiến sĩ thi đua toàn thành phố và gia đình ông Nguyễn Văn ấp có năm người tham gia dạy học các lớp bình dân.

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Người tiếp Đoàn đại biểu dự Đại hội thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam. Sau khi nghe Pháp sư Thích Trí Độ, thay mặt Ban Trị sự của Hội, báo cáo về kết quả Đại hội Phật giáo, sự đoàn kết nhất trí của các đại biểu trong Đại hội, Người khen ngợi thành công của Đại hội và mong các đại biểu phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước, tình đoàn kết, đức bác ái từ bi để làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ quốc.

Chủ tịch biếu Đoàn cây bồ đề của Tổng thống R.Praxát tặng trong dịp Người sang thăm ấn Độ.

- Ngày 19: Nói chuyện với Hội nghị ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Người chỉ rõ nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay là ra sức động viên toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng kinh tế miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và ra sức đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Người căn dặn: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, mọi người cần đoàn kết thực sự và giúp nhau cùng tiến bộ. Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”.

- Ngày 20: Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu hai nhiệm vụ trước mắt của quân đội ta trong tình hình mới:

Một, phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu.

Hai, tích cực tham gia sản xuất để góp phần xây dựng kinh tế, xây dựng và củng cố hậu phương.

Để chỉ rõ những biện pháp thực hiện hai nhiệm vụ trên, Người đặc biệt yêu cầu các cán bộ quân đội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải gương mẫu trong mọi việc, phải tăng cường đoàn kết trong cán bộ, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa cán bộ với bộ đội Bắc - Nam, giữa bộ đội chiến đấu và bộ đội sản xuất, giữa quân và dân.

- Ngày 21: Dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Kế hoạch Nhà nước năm 1958. Sau khi nghe các ý kiến, Người phát biểu kết luận, nhấn mạnh mấy điểm:

+ Về nông nghiệp, chỉ tiêu trong kế hoạch chỉ nên coi là tối thiểu. Trung ương phải kiên quyết đẩy mạnh việc sản xuất nông nghiệp, chú trọng nước, phân và nông cụ.

+ Cần đẩy mạnh tổ đổi công trong năm 1958, làm cho tốt, không chỉ chú ý con số. Không nhất thiết cứ mỗi huyện phải có một hợp tác xã, có huyện hai, ba hợp tác xã, có huyện chưa nên làm. Cán bộ hợp tác xã nên dùng cán bộ địa phương.

+ Về công nghiệp, chú trọng vấn đề kiểm tra. Trung ương phải nắm một số xí nghiệp gần để chỉ đạo riêng và phải củng cố chi bộ, công đoàn trong các xí nghiệp. Phải nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật của cán bộ lãnh đạo các xí nghiệp.

+ Vấn đề thu mua, “phải chú trọng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức chu đáo thì nông dân mới đồng tình, nếu không họ sẽ phản ứng kêu thiếu gạo. Về giá cả phải định cho phải chăng, không hạ giá”. Làm thí điểm cũng phải cân nhắc cẩn thận và chuẩn bị đầy đủ.

+ Vấn đề huy động vốn của tư nhân, phải có kế hoạch tỉ mỉ.

+ Vấn đề phân cấp quản lý, cần làm nhưng phải nghiên cứu kỹ kế hoạch.

- Ngày 22: Dự họp Bộ Chính trị thảo luận về công tác tuyên truyền cho Kế hoạch Nhà nước năm 1958. Sau khi nghe các ý kiến về công tác tuyên truyền cho Kế hoạch Nhà nước, Người đề nghị Bộ Chính trị giao cho đồng chí Trường Chinh cùng với các đồng chí khác nghiên cứu kế hoạch tuyên truyền. Việc tuyên truyền do Ban Tuyên huấn phụ trách, nhưng ủy ban Kế hoạch và các ngành khác cũng phải giúp vào. Người yêu cầu "ở nông thôn và xí nghiệp phải làm cho chi bộ, công đoàn, thanh niên hiểu rõ nhiệm vụ kế hoạch" và phải làm cho công nhân, nông dân hiểu mới lôi kéo được tiểu tư sản. Người yêu cầu các ủy viên Trung ương, các Bộ trưởng, Thứ trưởng phải xuống địa phương để truyền đạt Kế hoạch Nhà nước và động viên quần chúng thực hiện. Các ngành văn hoá giáo dục phải tham gia vào công việc này. Trong tuyên truyền giáo dục, phải kết hợp với thực tiễn, tránh nói suông và phải có những cuốn sách nhỏ hợp với trình độ quần chúng để tuyên truyền.

- Ngày 24: Nhân dịp Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc, dặn dò những việc cần phải làm trong năm 1958 để xây dựng Tây Bắc ngày càng giàu có, đời sống nhân dân ngày càng no đủ.

- Ngày 25: Nhân dịp kỷ niệm lễ đăng quang và sinh nhật của Quốc vương Khơme Nôrôđôm Xuramarít, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương và Hoàng hậu. “Chúc tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta ngày càng củng cố và phát triển”.

- Ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về Hội nghị đại biểu của Đảng bàn việc ra Tạp chí Lý luận quốc tế, vấn đề khoa học xã hội và thảo luận "Dự thảo Hiến pháp".

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Sư đoàn 335 (Sư đoàn bộ đội miền Nam tập kết), khen ngợi "toàn thể các cán bộ và chiến sĩ đã quyết tâm triệt để chấp hành nhiệm vụ mới, yên tâm và phấn khởi tham gia công cuộc củng cố và xây dựng khu Tây Bắc thành một hậu phương vững chắc của miền Bắc chúng ta".

- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nói chuyện với cán bộ, xã viên và bộ đội đóng quân trong xã, Người nêu rõ: Phương châm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp của ta là làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích để họ tự nguyện tham gia, nhằm làm cho năng suất lao động cao hơn. Muốn vậy, phải thực hiện dân chủ, phải không ngừng cải tiến quản lý và kỹ thuật.

Người đã tặng Huy hiệu của Người cho xã viên xuất sắc nhất của Hợp tác xã.

Trên đường về, Người ghé thăm cánh đồng chiêm của thôn Lai Sơn.

* Tháng 3 - 1959

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Campuchia Nôrôđôm Xuranarít và Hoàng hậu Cốtxamắc Nêarirêát nhân ngày lễ đăng quang và ngày sinh của Quốc vương.

- Ngày 10: Tại thành phố Côn Minh - Trung Quốc, Người tới thăm Học viện Dân tộc Vân Nam. Đi xem các cơ sở của nhà trường xong, Người dự buổi biểu diễn văn nghệ của học sinh, sau đó dự buổi gặp mặt và nói chuyện thân mật với thầy trò nhà trường. Người nêu rõ: “Thời vua quan phong kiến trước đây, cũng như thời địa chủ, tư bản, đế quốc thống trị, chúng đã thi hành chính sách chia rẽ các dân tộc. Ở Việt Nam cũng thế, ở Trung Quốc cũng thế, ở các nước khác trên thế giới cũng thế... Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc đều là anh em một nhà, không có chủ nghĩa dân tộc lớn, cũng không có chủ nghĩa dân tộc địa phương hẹp hòi”.

- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và nói chuyện với Việt kiều và thực tập sinh Việt Nam ở Côn Minh. Chủ tịch căn dặn mọi người: “Người xã hội chủ nghĩa phải biết yêu đất nước mình, lại phải có tinh thần quốc tế. Cho nên, dù ở đâu cũng phải cố gắng học tập và lao động... phải tuân thủ luật pháp của nước anh em vì đó là luật pháp xã hội chủ nghĩa”.

Người còn tới thăm căn nhà hiện mang biển số 69 đường Kim Bích và căn nhà số 98 đường Hoa Sơn Nam là những nơi Người từng ở hồi hoạt động cách mạng ở Côn Minh thời kỳ chiến tranh chống Nhật.

- Ngày 14: Nói chuyện với Hội nghị cán bộ công đoàn, Người nêu rõ những nhiệm vụ của giai cấp công nhân, công đoàn hiện nay và những biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó. Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng con người toàn diện: “Có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê làm mướn ngày trước, vì bây giờ mình làm cho gia đình mình, cho con cháu mình. Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ”.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Nam Định.

Nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Người khen Nam Định đã cố gắng chống hạn và phê bình Nam Định diện bị hạn vẫn còn rộng ảnh hưởng tới thu hoạch. Người yêu cầu phải tập trung lực lượng, tìm mọi cách chống hạn và trong lúc chống hạn, phòng hạn, phải có kế hoạch phòng úng. “Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm, quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi”.

Gặp gỡ Đảng ủy Nhà máy dệt Nam Định, Người yêu cầu cần làm tốt những điều Người căn dặn về công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, công tác phát triển Đảng và Đoàn.

Cùng ngày, Người về thăm và nói chuyện với đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình.

Về công tác phòng chống hạn của Ninh Bình, Người nhắc nhở cần biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các xóm, các xã, các huyện, các tỉnh; đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, hợp tác xã và tổ đổi công cũng phải gương mẫu, giúp đỡ những người còn làm ăn riêng lẻ.

- Ngày 17: Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ bế mạc Lớp nghiên cứu về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của các nhân sĩ, trí thức cao cấp do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Người khen ngợi học viên đã tích cực nghiên cứu, đạt kết quả tốt và căn dặn “cần phát huy thêm những thu hoạch bước đầu, nâng cao lập trường, tư tưởng để phấn đấu phục vụ nhân dân, mỗi người cần cố gắng để tiến bộ kịp với đà chuyển biến của tình hình mới, học và hành phải đi đôi”.

- Ngày 19: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thay mặt Đảng và Chính phủ, Người chào mừng Hội nghị và mong rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tăng cường đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh công tác động viên nhân dân sản xuất hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp lần thứ 24 của Ban sửa đổi Hiến pháp. Người cùng với các thành viên trong Ban duyệt lại lần cuối cùng Bản dự thảo và thông qua kế hoạch công bố Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để toàn dân thảo luận.

- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Quảng Ninh và một số đảo trong Vịnh Hạ Long.

8 giờ 20, Chủ tịch đến Trường huấn luyện Hải quân.

9 giờ, Người xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng đảo.

12 giờ, Người yêu cầu tàu leo tại chân một hòn đảo để lên bờ nghỉ ăn trưa. Người xẻ cơm nếp và thịt rang mang từ Hà Nội xuống cho các đồng chí làm nhiệm vụ dưới tàu.

13 giờ 45, Người đến Cửa Ông - Cẩm Phả, đi thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân mỏ Đèo Nai (Cẩm Phả). Nói chuyện với cán bộ và công nhân trên công trường, Người nêu cụ thể một số khuyết điểm các cô, các chú “cần phải sửa chữa” và gửi tặng 10 giải thưởng cho ngành nào, cá nhân nào có nhiều thành tích hơn cả trong ba tháng thi đua đầu năm.

15 giờ, Người xuống tàu để trở về bến cảng Hòn Gai. Người hỏi: “Có đi tiếp đến đảo Tuần Châu được không”. Được báo cáo nếu đi Tuần Châu thì sẽ phải ăn tối muộn, Người nói: “Thế thì ta ăn tối trên tàu”.

18 giờ 30, Người gặp và nói chuyện với cán bộ và nhân dân đảo Tuần Châu, ghé thăm hai gia đình trên đảo.

19 giờ, Người rời đảo Tuần Châu bằng thuyền để ra tàu T.524.

20 giờ 30, Người gặp và nói chuyện với cán bộ Khu uỷ Hồng Quảng.

21 giờ 30, Người cho xe ô tô đón cán bộ, chiến sĩ tàu T.524 lên gặp Người. Rót nước và chia kẹo cho từng cán bộ, chiến sĩ, Người nhắc nhở các thủy thủ phải yêu biển, đã có tàu phải chịu khó học tập kỹ thuật để sử dụng tàu cho tốt, chiến đấu cho giỏi.

- Ngày 31: Lúc 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cảng Hải quân Bãi Cháy và lên tàu T.554 đi thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng.

Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Người căn dặn phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống.

Biết bộ đội trên đảo thiếu nước ngọt và sách báo, Người bảo đồng chí cán bộ Tổng cục Hậu cần đi theo phải nghiên cứu, đảm bảo sao cho mỗi tuần anh em có thể tắm hai lần bằng nước ngọt và hứa sẽ gửi tặng cán bộ chiến sĩ trên đảo một chiếc máy thu thanh. Lúc nhận trứng, bí... của đơn vị tặng, Người nói “Bác rất quý quà này, vì các chú tự làm ra”.

Tiếp đó, Người đến thăm đảo Cát Hải, rồi đảo Cát Bà.

14 giờ 30, Người đến thăm ba gia đình ở phố đảo. Sau đó, Người gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ và nhân dân huyện đảo Cát Bà.

17 giờ 30, Người tới thăm Trường huấn luyện Hải quân. Sau khi đi thăm nơi làm việc, nhà nghỉ, nhà bếp, sân tập, Người nói chuyện với giáo viên, học viên nhà trường và căn dặn: “Phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành”.

Tối, Người nói chuyện với các ngành quân, dân, chính, đảng Hải Phòng. Sau khi nêu ra những công tác chủ chốt cần đẩy mạnh, Người căn dặn: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi công tác... kết quả công tác của địa phương là cái thước đo sự lãnh đạo của Đảng”.

- Khoảng tháng 3:

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang. Nói chuyện tại buổi lễ, Người nêu rõ ý nghĩa và nhiệm vụ của tổ chức Công an nhân dân vũ trang, căn dặn cán bộ và chiến sĩ công an “phải dựa vào dân để hoạt động”, “phải luôn luôn giúp đỡ, tổ chức, giáo dục nhân dân, làm cho mọi người dân là người giúp việc của mình, làm thành mạng lưới công an nhân dân” thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ.

Để kết luận, Người tặng lực lượng công an nhân dân vũ trang mấy câu:

Đoàn kết, cảnh giác,

Liêm chính, kiệm cần,

Hoàn thành nhiệm vụ,

Khắc phục khó khăn,

Dũng cảm trước địch,

Vì nước quên thân,

Trung thành với Đảng,

Tận trung với dân.

* Tháng 3 - 1960

- Ngày 3: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thông qua dự thảo Điều lệ Đảng.

Chiều, Người tiếp tục dự họp Bộ Chính trị bàn thêm về việc tổ chức thảo luận đề án Đại hội ở các cấp và đại hội các cấp. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhắc nhở việc thảo luận là để củng cố, giáo dục đảng viên, do đó phải có hướng dẫn cụ thể vào những điểm chính, tránh họp nhiều mà kết quả ít.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Nhiều, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân dân, số 2176, giải thích về phương châm sản xuất: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi phê phán tệ quan liêu, “phung phí sức lao động” đang tồn tại ở nhiều cơ quan, tác giả mong muốn phải chú trọng khâu tổ chức sản xuất để có nhiều người trực tiếp sản xuất, đồng thời phải phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để mỗi người sản xuất được nhiều của cải hơn.

Kết luận, tác giả viết: “Dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân, để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao. Đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân”.

- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thanh tra. Người nêu ý kiến: “Nạn lãng phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước gây ra”, “Nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, “các cơ quan thanh tra nhà nước chẳng những kiểm tra chống lãng phí, tham ô mà còn phải chống quan liêu, mệnh lệnh để giúp các cơ quan nhà nước cải tiến công tác, giữ gìn kỷ luật, thực hành dân chủ, góp phần củng cố bộ máy Nhà nước”. Người căn dặn: Trong công tác xét khiếu tố, “nhiệm vụ các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy”. Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta giải quyết tốt các việc khiếu nại, đồng bào thấy Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ, do đó “mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng và Chính phủ được củng cố tốt hơn”. Các cấp lãnh đạo phải giúp đỡ và quan tâm đến công tác thanh tra.

- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi năm 1959. Sau khi nêu lên những thành tích của ngành thủy lợi và tầm quan trọng của công tác thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp, Người chỉ rõ: “Muốn làm tốt công tác thủy lợi, các cấp ủy, các cán bộ chuyên môn phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt”. Chủ tịch hứa sẽ tặng chiếc máy cày của Đoàn Thanh niên cộng sản Liên Xô biếu Người cho đơn vị nào làm tốt cả hai vụ chiêm và mùa.

- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Phụ nữ Quốc tế, nêu lên những cống hiến của phụ nữ trong kháng chiến, xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Người cũng nêu lên những công việc phụ nữ ta cần phải làm để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Liên hoan phụ nữ lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua toàn thành phố Hà Nội lần thứ hai tổ chức tại Nhà hát Thành phố. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Người khen ngợi thành tích của phụ nữ Việt Nam và gửi lời chào mừng tới phụ nữ các nước đang tích cực đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Người cho rằng, số phụ nữ giữ cương vị lãnh đạo ở các ngành còn ít, đồng thời chỉ rõ phụ nữ muốn đảm nhiệm các chức trách quan trọng thì bản thân phải cố gắng học tập chính trị, học tập văn hoá, kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước, giác ngộ xã hội chủ nghĩa và hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”.

- Ngày 9: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Tốt, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân Dân, số 2182, nêu rõ: “Nhiều, nhanh, phải đi đôi với tốt, rẻ. Nếu chỉ vì nhiều, nhanh mà không nghĩ đến tốt, rẻ, thì kết quả cuối cùng vẫn là không nhiều, không nhanh” và phê phán thói làm bừa, làm ẩu, làm cho nhanh để lấy thành tích mà không chú ý đến chất lượng.

- Ngày 11: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội chiến sĩ thi đua năm 1959 của Bộ Công nghiệp. Sau khi nêu lên những thành tích của phong trào thi đua trong công nghiệp năm 1959, Người yêu cầu ngành công nghiệp “phải cố gắng đẩy mạnh phong trào thi đua năm 1960 cho sôi nổi, vững chắc và liên tục” và căn dặn: “Thi đua phải bền bỉ, liên tục. Muốn vậy phải cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức, chứ không phải làm dốc sức, phải củng cố và phát triển những kết quả tốt của cuộc vận động cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp” và “các chiến sĩ thi đua, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải làm đầu tàu trong mọi mặt, phải dìu dắt người chậm tiến để cùng nhau tiến bộ”.

Cùng ngày, bài viết của Người nhan đề Rẻ, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân Dân, số 2184, phân tích quan hệ gắn bó giữa bốn yếu tố: Nhiều, nhanh, tốt, rẻ của phương châm sản xuất xã hội chủ nghĩa. Tốt - rẻ là kết quả cuối cùng đánh giá trình độ tổ chức, năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất... Cho nên, từ người lãnh đạo đến công nhân trực tiếp sản xuất phải “thi đua cải tiến tổ chức, cải tiến kỹ thuật để rút ngắn thời gian... thì sẽ trở thành những người tướng giỏi về mặt này”.

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm thị xã Thái Nguyên và dự Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Nhì tặng huyện Định Hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, sau khi chuyển lời thăm hỏi và khen ngợi của Trung ương Đảng, Người căn dặn mọi người thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ra sức xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa làm cơ sở vững mạnh cho việc đấu tranh thống nhất nước nhà. Người nhắc nhở: Phải lo củng cố hợp tác xã cho chắc trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, phát triển các ngành nghề kể cả công nghiệp địa phương phù hợp với điều kiện cụ thể và động viên công nhân xây dựng khu gang thép, khắc phục khó khăn, học hỏi chuyên gia để hoàn thành nhiệm vụ. Người đặc biệt lưu ý tới công tác xây dựng Đảng và nâng cao vai trò của đảng viên trong sản xuất cũng như trong việc củng cố khối đoàn kết giữa các tầng lớp, giữa các dân tộc và tôn giáo, vì “Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì làm việc gì cũng thành công”.

Sau buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, Trường Thiếu nhi vùng cao Việt Bắc, Trường Trung học Lương Ngọc Quyến, Bệnh viện khu Việt Bắc, công nhân xây dựng Nhà máy Điện Cao Ngạn và Hội nghị thanh niên xã hội chủ nghĩa toàn khu.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị cán bộ Khu tự trị Việt Bắc. Phát biểu tại Hội nghị, Người đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đoàn kết trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đoàn kết giữa các dân tộc và chỉ ra các biện pháp để thực hiện đoàn kết, trong đó chủ yếu nhất là đảng viên, đoàn viên phải phát triển đạo đức cách mạng, đạo đức xã hội chủ nghĩa, đánh lùi và đi đến tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Muốn vậy, Người cho rằng, phải tăng cường “tự phê bình một cách thật thà từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, chứ không phải nói là cán bộ phụ trách rồi thì sợ mất uy tín, rồi sợ mất thể diện cái này cái khác, không phê bình, không tự phê bình”, “cấp trên không tự phê bình một cách thật thà thì cấp dưới cũng không tự phê bình tốt”. Về thái độ phê bình, Người chỉ rõ: “Phê bình một cách xây dựng” và “phải vì đoàn kết mà phê bình và tự phê bình rồi phê bình người, tự phê bình để đoàn kết hơn nữa”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình điều tra dân số và vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp. Người phát biểu nêu lên một số yêu cầu về phương pháp tiến hành điều tra dân số, vấn đề cải tiến nông cụ và việc tổ chức thực hiện.

- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa lần thứ nhất. Sau khi điểm lại quá trình rèn luyện và những đóng góp của thanh niên đối với cách mạng nước ta từ khi có Đảng, Người căn dặn thanh niên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cố gắng học hỏi nâng cao trình độ mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn thêm một số vấn đề của Đại hội Đảng và vấn đề giáo dục lý luận sáu năm. Phát biểu tại cuộc họp, Người đề nghị thời gian học lý luận nên rút xuống một năm vì hoàn cảnh nước ta còn nghèo; phải cải tiến phương pháp, nội dung giảng dạy cho thiết thực; phải học văn hoá trước rồi mới học chính trị (chính trị thường thức) và phải cân đối số lượng người học và công việc.

Cùng ngày, trong bài Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 2198, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét về những ưu điểm, khuyết điểm cần sửa chữa của phong trào trồng cây và chỉ rõ: “Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục”... “là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nay mai”, do đó phải rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phải có kế hoạch, có hướng dẫn, phải làm đúng khẩu hiệu: “Trồng cây nào, tốt cây ấy”.

- Ngày 27: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chúng ta làm chủ, ký bút danh C.K., đăng báo Nhân Dân, số 2200, đề cập vấn đề ý thức làm chủ của mỗi người.

Tác giả chỉ rõ: Trong xã hội cũ, giai cấp bóc lột nắm quyền làm chủ, nên tương lai nằm trong tay chúng, còn số phận người lao động quanh quẩn vẫn là “con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Ngày nay, trên miền Bắc nước ta, cuộc sống đã khác hẳn xưa. Mỗi người lao động đều có thể nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến tương lai của mình và con cháu mình, tương lai của làng xóm quê hương. Đó là vì ngày nay chính chúng ta là người chủ. Là người chủ đang xây dựng cuộc sống mới, cho nên mỗi người phải có ý thức làm chủ, “không thể chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt, mà phải luôn luôn đặt lợi ích tập thể, lợi ích lâu dài lên trên hết. Kiên quyết xoá bỏ mọi hiện tượng trì trệ, lãng phí, đấu tranh không khoan nhượng chống những sai lầm có hại cho công cuộc xây dựng kinh tế”. Đó cũng chính là ý thức làm chủ của giai cấp công nhân.

- Ngày 31: Viết thư gửi Hội nghị cán bộ thể dục, thể thao toàn miền Bắc, họp tại Hà Nội, Người căn dặn: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khoẻ. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao cho rộng khắp.

Cán bộ thể dục, thể thao thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác”.

* Tháng 3 - 1961

- Ngày 2: Trong bài "Tếu", ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2538, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán bệnh hình thức của một số người nhân dịp Tết đã in riêng thiếp chúc Tết rồi gửi đi lung tung, gây lãng phí.

Tác giả có lời khuyên:

  "Có gì tếu bằng tếu này?

Cái bệnh hình thức từ nay nên chừa!".

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III. Người căn dặn các chị em phải tăng cường đoàn kết, đoàn kết chặt chẽ giữa chị em các dân tộc, giữa lao động chân tay và lao động trí óc, miền Bắc và miền Nam, với phụ nữ thế giới để đấu tranh cho mục đích chung là hoà bình và chủ nghĩa xã hội; chị em phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, muốn vậy phải xoá bỏ tâm lý tự ti, ỷ lại; phải có ý chí tự cường tự lập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật.

Người nhắc nhở Hội Phụ nữ cần giúp đỡ tổ chức những nhà gửi trẻ, những lớp mẫu giáo tốt để chị em yên tâm sản xuất. Đồng thời phải đấu tranh thực hiện đúng luật hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền lợi của chị em.

Kết luận, Người nhấn mạnh: "Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà"...

- Ngày 15: Người đến thăm Hội nghị bồi dưỡng lý luận cho cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc do Ban Bí thư Trung ương triệu tập để chuẩn bị cho đợt sinh hoạt chính trị lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Nói chuyện với Hội nghị về nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Người khẳng định: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa", và chỉ rõ mục đích của đợt sinh hoạt chính trị này là "nhằm xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa".

Về những chuẩn mực của con người mới xã hội chủ nghĩa, Người nêu rõ: Đó là con người có ý thức làm chủ Nhà nước, có tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng "mình vì mọi người, mọi người vì mình", là con người có tinh thần tất cả phục vụ sản xuất, biết cần kiệm xây dựng nước nhà, lao động có kỷ luật và năng suất cao, chịu khó học tập nâng cao trình độ văn hoá, kỹ thuật; là con người chẳng những thạo nghề mà còn phải giỏi về chuyên môn, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, vươn lên hàng đầu thành người lao động tiên tiến.

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Tuyên Quang. Trên đường đi, Người ghé thăm xã Đồng Tâm (Đoan Hùng, Phú Thọ). Người căn dặn đồng bào địa phương phải cố gắng làm tốt những nhiệm vụ quan trọng như củng cố phong trào hợp tác xã, phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm... để góp phần vào việc hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1961.

Thời gian ở Tuyên Quang, Người đến thăm và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh; thăm Trường Cán bộ dân tộc miền núi, Nông trường sông Lô và Đình Tân Trào lịch sử.

Nói chuyện trong buổi gặp gỡ đại biểu các dân tộc trong tỉnh, Người căn dặn: "Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng. Muốn được như vậy thì tất cả mọi người, gái cũng như trai, tất cả mọi dân tộc phải hiểu rằng: Nói chung thì mình là người chủ tập thể của nước nhà; nói riêng thì công nhân là chủ nhà máy, xã viên là chủ hợp tác xã nông nghiệp. Mọi người đều làm chủ, thì mọi người phải ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, tức là thực hiện khẩu hiệu "Cần kiệm xây dựng Tổ quốc".

- Ngày 24: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với Đại hội toàn quốc lần thứ III Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Người căn dặn: "Hiện nay, nhiệm vụ của thanh niên là ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà; trước mắt là phải hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay, làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của chúng ta".

Người lưu ý thanh niên: "Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và trau dồi đạo đức của người cách mạng". Phải cố gắng học tập. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức; cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu "Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm".

- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm tỉnh Hà Giang. Gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Người khen ngợi những thành tích chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong những năm kháng chiến, những cố gắng tiến bộ về nhiều mặt của Hà Giang từ ngày hoà bình lập lại và dặn dò các tầng lớp nhân dân những việc làm cụ thể để Hà Giang "góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Tháng 3: Đến thăm Trường Kinh tế kế hoạch (nay là Trường Đại học kinh tế quốc dân) và trực tiếp kiểm tra việc thực hiện những điều Người căn dặn về việc chấn chỉnh các hiện tượng mất vệ sinh ở bếp ăn và nơi ở của nhà trường. Người nhắc nhở: "Trường học phải làm gương tốt cho mọi nơi về tổ chức ăn ở, vệ sinh".

* Tháng 3- 1962

- Ngày 2: Nói chuyện với Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Người khen ngợi thành tích học tập, công tác, xây dựng tổ chức, tăng gia sản xuất, giúp đỡ nhân dân của các đơn vị và hứa sẽ tặng một lá cờ "Thi đua khá nhất" để làm giải thưởng luân lưu cho các đơn vị có nhiều thành tích nhất. Người còn tặng cán bộ, chiến sĩ của ngành bài thơ:

"Non xanh nước biếc trùng trùng,

Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao.

Núi cao sự nghiệp càng cao,

Biển sâu, chí khí ta so vào càng sâu.

Thi đua ta quyết giật cờ đầu".

- Trước ngày 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị tổng kết công tác giao thông vận tải nông thôn và miền núi, nhấn mạnh các yêu cầu mà ngành giao thông cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa:

+ Phải lấy phục vụ sản xuất là chủ yếu.

+ Phải biết dựa vào nhân dân làm là chính.

+ Các cấp lãnh đạo phải quan tâm đúng mức, chỉ đạo chặt chẽ, không được khoán trắng cho cán bộ chuyên môn.

Người gửi Hội nghị một lá cờ làm giải thưởng luân lưu tặng cho tỉnh nào làm giao thông vận tải nông thôn khá nhất.

- Ngày 6: Nói chuyện với Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ Hai, sau khi nhận xét về tình hình công tác ngoại giao trong thời gian qua, Chủ tịch tập trung phân tích mục tiêu công tác ngoại giao của ta và để đạt được mục đích đó, bằng kinh nghiệm của bản thân, Người nêu rõ những yêu cầu cần thiết về phẩm chất đạo đức, thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn và nguyên tắc làm việc đối với người cán bộ ngoại giao trong tình hình quan hệ quốc tế của ta ngày càng mở rộng.

Kết thúc bài nói, Người nhấn mạnh: "Công tác ngoại giao phải cố gắng nhiều, học tập nhiều, chấp hành đúng chính sách của Đảng. Chính sách của Đảng tóm tắt lại là: Phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phục vụ đấu tranh thống nhất nước nhà, phục vụ phong trào đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam; góp phần tăng cường đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa; ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, chống đế quốc; góp phần bảo vệ hoà bình thế giới. Có mấy điều đó thôi, mấy điều này như tam tự kinh, ai cũng thuộc, nhưng phải áp dụng cho khéo".

- Ngày 10: Sáng, dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn về nội dung của báo Nhân Dân, Người chỉ thị: Các cán bộ biên tập phải cẩn thận trước khi in báo. Phải làm cho báo tốt hơn, trước hết từ cán bộ làm báo. Nên mở lại mục Sinh hoạt Đảng, phê bình cho rõ ràng, nêu gương, đăng ảnh cho chính xác, đích đáng. Khi đưa tin, chú ý tính thời sự, cân đối tin quốc tế về các nước anh em, chú ý đến ý kiến phê bình của quần chúng nhân dân. Nên có sự phân công, kết hợp với các báo ra ở Hà Nội.

- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Đại học Bách khoa. Người đi xem một số lớp học, chỗ ăn, chỗ ở của cán bộ, học sinh. Nói chuyện với mọi người, Người lưu ý: "Thầy dạy tốt, trò học tốt là để làm cách mạng chứ không phải để làm quan cách mạng".

- Ngày 14:  Bài viết Làm thế nào cho lạc thêm vui của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 2912, phê bình hiện tượng nhân dân Nghệ An dùng lạc phung phí trong khi đang cần tiết kiệm lạc để xuất khẩu đổi lấy máy móc và nguyên liệu.

Theo tác giả, nếu các cán bộ phụ trách hiểu rõ lợi ích của việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp để giải thích cho đồng bào, nếu các cán bộ thu mua biết tổ chức khéo, làm đúng chính sách, đi đúng đường lối quần chúng thì chắc chắn đồng bào sẽ vui lòng tiết kiệm các nông sản để bán cho Nhà nước xuất khẩu.

Bài báo kết luận bằng hai câu thơ:

"Làm thế nào cho lạc thêm vui?

Đổi lấy máy móc, thì bầy tui quyết làm!".

- Ngày 20: Dự họp Bộ Chính trị tiếp tục góp ý kiến về việc chuẩn bị nội dung Hội nghị công nghiệp Trung ương. Trong ý kiến phát biểu, Người tán thành chủ trương đưa dân lên miền ngược, nhưng lưu ý việc phân phối hợp lý lực lượng lao động là thanh niên và phải tính đến tình hình lưu thông có thể bế tắc do vấn đề giao thông chưa giải quyết được.

- Ngày 21: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự cuộc họp Bộ Chính trị góp ý kiến về việc chuẩn bị nội dung Hội nghị công nghiệp Trung ương. Người chỉ rõ: "Phần nói nông nghiệp còn nhẹ quá. Công nghiệp nặng phải có, nhưng 8 năm thiếu gang thép ta vẫn xoay xở được, còn mất mùa một năm thì chúng ta méo mặt, mất mùa thì gang thép cũng không làm được. Như vậy, phải chú ý nông nghiệp rất nhiều...". Người còn nhấn mạnh: "Ta có họp, có nghị, có quyết rồi, giao cho ai phải giao trách nhiệm cho rõ ràng, ai làm được thì khen, nhưng thấy ai làm sai thì lại không có thái độ rõ ràng. Làm không được thì cách chức ngay (tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 Huân chương, Huy chương mà không thấy phạt một ai); ý tôi là ta còn nhu nhược đối với vấn đề này... Tài nguyên thiên nhiên mình nhiều, làm sao cán bộ đảng viên phải giữ được truyền thống anh dũng trong thời kỳ chống đế quốc".

- Ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay trực thăng về thăm tỉnh Thái Bình. Người thăm xã Nam Cường (Tiền Hải) và tặng Huy hiệu cho bốn xã viên và cán bộ có thành tích khá nhất trong phong trào khai hoang lấn biển.

Gặp gỡ và nói chuyện với các đại biểu từ xã, huyện trong toàn tỉnh họp mặt tại Đồng Lâm (Tiền Hải), Người khen ngợi nhân dân Thái Bình trong thời gian qua đã có nhiều thành tích sản xuất như tăng vụ, vỡ hoang, làm thuỷ lợi, phân bón... Người căn dặn Thái Bình cần chú ý nâng cao chất lượng bổ túc văn hoá, mở thêm các lớp mẫu giáo, đào thêm giếng nước ăn, làm nhiều hố xí kiểu mới. Người nhắc nhở: Thái Bình vẫn còn thói phô trương lãng phí trong ma chay cưới xin, chưa chấm dứt nạn tảo hôn, tệ đánh vợ, ép duyên con...

Người thay mặt Trung ương giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên Thái Bình phải nâng cao tinh thần cách mạng, chống tư tưởng bảo thủ, chủ quan; chống tác phong quan liêu đại khái; phải gương mẫu thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... để xây dựng Thái Bình trở thành một trong những tỉnh khá nhất, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung.

- Trước ngày 28: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Anh Tin nhanh hàng ngày về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam, lập trường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về "một miền Nam trung lập", quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc.

Trong các câu trả lời, Người đã tố cáo chính sách "chống cộng", đàn áp mọi phong trào tiến bộ của chính quyền phản động Mỹ - Diệm, lên án việc đế quốc Mỹ công khai vũ trang can thiệp vào miền Nam Việt Nam và khẳng định: "Lịch sử thế giới đã chứng tỏ rằng không lực lượng phản động nào có thể chống lại lực lượng đoàn kết và đấu tranh của nhân dân. Tình hình ở miền Nam sẽ đưa đến kết quả: Cuối cùng Mỹ - Diệm nhất định thất bại, nhân dân miền Nam nhất định thắng lợi". "Việc miền Nam theo một chế độ trung lập hay là một chế độ nào khác là do nhân dân miền Nam quyết định, không ai có thể làm trái nguyện vọng của nhân dân. Việc thống nhất đất nước Việt Nam là việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, không một nước nào có quyền can thiệp"...

- Ngày 28: Bài Chi bộ tốt, thì mọi việc đều tốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân, số 2926. Người chỉ rõ: "Nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương mẫu thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt".

Dẫn chứng bằng thực tế của hai hợp tác xã: Hợp tác xã thôn Nhân Lệ (Kiến An) và Hợp tác xã Quyết Tiến ở thôn Bùi (Hà Nam), tác giả kết luận: "Nội dung hai việc trên đây rất bình thường, nhưng nó chứng tỏ một ý nghĩa rất to lớn: Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt".

- Ngày 30: Phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về vấn đề lương thực, Người nhắc "phải có kế hoạch thu mua, phải có kế hoạch sản xuất tốt. Từ khai hoang tốt, sẽ thu mua tốt. Gốc là cán bộ. Phải cố gắng chỉnh đốn cán bộ, có thái độ dứt khoát. Làm tốt thì khen, làm không tốt thì cách chức".

Cùng ngày, bài viết nhan đề: Giải thưởng xứng đáng của Người, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 2928, nêu gương 3 tỉnh Phú Thọ, Hải Ninh (nay thuộc Quảng Ninh), và Hà Nam đã khắc phục khó khăn, từ một tỉnh thiếu ăn phấn đấu trở thành một tỉnh thừa ăn và đã được nhận những phần thưởng xứng đáng.

Bài báo nhắc nhở các địa phương cần làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng nước nhà, thì nông nghiệp của ta nhất định sẽ phát triển nhanh chóng và vững chắc.

- Tháng 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các bạn đọc của tờ Tạp chí Pháp La Nouvelle critique, nhiệt liệt hoan nghênh tạp chí đã có sáng kiến ra số đặc biệt về vấn đề Việt Nam để giúp các độc giả Pháp hiểu thêm về đời sống, văn hoá và cuộc đấu tranh cho độc lập và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Bức thư có đoạn: “Tôi hy vọng rằng, các bạn sẽ tìm thấy ở đây một dấu hiệu thể hiện sự cố gắng của chúng tôi trong cuộc đấu tranh chung lớn lao cho tất cả các dân tộc, cho hữu nghị, tự do, hoà bình, nhân phẩm và sự hợp tác anh em giữa các dân tộc. Tôi vui sướng nếu như những vấn đề thảo luận này được công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức Pháp là những người mà tôi vẫn gìn giữ những kỷ niệm tốt đẹp nhất trong lòng nhiệt liệt tán thưởng ".

* Tháng 3 - 1963

- Ngày 1: Tiếp Đoàn đại biểu Thanh niên cộng sản Cuba sang thăm nước ta, đến chào Người. Người thân mật nói chuyện với các đại biểu trong Đoàn và nhờ Đoàn chuyển lời cảm ơn về lời chúc sức khoẻ của thanh niên Cuba.

- Ngày 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Vĩnh Phúc là tỉnh bị hạn hán nặng và nhân dân đang hăng hái thi đua chống hạn đẩy mạnh vụ sản xuất đông - xuân.

Tại thị xã Vĩnh Yên, nói chuyện với trên một vạn rưỡi đồng bào, cán bộ và bộ đội trong tỉnh, Người căn dặn Vĩnh Phúc “phải dùng đủ mọi cách để chống hạn và sản xuất", đồng thời "phải sẵn sàng phòng lụt và chống lụt”. Người mong"mỗi đảng viên và mỗi đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, phải ra sức đoàn kết và giúp đỡ bà con cùng tiến bộ, phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta".

Sau đó, Người tới thăm và nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đoàn Pháo binh H08 đóng tại thị xã.

- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội nghị Bí thư, Phó Bí thư của 21 tỉnh, thành, khu uỷ và đại biểu các ngành ở Trung ương để kiểm điểm tình hình chuẩn bị và phát động cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.

Nói chuyện với Hội nghị, Người nêu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động do Trung ương Đảng và Chính phủ phát động, giới thiệu kinh nghiệm lãnh đạo của những nơi đã làm thí điểm và căn dặn mọi người phải cố gắng để cuộc vận động thu được nhiều kết quả.

- Ngày 8: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn công tác kiểm tra của Đảng. Phát biểu ý kiến, Người nhấn mạnh nhiệm vụ và trách nhiệm của đảng viên là "phải gương mẫu chấp hành luật pháp của Nhà nước, không nên có một đặc quyền đặc lợi gì". Về việc giải quyết đơn khiếu tố của nhân dân, Người chỉ thị: "Phải phân cấp để kịp thời giải quyết".

- Ngày 10: Lúc 16 giờ, tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam ra tận cầu thang máy bay đón Vua Lào Xri Xavang Vátthana, Hoàng thân Thủ tướng Chính phủ Liên hợp Dân tộc Lào Xuvana Phuma và các vị khách quý Lào sang thăm hữu nghị nước ta.

Đọc lời chào mừng tại lễ đón, Chủ tịch nêu rõ mối quan hệ khăng khít lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Lào và tin tưởng rằng cuộc đi thăm lần này của nhà vua sẽ mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ anh em giữa hai dân tộc, sẽ phát triển và củng cố tình hữu nghị và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, sẽ góp phần to lớn vào sự nghiệp giữ gìn hoà bình và độc lập ở Đông Dương và Đông Nam Á

"Bấy lâu cách trở quan hà,

Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau".

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Vua và các vị khách quý Lào đến thăm. Sau đó, Người đến thăm đáp lễ.

Tối, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở tiệc chiêu đãi Vua Lào và các vị cùng đi. Trong diễn văn chào mừng đọc tại tiệc chiêu đãi, một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt". Người tuyên bố: "Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chân thành ủng hộ chính sách hoà bình trung lập của Vương quốc Lào, sẽ hết lòng ủng hộ mọi cố gắng của Nhà vua và của Hoàng thân Thủ tướng nhằm xây dựng một nước Lào giàu mạnh". Và tin chắc rằng "Cuộc đi thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lần này của Nhà vua sẽ mở ra một trang sử mới trong quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước, sẽ thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc chúng ta vì lợi ích của hai dân tộc Việt Nam và Lào, vì sự nghiệp giữ gìn hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới".

- Ngày 11:  Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đàm với Vua Lào Xri Xavang Vátthana về những vấn đề có quan hệ giữa hai nước. Sau đó, Người cùng Vua Lào và các vị cùng đi đến thăm chùa Quán Sứ.

Chiều, Chủ tịch cùng Vua Lào và các vị cùng đi đến thăm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại cuộc mít tinh của nhà trường tổ chức hoan nghênh Đoàn, Người căn dặn các sinh viên phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung, góp phần vào sự nghiệp đoàn kết giữa các dân tộc anh em, vào việc giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt - Lào.

Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự tiệc chiêu đãi do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Lào tại Việt Nam tổ chức. Trong lời cảm ơn, Người thay mặt nhân dân Việt Nam bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc và những tình cảm nồng nàn đối với Vua, Hoàng tử, Hoàng thân Thủ tướng cùng các vị khách quý Lào và tin tưởng rằng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác thân thiện giữa hai nước Việt - Lào chắc chắn sẽ phát triển và củng cố mãi mãi.

- Ngày 12: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vua Lào Xri Xavang Vátthana ký Tuyên bố chung khẳng định sự hiểu biết, tình đoàn kết giữa nhân dân và Chính phủ hai nước Việt - Lào, đồng thời nói lên sự nhất trí giữa hai nước đối với những vấn đề có quan hệ đến hai nước.

- Ngày 13: Lúc 12 giờ, tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đưa tiễn Vua Xri Xavang Vátthana cùng các vị khách quý Lào lên đường về nước. Trong lời tiễn, Người đọc bốn câu thơ:

"Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt - Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà ăn tập thể Kim Liên. Đến xem chỗ ăn, chỗ chia cơm và nhà bếp, Người khen thức ăn nấu khá, nhưng chê nhà cửa thiếu ngăn nắp, vệ sinh còn kém.

Người căn dặn các cán bộ phục vụ: "Kim Liên là hoa sen vàng. Đã là hoa sen thì phải thơm, thơm mãi và thơm thật xa. Phải làm sao ngày càng có nhiều lời khen và ít tiếng chê. Phải cố gắng góp phần bảo đảm sức khoẻ của công nhân, cán bộ".

- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất. Trong ý kiến phát biểu, Người nhấn mạnh: "Làm kế hoạch phải can đảm nhưng phải cẩn thận, chỉ đạo phải tập trung vào trọng điểm. Cần nói rõ thắng lợi và cả khó khăn để quyết tâm tự lực cánh sinh; dĩ nhiên không quên sự giúp đỡ của bạn. Cần phải chú ý hơn công tác giáo dục tư tưởng và phải nhấn mạnh vấn đề sản xuất. Nông nghiệp ta còn nhiều khó khăn, cố gắng mà chủ động. Ta có người, có đất thì có của. Dân ta rất tốt. Đảng nói gì, họ nghe nấy. Vấn đề đòi hỏi ở ta là phải tổ chức cho tốt, quản lý cho tốt. Hai cuộc vận động làm khẩn trương nhưng không nên vội. Làm ở đâu phải tốt ở đó để làm gương cho chỗ khác, làm sao củng cố các chi bộ cho tốt. Phải có chính sách giải quyết số cán bộ, công nhân già trong các cơ sở sản xuất, cơ quan, đưa lực lượng trẻ vào thì năng suất mới cao. Trung ương phải có ban nghiên cứu: ai đi trước, ai đi sau. Phải có chính sách hợp tình hợp lý để người già sẵn sàng nhường chỗ cho người trẻ tiến lên...".

- Ngày 28: Bài viết Mỹ lại thất bại nhục nhã của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân Dân số 3288, vạch rõ thất bại của Mỹ trong âm mưu dùng người Thượng (Tây Nguyên) đánh người Kinh và người Thượng yêu nước. Dẫn lời của ông Phó Chủ tịch Uỷ ban Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên Rôchôm Thép nói về truyền thống đấu tranh của các dân tộc Tây Nguyên, tác giả tin tưởng rằng đại đa số binh lính Thượng cũng như binh lính Kinh trong quân đội nguỵ sẽ giác ngộ, sẽ về với nhân dân và quay súng lại tiêu diệt bọn cướp nước và bọn bán nước.

Còn nữa

Huyền Trang (Tổng hợp)

Bài viết khác: