Chỉ mục bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sự kiện
 trong Tháng Ba qua các năm (giai đoạn 1946-1954)

* Tháng 3- 1946

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp ông J.Xanhtơny để trao đổi về vấn đề quân Pháp ở miền Bắc, vấn đề Nam Bộ và vấn đề thành phần Chính phủ mới của Việt Nam.

- Ngày 2: Lúc 9 giờ, tại Nhà hát thành phố Hà Nội, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoàđã long trọng khai mạc.

Đọc diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa lịch sử của Quốc hội lần này, sau đó, thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời, Người đề nghị Quốc hội mở rộng số đại biểu thêm 70 người là đại diện của Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội vì "trong lúc toàn thể đồng bào đương tranh đấu thì những đồng chí cách mạng Việt Nam ở hải ngoại không có thì giờ tham gia vào cuộc Tổng tuyển cử của nhân dân ta" và để Quốc hội ta "tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí" (Quốc hội biểu quyết tán thành).

Sau khi nghe báo cáo công việc Chính phủ đã làm trong sáu tháng qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trao quyền lại cho Quốc hội để tổ chức Chính phủ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội nhất trí bầu làm Chủ tịch Chính phủ kháng chiến và giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức Chính phủ mới.

10 giờ, đọc báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ sở dĩ việc tổ chức Chính phủ mới được nhanh chóng như vậy là vì "Chính phủ này ra mắt gồm có các đại biểu các đảng phái và các anh em không đảng phái, trước đây đã thương lượng và thoả thuận với nhau". Tiếp đó, Người giới thiệu thành phần của Chính phủ kháng chiến, Tối cao Cố vấn đoàn và Kháng chiến uỷ viên hội.

Được Quốc hội thông qua, Chính phủ kháng chiến, Tối cao Cố vấn đoàn và Kháng chiến uỷ viên hội tuyên thệ nhậm chức: "Trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ".

Trước khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu cảm ơn các đại biểu, "chúng ta cùng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến, mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi, mà Chính phủ cũng sẽ là Chính phủ thắng lợi".

- Ngày 4: 8 giờ 45, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp đầu tiên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến bàn về các vấn đề: Nguyên tắc họp của Hội đồng Chính phủ; Tuyên ngôn của Chính phủ liên hiệp kháng chiến; Chính sách đối với Pháp; Quyền hạn của Bộ Quốc phòng và Uỷ ban kháng chiến. Hội đồng Chính phủ quyết định Chính phủ chuẩn bị kháng chiến, đồng thời đàm phán với Pháp trên nguyên tắc Việt Nam độc lập và cử một tiểu ban nghiên cứu những điều kiện của ta trong đàm phán. Tiểu ban này gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến.

14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập họp bất thường Hội đồng Chính phủ thông báo về việc Người cùng với Nguyễn Tường Tam gặp các vị trong quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa và Mỹ để bảo đảm sự ủng hộ của họ nếu Chính phủ ta ký kết gì với Pháp. Người Trung Hoa đồng ý. Người Mỹ nói họ cũng đồng ý nếu Pháp bằng lòng, nhưng còn phải hỏi ý kiến Chính phủ Mỹ. Trong phiên họp này, Hội đồng quyết định sẽ gửi một công điện cho Chính phủ Trung Hoa và công bố trên báo thái độ của Việt Nam đối với Hiệp ước Pháp - Hoa, đối với nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều. Sau đó, Hội đồng đã cử một số vị phụ trách ứng phó với công việc trong lúc tình hình khẩn trương theo những nguyên tắc mà Chính phủ đã định, gồm: Hồ Chí Minh, Nguyễn Tường Tam, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh. Việc đàm phán với đại diện của Pháp, Chính phủ cử Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách.

Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo với các phóng viên Việt Nam bác bỏ những tin bịa đặt, đồn đại về cuộc đàm phán Việt - Pháp nhằm gây hoang mang, kích động quần chúng. Người cũng nhắc nhở dân chúng không nên nghe những tin đồn đó, mà phải luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và kháng chiến đến cùng.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi với ông J.Xanhtơny về vấn đề Nam Bộ và một số vấn đề khác trong quan hệ Việt - Pháp.

- Ngày 5: Chủ tịch Hồ Chí Minh về làng Hậu Ái (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây) dự Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về chủ trương thương lượng với Pháp.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thiệu Bách Xương (sĩ quan trong quân đội Tưởng Giới Thạch) một bản kiến nghị nhờ chuyển cho phía Pháp. Bản kiến nghị đó được chuyển cho tướng R. Xalăng vào 21 giờ hôm đó. Bản kiến nghị nêu rõ: Nếu ký Hiệp định giữa Pháp và Việt Nam thì cần phải có đại biểu của Đồng minh chứng kiến và thông báo những yêu cầu của phía Việt Nam như sau:

1. Yêu cầu Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam là một nước tự do, có Chính phủ, Quốc hội, tài chính, quân đội riêng, tất cả trong phạm vi của Liên bang Đông Dương.

2. Chính phủ Pháp yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấp nhận một đội quân Pháp (gồm một vạn năm nghìn lính Pháp và một vạn lính Việt Nam, số lính Việt Nam do Chính phủ Việt Nam cung cấp), tổng số quân đội là hai vạn năm nghìn người.

3. Số phận của Nam Kỳ do nhân dân Việt Nam bỏ phiếu quyết định.

4. Nhà đương cục Pháp nên chủ động ký một Hiệp định ngừng chiến tạm thời giữa Pháp và Việt Nam.

5. Mọi vấn đề (thứ yếu) khác sẽ được thảo luận và giải quyết trong cuộc đàm phán chính thức.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các nhà thương lượng người Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc rất khuya với ông J. Xanhtơny. Người muốn Việt Nam độc lập và có quan hệ thân thiện với Liên hiệp Pháp. Hai người có bất đồng lớn về vấn đề Nam Bộ.

- Ngày 6: Hồi 8 giờ 30, tại Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về công tác ngoại giao với Pháp và vấn đề Dự thảo nội dung Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3. Hội đồng đã ký vào một biên bản đặc biệt tán thành ký Hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp với điều kiện Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do và Chính phủ Việt Nam bằng lòng để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa. Hội đồng uỷ quyền cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh thay mặt Chính phủ ký Hiệp định trên với đại biểu Pháp.

12 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Hoàng Minh Giám gặp J.Xanhtơny và L.Pinhông tiếp tục tranh luận về những điều khoản của Hiệp định Việt-Pháp. Đến 13 giờ 30, những điều khoản của Hiệp định đã đạt được. Hai bên hẹn gặp lại nhau hồi 16 giờ 30 cùng ngày để ký kết chính thức.

16 giờ 30, tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng với J.Xanhtơny đại diện Chính phủ Cộng hoà Pháp ký vào bản Hiệp định Việt - Pháp (Hiệp định Sơ bộ 6-3). Hiệp định khẳng định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội, tài chính của mình; việc hợp nhất ba Kỳ do nhân dân Việt Nam trực tiếp giải quyết. Phát biểu với những người dự Lễ ký kết, Người nói: “Chúng tôi không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn...".

18 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Người tuyên bố với một số đại diện các báo hàng ngày về Hiệp định Việt - Pháp vừa được ký.

- Sau ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến Thủ tướng Anh báo tin: Ngày 6 tháng 3, một Hiệp định tạm thời đã được ký kết giữa Pháp và Việt Nam. Theo Hiệp định này, nước Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do có Chính phủ, quân đội, tài chính của mình và đề nghị Chính phủ Anh cũng công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do...

- Ngày 7 :  Sáng, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, cố vấn Vĩnh Thuỵ tiếp ông Uỷ viên Cộng hoà Pháp J.Xanhtơny, thay mặt Chính phủ Pháp, đến thăm (Phía Pháp còn có các ông R. Xalăng và L. Pinhông). Người đề nghị địa điểm đàm phán Việt - Pháp sắp tới là Pari và tỏ ý muốn sớm được gặp ông Đác-giăng-liơ tại Sài Gòn, trước khi sang Pháp.

15 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cố vấn Vĩnh Thuỵ đến thăm Uỷ viên Cộng hoà Pháp J. Xanhtơny tại trụ sở của ông ta.

16 giờ, tại cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân Thủ đô trước Nhà hát thành phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Hiệp định Sơ bộ 6-3. Người nói: “Nước ta đã độc lập thực sự từ Tháng Tám năm 1945. Nhưng tới nay, chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Nó sẽ dẫn ta đến một vị trí ngày càng chắc chắn trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi về mặt chính trị... Đồng bào hãy nên bình tĩnh, đoàn kết, trọng kỷ luật...".

Cuối cùng, Người im lặng giây lát rồi tuyên bố: “Tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”.

Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Giấy uỷ nhiệm cho hai ông Hoàng Quốc Việt và Huỳnh Văn Tiểng vào Nam Bộ với đoàn đại biểu Pháp để giải thích và thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3.

- Ngày 8: 8 giờ 15, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về việc quân đội Trung Hoa xung đột với quân đội Pháp ở Hải Phòng; việc cử ông Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ đáp máy bay vào Sài Gòn; việc yêu cầu quân đội Trung Hoa chậm rút ở Hà Nội và không cho lính Pháp mang khí giới ở trong thành ra; việc người Pháp chở vũ khí từ trong Nam ra. Sau đó, Hội đồng bàn tiếp các vấn đề thống nhất hành chính quân đội, việc tiếp phòng quân đội Trung Hoa và quân đội Pháp, đàm phán với Pháp ở Pari...

14 giờ, tại phòng Hội đồng Toà thị chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập gần 50 cán bộ chỉ huy tự vệ thành Hà Nội nhắc nhở về nhiệm vụ tuyên truyền để dân chúng hiểu và bình tĩnh đối phó với tình hình. Người căn dặn: Dù có Hiệp định đình chiến nhưng không phải là đã hết chiến tranh, vì thế phải nhã nhặn với Pháp nhưng không phải là nhu nhược, thụ động, mà trái lại, phải chủ động chuẩn bị bồi dưỡng lực lượng. Sự chuẩn bị đó phải liên tục, nếu không phải kháng chiến thì để kiến quốc.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm cho nhà cầm quyền Pháp ở Nam Kỳ về việc phái đoàn đại biểu Việt Nam vào Nam Kỳ để giám sát việc thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3. Đồng thời, Người gửi thư cho Đô đốc Đácgiăngliơ, thông báo về đoàn đại biểu của Việt Nam giám sát ngừng bắn đã lên đường vào Nam công tác và “hy vọng rằng quan hệ Pháp - Việt nhờ có tinh thần hiểu biết rộng rãi và chức vụ cao cả của Ngài mà ngày một cải thiện vì hạnh phúc tối thượng của hai dân tộc chúng ta”.

Nghiêm lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 181, "hạ lệnh cho toàn thể nhân dân và bộ đội phải giúp đỡ cho quân đội Trung Hoa, trong lúc quân đội Trung Hoa thoái triệt. Ai xâm phạm đến tính mạng, tài sản của quân đội Trung Hoa sẽ bị nghiêm trị”.

- Ngày 9: Bản Tuyên cáo cùng dân chúng Pháp và Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Lơcléc, đăng trên báo Cứu quốc, số 181. Sau khi nêu rõ lý do việc quân Pháp trở lại đóng từ vĩ tuyến 160N trở ra Bắc, Tuyên cáo kêu gọi “người Pháp và người Việt Nam hãy tuân lệnh những người lãnh đạo của hai nước, thi hành các mệnh lệnh một cách triệt để để cùng xây dựng kinh tế và kiến thiết”.

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến và Uỷ ban hành chính Nam Bộ, giải thích về việc ký kết Hiệp định Sơ bộ 6-3 và kêu gọi mọi người đoàn kết, tôn trọng Hiệp định.

- Ngày 11: Lúc 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề ngoại giao để công bố hai điều trong Hiệp định Sơ bộ 6-3 cho thế giới biết:

1. Pháp thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước tự do.

2. Cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp sẽ tiến hành sau khi Hiệp định Sơ bộ 6-3 được ký kết.

Hội đồng quyết định sẽ cử một phái đoàn đi Trung Hoa để tỏ rõ thiện chí của ta nhờ Trung Hoa giúp Việt Nam, v.v... Sau đó, Hội đồng bàn về vấn đề nội chính và quân chính.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi sau khi ký Hiệp định Sơ bộ 6-3 gửi Chính phủ và nhân dân thế giới, cùng đồng bào toàn quốc. Lời kêu gọi nêu rõ thiện chí của Chính phủ, đồng thời tố cáo phía Pháp đã có những hành động vi phạm Hiệp định. Người kêu gọi đồng bào trong nước hãy bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh Chính phủ và “thiết tha kêu gọi nhân dân và Chính phủ cả thế giới, nhất là nhân dân Pháp, hãy ủng hộ chính nghĩa làm sao cho bên phía Pháp thi hành đúng bản Hiệp định Sơ bộ, để đi đến kết quả hoà hảo cho hai dân tộc và bảo vệ nền hoà bình thế giới”.

- Ngày 13: Hồi 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình quan hệ với Pháp, bàn về việc thi hành Hiệp định Sơ bộ 6-3, vấn đề cử người đi Trung Hoa và đi Pháp (theo đề nghị của Chủ tịch và ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phải được 2/3 Hội đồng Chính phủ tán thành). Hội đồng quyết định Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ ra một bản tuyên bố nói rõ Pháp đã không theo đúng bản Hiệp định Sơ bộ 6-3 và phải chịu trách nhiệm nếu tình hình xấu xảy ra.

- Ngày 15: Bài viết Phải đình chỉ ngay những cuộc đánh úp tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ (ký bút danh Q.T) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 187, lên án những luận điệu và hành động vi phạm Hiệp định sơ bộ của thực dân Pháp, kêu gọi binh lính Pháp hãy ngừng bắn vào đồng bào, bộ đội Việt Nam, đồng thời kêu gọi các chiến sĩ Việt Nam luôn luôn sẵn sàng và quyết tâm chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc, nếu người Pháp định lừa bịp và không thành thực ký kết với ta theo nguyên tắc bình đẳng.

Kết luận, bài báo viết: "Tóm lại, muốn Việt - Pháp đi tới chỗ thoả thuận có lợi cho cả đôi bên, người Pháp phải thành thực từ lời nói cho chí hành động, theo đúng bản Hiệp định đã ký mà đình chỉ ngay những cuộc xung đột ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ".

9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ thảo luận vấn đề quan hệ với Pháp. Hội đồng quyết định cần lập Hội đồng tham mưu Việt - Pháp để định rõ thời gian, địa điểm, số lượng và đường đi của quân đội Pháp để tránh những cuộc xung đột.

Tại Bắc Bộ phủ, họp mặt với các uỷ viên tuyên truyền các tỉnh Bắc Bộ, Người nêu rõ nhiệm vụ của các báo và các ban tuyên truyền hiện nay là "hướng dẫn lòng yêu nước và chí cương quyết cố giành độc lập hoàn toàn của đồng bào một cách ôn hoà, bình tĩnh, có lợi cho ngoại giao..., cần phải giải thích cho toàn dân hiểu rõ con đường đi của Chính phủ khi ký với Pháp bản Hiệp định Sơ bộ" và nhấn mạnh “Bình tĩnh không phải là nhu nhược, cũng không phải là nhượng bộ, nhưng để tỏ ra rằng dân chúng có kỷ luật, dân chúng cũng như một đội quân. Binh sĩ không biết trọng kỷ luật, tất nhiên đội quân không thành; dân chúng không có kỷ luật, việc làm khó thành công. Muốn đi đúng thời cuộc, chúng ta nên đặt lý trí lên trên tình cảm. Và muốn nhận định thời cuộc, chúng ta không thể không đứng ở địa vị khách quan".

Cùng ngày, Người gặp J.Xanhtơny và tỏ ý lấy làm tiếc vì có sự căng thẳng hiện thời. Người đề nghị, để làm dịu tình hình cần nhanh chóng thông báo chính thức ngày lên đường của phái đoàn Việt Nam.

- Ngày 16: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dân thi hành đúng bản Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp. Người nhắc nhở “trong lúc hai bên sắp đàm phán, thì cần gây nên một không khí thuận tiện cho sự đàm phán. Vậy tôi mong rằng quốc dân giữ lòng kiên quyết nhưng bình tĩnh, các báo thì bình luận một cách chính đáng, những lời lẽ nên cân nhắc... tuyệt đối phải bảo vệ tính mệnh, tài sản của người Pháp cũng như người Trung Hoa, để tỏ rằng dân ta là một dân tiên tiến, một dân có kỷ luật”... “Chúng ta phải làm đúng bản Hiệp định. Đối với họ tuyệt đối không được xung đột, đồng thời phải gây thiện cảm. Chúng ta phải tỏ cho họ biết rằng dân ta yêu tự do, độc lập, trọng hoà bình, tín nghĩa”.

Cùng ngày, báo Dân Thanh đăng nghiêm lệnh của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sau đây: "Trong Hiệp định Sơ bộ, Chính phủ Pháp đã công nhận nước ta là một nước Cộng hoà tự do trong Liên bang Pháp quốc. Chính phủ ta nhận để quân đội Pháp đến thay thế cho quân đội Trung Quốc đóng lại những nơi do Chính phủ ta và đại biểu Pháp đã thoả thuận. Cuộc đàm phán chính thức sắp mở với Chính phủ Pháp. Muốn cuộc đàm phán thi hành cần phải giữ lấy một không khí ôn hoà giữa người Việt với người Pháp. Vì vậy, Chính phủ hạ nghiêm lệnh sau đây:

1. Tuyệt đối cấm chỉ mọi sự khiêu khích đối với những kiều dân và quân đội Pháp.

2. Ai làm tổn hại đến tính mạng và tay sai của kiều dân và quân nhân Pháp sẽ bị nghiêm trị.

Hà Nội, ngày 16-3-1946

Chủ tịch Hồ Chí Minh (đã ký)".

- Ngày 18: Lúc 8 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình quân đội Pháp lên Hà Nội vào ngày 18 tháng 3; việc liên lạc với bộ đội của các chính đảng ở địa phương để thống nhất quân đội, bàn về vấn đề tiền cho phái đoàn đi Trung Hoa và giải quyết việc biểu tình bất hợp pháp chiều ngày 16 tháng 3, v.v..

17 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Lơcléc dẫn đầu phái đoàn Pháp, đến chào Người. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nghe Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Việt Nam J.Xanhtơny giới thiệu về tướng Lơcléc. Trong tiệc rượu, Người nói: ... “Trong cuộc bang giao giữa chúng ta, nếu Anh, Mỹ đã đi trước chúng ta vì đã hứa cho ấn Độ và Phi Luật Tân (Philíppin) được độc lập, thì chúng tôi cũng có thể tự hào rằng Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 đã cùng ký kết theo một tinh thần đó. Thực vậy, việc mà nước Pháp mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tự do là một dấu đầu tiên để đưa nước chúng tôi tới độc lập hoàn toàn một cách chắc chắn (...). Tôi hết lòng hy vọng rằng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam mới sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn gai góc ngay sau cuộc tổng đảo lộn của hoàn cầu, bằng cách liên hiệp với nhau và hiểu biết lẫn nhau... để mưu hạnh phúc cho cả hai dân tộc và để mưu hoà bình cho thế giới”.

- Ngày 19: Hồi 8 giờ 30, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Bỉ Hótsen (Houtschen). Người hỏi thăm về tình hình chính trị ở Bỉ và trả lời nhà báo về Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp, việc quân Pháp đến Hà Nội, việc cuộc đàm phán chính thức sắp tới ở Pari và tinh thần dân chúng miền Nam Việt Nam...

- Ngày 20: Lúc 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo tình hình quân Pháp tới Hà Nội không xảy ra điều gì đáng tiếc. Về tin quân đội Việt Minh và Việt Nam Quốc dân Đảng xung đột, Người nêu ý kiến: Quân uỷ và Bộ Quốc phòng phụ trách dàn xếp các công việc ấy, không bàn chi tiết ở Hội đồng, “miễn là dàn xếp sao cho đại sự thì thành tiểu sự và tiểu sự thì thành vô sự”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thông báo về việc Pháp muốn mời ta tham gia cuộc duyệt binh ngày 22 tháng 3 tại Hà Nội. Hội đồng quyết nghị Việt Nam sẽ tham gia nhưng sắp xếp để cuộc duyệt binh quy mô nhỏ chừng nào hay chừng ấy và nhất định không để quân Pháp đi qua các phố đông người Việt Nam ở.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được bức Công hàm của Đácgiăngliơ đề ngày 17-3-1946 do J.Xanhtơny trao lại. Người chấp thuận về thể thức cuộc gặp do Đácgiăngliơ đề nghị trong Công hàm (Đácgiăngliơ đề nghị gặp riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 24-3 tại tuần dương hạm Êmin Béctanh gần Hải Phòng với những nghi lễ trọng thể xứng đáng với cương vị Chủ tịch nước. Trong Công hàm, Đácgiăngliơ còn thông báo Chính phủ Pháp cũng mong muốn chính thức mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp để đặt quan hệ hữu nghị trên những cơ sở vững chắc giữa hai Chính phủ).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Đông, cảm ơn đồng bào đã gửi thư thăm Người. Thư có đoạn: “Tôi luôn nhớ đến những lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy có xa cách nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn gần gũi anh em. Tôi chắc rằng cái tình thân ái ấy không bao giờ phai lạt”.

- Ngày 22: Hồi 8 giờ, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về việc liên lạc giữa Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội, về việc tổ chức kỷ niệm ngày mất của cụ Phan Chu Trinh (ngày 24 tháng 3), và nghe báo cáo về việc duyệt binh, về các địa điểm cho quân Pháp đóng và về tình hình tài chính.

19 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Lơcléc cùng các đại biểu quân đội Mỹ, Anh; quân đội và đoàn ngoại giao Trung Quốc dự tiệc chiêu đãi do tướng Lư Hán mời trước khi ông ta về nước. Người đã ký tên (bằng chữ Hán) vào tờ thực đơn.

- Ngày 23: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ, nhờ Giám mục giúp Chính phủ chọn cho một vị linh mục để cùng đi với các đại biểu của Chính phủ vào miền Nam Trung Bộ uý lạo đồng bào.

- Ngày 24: Lúc 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Cao uỷ Pháp Đácgiăngliơ trên tuần dương hạm Êmin Béctanh, đậu tại vịnh Hạ Long, theo lời mời của Cao uỷ. Tham dự, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám. Về phía Pháp có tướng Lơcléc, Raun Xalăng. Cuộc tiếp đón rất long trọng. Tại tiệc rượu trên tàu, sau khi Đác-giăng-liơ tỏ ý hài lòng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Pháp và Việt Nam được lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Vâng, thưa Ngài Cao uỷ, đúng là những quan hệ hữu nghị, nhưng quan hệ ấy phải trở thành quan hệ anh em”.

Trong cuộc hội đàm, hai bên thoả thuận:

1. Vào trung tuần tháng 4, một phái bộ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ đi Pháp để tỏ tình thân thiện.

2. Một phái bộ Pháp (khoảng 10 người) sẽ sang Việt Nam, cùng phái bộ Việt Nam chuẩn bị những tài liệu cần thiết.

3. Hạ tuần tháng 5, phái bộ Việt Nam sẽ qua Pháp mở đàm phán chính thức tại Pari.

Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt hạm đội theo lời mời của viên Cao uỷ.

Trên máy bay trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng Raun Xalăng: “Nếu Đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi”.

- Ngày 25: Hồi 8 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ. Hội đồng nghe ông Nguyễn Tường Tam báo cáo cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đácgiăngliơ ở vịnh Hạ Long ngày 24 tháng 3 và thoả thuận về việc đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán. Sau đó, Hội đồng bàn về vấn đề tổ chức hành chính ở những nơi Pháp đóng quân tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, về việc lập Kinh tế uỷ viên Hội ở Bộ Kinh tế.

Cùng ngày, Người tiếp các nhà báo và phát biểu ý kiến về cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Pháp và gửi thư cảm ơn Đô đốc Đác-giăng-liơ về cuộc đón tiếp trên tuần dương hạm Êmin Béctanh.

- Ngày 26: Chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi những người có quan hệ trong Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa dân quốc tại Việt Nam.

- Ngày 27: Lúc 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về bộ máy tổ chức Bộ Xã hội, Bộ Ngoại giao; Sắc lệnh bảo đảm tự do cá nhân; Sắc lệnh tạm thời về chế độ báo chí; tình hình tài chính; việc Trung Hoa muốn mua và mượn đường sắt. Vì thấy mỗi bộ tổ chức mỗi khác, Người nêu ý kiến về bộ máy nên có một sơ đồ tổ chức chung cho các Bộ.

Cùng ngày, bài viết Sức khoẻ và thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Cứu quốc, số 199, kêu gọi đồng bào tập thể dục vì: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người yêu nước”. Người mong "đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập".

Cũng trong ngày, Người căn dặn đồng chí Nguyễn Triệu phụ trách công tác bảo vệ tại Bắc Bộ phủ: Một là, tổ chức ngay một lực lượng gồm những anh em trung kiên vừa ở chiến khu về lập thành một tiểu đội, quần áo như dân thường. Khi nào Bác có việc, hoặc ra ngoại thành thì đi theo giúp đỡ. Hai là, cháu là người chỉ huy phải thuộc kỹ lưỡng đường đi lối lại, ngõ ngách ra vào để bố trí kế hoạch tác chiến và hành động lúc có sự cố và phải chủ động đề phòng mọi bất trắc từ bên ngoài cũng như từ trong Bắc Bộ phủ.

- Ngày 29: Hồi 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về vấn đề xin đăng ký thầu những công việc cho phép, vấn đề phản kháng quân Pháp chiếm đóng Sở Tài chính, vấn đề thuế, vấn đề bổ nhiệm nhân viên cao cấp Bộ Canh nông.

- Trong tháng 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ một số tài liệu thông qua ông S. L. Nótlingơ trong Đoàn cứu trợ nhân đạo Mỹ, nhân dịp kết thúc công việc ở Việt Nam trở về Mỹ.

* Tháng 3- 1947

- - Ngày1: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ. Người căn dặn đoàn thể cũng như mỗi đảng viên phải đem hết tinh thần, lực lượng nhằm vào một mục đích: Đánh đuổi thực dân Pháp và làm cho nước nhà thống nhất, độc lập.

Người nêu những khuyết điểm cần sửa chữa ngay, như: Địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hoá và nhấn mạnh phải "kiên quyết khắc phục những khuyết điểm vừa kể trên thì chúng ta mới chắc đi đến hoàn toàn thắng lợi".

- Ngày 2: Hồi 20 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về tình hình quân sự, ngoại giao, kiểm điểm các mặt hoạt động. Quan trọng và cấp bách nhất là vấn đề nhanh chóng dời cơ quan Chính phủ lên Phú Thọ.

- Ngày 4: Mờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sơn Tây qua bến Trung Hà sang đất Phú Thọ trên đường di chuyển lên căn cứ Việt Bắc.

Người vào nghỉ chân ở nhà cụ Nguyễn Liên. Tối, Người chuyển đến nhà ông Hoàng Văn Nguyên ở Xóm Đồi, xã Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ.

Thời gian ở Cổ Tiết (từ ngày 4-3-1947 đến ngày 18-3-1947), Người dùng bí danh Xuân trong các giấy tờ giao dịch. Hằng ngày, Người tranh thủ thời gian đọc các sách viết về lịch sử Việt Nam, dịch cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, viết một loạt bài nói về lịch sử kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, thảo các văn thư gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, thư kêu gọi đồng bào đẩy mạnh sản xuất, phục vụ kháng chiến.

- Ngày 5: Sau trận quân Pháp tấn công ra ngoại vi Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào toàn quốc vạch rõ âm mưu của địch và kêu gọi mọi người: "Chúng ta không hoang mang. Chúng ta phải nhẫn nại, phải cương quyết. Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay ta".

Đồng thời, Người viết Thư gửi đồng bào hậu phương kêu gọi mọi người hãy an ủi, giúp đỡ đồng bào tản cư với tinh thần:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Cùng ngày, Chủ tịch viết Thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp trình bày sự thật về vấn đề Việt Nam nhân dịp Quốc hội Pháp sắp họp thảo luận vấn đề này.

Trong sáu điểm cụ thể của nội dung bức thư, Người nêu rõ thái độ thiện chí của nhân dân Việt Nam đối với nước Pháp và nhân dân Pháp, lên án sự bội tín bất nhân của những người đại diện nước Pháp ở Đông Dương và một lần nữa, Người nhắc lại với Quốc hội và nhân dân Pháp lập trường và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam mà trước đây Người đã nhiều lần nêu lên.

- Ngày 6: Sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi các đồng chí phục vụ đến hội ý. Mọi người ngồi quây quần thành một vòng tròn. Người nhìn anh em rồi nói với giọng trầm ấm: Chiến sự đang ngày một lan rộng, mọi sinh hoạt bây giờ các chú phải quân sự hoá, không thể đi ôtô được nữa, dễ bị lộ bí mật. Ai có xe đạp thì sử dụng, người còn lại sẽ đi bộ. Các chú may cho mỗi người một chiếc ba lô để đựng đồ và may cho Bác một cái để Bác đeo máy chữ.

Sau đó, Người nói đến tình hình chiến sự và giải thích về đường lối kháng chiến của ta: Sức ta bây giờ như chàng trai mười sáu, mà thế giặc bây giờ như một lão già quỉ quyệt độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được. Phải vừa đánh vừa nuôi cho sức mình khoẻ lên. Khi sức ta đã khoẻ, giặc suy yếu dần, ta mới lừa thế quật ngã nó, như vậy mới chắc thắng. Cho nên kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi.

Rồi Người mỉm cười nói tiếp: Các chú ở đây, nếu gọi tên các chú thì dễ lộ nơi Bác ở. Để giữ bí mật và cũng để thể hiện quyết tâm kháng chiến của chúng ta, hôm nay Bác sẽ đặt lại tên cho các chú là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

(Không cố ý sắp đặt mà vừa đúng 8 người, 4 là người Kinh, 4 là người dân tộc thiểu số).

Người hỏi thêm: Các chú có biết tại sao Bác lại đặt tên cho các chú như vậy không? - Và giải thích - Nhiệm vụ của Bác hiện nay là cùng toàn Đảng, toàn dân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Đó vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là nhiệm vụ lâu dài. Bác đặt tên cho các chú như vậy cũng để hằng ngày nhìn thấy các chú hoặc gọi tên các chú là nhắc nhở Bác phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Tám anh em như trở thành một khẩu hiệu ngày đêm sống bên Người. (Trong số các đồng chí đó, nếu do nhu cầu chuyển công tác khác thì người được chọn vào thay thế sẽ được mang bí danh của người cũ. Do đó, có ba người mang tên Trường, hai người mang tên Nhất, hai người mang tên Thắng).

- Ngày 7: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các ông Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây (Phòng Nam Bộ).

Trong thư, Người nhấn mạnh: "Dù gay go mấy, chúng ta cũng không sợ, không hoang mang, vì chúng ta đã biết trước những sự gay go khốn nạn đó. Vì chúng ta tự tin đủ sức khắc phục nó. Và vì chúng ta chắc thắng lợi cuối cùng sẽ về tay ta".

Cuối thư Người vẽ hai nửa vòng tròn cắt nhau để giải thích cuộc chiến giữa ta và Pháp. Nửa vòng tròn phía trên, màu đỏ, là cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, lúc đầu có khó khăn (đoạn vòng tròn cong xuống), sau vươn lên thắng lợi. Nửa vòng tròn phía dưới, màu xanh, tượng trưng cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, lúc đầu tạm thời thắng lợi (đoạn vòng tròn cong lên), nhưng cuối cùng cũng sẽ thất bại.

- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Giấy giới thiệu cho một đại diện Hoa kiều ở Việt Nam với các anh em cán bộ phụ trách địa phương. Giấy giới thiệu viết:

"Tôi xin giới thiệu với các anh em phụ trách địa phương ông Cốc Tinh Han là đại biểu Hoa kiều ở Thái Nguyên.

Nếu có việc gì can hệ xảy ra giữa Hoa kiều và người Việt Nam, anh em nên trực tiếp liên lạc cùng giải quyết với ông trên lập trường Hoa - Việt thân thiện".

Người còn ghi chú bên dưới: "Ông Cốc Tinh Han tức Quách Lương Thái được mang vũ khí để tự vệ".

- Ngày 9: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo Việt Nam.

Phát biểu về lời tuyên bố của Thủ tướng Pháp Ramađiê (Ramadier) ngày 6 tháng 3 vừa qua, Người tỏ ý tiếc rằng Chính phủ Pháp một mặt thì nói "nước Pháp không phản đối nguyện vọng thống nhất của người Việt Nam", nhưng một mặt lại cố sức dùng vũ lực. Chủ tịch khẳng định: "Nếu chiến tranh kéo dài, thì khối Liên hiệp Pháp cũng hỏng, lợi quyền Pháp ở Á Đông cũng mất, nước ta sẽ bị tàn phá tiêu điều. Nhưng dù tiêu điều đến đâu, non nước này vẫn là non nước Việt Nam. Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập".

- Ngày 10: Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ Nội vụ những công việc cần làm ngay để ổn định lòng dân, chấm dứt tình trạng lộn xộn do việc quân Pháp mở rộng tiến công quân sự.

Người nhắc Bộ Nội vụ phải quan tâm việc củng cố các Uỷ ban Hành chính, làm tốt công tác tản cư và xây dựng hậu phương vững mạnh, chú ý vấn đề phòng gian bảo mật.

Cùng ngày, Người viết thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ cảm ơn một số việc làm tốt có kết quả của ông và nhắc Giám mục thực hiện những điều đã hứa. Đồng thời, Người viết thư gửi ông Vũ Đình Huỳnh, đề nghị "Chú bỏ bức thư này vào phong bì tử tế, rồi đưa đến cho cụ Từ... Xong các việc, chú điện về báo cáo".

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Nguyễn Văn Lưu, yêu cầu: "Bảo điện đài phải bỏ hai chữ Phú Thọ đi để giữ bí mật" và "Nói với Nam thông tri các cơ quan phải giữ bí mật".

- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Bộ Nội vụ nhắc vấn đề di chuyển ngay các cơ quan đến nơi an toàn, đề phòng chiến sự xảy ra.

- Ngày 18: Chiều tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Cổ Tiết qua bến Ghềnh, Ba Triệu, sang xã Xứ Nhu, qua phố huyện Lâm Thao, xã Xuân Dũng, chuyển đến ở và làm việc tại Chu Hoá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ.

Thời gian ở Chu Hoá (từ 18-3 đến 29-3-1947), Người đã chủ trì một số cuộc họp của Thường vụ Trung ương và Hội đồng Chính phủ. Các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng... thường đến báo cáo tình hình với Người.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết hai bức thư gửi ông Hoàng Hữu Nam. Một thư gợi ý nên có chế độ phụ cấp cho những cán bộ "làm việc tận tuỵ nhưng gặp khó khăn về đời sống". Người đề nghị "nên lập một danh sách những người đáng giúp, bàn với Hiến (Lê Văn Hiến) rồi tìm cách giúp những người đáng giúp mà tránh khỏi sự nạnh kẹ". Và nhắc ông Nam cần đôn đốc công việc phá đường ở Phú Thọ, "không thì đến lúc gấp, làm không kịp. Và trong lúc dân đến làm việc đó, nên có người đến tuyên truyền giải thích và khuyến khích họ".

Người còn hỏi ý kiến ông Nam nên có những hình thức gì để tranh thủ, lôi kéo các thổ ty, lang đạo.

Một thư dặn ông Nam đến thăm cụ Vi Văn Định và "hỏi xem cụ có thể đi Lào Cai, Hoà Bình được không? Nếu đi được thì tốt lắm".

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam, yêu cầu điều tra hai vụ án đương sự có đơn khiếu nại. Người nhắc lại đề nghị phải tiến hành kiên quyết, "tiếc không được", đối với việc tiêu thổ kháng chiến và lưu ý về thái độ đối với đồng bào thiểu số.

Cùng ngày, Người hoàn thành tác phẩm Đời sống mới (ký bút danh Tân Sinh) làm tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền cuộc vận động xây dựng nếp sống mới. "Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc".

- Ngày 21: Nhận được nhiều Quyết tâm thư của các đoàn thể, các đơn vị bộ đội, các tổ chức tôn giáo... từ khắp nơi gửi về, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa: "Chính phủ quyết làm trọn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân, và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc".

Trong ngày, Người viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam, yêu cầu chỉ thị cho Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, báo Cứu quốc, phải di chuyển ngay các máy móc, không được do dự trì hoãn.

- Ngày 25: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn của các nhà báo xung quanh cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam tại Quốc hội Pháp.

Người tỏ ý tiếc vì "nhiều vị đại biểu Pháp không hiểu rõ tình hình Việt Nam mà lại cố ý bịa đặt những điều sai hẳn sự thực, làm cho Nghị viện và nhân dân Pháp thêm bối rối". Một lần nữa, Người nhắc lại thiện chí của nhân dân Việt Nam trong quan hệ Pháp - Việt.

Cùng ngày, Người gửi thư tới Phó Chủ tịch Chính phủ Ấn Độ là Nêru và các vị đại biểu dự hội nghị nhân ngày khai mạc Hội nghị Liên Á.

Bức thư có đoạn: "Thay mặt nhân dân Việt Nam và riêng tôi, tôi xin chúc các ngài thắng lợi rực rỡ. Nhân dân Việt Nam, bộ phận của đại gia đình Châu Á, đang đấu tranh giành thống nhất và độc lập. Chúng tôi mong rằng tất cả các nước anh em ở châu á hết lòng giúp chúng tôi".

- Ngày 27: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư Gửi báo Vệ quốc quân nêu rõ nhiệm vụ của tờ báo là nâng cao tinh thần và kỷ luật cho bộ đội, giáo dục bộ đội thực hiện 12 điều kỷ luật được Người nêu cụ thể trong thư.

- Ngày 28: Nhân dịp 100 Ngày Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ và đồng bào ngoài Bắc gửi điện biểu dương tinh thần bền bỉ hy sinh chiến đấu của đồng bào Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ.

Bức điện có đoạn: "Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công".

- Ngày 30: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xã Yên Kiện (Đoan Hùng, Phú Thọ) và ở lại đây ba ngày (30, 31-3 và 1-4-1947).

Trong những ngày này, máy bay địch hoạt động dữ dội. Ban ngày, Người phải mang tài liệu ra rừng làm việc, tối mới về ngủ. Nhà cửa chật chội, Người và các đồng chí phục vụ phải tháo cánh cửa kê xuống đất làm giường nằm.

- Trong tháng 3

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Chính phủ, Quốc hội, nhân dân Pháp và các nước dân chủ trên thế giới, tố cáo thực dân phản động Pháp cố ý phá hoại hoà bình, đang thực hiện chính sách vũ lực hòng cướp nước Việt Nam và bắt dân Việt Nam làm nô lệ. Người nêu rõ: Nhân dân Việt Nam chỉ muốn độc lập và thống nhất, chỉ muốn hoà bình, nhưng cũng quyết tâm tự vệ đến giọt máu cuối cùng, "quyết không chịu mất nước làm nô lệ thực dân lần nữa".

+ Trên đường lên ATK (An toàn khu) Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn cán bộ được nhân dân địa phương tặng một gánh xôi lúa. Đồng chí trưởng đoàn lên báo cáo và xin ý kiến. Người nói: Ta vừa mới ăn cơm xong, để đến mai ăn đỡ được bữa sáng...

Sáng hôm sau, thấy vẫn được bát cơm như thường lệ, Người hỏi: Thế xôi lúa đâu?. - Thưa Bác, lúc dân mang đến nóng, ăn ngay thì được, giống xôi lúa ở đây nó thế. Để đến hôm sau thì phía trên còn ăn được, ở dưới thì đã thiu.

Bác nói: Thế sao các chú không nói cho Bác rõ. Có phải cái gì Bác cũng biết đâu. Thôi đừng tiếc nữa. Trời còn mờ sáng, tìm chỗ nào suối sâu ấy, đổ xôi xuống, rửa sạch thúng trả cho dân, nhớ cảm ơn cẩn thận.

* Tháng 3 - 1948

- Ngày 2: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục điều khiển phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Chiều, Người bị sốt li bì.

Cùng ngày, bài thơ chữ Hán: Tặng Bùi Công (Cụ Bùi Bằng Đoàn) của Người đăng trên báo Cứu Quốc. Bài thơ như sau:

Tặng Bùi Công

Khán thư sơn điểu thê song hãn,

Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì,

Tiệp báo tần lai lao dịch mã,

Tư công tức cảnh tặng tân thi.

Dịch thơ:

Tặng cụ Bùi

Xem sách, chim rừng vào cửa đậu,

Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi.

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,

Nhớ cụ thơ Xuân tặng một bài.

- Ngày 3: Tuy còn bị mệt, phải nằm trên giường vì trận sốt đêm qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn yêu cầu những người đến thăm kể lại các vấn đề đã bàn trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ.

Trong ngày, đọc thư của ông Nguyễn Xiển, Phó Tổng Thư ký Đảng Xã hội Việt Nam (viết ngày 22-2-1948) nhận xét về những khuyết điểm trong đạo đức và tác phong công tác của một số cán bộ Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi ý kiến của mình bên lề bức thư: "Việt (Hoàng Quốc Việt). Những điều phê bình trong thư này, không phải là quá đáng. Vậy chú và Thọ (Lê Đức Thọ) phải bàn và thực hành cách sửa chữa ngay".

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ hai, góp ý về công tác của chính trị viên.

Trong thư, Người nhấn mạnh về ba nhiệm vụ chính của người chính trị viên trong quân đội dù ở cấp bậc nào và nêu những nội dung chính của các nhiệm vụ đó.

- Trước ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi hai bức điện mật cho Khu V.

Bức điện mật thứ nhất mang số 946/TRT. Toàn văn như sau:

"Mật điện gửi Khu V. Chủ tịch Chính phủ Việt Nam gửi hai ông Bảy Viễn và Mười Chi chỉ huy bộ đội Bình Xuyên.

1. Cảm ơn hai chú đã gửi điện chúc Tết tôi.

2. Tôi gửi lời thân ái khen ngợi toàn thể bộ đội Bình Xuyên đã luôn luôn cố gắng và tôi chắc anh em sẽ luôn luôn cố gắng thêm để lập nhiều chiến công mới và vẻ vang mới. Chính phủ sẽ vui lòng ghi công những chiến sĩ anh hùng.

3. Tôi lại dặn anh em mọi việc đều đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, thì việc gì khó mấy cũng dễ giải quyết.

4. Bao giờ có vấn đề gì khó xử thì cứ điện Chính phủ và Bộ Tổng chỉ huy.

5. Nhờ hai chú thay mặt tôi hỏi thăm gia quyến liệt sĩ Ba Dương.

6. Chào thân ái và quyết thắng.

Hồ Chí Minh".

Bức điện mật thứ hai mang số 947/TRT. Toàn văn như sau:

"Mật điện gửi Khu V. Chủ tịch Chính phủ Việt Nam gửi Trung tướng Nguyễn Bình.

1. Nhờ chú chuyển lời tôi khen ngợi toàn thể bộ đội đã tham gia những trận thắng lớn: Sài Gòn - Đà Lạt, Sài Gòn - Sa Đéc đầu tháng 3 (tháng 3-1948) và lời tôi khuyên bộ đội cố gắng để lập nhiều chiến công mới.

2. Nhân dịp này, riêng tôi gửi lời dặn chú mọi việc phải cẩn thận bàn bạc với anh em UBKCHC và các đồng chí phụ trách quân sự để giữ đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc tối cao của chính quyền dân chủ ta: mọi việc đều đặt lợi quyền của Tổ quốc lên trên để thực hiện đại đoàn kết giữa quân và dân cũng như trong quân đội.

3. Chào thân ái và quyết thắng.

Hồ Chí Minh".

- Ngày 14: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Misen Décsini (Michele Zecchini), bạn cũ người Italia, đảng viên Đảng Xã hội Pháp, người đã giúp đỡ Nguyễn ái Quốc khi Người mới từ Anh sang Pháp. Bức thư được gửi từ bưu điện Hồng Kông, qua địa chỉ chị gái của Décsini ở Phlorăngxơ (Florence), Italia.

Trong thư, Người viết về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, khẳng định quyết tâm giành độc lập của dân tộc mình; về bệnh phổi và những khó khăn Người phải chống đỡ với khí hậu ẩm ướt ở chiến khu Việt Bắc.

- Sau ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chia buồn với ông Hồ Tùng Mậu về việc người con trai duy nhất của ông là Hồ Mỹ Xuyên đã hy sinh trong chuyến đi công tác của Đặc uỷ đoàn Chính phủ tại Liên khu X ngày 19-3-1948.

Bức thư viết: "Tôi rất đau xót trước việc cháu Xuyên chết. Cháu Xuyên mất đi, chú mất một người con, tôi mất một người cháu, nhân dân mất một chiến sĩ, Đoàn thể mất một cán bộ...".

- Trước ngày 29: Đọc trên báo Công dân, biết tin các thân hào, thân sĩ và đồng bào thôn Hải Lạng, xã Vĩnh Thành có những việc làm cụ thể tỏ rõ "chí kiên quyết kháng chiến, và tấm lòng vì nước quên nhà", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi.

Bức thư có đoạn: "Có nước thì sẽ có nhà... Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau xây đắp nhà cửa, phố làng đường hoàng và đẹp đẽ hơn, xứng đáng với đời sống mới của nhân dân Việt Nam mới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc".

- Trong tháng 3:

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hội nghị cán bộ Đảng trong quân đội lần thứ tư. Trong thư, Người nhấn mạnh: Cuộc kháng chiến đã dần dần chuyển sang giai đoạn mới, công việc sẽ nhiều hơn và gay go hơn, cho nên các cán bộ đảng cần chuẩn bị đầy đủ tinh thần, nghị lực, kế hoạch để lãnh đạo toàn quân vượt khó khăn, giành thắng lợi. Quân đội ngày càng trưởng thành và tiến bộ, đòi hỏi "các đồng chí cán bộ của Đảng ở các cấp phải cố gắng tiến bộ hơn, để lãnh đạo bộ đội. Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu".

Trong tháng, Người còn gửi thư tới Hội nghị quân y, biểu dương những cố gắng của nam nữ cán bộ quân y và góp một số ý kiến cụ thể về nhiệm vụ người thầy thuốc, về tổ chức quân y trong hoàn cảnh thiếu cán bộ chuyên môn, về phương hướng phát triển của ngành. Người đề nghị: "Hội nghị sẽ định một chương trình thiết thực để sửa chữa những khuyết điểm và phát triển những ưu điểm của quân y, để làm cho quân y ngày càng tiến bộ".

+ Nhân đọc báo Dân quân của Khu III, biết lão du kích Đỗ Như Thìn ở làng Tuấn Kiệt (Bình Giang, Hải Dương) đã 50 tuổi mà vẫn hăng hái tham gia du kích, có nhiều sáng kiến và lập được nhiều chiến công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen ngợi ông Thìn và mong ông cố gắng lập thêm nhiều thành tích. Đồng thời, Người hô hào anh chị em du kích hãy noi gương ông Thìn giết giặc lập công và mong rằng "có những chiến sĩ lão thành như đồng chí Thìn làm kiểu mẫu. Du kích Hải Dương sẽ cố gắng để trở nên du kích kiểu mẫu trong toàn khu, toàn quốc". Người tặng ông Đỗ Như Thìn bốn chữ: "Lão đương ích tráng".

Trong tháng, Người còn gửi thư cho Trung đội du kích Kim Thành, Hải Dương: "Cảm ơn các chú đã gửi biếu tôi 1 cái áo mưa lấy của giặc. Quý hơn nữa, là các chú hứa: Luôn luôn cố gắng lấy vũ khí của địch giết địch".

Người căn dặn: "Các chú phải luôn luôn nhớ: Du kích là như cá; nhân dân là như nước. Muốn giết địch thắng trận, thì phải có đồng bào giúp mọi mặt. Muốn được đồng bào vui lòng giúp, thì ta phải giúp đỡ đồng bào, kính trọng đồng bào. Đó là con đường thắng lợi".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài về kết quả năm đầu tiên của cuộc kháng chiến và triển vọng tình hình năm 1948.

Về triển vọng tình hình năm 1948, theo Người, cuộc chiến có thể sẽ gay go hơn. "Song dù hy sinh và cực khổ mấy, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng quyết kháng chiến đến cùng để tranh kỳ được thống nhất và độc lập thực sự... Hơn 80 năm dưới quyền thống trị của Pháp, nhân dân Việt Nam đã nếm đủ sỉ nhục và đau khổ. Nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ lần nữa".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ông Hoàng Mai - Giám đốc Sở Công an Khu XII, nhận xét và góp ý kiến về hình thức và nội dung tờ nội san Bạn dân của Công an Khu XII. Người lưu ý, tờ báo "cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc" và"phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành,

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tuỵ.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo".

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Nguyễn Sơn - Khu trưởng Chiến khu IV, bức thiếp thư viết bằng chữ Hán dưới đây:

Tặng Sơn đệ: Đảm dục đại, Tâm dục tế, Trí dục viên, Hạnh dục phương.

Đại ý: Tặng chú Sơn: Cái gan cần phải to lớn, (nhưng) Cái tâm thì nên tế nhị, chín chắn, Cái trí phải suy nghĩ cho toàn diện, (và) Đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng.

* Tháng 3- 1949

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn giải quyết một số vấn đề cấp bách, trong đó có vấn đề đối phó với việc Pháp đưa Vĩnh Thuỵ về nước và làm rầm rộ để đánh lừa quần chúng. Một chương trình giải thích để phản động Pháp và quốc tế thấy rõ thái độ kiên quyết của Chính phủ, đồng thời cũng để nhân dân khỏi bị mắc lừa, đã được thông qua.

- Ngày 15: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhan đề Bệnh khẩu hiệu, ký bút danh G., đăng trên báo Cứu Quốc, số 1191.

Sau khi nêu lên tầm quan trọng và vai trò của khẩu hiệu trong công tác tuyên truyền cổ động, Người phê phán một số địa phương và một số cán bộ đã mắc “bệnh khẩu hiệu”, biểu hiện ở chỗ đưa ra quá nhiều khẩu hiệu khó hiểu, không thiết thực lại dài dòng.

- Ngày 17: Đọc lá đơn đề ngày 2-3-1949 của một công dân làm nghề dệt ở xã Hoà Xá, huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), khiếu nại về việc bị phạt vì đã đưa một số vải lên tỉnh Phú Thọ bán, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê như sau: "Giao địa phương xét lại. Nếu thật là vải họ tự dệt, không phải hàng lậu, thì phải trả lại tiền cho họ".

- Trước ngày 26: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phóng viên Hãng Telepress, Xtanlây Harixơn (Standley Harrisson), về những câu hỏi liên quan đến điều kiện chấm dứt chiến tranh Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam với các nước dân chủ nhân dân, v.v., Chủ tịch tuyên bố: "Pháp công nhận Việt Nam thống nhất thực sự và độc lập thực sự thì chiến tranh sẽ lập tức chấm dứt". "Nền độc lập của Việt Nam sẽ củng cố thêm hoà bình thế giới", "Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà".

- Trước ngày 29: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn Liên đoàn lao động Liên khu I đã biếu Người một thanh kiếm. Người báo tin đã nhân danh Liên đoàn gửi thanh kiếm đó "làm giải thưởng cho bộ đội nào ở Nam Bộ lập chiến công to nhất trong năm nay".

- Trong tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời điện phỏng vấn của nhà báo Mỹ Oantơ Bơrít (Walter Briggs) về những câu hỏi liên quan đến việc Liên hợp quốc can thiệp vào Việt Nam, về Khối liên hiệp Pháp, về quan hệ với Trung Quốc, v.v..

Đáp lại câu hỏi: Cụ có phải là một người cộng sản nữa không?, Người nói: "Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi".

Trong tháng, Người còn trả lời những câu hỏi của nhà báo Mỹ Ha-rôn I-xắc (Harold Issac) về cuộc đàm phán giữa Bảo Đại và Pháp, về triển vọng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, về mối quan hệ Trung - Việt. Người nêu rõ: Nhân dân Việt Nam "không cần biết đến cuộc "đàm phán" ấy, nhân dân Việt Nam "chắc chắn có thể đánh quỵ thực dân"... "Độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ nơi lực lượng của Việt Nam"... "Cũng như các nước khác, tình hình Tàu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam ít hay nhiều. ảnh hưởng thế nào thì chỉ có tương lai mới có thể nói".

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn ngành tơ sợi Trung ương (Bộ Kinh tế) đã gửi biếu Người "bộ áo dứa". Người "mong các bạn xung phong Thi đua ái quốc làm cho ngành tơ sợi phát triển cho mau, cho tốt, cho nhiều để giải quyết vấn đề mặc cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ của các bạn trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Các bạn cố gắng thì quyết thành công".

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cảm ơn ông Vũ Hữu Đủng, chủ hiệu chè Cộng Hoà, xã Phú Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bức thư viết: "Cảm ơn ông đã gửi chè biếu tôi. Nước ta sĩ, nông, công, thương, binh đều phải Thi đua ái quốc. Tôi mong hiệu của ông cũng thi đua, chế chè cho ngon, cho tốt, cho nhiều, để giúp sức phát triển thương nghiệp của nước nhà. Thế cũng là ích lợi cho kháng chiến và kiến quốc".

- Tháng 3 - tháng 4: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc nhật báo về cái gọi là "Thoả ước 8-3"­ ký giữa Pháp và Bảo Đại và "Nền hoà bình ở Việt Nam" do Bảo Đại đưa lại.

Người vạch rõ âm mưu của thực dân Pháp là muốn đặt lại chế độ nô lệ ở Việt Nam một lần nữa. Vĩnh Thụy đã làm tay sai cho thực dân Pháp, là một tên phản quốc. Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu chẳng lừa bịp được ai, ngay cả với nhân dân Pháp và dư luận thế giới. Người khẳng định: "Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam, thì mới có thống nhất và độc lập". "Quân và dân Việt Nam quyết tâm đánh tan tất cả âm mưu của thực dân, quyết kháng chiến để tranh cho kỳ được độc lập và thống nhất thật sự".

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: