Chủ nhật, 22/12/2024

Chỉ mục bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sự kiện trong Tháng Ba
qua các năm (giai đoạn 1946-1954) (phần 3)

* Tháng 3- 1950

- Ngày 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất. Người chỉ rõ hai nhiệm vụ của đồng bào ở hậu phương để góp phần cùng bộ đội và dân quân chuyển mạnh sang tổng phản công:

1. Thi đua tăng gia sản xuất, “quyết thực hiện khẩu hiệu Toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác”.

2. Thi đua tiết kiệm, “tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu”.

- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về nước, kết thúc chuyến đi thăm Trung Quốc và Liên Xô.

Rời Bắc Kinh, Người viết bài thơ chữ Hán: Ly Bắc Kinh.

Ly bắc kinh

Ký Bắc thiên tâm huyền hạo nguyệt,

Tâm tuỳ hạo nguyệt cộng du du.

Hạo nguyệt thuỳ phân vi lưỡng bán?

Bán tuỳ cựu hữu, bán chinh phu.

 Dịch thơ:                     

Rời Bắc Kinh

Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi,

Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi?

Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành.

- Ngày 12: Trên đường về nước, khi đi qua tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nhìn thấy đồng xanh lúa tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ chữ Hán: Quá Hồ Bắc.

Quá Hồ Bắc

Ngã khứ điền gian đô bạch tuyết,

Ngã lai điền mạch dĩ thanh thanh.

Minh thiên cơ giới thế mộc giới,

ức triệu nông gia lạc thái bình.

Dịch thơ:                       

Qua Hồ Bắc

Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng,

Nay về lúa mạch đã xanh xanh.

Ngày mai cày máy thay cày gỗ,

ức triệu nhà nông hưởng thái bình.

- Ngày 17: Buổi trưa, đi qua Thiên Giang, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ chữ Hán: Ngọ quá Thiên Giang.

Ngọ quá thiên giang

Đáo Thiên Giang, thuyết Thiên Giang,

Thiên Giang giang ngạn mãn xuân sương,

Thiên lưỡng địch xa thành hắc tận,

Hồng quân trực đáo Trấn Nam Quan.

Dịch thơ:

Buổi trưa qua Thiên Giang

Đến Thiên Giang kể chuyện Thiên Giang,

Xuân tới bờ sông bát ngát sương,

Xe thù ngàn cỗ thành tro xám,

Hồng quân thẳng đến Trấn Nam Quan.

- Ngày 19 : Về tới gần Long Châu, một huyện của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp giới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ chữ Hán: Cận Long Châu.

Cận Long Châu

Viễn cách Long Châu tam thập lý,

Dĩ văn pháo hưởng dữ cơ thanh.

Việt Nam dân chúng chân anh dũng,

Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành.

Dịch thơ:

Đến gần Long Châu

Còn cách Long Châu ba chục dặm

Nghe tàu bay rú, pháo gầm rung,

Nhân dân nước Việt anh hùng thật,

Diệt thù, dựng nước ắt thành công.

- Ngày 22: Với bút danh DIN “Thư ký Mặt trận Liên Việt (Mặt trận dân tộc thống nhất) địa phương”, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bài Nước Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình (viết bằng tiếng Pháp) cho Tạp chí Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân, cơ quan ngôn luận của Cục Thông tin Quốc tế Cộng sản.

Bài viết gồm 10 đề mục: Mặt trận dân tộc thống nhất; Cuộc Cách mạng Tháng Tám; Sự can thiệp của bọn phản động quốc tế; Bọn thực dân Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh; Chúng đã bị sa lầy trong những khó khăn về quân sự; Những khó khăn về chính trị; Và những khó khăn về kinh tế; Sự can thiệp của Mỹ và mâu thuẫn giữa những tên kẻ cướp; Canh bạc của Mỹ; Việt Nam sẽ thắng lợi.

Sau khi giới thiệu vắn tắt lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam từ năm 1940 đến năm 1950, phân tích các mâu thuẫn và khó khăn của Pháp và Mỹ, những thắng lợi ngoại giao to lớn của nhân dân Việt Nam vừa giành được, Người nêu rõ quyết tâm: "Để giành lại nền độc lập dân tộc và sự thống nhất đất nước của mình, nhân dân Việt Nam sẵn sàng đấu tranh 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc hơn nữa, nếu cần thiết!".

Kèm theo bản thảo bài báo, Người gửi một bức thư (đánh máy bằng tiếng Pháp) cho Ban biên tập:

"Kính gửi Bộ biên tập tuần báo

Vì một nền hoà bình lâu dài

Vì một nền dân chủ nhân dân,

Đồng chí Tổng Biên tập thân mến.

Tôi không viết tiếng Pháp đã từ lâu, khá lâu. Lần này viết, chắc tôi sẽ mắc nhiều lỗi. Mong đồng chí sửa hộ những lỗi đó. Nếu thấy cần thiết, đồng chí có thể sử dụng tài liệu này để viết lại hoàn toàn bài báo.

Tôi sẽ gửi tới đồng chí nhiều bài khác nữa, hoặc do tôi, hoặc do các đồng chí của tôi viết.

Về thù lao, tôi mong đồng chí gửi đều đặn cho chúng tôi nhiều bản của tờ báo và những sách báo khác mà đồng chí có.

Chào thân ái

Ngày 22 tháng 3 năm 1950

Hồ Chí Minh”

Tái bút: Nếu trong bài có những sai về chính trị, mong đồng chí sửa hộ những sai đó và gửi cho chúng tôi lời phê bình. Xin cảm ơn trước".

* Tháng 3-1951

- Ngày 1: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Trần Đăng Ninh đến thăm Trung đội 2, Đại đội 250, Tiểu đoàn 333 bộ đội công binh.

Sau khi thăm hỏi sức khỏe của các cán bộ, chiến sĩ và được biết bộ đội công binh chỉ được ăn 8 lạng gạo một ngày, Người nói với ông Trần Đăng Ninh khi đó giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (Bộ Quốc phòng): “Các chú công binh lao động nặng nhọc, vất vả, cần được ăn no. Từ nay chú cho công binh ăn 9 lạng gạo một ngày”. Người chăm chú nghe cán bộ, chiến sĩ công binh báo cáo tình hình học tập, công tác và nhắc nhở cán bộ cần động viên anh em yên tâm phục vụ.

- Ngày 3: Lúc 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự buổi lễ ra mắt quốc dân của Đảng Lao động Việt Nam. Phát biểu kết thúc buổi lễ, Người nêu rõ mục đích của Đảng Lao động Việt Nam là “đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”, nhiệm vụ của Đảng là “kiên quyết lãnh đạo toàn dân đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công” và chính sách của Đảng “đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta: Độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt. Phát biểu với Đại hội, Người bày tỏ niềm vui sướng vô hạn vì được thấy "rừng cây đại đoàn kết ấy nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai "trường xuân bất lão"", và “chẳng những là toàn dân Việt Nam đại đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cũng đi đến đại đoàn kết”. Người góp ý cho Đại hội một số vấn đề cần thảo luận như: Xây dựng kỷ luật tự giác trong Mặt trận, vấn đề dân chủ, nội dung hoạt động của Mặt trận, mối quan hệ giữa các đảng phái, đoàn thể và nhân sĩ trong Mặt trận.

- Ngày 5: Tại Điểm Mạc, Định Hoá (Thái Nguyên) Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nói chuyện với hội nghị của Bộ Tổng tư lệnh tổ chức trao nhiệm vụ cho các đơn vị ở hướng chính tham gia chiến dịch Trung du. Người căn dặn: “Các đồng chí sẽ đi qua dải đất lịch sử Bạch Đằng - Vạn Kiếp là dịp để các đồng chí tưởng nhớ lại tấm gương oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc ta, để cùng nỗ lực tiêu diệt được nhiều giặc, giành toàn thắng cho chiến dịch, kế tục truyền thống anh dũng đời trước, tiếp tục chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc”.

- Ngày 7: Trong phiên họp bế mạc Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đại hội suy tôn là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam vừa được thành lập.

- Ngày 11: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Cao Miên - Lào và thành lập khối liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương.

- Ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II).

Phát biểu tại Hội nghị, Người nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng cần quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân là: Bảo vệ hòa bình nhưng phải chuẩn bị nếu chiến tranh xảy ra; cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, trường kỳ phải gian khổ, Người còn chỉ rõ: “Thuận lợi của ta là căn bản, khó khăn của địch cũng là căn bản”.

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dự Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương.

Sau khi nghe báo cáo về hoạt động kinh tế, tài chính. Người phát biểu ý kiến, trong đó nhấn mạnh: Trong điều kiện ta đang tiến hành kháng chiến, người ăn nhiều, người làm ít đi nên rất khó khăn. Vậy chiến tranh và sản xuất phải đi đôi cùng phát triển. Ta phải tổ chức lãnh đạo làm sao để tài chính đảm bảo được yêu cầu của cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì buổi lễ phát động phong trào sản xuất, tiết kiệm và đợt thi đua sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ trong năm 1951 do Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội, ủy ban Liên Việt toàn quốc tổ chức. Huấn thị tại buổi lễ, Người cho rằng: “...Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”. Người chỉ rõ để thực hiện được phong trào này, phải “gây thành phong trào quần chúng rộng rãi và phải chống tham ô lãng phí”, phải sử dụng tiền của, sức lực và thời gian của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu, vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí.

- Trước ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đang chuẩn bị chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Người căn dặn phải có quyết tâm cao, phải đoàn kết thì khó khăn mấy cũng vượt qua được. Sau đó, Người đi thăm nơi ăn, ở, sinh hoạt của bộ đội và dự bữa cơm liên hoan với cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

- Ngày 19: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kinh lý vùng biên giới để kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên lên Cao Bằng; thăm các lực lượng thanh niên xung phong mở đường; một số đơn vị vận tải và kho tàng dọc tuyến đường.

Cùng ngày, Người gửi thư khen ngợi đồng bào và bộ đội Bình Trị Thiên đã thắng địch trong trận chống càn Thanh Hương - Ư Điềm và nhắc  nhở “chúng ta phải cố gắng hơn nữa và phải nhớ rằng, ở Liên khu 4 du kích là chính, vận động là phụ. Kháng chiến là trường kỳ gian khổ, rồi mới đến thắng lợi hoàn toàn”.

- Ngày 20: Trên đường đi kinh lý vùng biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Phân đội Thanh niên xung phong C12 đang làm nhiệm vụ tại Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn).

Người tặng thanh niên xung phong bốn câu thơ, sau này trở thành phương châm hành động của hàng triệu thanh niên cả nước, lập thành tích góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến:

Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền.

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên.

- Ngày 25: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phòng gian trừ giặc và Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào? ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 2.

Trong bài: Phòng gian trừ giặc, tác giả nêu kinh nghiệm trong việc huy động quần chúng nhân dân tham gia phong trào phòng gian trừ gian của Trung Quốc. Theo tác giả: “Có kết quả ấylà nhờ công an theo đúng đường lối nhân dân, biết dựa vào sức nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ phòng gian là nhiệm vụ chung của công dân, là một công việc ái quốc”. Bài báo kết luận, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc, đồng thời phải nâng cao ý thức: “Phòng gian đi đôi với giữ bí mật. Đó là hai việc quan trọng cho công cuộc kháng chiến”.

Trong bài: Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào? Tác giả nêu rõ: Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam là những người “công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất”; là những người “kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc”.

- Đêm 25 hoặc 26: Trên đường đi kiểm tra việc sửa chữa cầu và một số cơ sở vận tải, kho tàng trên đường số 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các đơn vị ôtô đầu tiên của Cục Vận tải ôtô (Bộ Quốc phòng). Tại một đơn vị, Người dặn: “Hiện nay nước ta chưa sản xuất được xe. Xăng dầu cũng vậy, có rất ít. Kháng chiến còn dài. Chiến dịch ngày một mở rộng, yêu cầu vận chuyển ngày càng cao. Vì vậy, các chú phải giữ gìn xe, tiết kiệm xăng để phục vụ bộ đội. Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu...”.

- Trong tháng 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị nông dân cứu quốc toàn quốc lần thứ hai. Trong thư, Người nêu nhiệm vụ chính của nông dân là “thi đua tăng gia sản xuất nhiều lương thực để quân và dân no ấm đánh giặc”. Vì vậy, “Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”, và phải “Ra sức đoàn kết chặt chẽ với mọi tầng lớp nhân dân nhất là công nhân và lao động trí óc, để cùng nhau kháng chiến kiến quốc”.

* Tháng 3-1952

- Ngày 3: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và khai mạc lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam.

Chiều, Người dự lễ kỷ niệm ngày thống nhất Việt Minh - Liên Việt và ngày đoàn kết Việt - Miên - Lào. Sau khi khen ngợi những tấm gương yêu nước, đoàn kết của các cụ già, của đồng bào công giáo, của thanh niên nam nữ, Người nói: “Với sức đoàn kết của các tầng lớp nhân dân ta, với sức đoàn kết của nhân dân ta với các thuộc địa Pháp. Chúng ta nhất định thắng lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ quyết định lấy ngày kỷ niệm 3-3 làm ngày phát động toàn quốc đợt thi đua sản xuất, lập công, đề cao chiến sĩ trong năm 1952 (đợt thi đua kết thúc ngày 19-12-1952).

Cùng ngày, ba bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt, Ngụy binh giác ngộ Từ Hoa Thịnh Đốn đến Hòa Bình, hay “Mất cả áo lẫn da”, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 47-48.

+ Bài Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt, khẳng định chưa bao giờ ý nghĩa câu ca Nhiễu điều phủ lấy giá gương lại được thực hiện rõ rệt như ngày nay trong chính sách đại đoàn kết của Đảng, Mặt trận và Chính phủ, sâu rộng và thấm thía nhất là giữa quân đội và nhân dân.

+ Bài Ngụy binh giác ngộ, chỉ rõ rằng địch ngày càng thất bại nhiều, ta thắng lợi luôn, nhiều ngụy binh giác ngộ quay về với kháng chiến và đa số ngụy binh là những thanh niên bị bắt buộc hoặc bị lừa bịp mà đi lính, họ vẫn có lòng yêu nước. Do đó, "chúng ta phải giải thích rõ cho họ, khoan hồng với họ, thì họ sẽ giác ngộ và quay về với Tổ quốc", phải làm tốt công tác địch vận, ngụy vận như là "một nhiệm vụ kháng chiến".

+ Bài Từ Hoa Thịnh Đốn đến Hòa Bình, hay “Mất cả áo lẫn da” đả kích âm mưu của Đờ Lát Đờ Tátxinhi định lấy chiến thắng Hòa Bình để chứng tỏ khả năng tác chiến của Pháp hòng cầu cứu viện trợ của Mỹ, nhưng kết quả là Pháp thua. Đờ Lát Đờ Tátxinhi ốm mà chết, thế là “mất cả áo lẫn da”.

Bài báo còn nhắc nhở: “Thắng lợi này chỉ mới là bước đầu, quân và dân chớ chủ quan, khinh địch”.

- Ngày 4: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc. Trong khi trò chuyện, Người căn dặn: “Các cô, các chú cũng như Bác không phải làm quan mà là làm đầy tớ cho dân. Đầy tớ làm sai thì phải phê bình. Như thế là dân chủ. Dân chủ là phê bình thật thà”.

Trong bài Kính chúc các cụ nghìn tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2026, Người kể về chuyện ở Liên Xô hiện nay, số cụ ông, cụ bà thọ ngoài 100 tuổi ngày càng nhiều, đã có tới hơn một vạn cụ. Người thay mặt các cháu Việt Nam kính chúc các cụ sống đến nghìn tuổi và mạnh khỏe luôn luôn.

Nhân dịp này, Người đề nghị các địa phương, nơi nào có các cụ thọ trên dưới 90 tuổi thì báo cho báo Cứu quốc để Người biết.

- Ngày 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, trao nhiệm vụ đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô cho ông Nguyễn Lương Bằng.

Sau khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng trình bày ý kiến tự phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở những điều cần chú trọng khi làm đại sứ như: Đoàn kết nội bộ và đoàn kết với bạn; luôn luôn giữ quốc thể, giữ tinh thần kháng chiến; phải chân thành với đồng chí Trung Quốc và Liên Xô... Người còn nhấn mạnh: Đồng chí công tác một thời gian rồi lại về... “Từ Hồ Chủ tịch trở xuống, là đầy tớ của dân. Đặt ở đâu thì làm ở đấy...”.

Nhân kỷ niệm Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho chị em phụ nữ trong nước và chị em kiều bào ở nước ngoài, khen ngợi “phụ nữ Việt Nam đã xứng đáng là con cháu Hai Bà và là một lực lượng trong Quốc tế phụ nữ”.

Sau khi biểu dương những đóng góp của phụ nữ Việt Nam ở mọi lứa tuổi, thuộc mọi dân tộc, hoạt động trong mọi ngành vào cuộc kháng chiến của dân tộc, Người nêu rõ những nhiệm vụ chính của phụ nữ hiện nay.

Cùng ngày, Người viết bài Nam nữ bình quyền, phê phán tư tưởng “trọng trai khinh gái” còn ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Theo Người, thực hiện nam nữ bình đẳng, bình quyền “là một cuộc cách mạng khá to và khó”. “Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân” và “vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật”.

- Ngày 13: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 49.

+ Bằng giọng thơ châm biếm, bài Ngày 29-2-1952 Chính phủ lại đổ, Người chỉ rõ Chính phủ Pháp trong sáu năm đổ 17 lần là bởi vì đã nghe Mỹ tăng quân, tăng thuế, theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam hao người tốn của, khiến kinh tế khốn cùng, tài chính kiệt quệ. Tình hình đó đã làm cho bọn phản động Pháp bối rối.

+ Bài Đồng minh của Mỹ, tố cáo hành động dã man hèn mạt của Mỹ đã đồng minh với cả “chấy rận, sâu bọ” trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên. Việc Mỹ dùng vũ khí vi trùng để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, tác giả khẳng định “vì không làm gì nổi quân dân Triều Tiên và quân chí nguyện Trung Quốc, giặc Mỹ dùng đến cả sâu bọ và vi trùng làm bạn đồng minh”.

- Ngày 15: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vì ai nên nỗi nước này, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2034, vạch rõ nguyên nhân vì sao Chính phủ Pho (Pháp) mới lên nắm quyền được năm tuần đã bị đổ.

Theo tác giả, "nguyên nhân thứ nhất là vì tài chính kiệt quệ. Mà kiệt quệ một phần lớn là vì chiến tranh ở Việt Nam". Bài báo đưa ra những con số công khai về sự gia tăng chi phí quân sự của Pháp ở Việt Nam, về số lính Pháp bị chết ở Việt Nam ngày một nhiều, trong khi đó kẻ được lời ngày càng tăng là bọn tư bản thực dân. "Thế là nhân dân Pháp đóng thuế, thanh niên Pháp hy sinh để cho thực dân Pháp hưởng lợi".

- Ngày 17: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ phát động phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1952. Phát biểu tại buổi lễ, Người đề cập đến vấn đề kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, chống quan liêu, tham ô, lãng phí và thi đua ái quốc. Người cho rằng: kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là kế hoạch dân chủ, nghĩa là Chính phủ Trung ương có kế hoạch cho toàn quốc, địa phương căn cứ vào đó để đặt ra kế hoạch thích hợp với địa phương mình, cho đến mỗi ngành, mỗi gia đình và cá nhân, ăn khớp với kế hoạch chung; phân tích biểu hiện và tác hại của quan liêu, tham ô, lãng phí và “phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ gớm ghét nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu”. Đồng thời, Người khẳng định: “Nhờ thi đua mà nhân tài càng phát triển, của cải càng dồi dào, nhân dân càng sung sướng”.

Kết luận, Người nhấn mạnh hai việc phải làm là thi đua giết giặc lập công, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm; ba điều phải chống là nạn tham ô, nạn lãng phí và bệnh quan liêu.

- Ngày 20: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm.

Lời kêu gọi có đoạn: “Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, để cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, để làm cho dân giàu, nước mạnh. Có như thế nhân dân mới càng thấy Chính phủ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, Chính phủ là Chính phủ của nhân dân. Như thế, nhân dân sẽ càng hăng hái đoàn kết và kháng chiến”.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xalăng Xalù!, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 50. Tác giả đả kích thói tuyên truyền hoang lừa bịp của thực dân Pháp đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tiêu biểu là lời tuyên bố của tướng Xalăng (11-2-1952) là giữ lấy Hòa Bình “vì xứ Mường là một nơi rất quan trọng cho quân sự, chính trị và kinh tế của Pháp”. Nhưng chỉ sau 13 ngày thất bại ở Hòa Bình, Xalăng lại tuyên bố “Hòa Bình không quan trọng nữa”. Tác giả rút ra kết luận:

Xa lăng xù lù

Càng nói, càng ngu

Ta đánh mạnh, đánh mãi

Giặc thất bại lu bù”.

- Ngày 21: Bài viết của Người: Nam nữ bình quyền, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2039, đưa ra những số liệu về phụ nữ Liên Xô tham gia ở các ngành khoa học, giáo dục, ở các cấp chính quyền... để chứng tỏ Liên Xô đang thực hiện quyền bình đẳng nam nữ. ở Việt Nam, phụ nữ từ già đến trẻ đều xung phong trong mọi việc kháng chiến cứu nước, “vì vậy, tương lai phụ nữ ta cũng rất vẻ vang và ở nước ta nam nữ bình quyền cũng dần dần thực hiện đầy đủ”.

- Ngày 27: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chính sách dân tộc, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 51.

Tác giả chỉ rõ “Chính sách dân tộc của Đảng, của Mặt trận, của Chính phủ là: Giúp đỡ đồng bào miền núi tiến bộ về mọi mặt". Qua trích dẫn nội dung một vài bức thư của cán bộ dân tộc, ai cũng viết nhờ Bác, đoàn thể săn sóc mọi mặt, được học tập nhận thấy sai sót của mình và hứa sẽ sửa chữa, gương mẫu, tích cực làm mọi việc có lợi cho kháng chiến, Người khẳng định: Họ viết được như vậy “đó là kết quả tốt đẹp đầu tiên của chính sách dân tộc của Đảng, Mặt trận và Chính phủ”.

- Ngày 29: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nạn tham ô ở Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2044. Tác giả dẫn chứng một vài vụ việc cụ thể để tố cáo các thủ đoạn tham ô của bọn tư bản và giới cầm quyền Mỹ. Bài báo kết luận: “Khác với chế độ tư bản, chính quyền nhân dân phải tẩy trừ triệt để nạn tham ô, chính quyền nhân dân phải trong sạch”.

- Trong tháng 3:

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào, chiến sĩ và cán bộ cả nước giải thích về kế hoạch thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Người nhấn mạnh: “Kế hoạch này là một kế hoạch rất dân chủ, rất thiết thực, rất ích nước lợi dân”, và việc thực hiện kế hoạch này “chẳng những có ý nghĩa kinh tế to lớn, mà lại có ý nghĩa chính trị to lớn”.

Người yêu cầu cán bộ các ngành, các đơn vị, từ trung ương đến xã phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, phải hiểu biết rất rõ ràng kế hoạch này, sau đó phải giải thích tuyên truyền cho mọi chiến sĩ, mọi người thấm nhuần kế hoạch, để “thực hiện kế hoạch cho kỳ được”.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Bài viết gồm ba phần:

Phần thứ nhất: Tiết kiệm. Giải đáp các câu hỏi: Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Ai cần phải tiết kiệm?

Phần thứ hai: Phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Giải thích các nội dung: tham ô và những biểu hiện tham ô trong cán bộ và nhân dân; lãng phí và những hình thức lãng phí; bệnh quan liêu, nguồn gốc của nạn tham ô và lãng phí.

Phần thứ ba: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân. Đề cập đến các vấn đề: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân; đấu tranh chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là cách mạng, là dân chủ.

Trong phần kết luận, Người trích dẫn một số ý kiến của Lênin và Xtalin nói về vấn đề tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và chống bệnh quan liêu.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các đại biểu dự Hội nghị cán bộ chính quyền toàn quốc lần thứ năm, yêu cầu các đại biểu về địa phương phải làm tốt ba việc: Đó là:  Tổ chức những lớp huấn luyện ngắn ngày, giúp cho cán bộ từ khu đến xã thấm nhuần chính sách sản xuất và tiết kiệm (chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu), tức là thật sự tự phê bình và phê bình. Mở cuộc vận động giải thích tuyên truyền sâu và rộng khắp. Giúp dân đặt kế hoạch và ký kết thi đua.

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung đoàn 64 báo tin đã nhận được báo cáo và quà của đơn vị.

Người khen trung đoàn đã “dũng cảm trong lúc đánh giặc, nhất là biết dân vận trong ngày thường”. Và căn dặn đơn vị phải “tăng cường đoàn kết nội bộ, kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, đoàn kết giữa quân và dân, cố gắng tiến bộ mãi, chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch”.

* Tháng 3- 1953

- Ngày 1: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng ta là một đảng tiên phong anh dũng, đăng báo Nhân dân, số 97, khái quát lịch sử đấu tranh, trưởng thành của Đảng từ khi thành lập đến bấy giờ cùng với những thành tích mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, nguyên nhân của những thắng lợi đó. Cuối cùng, Người đề ra nhiệm vụ cho toàn thể cán bộ, đảng viên.

- Ngày 2: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vì sao giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2284. Bài báo giải thích: Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng vì, đó là giai cấp kiên quyết nhất, triệt để nhất, có tổ chức, có kỷ luật; là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ tư bản và đế quốc để xây dựng một xã hội mới; là giai cấp có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Bài báo kết luận: Về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo.

- Ngày 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và đọc diễn văn khai mạc tại lễ kỷ niệm hai năm ngày Đảng ta ra hoạt động công khai và ngày thành lập Mặt trận Liên Việt.

Sau khi khái quát những thắng lợi to lớn của nhân dân các nước Liên Xô, Trung Quốc đã giành được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc giúp Triều chống Mỹ, Người nêu lên những tiến bộ của quân và dân ta đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới mà toàn Đảng, toàn dân ta phải thực hiện trong năm 1953.

Phần cuối diễn văn, Người chỉ rõ: "Với lực lượng nhân dân ta, bộ đội ta, với tinh thần kiên quyết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, với lực lượng hòa bình thế giới, với lực lượng ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ của các nước bạn, thì cuộc kháng chiến của ta phải trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi".

- Ngày 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ và nhân dân Liên Xô về việc đồng chí Xtalin từ trần.

Người ký lệnh gửi các cơ quan, công xưởng, trường học, đơn vị bộ đội, để tang Xtalin năm ngày, đình chỉ mọi cuộc vui chơi trong thời gian đó.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 98, nêu khái quát về lịch sử ngày Quốc tế phụ nữ, những thành tích của phụ nữ Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam trong phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới, bảo vệ phụ nữ. Đồng thời, Người cũng nêu lên những thành tích của phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến và đề ra những yêu cầu, nhiệm vụ của phụ nữ trong cuộc vận động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức.

- Ngày 9: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giai cấp nông dân, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu Quốc, số 2289. Bài báo phân tích thành phần, vị trí và vai trò của giai cấp nông dân trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Họ là "quân chủ lực của cách mạng", là thành phần "đóng góp nhiều nhất", "hy sinh nhiều nhất" trong kháng chiến. Đồng thời, bài báo cũng chỉ rõ những hạn chế của nông dân là "vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu". "Cho nên giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp đỡ họ, và lãnh đạo họ vì họ là một lực lượng rất to lớn vững chắc. Thế là công nông liên minh".

- Ngày 10: Lúc 18 giờ, tại một địa điểm ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta dự lễ truy điệu đồng chí Xtalin, do Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội, ủy ban Liên Việt toàn quốc và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại buổi lễ, Người nêu rõ những đóng góp của Xtalin đối với nhân dân Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế. Đồng thời, Người nhấn mạnh nhiệm vụ của toàn thể nhân dân ta là đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô, tỉnh táo đề phòng trước mọi âm mưu của bọn đế quốc và thù địch.

Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Một đảng vô cùng to lớn, mạnh mẽ, ký bút danh C.B., đăng báo Nhân dân, số 99, giới thiệu sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng Cộng sản Liên Xô từ Đại hội I (1898) đến Đại hội XIX (1952); tình đoàn kết đấu tranh của hơn 50 Đảng Cộng sản, Công nhân và Lao động các nước. Bài báo kết luận: Đảng Cộng sản Liên Xô là một đảng vô cùng to lớn và mạnh mẽ.

- Ngày 21: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mèo đẻ ra trứng, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 102. Bài báo viết về dư luận ở Pháp trước những thất bại của quân viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đặc biệt qua câu chuyện Mèo đẻ ra trứng của báo Nhân đạo, dẫn lời của tướng Xalăng nói rằng: "Y sẽ thắng lợi nếu nhân dân Việt Nam đồng tình với y". Nhưng ngoài lũ chó săn phản nước như bọn Bảo Đại, thì người Việt Nam ai mà đồng tình với bọn thực dân cướp nước như bọn Xalăng. Thật là:

"Mèo đâu đẻ trứng xưa nay?

Dân ta ai chẳng ghét bầy thực dân!".

- Ngày 23: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giai cấp tiểu tư sản, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2299, nêu rõ: giai cấp tiểu tư sản bao gồm trí thức, các nhà công nghệ, những người làm nghề tự do, công chức... Nói chung họ cũng bị đế quốc và phong kiến áp bức, có học thức, nhạy bén về chính trị, dễ tiếp thu sự giáo dục của cách mạng và dễ đi với cách mạng, là một đồng minh quan trọng của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, họ cũng có hạn chế là hay dao động. Giai cấp công nhân phải tuyên truyền, tổ chức, giúp đỡ để họ trở thành một động lực quan trọng của cách mạng.

- Ngày 26: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cột dây thép, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 103. Thông qua sự việc: có một cột dây thép bị mối ăn, ngả xuống cạnh một làng, thanh niên, phụ lão trong làng thấy vậy, xung phong ra trồng lại. Tác giả muốn nhắc nhở: Bảo vệ của công là bổn phận của mọi công dân.

- Ngày 27: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giai cấp tư sản dân tộc, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2302. Bài báo viết: Giai cấp tư sản dân tộc vừa bị đế quốc, phong kiến ngăn trở nên cũng muốn chống đế quốc và phong kiến, vừa là giai cấp bóc lột nên cũng sợ giai cấp bị bóc lột đấu tranh. Về kinh tế ít nhiều họ cũng dính líu với địa chủ phong kiến; đối với cải cách ruộng đất họ còn do dự. Vì thế giai cấp tư sản dân tộc vừa muốn cách mạng, vừa muốn thỏa hiệp. Do đó, giai cấp công nhân cần phải vừa đoàn kết, vừa đấu tranh với họ để bảo vệ quyền lợi của mình và phát huy tác dụng cách mạng của họ.

Tác giả kết luận: Dù đặc điểm khác nhau, tác dụng khác nhau song trong công cuộc kháng chiến, trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, các giai cấp đều có lợi ích chung, mục đích chung, nên cần đoàn kết lại thành Mặt trận dân tộc thống nhất mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và chính đảng của họ. Như thế thì kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.

- Trong tháng:

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với lớp chỉnh Đảng Trung ương khóa II. Sau khi phân tích những mối quan hệ giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, giữa gia đình và tập thể, giữa cái "thiện" và cái "ác" trong mỗi con người, quan niệm về chữ "tình", chữ "hiếu" của người cách mạng..., Người chỉ rõ: Người cán bộ cách mạng phải "hy sinh cái nhỏ cho cái lớn", "hy sinh cái riêng cho cái chung", "Giữa lợi ích riêng và lợi ích chung phải chọn lấy một. Mà phải chọn cái ích chung". "Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang"... Người cũng chỉ ra những biện pháp để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là: Phải học tập, phải học hỏi quần chúng, phải thật thà tự phê bình và phê bình, cái bí quyết thành công là có quyết tâm...

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ Liên hiệp phụ nữ toàn quốc bàn về vấn đề phát động quần chúng nông dân. Người phân tích về chủ trương, hình thức, biện pháp tiến hành cuộc phát động quần chúng nhằm triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và vai trò của phụ nữ trong cuộc vận động đó.

Người kết luận: "Phát động quần chúng thành công thì nông dân được ruộng đất, được ấm no và phụ nữ được giải phóng. Phát động quần chúng thì bồi dưỡng được nông dân, đẩy mạnh mọi mặt công tác kháng chiến kiến quốc".

+ Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đồng chí Xtalin người bạn vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đăng trên tạp chí Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân, số tháng 3-1953 của Cục Thông tin quốc tếTrong bài có đoạn:"Chính Cách mạng Tháng Mười vĩ đại do Lênin và Xtalin lãnh đạo, đã thức tỉnh và cổ vũ nhân dân Việt Nam, cũng như các dân tộc bị áp bức khác, kiên quyết đấu tranh chống bọn đế quốc áp bức".

* Tháng 3- 1954

- Ngày 1: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Rượu cồn và dân Pháp, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 169. Qua số liệu thống kê, bài báo phản ánh tệ nạn uống rượu của người Pháp, nhưng vì lợi nhuận "cốt cho đầy túi tham"thực dân Pháp vẫn không ngăn cản tệ nạn này, làm cho hại người, hại của, ảnh hưởng đến nòi giống và sinh tồn.

- Ngày 3: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lực lượng cộng sản ở châu Âu, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2545.

Bài báo cho biết: tờ Times (Thời báo) - một tờ báo tư sản lớn nhất ở Anh và Tây Âu - vừa mở một cuộc điều tra số lượng cộng sản ở châu Âu (Pháp, ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha) thì thấy rằng, lực lượng cộng sản ở các nước tư bản ngày càng phát triển mạnh.

- Ngày 5: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chiến sĩ gương mẫu, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2546. Bài báo nêu gương một số cán bộ trong công tác phát động quần chúng thực hiện tốt chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ.

- Ngày 6: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 170.

+ Trong bài Chống nạn giấy tờ, Người nêu rõ những khuyết điểm mà cán bộ ta mắc phải như: Giấy tờ quá nhiều, quá dài; quá chậm trễ; không đúng nguyên tắc; cách làm luộm thuộm, kém giữ bí mật... Đồng thời, Người vạch ra nguyên nhân của những khuyết điểm trên là do "không sát thực tế, không gần gũi quần chúng", "không lo việc làm phải ăn khớp với lời nói", "không theo dõi, đôn đốc giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế". Người cũng chỉ ra cách chống nạn giấy tờ là phải "thiết thực phụ trách công tác thực tế", "gần gũi quần chúng", mở rộng dân chủ, thật thà tự phê bình và phê bình. Kết luận, Người viết: "Nhân dân rất mong cán bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ và đôn đốc cấp dưới cũng thi đua như vậy. Đó là một cách để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính".

+ Trong bài Hội nghị và hội nghị, Người nêu lên sự lừa bịp, tráo trở của Chính phủ Pháp. Tại hội nghị này thì Pháp tuyên bố đang tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, nhưng cũng lúc đó, tại hội nghị khác, chúng lại tìm mọi cách câu kết với bọn bù nhìn bán nước hòng mở rộng chiến tranh ở Việt Nam... Cuối cùng, Người khuyên nhân dân ta không được chủ quan, luôn luôn giữ thế chủ động, "giữ chủ động tức là nắm phần thắng lợi".

- Ngày 8: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự "giúp đỡ" của Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2548. Bài báo lên án Mỹ âm mưu gây chiến tranh và muốn làm chủ thế giới. Nhưng Mỹ không đủ binh lính rải khắp nơi. Vì thế Mỹ đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để "giúp đỡ" các chính phủ phản động tổ chức, lập ra các quân đội tay sai làm bia đỡ đạn cho chúng.

- Ngày 11: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những quả bom chính trị, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 171, trích dẫn những nhận xét của các báo Pháp về câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một nhà báo Thụy Điển, trong đó Người nêu rõ: Nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Chính phủ Pháp, nếu họ thật sự tôn trọng quyền độc lập của nhân dân Việt Nam và muốn thương lượng để chấm dứt chiến tranh. Báo tư sản cho rằng: "Điều này như quả bom rơi vào đám bù nhìn làm chúng hoảng sợ".

Tác giả kết luận:

"Thật sự độc lập, hòa bình

Là bom tiêu diệt bù nhìn Việt gian".

- Trước ngày 13: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Toàn văn bức thư như sau:

“Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.

Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự, và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị cũng đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi  vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.

Bác hôn các chú.”

- Ngày 15: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng gửi điện tới toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Người khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu tiên ở Điện Biên Phủ; nêu rõ ý nghĩa lịch sử của chiến dịch cả về quân sự và chính trị và nhắc nhở quân đội ta "phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này".

- Ngày 21: Ba bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 173:

+ Bài Kế hoạch "L - "N, nêu những thất bại của quân đội Pháp từ ngày 1-1 đến ngày 10-3-1954 trên chiến trường Việt Nam, đặc biệt là trên mặt trận đánh giao thông vận tải (Kế hoạch "đánh què giặc" của ta), Người báo trước: Kế hoạch Nava của địch đã thất bại một phần và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn vì ta đã đánh cho "Kế hoạch Nava què hóa ra Kế hoạch "L - "N".

+ Bài Con rắn Mỹ, vạch trần mâu thuẫn giữa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Một mặt, Mỹ giúp tiền bạc và vũ khí cho Pháp trong chiến tranh Đông Dương; mặt khác, Mỹ lại tìm cách moi ruột Pháp. Cuối bài báo, Người động viên quân và dân ta cố gắng để trong năm 1954, quân đội ta "Mã đáo thành công".

+ Trong bài: Lênin dạy, có đoạn: "Phải có một quân đội đánh giỏi và một hậu phương vững chắc. Mỗi một người công nhân, mỗi một người nông dân đều phải biết đánh giặc. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng".

- Ngày 26: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bệnh điên nguyên tử, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2561. Bài viết đưa tin: Mỹ hay đưa bom nguyên tử ra dọa thế gian, nhưng chính người Mỹ đã mắc bệnh sợ bom nguyên tử trước tiên. Bởi vì ở ngay tại nước Mỹ thường xảy ra báo động giả. Đêm đêm, mọi người đang ngủ say thì bất thình lình còi rú và hàng triệu người phải chạy xuống hầm trú ẩn. Điều ấy xảy ra luôn, làm cho nhân dân Mỹ nơm nớp lo sợ và điên đầu.

Cùng ngày, bài viết của Người: Luân Đôn, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 174. Bài báo vạch trần chính sách phản động của Chính phủ Anh, theo Mỹ, chạy đua vũ trang, làm cho đời sống nhân dân lao động Anh nghèo khổ, dịch bệnh, tai nạn xảy ra mà không có tiền chạy chữa. Thế là đế quốc Anh:

"Có tiền chuẩn bị chiến tranh,

Không tiền để cứu nhân dân nghèo nàn".

- Đầu năm 1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đồng chí Vi Quốc Thanh - Trưởng  đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, nhưng không gặp. Hôm sau, Người đã gửi thư là một bài thơ bằng chữ  Hán cho đồng chí Vi Quốc Thanh, dịch như sau:

Trăm dặm tìm không gặp cố nhân,

Mây đèo dẫm vỡ, ngựa chồn chân.

Đường về chợt gặp cây mai núi,

Mỗi đoá hoa vàng, một nét xuân.

Dưới có chú thích nhỏ của tác giả: “Bách lý (trăm dặm) thực tế có 64 dặm”.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: