Phần 1. Giai đoạn 1890-1929
Năm 1904
Tháng 4, ngày 13: Nguyễn Tất Thành chịu tang bà ngoại (theo âm lịch là ngày 28 tháng 2 năm Giáp Thìn). Đây là cái tang lớn của cả gia đình. Sở dĩ ông Nguyễn Sinh Sắc học hành và đỗ đạt được chủ yếu nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình vợ. Bà ngoại cũng đã dành cho Thành và những người cháu sớm mồ côi mẹ lòng yêu thương sâu sắc.
Tháng 4, sau ngày 13: Sau khi bà ngoại mất, Nguyễn Tất Thành theo cha từ Võ Liệt trở về Kim Liên để có điều kiện lui tới Hoàng Trù chăm lo hương khói cho gia đình bên ngoại. Nguyễn Tất Thành được phụ thân gửi đến học một thời gian ngắn với thầy Trần Thân ở làng Ngọc Đình, cạnh làng Kim Liên.
Trong năm 1912:Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni đi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông… Đến đâu anh cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Một trong những cảnh tượng ấy anh đã trông thấy ở Đaca (Dacar) như sau:"Đến Đaca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả canô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”.
Cảnh đó làm cho Nguyễn Tất Thành hết sức đau xót, anh khóc. Hỏi tại sao, anh buồn rầu trả lời: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy những chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”.
Năm 1915
Tháng 4, ngày 16: Nguyễn Tất Thành ký tên Pôn Thành (Paul Thành), từ Anh viết thư cho Toàn quyền Đông Dương, qua lãnh sự Anh tại Sài Gòn, nhờ chuyển cho cha mình, nhưng bức thư không đến người nhận vì không tìm được địa chỉ.
Năm 1920
Tháng 4, ngày 14: Nguyễn Ái Quốc gặp ông Bácđê (Bardet), Thư ký Hội liên minh nhân quyền tại số 6, phố Xơ Rôdali (Soeur Rosalie). Cùng ngày, anh nhận được nhiều thư gửi từ Anh, Cuba, Bắc Mỹ và Đông Dương.
Tháng 4, trước ngày 29: Mấy hôm liền, Nguyễn Ái Quốc tiếp ông Bạch Thái Tòng, thợ chụp ảnh ở Xoátxông (Soissons) đến gặp để mượn sách.
Năm 1921
Tháng 4, ngày 1: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Mười trường học - 1.500 đại lý rượu, đăng trên báo La Vie Ouvriève, số 100. Bài báo kịch liệt lên án chính quyền thuộc Pháp đã đầu độc nhân dân Việt Nam bằng rượu cồn và thuốc phiện.
Bằng những con số thống kê, Nguyễn Ái Quốc so sánh ở Việt Nam cứ trên 1.000 thôn xã mới có 10 trường học, nhưng lại có tới 1.500 đại lý rượu. Hằng năm, nhân dân Việt Nam phải tiêu thụ trên 20 triệu lít rượu cồn và hàng chục tấn thuốc phiện cho "mẫu quốc", khiến đời sống của họ ngày càng xơ xác, tiêu điều.
Tháng 4, ngày 3: Nguyễn Ái Quốc tiếp Tạ Đình Cao, Võ Văn Toàn, Lê Bá Sao và một người Thuỵ Điển tên là Gioannixơn (Joannisson) tại số 6 phố Vila đê Gôbơlanh.
Tháng 4, ngày 8: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Những kẻ bại trận ở Đông Dương, đăng trên báo La Vie Ouvrière, số 101. Tác giả tố cáo âm mưu của chính quyền "nước Mẹ" muốn bắt "những kẻ lao động An Nam" phải"đóng góp" để trả thay cho chúng những khoản nợ nần, thua thiệt trong chiến tranh, "vì dù sao nước Pháp, chính quốc, đã cứu Đông Dương thoát khỏi sự tham lam của nước Đức".
Nhân danh hàng nghìn người An Nam đã bỏ thây ở nước Pháp trong chiến tranh, tác giả "cám ơn" lời tuyên bố của ông Xarô tốt bụng, vì dân An Nam "biết rất rõ chính chiến thắng trên sông Mácnơ đã ngăn cản quân xung kích Đức tiến về sông Mê Kông, để truyền bá trên ruộng đồng chúng tôi chế độ dã man của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc Phổ. Nếu không có ngài và người thay mặt đáng kính của chúng tôi, ông Utơrây, chúng tôi sẽ mất cái tự do thân yêu được say sưa bằng rượu cồn và cái bình đẳng quý giá được đầu độc bằng thuốc phiện; không có ngài, giai cấp vô sản bản xứ không còn được nhồi nhét vào tai những bài diễn văn hay ho và những lời hứa tốt đẹp được ngài ban cho một cách hữu ái; không có ngài...".
Tháng 4, ngày 18: Hồi 12 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc, Tạ Văn Căn và Duyên rời nhà số 6 phố Vila đê Gôbơlanh, đi dự cuộc họp của Liên hiệp công đoàn quận Xen (Seine) tổ chức vào hồi 14 giờ.
18 giờ, ba người ra về. 19 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc và Tạ Văn Căn tiễn Duyên ra ga Óocxay (Orsay) đi Caxtrơ (Castres).
Tháng 4, ngày 30: Nguyễn Ái Quốc nhận khoảng 10 tờ báo Le Libertaire số 118, ba tờ đã được chuyển đi. Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc còn nhận được Tạp chí La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản).
Trong tháng 4-1921: Nguyễn Ái Quốc viết bài Đông Dương, đăng trên La Revue Communiste, số 14, tháng 4-1921. Nguyễn Ái Quốc đã phê bình một số Đảng Cộng sản ở các "cường quốc thực dân" chưa quan tâm đến vấn đề cách mạng ở các nước thuộc địa và chưa nghiên cứu vấn đề này một cách nghiêm túc. Về tình hình Đông Dương, theo tác giả: "Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa".
Người Đông Dương, mặc dù bị thực dân Pháp ra sức đầu độc cả về tinh thần lẫn thể xác, tác giả vẫn khẳng định: "Không: Người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương".
"Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ. Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ - bọn quan lại - cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng. Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm và khi thời cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ".
Kết thúc bài báo, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: "Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi".
Năm 1922
Tháng 4, ngày 1: Báo Le Paria do Nguyễn Ái Quốc - một trong những người sáng lập, ra số đầu tiên. Tờ báo được in trên khổ giấy 36 x 50cm. Phía trên, bên cạnh tên chính của tờ báo bằng chữ Pháp: Le Paria còn có tên báo bằng chữ Arập ở bên trái và chữ Hán ở bên phải: Lao động báo. Tiêu đề của báo là Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa. Địa chỉ của tờ báo: Số 16 phố Giắccơ Calô (Jacques Calot), Pari VI.
Số 1 có đăng Lời kêu gọi, nêu rõ mục đích tôn chỉ của tờ báo: Báo Le Paria ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Mađagátxca, ở Đông Dương, Ăngti và Guyannơ.
Báo Le Paria tố cáo sự lạm quyền về chính trị, độc đoán về hành chính, bóc lột về kinh tế mà nhân dân trên các lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại để đấu tranh cho sự tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ, hô hào họ tổ chức lại nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi những lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và hữu ái.
"Báo Le Paria là vũ khí để chiến đấu. Sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người".
Trên trang nhất số báo này có đăng thông báo về đề tài Sân khấu Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trình bày trong chương trình sinh hoạt tháng 4-1922 của Câu lạc bộ Phôbua.
Tháng 4, ngày 30: Nguyễn Ái Quốc đã dự một buổi biểu tình của cộng sản tại vùng Cơlisi (Clichy).
Năm 1923
Tháng 4, đầu tháng: Nguyễn Ái Quốc đăng quảng cáo nghề làm ảnh của mình trên báo La Vie Ouvrière. Nội dung như sau:
“Xin giới thiệu với độc giả và bè bạn:
Mọi loại ảnh cũ, hoặc trích trong báo chí, v.v. đều có thể chụp lại, làm thành như ảnh mới, ảnh kỹ thuật.
Giá từ 20 phrăng, do Nguyễn Ái Quốc số 3 đường Mácsê đê Patơriácsơ".
Tháng 4, ngày 2: Nguyễn Ái Quốc họp với Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Ái, Nguyễn Văn Hai, ông Lê Đức Long và ba người Việt Nam khác do ông Ái mời đến tại số 6 Vila đê Gôbơlanh để bàn vấn đề thành lập một hội, lấy tên là Hội Thân ái. Cuộc họp đặt vấn đề cần nhanh chóng lập Hội Thân ái và trao đổi ý kiến về vấn đề chọn người làm chủ tịch. Hội Thân ái được thành lập xong vào cuối tháng 4-1923, Chủ tịch hội là Trần Tiến Nam, Phó Chủ tịch là Lê Đức Long.
Tháng 4, ngày 4: Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Văn Ái đã họp tại trụ sở Hội liên hiệp thuộc địa, số 3 đường Mácsê đê Patơriácsơ. Nguyễn Ái Quốc đã trình bày về tình hình tài chính của tờ báo Le Paria bị hụt mất 1.500 phrăng, trong đó một phần là phải trả cho nhà in.
Nguyễn Ái Quốc nêu ý kiến rằng tờ báo phải sống bằng bất cứ giá nào, vì nếu tờ báo bị chết trong lúc này sẽ làm thiệt hại lớn đến công việc tuyên truyền, mà lúc này hơn lúc nào hết đang cần để nhân dân vô sản thế giới chống bọn đi bóc lột. Nguyễn Ái Quốc còn đề nghị tổ chức một buổi quảng cáo cho tờ báo.
Tháng 4, ngày 13: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Chủ nghĩa quân phiệt thực dân, đăng trên báo La Vie Ouvrière.
Bài báo nêu những dẫn chứng cụ thể về thủ đoạn bắt lính cực kỳ dã man ở thuộc địa, để khẳng định: “Sự tàn ác của bọn bắt lính ở các thuộc địa tinh vi tới mức thậm chí người Pháp ở chính quốc cũng không thể hình dung được một cái gì giống như thế”. Và, đó “là một trong những nguyên nhân thúc đẩy” những người dân bản xứ đứng lên bạo động, chống lại chủ nghĩa quân phiệt thực dân.
Tháng 4, ngày 16: Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời dự Đại hội thường kỳ lần thứ 7 Hội những người bạn phương Đông của Pháp, sẽ họp vào 14 giờ 30 ngày 22-4-1923 tại Bảo tàng Ghimê (Guimet).
Tháng 4, ngày 27: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Những kẻ tham tàn đăng trên báo La vie Ouvrière, chỉ trích ông Anbe Xarô vì ông Xarô nói rằng: “Chúng ta là những thực dân tốt và người bản xứ rất bằng lòng, rất bằng lòng chúng ta”.
Sau khi dẫn ra những cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương, ở Angiêri và ở châu Úc, Nguyễn Ái Quốc đã công bố những con số mà Chính phủ Pháp đã phải chi phí cho các quân nhân của họ ở thuộc địa: “183.859.000 phrăng để nuôi 1.617 sĩ quan, 12.277 lính châu Âu, 49.999 lính người bản xứ”.
Trong tháng 4-1923: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, ký tên N., nhan đề Tinh hoa của xứ Đông Dương, đăng trên báo Le Paria, số 13.
Tác giả kể lại chuyện: Trong đám tang Toàn quyền Lông, một ông tiến sĩ luật học kiêm tiến sĩ khoa chính trị học và kinh tế học nọ, tòng sự tại Tòa biện lý Sài Gòn và một ông kỹ sư kia là Chủ tịch Hội những người Đông Dương đã thành tâm than khóc và tán dương địa vị, công lao, đức độ của Lông bằng những lời lẽ rất chi là mỹ miều. Bài báo mỉa mai: "Từ sự việc trên, tôi đi đến kết luận rằng: Nếu quả thực tất cả những người An Nam đều cũng luồn cúi sát đất như hai đứa con này của guồng máy cai trị thì quả thực là dân này xứng đáng với cái số phận được cho”.
Năm 1924
Tháng 4, ngày 2: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Chủ nghĩa đế quốc Pháp dám làm những gì?, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 20.
Qua việc nhà cầm quyền thực dân Pháp trục xuất những người yêu nước Ấn Độ, và câu chuyện về cái chết thê thảm của hơn một nghìn người dân Tripôli (Tripolie) gồm ông già, bà lão, đàn ông, đàn bà, trẻ em muốn nhưng không được phép vào lánh nạn ở Tuynidi, một xứ thuộc địa của Pháp, bài báo vạch trần tội ác ghê tởm của đế quốc Pháp trong việc đồng loã với đế quốc Anh, đế quốc Ý tiêu diệt những người yêu nước bản xứ. Bài viết rút ra kết luận: "Chủ nghĩa đế quốc Pháp quả là không hề ngần ngại nhúng tay vào những tội ác bỉ ổi nhất".
Tháng 4, ngày 11: Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Bức thư ký tên Nguyễn.
Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: "Những thuộc địa của Pháp nói chung và xứ Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra tại những thuộc địa đó". Cho nên "nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó".
Trong thư, Nguyễn Ái Quốc cho rằng chuyến về Việt Nam qua Trung Quốc của mình "sẽ là một chuyến đi điều tra và nghiên cứu", và dự định sẽ làm những việc:
- Thiết lập những quan hệ Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.
- Thông báo cho Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thuộc địa này.
- Bắt liên lạc với các tổ chức chính trị ở xứ đó.
- Cố gắng tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, Nguyễn Ái Quốc viết trong thư: "Trước hết tôi phải đi Trung Quốc. Tiếp đó hướng sự hoạt động theo những khả năng sẽ xuất hiện". Người còn dự trù một khoản kinh phí hằng tháng cần thiết cho sự ăn ở và công tác, và "hy vọng rằng những điều trên sẽ có thể dùng làm cơ sở để các đồng chí thảo luận về việc cử tôi đi Viễn Đông".
Trong thư Nguyễn Ái Quốc cũng tỏ ý không hài lòng về trường hợp của mình. Lúc tới Mátxcơva tháng 7-1923, nhiệm vụ của Nguyễn Ái Quốc đã được quyết định: Sau ba tháng lưu lại ở đây, Nguyễn Ái Quốc sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với Đông Dương. Vậy mà, "bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và là tháng thứ sáu tôi chờ đợi", và"việc lên đường của tôi vẫn chưa được quyết định".
Tháng 4, ngày 14: Nguyễn Ái Quốc có quyết định của Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản do đồng chí Pêtơrốp ký nhận vào làm cán bộ ngoài biên chế của ban với mức lương tháng là 6 trécnôvéc (tương đương 60 rúp).
Tháng 4, ngày 30: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư mời tham dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động tổ chức tại Quảng trường Đỏ, Mátxcơva. Toàn văn bức thư như sau:
Quốc tế Cộng sản Ban Chấp hành |
Vô sản tất cả các nước Đoàn kết lại Mátxcơva, ngày 30 tháng 4 năm 1924 |
Kính gửi: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc
Theo đề nghị của Thành uỷ Mátxcơva Đảng Cộng sản Nga, Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản mời đồng chí ngày mai, 1 tháng 5, từ 12 giờ đến 2 giờ chiều có mặt tại Hồng trường để nói chuyện với những người biểu tình.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành
Quốc tế Cộng sản
V. Côlarốp
Kèm theo thư mời là thẻ đi lại do Bộ Tư lệnh bộ đội bảo vệ Thủ đô Mátxcơva ký.
GIẤY PHÉP ĐƯỢC ĐI LẠI KHẮP NƠI
"Thẻ đi lại công tác, cấp cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc, được quyền đi lại trên Quảng trường Đỏ trong ngày biểu dương lực lượng 1 tháng 5".
Năm 1925
Tháng 4, ngày 8: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Lối cai trị của người Anh, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp, số 33. Tác giả nêu những nhận xét về chính sách xâm lược mới của chủ nghĩa đế quốc Anh ở Trung Quốc, Ấn Độ và Xuđăng (Soudan) sau khi Đảng Bảo thủ trở lại nắm chính quyền.
Tháng 4, ngày 9: Nguyễn Ái Quốc, với bút danh L.T, viết thư trả lời ông H (Thượng Huyền), góp ý kiến nhận xét về tập Cách mệnh của ông theo yêu cầu của tác giả. Nhận xét về tình hình tác phẩm, sau khi cho rằng tác giả đã dùng nhiều điển tích, lối hành văn cầu kỳ, lạm dụng từ ngữ Trung Quốc, v.v., Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên một số quan điểm của mình về cách viết, rằng: "Dùng điển tích là tốt, nhưng nếu lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất cao xa, thâm thuý của các điển tích thường cũng hay bao hàm những ý nghĩa mơ hồ có thể làm cho người ta hiểu lầm", rằng: "Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt", rằng "Một lối hành văn giản dị, chính xác hơn hẳn cái lối hành văn rườm rà, hoa mỹ", rằng "Nếu tác phẩm của ông lại định dùng để tuyên truyền thì đó phải là một tác phẩm ai đọc cũng hiểu được. Một tác phẩm hành văn hay mà khó hiểu thì chẳng có ích gì"...
Về nội dung tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét có tính chất phê phán quan điểm của ông H về cách mạng, về việc ông lên án những hành động của Chính phủ Pháp, về nguyên nhân "cách mệnh của chúng ta" không thành công, về chủ trương "một cuộc cách mệnh hoà bình". Tóm lại, viết về cách mệnh, "Ông không nói 1) Phải làm gì trước cách mệnh, 2) Phải làm gì trong cách mệnh, 3) và phải làm gì sau cách mệnh.
Ông chưa bàn đến lực lượng mà người Pháp có thể sử dụng (ở nước ta) và cũng chưa bàn đến lực lượng của ta.
Ông đã nhầm lẫn tẩy chay với cách mệnh và ngược lại".
Cuối thư, Nguyễn Ái Quốc viết:
"Tôi đã nói thẳng những ý kiến của tôi về bài viết của ông; và cũng nhân cơ hội này, nêu lên một số vấn đề để thảo luận; mong rằng có thể rút ra từ đó một cái gì để mở rộng thêm kiến thức của tôi. Xin thành thực và nhiệt liệt hoan nghênh tài cao trí lớn của ông. Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không!".
Năm 1926
Tháng 4, ngày 4: Ký bút danh Mộng Liên, Nguyễn Ái Quốc viết bài Về sự bất công gửi báo Thanh niên đăng trên mục Dành cho phụ nữ.
Tác giả đã dẫn lời của Khổng Tử, Mạnh Tử, cách ví von của người Trung Quốc và câu nói cửa miệng của người Việt Nam về thân phận của người phụ nữ đã bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì trong xã hội và trong gia đình. Và đặt ra một câu hỏi lớn:
"Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?".
Năm 1928
Tháng 4, ngày 12: Từ Béclin, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản trình bày về hoàn cảnh hiện tại của mình. Bức thư có đoạn viết: “Không thể công tác ở Pháp, ở Đức vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này. Trong những thư gửi cho các đồng chí, tôi đã lập một ngân sách công tác và một ngân sách đi đường.
Khi đồng chí Đôriô qua Béclin, đồng chí đã hứa sẽ quan tâm đến vấn đề của tôi. Tôi đã nói với đồng chí ấy là nếu không được kinh phí công tác, miễn là đồng chí cho tôi tiền đi đường, thì dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đã một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương.
Nhưng cho tới nay tôi chưa nhận được chỉ thị của các đồng chí, cả câu trả lời của đồng chí Đôriô.
Hiện nay, tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn không chịu nổi:
1) Chờ đợi vô thời hạn (tôi chờ chỉ thị đã 4 tháng).
2) Không có gì để sống vì rằng MOPR không thể giúp tôi một cách vô hạn, ngay cả cho 18 đồng mác mỗi tuần (số tiền đối với tôi không đủ sống nhưng quá nặng cho tổ chức).
Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường”.
Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư cho một cán bộ của Quốc tế Cộng sản.
Toàn văn bức thư như sau:
“Đồng chí thân mến,
Tôi gửi cho đồng chí một bản sao bức thư gửi cho Ban Phương Đông để đồng chí được biết. Đồng thời tôi rất cám ơn về việc đồng chí quan tâm đến vấn đề của tôi và nhanh chóng trả lời tôi. Đồng chí có thể hình dung nổi tôi đang sống trong một tình trạng tinh thần và vật chất như thế nào không: biết là có nhiều công việc nhưng không thể làm gì được, ăn không ngồi rồi, không có tiền, sống ngày nào hay ngày ấy mà không được phép hoạt động, v.v..
Ngay cả khi những sự vận động của đồng chí không có kết quả, đồng chí cũng viết cho tôi một chữ Uỷ ban Trung ương KPD) để tôi liệu quyết định. Hôm nay là ngày 12-4, tôi hy vọng nhận được tin tức của đồng chí vào ngày 24 tới. Tôi tin cậy ở đồng chí và gửi đến đồng chí lời chào cộng sản anh em.
Nguyễn Ái Quốc”.
Tháng 4, ngày 14: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Wang, nhan đề Phong trào công nhân ở Ấn Độ, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp số 37 và bản tiếng Đức số 35.
Về tình hình phát triển của giai cấp công nhân Ấn Độ, bài báo cho biết: Đầu những năm 20, tuy có sự gia tăng về số lượng, song phần lớn giai cấp công nhân Ấn Độ chưa được tổ chức và số đông nghiệp đoàn chịu ảnh hưởng cải lương của Đảng Lao động Anh. Từ nửa sau những năm 20, dấu hiệu chứng tỏ bước phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân Ấn Độ rất rõ nét, đình công liên tiếp nổ ra không riêng ở một ngành mà ở nhiều ngành, yêu sách kinh tế đã kết hợp chặt chẽ với yêu cầu chính trị… Nguyên nhân của sự chuyển biến đó, như bài báo đã chỉ rõ: “Mặc dù có tình trạng vô tổ chức của thợ thuyền và thái độ hèn nhát của những người theo chủ nghĩa cải lương, sự nghèo khổ làm cho vô sản Ấn Độ cấp tiến hơn”.
Tháng 4, ngày 18: Bài viết của Nguyễn Ái Quốc, ký bút danh Wang, nhan đề Nông dân Ấn Độ, đăng trên Tập san Inprekorr, bản tiếng Pháp số 38, bản tiếng Anh số 23, bản tiếng Đức số 42.
Tác giả viết về tình cảnh khốn cùng của nông dân Ấn Độ dưới ách áp bức bóc lột của bọn địa chủ Anh, địa chủ bản xứ, bọn cho vay nặng lãi, bọn bao thầu thuế… là những đồng minh trung thành và chỗ dựa vững chắc cho chủ nghĩa đế quốc Anh.
Hàng triệu nông dân Ấn Độ đã bị chết đói, làng xóm xác xơ. Từng đoàn người kéo nhau đi lang thang, hoặc lũ lượt dồn về các thành phố, hình thành lớp “vô sản áo rách”, sống vất vưởng bằng nghề hành khất. Mặc dù vậy, tác giả vẫn tin tưởng:
"Tuy không có tổ chức hoặc tổ chức còn lỏng lẻo - người nông dân nghèo khổ thúc bách - thường nổi dậy chống kẻ bóc lột".
Tháng 4, ngày 25: Nguyễn Ái Quốc được Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra quyết định đồng ý để Người trở về Đông Dương theo nguyện vọng.
Bản quyết định ghi: “Theo nguyện vọng của đồng chí (Nguyễn Ái Quốc – B.T), đồng chí có thể trở về Đông Dương; chi phí chuyến đi cũng như thời gian ba tháng lưu lại do Đảng Cộng sản Pháp chịu”.
Tháng 4, ngày 28: Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Badin (Basil) báo tin đã nhận được thư viết ngày 17-4-1928 của Nguyễn Ái Quốc và thông báo rằng Ban Phương Đông đã quyết định gửi cho Nguyễn Ái Quốc tiền đi đường và một phần trợ cấp cho ba tháng đầu.
Năm 1929
Khoảng đầu năm
Từ Uđon, Nguyễn Ái Quốc đến Sacôn, nơi có đông Việt kiều hơn ở Uđon và các tổ chức cách mạng cũng ra đời từ lâu.
Ở Sacôn, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục củng cố và xây dựng cơ sở cách mạng để mở rộng phong trào. Ngoài việc dịch sách và huấn luyện thanh niên, hằng ngày Người tổ chức cho cán bộ học tập và nghiên cứu về tình hình thế giới, tình hình trong nước, về chủ nghĩa Mác - Lênin, chú ý nhiều hơn việc giáo dục cán bộ về công tác quần chúng và công tác bí mật.
Kiều bào ở đây, một số theo đạo Thiên Chúa, một số theo đạo Phật, một số thờ Đức thánh Trần, nói chung còn chậm tiến và mê tín. Thấy bà con đau ốm lại chữa bệnh bằng cúng bái, Nguyễn Ái Quốc vận động lập tủ thuốc chung và mời thầy thuốc đến khám bệnh. Người viết bài ca Trần Hưng Đạo theo thể song thất lục bát, kể rõ sự tích đánh giặc cứu nước của vị anh hùng dân tộc để giáo dục lòng yêu nước cho kiều bào. Bài ca có đoạn:
Diên Hồng thề trước thánh minh
Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành
Nếu ai muốn đến giành đất Việt,
Đưa dân ta ra giết sạch trơn,
Một người dân Việt hãy đương còn,
Thì non sông Việt vẫn non sông nhà.
Người còn viết nhiều vở kịch thường lấy đề tài lịch sử, bày cho bà con cách diễn kịch và đôi khi cũng tham gia diễn.
Một thời gian dài Nguyễn Ái Quốc ở ngay tại hiệu thuốc của Đặng Văn Cáp và đã tranh thủ học nghề thuốc, nắm được những hiểu biết cơ bản về thuốc và chữa bệnh. Có lần đã bốc thuốc cho một cán bộ bị ốm và người này đã khỏi bệnh. Người còn tìm ra cây hy thiêm mọc trong vùng, chữa được chứng bệnh phong thấp.
Thỉnh thoảng, Người cùng với một số cán bộ, cũng khăn gói tay đẫy đi buôn để gây quỹ cho tổ chức.
Huyền Trang (Tổng hợp)
Còn nữa