Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

Năm 1955

- Ngày 4/4/1955: Hồ Chủ tịch viết bài Vệ Lập Hoàng, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 398. Trong bài, Người viết về chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Chính sách đại đoàn kết chống Mỹ, chống Tưởng của Đảng Cộng sản đã lôi kéo được đông đảo nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh do Đảng lãnh đạo, đã cảm hoá được cả các tướng lĩnh đã từng phục vụ trong quân đội Tưởng Giới Thạch như Vệ Lập Hoàng, trở về với nhân dân Trung Quốc. Người kết luận: Đó là một kinh nghiệm rất quý báu cho chúng ta.

- Ngày 54/1955: Bài viết Hội nghị tay ba để làm gì?, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 399. Trong bài, Người tố cáo các nước Anh, Pháp, Mỹ âm mưu họp hội nghị riêng rẽ để bàn về việc Pháp rút quân khỏi Hải Phòng và việc tổng tuyển cử ở Việt Nam. Người vạch rõ: Đây là sự vi phạm thô bạo Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương.

- Ngày 8/4/1955: Bài viết 9 triệu người điên, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 402. người viết: Do phải sống trong tình trạng căng thẳng của xã hội Hoa Kỳ, nên số người Mỹ bị bệnh thần kinh lên tới 9 triệu, trong số đó 90 vạn người phải điều trị tại các bệnh viện tâm thần.

- Ngày 11/4/1955: Bài viết Tình hình rối loạn ở miền Nam, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 405. Người cho biết: Do chính sách độc tài của chế độ Mỹ - Diệm, tình hình xã hội miền Nam ngày càng rối loạn, các phe phái thanh toán lẫn nhau, trật tự trị an ngày càng xuống cấp, đời sống nhân dân ngày một khó khăn.

- Ngày 13/4/1955: Bài viết Tổ đổi công kiểu mẫu, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 407. Trong bài, Người biểu dương một số tổ đổi công ở Yên Bái, Sơn Tây, Thái Nguyên do biết cách tổ chức nên đạt kết quả tốt. Người chỉ rõ phương hướng và nguyên tắc tổ chức tổ đổi công: "Muốn tổ đổi công có kết quả thật tốt, thì phải khéo tổ chức, theo nguyên tắc tự giác tự nguyện. Phải khéo lãnh đạo, làm cho các tổ viên ai cũng hăng hái làm việc, ai cũng được hưởng lợi công bằng".

- Ngày 14/4/1955: Bài Nam nữ bình quyền, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 408. Trong bài, Người đề cao những đóng góp quan trọng của phụ nữ Liên Xô trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ hoà bình ở tất cả các lĩnh vực: Quản lý đất nước, hoạt động xã hội, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế... Người kêu gọi phụ nữ Việt Nam tích cực hoạt động để tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Ngày 17/4/1955: Bài viết Đặc vụ của bọn đế quốc, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 411. Trong bài, Người nêu lên những thủ đoạn hoạt động gián điệp của các nước đế quốc chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân; những kinh nghiệm chống bọn đặc vụ ở Cộng hoà dân chủ Đức. Người kết luận: Trước tinh thần cảnh giác của nhân viên, cán bộ, quân đội và nhân dân, bọn đặc vụ dù có thủ đoạn tinh vi mấy cũng thất bại.

- Ngày 18/4/1955: Nhân dịp khai mạc Hội nghị 29 nước Châu Á và Phi tại Băngđung (Inđônêxia), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Chúc mừng Hội nghị Á - Phi, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 412 ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân Á - Phi vì độc lập, tự do, hoà bình, dân chủ. Người nêu lên những ý nghĩa to lớn của Hội nghị Á - Phi và bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Châu Á và Châu Phi.

Cùng ngày, bài Chủ nghĩa Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức, đăng báo Pravđa (Liên Xô). Trong bài, Người khẳng định: "Đấu tranh một cách không điều hoà chống bọn cải lương và bọn xuyên tạc chủ nghĩa Mác đủ các loại, Lênin đã nâng chủ nghĩa xã hội khoa học lên một giai đoạn mới. Người đã làm phong phú chủ nghĩa Mác - vũ khí tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản...

Người nêu ra những luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Lênin, sự quan tâm sâu sắc của Lênin đối với phong trào giải phóng dân tộc. Người viết: "Nếu như các dân tộc bị nô dịch ở Châu Á dưới sự lãnh đạo của các đảng mácxít - lêninít đã thu được những thắng lợi nhất định, thì chính là nhờ họ đã làm theo những lời di huấn vĩ đại của Vlađimia Ilítsơ". Người giới thiệu với bạn đọc Xôviết về những thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, những nhiệm vụ trước mắt mà nhân dân Việt Nam phải tiếp tục thực hiện. Người kết luận: Từ trong học thuyết dạt dào sức sống của chủ nghĩa Lênin, chúng tôi khơi nguồn sức mạnh để giành thắng lợi cho sự nghiệp thiêng liêng là hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, để giành thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội.

- Ngày 19/4/1955: Bài viết Việt Nam anh dũng, đăng báo Nhân Dân, ngày 19-4-1955. Sau khi chỉ rõ vị trí địa lý của Khu 5 (gồm 12 tỉnh: 7 tỉnh vùng đồng bằng, 5 tỉnh miền núi Tây Nguyên), Người nêu những thành tích trên các mặt: Về quân sự (xây dựng lực lượng vũ trang, tác chiến), về kinh tế - tài chính, về tự túc lương thực, tự túc vải, giấy và các thứ nhu cầu khác.

- Ngày 21/4/1955: Người viết bài thơ Nữ anh hùng Nguyễn Thị Bươi, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 415. Đây là bài thơ lục bát ca ngợi gương chiến đấu, hy sinh quên mình vì nước, vì dân của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Bươi ở Quảng Yên (nay thuộc Quảng Ninh).

- Ngày 22/4/1955: Bài viết Chuyện ngược đời, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 416. Người lên án những hành động thất nhân tâm tại các nước tư bản. Trong lúc đời sống của quần chúng lao động còn gặp nhiều khó khăn thì chủ nghĩa tư bản lại dùng thóc đốt thay than đá, hoặc đổ xuống biển hàng chục tấn càphê và rượu nho để giữ giá hàng hoá trong những kỳ khủng hoảng thừa. Bài báo kết luận:

"Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời tư bản và địa chủ lại thương người nghèo".

- Ngày 23/4/1955: Bài viết Lynch, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 147. Trong bài viết, Người lên án chế độ phân biệt chủng tộc ở Mỹ và Nam Phi. Đề nghị Hội nghị Á - Phi cần động viên dư luận thế giới đòi đế quốc Mỹ xoá bỏ kiểu hành hình Linsơ của người Mỹ da trắng đối với người Mỹ da đen.

- Ngày 26/4/1955: Bài viết Chữ F, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 420. Trong bài, Người ca ngợi lòng tự trọng dân tộc của trẻ em Marốc, một đất nước đang đấu tranh chống lại ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.

- Ngày 27/4/1955: Bài viết Thanh niên gương mẫu, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 421. Trong bài, Người biểu dương tấm gương lao động quên mình của chiến sĩ thi đua Liên khu 4 Lương Thị Ngọc Thái, hộ sinh tại Ty Y tế Quảng Bình. Chị hết lòng yêu thương sản phụ và luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình cả những khi cơ quan bị máy bay địch bắn phá.

- Ngày 28/4/1955: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) nhân dịp vùng Quảng Yên, Hồng Gai mới được giải phóng, đăng báo Nhân Dânsố 422. Người biểu dương những thành tích to lớn mà quân dân Hồng Quảng đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ, anh em công nhân và các giới đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống và góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Cùng ngày, bài viết Mặt trận thống nhất Á- Phi, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 422. Trong bài, Người nêu lên những thắng lợi của phong trào đoàn kết chống đế quốc của nhân dân các nước Á - Phi tại Hội nghị Băngđung. Người khẳng định: "Hội nghị á- Phi là một vố nặng đánh vào đầu Hội nghị Mani tháng 9 năm ngoái và Hội nghị Băng Cốc tháng 2 năm nay (hai cái hội nghị do Mỹ cầm đầu để bàn bạc chiến tranh xâm lược)".

- Ngày 30/4/1955: Bài viết Đê điều, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 424. Người nhắc nhở các cấp, các ngành và đồng bào vùng có đê cần đẩy mạnh công tác chăm lo, tu bổ đê điều trong mùa mưa bão.

* Một số việc khác trong tháng 4/1955

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào theo đạo Thiên chúa đã di cư vào Nam. Người bày tỏ sự thông cảm sâu sắc đối với đồng bào bị mua chuộc, cưỡng ép di cư vào Nam đang phải sống tại các khu vực tạm trú trong những điều kiện rất khó khăn. Chỉ rõ Chính phủ và bà con miền Bắc luôn luôn sẵn lòng đón nhận đồng bào trở về quê hương.

+ Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ quyền Giám mục Lê Khanh về việc sửa chữa nhà Chung.Trong thư Người viết: "Vì cụ tuổi già sức yếu, nếu làm phiền cụ phải đi xa mệt nhọc, tôi không yên lòng.Vậy tôi đề nghị: Về việc sửa chữa nhà Chung xin cụ bàn với Ban Hành chính huyện địa phương. Nếu có vấn đề gì mà cụ với Ban Hành chính khó giải quyết, thì xin cụ viết thư rồi cho người thân tín của cụ đưa đến cho tôi. Tôi sẽ sẵn sàng nghiên cứu và trả lời cụ".

Năm 1956

- Ngày 1/4/ 1956: Bài viết Nhân dân Việt Nam kỷ niệm một người Mỹ, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 759. Người cho biết: Ngày 26-3-1956, Uỷ ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Trường đại học Nhân dân Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam đã long trọng kỷ niệm ngày sinh cụ Phơrăngcơlanh - một nhà khoa học Mỹ nổi tiếng thế giới[1]. Đối với những người Mỹ tốt như cụ, thì không những Việt Nam mà cả thế giới đều kính trọng.

- Ngày 3/4/1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô sang thăm nước ta tổ chức tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đọc diễn văn tại cuộc mít tinh, Người khẳng định: "Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, mở đường giải phóng cho nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có nước Việt Nam ta". Người ca ngợi những thắng lợi to lớn mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã giành được trong gần 40 năm qua; bày tỏ lòng biết ơn về sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân ta trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhắc lại những nhiệm vụ trước mắt của cách mạng nước ta, Người nói: "Củng cố miền Bắc là để có cơ sở vững mạnh đấu tranh thống nhất nước nhà. Một ngày nước ta chưa thống nhất thì toàn thể đồng bào ta phải kiên quyết đấu tranh để thực hiện Nam Bắc một nhà, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".

Cùng ngày, bài viết: Nông nghiệp nước Mỹ và nông nghiệp Liên Xô, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 761. Người so sánh tình hình nông nghiệp ở Mỹ với Liên Xô và đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Liên Xô trên lĩnh vực nông nghiệp.

- Ngày 10/4/1956: Người thăm Hội nghị cán bộ cải cách miền biển. Nói chuyện tại hội nghị, Người nhấn mạnh cải cách ở miền biển cũng cần thiết như cải cách ở đồng bằng, vì dân lao động ở miền biển cũng khổ như dân lao động ở đồng bằng. Người chỉ rõ: "Muốn cải cách tốt thì cán bộ phải làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, trước hết là phải đoàn kết nhân dân lao động, thứ hai là liên hiệp với chủ thuyền". Người yêu cầu phải phân biệt từng hạng chủ thuyền để có chủ trương và biện pháp xử lý thích hợp và căn dặn cán bộ phải biết dựa vào quần chúng; chú trọng việc cải thiện đời sống cho nhân dân lao động; công việc phải thiết thực; chống máy móc. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ miền biển, Người phân tích: "Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy, ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên".

- Ngày 13/4/1956: Bài viết Lòng phấn khởi của nông dân, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 771. Trong bài, Người nêu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ là giảm nhẹ dần sự đóng góp của nhân dân; đẩy mạnh thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, trước hết là tăng gia sản xuất lương thực nhằm dần dần nâng cao đời sống của nhân dân. Để khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất, Chính phủ đã định ra biểu thuế mới có lợi cho nông dân, đơn giản hơn, nhẹ hơn... Nhờ vậy mà nông dân càng hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

- Ngày 16/4/1956: Bài viết Tư bản phương Tây lúng túng, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 774. Người cho rằng: Mỹ và các nước phương Tây thực hiện chính sách "cấm vận" đối với Liên Xô nhằm làm cho Liên Xô lúng túng, nhưng thực ra chúng lại bị lúng túng bởi chính sách "cấm vận" đó.

- Ngày 18/4/1956: Bài viết Lời lẽ ngay thẳng, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 776. Người viết về nước Cao Miên đối với chính sách của giới cầm quyền ở Mỹ. Cao Miên là một nước trung lập, không tham gia Khối quân sự Đông Nam á. Vì vậy mà Mỹ một mặt đe dọa cắt "viện trợ" cho Cao Miên, mặt khác thúc ép một số nước và chính quyền tay sai "tẩy chay" không buôn bán với Cao Miên. Mục đích của Mỹ là ép những nước nhận "viện trợ" tham gia chống cộng. Song, sự đe dọa ấy không làm nao núng ý chí của nhân dân Cao Miên. Nhân dân sẵn sàng đóng thêm thuế, bù đắp cho những hao hụt của đất nước. Phong trào chống Mỹ vẫn lan rộng. Người cho rằng: Lời tuyên bố "Cao Miên sẽ đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô, sẽ ủng hộ việc Trung Hoa vào Liên hợp quốc" của ông Xihanúc "là lời ngay thẳng",được nhân dân Cao Miên, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ.

- Ngày 21/4/1956: Bài viết Mỹ đi xuống dốc, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 779. Bài báo giới thiệu dư luận các nước phản đối chính sách của Mỹ "một tay cầm bom nguyên tử để đe dọa, một tay cầm đồng đôla để mua chuộc".Sự thừa nhận của Hãng tin Mỹ U.P., ngày 30-3-1956: "So với 10 năm trước... thì ngày nay địa vị của Mỹ... đang đi xuống dốc".

- Khoảng giữa tháng 4/1956: Người gửi thư khen cụ Nguyễn Thị Xuyến, xã Nghi Tân (Nghi Lộc, Nghệ An), 100 tuổi mà vẫn hăng hái học bình dân học vụ. Người viết: "Tôi rất vui mừng được tin rằng, cụ năm nay thọ 100 tuổi. Tôi rất cảm động biết rằng, dù tuổi cao, sức yếu, cụ vẫn hăng hái xung phong đi học để làm gương cho con cháu noi theo. Tôi mong rằng đồng bào tỉnh ta đều noi gương ham học của bà cụ, đều hăng hái tham gia bình dân học vụ để sớm thanh toán nạn mù chữ trong cả tỉnh". Người tặng cụ một chiếc áo và huy hiệu để làm kỷ niệm.

- Từ ngày 19 đến ngày 24/4/1956: Người tham dự Hội nghị lần thứ chín (mở rộng) BCHTW Đảng Lao động Việt Nam và phát biểu bế mạc hội nghị ngày 24-4-1956. Người chỉ ra những thiếu sót của Đảng như: Trình độ lý luận còn kém; nắm tình hình thực tế chưa tốt; dân chủ nội bộ còn chưa thật mở rộng; phê bình và tự phê bình chưa được phát huy, nhất là phê bình từ dưới lên. Người nêu ra biện pháp sửa chữa là: Tập thể lãnh đạo phải đi đôi với cá nhân phụ trách, phải định rõ chế độ làm việc; phải mở rộng dân chủ, mở rộng tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên; phải nâng cao trình độ lý luận, gắn công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; liên hệ mật thiết với quần chúng; phải đề phòng bệnh sùng bái cá nhân, phương pháp chủ yếu là giáo dục...

Về vấn đề chống sùng bái cá nhân, Người nói: "Chúng ta cần có sự nhận định toàn diện đối với đồng chí Xtalin. Đồng chí Xtalin có công lao to lớn với cách mạng, nhưng cũng có sai lầm nghiêm trọng". Người kết luận: "Thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm... phải hoan nghênh những lời phê bình thành thật của nhân dân".

Người còn nói về ý nghĩa của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô.

- Ngày 25/4/1956: Bài viết Tin tức nước Pháp, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dânsố 783. Bài báo trả lời bạn đọc về tình hình xã hội, văn hoá nước Pháp và cho biết, ngày 5-4-1956, Pháp tiếp tục đưa vũ khí vào Angiêri. Trong cuộc chiến tranh ở Angiêri, Pháp tốn 250 nghìn triệu phrăng, gần bằng 1/4 tổng ngân sách quốc phòng của Pháp, dùng nửa triệu binh sĩ để chống lại 15.000 du kích Angiêri. Tác giả dẫn lời báo Pháp Le Monde ngày 5-4-1956: "Đối với cuộc chiến tranh ở Angiêri, ai muốn viện lý do gì để ca tụng cũng được. Nhưng chỉ có ba chữ sau đây đủ làm cho những người Pháp chân chính cảm thấy đau đớn và nhục nhã. Đó là:

Trại tập trung ghê tởm

Nhục hình dã man

Khủng bố cả loạt".

- Cuối tháng 4/1956: Người trả lời phỏng vấn của Rốt Xenxpô, phóng viên báo Anh Daily Telepress (Tin nhanh hằng ngày) về một số vấn đề quốc tế và trong nước. Trả lời các câu hỏi về tình hình Việt Nam và việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, Người nêu rõ: Hòa bình ở Việt Nam đang bị đe dọa vì Hiệp định Giơnevơ bị chính quyền miền Nam vi phạm nghiệm trọng... Nhân dân Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp đấu tranh bằng đường lối hòa bình để Hiệp định Giơnevơ được thực hiện triệt để.

- Ngày 29/4/1956: Bài viết Nước Mỹ lo sợ, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 787. Người cho biết Mỹ rất lo sợ khi thấy sự phát triển mạnh mẽ của Liên Xô trên tất cả các mặt: Quân sự, kinh tế, văn hoá... Liên Xô lại là nước đông dân hơn, giàu kinh nghiệm hơn, có chính sách ngoại giao chung sống hòa bình nên được nhiều người ủng hộ hơn... Ngoại trưởng Mỹ Đalét phải thú nhận: "Mỹ đang tìm cách để đưa gần đến ngày mà tình hữu nghị giữa Liên Xô và Mỹ sẽ trở lại đầy đủ hơn".

- Trong tháng 4/1956

+ Người thăm Hội nghị tổng kết công tác nông, lâm, ngư nghiệp năm 1956. Nói chuyện tại hội nghị, Người chỉ rõ sản xuất và cung cấp lương thực cho các nhu cầu của đất nước là nhiệm vụ quan trọng của nông dân và cán bộ nông lâm. Muốn thực hiện được nhiệm vụ đó, cán bộ phải tuyên truyền giải thích cho nông dân hiểu và làm chứ không thể gò ép mệnh lệnh. Sau khi chỉ ra một số sai lầm, khuyết điểm của cán bộ nông, lâm, Người nhắc nhở: Nông dân phải chú trọng cả việc trồng cây công nghiệp, nuôi cá, trồng rừng. Cán bộ phải hiểu: "Làm cán bộ không phải là để thăng quan, phát tài. Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Cán bộ làm công tác gì cũng vì dân vì nước. Nếu làm tròn nhiệm vụ là vẻ vang, là anh hùng".

+ Tại một cuộc họp Bộ Chính trị, như thường lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói mọi người hãy làm một "tour d'horizon"(nhìn quanh chân trời), xem tình hình thế giới, trong nước ra sao, ai biết gì cứ nói. Đây là một cách lắng nghe ý kiến hết sức dân chủ mà Người thường làm. Một đồng chí đứng lên nói:

- Cải cách ruộng đất là cần, nhưng sao lại bắn giết nhiều người thế? Đến như anh Hoàng Văn Thái cũng bị gọi về kiểm điểm, vậy có nên xem lại không?

Nghe vậy, Người đã chỉ thị phải kiểm tra kỹ việc chấp hành chính sách cải cách ruộng đất. Chỉ mấy ngày sau, đã có các báo cáo gửi về phản ánh nhiều sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra.

Năm 1957

- Ngày 3 đến 6/4/1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, bàn về vấn đề đền bù tài sản trong sửa sai, bổ sung cán bộ cho cải cách ruộng đất để chuẩn bị tổng kết. Phát biểu trong cuộc họp, Người nói: “Chính phủ có xuất một phần để đền bù sau khi tận khả năng, nhưng phải điều tra kỹ. Cách trả thế nào phải nghiên cứu kỹ. Đền bù phải có trọng điểm chiếu cố ai trước (gia đình liệt sĩ, trung nông...). Nhưng trung nông đều là thiếu, có nên nghiên cứu hạ thành phần cho họ xuống bần nông? . Việc hoãn sửa sai để thu thuế là do Bộ Chính trị định, nhưng vì dưới giải thích không đầy đủ, nay ta có nên có bài báo giải thích không? (báo hoàn thành tốt cải cách ruộng đất)”. Nên nghiên cứu, tổ chức ra tổ đổi công để giúp sản xuất và giáo dục tinh thần đoàn kết.

- Ngày 10/4/1957: Dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về sửa sai cải cách ruộng đất ở ngoại thành Hà Nội, Người nêu ý kiến:"Bất kỳ người có ruộng đất phát canh nhiều hay ít ta cũng đều trưng mua. Về chính sách ta rộng rãi chừng nào hay chừng ấy. Ruộng đất ngoại thành nên để sử dụng, không nên để sở hữu. Người nào trong cải cách ruộng đất đã quy công thương lên địa chủ nay có thể cho đổi thành phần".

- Ngày 16/4/1957: Bài viết Lao động là vẻ vang, bút danh C.B., đăng báo Nhân Dân, số 1135. Người khẳng định: "Lao động chân tay, lao động trí óc, bất kỳ làm việc gì hễ có ích cho xã hội đều là vẻ vang, đều được nhân dân quý trọng”.Người nêu ra hai ví dụ về hai người phụ nữ lao động giỏi được Nhà nước khen thưởng, một người là trí thức, một người là công nhân vệ sinh để minh họa ý kiến trên.

- Từ ngày 16 đến ngày 19/4/1957: Chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ để thông qua kế hoạch nhà nước năm 1957; thảo luận về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng; khen thưởng những cá nhân, tập thể và các địa phương đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bàn một số vấn đề khác. Cuối phiên họp, Người kết luận:

1. Các Bộ Văn hóa, Giáo dục phải có kế hoạch tuyên truyền cho các công tác trên đây, chủ yếu là về giáo dục tư tưởng lao động, kỷ luật lao động, tăng gia sản xuất, tiết kiệm.

2. Việc trao trả Phú Bình, Phổ Yên về Khu tự trị Việt Bắc, Bộ Nội vụ sẽ trình Hội đồng Chính phủ kỳ họp sau.

3. Việc chống lãng phí giao Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ cùng làm với các Bộ Tài chính, Bộ Thương nghiệp. Các bộ, sở hữu quan sẽ phải có báo cáo trong kỳ họp tới.

Các bộ cần phải có cơ quan kiểm tra để kiểm soát việc thi hành các chỉ thị của bộ đưa xuống dưới, bộ nào chưa có thì nên tổ chức gấp.

- Ngày 19/4/1957: đến thăm hội nghị cán bộ thanh tra miền Bắc, Người chỉ rõ: công tác thanh tra là một công tác rất quan trọng, nó giúp cấp trên hiểu cấp dưới; giúp cấp dưới kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Vì vậy, thái độ làm việc của cán bộ thanh tra cần hết sức thận trọng; phải khách quan và phải chống tệ quan liêu. Cán bộ thanh tra phải như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì soi không được.

- Ngày 23/4/1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề đền bù tài sản. Sau khi nghe thảo luận, trong đó có vấn đề đền bù tài sản cho những người bị quy sai thành phần. Người phát biểu: “Phải có kế hoạch động viên chính trị chu đáo, tránh tư tưởng ỷ lại. Trung nông tuy ít về số lượng nhưng đóng vai trò quan trọng”. Người đề nghị hội nghị nghiên cứu kỹ cách trả lại tài sản và đền bù cho nhân dân một cách hợp lý.

- Ngày 24/4/1957: Thăm Nhà máy dệt Nam Định, sau khi biểu dương thành tích, nhắc nhở một số khuyết điểm, Người nói: "Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy''. Về chế độ quản lý và điều hành sản xuất của nhà máy, Người khẳng định: “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng”. Người căn dặn cán bộ công nhân viên nhà máy phải đoàn kết, cố gắng học tập chính trị, kỹ thuật để đạt nhiều thành tích hơn nữa.

Nói chuyện với Hội nghị cán bộ sửa sai tỉnh Nam Định, Sau khi khẳng định ý nghĩa thắng lợi của cải cách ruộng đất, Người chỉ rõ những sai lầm đã phạm phải trong cải cách ruộng đất tạm thời, Đảng và Chính phủ đang quyết tâm sửa chữaMuốn giành thắng lợi trong công tác sửa sai phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết trong Đảng, trong mọi tầng lớp nhân dân... Giữ vững ý chí chiến đấu, ý thức kỷ luật và tinh thần khắc phục khó khăn.

- Ngày 25/4/1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư bàn về công tác vận động phụ nữ. Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Thị Thập, Người nêu lên một số ý kiến về ba nguyên tắc lớn trong công tác vận động phụ nữ và nhấn mạnh: Cán bộ phải tham gia lao động và sinh hoạt của quần chúng mới biết được thực tế; phải có trọng tâm trong ba công tác; kế hoạch phải nói đến cả phong trào ở thành thị; hướng vận động phải thiết thực, chống xa xỉ, đề cao lao động. Người gợi ý: Ta nên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc. Cần có chính sách bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ.

- Trong tháng 4/1957

+ Thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nói chuyện với giáo viên, học sinh nhà trường, Người chỉ rõ: Thầy dạy phải xuất phát từ tình thương yêu giai cấp, kiên nhẫn thuyết phục, không đánh mắng học sinh; học sinh khi ra trường phải về các vùng quê xa, vùng núi và vùng mới được giải phóng, vì đó là những vùng mà các em đang rất cần được dạy bảo học tập.

+ Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ đảng các tỉnh miền Bắc, bằng những thí dụ sinh động, qua cách nói dí dỏm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích các vấn đề bức thiết, rất quan trọng của đất nước, đó là: Vấn đề chiến tranh hay hoà bình; vấn đề cải cách ruộng đất; vấn đề tự do tín ngưỡng; vấn đề quốc phòng; vấn đề sản xuất; vấn đề thuế; vấn đề cứu đói; vấn đề di cư; vấn đề ngoại giao, v.v..

Năm 1958

- Ngày 2/4/ 1958: Dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo kết quả Hội nghị văn nghệ sĩ lần thứ hai, phát biểu sau khi nghe báo cáo, Người nhấn mạnh: Cần phải rút kinh nghiệm công tác giáo dục vì từ trước đến nay công tác này rất kém. Trong đấu tranh, đánh phải đúng và phải làm triệt để. Quần chúng ủng hộ ta. Phải củng cố công tác chi bộ ở cơ quan.

- Ngày 4/4/1958: Dự họp Bộ Chính trị bàn về tổ chức Chính phủ, hệ thống tổ chức các cấp chính quyền, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ và vấn đề phân cấp quản lý, Người cho rằng “Vấn đề phân cấp quản lý, từ đường lối chính sách đến những con số lớn do Hội đồng Chính phủ quy định. Các Bộ căn cứ vào quy định của Hội đồng Chính phủ mà Thông tư hoặc ra Nghị định cho các cấp thi hành... Ngoài những việc do Hội đồng Chính phủ quy định, các Bộ không được quyền ra thêm một chủ trương gì mà không được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn”.

- Ngày 5/4/1958: 7 giờ 30, dự lễ tốt nghiệp khoá 10 của Trường Sĩ quan lục quân Việt Nam, nói chuyện với cán bộ và học viên về nhiệm vụ của quân đội hiện nay, Người căn dặn các sĩ quan sắp ra trường: “cần mạnh dạn áp dụng những điều đã học được, nhưng cần phải áp dụng một cách thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của ta;... cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, thái độ khiêm tốn, là phải tăng cường đoàn kết”.

- Ngày 6/4/1958: Bài viết 2009 đồng đôla của Tổng thống Mỹ, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 1486. Dẫn lại câu chuyện "ngược đời" là Ngân hàng ruộng đất (Mỹ) đã "phụ cấp" cho Tổng thống Mỹ 2009 đôla vì ông ta "đã không cho cày cấy mấy thửa ruộng của mình", tác giả vạch rõ chủ trương của tư bản Mỹ là hạn chế sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá lương thực nhằm bảo đảm lợi nhuận tối đa của chúng. Bài báo cũng đi sâu phân tích nguồn gốc của khủng hoảng kinh tế trong chế độ tư bản và các hậu quả do căn bệnh "sốt rét định kỳ" này mang lại cho xã hội Mỹ và thế giới tư bản chủ nghĩa.

- Ngày 11/4/1958: Người trả lời phỏng vấn của tuần báo Thời mới (Liên Xô). Nói về triển vọng của cuộc đấu tranh thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, Người khẳng định nước Việt Nam sẽ thống nhất, vì “ngay trong giới tư sản miền Nam Việt Nam hiện nay nhiều người cũng nhận thấy rằng đế quốc Mỹ thống trị ở miền Nam Việt Nam đã làm thiệt hại đến quyền lợi của họ. Bởi vậy, phong trào chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang ngày càng phát triển”.

Về Kế hoạch kinh tế ba năm, Người đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp và tuyên bố: “Tất cả mọi hoạt động của chúng tôi là nhằm dẫn đến nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân, vì mục đích của chúng tôi là tiến dần lên chủ nghĩa xã hội một cách thắng lợi”.

- Ngày 16/4/1958: Tham dự kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá I, trong diễn văn khai mạc đọc trước Quốc hội, Người trình bày những chuyển biến quan trọng của tình hình thế giới và trong nước, những vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại Quốc hội. Kết thúc bài diễn văn, Người nói: "Tôi tin rằng trong khoá họp Quốc hội lần thứ tám này, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, Quốc hội sẽ tập hợp được những ý kiến dồi dào của các đại biểu, của nhân dân, sẽ quyết định một cách sáng suốt các công việc quan hệ tới quốc kế dân sinh mà Chính phủ sẽ trình để Quốc hội xem xét".

Bài viết Xem báo Sài Gòn, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân Dân, số 1496. Tác giả điểm tin các báo xuất bản ở Sài Gòn trong các ngày 7 và 8 tháng 4-1958 để độc giả thấy tình cảnh của nhân dân miền Nam: về đời sống thì chật vật điêu đứng, còn về chính trị thì bị chính quyền bưng bít, xuyên tạc.

- Ngày 18/4/1958: Chiều, thay mặt Ban Sửa đổi Hiến pháp báo cáo trước Quốc hội quá trình xây dựng bản Sơ thảo Hiến pháp sửa đổi, Người hứa trước Quốc hội “sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội đã trao cho và làm cho nước ta có một bản Hiến pháp xứng đáng với những thắng lợi và những tiến bộ vẻ vang của nhân dân ta”.

- Sau ngày 23 trước ngày 26/4/1958: dự họp Bộ Chính trị, nghe báo cáo về ảnh hưởng của công hàm của ta đối với miền Nam, phát biểu tại cuộc họp, Người lưu ý việc tiếp xúc hai miền phải tranh thủ chủ động, phải có kế hoạch tuyên truyền giáo dục cho quần chúng và phải nghiên cứu lại cho đầy đủ hơn về vấn đề này.

- Ngày 26/ 4/1958: Dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề đấu tranh với chính quyền miền Nam, Người nhấn mạnh: các kết quả thu được mới chỉ là bước đầu, cuộc đấu tranh này còn lâu dài, phức tạp, cần phải tuyên truyền trong nhân dân và tránh tư tưởng chủ quan.

- Ngày 30/4/1958: Dự họp Bộ Chính trị thảo luận đề án thống nhất thu mua thóc gạo ở Thái Bình do đồng chí Đỗ Mười trình bày, Người nhận định: Việc nghiên cứu mua thóc gạo ở Thái Bình có tác dụng tốt. Sau này nơi nào cũng nên lấy đó làm căn cứ để nghiên cứu thêm.

Năm 1959

- Ngày 3/4/1959: Chiều, Người đi thăm Triển lãm hậu cần và Triển lãm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật công binh. Tại Triển lãm hậu cần, Người nhắc Tổng cục Hậu cần phải cố gắng hoàn thành sớm việc nghiên cứu chuyển máy chạy xăng sang chạy madút, khen ngợi Cục Tài vụ “giảm được 81% giấy tờ là bớt được 81 ông quan”; căn dặn cán bộ quân y thực hiện đúng “lương y như từ mẫu”. Thăm gian trưng bày của Cục Quân nhu, Người nói: “Không được để cơm thừa, để thừa hàng xe cơm là lãng phí lớn”... Sau đó, Người ghi vào Sổ cảm tưởng: “Đó là một bước tiến đầu tiên trên con đường muôn dặm của cách mạng kỹ thuật, như một đoá hoa báo hiệu mùa Xuân. Nhưng nó đã chứng tỏ rằng trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận. Cấp lãnh đạo phải khéo khuyến khích, giúp đỡ, hướng dẫn, vun trồng thì trí tuệ và sáng kiến ấy sẽ không ngừng nở hoa, kết quả...”.

Tại Triển lãm của công binh, sau khi đi thăm các phòng trưng bày, nghe giới thiệu các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Người ghi vào Sổ lưu niệm: “Các chiến sĩ, cán bộ trong ngành công binh ta đã cố gắng khá, thi đua tìm tòi nghiên cứu, phát huy sáng kiến mới, mục đích là làm cho công việc nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Thế là trực tiếp góp phần vào công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm nền tảng vững mạnh đấu tranh thống nhất nước nhà”.

- Ngày 7/4/1959: Dự họp Bộ Chính trị bàn về dự thảo báo cáo về hợp tác hoá nông nghiệp, phát biểu tại hội nghị, Người lưu ý việc phát triển hợp tác xã nhưng phải nhấn mạnh củng cố; về đánh giá nông dân, cần nêu bật bản chất giai cấp tích cực cách mạng của nông dân và các thành phần khác. Về vấn đề tổ chức, Người nhắc nhở trong nông thôn cần củng cố chi bộ, phát triển hợp tác phải đi bước nào chắc bước đó, tránh ồ ạt. Các vấn đề công nghiệp, thương nghiệp, hợp tác hoá...cần đẩy mạnh nhưng phải có kế hoạch ăn khớp với nhau...

- Đầu tháng 4/1959: Đến thăm và nói chuyện với Hội nghị sơ kết quý I ngành xây dựng cơ bản tổ chức tại Việt Trì, Người nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng cơ bản trong công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, phê phán những hiện tượng như chất lượng công trình chưa tốt, không hoàn thành kế hoạch, lãng phí sức người, sức của, tổ chức quản lý kém... và chỉ rõ: “Cán bộ xây dựng từ trên xuống dưới phải chịu trách nhiệm chính”. Người yêu cầu các cán bộ “phải kịp thời thay đổi tác phong và cách lãnh đạo” để bảo đảm hoàn thành kế hoạch quý II.

- Ngày 11/4/1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương Campuchia nhân dịp Tết Chol Chnam Kor Eksad của nhân dân Campuchia.

Cùng ngày, thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết sản xuất công nghiệp, sau khi khen ngợi những cố gắng của ngành, Người chỉ ra những khuyết điểm mà nguyên nhân chủ yếu như công tác lãnh đạo tư tưởng, quản lý, kỹ thuật còn kém. Người căn dặn phải làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, nêu cao tự lực cánh sinh nhưng phải học tập các chuyên gia nước bạn...

- Ngày 13/4/1959: Dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, Người nhắc phải lưu ý việc giáo dục, đả thông tư tưởng đối với các nhà tư sản cho kỹ, việc cải tạo phải vì tương lai của các nhà công thương, không gạt họ ra ngoài nhân dân và khi định thành phần phải tránh căng thẳng.

- Ngày 14/4/1959: Dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo về tình hình dân tộc thiểu số và việc cải cách dân chủ kết hợp với củng cố, phát triển tổ đổi công và hợp tác xã miền núi, phát biểu ý kiến, Người cho rằng đây là vấn đề cấp bách vì liên quan đến đời sống của đồng bào, nhưng phải được chuẩn bị cho kỹ lưỡng.

- Ngày 16/4/1959: 7 giờ 30, dự và khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 16 (khoá II) mở rộng bàn về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo chủ nghĩa xã hội. Trong lời khai mạc Hội nghị, Người đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của việc hợp tác nông nghiệp trong công cuộc phát triển nông nghiệp, công nghiệp ở nước ta và yêu cầu: “Hội nghị Trung ương cần phải bàn bạc cho kỹ, cho sâu và cho tốt để định ra đường lối, phương châm và chính sách của công việc hợp tác hoá nông nghiệp. Các đồng chí phụ trách trung ương, các đồng chí địa phương, các đồng chí phụ trách các ngành phải chuẩn bị phát biểu ý kiến cho đầy đủ để thống nhất ý kiến, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động”.

Cùng ngày, Người đến thăm Đại hội lần thứ 2 Hội nhà báo Việt Nam tổ chức tại Câu lạc bộ Đoàn kết (Hà Nội).  Lấy tư cách “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”, Người nhận xét về những ưu điểm và khuyết điểm của “những người làm báo chí” Việt Nam, góp ý kiến về mục đích, trách nghiệm của báo chí và kể lại những kinh nghiệm trong cuộc đời làm báo của mình.

- Ngày 17/4/1959: Tối, tiếp tục dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16, sau khi nghe các địa phương báo cáo về phong trào hợp tác hoá, Người căn dặn lãnh đạo các địa phương phải chú ý đến công tác đê điều thủy lợi, quan tâm đến xây dựng trường học, tạo điều kiện cho các cháu học tập. Người đặc biệt nhấn mạnh tới việc trồng cây gây rừng: “Nếu mỗi nhân khẩu trồng 5 cây, có làm được không?, bộ đội ở Hòn Gai mỗi người trồng 10 cây thông, phải trồng xoan... để trong 5 năm nữa có thể thay đổi nhà cho nhân dân. Các địa phương nên chú ý làm việc đó”.

- Ngày 19/4/1959: Tiếp tục dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16 nghe các địa phương báo cáo. Kết thúc ngày họp, Người căn dặn vấn đề hợp tác hoá phải chú trọng chất lượng để sau này phát triển dễ hơn, phải chú ý đến vai trò của thanh niên lao động trong công tác này và các địa phương nên chú ý chăn nuôi, phòng bệnh cho gia súc, cây trồng; ở những công trình thủy nông nên trồng cây, nuôi cá... các xã phải có nghĩa trang liệt sĩ... Người còn phê bình một địa phương còn lẫn lộn giữa công tác của tỉnh ủy và chính quyền nên phải nghiên cứu lại hoạt động của mình.

- Ngày 20/4/1959: Chiều, tiếp tục dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16. Sau khi nghe đại diện ngân hàng báo cáo về việc cho nông dân vay vốn, Người lưu ý phải xem lại thời gian cho nông dân vay, nếu thời hạn cho vay quá ngắn nông dân sẽ không dám vay.

- Trước ngày 22/4/1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Quốc vương và nhân dân Lào nhân dịp Tết cổ truyền của nhân dân Lào.

- Ngày 25/4/1959: Người dự Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về vấn đề hợp tác hoá ở miền núi. Cùng ngày, Người tới thăm Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội, thay mặt Trung ương Đảng và nhân danh một đảng viên Hà Nội, Người phát biểu ý kiến với Hội nghị, nêu rõ: Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa, muốn vậy thì “mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”. “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.

- Ngày 28/4/1959: Tại Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về vấn đề hợp tác hóa ở miền núi, Người phát biểu nhấn mạnh phải chú trọng vấn đề dân chủ, trình độ văn hoá ở các nơi để làm cho hợp lý và vấn đề chính là phải củng cố chính quyền và tổ chức đảng ở cơ sở cho mạnh. Người khen ngợi các cán bộ đang công tác ở miền núi và đề nghị Trung ương phải có chính sách ưu tiên đối với cán bộ Đảng, Đoàn, quân sự và các ngành đang công tác ở miền núi.

- Ngày 30/4/1959: Người dự Hội nghị lần thứ 16 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khoá II) về cải cách dân chủ ở miền núi và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh.

- Trong tháng 4 /4/1959: Dự Hội nghị lần thứ 16 của BCHTW Đảng Lao động Việt Nam (khoá II) về cải cách dân chủ ở miền núi, phát biểu kết thúc cuộc thảo luận, Người chỉ rõ: “Nói tiến lên xã hội chủ nghĩa là phải tiến cả, mọi vùng đều tiến, tuy mức độ, tốc độ có khác nhau; hình thức, chúng nào khác nhau. Vấn đề chính ở miền núi cũng là tiến lên đổi công hợp tác. Chỗ nào còn vấn đề cải cách dân chủ thì tuỳ từng nơi, từng chỗ, tuỳ còn nhiều hay ít mà làm..., cả miền xuôi và miền ngược, đổi công hợp tác vẫn là chính. Cố nhiên, nơi có phỉ thì phải trấn áp phỉ là chính, không máy móc”.

Năm 1960

- Ngày 2/4/1960: Tiếp tục chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ, cuối phiên họp, Người nêu lên tình trạng tham ô lãng phí “nhắc đã lâu” nhưng “lâu nay không ai làm”. Tình trạng đó xuất phát từ việc quản lý, kỷ luật tài chính và tinh thần trách nhiệm kém, kiểm tra đôn đốc kém, “bốn cái đó mở cửa cho tham ô, lãng phí”. Người chỉ thị cho các Bộ phải khắc phục tình trạng trên bằng cách tiến hành một cuộc vận động kết hợp với phong trào thi đua sản xuất, kết hợp tuyên truyền giáo dục, kỷ luật, thưởng phạt và tăng cường công tác kiểm tra.

- Ngày 3/4/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn đồng bào Thủ đô Hà Nội đã đề nghị Người ra ứng cử ở Thủ đô trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá II và thông báo việc Người đã ứng cử ở khu Ba Đình (Hà Nội). Người mong đồng bào “hăng hái tham gia hoạt động, làm cho cuộc Tổng tuyển cử này đại thắng lợi”.

Cùng ngày, bài viết của Người: Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2207. Theo tác giả, cách tốt nhất là: “Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng. Phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố tốt chi bộ và để rèn luyện mình trở thành người đảng viên tốt”.

- Ngày 4/4/1960: Được tin Quốc vương Nôrôđôm Xuramarít từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Campuchia.

- Ngày 8/4/1960: Bài viết Kế hoạch năm 1960 của Trung Quốc, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân Dân, số 2212. Thông qua các chỉ tiêu về kinh tế và văn hoá, giáo dục, tác giả chỉ rõ sự phát triển về mọi mặt và nguyên nhân những thắng lợi của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trong xây dựng đất nước.

- Ngày 9/4/1960:  Dự họp Bộ Chính trị bàn tiếp về xây dựng trụ sở Quốc hội, sau khi nghe Trưởng Đoàn chuyên gia Trung Quốc báo cáo về thiết kế, Người phát biểu cám ơn các chuyên gia và nêu một số ý kiến khi tiến hành xây dựng phải cần, kiệm, tránh lãng phí nguyên vật liệu, giúp đỡ lẫn nhau giữa chuyên gia và cán bộ Việt Nam.

- Trước ngày 11/4/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện đến Hội nghị đoàn kết nhân dân á - Phi lần thứ hai “Chúc Hội nghị thu được nhiều thắng lợi trong việc thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết của nhân dân á - Phi để đẩy mạnh phong trào dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình ở châu á, châu Phi và trên toàn thế giới”.

- Ngày 15/4/1960: Sáng, đến dự và phát biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 12 Quốc hội khoá I, sau khi nêu lên “Quốc hội ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông - Nam châu á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do”, Người chỉ rõ những cống hiến của Quốc hội trong suốt 14 năm qua và khẳng định: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”. Người cảm ơn Quốc hội khoá I và tin chắc rằng “Quốc hội khoá II của chúng ta sẽ đưa hết tinh thần và lực lượng để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

- Ngày 16/4/1960: Dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề cải tạo và phát triển thủ công nghiệp, Người nêu rõ mục đích của cải tạo, phát triển thủ công nghiệp và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo.

- Ngày 21/4/1960: Dự họp Bộ Chính trị thảo luận vấn đề tiền lương năm 1960, Người phát biểu về thời gian tiến hành, những vấn đề cơ bản cần giải quyết và phương thức tiến hành.

Trong ngày, Người dự cuộc họp mặt giữa các đại biểu ứng cử Quốc hội khoá II do ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội giới thiệu với các ban bầu cử thuộc khu vực Hà Nội. Cùng ngày, bài viết của Người: Thư không dán gửi Tổng thống Mỹ, ký bút danh L.T., đăng báo Nhân Dân, số 2225, vạch trần luận điệu lừa bịp của chính quyền Mỹ đối với nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới về các vấn đề dân chủ, tự do... trong khi đó lại thi hành chính sách phân biệt chủng tộc tệ hại nhất, luôn luôn gào thét chống cộng và can thiệp vào nước khác.

- Ngày 22/4/1960: Chiều, Người dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề xây dựng thuỷ điện ở Quảng Cư, Lang Tiết, Thác Bà. Phát biểu tại cuộc họp, Người nhấn mạnh việc làm ngay thủy điện Thác Bà nếu chuyên gia Liên Xô bảo đảm được và phải giải quyết tốt công việc, đời sống cho dân như đường giao thông, trồng cây công nghiệp, nuôi cá, hồ du lịch...

Cùng ngày, báo Nhân Dân, số 2226, đăng bài: Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho Tạp chí Các vấn đề Phương Đông (Liên Xô), nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của V.I.Lênin. Người nêu lên quá trình hoạt động thực tiễn và những chuyển biến tư tưởng của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin và khẳng định “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

- Ngày 23/4/1960: Bài viết Lý Thừa Vãn khó mà cứu vãn, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2227, Người tố cáo hành động tàn bạo của Lý Thừa Vãn đàn áp phong trào của nhân dân Nam Triều Tiên chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, vạch rõ chính đế quốc Mỹ là kẻ bợ đỡ, cung cấp tiền bạc, vũ khí và nhào nặn chúng thành những tên độc tài như Lý Thừa Vãn. Song, như tác giả kết luận: “nhân dân đã đoàn kết vùng dậy, thì đế quốc Mỹ cũng khó mà cứu vãn Lý Thừa Vãn và những bù nhìn như Vãn”.

- Ngày 24/4/1960: 18 giờ 30, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, đến dự và phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri Thủ đô. Sau khi cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu Người và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khoá II, Người đã nêu lên tính chất dân chủ của Luật bầu cử, giá trị cao quý của lá phiếu cử tri và tin tưởng rằng những cử tri sáng suốt sẽ bầu ra được một Quốc hội có những đại biểu thật xứng đáng. Người nói: “Quốc hội khoá I là Quốc hội chiến đấu”, “Quốc hội khoá II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhàThay mặt các ứng cử viên, Người hứa với đồng bào: “Những người được cử vào Quốc hội khoá II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đày tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.

- Ngày 25/4/1960: Bài viết Lênin và thi đua xã hội chủ nghĩa, ký bút danh T.L., đăng báo Nhân Dân, số 2229, nêu lên quan điểm, biện pháp mà Lênin vạch ra nhằm nâng cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của người lao động và vai trò của Lênin trong việc phát huy những sáng tạo của nhân dân Liên Xô thông qua phong trào thi đua lao động và tác dụng của phong trào này trong xây dựng đất nước của nhân dân Xô viết.

- Ngày 26/4/1960: Người viết thư trả lời chị Êcatêrina Iôxiđôpna(2) về những điều chị đã hỏi Người trong bức thư gửi Người nhân dịp ngày 8-3-1960. Bức thư có đoạn: “Tôi chưa có gia đình riêng, gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

- Ngày 27/4/1960: Bài viết Ba chai rượu sâm banh, ký bút danh Tuyết Lan, đăng báo Nhân Dân, số 2231. Dưới hình thức dịch lại lá thư của một công nhân tên là Giăng Pho ở Angiêri gửi cho, Người nói về tình cảm của một người bạn quốc tế của Nguyễn ái Quốc thời kỳ ở Pari và những năm sau này.

- Ngày 28/4/1960: Người tới thăm và nói chuyện tại Hội nghị bàn về công tác vùng cao do ủy ban dân tộc Trung ương triệu tập. Người căn dặn các đại biểu “phải làm tốt công tác vận động định canh định cư ở vùng cao, phải nắm nguyên tắc tự nguyện, không gò ép, không tham nhiều, không nóng vội, làm nơi nào phải tốt nơi đó”. Về công tác vận động tuyên truyền cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá II sắp tới đối với đồng bào vùng cao, Người nhắc nhở cán bộ cần giải thích cặn kẽ cho đồng bào hiểu rõ ý nghĩa của cuộc bầu cử này.

Ghi chú:

(1) B. Phơrăngcơlanh (Benjamin Franklin, 1706-1790), là một nhà khoa học nổi tiếng đã chế tạo ra cột thu lôi đầu tiên, giúp cho loài người thoát khỏi nạn sét đánh. Ông là một người có đạo đức và có lòng yêu nước nồng nàn đã góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng của nhân dân Mỹ.

(2) Nhân dịp ngày 8-3-1960, nghĩ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gia đình riêng, chị Êcatêrina Iôxiđôpna (Liên Xô) đã gửi cho “vợ” Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thư. Người đã viết thư trên để trả lời.

Huyền Trang (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: