Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sự kiện
trong Tháng Tư qua các năm (1890-1969) - Phần 3
Năm 1950
Ngày 01/4/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Quỹ công lương (ký bút danh T.L) đăng trên báo Sự thật, số 130, nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc lập Quỹ công lương. Kết luận, bài báo viết: "Quỹ công lương được nhân dân hăng hái đóng góp nhanh chóng sẽ là một sức mạnh mới đẩy nhanh cuộc chuẩn bị tiến sang giai đoạn cuối cùng và đảm bảo cho tổng phản công thắng lợi hoàn toàn".
Ngày 6 và ngày 7/4/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp với Thường vụ Trung ương Đảng để nghe báo cáo tình hình trong thời gian Người đi công tác nước ngoài và một số nhiệm vụ cấp bách.
Trong ý kiến phát biểu, Người hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng và khẳng định những kết quả của Hội nghị. Người nhấn mạnh: Trong thời gian qua, chúng ta đã thắng trong cuộc tổng phản công về chính trị, nhân dân ta đồng lòng dốc sức cho kháng chiến, nhân dân thế giới bước đầu thấy được tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của chúng ta, lên án quân xâm lược. Cuộc tổng phản công chính trị thắng lợi, chắc chắn sẽ giúp nhiều cho cuộc tổng phản công bằng quân sự sắp tới. Người cũng tán thành chủ trương lấy ngày 19-5 hằng năm làm ngày phát động thi đua yêu nước, thi đua kháng chiến trong toàn quân và toàn dân, nhưng căn dặn: Phải giáo dục cho mọi người đừng lợi dụng chuyện đó mà ăn uống xa xỉ, gây lãng phí tiền bạc và thì giờ của dân.
Ngày 10/4/1950: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị Đảng đoàn Chính phủ (hội nghị bắt đầu từ chiều hôm trước). Người nói rõ thêm về vấn đề ngoại giao và viện trợ.
Tối, Người đón Hoàng thân Lào Xu-pha-nu-vông và ông Chủ tịch Đông Lào. Có tổ chức lửa trại, hát hò. Người thưởng thuốc lá thơm cho các vị hát hay.
Từ ngày 11 đến ngày 13/4/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ để thảo luận các vấn đề: Tình hình thế giới, tình hình quân sự, việc thực hiện chương trình ba tháng đầu năm và ra nghị quyết về công tác ngoại giao, giáo dục, cải tổ bộ máy tư pháp, giao thông công chính, nội vụ...
Kết thúc phiên họp, Người nhắc nhở: Chúng ta đang chuẩn bị mọi mặt quân sự, chính trị, ngoại giao... để chuyển mạnh sang tổng phản công. Địch cố tìm biết những công việc ta làm, do đó cần phải giữ bí mật và nhắc cán bộ giữ bí mật. Địch có thể làm những việc mạo hiểm, do đó cần phải quân sự hoá triệt để. Phải làm tốt công tác động viên nhân dân, "không động viên được dân thì kế hoạch hay mấy cũng hỏng, lúc nào mọi kế hoạch đến tận dân, dân thực hiện, lúc đó mới thật là tổng động viên".
Ngày 15/4/1950: Bài Sinh viên Việt Nam tại Anh với Sắc lệnh Tổng động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký bút danh T.L), đăng trên báo Sự thật, số 131.
Bài báo cho biết 14 sinh viên Việt Nam tuổi từ 18 đến 30 đang theo học ở Trường Đại học Luân Đôn, biết Chính phủ công bố Sắc lệnh Tổng động viên, đã đánh điện về ngỏ ý rất sẵn sàng về nước để được nhập ngũ. "Dù xa xôi, tâm trí chúng tôi vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc và lúc nào cũng sẵn sàng thi hành những huấn lệnh của Chính phủ".
Ngày 22/4/1950: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các đại biểu phụ nữ dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất. Người ân cần hỏi chuyện các đại biểu Nam Bộ, Khu V, miền núi, miền xuôi, vùng tạm chiếm, vùng tự do... Trước khi ra về, Người nói: “Bác chúc các cô chú mạnh khoẻ. Về địa phương, những chị em nào có thành tích, nhớ cho Bác biết tin”.
Ngày 24/4/1950: Từ 18 giờ đến 21 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với học viên khoá II Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Việt Bắc.
Trong lời phát biểu, Người đã chỉ ra một số thiếu sót của nhà trường trong việc giảng dạy và gợi ý về cách tổ chức để đạt kết quả tốt hơn. Người căn dặn các học viên: "Việc học không phải chỉ xem sách nhiều là được. Như vậy là lý luận suông. Phải kết hợp thực tiễn với lý luận, học đi đôi với trao đổi kinh nghiệm thực tế. Học phải tự giác và tự động". Người đặc biệt nhấn mạnh việc tu dưỡng phẩm chất của người cán bộ: "Cần, Kiệm, Liêm, Chính và gần gũi quần chúng, hai điểm ấy các đồng chí phải làm cho được. Như thế mới xứng đáng là người đảng viên, là người cách mạng".
Trong tháng 4/1950: Tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp Lêô Phighe (Léo Figuères). Trong câu chuyện, Người nói:
"Chính là những thành viên ưu tú nhất đã ngã xuống. Chúng tôi đã đối xử tốt nhất với tù binh Pháp trong điều kiện có thể có. Bữa ăn của họ khá hơn bữa ăn của chiến sĩ chúng tôi. Chúng tôi rất hiểu nỗi đau khổ của các bà mẹ, các gia đình người Pháp có con em bị bắt làm tù binh"...
Năm 1951
Ngày 6 và 7/4/ 1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo tình hình thế giới, báo cáo của các bộ, quyết nghị việc phát động một phong trào thi đua lấy tên là “Phong trào thi đua ái quốc, sản xuất, lập công, đề cao chiến sĩ” từ ngày 1-5-1951 đến ngày 19-12-1951 và triệu tập Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc vào đầu năm 1952. Người căn dặn phải chuẩn bị cuộc thi đua cho chu đáo, việc tuyên truyền phải liên tục, tổ chức Đại hội thi đua các ngành phải tránh hình thức tốn kém và thi đua để đẩy mạnh phong trào sản xuất chứ không phải để đề cao cá nhân. Bàn về vấn đề huy động dân công, Người nhắc nhở Chính phủ và các cấp phải: Tiết kiệm sức dân, cố tránh lúc làm mùa và công trình trong huy động. Trước khi bế mạc cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trước các thắng lợi đã đạt được về quân sự, cần giải thích cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ và gian khổ, tránh chủ quan, khinh địch; các cơ quan phải quân sự hóa đề phòng máy bay địch, mọi người phải giữ bí mật, đẩy mạnh việc tăng gia sản xuất trồng rau và hoa màu. Người còn nhắc lại nhiệm vụ của Bộ Lao động đối với vấn đề dân công và vấn đề thi đua; nhắc Bộ Công thương nghiên cứu việc chuyển hướng giao dịch để đấu tranh kinh tế với địch và điều tra hiểu biết số lượng các sản phẩm có thể đưa ra ngoài.
Ngày 15/4/ 1951: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Để hiểu chiến lược, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 4. Sau khi nêu rõ mục đích của Đảng ta là đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi và nhất định sẽ thắng lợi nhưng phải trường kỳ gian khổ, Người yêu cầu mọi người phải hiểu rõ chiến lược của ta và nhắc nhở khi áp dụng kinh nghiệm nước bạn phải khôn khéo cho phù hợp với hoàn cảnh của nước ta.
Khoảng giữa tháng 4/1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về kết quả, những khó khăn, những hạn chế của chiến dịch đường số 18 (chiến dịch Hoàng Hoa Thám) và việc chuẩn bị tự phê bình. Người căn dặn: Tự phê bình là cần, nhưng tự phê bình phải tăng cường đoàn kết, rút ra được bài học kinh nghiệm, xây dựng được lòng tin vào chiến dịch sau.
Từ ngày 17 đến ngày 19/4/1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Bộ Chính trị bàn về vấn đề kinh tế, tài chính và chính sách thuế nông nghiệp.
Ngày 21/4/1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, học sinh Trường Nguyễn Ái Quốc khóa 11 về vấn đề tổ chức, cán bộ, học tập, nhiệm vụ cách mạng và việc đưa chính sách của Đảng xuống xã.
Ngày 22/4/1951: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hũ gạo kháng chiến của phụ nữ Ngân Sơn, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 5. Người khen ngợi phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã đóng góp được nhiều ống gạo tiết kiệm, nêu rõ ý nghĩa của hũ gạo kháng chiến, cách làm hũ gạo kháng chiến và mong rằng các cơ quan, bộ đội và địa phương noi theo đồng bào Ngân Sơn.
Ngày 26/4/1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 18. Người nhắc nhở cán bộ và bộ đội phải đặc biệt chú ý:
- Chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ. Tự phê bình và phê bình cốt để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất.
- Tất cả mọi người phải có tinh thần phụ trách, thành tâm phụ trách, dũng cảm phụ trách. Trước khi làm phải thảo luận cho kỹ, để chủ trương cho đúng, kế hoạch cho sát và khi đã quyết định rồi thì phải tuyệt đối phục tùng, phải vững lòng tin tưởng, phải quyết tâm thực hiện không một chút do dự.
- Cán bộ cần phải thương yêu đội viên. “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”.
- Quân đội đánh giặc là vì dân, nhưng không phải là “cứu tinh” của dân, mà có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội. “Dân như nước, quân như cá”, phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mới đánh thắng giặc.
Ngày 28/4/1951: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Kinh tế và Hội đồng Chính phủ. Người đã cùng các đại biểu xét duyệt lại ngân sách trên tinh thần biên chế mới, bàn về chính sách thuế nông nghiệp.
Trong tháng 4/1951
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào các tỉnh có đê, Người căn dặn: “Trong mỗi địa phương, đồng bào sẽ đặt kế hoạch giữ đê cho thật sát với tình hình quân sự và kinh tế, sẽ cố gắng thực hành kế hoạch cho kỳ được, để giữ gìn kho người và kho thóc của ta” và “thi hành triệt để chương trình hộ đê của Chính phủ”.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nam Trung Bộ. Toàn văn bức thư như sau:
“Trong các việc, cán bộ đều cố gắng. Đó là một điều đáng khen. Nhưng còn khuyết điểm nặng, ví dụ:
1. Vụ Sơn Hà: Máy móc, ép buộc đồng bào nhiều việc quá trình độ, dân không hiểu, không thích. Đã thấy sai lầm, nhưng không kịp thời sửa chữa.
2. Việc động viên, chạm đến tài sản gốc, sinh kế của nhân dân, như ruộng đất, trâu bò, vốn liếng, đồng thời quan liêu, chỉ ra mệnh lệnh ép buộc dân đóng góp.
Những khuyết điểm đó, cán bộ phải cùng phê bình và sửa chữa, từ trên xuống, từ dưới lên: Kiên quyết sửa chữa cho kỳ được”.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thanh niên. Sau khi biểu dương những thành tích thanh niên đã đạt được và những khuyết điểm cần khắc phục. Người nhắc nhở: “Thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Đồng thời phải vui vẻ và hoạt bát”.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc truyện ký: Thửa ruộng vỡ hoang của tác giả Xuân Trường, đăng trên báo Nhân dân đã 3, 4 kỳ rồi mà vẫn chưa hết, Người viết thư cho toà soạn nhắc nên góp ý với tác giả viết cho gọn lại.
Năm 1952
Ngày 1/4/1952: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tuyên truyền cộng sản, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2046. Bài báo trích dẫn ý kiến của Giám mục Ăngxen trên tuần báo Những người theo đạo Thiên Chúa tỉnh Liông (Pháp), lên án những ai ủng hộ Mỹ phát động cuộc chiến tranh chống Liên Xô và phản đối nước Pháp ký điều ước quân sự với Mỹ để khẳng định rằng: Những đồng bào công giáo Việt Nam theo kháng chiến mới là tín đồ chân chính của Đức Chúa vì họ thực sự phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc.
Ngày 3/4/1952: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chị Lâm và Cha và con, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 52:
- Bài Chị Lâm, kể về tấm gương dũng cảm, bất khuất của cô gái Bình Trị Thiên làm giao thông bí mật cho Đảng từ khi 14 tuổi, nhiều lần bị địch bắt, bị chúng đánh đập rất dã man, nhưng vẫn trung thành với Đảng.
- Bài Cha và con, tố cáo việc cha cố người nước ngoài ở Trung Quốc ngăn trở cha cố và con chiên tham gia phong trào yêu nước và phá hoại chủ trương “tam tự” của họ. Nhưng chúng đều thất bại, vì bị cha cố Trung Quốc và các con chiên phản đối, vì họ luôn luôn theo đuổi mục đích: Yêu Chúa, yêu nước và chống đế quốc.
Ngày 4/4/1952: Bài Có tiền mua tiên cũng được, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2048, nêu lên một thực tế là có nhiều nướctừ chối tiền Mỹ “giúp” vì họ đã hiểu ra rằng kế hoạch Mácsan của Mỹ là nhằm dùng tiền để nô dịch các nước mắc nợ. Điều đó chứng tỏ ảnh hưởng của Mỹ ngày càng sút kém, và Mỹ dù có tiền cũng không dễ mua tiên. Ngược lại, Liên Xô và các nước dân chủ mới tuy chỉ có hai bàn tay trắng lúc cách mạng mới thành công, nhưng nhờ nhân dân thi đua sản xuất tiết kiệm, Chính phủ, đoàn thể và nhân dân đồng tâm nhất trí nên đã thành công.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Chủ tịch và Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Hunggari nhân Quốc khánh lần thứ 7 và cám ơn lời mời đại biểu Việt Nam sang dự Quốc khánh.
Ngày 7/4/1952: Bài 3.350 máy bay, ký bút danh Đ.X, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng báo Cứu quốc, số 2050, kể về chiến công “góp gió thành bão” của nhân dân Trung Quốc vào việc đánh thắng không quân Mỹ. Tính đến cuối tháng 12-1951, nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ quân đội một số tiền đủ mua 3.350 chiếc máy bay, giúp cho lực lượng không quân Trung Quốc lớn mạnh lên rõ rệt, khiến lực lượng không quân Mỹ không còn giữ được ưu thế như xưa nữa.
Ngày 9/4/1952: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Con trẻ Liên Xô, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2052. Qua những số liệu cụ thể, Người nêu lại nhận xét của một nghị sĩ Quốc hội Italia từ hồi trước Chiến tranh thế giới thứ hai rằng: “Con trẻ Liên Xô sung sướng nhất thế giới”. Và nhấn mạnh: “Con trẻ Liên Xô sung sướng như vậy là nhờ người lớn hy sinh chiến tranh suốt hai cuộc cách mạng và hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, để xây dựng đời sống mới, đời sống cộng sản cho toàn dân, trước hết là cho các em nhi đồng”.
Ngày 10/4/1952: Ba bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Công trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, Thiếu nhi Mỹ, Giảm giá hàng ở Liên Xô, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 53.
- Trong bài: Công trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, Người nêu lên định nghĩa về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và chỉ rõ: Muốn đi lên chủ nghĩa xã hội, đi đến chủ nghĩa cộng sản, phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm; sản xuất thật đầy đủ, dồi dào tất cả những thứ cần cho đời sống mỗi người.
- Bài Thiếu nhi Mỹ khẳng định thiếu nhi Mỹ cũng như thiếu nhi các nước, bản tính đều ngoan ngoãn, nhưng cách giáo dục của phản động Mỹ đã ảnh hưởng xấu đến chúng. Vì vậy, muốn bảo vệ thiếu nhi, phải chống bè lũ đế quốc gây chiến do Mỹ cầm đầu.
- Bài Giảm giá hàng ở Liên Xô, cho biết chỉ trong mấy năm, Liên Xô đã năm lần giảm giá hàng. Sở dĩ Liên Xô làm được chuyện đó, sở dĩ hàng hoá Liên Xô ngày càng rẻ là vì mọi người dân Liên Xô đều nỗ lực thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Kinh tế Liên Xô phát triển vì lợi ích của nhân dân. Ngược lại các nước đế quốc theo Mỹ chuẩn bị chiến tranh, nên hàng hoá tăng từ năm đến mười lần.
Ngày 12/4/1952: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cụ Hồ và cuốc cỏ bỏ phân, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2054. Bài báo cho biết đã có hàng vạn bức thư của các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi, của bà con nông dân, chiến sĩ lao động gửi tới Cụ Hồ nói về thành tích tăng gia sản xuất, nhất là qua câu chuyện một chị chiến sĩ nông nghiệp được gặp Cụ Hồ đã hứa: “Sẽ vận động bà con trong làng ra sức cuốc cỏ bỏ phân, làm mùa thật tốt...”; tác giả tin tưởng chính sách tăng gia và tiết kiệm của Chính phủ và của Đoàn thể nhất định thành công vì chính sách ấy “đã thấm nhuần và đã biến thành chính sách của nhân dân”.
Ngày 15/4/ 1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng nhân kỷ niệm 60 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan Biêrút.
Cùng ngày, bài Tình hình nước Anh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2056, vạch rõ tình trạng khốn đốn của nước Anh: Ngân sách thâm hụt, đời sống khó khăn trong khi chi phí quân sự chiếm tới 1/3 tổng ngân sách, lại thêm hơn hai vạn lính Mỹ vào đóng ở Anh. Chính vì vậy làn sóng đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lại bắt đầu diễn ra với khẩu hiệu: Chống ngân sách “bần cùng, chiến tranh, và bị Mỹ chiếm đóng”. Bài báo kết luận: “Phong trào này là một bộ phận trong phong trào chống chiến tranh và giữ gìn hòa bình thế giới”.
Ngày 17/4/1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Quốc khánh nước Cộng hoà nhân dân Hunggari. Chủ tịch viết: “Nhân dân và Chính phủ Việt Nam, và cá nhân tôi xin chúc nhân dân và Chính phủ Hung thu được nhiều thắng lợi lớn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ hoà bình thế giới.
Tình đoàn kết huynh đệ giữa nhân dân Hung và nhân dân Việt Nam muôn năm!”
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ai là anh hùng? ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 54. Tác giả kể lại buổi tranh luận của một nhóm chiến sĩ về vấn đề “ai là anh hùng”, đồng chí chính trị viên đã lấy kết luận của Người để giải đáp cho họ, vì Người định nghĩa rằng: “Người anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính, hết lòng hết sức phục vụ kháng chiến, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, của giai cấp”. Nghe xong, các chiến sĩ đều nhiệt liệt tán thành.
Ngày 18/4/1952: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đen, Trắng, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2058, lên án tệ phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Dẫn ra hai sự việc: Báo chí Mỹ lên tiếng kiên quyết không đồng ý cho Đại sứ Libêria (một nước da đen ở Đông Phi) và gia đình vị đại sứ này được quyền đến tiệm ăn, rạp hát, bờ biển nghỉ mát của người da trắng; và trong giấy giao kèo cho thuê nhà của hai công ty Mỹ ghi sẵn “chỉ cho người da trắng thuê”, bài báo kết luận: “Bình đẳng, bác ái kiểu Mỹ là như vậy đó”.
Tháng 4, trước ngày 21/4/1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị chiến sĩ lao động gương mẫu. Trong thư có đoạn: “Bác thân ái chúc các cô, các chú, các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, trao đổi được nhiều kinh nghiệm hay và bầu cử những đại biểu rất xứng đáng để đi dự Đại hội chiến sĩ toàn quốc”.
Ngày 22/4/1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự và khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa 2 (họp từ ngày 22 đến 28-4-1952). Bản báo cáo Tình hình và nhiệm vụ do Người đọc trước Hội nghị gồm ba phần:
I. Tình hình thế giới: Nêu rõ sự lớn mạnh không ngừng của phe dân chủ hòa bình và tình hình ngày càng suy yếu của phe đế quốc.
II. Tình hình trong nước: Phân tích so sánh lực lượng giữa ta và địch để thấy rõ: Thế địch càng ngày càng yếu, càng lúng túng và bị động, tuy thế, được Mỹ giúp nhiều tiền bạc và vũ khí, chúng chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược, vẫn ráo riết thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Bên ta, có tiến bộ về mọi mặt, song những tiến bộ đó, chưa đủ với nhu cầu của kháng chiến, do cuộc kháng chiến càng ngày càng gay go, càng phát triển.
III. Nhiệm vụ và công tác trước mắt: Trình bày về ba nhiệm vụ lớn và bốn công tác chính.
Ba nhiệm vụ lớn:
1. Tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích.
2. Phá chính sách của địch: Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
3. Bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, của kháng chiến.
Bốn công tác chính:
1. Thực hiện kế hoạch tăng gia sản xuất và tiết kiệm.
2. Giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh sau lưng địch.
3. Chấn chỉnh quân đội.
4. Chỉnh Đảng.
Trong phần kết luận, báo cáo nêu rõ: “Chúng ta có đủ những điều kiện thắng lợi, vậy cán bộ và đảng viên ta phải có tư tưởng đúng, lập trường vững, quyết tâm nắm chắc và hoàn thành 3 nhiệm vụ và 4 công tác chính. Như thế là chúng ta làm đúng đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, thiết thực chuẩn bị tổng phản công để giành thắng lợi cuối cùng”.
Cùng ngày, bài viết của Người: Mỹ sợ... ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2061, phản ánh thái độ hốt hoảng của Mỹ qua những lời thừa nhận của tướng tá cao cấp Mỹ về tiềm lực quân sự của quân đội Triều Tiên, Liên Xô và các nước Đông Âu.
Ngày 24/4/1952: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nữ anh hùng giao thông và Hỏi trời, trời chẳng nói răng, như ri, Pháp biết mần răng, hỡi trời? ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 55.
- Bài Nữ anh hùng giao thông, ca ngợi sự tích anh hùng của chị D, phụ trách trạm giao thông bí mật, sáu lần bị địch bắt, vẫn khôn khéo đối phó, không để lọt tài liệu vào tay địch. Một ngụy binh đòi lấy chị làm vợ, chị “tương kế tựu kế”, vờ nhận lấy để moi tài liệu và tin tức báo cho cơ sở.
- Bài Hỏi trời, trời chẳng nói răng, như ri, Pháp biết mần răng, hỡi trời?, dẫn lời của tờ Le Monde (Thế giới) (Pháp) than phiền rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam “đã làm mất hết khả năng quân sự, kinh tế và tài chính của Pháp. Chính phủ Pháp lập nên, đổ xuống, không có chính sách dứt khoát tiến hay thoái!”. Và tác giả đã trả lời báo đó rằng:
“Vì bay muốn cướp nước ta,
Hại nhân, nhân hại, khóc mà ai thương”.
Ngày 25/4/1952: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giặc Pháp sửa đổi tự vị, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2063, vạch trần thủ đoạn xuyên tạc sự thật để đánh lừa dư luận của thực dân Pháp, qua thắng lợi giả tạo trong cuộc chiến tranh xâm lược. Tác giả chỉ rõ:
“Đen thì nói trắng, ta thắng nó nói thua,
Tuyên truyền xỏ lá, có lừa được ai?”.
Ngày 29/4/1952: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bọn đế quốc đường cùng, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2066, nói về những hành động kiên quyết chống đế quốc tại nhiều nước trên thế giới như Việt Nam, Triều Tiên, Mã Lai... Vậy là: “Mấy năm trước đây, các ông đế quốc Mỹ, Anh, Pháp đều “thở ra sét, hét ra lửa”, ai dám động đến. Song các dân tộc xưa kia chịu làm trâu ngựa, nay đã hóa ra sư tử, hùm thiêng”.
Tháng 4, cuối tháng 4/1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhân dân Thái Bình lá cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”, vì thành tích chống càn hồi đầu năm 1952.
Người cũng tặng nhân dân Nguyên Xá lá cờ: “Nguyên Xá làng kiểu mẫu” vì đã kiên quyết thực hiện khẩu hiệu “Ba không” và “Ba được”.
Trong tháng 4/1952
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị chiến sĩ lao động gương mẫu. Trong thư có đoạn: “Bác thân ái chúc các cô, các chú, các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, trao đổi được nhiều kinh nghiệm hay và bầu cử những đại biểu rất xứng đáng để đi dự Đại hội chiến sĩ toàn quốc”
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Trung đoàn 98 lá cờ thêu bốn chữ vàng “Thành tích đáng khen”.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các giáo sư và sinh viên Trường dự bị đại học ở Thanh Hóa. Người cảm ơn các thầy giáo và học sinh đã viết thư thăm hỏi và hài lòng biết các thầy giáo và học sinh cố gắng dạy tốt và học tốt. Người nhắc nhở: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân”.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và giải đáp thắc mắc cho cán bộ dự lớp đảng ủy, liên chi về vấn đề quan hệ trong và ngoài Đảng, quan hệ giữa gia đình và bản thân, phân công công tác, điều kiện người đảng viên. Kết luận, Người nhắc nhở: Đảng viên “Lập trường phải vững. Lập trường giúp thành tâm, thành ý phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Tư tưởng trong sạch. Tất cả đều giải quyết được, đó là chìa khóa”.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn 320, kèm theo hai tấm thiếp tự tay Người đánh máy, ký tên và có dấu son đỏ, Người thông báo quyết định tặng cho Trung đoàn 48 lá cờ thêu bốn chữ vàng “Giúp dân đánh giặc” và Trung đoàn 64 lá cờ thêu bốn chữ vàng “Dũng cảm đánh hăng”.
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Nguyễn Lương Bằng trước khi lên đường làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Liên Xô. Người nói rõ: Nhiệm vụ chủ yếu là làm sao để các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô hiểu được cuộc kháng chiến của chúng ta, tạo điều kiện để hai Đảng, hai nước đoàn kết chiến đấu với nhau hơn, đồng thời tuyên truyền cuộc kháng chiến của ta để nhân dân Liên Xô hiểu rõ.
Tháng 4, cuối tháng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với đoàn đại biểu chiến sĩ nông nghiệp tham dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc.
Người biểu dương các cán bộ và chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng trong phong trào tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến và căn dặn mọi người cần đẩy mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp, thực hiện khẩu hiệu “Hậu phương thi đua với tiền phương”.
Năm 1953
Ngày 3/4/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các đơn vị bộ đội ta có nhiệm vụ tác chiến ở Thượng Lào. Người nhắc nhở các cán bộ, chiến sĩ phải ghi nhớ "giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình" và để làm tròn nhiệm vụ, các chiến sĩ phải:
- Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng.
- Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân.
- Giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh dự.
- Có quyết tâm cao và tranh được nhiều thắng lợi.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cách mạng và kháng chiến, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2307. Bài báo chỉ rõ: Trước đây Việt Nam là một nước thuộc địa và phong kiến, cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ mới, chống phong kiến rồi tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, nước ta lập thành Nhà nước dân chủ cộng hòa, nhưng đế quốc Pháp và Mỹ muốn cướp nước ta mà đồng minh của chúng là địa chủ phong kiến, cho nên ta phải kháng chiến cứu nước.
Ngày 6/4/1953: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chế độ nhà nước dân chủ cộng hòa, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2309, ca ngợi chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đánh đổ nền thống trị của đế quốc và phong kiến, đưa nhân dân ta lên con đường vẻ vang. Tác giả kết luận: Nhà nước ta đã trở thành Nhà nước của nhân dân.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dịp Hội nghị quốc tế bảo vệ quyền lợi thanh niên, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 105, viết về Hội nghị thanh niên 70 nước vừa họp ở Viên (Thủ đô nước áo) để thảo luận những biện pháp giữ gìn và bảo vệ quyền lợi của thanh niên. Bài báo chỉ rõ: Thanh niên Việt Nam muốn giữ gìn và bảo vệ quyền của mình phải hăng hái tham gia kháng chiến, ra sức rèn luyện phẩm chất cách mạng, không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, phải yêu lao động, bảo vệ của công, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, yêu Tổ quốc, dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc. Phải gắn lòng yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế chân chính, trung thành với nhân dân, với Đảng và Chính phủ.
Trước ngày 8/4/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào. Người nhắc nhở: Phải chú ý chính sách đoàn kết quốc tế.
Ngày 10/4/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá III. Người đã điểm lại tình hình thế giới sau Cách mạng Tháng Mười Nga: Phe đế quốc ngày càng suy yếu, phe dân chủ hoà bình ngày càng mạnh lên và liên hệ với tình hình nước ta để nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm tốt chính sách ruộng đất, không được tham ô, lãng phí, phải gương mẫu, thẳng thắn nhận khuyết điểm và phê bình tốt, có làm được những điều trên thắng lợi của ta mới nhanh chóng được.
Ngày 16/4/1953: Hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 107:
- Bài Lực lượng to lớn của quần chúng, chỉ rõ: "Lực lượng của quần chúng là vô cùng to lớn. Quần chúng đã tự giác, tự động thì việc gì to mấy, khó mấy cũng làm được".
- Bài Chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh và làm trái pháp luật, giới thiệu tóm tắt bản báo cáo của An Tử Văn, Thứ trưởng Bộ Tổ chức của Đảng Cộng sản, kiêm Bộ trưởng Bộ Nhân sự của Chính phủ Trung Quốc nói về ý nghĩa, nội dung, quá trình tiến hành và kết quả của cuộc vận động ba chống (quan liêu, tham ô, lãng phí) ở Trung Quốc.
Ngày 17/4/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ. Người đọc báo cáo về tình hình thế giới và trong nước từ cuối tháng 3 đến trung tuần tháng 4-1953, khẳng định phe đế quốc đang lúng túng và bị động, phe ta ngày càng chủ động, mọi mặt công tác của ta đều tiến bộ.
Tổng kết phiên họp, Người nhận định: Tình hình quốc tế tuy có lợi cho ta, song chúng ta không được chủ quan, tự mãn. Với những mặt thuận lợi và tiến bộ đó, năm nay chúng ta có thể có sự chuyển hướng khá mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế.
Cùng ngày, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân dân dân chủ chuyên chính, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2317. Bài báo nêu bật sự khác biệt giữa nhà nước của ta với nhà nước cũ của thực dân phong kiến và chỉ rõ: Nhà nước của ta là nhà nước của nhân dân chống đế quốc và phong kiến, tính chất của nó là nhân dân dân chủ chuyên chính (dân chủ với nhân dân và chuyên chính với kẻ địch). Tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng.
Ngày 20/4/1953: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mặt trận dân tộc thống nhất (Liên Việt) ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2319. Bài báo chỉ rõ: Trong cách mạng dân tộc dân chủ và trong công cuộc kiến thiết đất nước, bốn giai cấp: Công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc đều là động lực của cách mạng. Cần đoàn kết tổ chức lại thành Mặt trận dân tộc thống nhất to lớn mạnh mẽ để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc mau tới thắng lợi.
Ngày 21/4/1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề quân sự (bao gồm tình hình chiến sự, kế hoạch chỉnh quân chính trị, sửa đường vận tải), vấn đề phát động quần chúng, kế hoạch triệu tập Hội nghị toàn quốc và chế độ làm việc của các đồng chí Trung ương, kiến nghị bảo vệ sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng ngày, hai bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 108:
- Bài Tinh thần yêu nước, Người cho biết: Nhân kỷ niệm ngày Đảng ra hoạt động công khai, các giới đồng bào từ Nam chí Bắc đã gửi nhiều thư tới Người báo cáo những việc đã làm, thể hiện lòng yêu nước của mình. Người khẳng định: "Già trẻ gái trai đều kháng chiến", nhờ tinh thần yêu nước đó mà "ta càng thắng, giặc càng thua" và cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi.
- Bài Kênia anh dũng, ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân Kênia chống thực dân Anh giành độc lập dân tộc và nêu rõ: Cuộc đấu tranh chính nghĩa đó nhất định thắng lợi, nhân dân Việt Nam đồng tình và ủng hộ nhân dân Kênia.
Ngày 26/4/1953: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tình hình khó khăn của Pháp, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 109, viết về sự lệ thuộc của Pháp vào Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã gây ra những hậu quả xấu trong đời sống của nhân dân Pháp. Bài viết cho biết, mặc dù được Mỹ giúp đỡ, thực dân Pháp vẫn liên tiếp thất bại, nhân dân các nước Đông Dương vẫn cùng nhân dân Pháp đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung.
Năm 1954
Ngày 1/4/1954: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vương Sùng Luân, anh hùng lao động Trung Quốc, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 175.
Bài báo viết về gương anh hùng lao động Vương Sùng Luân, công nhân Nhà máy Yên Sơn (Trung Quốc) ra sức tìm tòi phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến cách thức, làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước đề ra, tiết kiệm cho ngân sách của Chính phủ. Kinh nghiệm của Vương Sùng Luân đã được phổ biến ở các cơ quan, nhà máy và đều đạt kết quả tốt về năng suất. Theo tác giả, ở Việt Nam, các chiến sĩ thi đua cũng có rất nhiều sáng kiến hay, quần chúng cũng rất hăng hái, nhưng ta chưa biết phổ biến những kinh nghiệm đó một cách thiết thực và chặt chẽ. Do vậy ta phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc.
Ngày 5/4/1954: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn Mỹ kiểu Mỹ, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2568. Tác giả chỉ rõ: "Văn Mỹ" thì hay, song "kiểu Mỹ" thì dở.
Ngày 6/4/1954: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 176.
Trong bài, Người nêu lên sáu nhiệm vụ cần thiết mà các chi bộ ở cơ quan phải làm để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi và cải cách ruộng đất đến thành công.
Ngày 15/4/1954: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ai âm mưu gây chiến? - ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 177.
Bài báo chỉ rõ: "Mỹ là thủ phạm âm mưu gây chiến. Nhưng kinh nghiệm đã chứng tỏ: Mỹ đã thất bại ở Trung Quốc, đã thất bại ở Triều Tiên, thì ở Việt - Miên - Lào, Mỹ cũng sẽ thất bại".
Ngày 16/4/1954: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chiến tranh xâm lược Việt Nam làm cho người ở Pháp chết, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 178. Bài báo lên án thực dân Pháp gây chiến tranh ở Việt Nam, không những giết người Việt Nam mà còn giết cả người Pháp. Bởi vì, để theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã tập trung tiền của mua sắm vũ khí làm cho nhiều người Pháp không có cơm ăn, không có nhà ở, rơi vào đói khổ, bệnh tật mà chết.
Ngày 21/4/1954: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiến bộ và khuyết điểm, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 179. Qua đợt 3 phong trào phát động quần chúng, triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất, Người khen ngợi những mặt tiến bộ của cán bộ thực hiện đã biết rút kinh nghiệm của những đợt làm trước. Đồng thời, Người chỉ ra những khuyết điểm cán bộ còn mắc phải như: Tự kiêu tự mãn, chủ quan khinh địch; lập trường chưa vững; quan liêu, bao biện, sợ khó ngại khổ.
Ngày 26/4/1954: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những trường học lớn và tốt, ký bút danh C.B, đăng báo Nhân dân, số 180. Bài báo chỉ rõ: Để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, cuộc kiến thiết đến thành công, chúng ta cần nhiều cán bộ tốt, có trình độ để phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Muốn thế phải động viên, đưa cán bộ vào các trường học lớn: Trường Quân đội nhân dân, Trường Thanh niên xung phong, Trường đội phát động quần chúng (triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất).
Trong tháng 4/4/1954
+ Tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Ôxtrâylia W.Bớcsét. Mô tả vị trí của Điện Biên Phủ, Người lật ngửa chiếc mũ cát trên chiếc bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh mũ, giải thích: Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi. Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được!
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho ngành cầu đường. Bức thư có đoạn:
"Nhiệm vụ cầu đường của ta ngày càng quan trọng. Phải có nhiều đường tốt để vận chuyển lương thực và vũ khí cho bộ đội, hàng hóa cho nhân dân.
Năm ngoái ta làm đường đã có ít nhiều kinh nghiệm. Những chiến sĩ thi đua như các chú Chúc, Ngốc..., làm đất, làm đá gấp 25 lần mức thường, đều đã được khen thưởng. Nhưng ta còn mắc nhiều khuyết điểm, nặng nhất là để lãng phí, có nơi đến hàng chục vạn công, hàng trăm tấn gạo.
Năm nay ta phải làm đường nhiều hơn nữa...
Đặc biệt các cô, các chú phải kiên quyết chống lãng phí...".
Huyền Trang (Tổng hợp)
Còn nữa