Năm 1930
- Tháng 4, ngày 5: Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi đồng chí ZAO và các học sinh Việt Nam đang học ở Liên Xô. Sau khi thông báo “trong nước bây giờ đã có Đảng thống nhất vững vàng, không còn những tệ chia lìa ấu trĩ như trước nữa”, Người báo tin sẽ có các đại biểu là công nhân sang Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Lao động. Người yêu cầu đồng chí ZAO “phụ trách phần dịch cho các đại biểu đó” và gợi ý những việc phải làm để giúp các đại biểu hoàn thành nhiệm vụ.
Người còn căn dặn: “Tất cả anh em học sinh, nhất là người phụ trách, đối với đại biểu lao động phải tỏ tình rất thân mật. Chớ để người ta trông thấy sự phân biệt trí thức và vô sản”. Người yêu cầu: “Làm sao cho anh em đại biểu hiểu, hăng hái, và yêu mến Xô-Nga, lại có cảm tình với anh em lao động các nước”. Và nhắc lại sau Đại hội phải gửi thư về báo cáo qua Ban Phương Đông.
- Tháng 4, ngày 10: Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo tình hình về những ngày đầu đến Xiêm, về việc lập Hội Thân ái... Phần lớn báo cáo nói về việc hợp nhất Đảng, xây dựng cương lĩnh, vấn đề chiến lược, chiến thuật theo đường lối của Quốc tế Cộng sản, về việc lập ra một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm bảy người chính thức và bảy người dự khuyết...
- Tháng 4, cuối tháng: Nguyễn Ái Quốc đến Đông - Bắc nước Xiêm (Thái Lan). Người báo tin cho một số đồng chí ở đây biết các nhóm cộng sản ở Việt Nam đã thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây Người còn làm nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao.
- Tháng 4, khoảng cuối tháng:
+ Nguyễn Ái Quốc đến Malaixia làm nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao.
+ Tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Trần Phú từ Liên Xô trở lại Trung Quốc. Người thông báo cho đồng chí Trần Phú về việc hợp nhất Đảng tháng 2-1930 và đã báo cáo với Chi nhánh Ban Phương Đông ở Thượng Hải, các đồng chí đã nhất trí. Sau đó, phân công đồng chí Trần Phú về Bắc, còn đồng chí Ngô Đức Trì về Sài Gòn.
Năm 1931
- Tháng 4, ngày 20: Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ký tên Nguyễn Ái Quốc. Trong thư, Người phê bình về cuộc Hội nghị Xứ uỷ Trung và Bắc trong “Cách khai hội”, “Cách thảo luận”, trong “Vấn đề công tác”, “Vấn đề tên Đảng”, “Lực lượng của Đảng”. Người đề nghị Đảng phải sửa chữa những thiếu sót đó, phải có chương trình hành động cụ thể cho từng huyện và từng tỉnh, cho mỗi đồng chí trong mỗi tổ chức, và yêu cầu “Tất cả mọi đảng viên và tất cả các chi bộ phải thảo luận Chỉ thị của Quốc tế thứ ba và Nghị quyết của Trung ương”.
Thư có kèm theo một bảng thống kê số lượng đảng viên, chi bộ, thanh niên, công hội, nông hội, phụ nữ trong 13 tỉnh và huyện. Qua bảng thống kê này, Người chỉ ra “năm nơi có Nông hội rất yếu”, ở Trung (tức Trung Kỳ) chưa có chỗ nào tổ chức được công nhân nông nghiệp, ở Bắc (tức Bắc Kỳ) “chỉ có hai tỉnh là có Công hội”...
- Tháng 4, ngày 23: Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (đầu thư đề ngày 23-4-1931, cuối thư đề ngày 24-4-1931 và không ký tên người viết). Trong thư, Người thông báo về những cán bộ được cử về nước theo đường dây liên lạc, nhắc nhở công tác bảo vệ Đảng, giữ gìn bí mật, duy trì chế độ báo cáo giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản và đề nghị Trung ương ghi nhận nhiệm vụ của mình đã được Ban Phương Đông xác định. Kèm theo thư là một “miếng giấy nhỏ” của Đoàn Thanh niên Cộng sản Quốc tế.
Mùa Xuân, trước tháng 6 năm 1934: Vào một ngày Xuân, trong bộ quần áo dài Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bước lên một chiếc tàu hàng Xôviết ở Thượng Hải để đi Liên Xô. Sau mấy ngày, tàu cập cảng Vlađivôxtốc (Liên Xô).
Mùa Hè 1936
- Nguyễn Ái Quốc cùng với một số đồng chí trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản chuẩn bị cho các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Tú Hưu về nước qua đường Pháp - Hồng Kông - Việt Nam. Người dặn kỹ kinh nghiệm, mật hiệu liên lạc khi đến Hồng Kông... Người còn dặn mấy ý kiến chuyển tới đồng chí Duy (tức Lê Hồng Phong) ở Thượng Hải: Trung ương Đảng phải chuyển về trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào; không thoả hiệp với bọn tơrốtxkít; lập Mặt trận Dân tộc dân chủ rộng rãi chống phát-xít, chống chiến tranh đế quốc...
- Nguyễn Ái Quốc tích cực chuẩn bị kế hoạch xin về nước. Người dự định sang Béclin rồi sang Pháp, và từ Pháp đi tàu về Đông Dương... Nếu gặp khó khăn thì đến Thượng Hải, nơi Quốc tế Cộng sản đã lập lại các cơ sở liên lạc của mình, rồi tìm đường về Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc được Vụ Tổ chức Cán bộ của Quốc tế Cộng sản mời đến làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy đi đường... Song, chuyến đi này phải huỷ bỏ vì tình hình thay đổi.
Trong khi chờ đợi một dịp khác, Nguyễn Ái Quốc vào làm việc tại Viện Nghiên cứu Các vấn đề dân tộc và thuộc địa đặt trụ sở tại nhà số 25, đại lộ Tvécxkôi ở Mátxcơva.
Khoảng giữa năm 1937
- Nguyễn Ái Quốc (Lin) dự kỳ thi học kỳ I năm học 1937-1938 của lớp nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Các môn duy vật biện chứng, lịch sử cổ đại và lịch sử trung đại đạt trung bình, môn lịch sử hiện đại đạt điểm xuất sắc.
- Nguyễn Ái Quốc (Lin) là một trong hai nghiên cứu sinh không đăng ký đi nghỉ hè một tháng theo kế hoạch của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa dành cho các nghiên cứu sinh.
Năm 1939
- Tháng 4, ngày 9: Bài viết Thư từ Trung Quốc khởi đầu bằng dòng chữ “Quế Lâm, cuối tháng 2”, ký tên P.C. Lin của Nguyễn Ái Quốc, in trên báo Notre Voix. Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra sự thống nhất và hợp tác bước đầu của hai Đảng chính trị lớn ở Trung Quốc lúc bấy giờ là Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng trong Mặt trận dân tộc chống Nhật. Mặt khác, Nguyễn Ái Quốc cũng lên án khuynh hướng thất bại chủ nghĩa và đầu hàng Nhật, mà đại biểu của nó là Uông Vệ Tinh - cựu Chủ tịch Hội đồng chính trị quốc gia nước Trung Hoa.
Người giới thiệu kết quả của kỳ họp lần thứ ba của Hội đồng chính trị quốc gia Trung Quốc: “vạch ra và thảo luận 86 dự án và kiến nghị, trong đó có 19 dự án và kiến nghị thuộc những vấn đề về quân sự, 18 về kinh tế và tài chính, 17 về giáo dục nhân dân, 3 về ngoại giao, 28 về nội trị, 3 về những vấn đề khác”.
- Tháng 4, ngày 16: Bài viết Thư từ Trung Quốc khởi đầu bằng dòng chữ “Quế Lâm, đầu tháng 3”, ký tên P.C. Lin của Nguyễn Ái Quốc in trên báo Notre Voix.
Nguyễn Ái Quốc trích dẫn từ bản tin Những con số hùng hồn về những thiệt hại, tổn thất của bọn xâm lược Nhật Bản “trên mặt trận du kích” ở Trung Quốc. Trong phần kết, Người viết: “Nhưng nếu bọn Nhật muốn quân du kích đánh giặc như những “người văn minh” bằng cách dùng giáo mác và súng trường để chọi với xe tăng và đại bác thì chúng có thể cứ chờ đó. Chúng tôi không đến nỗi ngu ngốc như thế!”.
- Tháng 4, ngày 20: Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi một đồng chí ở Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, ký tên Lin, để bổ sung thêm một vài điều mà trong thư trước quên chưa nói. Đó là mối quan hệ với tờ Notre Voix, tờ báo có “những thông tin khá hay” về những tờ báo cánh tả, về Đảng Xã hội, về hoạt động của “đại biểu đảng viên xã hội người bản xứ ở Hội đồng thành phố Hà Nội”, về “sự đàn áp xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Kỳ, chống những... phần tử cánh tả, những công nhân và những nông dân hoạt động", về sự hoạt động của bọn phản động. Qua đó, Người nhận định: “Tôi có cảm tưởng rằng phong trào của mặt trận thống nhất ở xứ này không mạnh lắm. Trái lại, những phần tử cánh tả hoạt động khá mạnh”. Người cũng thông báo đã “góp phần nhỏ bé(...) vào cuộc đấu tranh chống Nhật Bản bằng cách thỉnh thoảng gửi những bài tuyên truyền cho các báo nước ngoài và công tác ở Bát lộ quân”.
- Tháng 4, ngày 30: Bài viết Chủ nghĩa anh hùng của công nhân Trung Quốc trong chiến tranh chống Nhật, ký tên P.C. Lin, của Nguyễn Ái Quốc, in trên báoNotre Voix. Nguyễn Ái Quốc giới thiệu những hoạt động đầu tiên của công nhân mỏ Hân Định khi bọn Nhật đến khai thác “miếng mồi béo bở” này. “Công nhân mỏ biến thành du kích” và đó là“gánh nặng” đối với kẻ xâm chiếm. Vì vậy, Người mở đầu bài viết bằng một khẳng định: “Trong chiến tranh chống Nhật, công nhân Trung Quốc là những người yêu nước ưu tú nhất”. Nông dân cũng là lực lượng kháng Nhật mạnh mẽ. Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc làm cho “Bọn Nhật ngày càng trở nên mệt mỏi”. Từ những cuộc đấu tranh riêng rẽ của nông dân, công nhân đã “hình thành nên một phong trào mạnh mẽ của du kích vùng mỏ... Như vậy là bùng nổ cuộc chiến tranh công khai thật sự giữa bọn Nhật và anh em công nhân ở Hân Định".
Cuộc chiến tranh chống Nhật của công nhân Trung Quốc được cả hai vợ chồng kỹ sư người Đức ủng hộ. Cuộc chiến đấu này không chỉ khẳng định phẩm chất “yêu nước ưu tú nhất” của công nhân Trung Quốc mà còn vì nền văn minh chung của nhân loại nữa.
Năm 1940
- Tháng 4:
+ Nguyễn Ái Quốc đi thăm một số cơ sở cách mạng dọc đường xe lửa Vân Nam - Hồ Kiều. Người lấy giấy chứng nhận của tổ chức quần chúng “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội”. Đây là tổ chức được nhà đương cục Trung Quốc công nhận hoạt động hợp pháp. Lấy danh nghĩa kiểm tra công tác Hội, Người đến ga Nghi Lương, Khai Viễn, Chỉ Thôn (Xì Xuyên)... Phùng Chí Kiên cùng đi với Người.
+ Tại Chỉ Thôn (huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đến cơ sở của Hoàng Quang Bình (lúc này làm nghề cắt tóc). Người cùng đồng chí Kiên nghỉ tại gác xép của nhà đồng chí Bình. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Người cùng đồng chí Kiên mở lớp huấn luyện cho chi bộ ở đây. Người còn khuyên đồng chí Bình nên năng giặt sạch vải choàng để có nhiều công nhân đến cắt tóc.
+ Với bí danh “ông Trần”, Nguyễn Ái Quốc tham gia lễ cầu hồn cho hai chục Việt kiều ở Bích Sắc Trại bị bom Nhật giết hại. Tại ngôi đền do ông Tự Thanh trông coi, dành cho đồng bào ở Chỉ Thôn, “ông Trần” đã ứng khẩu đọc bài sớ:
Nam mô Phật tổ Như Lai
Chúng sinh nheo nhóc dưới trời Tây phương
Trăm tầng áp bức thảm thương
Thân gầy như củi, xác nhường thây ma
Thù nhà nợ nước đôi đường
Đã vì người chết càng thương giống nòi
Đừng tin vào số mệnh trời
Mà do quân Nhật giết người gây nên
Hồn ơi, hồn có linh thiêng
Hãy cùng người sống báo đền nước non
Người còn khóc thì nước phải còn.
Năm 1941
- Tháng 3 - tháng 4: Nguyễn Ái Quốc nhiều lần vượt qua biên giới sang Tĩnh Tây. Người thường ở trong nhà bố con ông Trương Đình Duy, Trương Kỳ Siêu ở Long Lâm. Người thường cải trang làm một thầy địa lý (phong thuỷ).
- Cuối tháng 4: Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cho Vũ Anh triệu tập Hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng để rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh tại Cao Bằng.
Năm 1942
- Tháng 4, ngày 1: Bài Ca sợi chỉ của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam Độc lập. Bài ca gồm 20 câu lục bát, nội dung kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết hợp lực trong Mặt trận Việt Minh.
"Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.
Yêu nhau xin nhớ lời nhau,
Việt Minh hội ấy mau mau phải vào".
- Tháng 4, ngày 21: Bài thơ Hòn đá của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam Độc lập. Bằng thể thơ ba chữ, dùng hình ảnh chung sức vần hòn đá, Nguyễn Ái Quốc nhắc nhở mọi người phải bền sức, đồng lòng đánh đuổi Pháp, Nhật.
Đánh Nhật, Pháp.
Giành tự do,
Là việc khó,
Là việc to.
Nếu chúng ta
Biết đồng lòng
Thì việc đó
Quyết thành công.
Năm 1943
- Từ tháng 2 đến tháng 4: Tại nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu Quốc dân Đảng Trung Quốc, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 109: Đáo Đệ tứ chiến khu Chính trị bộ (Đến Cục Chính trị Chiến khu IV); bài 110: Chính trị bộ cấm bế thất (Nhà giam của Cục Chính trị); bài 111: Mông ưu đãi (Được ưu đãi); bài 112: Triêu cảnh (Cảnh buổi sớm).
- Tháng 4: Trong nhà giam của Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu, Hồ Chí Minh viết các bài thơ: Bài 113: Thanh minh (Tiết thanh minh); bài 114: Vãn cảnh(Cảnh chiều hôm); bài 115: Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên (Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng); bài 116: Hạn chế (Bị hạn chế); bài 117: Dương Đào bệnh trọng (Dương Đào ốm nặng); bài 118: Bất miên dạ (Đêm không ngủ); bài 119: Cửu vũ (Mưa lâu); bài 120: Tích quang âm (Tiếc ngày giờ).
Năm 1945
Tháng 4: Sau khi tiếp xúc với Tướng Sênôn và OSS, Hồ Chí Minh đáp máy bay đi Bách Sắc (Quảng Tây) gặp Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Tại Bách Sắc, Người gặp lại Tướng Trương Phát Khuê.
Tháng 4, trước ngày 12: Tại Bách Sắc, Hồ Chí Minh tìm cách chấn chỉnh lại tổ chức Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội. Người dự định tổ chức một cuộc đại hội mới, có thêm năm đại biểu Việt Minh ở Đông Hưng tới, trong số này có Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu và Dương Đức Hiền.
Đại hội này không thành vì các đảng phái khác không dự.
- Tháng 4, ngày 15: Hồ Chí Minh chọn 20 thanh niên mang theo giấy thông hành đến để hộ tống Ph.Tam và Mácxin vượt biên giới về Việt Nam.
- Tháng 4, cuối tháng: Một buổi chiều tối, Hồ Chí Minh được bố trí gặp A. Pátti tại một quán trà trong làng Chiu-Chou Chieh, cách Tĩnh Tây khoảng 10 km. Cùng dự có Lê Tùng Sơn.
Người đã nói cho A. Pátti biết về tình hình nạn đói ở Việt Nam, về quan điểm của Pháp, Trung Quốc, Anh với vấn đề Việt Nam và Việt Minh sẵn sàng hợp tác với người Mỹ khi nào người Mỹ thấy thích hợp. Người còn thông báo về việc chuẩn bị cho một chính phủ Việt Nam dân chủ độc lập.
Khi được hỏi về những nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Việt Minh và những chi tiết về tổ chức này, Người trả lời: “Việt Minh không phải là một đơn vị mà là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, là những tổ chức của công nhân, nông dân hoạt động tại các địa phương và có thể liên lạc được từ Sài Gòn đến Cao Bằng”.
Cuộc trao đổi kéo dài tới quá nửa đêm mới kết thúc.
- Tháng 4, cuối tháng: Hồ Chí Minh về nước. Hồ Chí Minh viết cho Sáclơ Phen lá thư đầu tiên. Trong thư, Người phàn nàn là OSS đã gửi tới những người bây giờ đã hợp tác với người Pháp thân Visi (Vichy), những người chống Việt Nam hơn là chống Nhật. Và Người đặt câu hỏi: Vậy chính sách của Mỹ thực sự là gì vậy?
Cũng trong thư này, Người đề nghị cho gửi một số thanh niên sang để được huấn luyện sử dụng điện đài.
- Một số việc khác trong tháng 4-1945:
+ Hồ Chí Minh trong bộ quần áo chàm người Nùng, tay chống gậy, cùng một đồng chí trẻ đến chiếc lán ở hang Pác Tẻng (chân núi đá Lam Sơn) của gia đình Hoàng Đức Triều (An Định). Người được giới thiệu với gia đình là “đồng chí ông Ké”.
+ Hồ Chí Minh (bí danh ông Ké) thường họp với Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Viết Châu, Dương Đức Hiền... trong một ngôi nhà vắng chủ rộng rãi gần chân núi đá. Có hôm họp trên những mỏm đá mọc ở đầu nguồn Pác Ngườm. Có lần các đồng chí còn lấy mảnh vải ra đo và bàn về tỷ lệ chiều dài, chiều rộng của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh.
Năm 1946
Ngày 1/4/1946: 8 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo và bàn về vấn đề đàm phán giữa hai Bộ Tham mưu Việt - Pháp; việc binh sỹ Việt Nam ở Thượng Hải yêu cầu về nước, việc phản đối Pháp và Mỹ đặt đường hàng không Niu Oóc - Hà Nội, Pari - Hà Nội mà không hỏi ý kiến Chính phủ ta.
Ngày 3/4/1946: 8 giờ 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về vấn đề Ngân hàng Đông Dương phát hành giấy bạc 100 đồng và đình chỉ việc đổi giấy bạc 500 đồng. Hội đồng quyết định nếu phát hành giấy bạc 500 đồng phải được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Hội đồng không tán thành việc ký khoản ước tạm thời về thư tín và hàng không giữa Trung Hoa và Việt Nam.
Ngày 4/4/1946: 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội đồng Chính phủ họp bất thường để thông báo việc Người gặp Đô đốc Đác-giăng-li-ơ và sau hai lần sửa chữa, phía Pháp đã chịu thảo một thông báo gần đúng với ý của ta; việc đại diện Chính phủ Pháp J.Xanhtơny yêu cầu mở cuộc thương thuyết trù bị giữa Việt Nam và Pháp ở Đà Lạt.
Ngày 5/4/1946: 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo và bàn về việc thống nhất quân đội, đào tạo quân đội, tiếp tế quân nhu, việc ra Sắc lệnh cấm dùng giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương phát hành sau ngày 6 tháng 3, việc tổ chức Ngày Đại hội Thanh niên, v.v..
Ngày 8/4/1946: 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe thư của ông J.Xanh-tơ-ny yêu cầu cho lập nhiều trụ sở để giải quyết các vấn đề liên quan tới Pháp; bàn việc thương thuyết với Pháp để bảo vệ tính mệnh, tài sản của người Việt Nam ở Lào và tình hình quân sự.
Ngày 9/4/1946: 8 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đại biểu các khu tự vệ thành Hà Nội. Người khen ngợi anh em tự vệ đã hăng hái tham gia nhiều công việc giúp đỡ nhân dân và Chính phủ, đồng thời nêu một số nhược điểm trong công tác của các đội tự vệ, nhắc nhở anh em cẩn thận trong việc dùng súng, kiên trì và không được chán nản, cần ôn hoà và có kỷ luật. Người nhấn mạnh câu: “Một sự nhịn là chín sự lành”, và nêu rõ ba nhiệm vụ của tự vệ lúc này là:
1. Củng cố và phát triển tổ chức.
2. Nghiên cứu chính trị để nhận rõ đường lối. "Hiểu rõ đường lối chính trị thì công tác đúng".
3. Quân sự hoá sinh hoạt đoàn thể tự vệ, nghĩa là hoạt động phải có quy củ.
14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đến Trường Thể dục ở đường Cột Cờ để viếng các binh sỹ và Trưởng quan Trung Quốc tử trận hay vì bệnh tật, tai nạn mà bỏ mình. Buổi lễ do tướng Lư Hán chủ trì. Vòng hoa của Người mang dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Chính phủ kính hiếu”.
Ngày 10/4/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thơ tặng các cháu nhi đồng toàn quốc:
“Bác mong các cháu cho ngoan,
Mai sau gìn giữ giang san Lạc - Hồng.
Sao cho nổi tiếng Tiên - Rồng,
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 48, về việc thiết lập trong toàn cõi Việt Nam một Đảm phụ đặc biệt gọi là Đảm phụ Quốc phòng thu trong niên khoá 1946. Đảm phụ Quốc phòng thu của các công dân Việt Nam từ đúng 18 tuổi trở lên đến đúng 65 tuổi, bất phân nam nữ, trừ những trường hợp được miễn (như người nghèo khổ hoặc tàn tật không kế sinh nhai; các chiến sỹ tại ngũ trong quân đội Việt Nam; cha mẹ, vợ chồng các liệt sỹ hoặc tử sỹ, các thương binh).
Ngày 11/4/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Điền chủ Nông gia Việt Nam, kêu gọi nên lập các Hợp tác xã nông nghiệp vì đó "là một tổ chức có lợi to cho nhà nông", "là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng", "giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân". Bức thư có đoạn:
“Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn.
Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”.
Ngày 13/4/1946: Lúc 20 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm lớp Bình dân học vụ tại khu 21 Trường Hoài Đức, phố Hàng Trống (Hà Nội). Người xem sách vở, ân cần hỏi thăm anh chị em giáo viên và học viên. Sau đó, Người gặp Trưởng khu 21, hỏi về tình hình Bình dân học vụ và khen ngợi giáo viên đã tận tâm dạy học không lương và nói: “Anh chị em giáo viên Bình dân học vụ là những người vô danh anh hùng, anh hùng không tên tuổi, không ai biết đến”.
Ngày 15/4/1946: 10 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ để tiếp Phái đoàn Quốc hội Việt Nam được cử sang Pari chào Quốc hội Pháp; nghe báo cáo về quân sự; về Phái đoàn ta đi Trùng Khánh và vấn đề cho các hợp tác xã vay tiền để sản xuất nông nghiệp.
16 giờ, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Phái đoàn đi dự Hội nghị trù bị Việt - Pháp tại Đà Lạt, dặn dò mọi việc trước khi Đoàn lên đường vào ngày 16-4-1946.
Người dặn phải chuẩn bị thận trọng về mọi mặt vì Hội nghị này sẽ có ảnh hưởng lớn về sau.
Người nêu những nguyên tắc của Chính phủ đề ra:
1. Hết sức đoàn kết từ ý kiến đến hành động.
2. Hết sức cẩn thận.
3. Giữ bí mật.
4. Trước lúc tuyên ngôn gì với đại biểu Pháp, phải thảo luận trước.
5. Sau khi thảo luận với đại biểu Pháp một vấn đề gì, lúc về phải cùng nhau kiểm thảo lại để xem lẽ mình thắng hay bại ở chỗ nào.
6. Mỗi khi thảo luận nên chia làm ba nhóm: xung phong, hậu thuẫn và trù bị. "Phải có người đấm, người xoa".
7. Mình chỉ xướng ra những vấn đề quan trọng. Ngoài ra để đại biểu Pháp nêu vấn đề.
8. Khi gặp vấn đề gì hai bên chưa thoả thuận được với nhau thì để nó tách ra, chứ đừng nói để hỏi ý kiến Chính phủ, vì nếu làm như vậy thì sẽ thắt Chính phủ vào việc đàm phán này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: "Cần căn cứ vào Hiệp định sơ bộ để đi đến cộng tác thực thà với Pháp".
Ngày 16/4/1946: 5 giờ 30 sáng, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông Huỳnh Thúc Kháng tiễn Phái đoàn đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt. Sau đó, Người gặp Phái đoàn Quốc hội Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, chuẩn bị sang Pháp. Người căn dặn: “... Phái đoàn có ba việc cần phải làm là đoàn kết, cẩn thận, làm cho người Pháp hiểu ta để gây tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.
Ngày 17/4/1946: 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo về việc 600 quân Pháp từ Hải Phòng kéo lên Hà Nội đêm 15 tháng 4 mà không cho phía Việt Nam biết trước và việc lính Pháp gây rối ở Ga Hà Nội làm cho nhiều người bị thương. Sau đó Hội đồng bàn về vấn đề quản lý việc nấu rượu, vấn đề giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương và vấn đề ngoại giao với Pháp.
Ngày 19/4/1946: 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về Dự án Ngân sách lương thực của quân đội, vấn đề lập Nha Dân tộc thiểu số và vấn đề tài chính.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Đại hội Các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Plâycu. Thư có đoạn:
“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xêđăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
Ngày 22/4/1946: 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ thông báo một số tin thu thập được qua các báo, trong đó báo Trung Hoa nói về việc nghiên cứu một Hiệp định Thương mại Hoa - Việt - Pháp, báo của ta đính chính lại là Hiệp định Thương mại Hoa - Việt và đề nghị Bộ Kinh tế sẽ chuẩn bị việc này, Bộ Canh nông sẽ lập ngay Nha Kiều vụ. Hội đồng còn nghe báo cáo về việc xung đột giữa quân đội Trung Hoa và quân đội Pháp chiều ngày 21 tháng 4, công việc của Phái bộ Đà Lạt đã làm và bàn về dự án Sắc lệnh tổ chức Quân sự Uỷ viên hội.
Ngày 24/4/1946: 8 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ nghe thông báo về tin phía Pháp bắt ông Phạm Ngọc Thạch trong Phái đoàn ta ở Hội nghị trù bị Đà Lạt, việc quân đội Pháp định đóng ở Điện Biên Phủ, việc quân đội Trung Hoa thoả thuận tỷ giá giữa tiền Quan Kim và tiền Đông Dương và thông qua danh sách các thẩm phán do Bộ Tư pháp đề cử.
Trước ngày 25/4/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên Hãng Thông tấn Pháp AFP. Người kêu gọi người Pháp phải thi hành đúng Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3 và tuyên bố: “Nước Việt Nam, một quốc gia không thể nhận những quyết nghị của một Chính phủ chỉ huy như chế độ toàn quyền Đông Dương cũ”.
Ngày 26/4/1946: 8 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo cho Hội đồng biết tướng Gioăng đi công cán ở Trung Hoa, ngày 25 tới Hà Nội, có đến thăm Người và Chính phủ Việt Nam. Sau đó, Hội đồng nghe báo cáo về tình hình phái đoàn ta ở Đà Lạt, tình hình nhân sự của Bộ Giáo dục, tình hình kinh tế, xã hội, ngoại giao, về tổ chức văn phòng các Bộ.
Ngày 27/4/1946: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hai phái viên Hãng Vô tuyến điện Pari đến xin thu thanh ý kiến của Người và ba bài hát: Tiến quân ca, Diệt phát xít, Hồ Chí Minh muôn năm để gửi về Pháp. Người nói: “Tôi gửi lời chào thân ái dân tộc Pháp. Mặc dầu có những trở lực hiện thời, tôi tin rằng sự hợp tác dân tộc Pháp và Việt sẽ đi đến kết quả vì hai dân tộc cùng theo đuổi lý tưởng chung: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.
Ngày 28: 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ông Huỳnh Thúc Kháng, ông Lê Văn Hiến và một số vị khác về Thái Bình sự Lễ khánh thành đê Mỹ Lộc và Hưng Nhân.
Ngày 29/4/1946: 8 giờ 30, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo việc Hội giúp binh sỹ bị nạn ở Huế mời Người ra làm Hội trưởng danh dự và các Bộ trưởng làm Hội viên danh dự của Hội. Hội đồng tán thành. Người đề nghị Chính phủ thông tư cho các địa phương nên tỏ lòng biết ơn đối với các chiến sỹ. Sau đó, Hội đồng bàn vấn đề tha chính trị phạm, vấn đề gặt chiêm và chống phá rừng và đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi công nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56, về việc bãi bỏ Đạo dụ số 69 ngày 31-10-1941 và quy định công nhân các công sở, tư sở, xí nghiệp trong toàn quốc đều được nghỉ việc Ngày Quốc tế Lao động 1-5 và được hưởng lương như ngày làm việc. Những quy định cụ thể về cách trả lương những trường hợp không thể ngừng nghỉ ngày đó được ghi rõ trong các điều 3,4,5 của Sắc lệnh này.
Năm 1947
Ngày 2/4/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nơi ở mới: Làng Xảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Lúc đầu, Người ở tạm trong nhà dân, sau ra ở trong một chiếc lán mái lợp lá, vách che liếp do các đồng chí phục vụ làm.
Từ ngày 3 đến ngày 6/4/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng, bàn việc cụ thể hoá đường lối kháng chiến, rút kinh nghiệm những tháng đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc.
Ngày 4/4/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Vũ Đình Huỳnh thông báo lại một số ý kiến của Giám mục Lê Hữu Từ trong thư gửi cho Người. Người căn dặn: "Nhiệm vụ của chú ở đó là để cùng với cụ Từ, dàn xếp việc xích mích giữa đồng bào lương giáo, để thực hiện đoàn kết kháng chiến. Vì vậy, chú cần phải khôn khéo và cẩn thận, từ lời nói cho đến việc làm". Và yêu cầu "Bất kỳ thế nào, chú phải lập tức đi gặp cụ Từ, và giải thích rõ ràng, làm cho hết sự hiểu lầm đó".
Ngày 7/4/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam nhắc phải làm gấp việc di chuyển các Bộ, và dặn: "Đường khó đi. Dù có xe hơi cũng không chắc đi được. Vậy, tốt nhất là dùng xe bò, xe ngựa". "Phải giải thích cho các bộ trưởng hiểu: Chịu khó mấy hôm mà an toàn, hơn là cầu yên và chờ nước đến chân mới nhảy, và dặn họ giải thích với gia quyến họ". "Phải cử người thạo việc đi theo để lúc gặp việc khó khăn, biết cách giải quyết và biết nâng đỡ tinh thần của đàn bà, trẻ con". Người còn viết thư gửi ông Lê Văn Hiến, yêu cầu khẩn trương di chuyển cơ quan và máy móc lên Việt Bắc để chủ động đề phòng quân Pháp tấn công.
Ngày 8/4/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam, nhắc nhở "một khuyết điểm chính trị rất to", đó là "trên đường Tuyên - Thái, xe cộ (vừa xe ngựa, xe ôtô) rất bừa bãi, không camouflé2 hoặc có cũng rất sơ sài. Như thế là dễ làm mồi cho phi cơ địch, dễ mất xe mất đồ đạc. Hai là địch dễ biết ta đi phương hướng nào". Người đề nghị"phải ra lệnh cho công an, tự vệ, hễ thấy bất kỳ thứ xe gì, không cải trang thì giữ lại bắt cải trang cẩn thận, rồi mới cho đi".
Ngày 9/4/1947: 17 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam báo tin quân địch chuẩn bị tấn công và chỉ thị "nhân viên và tài liệu Chính phủ phải dời ngay vào nơi an toàn. Lúc dời phải rất bí mật, chỉ một số người rất ít, rất cần thiết ở lại, nhưng cũng phải chuẩn bị sẵn sàng". Người đề nghị ông Nam báo ngay cho ông Lê Văn Hiến biết tin này.
Ngày 19/4/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp của Hội đồng Chính phủ bắt đầu từ 20 giờ 30. Cuộc họp kéo dài tới 2 giờ sáng hôm sau. Trọng tâm thảo luận là vấn đề ngoại giao. Kết thúc phiên họp, Người yêu cầu tất cả các vị Bộ trưởng nhanh chóng thu xếp chuyển vào an toàn khu ngay, càng sớm càng tốt.
Ngày 29/4/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào cả nước sau ngày Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng mất. Người ca ngợi nhân cách, đức độ, lòng yêu nước thương dân của cụ Huỳnh và kêu gọi toàn thể đồng bào hãy bày tỏ lòng tiếc thương đối với cụ bằng cách "càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến", bằng cách "theo gương dũng cảm, nối chí quật cường của cụ", bằng cách "hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời".
Ngày 30/4/1947: Hội đồng Chính phủ họp. Các thành viên ngồi trên mấy chiếc chiếu trải dài, giữa để mấy ngọn đèn dầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp. Cuộc họp bắt đầu lúc 19 giờ và kết thúc hồi 3 giờ sáng hôm sau (1-5) để bàn các việc:
- Cử người thay cụ Huỳnh Thúc Kháng và ông Hoàng Hữu Nam (vừa mới mất).
- Vấn đề trao đổi đại diện ngoại giao theo đề nghị của Chính phủ Inđônêxia.
- Việc thả tù binh và trao trả cho phía Pháp các cha cố người nước ngoài.
- Nghe báo cáo của các Bộ Quốc phòng và Tài chính.
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mọi người đứng dậy mặc niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng và ông Hoàng Hữu Nam. Người nói về thân thế và sự nghiệp cách mạng của hai vị. Sau đó, Chủ tịch báo cáo trước Hội đồng Chính phủ về tình hình chung trong nước và quốc tế.
Năm 1948
Trước ngày 4/4/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi Hội nghị Dân quân toàn quốc, biểu dương những ưu điểm và thành tích của phong trào chiến tranh du kích, đồng thời nêu những khuyết điểm "cần phải sửa chữa ngay" về nhận thức, tổ chức và huấn luyện.
Người đề ra bảy nhiệm vụ cụ thể, cũng là bảy nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mà dân quân du kích phải thực hiện để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình.
Ngày 5/4/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết 12 điều răn gửi anh chị em bộ đội, cơ quan Chính phủ và các đoàn thể, yêu cầu mọi người ai cũng cần phải nhớ và thực hành khi tiếp xúc hoặc sống chung với dân. 12 điều răn gồm 6 điều không nên và 6 điều nên làm, sau cùng là Bài thơ cổ động:
Mười hai điều trên,
Ai làm chả được.
Hễ người yêu nước,
Nhất quyết không quên.
Tập thành thói quen,
Muôn người như một.
Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Ngày 13/4/1948: Sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn việc giúp đỡ Bình - Trị - Thiên, công tác bảo vệ nội bộ, vấn đề khen thưởng, việc chuẩn bị kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến và một số vấn đề về kinh tế, nội vụ, quốc phòng, giáo dục, y tế, thi đua... Chiều, do cơn sốt tái phát, Người không dự họp được.
Ngày 15/4/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 178/SL, cho phép ông Burgi Anselm - kiều dân Thuỵ Sĩ, được nhập quốc tịch Việt Nam và lấy tên là Nguyễn Chiến Sĩ.
Ngày 20/4/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi Hội nghị Tổng bộ Việt Minh. Trong thư, Người nêu lại một số bài học kinh nghiệm thành công của Việt Minh trong chính sách đối nội, đối ngoại, lợi dụng mâu thuẫn của kẻ thù, đào tạo cán bộ, chính sách đại đoàn kết... Đồng thời, Người chỉ ra những khuyết điểm cần chú ý khắc phục để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Ngày 21/4/1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới gia đình cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng bức điện dưới đây:
"Gửi gia đình Huỳnh Bộ trưởng,
Nhân ngày giỗ đầu cố Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Cụ và xin gửi gia đình Cụ lời chào thân ái và quyết thắng.
Ngày 21 tháng 4 năm 1948
Hồ Chí Minh".
Trong tháng 4/1948:
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Quân sự tập san. Bức thư viết:
"Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông.
Thực hành mà không nghiên cứu thì thường hay bị mù quáng.
Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm".
Người còn căn dặn: "Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thì mỗi chiến sỹ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ".
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị kiến trúc sư. Bức thư có đoạn:
"Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc. Vì vậy kiến trúc là một việc rất quan hệ. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện nay và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai... đặc biệt là vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo sáng sủa và rẻ tiền".
Năm 1949
Ngày 1/4/1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục điều khiển phiên họp của Hội đồng Chính phủ, thảo luận thông qua chương trình kinh tế liên Bộ, kế hoạch quân sự và việc thay đổi nhân sự. Cùng ngày, Người gửi thư cảm ơn Công đoàn vận tải sông Thao đã gửi biếu Người một áo trấn thủ rất đẹp. Người căn dặn: Vận tải là một việc quan trọng cho Chính phủ và nhân dân. Rất mong mọi người ra sức cố gắng và thành công.
Ngày 6/4/1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Lũng Tầu chuyển đến Khâu Lấu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Ngày 15/4/1949: Bài Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng, ký bút danh L.T. của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Sự thật. Đề cập đến vấn đề phê bình, Người phê phán quan niệm cho rằng việc phê bình công khai sẽ làm mất uy tín, mất thể diện của người được phê bình và có thể sẽ bị địch lợi dụng. Theo Người, nghĩ như thế là "ốm mà sợ thuốc", là không hiểu ý nghĩa và sức mạnh của phê bình. Bài viết có đoạn: "Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao.
Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.
Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn".
Trước ngày 20/4/1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời điện phỏng vấn của báo Tribune. Về câu hỏi "Khi Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thì sẽ đối với người Pháp thế nào?", Người tuyên bố: "Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn. Song nhân dân Việt Nam kiên quyết cự tuyệt những người Pháp quân phiệt. Nói cho rõ hơn là: Cũng như những nước độc lập khác cự tuyệt quân đội ngoại quốc đóng trên đất nước mình, nhân dân Việt Nam kiên quyết cự tuyệt quân đội Pháp đóng ở Việt Nam".
Trước ngày 21/4/1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Nhà in Vui Sống một cuốn lịch kèm theo lá thư:
"Gửi anh em Nhà in Vui Sống.
Lịch này là thắng lợi phẩm của anh em du kích Thủ đô biếu tôi. Tôi gửi tặng anh em. Giải thưởng này rất có ý nghĩa: Mỗi ngày anh em nhớ đến chiến sỹ đang xung phong giết giặc trước mặt trận. Mỗi ngày anh em phải tiến bộ, phải tranh cho được một thắng lợi để góp vào thắng lợi chung của kháng chiến và kiến quốc.
Chào thân ái và quyết thắng
Hồ Chí Minh".
Ngày 27/4/1949: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân Lễ tốt nghiệp khóa 4 của nhà trường. Người căn dặn:
"Các chú học rồi. Bây giờ phải hành. Trong lúc hành phải học thêm mãi.
Nhiệm vụ của các chú là: Giúp đẩy mạnh cuộc cầm cự và chuẩn bị tổng phản công.
Mong các chú hăng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ. Và muốn làm tròn nhiệm vụ thì ngoài kỹ thuật, còn phải giữ vững đạo đức của quân nhân là: trí, nhân, tín, dũng, liêm".
Ngày 30/4/1949: Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng đồng bào và chiến sỹ.
Sau khi phân tích ý nghĩa ngày 1-5 ở nước ta, Người nêu những nhiệm vụ chính của mọi tầng lớp nhân dân (binh, sĩ, nông, công, thương) trong giai đoạn mới: Giai đoạn đẩy mạnh cầm cự, tích cực chuẩn bị tổng phản công.
Trong tháng 4/4/1949
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Quân nhân học báo. Bức thư có đoạn: "Quân nhân phải biết võ, phải biết văn. Võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học". Người căn dặn:
"Học không bao giờ cùng.
Học mãi để tiến bộ mãi.
Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm".
+ Trong tháng, Người còn gửi thư tới đồng bào vùng Hà Nội, nhờ Uỷ ban kháng chiến hành chính Hà Nội chuyển. Bức thư có đoạn: "Đồng bào trong và ngoài Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết. Vì vậy, mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết. Mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết". Người khuyên đồng bào vùng Hà Nội "trước đã cố gắng, nay cố gắng thêm; trước đã đoàn kết, nay đoàn kết hơn; tìm đủ mọi cách để phá hoại giặc, để giúp chiến sỹ ta". Và tin tưởng rằng: "Chúng ta chắc thắng, vì chúng ta quyết thắng".
+ Theo đề nghị của Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tỉnh Quảng Tây với phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng quyết định dùng bộ đội chủ lực của quân khu Việt Bắc và bộ đội địa phương hai tỉnh Lạng Sơn, Hải Ninh (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) mở chiến dịch "Thập vạn đại sơn", giúp Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mở rộng vùng căn cứ Ung - Long - Khâm.
Người căn dặn các cán bộ chỉ huy tham gia làm nghĩa vụ quốc tế 10 chữ:
"Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi".
+ Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời ông Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu là cậu và dượng của Người.
Toàn văn bức thư như sau:
"Gởi Ô. Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu xã Nam Liên, huyện Nam Đàn.
Kính trả lời cậu và dượng.
1- Tôi rất cảm ơn cậu và dượng đã gửi thư cho tôi.
Tôi chưa về thăm quê được, không phải vì vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: Trong lúc giặc Pháp đang dày xéo trên đất nước ta thì phận sự của mọi người Việt Nam là "vì nước quên nhà, vì công quên tư". Là một người đầy tớ chung của đồng bào tôi càng phải như thế. Vì vậy, tôi chưa kịp viết thư hoặc về thăm.
2- Nhân dân ta vừa đánh đổ chế độ phong kiến mấy nghìn năm và phá tan xiềng xích nô lệ gần một thế kỷ để xây dựng một nước Việt Nam mới.
Trong lúc lật đổ những tường vách cũ kỹ và đang xây đắp ngôi lâu đài mới thì chắc chắn không khỏi có những mụn bào, gạch bể và những thứ ghét rác khác. Chúng ta sẽ quét sạch dần dần.
Trong lúc kháng chiến và kiến quốc, nhân dân ta có những thành công to lớn, vẻ vang, nhưng cũng không khỏi có nhiều khuyết điểm. Chúng ta sửa chữa những khuyết điểm ấy dần dần. Chúng ta nhất định sửa chữa được vì chúng ta quyết tâm sửa chữa.
3- Bổn phận của tôi, Chính phủ cùng các cơ quan, đoàn thể địa phương, mà cũng là bổn phận của mỗi người dân là làm những việc có ích cho đồng bào, cho Tổ quốc.
Vì vậy, tôi và Chính phủ cùng các cơ quan, đoàn thể địa phương vui lòng nhận những phê bình, sáng kiến, đề nghị của đồng bào.
Đồng thời quốc dân thì có bổn phận triệt để thi hành mệnh lệnh của Chính phủ.
4- Tôi rất mong cậu và dượng cùng các cụ phụ lão, các vị thân hào, thân sỹ thường giúp tôi và Chính phủ bằng cách gửi những phê bình, sáng kiến và đề nghị.
Tôi lại mong cậu, dượng cùng các vị đôn đốc, giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong Thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc.
Kính gửi cậu và dượng và nhờ cậu và dượng chuyển đến thân thích nội ngoại, các cụ các vị và đồng bào trong xã, trong huyện lời chào thân ái và quyết thắng và cho các cháu nhi đồng nhiều cái hôn.
4-1949
Cháu
Hồ Chí Minh".
Huyền Trang (Tổng hợp)
Còn nữa