Chủ nhật, 22/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

188. Tạm ngừng phiên tòa - Căn cứ Điều 259 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Đây là quy định mới tại BLTTDS 2015:

 - Trong quá trình xét xử, HĐXX có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau:

+ Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người THTT không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người THTT.

+ Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt.

+ Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.

+ Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

+ Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải.

+ Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

- Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì HĐXX tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS. HĐXX phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và VKS cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.

189. Trình tự phát biểu khi tranh luận - Căn cứ Khoản 1, 3 Điều 260 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Bổ sung thêm 02 bước sau trong trình tự phát biểu khi tranh luận đã được đề cập tại BLTTDS 2004:

+ Các đương sự đối đáp theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

+ Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

- Bổ sung quy định sau:

Trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

190. Phát biểu khi tranh luận và đối đáp - Căn cứ Điều 261 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bãi bỏ quy định sau: “Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.”

191. Phát biểu của Kiểm sát viên - Căn cứ Điều 262 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Quy định cụ thể hơn trước:

Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, KSV phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, KSV phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

192. Nghị án - Căn cứ Khoản 2 Điều 264 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Làm rõ quy định sau:

Chỉ có các thành viên HĐXX mới có quyền nghị án.

Khi nghị án, các thành viên HĐXX phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.

193. Bản án sơ thẩm - Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 266 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài 3 phần đã được đề cập tại BLTTDS 2004 là Phần mở đầu, phần nội dung và nhận định thì bổ sung thêm phần quyết định của Tòa án.

- Tại phần nội dung của bản án sơ thẩm, bổ sung quy định sau: Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp chưa có điều luật áp dụng thì thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan.

 - Và phần quyết định của Tòa án phải tuân thủ quy định sau: Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của HĐXX về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó.

Bổ sung quy định sau: Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành (nếu có) theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy và ghi rõ trong bản án.

194. Tuyên án - Căn cứ Điều 267 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Ngoài các quy định đã được đề cập tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau: HĐXX tuyên đọc bản án với sự có mặt của các đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức và cá nhân khởi kiện. Trường hợp đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng vắng mặt khi tuyên án hoặc vắng mặt trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp thì HĐXX vẫn tuyên đọc bản án.

Trường hợp Tòa án xét xử kín do cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì HĐXX chỉ tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án.

- Bao quát trường hợp cần có người phiên dịch:

Trường hợp đương sự cần có người phiên dịch thì người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án hoặc phần mở đầu và phần quyết định của bản án được tuyên công khai.

195. Sửa chữa, bổ sung bản án - Căn cứ Khỏan 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Làm rõ vai trò của Thẩm phán với các HTND trong trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án: Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định thì Thẩm phán phối hợp với các HTND là thành viên HĐXX đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, VKS cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.

196. Cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án - Căn cứ Khoản 3, 4 Điều 269 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài các quy định đã được đề cập tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau:

- Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án giải quyết VADS bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và công bố công khai trên một trong các báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương trong ba số liên tiếp.

 Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án có liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải được Tòa án cấp sơ thẩm gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bồi thường nhà nước.

Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân phải được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo Luật Hộ tịch.

Thời hạn niêm yết, công bố, gửi bản án, thông báo là 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

- Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ bản án, quyết định của Tòa án có chứa thông tin có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự.

PHẦN THỨ BA: THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TẠI TÒA ÁN CẤP PHÚC THẨM

 Chương XV: Tính chất của xét xử phúc thẩm và kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm

197. Tính chất của xét xử phúc thẩm - Căn cứ Điều 270 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Làm rõ đó là việc xét xử lại của Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp thay vì quy định là việc xét xử lại của Tòa án cấp trên trực tiếp:

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

198. Người có quyền kháng cáo - Căn cứ Điều 271 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bổ sụng cụm từ “cá nhân” vào quy định sau:

Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, quyết định đình chỉ giải quyết VADS của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

199. Đơn kháng cáo - Căn cứ Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 272 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Làm rõ một số nội dung trong đơn kháng cáo:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo.

+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo.

+ Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

+ Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo.

+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

- Bổ sung các quy định sau:

Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi TTDS có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Người kháng cáo nêu trên nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo, của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp doanh nghiệp kháng cáo thì việc sử dụng con dấu theo Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ. Việc ủy quyền nêu trên phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

200. Thời hạn kháng cáo - Căn cứ Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Làm rõ trường hợp vắng mặt của đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện: Đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đưng sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

(Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm không thay đổi so với trước)

- Bổ sung mốc thời điểm tính thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án: Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của BLTTDS 2015.

- Quy định cụ thể đối với các trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc người kháng cáo bị tạm giam: Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.

201. Kiểm tra đơn kháng cáo - Căn cứ Khoản 3, 4 Điều 274 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định thì được quyền làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung: Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo.

- Bổ sung trường hợp trả lại đơn kháng cáo như sau: Tòa án trả lại đơn kháng cáo trong các trường hợp sau:

+ Người kháng cáo không có quyền kháng cáo.

+ Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án.

+ Trường hợp hết thời hạn quy định mà không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

202. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn - Căn cứ Khoản 2 Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Làm rõ trường hợp xem xét kháng cáo quá hạn:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện VKS cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, KSV vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

- Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện VKS tại phiên họp, HĐXX kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.

 Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và VKS cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do BLTTDS 2015 quy định.

203. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm - Căn cứ Khoản 2 Điều 276 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài các quy định đã được đề cập tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau: Trường hợp sau khi hết thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn.

204. Thông báo về việc kháng cáo - Căn cứ Khoản 1 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bổ sụng cụm từ “tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo” vào quy định sau:

Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho VKS cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo.

205. Thời hạn kháng nghị - Căn cứ Khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài các quy định đã được đề cập tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau: Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của VKS mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu VKS giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do.

206. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị - Căn cứ Khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bổ sung cụm từ “bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm” vào quy định sau: Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay.

207. Gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị - Căn cứ Điều 283 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Quy định lại nội dung này như sau:

Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày:

- Hết thời hạn kháng nghị.

- Hết thời hạn kháng cáo, người kháng cáo đã nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

208. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị - Căn cứ Khoản 1, 3, 4 Điều 284 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bổ sung các quy định sau bên cạnh các quy định đã đựơc đề cập tại BLTTDS 2004:

- Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.

Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định thì VKS đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu.

- Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do HĐXX quyết định.

- Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho VKS cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.

Chương XVI: Chuẩn bị xét xử phúc thẩm

209. Thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm - Căn cứ Khoản 1 Điều 285 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài đương sự và VKS cùng cấp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện cũng có quyền được thông báo về việc thụ lý vụ án, đồng thời, thông tin này phải được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và VKS cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

210. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm - Căn cứ Khoản 3, 4 Điều 286 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài các quy định được nêu tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau:

- Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

- Thời hạn này không áp dụng đối với vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài.

211. Cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm - Căn cứ Điều 287 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Đây là quy định mới tại BLTTDS 2015:

 - Đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:

+ Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng.

+ Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

- Thủ tục giao nộp tài liệu, chứng cứ được thực hiện theo quy định đã đề cập ở phần trước.

212. Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án - Căn cứ Khoản 2 Điều 288 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài quy định tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau:

Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và được gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, VKS cùng cấp.

213. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án - Căn cứ Khoản 4 Điều 289 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bổ sung quy định sau bên cạnh các quy định tại BLTTDS sửa đổi 2011:

Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi ngay cho đương sự, cơ quan tổ chức, cá nhân khởi kiện, VKS cùng cấp.

214. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm - Căn cứ Điều 290 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Đây là quy định mới được đề cập tại BLTTDS 2015:

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải có các nội dung chính sau:

- Các nội dung sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên Tòa án ra quyết định; Vụ án được đưa ra xét xử; Tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện quy định, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa; Xét xử công khai hoặc xét  xử kín; Họ, tên người được triệu tập tham gia phiên tòa.

- Họ, tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ, tên Thẩm phán dự khuyết (nếu có).

- Họ, tên, tư cách tham gia tố tụng của người kháng cáo.

- VKS kháng nghị (nếu có).

- Họ, tên KSV tham gia phiên tòa; họ, tên KSV dự khuyết (nếu có).

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi cho đương sự, VKS cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

215. Chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu - Căn cứ Khoản 1 Điều 292 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Cùng với chuyển hồ sơ thì Tòa án cấp phúc thẩm có trách nhiệm chuyển quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp:

Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp nghiên cứu.

Chương XVII: Thủ tục xét xử phúc thẩm

216. Phạm vi xét xử phúc thẩm - Căn cứ Điều 293 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Làm rõ việc chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:

Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị.

217. Hoãn phiên tòa phúc thẩm - Căn cứ Khoản 1, 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Sửa đổi quy định trong trường hợp KSV tham gia phiên toà phúc thẩm vắng mặt: KSV được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp VKS có kháng nghị phúc thẩm.

- Sửa đổi quy định trong trường hợp được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt: Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.

Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.

 Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

218. Hỏi về việc kháng cáo, kháng nghị và xử lý việc thay đổi kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa - Căn cứ Khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài quy định đã được đề cập tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau: Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, VKS rút một phần kháng nghị thì Tòa án chấp nhận việc rút kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp người kháng cáo, VKS bổ sung nội dung mới vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu thì Tòa án không xem xét nội dung đó.

219. Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm - Căn cứ Điều 301 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Đây là quy định mới được nêu tại BLTTDS 2015:

Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm thực hiện theo quy định như đối với phiên tòa sơ thẩm.

220. Tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm - Căn cứ Điều 304 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Đây là quy định mới được đề cập tại BLTTDS 2015:

Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như đối với phiên toà sơ thẩm.

221. Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm - Căn cứ Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 305 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài quy định đã được đề cập tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định về trình tự tranh luận đối với kháng cáo, kháng nghị:

- Trình tự tranh luận đối với kháng cáo được thực hiện như sau:

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo trình bày. Người kháng cáo có quyền bổ sung ý kiến.

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tranh luận, đối đáp. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến.

+ Khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể yêu cầu các đương sự tranh luận bổ sung về những vấn đề cụ thể để làm căn cứ giải quyết vụ án.

- Trình tự tranh luận đối với kháng nghị được thực hiện như sau:

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng nghị. Đương sự có quyền bổ sung ý kiến.

+ KSV phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu.

- Trường hợp đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự mình tranh luận.

- Trường hợp vắng mặt một trong các đương sự và người tham gia tố tụng khác thì chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận và đối đáp.

222. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm - Căn cứ Điều 306 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bên cạnh các quy định đã được đề cập tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau:

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, KSV phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

223. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm - Căn cứ Khoản 5, 6 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài các quyền đã được nêu tại BLTTDS 2004, bổ sung 2 quyền sau:

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm.

- Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án TAND tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý.

224. Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm - Căn cứ Điều 310 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Thêm cụm từ “ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” vào quy định sau: HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.

- Thành phần của HĐXX sơ thẩm không đúng quy định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

225. Đình chỉ xét xử phúc thẩm - Căn cứ Điều 312 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Đây là quy định mới được đề cập tại BLTTDS 2015:

HĐXX phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, VKS rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

- Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà không có mặt, trừ trường hợp vụ án có người khác kháng cáo, VKS kháng nghị.

226. Bản án phúc thẩm - Căn cứ Khoản 4, 5 Điều 313 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Làm rõ quy định phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị và nhận định và phần quyết định:

+ Trong phần nội dung vụ án, kháng cáo, kháng nghị và nhận định phải tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; nội dung kháng cáo, kháng nghị.

Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, những căn cứ pháp luật mà Tòa án áp dụng, nếu vụ án thuộc trường hợp chưa có quy định pháp luật để áp dụng thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giải quyết các vấn đề khác có liên quan.

Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí sơ thẩm, phúc thẩm, chi phí tố tụng (nếu có).

- Bổ sung quy định sau:

Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành (nếu có) theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy và ghi rõ trong bản án.

227. Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị - Căn cứ Khoản 2 Điều 314 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Quy định rõ thời hạn Tòa án phải mở phiên họp phúc thẩm:

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án có quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án phải mở phiên họp phúc thẩm để xem xét quyết định đó; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng. KSV VKS cùng cấp tham gia phiên họp phúc thẩm. KSV vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp VKS có kháng nghị.

228. Gửi bản án, quyết định phúc thẩm - Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 315 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài các quy định đã được đề cập tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau:

 Bản án, quyết định phúc thẩm có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và công bố công khai trên một trong các báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương trong ba số liên tiếp.

Bản án, quyết định phúc thẩm có liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải được Tòa án cấp phúc thẩm gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bồi thường nhà nước.

Bản án, quyết định phúc thẩm có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật phải được Tòa án cấp phúc thẩm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án, quyết định cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo quy định của Luật Hộ tịch.

- Bản án phúc thẩm được Tòa án cấp phúc thẩm công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), trừ trường hợp có chứa thông tin có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự.

PHẦN THỨ TƯ: GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ THEO THỦ TỤC RÚT GỌN

Chương XVIII: Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm

229. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn - Căn cứ Điều 316 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết VADS có đủ điều kiện theo quy định BLTTDS 2015 với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các VADS thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

- Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của BLTTDS 2015 để giải quyết vụ án.

- Trường hợp luật khác có quy ịnh tranh chấp dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc giải quyết tranh chấp đó được thực hiện theo thủ tục quy định tại Phần này.

230. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn - Căn cứ Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau:

+ Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ.

+ Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ rang.

+ Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

- Đối với vụ án lao động đã được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn mà người sử dụng lao động có quốc tịch nước ngoài hoặc người đại diện theo pháp luật của họ đã rời khỏi địa chỉ nơi cư trú, nơi có trụ sở mà không thông báo cho đương sự khác, Tòa án thì bị coi là trường hợp cố tình giấu địa chỉ. Tòa án vẫn giải quyết vụ án đó theo thủ tục rút gọn này.

- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới sau đây làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường:

+ Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định.

+ Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá.

+ Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

+ Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

+ Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập.

+ Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài trừ khi đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự  đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

- Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

231. Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn - Căn cứ Điều 318 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Trong thời hạn không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định.

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn phải có các nội dung chính sau:

+ Ngày, tháng, năm ra quyết định.

+ Tên Tòa án ra quyết định.

+ Vụ án được đưa ra xét xử theo thủ tục rút gọn.

+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của nguyên đơn, bị đơn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

+ Họ, tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ, tên Thẩm phán dự khuyết (nếu có).

+ Họ, tên Kiểm sát viên; họ, tên Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có).

+ Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa.

+ Xét xử công khai hoặc xét xử kín.

+ Họ, tên những người được triệu tập tham gia phiên tòa.

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn phải được gửi ngay cho đương sự, VKS cùng cấp.

Trường hợp VKS thamgia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp vụ án chưa có quy định pháp luật áp dụng thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho VKS cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, VKS phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án.

232. Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn - Căn cứ Điều 319 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, đương sự có quyền khiếu nại, VKS cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định.

 - Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định sau:

+ Giữ nguyên quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn.

+ Hủy quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

 - Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và phải được gửi ngay cho đương sự, VKS cùng cấp.

233. Phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn - Căn cứ Điều 320 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Các đương sự, KSV VKS cùng cấp phải có mặt tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn. Trường hợp KSV vắng mặt thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử. Đương sự có quyền đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa.

- Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa như đối với phiên tòa sơ thẩm.

- Sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành hòa giải, trừ trường hợp không được hòa giải theo hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định.

Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử.

Việc trình bày, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án được thực hiện như đối với phiên tòa sơ thẩm.

- Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới theo quy định đã nêu làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét, ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

234. Hiệu lực của bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn - Căn cứ Điều 321 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm rút gọn.

- Bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTDS 2015.

Chương XIX: Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp phúc thẩm

235. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với bản án, quyết định theo thủ tục rút gọn - Căn cứ Điều 322 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 07 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc bản án, quyết định được niêm yết.

- Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của VKS cùng cấp là 07 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định.

236. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn - Căn cứ Điều 323 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tuỳ từng trường hợp, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm ra một trong các quyết định sau:

  Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

 + Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.

+ Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

- Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải có nội dung sau:

+ Các nội dung sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên Tòa án ra quyết định; Vụ án được đưa ra xét xử; Tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện quy định, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa; Xét xử công khai hoặc xét xử kín; Họ, tên người được triệu tập tham gia phiên tòa.

+ Họ, tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ, tên Thẩm phán dự khuyết (nếu có).

+ Họ, tên, tư cách tham gia tố tụng của người kháng cáo.

+ VKS kháng nghị (nếu có).

+ Họ, tên KSV tham gia phiên tòa; họ, tên KSV dự khuyết (nếu có).

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm phải được gửi ngay cho những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị và VKS cùng cấp kèm theo hồ sơ vụ án để nghiên cứu.

Thời hạn nghiên cứu hồ sơ của VKS cùng cấp là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án; hết thời hạn đó, VKS phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.

- Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn.

- Trường hợp xuất hiện tình tiết mới quy định thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường..

237. Thủ tục phúc thẩm rút gọn đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị - Căn cứ Điều 324 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm.

- Các đương sự, KSV VKS cùng cấp phải có mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Trường hợp KSV vắng mặt thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp VKS có kháng nghị phúc thẩm. Đương sự có quyền đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

Trường hợp đương sự không kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa.

- Thẩm phán trình bày tóm tắt nội dung bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, nội dung của kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trình bày, đương sự bổ sung ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án.

- Sau khi kết thúc việc tranh luận và đối đáp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

- Khi xem xét bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Thẩm phán có quyền sau:

+ Giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

+ Sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

+ Hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc theo thủ tục thông thường nếu không còn đủ các điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

+ Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra bản án, quyết định.

PHẦN THỨ NĂM: THỦ TỤC XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Chương XX: Thủ tục giám đốc thẩm

238. Tính chất của giám đốc thẩm - Căn cứ Điều 325 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Bao hàm hết các trường hợp thực hiện giám đốc thẩm:

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ nêu sau.

239. Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm - Căn cứ Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Làm rõ các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:

+ Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.

+ Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

- Bổ sung quy định sau:

Người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và có đơn đề nghị theo quy định tại Điều 328 của Bộ luật này hoặc có thông báo, kiến nghị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 327 của Bộ luật này; trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị.

240. Phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm - Căn cứ Khoản 3 Điều 327 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Ngoài các quy định đã đề cập tại BLTTDS sửa đổi 2011, bổ sung quy định sau:

Chánh án TAND cấp tỉnh kiến nghị Chánh án TAND cấp cao hoặc Chánh án TAND tối cao, Chánh án TAND cấp cao kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có một trong các căn cứ nêu trên.

241. Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm - Căn cứ Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Nội dung đơn đề nghị không thay đổi, bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp:

Trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo Luật doanh nghiệp.

242. Thủ tục nhận đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm - Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 329 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

- Ngoài các quy định đã được nêu tại BLTTDS 2004, bổ sung quy định sau:

Tòa án, VKS chỉ thụ lý đơn đề nghị khi có đủ các nội dung quy định trên. Trường hợp đơn đề nghị không có đủ điều kiện thì Tòa án, VKS yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, VKS; hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì Tòa án, VKS trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.

- Làm rõ quy định sau:

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công  người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

 Chánh án TAND tối cao phân công Thẩm phán TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao phân công KSV VKSND tối cao nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, quyết định kháng nghị. Trường hợp không kháng nghị  thì Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao tự mình hoặc ủy quyền cho Thẩm phán TAND tối cao, KSV VKSND tối cao thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.

Huyền Trang (Tổng hợp)
Còn nữa

Bài viết khác: