Chỉ mục bài viết

Ngày 01/11

“Tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ”.

Ngày 01/11/1922, trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đảng Cộng sản và vấn đề thuộc địa” khẳng định: “Những người cộng sản ở chính quốc biết được nỗi khổ của các bạn... Đảng chủ trương nỗ lực để cứu vớt tất cả những anh em ở các thuộc địa..., đảng sẵn sàng để các bạn tuyên truyền trên báo chí của đảng… Đảng yêu cầu nhất là các bạn đoàn kết lại... Vì hòa bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức!”1, văn bản này đã được thông qua tại Đại hội II Đảng Cộng sản Pháp. Cùng ngày, tờ “Le Paria” còn đăng bài “Vụ hành hạ Amđuni và Ban Benkhia” của Nguyễn Ái Quốc tố cáo tội ác thực dân ở thuộc địa Tuynidi.

Ngày 01/11/1941, Nguyễn Ái Quốc sáng tác bài “Ca binh lính” đăng trên báo “Việt Nam Độc Lập” nhằm mục tiêu binh vận:

“Hai tay cầm khẩu súng dài,

Nhắm đi nhắm lại, bắn ai thế này?...”2

và kêu gọi sự giác ngộ:

“Trong tay đã sẵn súng này,

Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành.

Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh:

“Việt binh cứu quốc” rạng danh muôn đời!”3 .

Ngày 01/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Ngoại trưởng Mỹ Giêm Biếcnơ nêu rõ "nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác... tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam”4.

Tháng 11/1950, Bác gửi thư tới các cụ phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình động viên: “Nhờ toàn dân ta hăng hái, bộ đội ta dũng cảm, Chính phủ ta kiên quyết mà nay toàn tỉnh ta đã được giải phóng khỏi xiềng xích của bọn thực dân hung tàn”5 và xác định những nhiệm vụ: “Chúng ta phải: Toàn dân đoàn kết chặt chẽ. Thi đua ủng hộ kháng chiến. Thi đua tăng gia sản xuất. Thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Chớ chủ quan khinh địch, phải cẩn thận đề phòng”6. Cũng trong thời gian này, sau Chiến thắng Biên giới, Bác viết mấy vần thơ gửi tới Luật sư Phan Anh:

“Đất chuyển, trời xoay, bể mịt mù.

Thu này, kháng chiến đã ba thu.

Hoàn toàn thắng lợi, vài thu chắc.

Một túi thơ tiên, một rượu bù...”(một bầu - TG)7.

Ngày 01/11/1953, Bác gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Xô viết nhân kỷ niệm 36 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và nhấn mạnh: “Tình hữu hảo anh em luôn luôn thắm thiết của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam là một sự nâng đỡ quý báu cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”8 .

Ngày 01/11/1959, Bác viết thư chào mừng Đại hội những người sản xuất trẻ của Thủ đô Hà Nội: “Bác thân ái chúc các cháu/ Mạnh khỏe, vui vẻ/ Đoàn kết chặt chẽ/ Luôn luôn thi đua/ Đưa cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ/ Vươn lên hàng đầu trong mọi công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

Ngày 02/11

“Chia rẽ thì suy yếu”.

Ngày 02/11/1922, trên báo “L’ Humanité” (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Sự chăm sóc ân cần”, bằng một giọng văn châm biếm tố cáo những chính sách cai trị của thực dân và phản bác lại những luận điệu tuyên truyền của Toàn quyền Đông Dương Anbe Xaru.

Tháng 11/1929, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm (Thái Lan) qua Trung Quốc chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức cách mạng thống nhất của nước ta. Trong thời gian ở Xiêm, dưới bí danh là “Thầu Chín”, Bác xây dựng lực lượng trong cộng đồng Việt kiều đông đảo... Về lý do rời Xiêm, sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (tác giả Trần Dân Tiên) viết: Ông biết rõ tình hình trong nước. Hai việc quan trọng làm ông từ giã nhà chùa và nước Xiêm. Việc thứ nhất là cuộc bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng đang chuẩn bị. Nhận xét cuộc bạo động đấy quá sớm và khó thành công, ông muốn bàn lại với anh em Quốc dân đảng... Việc thứ hai: Vừa mới đây “Tân Việt” và “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” lại chia ra hai nhóm. Mỗi nhóm tổ chức thành một Đảng cộng sản. Như thế, lúc bấy giờ ở Việt Nam có ba đảng cộng sản. Mặc sự khủng bố của Pháp, “Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” phát triển rất nhanh chóng. Nhưng sự chia rẽ đã làm cho những người yêu nước lo lắng. Vì chia rẽ thì suy yếu.

Ngày 02/11/1942, trong thời gian bị bọn quân phiệt Trung Hoa Quốc dân đảng bắt giam, Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Đồng Chính, một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Bác sáng tác bài thơ thứ 44 trong tập thơ chữ Hán “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù). Bài thơ mang tên “Đồng Chính” được nhà thơ Nam Trân dịch ra quốc ngữ:

“Binh Mã thế nào Đồng Chính vậy,

Bữa lưng bát cháo bụng cồn cào,

Nước và ánh sáng thì dư dật,

Ngày lại hai lần mở cửa lao”9.

(Binh Mã là tên gọi nơi bị giam giữ trước khi được giải sang Đồng Chính - TG).

Ngày 02/11/1945, Báo Cứu Quốc đăng bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời nhà báo về tuyên bố ngày 26/10/1945 của Tổng thống Mỹ Truman khi đưa ra các luận điểm: Mỹ không nghĩ tới sự mở mang bờ cõi; tin vào sự trở lại chủ quyền của các dân tộc; không tán thành sự thay đổi lãnh thổ mà không được các dân tộc ưng thuận; các dân tộc được tự chọn lấy chính thể; không một chính phủ nào được thành lập bằng sức áp bức của vũ lực. Vì thế, “nhân dân Việt Nam đối với lời tuyên bố của Tổng thống Truman rất hoan nghênh và chắc rằng nước Mỹ sẽ làm cho những lời tuyên bố ấy thực hiện ngay, nó đặt nền móng cho hòa bình và hạnh phúc của nhân loại và trước hết là cho các dân tộc nhỏ yếu”10 .

Ngày 02/11/1963, Bác viết bài “Nhiệt liệt chúc mừng và ra sức ủng hộ Angiêri anh em” đăng trên Báo Nhân Dân nhân kỷ niệm 7 năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân. Bài báo khẳng định: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Angiêri đã là anh em trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, ngày nay là anh em trong cuộc đấu tranh xây dựng đất nước”11.

Ngày 02/11/1964, Bác viết bài “Cần phải chăn nuôi tốt trâu bò” đăng trên Báo Nhân Dân, với bút danh “T.L.”. Bác nêu tầm quan trọng của loại đại gia súc gắn liền với cơ nghiệp của người nông dân cần được chăm sóc, đặc biệt là chống rét. Bài báo cũng biểu dương những gương tốt để bà con học tập.

Ngày 03/11

“Còn non, còn nước, còn người hôm nay”.

Ngày 03/11/1920, Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu người Việt Nam đã tham dự cuộc họp do Nhóm Ủy ban Quốc tế III, Quận 13, một tổ chức phái tả trong Đảng Xã hội Pháp đang tích cực vận động chuyển hóa theo Quốc tế Cộng sản.

Ngày 03/11/1946, sau khi thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội: “Theo ý Quốc hội, Chính phủ mới phải tỏ rõ tinh thần đại đoàn kết, không phân đảng phái... Kết quả là, có những vị có tài năng nhận lời tham gia Chính phủ... Lại có nhiều vị đứng ngoài sẵn sàng ra sức giúp đỡ... Dầu ở trong hay ở ngoài Chính phủ ai nấy đều hứa sẽ cố gắng làm việc, một lòng vì nước, vì dân... Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới. Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Đặc biệt là đồng bào Nam bộ không những ở tiền tuyến xung phong giữ gìn đất nước, mà lại còn hăng hái dự vào việc kiến thiết quốc gia. Trong công việc của Chính phủ sẽ còn nhiều bước khó khăn, nhưng nhờ sức ủng hộ của Quốc hội, và toàn thể quốc dân, Chính phủ sẽ cương quyết đi đến mục đích”12.

Cùng ngày, Bác gặp lại người anh trai của mình là ông Nguyễn Sinh Khiêm, tên chữ là Nguyễn Tất Đạt từ Nghệ An ra Thủ đô. Trong câu chuyện hàn huyên giữa hai anh em ruột xa cách nhau hơn ba mươi năm, Bác có đọc câu thơ:

“Chốc đà mấy chục năm trời,

Còn non, còn nước, còn người hôm nay”13.

Ngày 03/11/1961, trong chuyến sang Mátxcơva, tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, Bác Hồ đến thăm Trường Trung học số 415. Nói chuyện với học sinh nhà trường, Bác căn dặn: “Người cộng sản phải có đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Đạo đức cộng sản chủ nghĩa đối với các cháu không giống như đối với người lớn... Đạo đức cộng sản chủ nghĩa đối với các cháu là chăm học, giúp người lớn, đoàn kết, có kỷ luật tốt...”14.

Ngày 03/11/1968, Bác ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước nhân việc Chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt việc ném bom trên toàn bộ miền Bắc nước ta: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi... Tổ quốc đang kêu gọi chúng ta hăng hái tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”15.

Ngày 04/11

“Nhân dân Việt Nam rất yêu mến và biết ơn nhân dân Liên Xô”.

Ngày 04/11/1920, báo “L’Humanité”(Nhân Đạo) đăng bài “Ở Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc nhắc đến cuộc đình công của thủy thủ Việt Nam tại bến cảng Hải Phòng khi hai chiếc tàu chuẩn bị đưa một số lượng lớn binh lính Việt Nam sang Xyri. Bài báo tố cáo: “Chúng tôi cực lực phản đối việc đưa lính An Nam sang Xyri... Nước Pháp đang để cho hàng triệu anh em chúng ta chết đói, trong khi đó hàng nghìn người khác bị đưa sang Tiểu Á làm bia đỡ đạn”16.

Ngày 04/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai giảng Trường Thương mại thực hành ở Hà Nội. Bác căn dặn học sinh gắng thực hiện “Đời sống mới”, siêng năng học tập để trở thành những cán bộ kinh tế giỏi của tương lai.

Tháng 11/1948, Bác gửi thư khen ngợi Đội du kích Thủ đô và những lực lượng đã tham gia cuộc tấn công vào Hà Nội đêm 04/11/1948. Thư có đoạn: “Hà Nội là quả tim quân sự, chính trị và kinh tế của địch. Du kích Thủ đô và Vệ quốc quân cần phải thường khuấy rối quả tim của địch cho đến ngày tổng phản công. Du kích Thủ đô đã oanh liệt lập công lần đầu. Tôi chắc rằng từ nay du kích Thủ đô sẽ lập công nhiều hơn nữa, to hơn nữa”17.

Ngày 04/11/1949, Bác ký Sắc lệnh quy định nghĩa vụ quân sự cho công dân nam từ độ tuổi 18 đến 45, với thời hạn là hai năm và có thể kéo dài nếu có chiến tranh; Sắc lệnh thành lập Liên khu Việt Bắc là nơi đặt đầu não của cuộc kháng chiến. Tháng 11/1949, Bác treo thưởng cho đơn vị chiến đấu giỏi ở Thủ đô là một khẩu súng “Thompson” do Đoàn đại biểu Nam bộ mang từ miền Nam ra tặng Bác.

Tháng 11/1951, Bác viết “Thư gửi các cán bộ, chiến sỹ chủ lực và dân quân du kích trong Chiến dịch Hòa Bình”, trong đó nêu rõ: “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta. Muốn thắng, thì ta phải tích cực, tự động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh. Nhưng tuyệt đối chớ chủ quan, khinh địch... Bác chờ nhiều báo cáo thắng trận của các chú”18.

Ngày 04/11/1953, Báo Cứu Quốc - cơ quan Mặt trận Liên Việt Long Châu Sa đưa tin Bác Hồ gửi cho quân dân Nam bộ số tiền 1.000.000 đồng để làm giải thưởng cho quân và dân Nam bộ có thành tích thi đua giết giặc lập công.

Ngày 04/11/1954, phát biểu tại lễ nhận Quốc thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Liên Xô, Bác khẳng định: “Trong công cuộc đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của mình, nhân dân Việt Nam luôn luôn được sự đồng tình thắm thiết và sự ủng hộ khẳng khái của nhân dân Liên Xô. Cho nên nhân dân Việt Nam rất yêu mến và biết ơn nhân dân Liên Xô”19.

Ngày 04/11/1964, tại cuộc họp Bộ Chính trị chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 10, Bác đề nghị cần đề cập nhiều hơn nữa vấn đề thực hành tiết kiệm, vì ở nước ta tiết kiệm là cơ sở để tích luỹ tái sản xuất và chú trọng tầm quan trọng của quy luật cân đối trong nền kinh tế, phải thấy sự khác nhau giữa giá cả, thị trường của ta và các nước tư bản. Bác còn đề nghị vấn đề lao động phải là một mục riêng, vì lao động làm ra giá trị, phải sử dụng lao động để tạo ra giá trị cao nhất.

Ngày 05/11

“Thực hiện được toàn dân kháng chiến, phần thắng thế nào cũng về ta!”

Ngày 05/11/1925, với bí danh Nilốpxki, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân đưa ra những nhận xét và đánh giá về đội ngũ nông dân Trung Quốc. Thư cũng cho biết Nguyễn Ái Quốc chưa thực hiện được việc liên hệ với Ban Chấp hành Quốc dân đảng Trung Hoa như nhiệm vụ được giao.

Ngày 05/11/1930, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Quốc tế Nông dân báo cáo về phong trào nông dân tại bảy tỉnh Nam bộ (Gia Định, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho) và hai tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh với nhận định: “Đế quốc Pháp khủng bố phong trào nông dân dữ dội chưa từng thấy... nhiều làng đỏ bị triệt hạ và đốt trụi. Mặc dầu bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển"20. Thư cũng cho biết dự kiến sẽ tổ chức Đại hội Nông dân lần thứ nhất và đặt vấn đề “Quốc tế Nông dân có thể giúp đỡ cho các nạn nhân bị khủng bố thì rất hay”.

Ngày 05/11/1945, tại Quảng trường trước Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự “Ngày Kháng chiến” để biểu thị sự ủng hộ cuộc kháng chiến oanh liệt của đồng bào Nam bộ. Trong diễn văn đọc trước dân chúng, Bác nhấn mạnh: “... Vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta. Chúng ta không ghen ghét gì dân Pháp, nước Pháp, chúng ta chỉ kiên quyết chống chế độ nô lệ và chính sách tàn nhẫn của bọn thực dân Pháp. Chúng ta không đi cướp nước ai. Chúng ta chỉ giữ gìn nước ta và chống lại bọn Pháp đi cướp nước. Vì vậy chúng ta không cô độc. Những nước yêu chuộng hòa bình và dân chủ, những dân tộc nhỏ yếu trong thế giới đều đồng tình với ta. Vì toàn dân đoàn kết ở trong, vì nhiều bạn đồng tình ở ngoài, cho nên chúng ta nhất định thắng lợi...”21.

Cùng ngày, Bác ra “Lời kêu gọi kiều bào Việt Nam ở Pháp”: “Đồng bào hãy làm cho thế giới văn minh và nhất là dân tộc Pháp nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc. Các bạn hãy chiến đấu để phá tan những sự điêu toa của bọn thực dân Pháp đang tuyên truyền một cách bỉ ổi... Đồng bào hãy tỏ ra là xứng đáng với những anh em đang chiến đấu anh dũng ở Nam Bộ để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà”22.

Cũng trong ngày 05/11/1945, trên Báo Cứu Quốc đăng bài “Toàn dân kháng chiến” của Bác đưa ra quan điểm “muốn kháng chiến lâu dài để tới thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng mới mong đi tới thắng lợi cuối cùng... Cho nên, trước nguy cơ dân tộc, là dân tộc mất nước, phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến cả tính mạng cũng không tiếc... Thực hiện được toàn dân kháng chiến, phần thắng thế nào cũng về ta”23.

Ngày 05/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo văn kiện quan trọng “Công việc khẩn cấp bây giờ” trong đó xác định hai nội dung quan trọng là “Kháng chiến kiến quốc” và “Trường kỳ kháng chiến”, coi đó là hai tư tưởng quán triệt toàn bộ công cuộc bảo vệ nền độc lập vào thời điểm nghiêm trọng này với những định hướng cụ thể: “Tổ chức du kích khắp nơi. Tăng gia sản xuất khắp nơi. Dù phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần. Ta sẽ giữ tất cả thôn quê. Khi chỉ có hai bàn tay trắng, với một số đồng chí bí mật, le lói trong rừng, ta còn gây nên cơ sở kháng Nhật, kháng Pháp. Huống gì bây giờ, ta có quân đội, có nhân dân. Nam Bộ, địa thế khó, chuẩn bị kém, mà kháng chiến đã hơn một năm. Ta địa thế tốt, lực lượng nhiều hơn, nhất định kháng chiến được mấy năm, đến thắng lợi”24. Cùng ngày, đến thăm trường Hàng Than, Bác ghi vào Sổ Vàng: “Thầy siêng năng/ Trò siêng học/ Thế là tốt lắm”25.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 458-460.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 207.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 207.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 80-81.
5,6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 131-132.
7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 487.
8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 161.
9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 316.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 83.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 165.
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 430-431.
13. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 361.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 680.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 407-408.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 20-21.
17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 527.
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t, 6, tr. 341.
19. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 372.
20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 53-54.
21,22,23. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 91, 88-89, 84-86.
2 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 434.
25. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 363.

Bài viết khác: