Ngày 24-11
“Các nhà văn hóa hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”
Ngày 24-11-1940, trên Tờ Cứu Vong Nhật Báo, Nguyễn Ái Quốc viết bài báo “Chú ếch và con bò” mượn câu chuyện ngụ ngôn của La Phôngten (La Fontaine) để bình luận về tình hình thế giới. Bài báo viết: “Những người như kiểu chú ếch kia trên thế giới này quả không ít. Mútxôlini đánh Hy Lạp, dẫm phải đinh, là một ví dụ”(135), muốn bắt chước Hítle nhanh chóng chiếm được nhiều nước “Thế là y cũng đem hết sức bình sinh ra làm “chiến tranh chớp nhoáng, hòng nuốt chửng nước Hy Lạp, đặng ra oai với họ Hít. Không ngờ quân Ý xúi quẩy to, kể từ khi khai chiến, nhiều phen bị thất bại, thậm chí có nơi thua “mảnh giáp không còn”. Ảo tưởng thắng lợi của họ Mút cũng vỡ toang như chú ếch kia”(136).
Ngày 24-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện cho Việt Minh cùng với các vị Nguyễn Hải Thần đại diện Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội (Việt Cách) và Vũ Hồng Khanh, đại diện cho Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) ký văn bản cam kết nguyên tắc chung tối cao với những điều khoản: “1. Thành lập một Chính phủ nhất trí... 2. Định rõ chính cương, chính sách, phát biểu tuyên ngôn liên hợp... 3. Hết thảy quân đội phải thuộc về quốc gia... 4. Chỉ nói đến sinh tồn của quốc gia chứ không được nói đến những sự tranh giành của đảng phái... 5. Triệu khai hội nghị quân sự... 6. Quyết không đổ máu giữa người Việt Nam với người Việt Nam. 7. Kiên quyết hủy diệt các xí đồ (âm mưu) thực dân của đế quốc Pháp để tranh lấy sự độc lập hoàn toàn của Việt Nam”(137).
Ngày 24-11-1946, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Bác nêu rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập... Nhi đồng Việt Nam đang tiến bộ nhiều về văn hóa… Tôi xin thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam kêu gọi các nhà hoạt động văn hóa hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng”(138).
Ngày 24-11-1954, trên Báo Nhân Dân, Bác viết bài “Việc nhỏ ý nghĩa lớn” hoan nghênh việc các báo ở Thủ đô mới giải phóng đã đăng tin nêu gương người tốt việc tốt và đưa ra yêu cầu “cần khen thưởng đúng mức để động viên mọi người hăng hái làm việc ích nước lợi nhà”(139).
Ngày 24-11-1965, Bác gửi thư mừng Tạp chí “Học tập” - cơ quan lý luận của Đảng, nhân kỷ niệm 10 năm ra mắt. Thư có đoạn: “Làm cách mạng mà không có lý luận cách mạng thì chẳng khác gì người đi đêm. Cán bộ của Đảng ở các ngành, các cấp đều phải học tập lý luận và tham gia công tác lý luận”(140) và căn dặn bài viết phải giản dị, dễ hiểu, văn phải viết theo “lối Việt Nam”, không dùng quá nhiều từ nước ngoài...
Ngày 24-11-1966, Bác viết “Thư chúc mừng Đại hội GANEFO Châu Á lần thứ Nhất” tổ chức tại Phnompenh (Campuchia) khẳng định: “Đây là cuộc gặp gỡ lớn để các lực lượng mới trỗi dậy ở châu Á tỏ rõ cho toàn thế giới thấy khả năng phong phú của mình trong lĩnh vực thể thao. Đây cũng là một dịp để nhân dân châu Á tỏ rõ quyết tâm đoàn kết chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân đứng đầu là đế quốc Mỹ và đấu tranh cho hòa bình và độc lập dân tộc”(141).
Ngày 25-11
“Giáo dục nhi đồng là một khoa học”
Ngày 25-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện tại Đại hội Xứ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Bắc bộ, trong đó vạch rõ những nhiệm vụ của thanh niên lúc này và cũng thẳng thắn phê bình: “Trong tổ chức thanh niên vẫn còn giữ một xu hướng chật hẹp, không bao bọc được nhiều giai tầng, không kéo được đại đa số thanh niên... gạt các chị em ra ngoài, tổ chức thanh niên có khác gì đi có một chân”(142). Và Bác đưa ra khẩu hiệu đối với thanh niên là “làm, phải cho thắng, nhất định không cho bại”(143).
Cùng ngày, Bác tiếp đại diện tổ chức Hướng đạo sinh Việt Nam. Hồi ức của Giáo sư Lê Duy Thước viết: Bác ngồi làm việc ở tầng hai Bắc Bộ phủ... Da mặt xanh xao, Bác vừa bị sốt rét ở Tân Trào về. Bác nhìn ra cửa thấy anh em chúng tôi đang thập thò chờ, Bác đứng dậy bảo anh em đi theo Bác sang phòng bên cạnh. Bác ngồi trên ghế, chìa cánh tay trái gầy gò cho bác sĩ tiêm thuốc rồi hướng về phía anh em chúng tôi Bác nói vắn tắt hoan hô anh em Hướng đạo đến thăm Bác. Anh em về lo giết giặc đói, giết giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.
Tháng 11-1949, Bác viết “Thư gửi Hội nghị Cán bộ Nông dân Cứu quốc toàn quốc”, nêu rõ: “Nước ta là một nước nông nghiệp. Hơn 9 phần 10 dân ta là nông dân... Nói tóm lại, nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh... Vận động nông dân là phải vận thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: Làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình... Muốn như thế thì cán bộ nông dân phải tránh bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh giấy tờ. Cán bộ tỉnh phải đến tận các huyện, các xã. Cán bộ huyện phải đến tận các xã, các thôn. Cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ”(144).
Cũng trong tháng 11-1949, Bác viết “Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng”, nêu rõ: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm nên tránh). Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội, chúng đều vui đều học… Ngày nay chúng là nhi đồng, 11 năm sau chúng sẽ là công dân... Giáo dục nhi đồng là một khoa học”(145).
Tháng 11-1965, nói chuyện với 450 đại biểu dự Đại hội “Ba sẵn sàng” của Thanh niên Hà Nội, Bác căn dặn: “Phong trào “Ba sẵn sàng” đó có thành tích khá, nhưng phải khiêm tốn, chớ phô trương, hình thức... Bác nhắc các cháu phải đẩy mạnh thi đua giữa địa phương này với địa phương khác, ngành này với ngành khác, cơ quan này với cơ quan khác để học tập lẫn nhau và cùng nhau tiến bộ..."(146)
Ngày 26-11
“Thủy lợi càng tốt, dân càng ấm no”
Ngày 26-11-1953, trong bài trả lời của chủ bút tờ báo Thụy Điển “Expressen”, khi được hỏi: “Nếu một nước trung lập đứng ra dàn xếp để những đại biểu của tư lệnh đối phương được gặp Cụ thì Cụ có nhận không?”(147), Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp”(148). Thông điệp quan trọng này đã khởi động cho tiến trình dẫn đến Hội nghị Giơnevơ.
Cùng ngày, trong bài báo “Tích cực và nóng nảy” đăng trên Báo Nhân Dân, Bác phân tích: “Tích cực là gắn liền khí khái cách mạng với tinh thần thực tế. Tích cực thì mọi việc đều thành công. Nóng nảy là một thứ bệnh tiểu tư sản, làm việc mà nóng nảy thì nhất định thất bại”, và kết bằng hai câu thơ: “Tích cực, thì sẽ thành công,/ Nóng nảy, kết quả sẽ không ra gì”(149).
Ngày 26-11-1954, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác “Nhờ ai ta có hòa bình?” nêu rõ: “Chính nghĩa thắng lợi, hòa bình trở lại, là nhờ toàn dân ta đoàn kết, toàn quân ta anh hùng. Đồng thời nhờ lực lượng hòa bình thế giới ủng hộ ta. Nhưng cũng nhờ những chiến sĩ anh hùng đó vui lòng chết để cho Tổ quốc sống, nhân dân sống... và trăm nghìn anh hùng, liệt sỹ khác đã ung dung làm những việc “Trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc”. Người tuy chết, nhưng tiếng thơm lưu truyền mãi với non sông. Chúng ta cần ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy, để giáo dục nhân dân ta chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, quyết tâm làm trọn nhiệm vụ xây dựng lại nước nhà. Để giáo dục thanh niên... Vậy có thơ rằng: Nhờ ai ta có hòa bình?/Nhờ người chiến sĩ quên mình vì dân”(150).
Ngày 26-11-1959, tham dự Hội nghị Trung ương bàn về đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Bác phát biểu ý kiến lưu ý: “Có cải thiện đời sống nhân dân thì đấu tranh thống nhất nước nhà mới thắng lợi”(151).
Ngày 26-11-1962, Bác dự họp Bộ Chính trị bàn về thu chi tài chính năm 1963 và phát biểu: “Mấy năm nay ta vừa làm vừa học. Điều rất tốt là ta đã thấy được khuyết điểm, thấy được các mặt không cân đối, thấy được sự lãng phí sức người sức của. Nhưng thấy được bệnh rồi, mấy người thầy thuốc phải ngồi lại tìm đơn thuốc mà chữa, chứ cứ nói mãi mà chắp chắp vá vá thì không được. Cần có một số đồng chí cương quyết tìm ra bài thuốc cho bệnh, tìm ra được rồi thì phải cắt thuốc, không thì năm nào cũng nói đi nói lại mãi. Kết quả lớn là thấy được khuyết điểm, nhưng kết quả lớn hơn nữa là phải chữa cho được. Đề nghị Bộ Chính trị cử một số đồng chí ngồi lại, cần thì sáu tháng, hàng tuần dành hẳn mấy ngày làm việc để nghiên cứu tìm ra thuốc đó, phải định những chính sách gì, những kỷ luật gì, đều phải xem xét chu đáo”(152).
Ngày 26-11-1963, Báo Nhân Dân đăng bài “Cần phải tổ chức ngay đội thủy lợi”. Trong đó, Bác đưa ra quan điểm: “Muốn cho nhân dân ăn no, thì phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Muốn phát triển tốt nông nghiệp thì phải làm tốt thủy lợi”(153) và kết thúc bằng lời thơ động viên:
“Đêm trăng đưa nước tưới đồng,
Một tấc nước bạc là trăm bông lúa vàng.
Đội thủy lợi phải sẵn sàng,
Thủy lợi càng tốt, dân càng ấm no”(154).
Ngày 27- 11
“Tuyệt đối không vì thắng lợi mà kiêu căng”
Ngày 27-11-1945, trước những âm mưu ly gián giữa người Việt và người Hoa xuất hiện trong xã hội có thể tạo nên những kẽ hở để kẻ thù lợi dụng gây chia rẽ đoàn kết, Bác đưa ra lời kêu gọi “Hoa - Việt tinh thành đoàn kết” được đăng trên Báo Cứu Quốc: “Ngoài công việc ủng hộ kháng chiến ở Nam, giúp giải quyết nạn đói ở Bắc, sắp sẵn cuộc đại tuyển cử khắp các nơi, các bạn lại có một nhiệm vụ rất quan trọng nữa. Đó là giúp sức để hoàn toàn thực hiện chính sách đối với Hoa kiều... Chúng ta phải tìm mọi phương pháp để gây nên phong trào Hoa - Việt tinh thành hợp tác”(155).
Cùng ngày, dự cuộc họp của Hội đồng Chính phủ bàn các vấn đề: Tiếp tế gạo, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và công tác ngoại giao, Bác phát biểu: “Ta cầm quyền trong lúc khó khăn: Có người Tàu, người Tây, người Nhật, lại thêm nạn đói, các bộ thiếu liên lạc, Chính phủ thiếu kế hoạch chung. Vấn đề dùng người khó, tuy rằng ta rất rộng”(156). Trong các sắc lệnh Chủ tịch nước ký trong ngày, có sắc lệnh số 223 ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và tài sản công cộng.
Ngày 27-11-1946, Bác ra “Lời kêu gọi đồng bào nông dân thành lập nghĩa thương” (một loại quỹ truyền thống của nông dân góp thóc để cứu đói cho cộng đồng) nêu lên 4 điều lợi: “1. Để dành thì mình khỏi lo đói; 2. Để dành không mất đi đâu mà lại có lãi; 3. Để dành đã ích riêng cho mình, lại ích chung cho đồng bào; 4. Chỉ để dành một năm mà cả đời khỏi lo đói”(157).
Ngày 27-11-1950, Báo Sự Thật đăng 4 bức thư Bác gửi “Đồng bào Hòa Bình”, “Đồng bào Lào Cai”, “Chiến sĩ và cán bộ Lào Cai” và “Chiến sĩ và cán bộ Hòa Bình”. Với các bức thư “gửi đồng bào” hai tỉnh, Bác căn dặn “1. Phải thực hành đại đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong mọi việc. 2. Phải thi đua tăng gia sản xuất cho mọi người được no ấm. 3. Phải ra sức giúp đỡ Chính phủ, ủng hộ bộ đội để góp phần vào công việc trường kỳ kháng chiến, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi”(158). Còn trong các bức thư gửi “các chiến sĩ và cán bộ” hai tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Bác yêu cầu những việc cần phải làm ngay như việc xét khen thưởng, tổng kết kinh nghiệm, canh phòng cẩn mật, giúp địa phương ổn định sản xuất, thi hành đại đoàn kết...
Cùng ngày, Báo Sự Thật đăng bài trả lời phỏng vấn báo chí của Bác sau Chiến thắng Biên giới: “Sau thắng lợi này, một điều mà quân và dân ta phải giữ là tuyệt đối không được vì thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch. Trái lại, chúng ta phải cố gắng hơn nữa, cẩn thận hơn nữa, kiên quyết hơn nữa...”(159); còn với những yếu kém, khuyết điểm, Bác yêu cầu: “Chúng ta cố gắng sửa chữa những khuyết điểm đó - mà việc này các báo chí phải gánh một phần trách nhiệm - thì thi đua ái quốc chắc sẽ có những thành tích tốt đẹp gấp bội”(160).
Ngày 27-11-1954, tại Thủ đô Hà Nội mới giải phóng, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về vấn đề đàm phán kinh tế với Pháp, Bác chỉ đạo: “Phải nắm vững là ta lấy kinh tế và văn hóa để làm chính trị. Nguyên tắc của ta là “có đi có lại”. Văn hóa “khoan hồng” hơn kinh tế. Kinh tế “khoan hồng” hơn chính trị...”(161).
Ngày 28-11
“Phải dùng thuốc đắng cay, đủ ngày mới khỏi bệnh”
Ngày 28-11-1926, Báo Thanh Niên xuất bản tại Quảng Châu đăng bài “Người An Nam ở Xiêm” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Là một người có nhiều năm hoạt động trong cộng đồng Việt kiều ở Xiêm (Thái Lan), tác giả phân tích thân phận của 3 vạn người Việt đó “lưu ly thất dở, tan cửa tan nhà, phải bỏ quê cha đất tổ, dạt ra đất khách quê người”(162). Nhưng bài báo cũng thẳng thắn phê phán một tập tính xấu có hại cho mục tiêu vận động đoàn kết cứu nước của cộng đồng này là: “Tình cảnh người mình như vậy đều là lưu lạc quê người, cứ kể bình thường thì người An Nam ở Xiêm trông thấy nhau nên thương yêu nhau, giúp nhau là phải, nào ngờ vẫn giữ lấy thói dã man nào lương giáo giết nhau, lợi hại tranh nhau, lừa đảo nhau, chém giết nhau đến nỗi đem nhau đi kiện cáo cho Xiêm, Lào sỉ nhục. Vì một tính không biết đoàn thể, đã đến nỗi bỏ nước mà đi, lại còn vẫn không giác ngộ thế thì còn trách người Xiêm nó khinh, nó chửi. Nói ra thật đau lòng”(163).
Ngày 28-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ ấn định chính sách ngoại giao: “Với Pháp: Nguyên tắc của Chính phủ là: a) Nhất quyết đòi quyền độc lập; b) Chỉ có thể nhượng bộ ít nhiều về kinh tế, văn hóa… Với Trung Hoa: Cùng một nguyên tắc là không nhượng bộ về vấn đề độc lập của Việt Nam”(164).
Ngày 28-11-1948, Bác gửi thư tới cụ Lê Thước, một nhân sĩ và là Chủ tịch Ủy ban tăng gia sản xuất của tỉnh Thanh Hóa để giải thích ý nghĩa chính sách giảm tô của Chính phủ. Thư viết: “Giảm địa tô 25 % đã công bình và lợi cho cả điền chủ lẫn nông dân, thì không có lẽ gì mà sinh mối chia rẽ; càng không có lẽ gì mà các điền chủ lại chán nản, hoặc bỏ ruộng không cày. Lực lượng kháng chiến chống ngoại xâm, một phần là nhờ giới “hữu sản nông dân“, nhưng một phần lớn cũng nhờ giới trung nông và bần nông. Người có tiền giúp tiền, người có sức giúp sức - Thế là đại đoàn kết”(165). Cuối thư, Bác nhờ cụ Lê Thước giải thích cho các vị điền chủ nào hiểu chưa thấu đáo chính sách của Nhà nước.
Ngày 28-11-1954, Bác viết bài “Thầy thuốc nói” đăng trên Báo Nhân Dân hàm ý: “Trải qua 80 năm mất nước, 15 năm bị chiến tranh tàn phá, hậu quả về các mặt kinh tế, xã hội rất nặng nề. Cũng như nhiều nước khác, việc khôi phục kinh tế, xã hội phải có thời gian phấn đấu gian khổ, ví như việc chữa bệnh của thầy thuốc, phải dùng thuốc đắng cay, đủ ngày mới khỏi bệnh”(166).
Ngày 28-11-1959, Báo Nhân Dân đăng bài “Tết trồng cây”. Bắt nguồn từ mục tiêu lấy gỗ xây nhà cho nông dân, Bác phát động “Tết trồng cây” và mong muốn vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng sẽ khởi động cho một tập quán mới và xác định “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”(167).
Ngày 28-12-1965, Bác gửi thư khen ngợi quân dân Yên Bái có thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 của giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc nước ta.
Ngày 29-11
“Đánh Tây để giữ nước non Lạc Hồng”
Ngày 29-11-1923, trên Báo La Vie Ouvrière (Đời Sống Thợ Thuyền), đăng ba bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc. Trong bài “Chính sách thực dân Anh” tố cáo những tham vọng đế quốc: “Muốn chiếm cả Trung Quốc làm thuộc địa... trước sự đe dọa của chủ nghĩa tư bản Anh, những người con của Trung Quốc sẽ biết đoàn kết với nhau để phản kháng thắng lợi”(168). Trong bài “Phong trào công nhân”, tác giả nhận định về phong trào công nhân Trung Quốc: “Hiện nay những người thủy thủ, công nhân luyện kim, công nhân đường sắt là những lực lượng thật sự mà bọn tư bản buộc phải coi trọng”(169). Với bài có nhan đề “Nhật Bản” đưa ra nhận định: “Phong trào lúc đầu với tư cách là cuộc đấu tranh của lớp người riêng lẻ thì hiện nay đã trở thành cuộc đấu tranh giai cấp”(170).
Ngày 29-11-1940, trên Tờ Cứu vong nhật báo phát hành ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Hai Chính phủ Vécxây” để so sánh hai bối cảnh lịch sử của nước Pháp cách nhau 70 năm (1870 và 1940), Chính phủ Pháp đều bại trận và đẻ ra những chính phủ phản động của những “anh hùng bán nước!”(171). Bài báo phê phán Chính phủ Pháp đã đầu hàng chủ nghĩa phát xít ngay ở nước Pháp và thuộc địa Đông Dương.
Ngày 29-11-1951, với bút danh “C.B.” Bác viết hai bài báo đăng trên Báo Nhân Dân. Bài “Cả nhà kháng chiến” mở đầu bằng câu thơ:
“Con đi đi. Đi đi con,
Đánh Tây, để giữ nước non Lạc Hồng,
Bao giờ kháng chiến thành công,
Con về giúp mẹ vun trồng lúa khoai”.
Đại khái đó là lời bà cụ Nguyễn Thị Vĩnh dạy các con của bà cụ như thế... Bà cụ có 6 người con - 5 trai và 1 gái. Cả 6 người đều ở bộ đội... Bà cụ Vĩnh chẳng những là mẹ hiền của 6 chiến sĩ con cụ, mà còn là mẹ chung của cả các chiến sĩ Việt Nam… Và bà cụ thì xứng đáng là gương mẫu cho các bà mẹ Việt Nam”(172). Còn trong bài “Tinh thần kháng chiến của đồng bào Trại (Mán)” Bác kể lại “vài chuyện cảm động”(173) về những tấm gương ủng hộ kháng chiến và kết luận “Tinh thần hăng hái của đồng bào Trại thật đáng khen, đáng quý. Đó là một đặc điểm trong cuộc kháng chiến của ta. Đó cũng là một điểm chứng tỏ kháng chiến Việt Nam nhất định thắng lợi”(174).
Ngày 29-11-1954, dự họp của Bộ Chính trị nhận định tình hình và âm mưu của địch, Bác nêu một số ý kiến chỉ đạo: “Phải khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của địch... Phải có chính sách đúng, có quyết tâm và ý chí quyết chiến quyết thắng. Tránh tư tưởng chủ quan khinh địch, tư tưởng bi quan trước những thắng lợi tạm thời của địch. Đấu tranh khi lên, khi xuống là tự nhiên. Phương pháp phải kịp thời, sắc bén. Có lúc ta thoái lui, nhưng chủ động chiến đấu...”(175)..
Ngày 29-11-1963, Báo Nhân Dân đăng bài “Văn minh kiểu Mỹ”, trong đó, Bác vạch trần cái gọi là “văn minh kiểu Mỹ”, nhưng trong kết luận, bài báo viết: “Nhưng chúng ta không vơ đũa cả nắm. Cũng như nhân dân các nước khác, nhân dân Mỹ nói chung là những người cần cù, yêu chính nghĩa, chuộng hòa bình, chống chiến tranh... Cho nên, chúng ta kiên quyết chống đế quốc Mỹ nhưng chúng ta sẵn sàng lập quan hệ hữu nghị với nhân dân Mỹ để cùng nhau chống mọi tội ác, giữ gìn chính nghĩa và hòa bình cho loài người”(176).
Ngày 30-11
“Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”
Ngày 30-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về kỷ niệm ba tháng độc lập và việc ứng cử vào Quốc hội. Bác được phân công ứng cử tại Hà Nội.
Ngày 30-11-1948, trong bài “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay” đăng trên Báo Sự Thật, đề cập công tác kiểm tra, Bác viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi... Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích... Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy... Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”(177).
Ngày 30-11-1953, Bác viết bài “Chiến sĩ cầu đường” đăng trên Báo Cứu Quốc đưa ra quan điểm: “Bất kỳ việc gì, ở ngành nào, quần chúng đều có kinh nghiệm và nhiều sáng kiến quý báu. Cán bộ biết gần gũi quần chúng, biết lãnh đạo quần chúng thì công việc to lớn mấy, khó khăn mấy cũng thành công. Công việc cầu đường cũng vậy”(178).
Ngày 30-11-1954, nói chuyện với anh chị em công chức Thủ đô sau ngày tiếp quản, Bác căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta... Tôi chắc rằng đại đa số anh chị em đều muốn tiến bộ, cho nên nhiều người sẽ muốn học. Song các anh em phụ trách hướng dẫn cần phải chú ý: Làm thế nào cho việc học tập thiết thực, vui vẻ; không nên câu nệ, hình thức, tuyệt đối tránh cách nhồi sọ. Lý luận và thực hành phải đi đôi với nhau”(179).
Ngày 30-11-1964, Bác dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ và bảo vệ hòa bình, họp tại Hà Nội, Bác nhấn mạnh: “Hội nghị lịch sử này là kết tinh của mặt trận nhân dân toàn thế giới đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, nhất là đế quốc Mỹ... Mỗi thắng lợi của nhân dân thế giới là một thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Và mỗi thắng lợi của nhân dân Việt Nam cũng là một thắng lợi của nhân dân thế giới”(180).
Ngày 30-11-1968, Bác viết “Điện gửi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên” nhân chào mừng thắng lợi của Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ lần thứ hai của các lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên. Bức điện biểu dương: “Như vậy là quân và dân Tây Nguyên, già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Tôi tin chắc rằng Tây Nguyên nhất định cùng cả nước tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”(181)./.
Ban Biên tập
(135), (136). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 177.
(137). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 516-517.
(138). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 379.
(139). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 528.
(140). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 320-321.
(141). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 168.
(142), (143). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 106.
(144), (145). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 710-711, 712-713.
(146). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 620.
(147), (148). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 168-169.
(149), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 397-398.
(150). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 387.
(151). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 370.
(152). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 315.
(153), (154). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 177, 179.
(155). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 107-108.
(156). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 87.
(157). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 461.
(158), (159), (160). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 125-126, 617, 618.
(161). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 530.
(162), (163). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 455, 456.
(164). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 88.
(165). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 259.
(166). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 531.
(167). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 559.
(168), (169), (170). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 213, 216, 218.
(171). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 181.
(172), (173), (174). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 338, 339.
(175). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 531.
(176). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 466.
(177). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 520-521.
(178). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 399.
(179). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 392-393.
(180). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 344.
(181). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 414-415.