Chỉ mục bài viết

Ngày 06/11

“Khen chê phải đúng mức”.

Ngày 06/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Hội đồng Chính phủ bàn nhiều vấn đề quan trọng như soạn thảo Hiến pháp, kiểm tra việc phân phối gạo chống nạn đói và tổ chức tăng gia sản xuất.

Ngày 06/11/1946, Bác thăm trụ sở Đảng Dân chủ, một đảng phái yêu nước đã cộng tác đắc lực với Việt Minh trong thời kỳ vận động khởi nghĩa và thăm Tự vệ thành Hoàng Diệu là lực lượng bán vũ trang của nhân dân Thủ đô. Sau đó, cùng cụ Tôn Đức Thắng đi thăm “Phòng Nam bộ” một địa điểm phối hợp các hoạt động của các tầng lớp nhân dân ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ.

Tháng 11/1948, Bác gửi thư và áo lụa cho Cục trưởng Cục Quân chính Phan Tử Lăng (một cựu sĩ quan của chế độ cũ, giác ngộ theo cách mạng). Thư viết: “Áo lụa này do đồng bào biếu Bác, nay Bác tặng lại chú. Chúc chú đánh giặc giỏi và tiến bộ nữa”26.

Ngày 06/11/1950, kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Bác gửi điện mừng tới Nguyên soái Liên Xô Xtalin: “Nhân ngày Quốc khánh của quý quốc, một ngày vui mừng chung của tất cả nhân dân lao động trong thế giới, tôi kính thay mặt nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi lời sốt sắng chúc mừng Ngài và Chính phủ cùng nhân dân Xô Liên. Là thành trì của nhân loại mới và tiến bộ, chúng tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ngài và quý Chính phủ, nước Xã hội chủ nghĩa Liên Xô càng ngày càng cường thịnh, do đó mà hòa bình thế giới được bảo vệ, dân chủ được phát triển và các dân tộc nhược tiểu được mau chóng giải phóng”27.

Ngày 06/11/1962, dự họp Bộ Chính trị chỉ đạo Đại hội Văn nghệ, Bác đóng góp ý kiến về việc văn nghệ sĩ đi thực tế: “Đi, nhưng phải tự nguyện, không ép buộc. Đi, nhưng phải sống như người nông dân chứ đi theo kiểu làm khách là không được. Không để lao động quá sức, nhưng cũng nên thử để thấy người nông dân khổ như thế nào, khỏe như thế nào”28, về tình hình văn nghệ: “... Không có cách mạng, không có kháng chiến thì không có văn nghệ như bây giờ... Hướng dẫn khen, phê bình phải cho đúng đắn, có cái phải nghiêm khắc. Khen, chê phải đúng mức. Khen, nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục... Văn chương phải hùng hồn, tình cảm phải sâu sắc, lý lẽ cho đích xác…”29.

Ngày 06/11/1967, Bác gửi điện cảm ơn nhân dịp Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Huân chương Lênin, nhưng bày tỏ ý nguyện: “Lúc này, giặc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Tổ quốc Việt Nam chúng tôi. Chúng đang giết hại một cách cực kỳ dã man hàng vạn đồng bào tôi ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước. Trong lúc đó, riêng tôi lại được hưởng vinh dự đặc biệt to lớn và nhận Huân chương Lênin thì lòng tôi không yên chút nào. Vì lẽ đó, tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng xin các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại. Kính gửi các đồng chí lời chào cộng sản”30.

Ngày 07/11

"Cuộc cách mạng đã mở ra một thời đại mới”.

Ngày 07/11/1939, Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh Hồ Quang rời Quý Dương thủ phủ tỉnh Quý Châu đến Trùng Khánh, đại bản doanh của Chính phủ Quốc dân đảng để nắm bắt và đối phó với chính sách của Trung Hoa Quốc dân đảng đối với Đông Dương.

Ngày 07/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ và tiếp đoàn đại biểu “Công giáo Cứu quốc” đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc của tổ chức này sẽ họp tại Phát Diệm.

Ngày 07/11/1946, trên Báo Cứu Quốc, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ, Bác “Thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi”: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ đó, và tôi nhận con các liệt sỹ làm con nuôi của tôi”31. Cùng ngày, Bác tham gia “Lễ Mùa Đông binh sỹ” do Hội Liên hiệp Quốc dân tổ chức nhằm huy động toàn dân chăm lo lực lượng vũ trang của quốc gia.

Tháng 11/1953, trả lời một nhà báo Thụy Điển nhân Quốc hội Pháp đưa ra khả năng dàn xếp hòa bình với Việt Nam, Bác đưa ra thông điệp: “Đó là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, song nước trung lập nào muốn hòa giải phải dựa trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng và chủ quyền của Việt Nam”32.

Ngày 07/11/1954, tại buổi chiêu đãi do Sứ quán Liên Xô tổ chức tại Hà Nội mới giải phóng, Bác khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười đã mở đường giải phóng cho giai cấp lao động và cho các dân tộc bị áp bức khắp thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã soi sáng cho họ một tương lai vẻ vang, hòa bình và hạnh phúc, không có người bóc lột người, không có dân tộc này áp bức dân tộc khác... Nhân dân Việt Nam cực kỳ yêu chuộng hòa bình, bởi vì cần có hòa bình để xây dựng nước nhà, cần có hòa bình để khôi phục và mở mang kinh tế và văn hóa, làm cho mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc, áo ấm, cơm no”33.

Ngày 07/11/1960 và 1961, Bác đều có mặt tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva để cùng nhân dân Liên Xô tham dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Ngày 07/11/1962, trong bài viết “45 năm đấu tranh anh dũng, 45 năm thắng lợi vẻ vang” gửi cho báo “Pravda” (Sự Thật) của Liên Xô, Bác nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại “đã mở một thời đại mới của lịch sử loài người, thời đại công nông đấu tranh giành quyền làm chủ vận mạng của mình; thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành lấy tự do độc lập; thời đại thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc; thời đại suy sụp và tan rã của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; thời đại mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã thành lý trí và lương tâm của mọi người tiến bộ trên thế giới”34.

Ngày 07/11/1967, Bác gửi thư khen ngợi quân và dân Hà Nội lập công xuất sắc bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.500 của Mỹ trên bầu trời miền Bắc, coi đó là thành tích thiết thực kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười.

Ngày 07/11/1968, Bác dự cuộc họp của Bộ Chính trị về việc đấu tranh ngoại giao sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ và nhấn mạnh “phải nghiên cứu kỹ sức ta thế nào và phải đánh cho tốt”35.

Ngày 08/11

“Hải quân ta đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc”.

Ngày 08/11/1945, trong lời “Hô hào nhân dân chống nạn đói” đăng trên Báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm, ta nhất định thành công, vì đồng bào ta ai cũng sẵn lòng hăng hái... Các bạn phải có sáng kiến để tìm ra cách làm được việc mà không mất lòng dân. Nhất là đối với chữ CẦN, chữ KIỆM, chữ HY SINH, chữ CÔNG BẰNG thì các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”36.

Ngày 08/11/1946, Bác viết bài “Địa thế” dựa theo “Binh pháp Tôn Tử” đăng trên Báo Cứu Quốc, nhấn mạnh: “Ở vào mỗi địa thế, phương pháp dụng binh mỗi khác. Nếu không tuỳ từng địa thế để thay đổi phương pháp, đánh trận không thể thắng được... Có phân biệt được địa thế mới biết áp dụng phương pháp đánh trận một cách có hiệu quả”37.

Cùng ngày, Bác tiếp đại biểu nhiều đoàn thể, với Liên đoàn Giáo giới, Bác chia sẻ: “Không riêng gì ở nước ta, mà ở các nước khác cũng vậy, hình như sự không đủ ăn là số phận chung của các giáo viên. Khi nào nền tài chính dồi dào, Chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ tầng dưới đến tầng trên, lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho Tổ quốc”38.

Ngày 08/11/1958, đến thăm Nhà máy Điện Hà Nội, Bác căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt. Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng, phải có thái độ làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp”39.

Ngày 08/11/1962, trong bài viết “Một thắng lợi mới” trên Báo Nhân Dân, Bác biểu dương thành tích giáo dục của tỉnh Lào Cai từ chỗ 99% đồng bào Mông mù chữ, nay đã có chữ viết riêng, nhiều người đến lớp và có đội ngũ khá đông giáo viên dạy tiếng dân tộc.

Ngày 08/11/1965, kỷ niệm 10 năm thành lập Binh chủng Hải quân, Bác gửi thư chúc mừng: “... Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”40.

Ngày 08/11/1966, Báo Nhân Dân đăng “Thư trả lời một công dân Mỹ”, Bác viết: “Tôi rất cảm động khi đọc thư ông. Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam đã gây nên những tội ác hết sức dã man đối với nhân dân nước chúng tôi. Chúng đã bôi nhọ danh dự nước Mỹ và làm cho nhân dân Mỹ phải chịu nhiều tổn thất nặng nề. Tôi rất hiểu nỗi đau buồn của ông cũng như của nhân dân lương thiện Mỹ... Nhân dân Mỹ có truyền thống yêu chuộng công lý, tự do và hòa bình. Nhân dân Việt Nam rất quý trọng nhân dân Mỹ, muốn đoàn kết với nhân dân Mỹ đang đấu tranh cho các quyền dân chủ và chống chiến tranh xâm lược Việt Nam”41.

Ngày 08/11/1968, trong điện mừng Quốc khánh gửi Quốc trưởng Campuchia N.Xihanúc, Bác khẳng định: “Chính sách trước sau như một của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tôn trọng độc lập, chủ quyền, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ Vương quốc Campuchia trong biên giới hiện tại”42.

Ngày 09/11

“Bản Hiến pháp đầu tiên của nước nhà”.

Ngày 09/11/1920, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đã tham dự một cuộc mít tinh do Đảng Xã hội tổ chức để kỷ niệm 3 năm Ngày thành lập nước Nga Xô viết.

Ngày 09/11/1923, báo “La Vie Ouvrière” (Đời sống Thợ thuyền) đăng 3 bài báo của cùng một tác giả là Nguyễn Ái Quốc. Bài “Chính sách thực dân Anh”, bài “Phong trào công nhân” và bài “Nhật Bản”, cho thấy mối quan tâm của nhà cách mạng Việt Nam đối với phong trào vô sản quốc tế.

Ngày 09/11/1946, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự kiện đã thông qua Hiến pháp: Đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa... Hiến pháp đã tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đã tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đã tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”43. Cùng ngày, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi bức điện mừng đầu tiên tới Chính phủ Liên Xô chúc mừng kỷ niệm lần thứ 29 ngày Cách mạng Tháng Mười Nga.

Ngày 09/11/1949, trong thư gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng, Bác viết: “Gặp hoàn cảnh khó khăn hơn, kẻ địch mạnh hơn, mà tổ tiên ta, với sự lãnh đạo của ông Trần Quốc Tuấn, đã đánh thắng nhà Nguyên, đã để lại cho chúng ta một nước tự do, độc lập. Thì ngày nay, chúng ta quyết noi theo tinh thần quật khởi ấy, quyết đánh tan giặc Pháp, quyết tranh lại thống nhất và độc lập thực sự cho Tổ quốc ta...”44. Bác còn căn dặn: “Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng...”45.

Ngày 09/11/1950, từ Chiến khu Việt Bắc, Bác gửi điện cho dòng họ “Nguyễn Sinh” sau khi nhận được tin anh trai là ông Nguyễn Sinh Khiêm đã qua đời tại quê nhà. Toàn văn bức điện viết: “Gửi họ Nguyễn Sinh. Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội “bất đệ” trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”46.

Ngày 09/11/1964, đến thăm Trung đoàn Không quân 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ) bảo vệ bầu trời Thủ đô, Bác huấn thị: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú... Nghệ thuật đánh địch của Việt Nam rất độc đáo. Vũ khí trong tay người Việt Nam dù thô sơ cũng giành được hiệu suất cao. Phải phát huy cách đánh truyền thống của ta. Không ngại không quân địch hiện đại. Hãy bắt chước chiến sỹ, đồng bào miền Nam, nắm thắt lưng địch mà đánh”47.

Ngày 10/11

“Quyết rỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho sự tự do”.

Ngày 10/11/1945, dự “Ngày Phụ nữ ủng hộ Nam bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vàng cho bà Vương Thị Lai (hiệu Lợi Quyền) là người đi đầu cuộc vận động quyên góp trong “Tuần lễ Vàng”. Bác biểu dương: “Bà Vương Thị Lai là đại biểu của lòng hăng hái và hy sinh cho tất cả phụ nữ Việt Nam”48 và còn gửi một tấm chân dung của mình tặng cho ông Nguyễn Sơn Hà ở Hải Phòng là người quyên góp nhiều thứ hai cho Quỹ Quốc phòng.

Tháng 11/1945, trong điện mừng lãnh tụ các đảng phái vừa giành được thắng lợi trong cuộc tuyển cử ở Pháp, Bác khẳng định lập trường: “Tôi lấy làm tiếc rằng, trong tình thế này, Chính phủ Pháp còn muốn khuyến khích bọn thực dân nhờ quân đội Anh giúp sức, gây nên những cuộc đổ máu tại Nam Bộ Đông Dương và tàn sát lương dân để mưu đặt lại sự đô hộ Pháp. Nhân danh cho những lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái, khẩu hiệu của nước Pháp Cộng hòa và nhân danh chính sách hòa bình của Liên hợp quốc, tôi kêu gọi các ngài và xin các ngài xét đoán đến những hành động bất công ấy... Nếu nước Pháp chịu thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, dân chúng Việt Nam sẽ hết sức hòa hảo với nước Pháp. Trái lại thế, dân chúng Việt Nam quyết rỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho sự tự do”49.

Ngày 10/11/1946, đến thăm chùa Thầy gần Hà Nội, hỏi thăm nhân dân và được biết năm nay được mùa, Bác căn dặn: “Lúa tốt thì dân được no. Nhưng phải biết tiết kiệm. Trước đây ta mất nước nên bị mù chữ, bây giờ nước nhà độc lập, dân phải lo học hành và phải nhớ đoàn kết, đại đoàn kết, sản xuất tốt, công tác tốt và bảo vệ thắng cảnh”50. Cùng ngày, Bác dự “Ngày Thanh niên quốc tế” và phát biểu: “Trong thanh niên còn có rất nhiều người yếu ớt, cán bộ, học sinh của Trường thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khỏe, phải phổ thông hóa, đại chúng hóa, dân chủ hóa thể dục”51.

Ngày 10/11/1947, Bác viết “Thư gửi ông Giám đốc và toàn thể nam nữ giáo viên Bình dân học vụ Khu III” khen ngợi tỉnh Hải Dương có 6 làng toàn dân biết chữ, “đồng thời tôi mong rằng các lớp bình dân học vụ chẳng những dạy cho đồng bào học chữ, làm tính mà dạy thêm về công cuộc kháng chiến, cứu nước, tăng gia sản xuất, giúp mùa đông binh sĩ, giúp đồng bào tản cư, khoa học thường thức”52.

Ngày 10/11/1949, Bác viết “Thư khen các nhân viên và cơ quan quân, dân, chính đã đánh thắng giặc lụt”: “Đó là một thắng lợi bộ phận trong thắng lợi chung của toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến... Với sức đoàn kết và thi đua, chúng ta đã đánh thắng giặc lụt, thì cũng với sức đoàn kết và thi đua, chúng ta quyết đánh tan giặc thực dân”53.

Ngày 10/11/1951, Bác viết “Thư gửi đồng bào và bộ đội Tả ngạn Liên khu III” biểu dương những trận đánh chống càn thắng lợi và nhắc nhở: “Trường kỳ kháng chiến nhất định gian khổ và nhất định thắng lợi... Cán bộ và bộ đội nhất định phải đi sát với nhân dân vì lực lượng của nhân dân là vô cùng mạnh mẽ... Chúng ta quyết chiến quyết thắng, nhưng tuyệt đối không được chủ quan khinh địch...”54.

Ngày 10/11/1968, Bác nghe các đồng chí Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo và được mời lưu lại dùng cơm với Bác.

Ban Biên tập (tổng hợp)
Còn nữa

Chú thích:

26. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 261.
27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 113.
28, 29. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 304.
30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 312-313.
31. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 435.
32. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 388.
33. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 375-376.
34. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 635.
35. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 273.
36,37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 94, 436.
38 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 365.
39. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 261.
40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 486.
41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 162.
42. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 410.
43. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 440.
44,45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 707, 708.
46 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 114.
47 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 9, tr. 141.
48. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 72.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 97-98.
50,51. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 367-368.
52,53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 307, 709.
54. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6. tr. 329-330.

Bài viết khác: