Chỉ mục bài viết

 

Ngày 18-11

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”

Ngày 18-11-1939, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Hồ Quang trở lại Quý Dương (Trung Quốc), một lần nữa tìm cách liên hệ với các đồng chí từ trong nước sang và tìm đường trở về Tổ quốc.

Ngày 18-11-1942, trên đường bị giải từ Nam Ninh tới huyện Vũ Minh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm bài thơ “Giải vãng Vũ Minh” (Giải đi Vũ Minh - bản dịch của Văn Trực và Văn Phụng):

“Đã giải đến Nam Ninh,

Lại giải về Vũ Minh;

Giải đi quanh quẹo mãi,

Kéo dài cả hành trình.

Bất bình!”(101).

Khoảng giữa tháng 11-1943, để thâm nhập vào phong trào người Việt ở hải ngoại nhằm ứng phó với ý đồ “Hoa quân nhập Việt”, lại được Tư lệnh Đệ tứ Chiến khu của Trung Quốc Trương Phát Khuê ủng hộ, Hồ Chí Minh nhận chức Phó Chủ tịch của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội do Nguyễn Hải Thần đứng đầu.

Ngày 18-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Nam Trung bộ và Tây Nguyên vừa ra Thủ đô và bày tỏ mối quan tâm của Chính phủ đối với miền Trung và cao nguyên. Cùng ngày, Bác gặp đại diện của Pháp để tìm giải pháp tháo gỡ những căng thẳng đang có nguy cơ bùng nổ chiến tranh.

Tháng 11-1950, nhân dịp nhà báo Lêô Phighe (Leo Fiueres), đại diện Đảng Cộng sản Pháp sang thăm vùng kháng chiến trở về nước, Bác viết “Thư gửi các bà mẹ và vợ Pháp có con và chồng chết trận ở Việt Nam” thông báo chủ trương nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với phần mộ của những binh sĩ Pháp chết trận tại Việt Nam là “chúng tôi tự coi có bổn phận thiêng liêng phải giữ gìn nguyên vẹn để sau này, khi chiến tranh chấm dứt, các bà có thể mang hài cốt của chồng con mình về quê cha đất tổ”(102) và “mong rằng có thể làm dịu nhiều những nỗi đau khổ của các bà”(103).

Ngày 18-11-1954, trả lời phỏng vấn của báo Pháp “Regards” (Nhìn Xem) Bác khẳng định quan điểm “muốn lập lại quan hệ với Pháp về kinh tế, văn hóa nhưng bình đẳng, hai bên cùng có lợi và thân thiện”(104).

Ngày 18-11-1965, Bác tiếp hai vợ chồng nhà báo Anh Phêlích Gơrin để giải thích lập trường của Việt Nam trước đề nghị thương lượng của phía Mỹ và khẳng định lập trường: “Nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự... Luận điệu cho rằng miền Nam của Tổ quốc chúng tôi là “một nước láng giềng” riêng biệt với miền Bắc là một luận điệu gian trá. Cũng như nói rằng những bang ở phía Nam là một nước riêng biệt với những bang phía Bắc của Hoa Kỳ... Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Là đồng bào ruột thịt, nhân dân miền Bắc nhất định hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước, chống Mỹ của đồng bào miền Nam, cũng như nhân dân miền Nam hết lòng hết sức đấu tranh để góp phần bảo vệ miền Bắc của Tổ quốc mình... Cuộc chiến tranh xâm lược đó cũng đã bôi nhọ thanh danh nước Mỹ, xứ sở của Oasinhtơn và Linhcôn. Tôi muốn nói với nhân dân Mỹ ý chí của toàn dân Việt Nam kiên quyết chiến đấu chống bọn xâm lược Mỹ cho đến thắng lợi hoàn toàn. Nhưng đối với nhân dân Mỹ, chúng tôi tăng cường quan hệ hữu nghị”(105).

Cùng ngày, Bác cũng gửi thư cho hai nhân vật nổi tiếng là Bác sĩ Bengiamin Xpớc và Xtiuớt Hiugơ, Chủ tịch “Ủy ban Oasinhtơn đấu tranh cho một chính sách nguyên tử lành mạnh” để cảm ơn các lực lượng tiến bộ Mỹ tích cực đấu tranh chống chiến tranh và ủng hộ nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Ngày 19-11

“Tôi là người học trò nhỏ của nhà văn Tônxtôi vĩ đại”

Ngày 19-11-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Pari.

Ngày 19-11-1942, tại nơi giam giữ ở Vũ Minh (Trung Quốc), Hồ Chí Minh làm nhiều bài thơ, trong đó có bài “Trúc lộ phu” (Phu làm đường) nói lên tình cảnh của người tù. Theo bản dịch của Nam Trân: “Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,/ Phu đường vất vả lắm ai ơi!/ Ngựa xe, hành khách thường qua lại,/ Biết cảm ơn anh được mấy người?”(106) ...

Ngày 19-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và thỏa thuận với lãnh tụ của một số đảng phái khác nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết chống thực dân và ủng hộ đồng bào Nam bộ.

Ngày 19-11-1954, dự họp Bộ Chính trị, khi bàn về các vấn đề tiếp nhận viện trợ của các nước bạn, Bác dặn Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Riêng đối với Trung Quốc, nên xem những cái gì thật cần thiết, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở và khôi phục kinh tế thì ta hãy xin. Còn những thứ không cần thiết như đồ dùng cho văn nghệ, sinh hoạt… thì ta tự sắm lấy...”(107).

Cùng ngày, Báo Nhân Dân đăng bài “Nhân dân với Quân đội” của Bác, nhấn mạnh: “Quân đội ta là quân đội của nhân dân, cho nên nhân dân rất thương yêu quân đội... vì đồng bào muốn cho quân đội của mình gương mẫu về mọi mặt, không những chiến đấu dũng cảm, mà lại có thái độ nghiêm trang... Vậy rất mong các đồng chí chiến sĩ và cán bộ ta hết sức cẩn thận trong mọi cử chỉ, để cho thế giới đều thấy rằng “Quân đội Cụ Hồ có khác!”(108).

Ngày 19-11-1960, báo “Văn học Liên Xô” đăng bài báo của Bác: “Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào Nga L. N. Tônxtôi” với nội dung: “Xin kể chuyện tôi trở thành người học trò của nhà văn Nga vĩ đại như thế nào... Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi làm thợ sửa ảnh ở Pari. Hàng ngày tôi đi đến xưởng, chiều tối tôi tham gia các buổi họp của Đảng hoặc dự mít tinh của công nhân. Cuối ngày làm việc, tôi đọc vài trang tiểu thuyết để trau dồi tiếng Pháp và giải trí một chút. Một hôm, một bạn cùng nghề đưa cho tôi một cuốn truyện nhỏ của Tônxtôi... Cách viết của Tônxtôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu, làm tôi rất thích. Tuổi trẻ thường bồng bột, tôi nhảy vùng dậy khỏi giường mặc dù mùa Đông rất lạnh, nhất là trong căn phòng bé nhỏ của tôi lại không có lò sưởi. Tôi nói to: “Viết một cuốn truyện ngắn chẳng có gì là khó. Mình cũng có thể viết được”... Mỗi ngày tôi phải viết từ năm giờ đến sáu giờ rưỡi sáng, là vì bảy giờ tôi đã phải đi đến xưởng. Thường thường, ngón tay tôi tê cóng lại. Sau một tuần vất vả, tôi đã viết xong tác phẩm của mình... Các đồng chí nghĩ xem tôi vui mừng xiết bao, khi mấy ngày sau, mở xem báo buổi sáng, tôi thấy có đăng tác phẩm của tôi, tác phẩm yêu quý của tôi... các đồng chí có cho rằng tôi có quyền nói tôi là người học trò nhỏ của nhà văn vĩ đại Tônxtôi không?”(109).

Ngày 19-11-1966, báo “Nhân Dân” đăng “Điện gửi cụ Béctơrăng Rútxen”, nhà triết học người Anh và là người tổ chức Tòa án quốc tế, lên án tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Trong đó, Bác viết: “Sự lên án đã có tầm quan trọng quốc tế về mặt bảo vệ công lý và quyền tự quyết của các dân tộc. Tòa án sẽ góp phần thức tỉnh lương tri của nhân dân các nước chống đế quốc Mỹ..., nhân dân Việt Nam đánh giá cao và hết lòng ủng hộ sáng kiến cao quý của Cụ...”(110).

Ngày 20-11

“Kiến thiết cần phải có nhân tài”

Ngày 20-11-1921, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự cuộc họp của Chi bộ quận 17 Đảng Cộng sản Pháp, tại cuộc họp này, Nguyễn Ái Quốc được chuyển từ Chi bộ quận 13 sang quận 17, Pari.

Ngày 20-11-1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia dự thảo báo cáo của Tiểu ban Đông Dương thuộc Pháp trong Ban Nghiên cứu Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp và đưa ra đề nghị: “Công tác tuyên truyền này thực hiện: a) Bằng các báo chí xuất bản ở Pháp. b) Bằng diễn đàn của các Đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của nghị viện. c) Bằng các hội nghị. d) Bằng mọi phương thức thích hợp với đối tượng, với trình độ giáo dục và văn minh của quần chúng bản xứ ở các thuộc địa”(111). Văn bản cũng đòi hỏi công tác tuyên truyền cần được Đảng trực tiếp chỉ đạo.

Ngày 20-11-1926, từ Quảng Châu, bài báo thứ hai trong loạt bài: ”Các sự biến ở Trung Quốc của đặc phái viên của chúng tôi” được gửi về trong nước cho tờ “L’ Annam” đánh giá cao vai trò của Chính phủ Quảng Châu. Bài báo viết: “Thái độ của dân chúng các tỉnh rõ ràng là thuận lợi cho Chính phủ Quốc dân...”(112).

Ngày 20-11-1946, báo “Cứu Quốc” đăng bài “Tìm người tài đức” ký tên “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh” với nội dung: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”(113). Trong ngày, Bác ký Sắc lệnh bổ nhiệm nhiều cán bộ quân sự vào các cương vị quan trọng mà sau này họ đều trở thành những tướng lĩnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam như: Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Phan Phác.

Ngày 20-11-1958, Bác thăm Trường Cán bộ Công đoàn và căn dặn: “Muốn phát động quần chúng cho tốt thì trước hết cán bộ công đoàn phải gương mẫu, phải được phát động trước thì công nhân mới động... Phải tin vào sáng kiến và lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, nếu không thì phát mấy cũng không động”(114).

Vào trung tuần tháng 11-1964, Bác viết “Thư gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam”, bày tỏ: “Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời. Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng... Đồng bào ta sẵn có truyền thống anh hùng, không vì tai họa mà nản chí... sẽ ra sức cùng toàn thể nhân dân miền Nam kề vai sát cánh tiếp tục cuộc đấu tranh gian khổ và tất thắng để giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, Bắc Nam sum họp một nhà”(115).

Ngày 20-11-1967, Bác gửi thư khen và tặng Huy hiệu cho đơn vị nữ dân quân xã Hoằng Hải, Hoằng Trường, Thanh Hóa đã tham gia bắn rơi hai máy bay phản lực Mỹ.

Ngày 21-11

“Dân mình khắc cứu dân mình mới xong”

Ngày 21-11-1942, trên báo “Việt Nam Độc lập” đăng bài thơ “Trẻ chăn trâu” của Hồ Chí Minh nhằm vận động tinh thần yêu nước ngay đối với lớp người nhỏ tuổi:

“...Vì ai, ta chẳng ấm no?

Vì ai, ta đã phải lo cơ hàn?

Vì ai, cha mẹ nghèo nàn?

Vì ai, nhà cửa, giang san tan tành?

Vì ai, ngăn cấm học hành?

Vì ai, ta phải chịu vành dốt ngây?

Ấy là vì Nhật, vì Tây

Ra tay vơ vét, đọa đày chúng ta;…

Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây.

Anh em ta mới có ngày vinh hoa.

“Nhi đồng Cứu quốc” Hội ta,

Ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh.

Ấy là bộ phận Việt Minh,

Dân mình khắc cứu dân mình mới xong...”(116).

Ngày 21-11-1945, dự họp Hội đồng Chính phủ, đề cập vấn đề giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ta đã làm được nhiều việc về giáo dục, làm hơn hẳn người Pháp”(117) và yêu cầu cần phải tuyên truyền thành tựu này. Cùng ngày, nhân khai mạc Hội nghị Viễn Đông tại Oasinhtơn, người đứng đầu Nhà nước ta gửi điện cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo: “Nhân dân Việt Nam đang chiến đấu hơn một tháng nay bất chấp sự đàn áp đẫm máu của các toán quân Anh - Ấn, Pháp và Nhật Bản, đã tuyên bố nguyện vọng của họ là được sống trong tự do và độc lập, trong sự nghiệp xây dựng dân chủ. Nhân dân Việt Nam bày tỏ niềm hy vọng chân thành rằng tất cả các dân tộc tự do trên thế giới, đang thực hiện ý tưởng cao quý về lòng khoan dung và nhân đạo thể hiện trong diễn văn của Tổng thống Tơruman, sẽ công nhận nền độc lập của nước Cộng hòa Việt Nam và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột giết chóc ở Nam Việt Nam”(118).

Ngày 21-11-1946, Bác đến dự lễ khai giảng Trường Quân y khóa I tại Viện Giải phẫu Hà Nội với lời căn dặn: “Phải chăm lo học hành và gắng thực hiện 5 điều: HĂNG HÁI, HY SINH, BÁC ÁI, ĐOÀN KẾT, KỶ LUẬT”(119).

Ngày 21-11-1951, báo “Nhân Dân” đăng bài “Mỹ là tốt” ký bút danh là “Đ.X” trong đó Bác nhắc lại “Lần trước tôi viết: Mỹ là xấu, đó là Mỹ của bọn đế quốc. Lần này tôi viết Mỹ là tốt, tức là Mỹ của nhân dân”(120) khi bài báo đề cập việc nhân dân Mỹ kiên cường đấu tranh cho hòa bình.

Ngày 21-11-1953, trong “Thư gửi quân và dân Tây Bắc”, Bác động viên: “Kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Đồng bào, bộ đội và cán bộ ta ở Tây Bắc phải hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến để cùng đồng bào, bộ đội và cán bộ toàn quốc đánh đuổi giặc Tây, giặc Mỹ và tranh lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân”(121).

Ngày 21-11-1963, khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khoá III giữa lúc tình hình nội bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phức tạp, Bác xác định: Hội nghị này là Hội nghị đoàn kết quốc tế. Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của tờ “Akahata” (Cờ Đỏ) của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Bác tuyên bố: “Vấn đề miền Nam chỉ có một cách giải quyết là: Đế quốc Mỹ phải rút khỏi miền Nam để nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy công việc của mình, theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ”(122).

Ngày 22-11

“Hết sức tránh bệnh quan liêu, mệnh lệnh”

Ngày 22-11-1942, trong nhà tù của quân Tưởng, Hồ Chí Minh viết bài thơ “Tân Dương ngục trung hài”(Cháu bé trong ngục Tân Dương) xúc cảm về một cảnh ngộ thương tâm. Nhà thơ Nam Trân dịch:

“Oa...! Oa...! Oa...!

Cha sợ sung quân cứu nước nhà;

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,

Phải theo mẹ đến ở nhà pha”(123).

Ngày 22-11-1945, dự họp Hội đồng Chính phủ khi bàn về vấn đề tiếp tế gạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý tránh sơ hở để quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng lấy cớ đổ lỗi và khiêu khích. Cùng ngày, Bác ký Sắc lệnh về tổ chức và quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp.

Ngày 22-11-1946, Bác gửi thư cảm ơn ngành Đường sắt đã phục vụ chuyến tàu đặc biệt chở Chủ tịch nước từ Hải Phòng trở về Hà Nội an toàn, kết thúc chuyến đi thăm và làm việc tại Pháp.

Tháng 11-1950, Bác viết “Thư gửi các cán bộ Bắc Cạn” góp ý nhiều việc cần làm... Về “lề lối làm việc”, thư viết: “Mọi việc bất kỳ to nhỏ, phải có kế hoạch, phải bàn bạc kỹ. Phải giải thích cho dân hiểu rõ, sao cho dân vui vẻ thi đua làm. Hết sức tránh bệnh quan liêu, bệnh mệnh lệnh”(124). Về vấn đề “Giản chính, tinh cán”, Bác giải thích: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể cần phải triệt để giản chính. Đó là tiết kiệm sức người. Song đồng thời phải nâng cao năng suất công tác của mỗi người, mỗi cơ quan phải lựa chọn cán bộ, dùng cán bộ cho đúng - Thế gọi là tinh cán. Hai việc phải đi đôi với nhau”(125).

Cũng trong tháng 11-1950, Bác viết “Thư gửi toàn thể phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình” nêu rõ những nhiệm vụ trước mắt: “Chúng ta phải: Toàn dân đoàn kết chặt chẽ. Thi đua ủng hộ kháng chiến. Thi đua tăng gia sản xuất. Thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Chớ chủ quan khinh địch, phải cẩn thận đề phòng. Các cụ phụ lão và các vị thân sĩ thì xung phong hô hào. Cán bộ chính quyền, đoàn thể và bộ đội thì xung phong làm gương mẫu, gần gũi nhân dân, giúp đỡ nhân dân, học hỏi nhân dân, lãnh đạo nhân dân thực hành những nhiệm vụ nói trên”(126).

Ngày 22-11-1951, báo “Nhân Dân” đăng bài “Đẩy mạnh phong trào du kích” của Bác. Đây chính là “lời tựa cho bản dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật” của nhà văn Liên Xô Phêđôrốp” được kết luận bằng nhận định: “Ta sẵn có nền tảng nhân dân, chỉ cần củng cố thêm. Ta sẵn có cán bộ, chỉ cần đào tạo thêm. Ta sẵn có phong trào du kích, chỉ cần ra sức phát triển thêm. Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô sẽ giúp thêm chúng ta, và chúng ta nhất định thành công trong việc đẩy mạnh phong trào du kích”(127).

Ngày 22-11-1967, Bác yêu cầu Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Trần Hữu Dực truyền đạt ý kiến với lãnh đạo Hà Nội: “Phải tổ chức sơ tán nhân dân một cách khẩn trương, chu đáo và kiên trì. Chú trọng sơ tán triệt để khỏi các khu vực địch có thể đánh phá. Chú ý đi sát giải quyết những khó khăn trong đời sống, trong công ăn việc làm của đồng bào. Phải tổ chức các đoàn đi kiểm tra thăm hỏi ở các vùng có đồng bào sơ tán, cùng địa phương giúp đỡ nhân dân mau chóng ổn định đời sống. Phải hết sức hạn chế thương vong cho nhân dân, muốn vậy phải động viên đồng bào đào hầm đầy đủ,… Phải chú trọng phòng chống rét cho các cháu...”(128)

Ngày 23-11

“Noi gương oanh liệt của Khởi nghĩa Nam bộ”

Ngày 23-11-1945, trong buổi tiếp Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang về thăm Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận: “Trước khi nước ta được độc lập, các đồng bào trên đó ai nấy đã nhiệt tâm yêu nước, yêu nòi, gắng sức giúp anh em Việt Minh trong cuộc vận động giải phóng dân tộc rất nhiều... Bây giờ, nước ta được độc lập, tôi thay mặt đồng bào Kinh cảm ơn anh chị em. Tuy ta được độc lập, nhưng dân ta sẽ còn phải gặp rất nhiều nỗi khó khăn, còn phải hy sinh phấn đấu nhiều hơn nữa. Từ người giàu cho tới kẻ nghèo cần phải một lòng giữ vững nền độc lập... Tôi nhờ anh chị em về nói lại với đồng bào trên ấy biết rằng đồng bào Kinh và Chính phủ rất thương mến đồng bào Mán, Thổ, coi như anh chị em trong một nhà, và khuyên anh chị em gắng sức để đi tới thái bình để cùng hưởng chung”(129).

Cùng ngày, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, khi bàn về chương trình kinh tế, Bác nói: “Ngoại giao và kinh tế có ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu mình có một chương trình kinh tế có lợi cho người ngoại quốc, họ có thể giúp mình...”(130) và gửi thư cho Tổng thống Mỹ Tơruman yêu cầu “các cường quốc trên thế giới và các tổ chức cứu trợ quốc tế giúp đỡ ngay lập tức cho Việt Nam để qua được nạn đói”(131). Trong những sắc lệnh Bác ký trong ngày có 2 văn bản quan trọng. Đó là Sắc lệnh số 64 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt có quyền hạn giám sát các công chức nhà nước và lập một Tòa án đặc biệt để xét xử các đối tượng này. Ngoài ra, còn ký Sắc lệnh số 65 thiết lập “Đông Phương Bác Cổ học viện” để bảo tồn cổ tích.

Ngày 23-11-1946, vào thời điểm tình hình căng thẳng do những khiêu khích của thế lực thực dân, Báo Cứu Quốc đăng thư "Gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới” trong đó Bác đưa ra thông điệp: “... Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người... Máu Việt Nam và máu Pháp đã đổ nhiều rồi… Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập. Người Việt Nam và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc. Đó là ý nguyện rõ rệt của Việt Nam, mong người Pháp và toàn thế giới biết cho”(132).

Cùng ngày, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác đọc “Lời kêu gọi về việc quân Pháp lại gây hấn ở Hải Phòng” trong đó nêu rõ: “... Phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt. Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào phải trấn tĩnh, các bộ đội và tự vệ phải sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ tính mệnh, tài sản của ngoại kiều. Chính phủ luôn luôn đứng sát với toàn thể đồng bào để giữ gìn đất nước”(133).

Ngày 23-11-1951, kỷ niệm 10 năm ngày Khởi nghĩa Nam kỳ, Bác gửi thư tới đồng bào và chiến sĩ Nam bộ nhắc nhở: “Noi gương oanh liệt của Khởi nghĩa Nam bộ, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ và kháng chiến mạnh mẽ lên mãi để phá âm mưu của giặc: Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước giành độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc”(134)./.

Khánh Linh (Tổng hợp)

Chú thích:

101. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 362.
102,103. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 119.
104. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 526.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 545-550.
106. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 364.
107. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 526.
108. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 383-384.
109. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 228-229.
110. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 167.
111. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 441.
112. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 359.
113. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 451.
114. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 174.
115. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 342.
116. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 242.
117. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 80.
118,119. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 109, 456.
1 20 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 116.
121 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 166.
122. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 174.
123. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 369.
124. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 129.
125,126,127. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 129-130, 131, 336.
128. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 145.
129. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 103 - 104.
130. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 83.
131. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 84.
132,133. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 457-458, 459.
134. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 337.

Ban Biên tập

Bài viết khác: